VĂN HÓA PHẬT GIÁO PHONG PHÚ VÀ HÒA NHẬP
(Budaya Buddhis yang Multikultur dan Inklusif)
Tác giả: Cư sĩ Sasanasena Hansen
Thích Vân Phong biên dịch
Văn hóa và tôn giáo thường được thảo luận theo sự đối xứng. Cả hai đều có sự tương tác phụ thuộc lẫn nhau. Hai thứ cũng đã trở thành một phần trong cuộc sống của con người. Mặc khác, văn hóa và tôn giáo có những đặc điểm dị biệt.
Nếu văn hóa hòa đồng hơn với phong tục, lối sống, phong tục tập quán của một tộc người trên phạm vi địa lý nhất định; Công nhận tôn giáo với các nguyên tắc, giáo lý và hướng dẫn cho cuộc sống được một người công nhận, không phân biệt chủng tộc hoặc bị giới hạn trong các ranh giới địa lý nhất định. Ví dụ, một người có nền tảng văn hóa Nhật Bản cũng có thể là một Phật tử hoặc một Cơ Đốc nhân.
Vâng! Như một tôn giáo linh hoạt, Phật giáo đã tỏa ánh quang minh từ bi, trí tuệ, hùng lực, tự do bình đẳng, và tiếp tục ảnh hưởng bởi cơ chế bản địa hóa (khế cơ, khế lý), hòa nhập với dân phong quốc tục, văn hóa địa phương. Điều này làm cho nó trở thành một nền văn hóa đa sắc tộc, cuộc sống linh hoạt và có thể thích ứng với sự hiểu biết và cảm thông với địa phương, những thứ này bao hàm trong cuộc sống của cộng đồng địa phương.
Đã có nhiều nơi điển hình Phật giáo phát triển về mặt địa lý, có thể có các yếu tố dị biệt với Phật giáo đã phát triển ở nơi khác. Ví dụ Phật giáo ở Tây Tạng có các yếu tố văn hóa dị biệt với Phật giáo ở Thái Lan. Hoặc Phật giáo ở Java, Indonesia có văn hóa khác với Phật giáo ở Nhật Bản.
Vậy, đây là điểm mạnh hay điểm yếu? Điều này làm cho Phật giáo trở thành một tôn giáo linh hoạt, không thụ động – một tôn giáo tạo cơ hội cho văn hóa địa phương cùng phát triển.
Khi nào các nguyên tắc Đạo đức Phật giáo (Giới luật là nguồn sinh lực Tăng già và nền tảng xây dựng đạo đức xã hội) và giáo lý cơ bản của Phật giáo vẫn được cộng đồng văn hóa địa phương tuân giữ vững chắc, thì điều này sẽ mang đến sự an cư lạc nghiệp cho dân bản xứ. Lịch sử ghi lại sự phát triển của Phật giáo dung hòa với văn hóa và dân phong quốc tục, không làm ảnh hưởng đến truyền thống tốt đẹp hiện có.
Ngôn ngữ và Văn hóa
Ngay cả điều này cũng được phản ánh trong quan điểm của chính Đức Phật, đối tượng thừa nhận vai trò của văn hóa với sự phát triển của Phật giáo. Trong Luật tạng, có một câu chuyện kể về lời thỉnh cầu của hai vị tăng sĩ Phật giáo Đại đức Yamelu và Đại đức Tekula.
Một hôm, tại tu viện Cấp Cô Độc, hai vị Đại đức Yamelu và Tekula xin phép Đức Phật được dịch tất cả các kinh của người diễn thuyết cổ ngữ Vedic thường được dùng trong các thể phúng tán của các kinh Vệ đà. Hai Đại đức thưa rằng sở dĩ họ muốn làm như vậy là vì kim ngôn khẩu ngọc của Đức Phật dạy tuyệt diệu mà đến khi được dịch ra các thứ tiếng địa phương thì có thể trở thành méo mó, và làm cho người ta hiểu lầm ý của Đức Phật. Dịch lời Phật ra thành thể phúng tụng theo cổ ngữ là một cách bảo vệ cái đẹp và tính cách chính xác của giáo lý. Đức Phật đã không đồng ý với hai vị Đại đức ấy. Người không muốn giáo lý của người trở nên một bảo vật dành riêng cho giới trí thức quý phái. Người muốn giáo lý của người là một thực thể sống động trong mọi giới quần chúng. Vì vậy Đức Phật đã nói: “không, tôi không muốn các Đại đức đưa giáo lý vào hình thức phúng tụng cỗ ngữ. Tôi muốn mọi người có thể học và hành giáo lý trong tiếng mẹ đẻ của chính mình”.
