ẢNH HƯỞNG PHẬT GIÁO
TRONG LỄ TANG NGƯỜI VIỆT
Thích Hạnh Chơn
Trong một kiếp người, hầu
như ai cũng trải qua những lễ nghi được gọi là “quan, hôn, tang, tế”. Nếu như
“quan” có nghĩa là đánh dấu sự trưởng thành của người nam (theo tục xưa), thì
“tang” lại là sự kết thúc một kiếp người và thường biểu hiện qua sự sầu đau,
khổ não. Tôn giáo, dù nhất thần, đa thần hay thậm chí vô thần, đều ít nhiều
hướng dẫn các cách thức trợ giúp người ra đi và gia quyến của họ. Phật giáo,
khi mới thành lập, không hướng dẫn lễ cầu nguyện mà chỉ dạy cách trợ niệm cần
thiết để giúp người sắp chết ra đi nhẹ nhàng theo nghiệp; nhưng khi Phật giáo
được truyền sang các nước có nền văn hóa Khổng, Lão như ở Trung Quốc và Việt
Nam… thì việc cầu nguyện cho người chết trở nên không thể thiếu, đặc biệt là Phật
giáo Tịnh độ. Trong bối cảnh hầu hết các chùa ở Việt Nam đều theo tông Tịnh độ và các
tín đồ có niềm tin Phật giáo đều mong muốn có nghi lễ cầu nguyện của Phật giáo
trong lễ tang của người thân, người viết xin được đề cập về “Ảnh hưởng Phật
giáo trong lễ tang người Việt”. Trong phạm vi này, bài viết sẽ nêu ra một số
ảnh hưởng tích cực cũng như sự hạn chế của Phật giáo trong quá trình thích
nghi. Từ đó, một số ý kiến cá nhân đưa ra như là sự tham khảo nhằm khắc phục
những điểm bất cập và phát huy vai trò của đạo Phật trong nền văn hóa dân tộc
Việt.
Có thể khẳng
định rằng Đức Phật không dạy một nghi thức cầu nguyện nào về lễ tang, ngoại trừ
những bài kinh có nội dung trợ niệm cho người sắp qua đời. Sự thật này được tất
cả các truyền thống Phật giáo chấp nhận. Tuy nhiên, các nghi lễ cầu nguyện dành
cho lễ tang lại được chư Tổ soạn ra nhằm mục đích phục vụ nhu cầu tín ngưỡng
quần chúng và làm phương tiện độ sanh. Tồn tại cùng với nền văn hóa bản địa ở
Trung Quốc cũng như Việt Nam,
các tôn giáo ngoại nhập buộc phải thích nghi để tồn tại và một trong những
thích nghi quan trọng là nghi lễ cầu nguyện. Mặc dù vậy, nghi lễ Phật giáo lại
không đóng vai trò nòng cốt trong một lễ tang của tín đồ Phật tử Việt Nam mà nó
chỉ chiếm một phần nhỏ quan trọng trong nhiều yếu tố pha trộn bao gồm tôn giáo
và tập tục. Vậy thì, ảnh hưởng của Phật giáo trong lễ tang như thế nào?
Về hình thức
Thông thường
khi một tín đồ Phật giáo sắp qua đời, họ thường thỉnh Tăng Ni đến để hộ niệm.
Việc làm này là hợp với lời Phật dạy dù cách thức có khác. Tuy nhiên, trường
hợp không mời được Tăng Ni đến thì phần lớn tín đồ không biết cách thức hộ niệm
cho người thân của mình. Có thể nói đây là một điều thiếu sót của Phật giáo
trong việc hướng dẫn tín đồ Phật tử, và một phần do quan niệm đề cao năng lực
cứu độ của người xuất gia.
