Huỳnh Trung ChánhRồi đây bèo hợp mây tan
Biết đâu hạc nội, mây ngàn là đâu?
Nguyễn Du
Không biết từ lúc nào, mà ngôi tịnh thất vô danh thấp
thoáng dưới tàn cây huỳnh đàn rậm lá trên đỉnh núi Ông cheo leo mây
mù đong đưa bao phủ quanh năm, đã được dân quê dưới chân núi ưu ái gọi
là am Mây Ngàn thay thế cho cái tên “chòi đạo Ân” mà họ hùa nhau ám
chỉ túp lều lá của sư Từ Ân ngày trước. Thuở mới đăng sơn cắm dùi
khẩn đất làm chốn ẩn tu, sư lủi thủi một mình chẳng có móng đệ tử
lăng xăng đón đưa phục dịch, sư tự vác cuốc, quẩy gánh… lặng lẽ lên tận đỉnh, khai
phá được một khoảnh đất nhỏ làm rẫy. Sư bắt đầu trồng các loại rau
đậu, khoai, bắp, cà dưa… để sớm gặt hái hoa lợi, mang xuống núi
nhờ người dân phân phối tiêu thụ để đổi gạo và vài vật dụng linh
tinh cần thiết. Sau đó sư mới phát triển thêm vài loại cây ăn trái như
mít, ổi và năm ba bụi chuối… những loại mà bạn hàng thường đến tận
nơi mua mão, sư đỡ nhọc công liên tục gồng gánh xuống núi. Sư lao động
cần mẫn, chơn chất giao tiếp, cung kính đối xử với mọi người, chẳng
ra vẻ dạy đời dạy đạo ai, thành thử dân xóm dưới núi chẳng mấy ai
tin tưởng sư là bậc tu hành chân chính, nên nếu họ gọi sư là “ông
đạo” hay “đạo Ân” kể ra là quá trọng vọng rồi. Một hôm sau chuyến đi
tham dự giỗ tổ hàng năm tại quận Tánh Linh trở về, sư Từ Ân bỗng
nghe tin bà Hai, một cụ bà nghèo khó xóm dưới chân núi lâm trọng
bệnh đang ở trong tình trạng hiểm
nghèo, sư vội ghé thăm. Hoàn cảnh sống của cụ vốn đã bi đát, con
cái lập nghiệp phương xa, bỏ lại đứa cháu trai bé bỏng – thằng cu Tý
– cho bà chăn giữ, nay thằng bé đã lên tám tuổi mà người cha vẫn
biệt tin, hai bà cháu đành bươn chải lội vào rừng mót củi đem về
bán đề kiếm sống đắp đổi qua ngày. Nay nếu bà có mệnh hệ nào thì
số phận thằng bé càng thêm mờ mịt. Sư đến nơi vừa đúng lúc: bà cụ
đang cơn hấp hối mê man, thở khò khè đứt khoảng… mà mắt lại trợn
trừng, như vẫn tiếc nuối gắng kềm giữ chút hơi tàn… Ôm cứng thân
bà là đứa cháu nội đang kêu khóc thảm thiết khiến bà con cô bác đang
tề tựu ai cũng mủi lòng. Thế nhưng, tuy mọi người đều ra vẻ khẩn
trương góp ý, mà chẳng ý nào được đa số tán đồng, thành ra tranh
luận lăng nhăng mãi, vẫn chẳng có giải pháp cụ thể nào được đề ra
cả. Sư vội vã mở tay nải lấy y vàng khoát vào, khẽ tiếng khánh cho
mọi người chú ý, rồi cất tiếng:
– Thưa bà con cô bác! Tình trạng bà Hai đã nguy kịch lắm
rồi, bây giờ dẫu chúng ta bàn tán ồn ào cách nào cũng không
cứu vãn nổi mạng sống bà, mà có lẽ chỉ làm cho
bà thêm bối rối khổ sở mà thôi, do đó, tôi đề nghị bà con giữ yên
lặng để cùng tôi Niệm Phật nguyện cầu hương linh bà sớm ra đi nhẹ
nhàng an lạc…
Vuốt ve vỗ về thằng bé, sư ôn tồn hỏi:
– Cháu thương nội lắm phải không?