Với trí trí tuệ siêu phàm, Đức Phật từ chối yêu cầu và giải thích, rằng nó sẽ gây ra nhược điểm là sử dụng một ngôn ngữ chuẩn, sẽ làm giới hạn sự tự tin cho những người chưa tin, hoặc tăng niềm tin cho những người đã tin tưởng.
Điều này thực sự có thể gây nguy hiểm cho một số người đã tin. Do đó, Đức Phật cho phép giáo lý của Ngài được nghiên cứu bằng các ngôn ngữ địa phương tương ứng với họ, ngôn ngữ có thể hiểu và thật dễ hiểu như tiếng mẹ đẻ.
Câu chuyện nêu trên, theo quan điểm Phật giáo cũng liên quan đến vấn đề văn hóa. Ngôn ngữ phản ánh văn hóa và đo đó, theo câu chuyện nêu trên, Đức Phật cho rằng thật sai lầm khi chỉ giảng dạy giáo lý đạo Phật bằng thuần một ngôn ngữ hoặc một nền văn hóa, và Ngài cho phép những lời vàng ngọc quý báu của Ngài được truyền đạt trong bối cảnh văn hóa bản địa.
Đa dạng hóa Hình thức
Trong suốt quá trình hòa nhập và phát triển, trải bao thăng trầm nhưng sự ảnh hưởng của Phật giáo hòa nhập và chịu ảnh hưởng của nhiều nền văn hóa khác nhau. Tất cả những điều này đã tạo thành một nền văn hóa Phật giáo đa dạng hóa và hòa nhập. Bản thân sự đa dạng của văn hóa Phật giáo có thể được nhìn thấy dưới nhiều hình thức khác nhau như như nghệ thuật Phật giáo, truyền thống phật giáo, ngôn ngữ phật giáo, kiến trúc phật giáo, lễ hội phật giáo, ẩm thực phật giáo, và các yếu tố khác của văn hóa Phật giáo.
Điển hình, Phật giáo đã truyền cảm hứng cho nhiều nghệ thuật âm nhạc, biểu diễn văn hóa nghệ thuật, hội họa và điêu khắc ở nhiều quốc gia khác nhau ở Châu Á như nghệ thuật của của Trung Hoa, Ấn Độ, Sri Lanka và Nhật Bản. Từ khía cạnh truyền thống, Phật giáo cũng đã khởi xướng những truyền thống độc đáo trộn lẫn với văn hóa địa phương, như truyền thống văn hóa Trà đạo theo phong cách Thiền Phật giáo, xướng tụng kinh hòa âm phối khí trong nghệ thuật âm nhạc, mang tính đặc thù của âm nhạc dân gia bản địa, và các kỹ thuật thiền định khác nhau của Phật giáo.
Ngôn ngữ cũng chịu ảnh hưởng. Ví dụ, ngôn ngữ Pali chuyên sử dụng bởi Phật giáo Nguyên Thủy (Buddha Theravada), hoặc Phạn ngữ và tiếng Hán được Phật giáo Đại thừa (Buddha Mahayana) sử dụng rộng rãi hơn.
Tiếng Hán và các ngôn ngữ châu Á khác cũng hấp thụ ít nhiều các thuật ngữ Phật giáo. Về kiến trúc, Phật giáo đã giới thiệu các kiến trúc Phật giáo thích nghi với văn hóa bản địa như cơ sở tự viện, bảo tháp.
Tuy nhiên, trong quá trình Phật giáo phát triển vẫn tiếp thu một số yếu tố của văn hóa Ấn Độ, đồng thời du nhập sang các quốc gia khác, cho đến nay đã biến nó trở thành đại sứ văn hóa thành công nhất của văn hóa Ấn Độ. Điều này cũng chứng tỏ sự phát triển như thế nào của một tôn giáo có thể được lan truyền, thông qua các kênh hòa bình và giao lưu văn hóa, mà không cần đến bạo lực và chiến tranh.
Tác giả: Cư sĩ Sasanasena Hansen
Thích Vân Phong biên dịch
(Nguồn: BuddhaZine Situs Berita Buddhis)
.
Discussion about this post