BẢN CHẤT CỦA VIỆC CẦU CƠ
Đại sư Ấn Quang | Như Hòa chuyển ngữ
Cầu cơ đa phần là linh quỉ giả mạo tiên, Phật, thần, thánh. Con quỷ nào kém cỏi sẽ không có sức thần thông ấy. Quỷ nào khá hơn sẽ biết được tâm người. Vì thế nó có thể mượn đến tri thức và sự thông minh của con người. Ông Kỳ Văn Đạt bảo: “Cầu cơ đa phần là linh quỷ giả vờ. tôi và anh là Thản Nhiên[1] hầu cơ bút. Tôi làm được thơ nhưng viết chữ xấu. Khi tôi hầu cơ thì từ mẫn tiệp, chữ viết nguyệch ngoặc. Thản Nhiên hầu cơ thì từ tầm thường, chữ viết ngay ngắn, cứng cỏi. Quỷ giả mạo cổ nhân, hỏi đến những điều bí hiểm sâu kín trong những tác phẩm của cổ nhân, bèn bảo niên đại quá lâu, không còn nhớ được. Do vậy biết không phải thật”.
Sự linh thiêng của quỷ là, chỉ có thể mượn những gì tâm con người hiện đang biết, còn những gì được ghi nhớ trong thần thức, nhưng người hỏi hiện không biết, hoặc những nghĩa chính người hỏi hiện không biết thì quỷ chẳng thể nêu ra để chỉ dạy người. So với tha tâm thông của người “nghiệp tận tình không” thì khác hẳn một trời một vực, nhưng nhìn vào thì thấy tương tự, thật là không phải.
Tha tâm thông có nhiều thứ khác nhau. Nếu luận theo sự chứng đạo thì như ông Chú Am, hễ hỏi đến bất kỳ sách nào, liền có thể đọc được thông suốt hết thảy, không sai một chữ. Ông ta chưa hề đọc sách, sao lại làm được như thế? Ấy là do nghiệp tận, tình không, tâm sáng như gương. Lúc không ai hỏi, trong tâm một chữ cũng chẳng có. Đến khi ai hỏi, tức người ấy đã đem những gì chính mình từng đã đọc qua ra hỏi, người hỏi tuy đã lâu không nhớ, nhưng trong thức thứ tám[2] vẫn còn lưu giữ hình ảnh câu chữ ấy. Xem kinh Phật cũng giống như thế. Cổ nhân nói: “Nhất nhiễm thức thần, vĩnh vi đạo chủng”. Nghĩa là một phen lọt vào thần thức. Vĩnh viễn thành hạt giống đạo. Nên tin chắc điều này. Người kia vì vô minh che lấp, nên không hay biết. Còn Chú Am có tha tâm thông, nên thấy rõ ràng rành mạch những hình ảnh trong tâm thức của người kia. Vì thế hỏi đến liền đọc ra không sai sót.
Nếu người hỏi chưa từng đọc sách ấy, cũng có thể thấy trong tâm thức của người khác mà đọc ra. Đấy là dùng tâm người khác làm tâm mình. Không phải trong tâm người ấy ghi nhớ không quên rất nhiều kinh sách như thế.
Trong sách Tống Cao Tăng Truyện, có chép ngài Tăng Giam đến thọ trai nơi Vương Xử Hậu. Xử Hậu đọc ra văn chương thật đắc ý. Nhân đó Sư hỏi:
. Đang đọc những văn từ gì?
Xư Hậu đáp:
. Đó là bài văn đậu tiến sĩ cũa tôi.
Sư nói:
. Dưới mái hiên hóng gió, thong dong đến thế ư?
Liền lấy một tập sách ra bảo:
. Đây chẳng phải là bài văn sách của ông hay sao?
Xử Hậu đọc, thấy chính là nguyên bản bài văn xích khi trước, bèn nói:
. Bài này đã được gọt giũa[3].
Tăng Giam nói:
. Dĩ nhiên tôi biết nó không phải là bài văn sách gốc của ông.
Nhân đó, Xử Hậu liền hỏi:
. Trong bọc của Sư sao lại có bài văn sách này của tôi.
Tăng Giam đáp:
. Chẳng những chỉ có bài văn sách này. Phàm những gì ông đã đọc từ trước đến nay, thậm chí một nét, một vạch đùa bỡn, trong bọc của tôi đều có đủ hết.
Xử Hậu hoảng sợ, chẳng dám hỏi tới nữa.
Chú Am tuy có tha tâm thông nhưng chưa có thần thông. Tăng Giam vừa có tha tâm thông vừa có đại thần thông, có thể hiện những gì trong tâm thức người khác thành sách, hiện thành hình chất để chỉ bày cho người khác. Thật không phải trong bọc Sư có sẵn để lôi ra. Phàm phu không rõ, cho là thật kỳ đặc. Thật sự chỉ do nghiệp tiêu, huệ rạng, chướng tận trí viên mà thôi.
Vì sợ các ông bị mê hoặc bởi những lời giáng cơ, nên mới phải bất đắc dĩ nhắc đến chuyện này.
Gần đây, Thượng Hải rầm rộ mở đàn cầu cơ. Những gì cơ bút khai thị về sửa lỗi hướng thiện, tiểu luân hồi, tiểu nhân quả, đều có lợi ích cho thế đạo, nhân tâm. Còn như giảng về cõi trời, giảng về Phật pháp đúng là nói lằng nhằng. Chúng ta là đệ tử Phật, chẳng được bài xích pháp ấy, kẻo mắc lỗi chướng ngại người khác hướng thiện, nhưng cũng không được phụ họa, khen ngợi pháp ấy. Bởi những gì cơ bút giảng về Phật pháp, toàn là nói mò. Sợ rằng đến nỗi tạo thành tội làm hoặc loạn Phật pháp, làm lầm lạc chúng sinh.
Ấn Quang xưa nhiều ác nghiệp, đến đời này có mắt như mù, trọn chẳng dám thuận theo tình cảm mà không dựa vào lý, tự lầm, lầm người. Mong hãy châm chước giữa tình và lý mà hành mới không bị tệ hại.
Bài viết này được trích từ “Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao”. Như Hòa (Bửu Quang) chuyển dịch. Vì lấy phần cầu cơ làm chính, nên có sắp đặt lại thứ tự các đoạn văn để người đọc dễ theo dõi. Ngoài ra tất cả đều được giữ nguyên như bản dịch. Những chỗ nào thấy không hợp lý thì có sửa chữa, nhưng đều được ghi chú đầy đủ những gì thuộc bản dịch gốc.
[1] Pháp sư Hội Tánh nói: “Khi in Ấn Quang Văn Sao, tên ông này bị ghi sai, đúng ra là Thân Cư”.
[2] Bản dịch ghi: “Tám thức”. Ngoại trừ thức thứ tám, bảy thức còn lại không có khả năng lưu giữ.
[3] Nguyên văn: “Về sau tôi đã gọt giũa bài này”. Trái với ý ở câu sau, nên mạo muội sửa lại.
Discussion about this post