– Híc… híc…! Thương lắm lắm!..
– Thương thì cháu phải bình tĩnh, đừng kêu khóc,
thì thầy Niệm Phật nguyện cầu cho nội cháu mới có kết quả!
– Dạ!
Sư khẽ tiếng khánh rồi hướng về con bệnh ngọt
ngào lên tiếng:
-Dì Hai! Tôi nghĩ rằng dì Hai đang bối rối vô cùng không nỡ ra đi chỉ vì
quá lo lắng cho số phận của thằng cháu phải không? Nếu đúng như vậy,
thì tôi xin hứa với dì là sẽ thay thế dì lo lắng cho nó, tôi nguyện
nuôi nấng dạy dỗ nó nên người. Xin dì hãy yên tâm!
Mắt bà Hai đã đứng tròng, vậy mà bỗng nhiên chớp
chớp, một giọt nước mắt thương cảm mơ hồ ứa ra. Sư vội tiếp lời:
– Thời giờ còn lại rất quý, vì vậy dì nên hết
lòng tu tập. Khởi đầu tu tập là lễ quy y nghĩa là xin nương tựa vào
Tam Bảo: Phật, Pháp, Tăng. Thầy đặt cho dì pháp danh là Diệu Duyên,
với ý nghĩa là dì có phước duyên kỳ diệu trong giờ phút cuối của
cuộc đời, được quy y Tam Bảo. Diệu Duyên hãy phát nguyện trong tâm: Con
nguyện quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Diệu Duyên đã quy y Tam Bảo
thì không còn phải đọa vào ba đường ác địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh
nữa, tuy biết vậy, nhưng Diệu Duyên phải tận lực tu tập thêm giây phút
nào tốt giây phút nấy. Phương pháp giản dị nhất mà chư Phật đồng giảng
dạy là “khi lâm chung nếu ai một
lòng chân thành niệm danh hiệu Đức Phật A Di Đà mười niệm, thì sẽ được
Đức Phật gia bị vãng sanh về cõi Cực Lạc. Thầy sẽ niệm Phật hướng
dẫn cho dì Diệu Duyên niệm theo, dì nhớ một lòng một dạ niệm, đừng
nghĩ chuyện gì khác, không lo lắng, buồn bực hay sợ hãi gì hết nhé!
Hướng về bà con lối xóm, sư lên tiếng hướng dẫn:
– Cận tử nghiệp đóng vai trò quyết định cho cõi
tái sanh nên rất là quan trọng, vì vậy thầy xin cô bác nên hết sức
ủng hộ cho dì Hai tu tập trong giờ phút nầy. Xin cô bác hết lòng cùng
với thầy Niệm Phật hỗ trợ cho dì, hầu giúp dì tăng thêm công đức
vãng sanh về cõi Phật.
Sư khẽ tiếng khánh, rồi lên tiếng:
– Xin tất cả cùng Niệm Phật theo tôi: “Nam mô A Di
Đà Phật… Nam mô…”
Điều lạ lùng là bệnh nhân trong cơn hấp hối tay
chân co giật quờ quạng, lăn lộn trăn trở và hơi thở thì nặng nề đứt
khoảng… vậy mà bỗng chịu nằm yên lại, sắc diện thư giản lần, bớt
nét khủng khiếp, rồi hơi thở cũng từ từ dịu nhẹ, thoang thoảng mong
manh rồi ngưng hẳn. Dù vậy, sư cũng tiếp tục chủ trì Niệm Phật thêm
tám giờ mới tạm ngưng. Sư chi tiền nhờ người mua một áo quan rẻ
tiền, tụng kinh siêu độ, cùng hoàn tất mọi lễ nghi cần thiết cho đến
khi an táng xong mới dẫn cu Tý lên núi nuôi dưỡng…
Tý hội nhập an vui với nếp sống mới, và tiến bộ
khá nhanh, có lẽ nhờ được thầy thương yêu chăm sóc chu đáo từ vật
chất đến tinh thần: thầy dạy Tý tập đọc, tập viết, tập toán pháp
và rèn luyện từng oai nghi. Tý cũng sáng dạ nên chỉ thời gian ngắn
đã có thể thuộc làu làu vài thi ca thiền và kinh sám ngắn, chuông