Khi có người
qua đời, công việc đầu tiên mà người thân chuẩn bị cho lễ tang là xem ngày giờ,
thậm chí tuổi tác kỵ, hạp. Công việc này nhiều nơi là do chính Tăng Ni thực
hiện. Sau khi chuẩn bị các thủ tục và vật dụng cần thiết xong, Tăng Ni được
thỉnh đến cử hành lễ nhập liệm. Nhập liệm xong, một án thờ được thiết lập trước
quan tài với tấm phủ nghi phía trước (hoặc thêm bức thờ tùy địa phương) có
những dòng chữ Hán nói về sự đau buồn và về đạo hiếu, tình nghĩa vợ chồng… Ngoài
ra, một lá triệu (còn gọi là minh tinh) và vàng mã cũng được chuẩn bị. Trong
thiết trí, một điều không thể thiếu liên quan đến Phật giáo là thiết lập bàn
thờ Phật để tụng kinh cầu nguyện.
Như vậy, về
hình thức, lễ tang biểu hiện có sự ảnh hưởng của Phật giáo qua ba yếu tố gồm
hình tượng Phật hay Bồ-tát, sự hiện diện của chư Tăng Ni hay cư sĩ Phật tử, và
lời kinh Phật được tán tụng. Trong ba yếu tố trên thì sự hiện diện của chư Tăng
Ni là yếu tố quan trọng nhất biểu hiện sự ảnh hưởng của Phật giáo trong lễ tang.
Kế đến là sự có mặt của cư sĩ (khi không có Tăng Ni) và sau cùng là chỉ có hình
tượng Phật hay Bồ-tát. Thông thường, hình tượng Phật chỉ được tôn trí khi có sự
hiện hiện của Tăng Ni hay cư sĩ, nên yếu tố con người hành lễ luôn quyết định.
Ngoài ra, các yếu tố khác được xem là quan trọng trong lễ tang như chọn ngày
giờ tốt, kỵ tuổi tác, mặc đồ tang, đốt vàng mã, khóc than, lễ lạy, v.v… đều là
tập tục hay sự ảnh hưởng từ tôn giáo khác. Như vậy, nếu lễ tang không có Tăng
Ni hay cư sĩ đến tụng niệm thì yếu tố Phật giáo hầu như vắng mặt.
Về nội dung
Một yếu tố quan trọng hơn biểu hiện sự ảnh hưởng
tích cực của Phật giáo trong lễ tang là nội dung đóng góp của nó. Khi một người
thân qua đời, gia quyến thường bối rối vì một phần bị tình cảm chi phối và một
phần do không rành các tập tục quy định. Hơn nữa, sự đau buồn thương tiếc và
lòng hiếu thảo hay ân nghĩa luôn thúc giục họ làm điều gì đó hữu ích cho người
quá cố, và sự siêu độ hay vãng sanh là điều họ mong muốn. Do đó, Tăng Ni luôn
là điểm đầu tiên họ tìm đến nương nhờ. Sự có mặt của Tăng Ni và sự hướng dẫn
nhiệt tình, khôn khéo của họ sẽ giúp cho gia quyến an ủi phần nào và tạo cho họ
cũng như những người xung quanh những hình ảnh đẹp về Phật giáo. Đó là nội dung
“pháp sinh động” của đạo Phật đang được tuyên dương.
Trong suốt lễ tang từ khi liệm, cúng cơm cho đến hạ
huyệt, nhiều bài kinh được tán tụng để cầu nguyện. Có lẽ không sai khi nói rằng
hiếm ai đủ tập trung để nghe và hiểu hết ý nghĩa những lời kinh Phật được trì
tụng trong suốt thời gian lễ tang cho dù nó được dịch ra tiếng Việt. Huống chi,
kinh điển trì tụng thường là âm Hán – Việt và thường Tăng Ni không giảng giải ý
nghĩa trước khi trì tụng. Hiếm lắm mới có trường hợp thuyết linh nhưng đó cũng
chỉ là cách “chữa lửa”. Do vậy, ảnh hưởng của Phật giáo không phải là do nội
dung các bài kinh được tụng mà là “những bài pháp sống động” do chính Tăng Ni
thể hiện qua tam nghiệp của họ. Nếu tam nghiệp thanh tịnh thì họ sẽ cảm hóa
được cả người mất lẫn kẻ còn, bằng ngược lại thì hiệu quả khó đoán biết.