mõ cũng khá nhuần nhuyễn nên được thầy cho thọ giới sa di với pháp
danh là Minh Mẫn. Tuy chỉ có hai thầy trò, nhưng sư Từ Ân vẫn nghiêm
túc giữ hai thời khóa công phu khuya và tối. Thời tọa thiền chú được
miễn, dù vậy chú vẫn tự động thực tập, nhưng thường thường chú chỉ
cố gắng chừng mười lăm phút thì chân tay đã rọ rạy, chú rón rén
phóng khỏi thất ngao du sơn thủy. Ngoài lúc phải chăm sóc rẫy bái, sư
dành khá nhiều thời giờ giảng dạy cho đệ tử kiến thức căn bản nương
theo chương trình bậc tiểu học, đồng thời cũng tùy nghi gieo hạt
giống đạo pháp qua các hiện tượng thực tiển ngay trong nếp sống hàng ngày: một con
chim thoi thóp, một áng mây tan… đều có thể gợi ý cho bài học vô
thường vô ngã; bầy ong hút mật, đàn kiến tha mồi… cũng dựng thành
đề tài tinh tấn dõng mãnh tu tập. Chú sa di theo hầu sư phụ gần sáu
năm, thằng bé con ngờ nghệch năm xưa đã vào lứa tuổi mười bốn, chú
thích quan sát tìm hiểu cội nguồn sự vật, nên luôn luôn có những nghi
vấn lẩn quẩn trong đầu. Vừa gánh nước tưới luống khoai, vừa nghêu
ngao ngâm nga: “Ba vạn sáu ngàn ngày là mấy? Cảnh phù du trông thấy
bỗng nực cười!..(1)”, chú bỗng ngưng lại hỏi sư phụ:
– Thưa thầy! Cảnh phù
du ý nghĩa như thế nào con không hiểu, thầy ạ!
– Phù du chỉ chung cho loại côn trùng nhỏ kiếp
sống ngắn ngủi một vài ngày tợ như con thiêu thân, vì vậy, cụm từ “cảnh
phù du” ngụ ý cho cái cảnh lợi danh, vinh nhục… ngắn ngủi chóng
tàn mà con người bon chen chạy theo như con thiêu thân lao vào ánh lửa.
À! Mà con có hiểu “ba vạn sáu ngàn ngày” mang ý nghĩa gì không con?
– Thưa thầy! Ba vạn sáu ngàn ngày
là một trăm năm, tượng trưng cho một kiếp người!
– Giỏi lắm! Vậy con
tính thử xem con phù du phải trải qua bao nhiêu kiếp mới bằng một
kiếp người, vậy con?
– Nếu đời sống của chúng kéo dài ở mức trung
bình chừng hai ngày, thì tính ra chúng phải trải qua đến 180 ngàn kiếp lận! Ối chà! Vậy thì đời người kể ra cũng dài
nhằng phải không thầy?
– Ừa! Quả thật quá dài so
với côn trùng, nhưng nếu đem so với các cõi Thiên hay cõi Cực Lạc thì
trăm năm cõi người ngắn ngủi như một ngày, một khắc hay một giây phút
mà thôi!
Thấy đệ tử tròn xoe mắt, ngạc nhiên đến ngẩn
người, sư mỉm cười tiếp lời:
– Để con có thể hình dung được tính tương đối của
kiếp sống dài ngắn, thầy kể con nghe sự tích về người tôn vinh chồng(2) tức nàng Patipùjikà như sau:
“Vào một buổi sáng, vị Thiên tử tên
là Màlabhàrì(3) – người mang vòng hoa – là một trong những Thiên tử trên
cõi trời thứ ba mươi ba(4), cùng một ngàn cô vợ tức Thiên nữ
như thường lệ viếng vườn thượng uyển. Các thiên nữ thi nhau, kẻ hái
hoa, người kết tràng hoa tô điểm
Thiên Tử. Có một thiên nữ tên Patipùjikà đang hái hoa thì mạng
số bỗng chấm dứt. Vì chúng sinh cõi nầy thuộc loại hóa sanh, nên khi
lìa đời thì tức thời thân biến mất như một ánh đèn chợt tắt, nên bao
người hiện diện tại đó chẳng ai hay biết.