Những điều suy ngẫm
Như trên vừa trình bày, ảnh hưởng Phật giáo trong
lễ tang chỉ phát huy khi Tăng Ni hay ít nhất là các cư sĩ trong ban hộ niệm có
mặt. Vậy là nếu các lễ tang thiếu hình bóng họ thì cũng có nghĩa rằng không có
hay có rất ít sự ảnh hưởng của Phật giáo, dù cho gia đình ấy có niềm tin đạo
Phật. Rõ ràng, Tăng Ni không thể nào đủ để đảm trách việc tang ma với số lượng
tín đồ Phật tử như hiện nay, và nhất là không thể nào có mặt kịp thời để hộ
niệm tất cả tín đồ sắp qua đời. Vả lại, không lẽ sự nghiệp của người xuất gia
là chỉ chờ làm công việc ấy thôi sao?! Điều đáng nói nữa là nhiều gia đình mời
Tăng Ni đến nhưng không hoàn toàn tin tưởng năng lực hộ niệm của Tăng Ni và
giáo lý nhân quả của đạo Phật nên họ buộc các Tăng Ni phải theo giờ giấc khắt khe
mà họ đã đi xem trước. Từ đó, mức độ ảnh hưởng của Phật giáo có thể suy biết
được.
Lại nữa, chúng
ta hay tự hào đạo Phật một thời là quốc giáo và có ảnh hưởng nhiều nhất trong
nền văn hóa dân tộc Việt, nhưng sự ảnh hưởng của Phật giáo trong nền văn hóa dân
tộc như thế nào lại là điều đáng suy ngẫm. Trong tất cả các lễ hội thì đạo
Phật, như một sự mặc định, có sự gắn kết với lễ tang nhiều nhất. Sự mặc định
cao đến độ hễ thấy Tăng Ni đi đến đâu thì người ta thường nghĩ là có người đã
hoặc sắp qua đời ở nơi đó! Vậy mà, qua lễ tang của tín đồ Phật tử, ta thấy hầu
như là các phong tục tập quán, thậm chí là mê tín, vẫn chiếm phần lớn. Đây có
phải là điều đáng suy ngẫm không?!
Giải pháp nào
Đạo Phật vốn độ sanh chứ không phải độ tử nhưng
ngày nay thì kiêm cả hai. Tuy nhiên, cốt tủy của đạo Phật vẫn phải là độ sanh
và do đó phải đi theo hướng này. Muốn vậy, Phật giáo cần tập trung chú trọng
vào người đang khỏe mạnh để hướng dẫn họ đi đúng Chánh pháp hơn là chỉ phục vụ
tín ngưỡng. Khi họ có niềm tin kiên cố vào Chánh pháp thì tất yếu họ sẽ theo
các nghi thức Phật giáo để tổ chức lễ tang mà không phải lo sợ. Một nghi thức
Phật giáo cần có để tất cả cư sĩ Phật tử nương theo thực hành khi chưa hay
không có Tăng Ni . Nó cần có những nội dung hướng dẫn rõ ràng từ cách thức tổ
chức đến các kinh trì tụng, bắt đầu từ khi hấp hối cho đến an sàng. Phật giáo
thừa sức làm việc này.
Đối với những người chỉ tìm đến đạo Phật khi có
hữu sự thì cần thiết phải xác định niềm tin của họ đối với Phật giáo và Tăng Ni
. Một khi đã tin tưởng Tăng Ni thì nhất thiết phải tuân theo sự hướng dẫn của
họ để tổ chức lễ tang. Những người này sẽ trở thành cư sĩ Phật tử tương lai nếu
họ thấy được giá trị đạo Phật thông qua phẩm hạnh của Tăng Ni trong suốt lễ
tang. Do vậy, cần phải đào tạo những Tăng Ni có khả năng và có từ tâm thay vì
thực dụng, tức thời. Chưa cần phải thuyết pháp hay, những Tăng Ni này đã và
đang làm công việc hoằng pháp hữu hiệu một cách bất ngờ. Sự ảnh hưởng của Phật
giáo trong lễ tang như thế không đáng quý sao!
Thích Hạnh Chơn
(Nguyệt San Giác Ngộ)
Discussion about this post