“Cô tái sanh vào một gia đình có địa vị
tại thành Xá-vệ vào thời Đức Phật tại thế, và do phước duyên hy hữu,
cô nhớ rõ được tiền kiếp, nên sống trong nhung lụa mà cô hằng tha
thiết mong rời bỏ chốn nầy để tái sanh về cõi Trời chung sống với người
chồng cũ, tức thiên tử Màlabhàrì mà cô yêu thương. Nhằm thỏa mãn nguyện ước nầy, cô tinh tấn tu
thập thiện và đặc biệt là hạnh bố thí và hạnh lễ kính cúng dường
Tam Bảo, bền bĩ suốt mùa an cư nầy đến mùa an cư khác. Năm mười sáu
tuổi cô được gả chồng giàu sang và lần lượt hạ sanh được bốn người
con, nhưng dù đời sống thế gian có tốt đẹp như thế nào, cô “tiên mắc
đọa” nầy vẫn một lòng một dạ hăng say tu tập với nguyện vọng duy
nhất là sớm tái sanh về cõi Trời hội ngộ với người chồng thiên tử.
“Một hôm, sau khi cúng dường đảnh lễ chư
Tỳ-kheo, nghe pháp và thọ trì giới xong, đến chiều tối vừa về nhà thì cô
thình lình mắc bệnh qua đời và liền tái sanh về với chồng trước. Suốt thời
gian đó các thiên nữ vẫn còn đang nhặt hoa trang điểm cho vua trời Màlabhàrì.
Vừa thấy mặt nàng, thiên tử liền vặn hỏi:
“- Nảy giờ nàng đi đâu mà vắng
mặt?
“- Thưa thiếp vừa từ trần chốn nầy,
liền đọa sanh làm người tại thành Xá Vệ, nước Thiên Trúc. Thiếp vào
thai mười tháng, sanh ra lớn lên, và lập gia đình hạ sanh bốn con…
sống mấy mươi năm tại cõi Thế, nhờ hết lòng tu tập hồi hướng sanh
trở lại cõi Thiên, nên vừa chết thiếp liền hóa sanh về đây diện kiến
long nhan, mà buổi hái hoa trang điểm vẫn chưa tàn.(5)
“- Đời sống loài người quả ngắn ngủi đến mức đó
sao?
“- Dạ! Ngắn ngủi nên con
người phải tất bật làm lụng nhọc nhằn cả đời để mưu sinh, đã vậy
còn gánh chịu bao nỗi khổ hành hạ: nào là khổ sanh già bệnh chết, khổ
cầu chẳng được, khổ chia lìa người thương, khổ chung đụng người ghét,
lại còn bị thiên tai khủng khiếp dọa nạt, chiến tranh xâu xé, nạn
cướp giật, lường lọc giả trá rình rập… khiến con người phải chịu khổ
sở triền miên từ khi chào đời cho đến khi mạng vong.
“Thiên tử chép miệng than:
“- Tội nghiệp họ quá há!
“Thế nhưng, ngàn thiên nữ bao quanh đang tranh nhau õng
ẹo phục vụ Thiên tử, người quá bận rộn hưởng lạc thú thần tiên nên
đâu có “hưỡn” suy nghĩ chuyện tào lao ở cõi trần làm gì nữa. Vì
vậy, nếp sống trên tầng trời thứ ba mươi ba đó vẫn tiếp tục như cũ chẳng
có gì thay đổi.
“Trong khi
đó, tại trần thế có những vị Tỳ Kheo khi nghe tin vị thí chủ thuần
thành chỉ có một ước nguyện đơn giản “sống với chồng” mà lại bị
chết yểu bỏ lại chồng con, bèn chạnh lòng thương xót tham kiến Đức
Phật tìm hiểu nguồn cơn. Đức Phật dạy: “Nầy các Tỳ Kheo! Nàng Patipùjikà không hề mong cầu sống
với người chồng ở đời nầy, mà thật tâm chỉ nguyện được sống với
người chồng Thiên Tử ở cõi trời thứ ba mươi ba và nay nàng đã thỏa
nguyện rồi!”
Sư yên lặng trong giây phút cho đệ tử nghiền ngẫm,
rồi từ hòa khuyên nhủ:
– Qua câu chuyện nầy ta có thể nhận thấy rằng trong sáu nẻo luân hồi:
cõi Thiên, cõi A Tu La thọ mạng dài lâu, vui chơi sung sướng thỏa thích…
nhưng nhàn nhã quá nên chẳng ai quan tâm đến việc tu hành, mãi đến khi
hết phước bị đọa lạc mới ăn năn thì đã muộn màng rồi; cõi súc sanh
ngu mê ám chướng, cõi ngạ quỷ địa ngục đói khổ bức bách cùng
cực…đều không có điều kiện tu tập; chỉ riêng có cõi người, mạng
sống vừa phải, có thời giờ phát triển sự hiểu biết, mới có thể
nhận chân được lý vô thường trên cuộc đời, lại được cái khổ sanh,
già, bệnh, chết thúc bách nhắc nhở, nên mới có thể phát tâm dõng
mãnh tu đạo giải thoát… tóm lại ta có thể xác quyết rằng cõi
người hội đủ điều kiện tu tập thù thắng hơn bất cứ nẻo nào khác. Minh
Mẫn ạ! Được làm người, được học hỏi Phật
pháp là phước duyên lớn đó! Con nên luôn luôn tạc
dạ điều nầy để đêm ngày thúc liễm thân tâm tu tập con nhé!
– Xin thầy yên tâm! Con luôn tận lực tu
tập để có thể hồi hướng công đức cho nội con, thầy ạ!
– Con giữ được lòng hiếu kính trung hậu như vậy
khiến thầy rất hài lòng!
Sư thong
thả chuẩn bị trở vào tịnh thất tọa thiền, chợt cảm thấy núi rừng như
đang hân hoan bừng dậy, quang đãng ấm áp vô cùng, cỏ cây mơn mởn xanh
tươi, chim chóc ca hót vang
lừng,… thiên nhiên tỏa ra sức
quyến rủ lạ lùng khiến sư không cưởng nổi, sư bỗng nảy ý ghé lại
tảng đá bằng phẳng cạnh dàn bí tọa thiền. Bông bí vàng tươi rực
rỡ, ong bướm lăng xăng vần vũ hút nhụy hoa, hoạt cảnh náo nhiệt
dễ thương nầy cứ thế mà đeo đẳng
sư mãi, khó mà dừng lại. Sư nghĩ đến giải pháp đối trị bằng cách trực
diện ngay với cái loạn động, vì vậy sư liền xử dụng “đời bướm vô
thường” làm đề tài thiền quán…
Khởi đầu… Từ giấc ngủ miên man con nhộng trở
mình thức giấc, rụt rè xòe đôi cánh mong manh học đòi làm bướm. Bướm
đón chút nắng ấm cho tăng thêm sức lực, động đậy đôi cánh, rồi rướn
người tới trước, cố sức đập cánh liên tục nghiêng ngả bay, rồi từ
từ lấy được thăng bằng vút mình lên cao. Con bướm vàng tung tăng đảo
một vòng quanh dàn bí, dun rủi dọc theo luống cà, luống dưa, rồi
tiếp tục lướt nhanh về hướng
Đông. Bướm len lỏi theo vách đá dựng đứng không dấu chân
người, rồi đậu lại trên chùm bông bằng lăng hồng tím chót vót trên
đỉnh, ngạo nghễ ngắm ngàn mây chất chồng cuồn cuộn xua đuổi nhau về
chốn mịt mù xa tít. Bấy giờ, dường như sư không phân biệt nhớ nghĩ gì đến chủ thể và đối
tượng để tài thiền quán nữa. Sư nhập nhằng làm bướm hay bướm biến
hóa ra sư cũng đều chẳng có gì là quan trọng, hiện hữu mầu nhiệm
hiển bày thì bướm cứ vui sống đời bướm vậy thôi… Bướm vàng mỉm
cười tiếp tục phất phới hướng về mõm đá phương Bắc, săm soi từng cụm
mai rừng trụi lá rải rác đây đó và khám phá được một cành vừa ý,
đơm đầy bông búp dự trù sẽ nở đúng dịp Xuân về. Bướm vàng nhởn nhơ
hướng về ngôi chùa Tổ Vĩnh
Trường. Chùa vắng vẻ xác xơ quá! Lạ thật! Một cư sĩ đang thang thuốc cho sư trụ trì. Theo lời
than thở đối thoại thì sư trụ trì lâm bệnh nặng, trong khi người đệ
tử truyền thừa bỗng hoàn tục bỏ đi mất biệt, nên đã cận Tết, mà
chùa vẫn còn u tối ngổn ngang… Cảnh tượng điêu tàn bỗng khiến cánh
bướm thoáng lao đao vương vấn…
Trên đường quày quả trở lại núi Ông, bướm vàng
lượn một vòng thăm thôn xóm dưới chân núi. Xóm núi đông đúc và thịnh
mậu hẳn ra. Có lẽ nhờ đường giao thông về quận lỵ Tánh Linh thuận
lợi nên rau quả đủ loại đều có mối tiêu thụ, giá cả cũng khá cao, nhờ
vậy nhà cửa người dân cũng trở nên ngăn nắp khang trang hẳn ra. Nhà
nào cũng sắm tủ thờ, bàn ghế đắt giá, chưng bày kiểng bông rực rỡ chuẩn
bị mừng Xuân mới. Bướm vàng bay là đà đến xóm hạ, dừng lại chiêm ngưỡng hàng bông bụt(6) sum sê bên bờ ao, rồi đáp nhẹ trên một đóa hoa.
Đóa hoa màu hồng đẹp và dễ thương ảnh hiện bồng bềnh trên mặt nước
lăn tăn: bướm trong hoa, hoa trên nước chập chờn. Bông bụt cũng sớm nở tối tàn, cũng mong manh như phận phù
du, phận bướm. Bướm vàng bỗng chạnh lòng liên tưởng đến bài thơ “Hoa
mộc cận”(7) của thi hào Nguyễn
Trãi ngày xưa, bèn cất tiếng ngâm nga:
Ánh nước hoa in một
đóa hồng
Vẩn nhơ chẳng bén, bụt là lòng
Chiều mai nở, chiều hôm rụng
Sự lạ cho hay tuyệt sắc không.
Cảm thấy lòng thanh thản nhẹ nhàng, bướm vàng
phơi phới bay về am Mây Ngàn, bướm lượn một vòng quanh dàn bí, rồi từ
từ đáp xuống… Vụt một cái, có làn gió cực mạnh xô đẩy bướm vàng
rơi sà xuống đập cánh vào tảng đá đau điếng.
Sư kêu nhỏ “ui da”, choàng tỉnh… xả thiền, rồi
xoa bóp nhẹ nhẹ cánh vai cho đỡ đau, sư chợt liên tưởng đến trường
hợp Ngài Nguyệt Quang Bồ Tát, rồi thầm tự cười cợt mình: “Điệu nầy
rủi mình gặp đệ tử mạnh tay phang cho miếng
ngói thì bẹp dí như chơi!”(8). Chú đệ tử ngoan đang cầm quạt hầu thầy bỗng cất tiếng báo cáo:
– Thưa thầy! Con thấy thầy đang tọa thiền mà ong bướm bay quanh tấp
nập quá, sợ chúng phá rối thầy nên đứng bên quạt đuổi chúng đi. Mới
đây nè! có con bướm vàng thật lớn bỗng bay sát bên thầy,
lại còn “làm hỗn” toan đáp lên đỉnh đầu thầy nữa, con vội quạt một
cái mạnh đuổi nó đi, khiến nó té xuống, chẳng biết sống chết thế
nào? Con sợ tội quá thầy ạ! Ủa sao chẳng thấy nó đâu cả, chắc nó
còn sống và đã bay mất rồi, thầy ơi!
– Hà! hà! Chẳng có gì đáng quan tâm con à! Nó chỉ là “vở tuồng ảo hóa” thì sao mà chết cho được? Nầy con! Mai nầy mình sẽ về chùa tổ, con nhớ nhắc thầy
cắt cành mai cúng Phật nhé!… Úi chà! Lạ quá! Sao vai thầy bỗng đau nhức vậy kìa! Con lấy
tí dầu xoa bóp cho thầy, con nhé!
Tháng 08.2010
Ghi chú:
1. Trích thơ “Uống rượu
tiêu sầu” của thi hào Cao bá Quát (1909-1855).
2. Truyện tích “Người Tôn Vinh chồng” trích theo
bản Việt dịch của Thiền Viện Viên Chiếu (không rõ tên dịch giả), chuyển ngữ từ bản tiếng Anh của Watson
Burlingame. Bản tiếng Anh đã dựa vào nguyên tác Pháp Cú Sớ Giải bằng tiếng Pàli,
tương truyền là công trình của ngài Buddhaghosa (Phật Âm), sống khoảng
thế kỷ thứ V Tây lịch.
3. Màlabhàrì chỉ là một trong rất
nhiều Thiên tử bình thường trên cõi Trời thứ 33, không phải là Vua Trời Đế Thích như có người
lầm lẫn. Vị Thiên
chủ tức Vua cõi Trời 33 là Indra,
Việt dịch là Đế Thích, là bậc có trí huệ lớn, phước báu bao la và
có đại thần thông chiến đấu chống A tu La, và thường xuất hiện ở
Thế gian cúng dường thỉnh pháp Đức Thế Tôn và hộ trì Phật Pháp.
4. Tầng Trời thứ ba mươi ba tức
Tam thập tam thiên chỉ cho Đao Lợi thiên, cõi Trời do Vua Đế Thích (Indra, Sakkla) cũng gọi
là Kiều thi Ca (Kaucika) làm thiên
chủ.
5. Một trăm năm cõi người bằng một ngày đêm cõi trời Đao Lợi.
6. Bông bụt: Bông đỏ có tên khoa học là Hibiscus rosa-sinensis, thuộc họ Cẩm quỳ
(Malvaceae), tên chữ Hán là mộc cận, miền Nam gọi là bông bụt, miền Bắc gọi là
hoa dâm bụt (nhưng theo nhiều nhà
nghiên cứu thì đúng tên phải gọi là hoa dâu bụt, vì loài hoa nầy truy
ra còn có tên chữ Hán khác là Phật tang, dịch nghĩa là dâu bụt, nên
có thể do phát âm sai mà thành dâm bụt).
7. Hoa mộc cận: Thơ của thi
hào Nguyễn Trãi (1380 – 1442). Trong bài thơ nầy, câu thứ ba, vài nhà nghiên cứu
tự sửa lại là “sớm mai nở, chiều hôm
rụng”, nhưng người viết giữ theo nguyên bản chính xác là “chiều mai nở, chiều hôm rụng”
vì theo ngôn ngữ xưa thì chiều mai tức là sớm mai theo ngôn ngữ bây
giờ.
8. Sự tích Nguyệt Quang Bồ Tát: Bồ Tát khi còn là vị Tỳ Kheo
thời cổ Phật Thủy Thiên, một hôm tọa thiền pháp quán thủy trong
phòng, người đệ tử bên ngoài nhìn qua cửa sổ chẳng thấy gì ngoài
nước bèn nghịch ngợm quăng vào một viên ngói dò xem động tĩnh, rồi
bỏ đi. Khi Tỳ kheo xả thiền bỗng cảm thấy bệnh lạ trong bụng mà chẳng
hiểu lý do, mãi đển khi nghe đệ tử kể lại tình hình mới biết, bèn
đặn dò: “Hễ ngươi trông thấy nước như
vậy, thì nên mở cửa vào lượm viên ngói mang ra ngoài!”. Sau đó Tỳ Kheo
lại nhập định, đứa nhỏ vâng lời căn dặn, vừa thấy nước và viên ngói, liền mở
cửa lượm ngói ra. Khi
vị Tỳ kheo xuất định thì Người không còn đau nữa. (Lược trích từ Kinh Thủ Lăng Nghiêm, phần
Nguyệt Quang đồng tử trình bày pháp môn Viên Thông về Thủy đại)
Discussion about this post