Khi nói đến “tu”, nhiều người cứ nghĩ rằng việc ấy không dành cho mình mà chỉ dành cho những người đầu tròn áo vuông ở chùa kia. Với họ, tu là công việc của những người thật là thánh thiện chứ không phải dành cho người phàm như chúng ta.
Trong suy nghĩ của họ, tu là phải lánh đời, tìm một nơi yên tĩnh, tránh xa đời sống xã hội ồn náo mà không quan tâm đến nỗi khổ niềm đau của người khác.
Thế nhưng, chữ “tu” đúng nghĩa theo đạo Phật có phạm vi rất rộng và thoáng. Dù rằng từ khi mới lập đạo, Đức Phật vẫn khuyên các đệ tử tìm nơi thanh vắng để nuôi dưỡng và phát triển sự an tịnh của tâm, nhưng không vì thế để trở thành người tách rời cuộc sống. Đức Phật ra đời vì sự an lạc hạnh phúc cho mọi người, nên con đường Ngài tu tập và chủ trương không thể nào đi chệch hướng chủ đạo này. Trên cơ sở đó, dù người nào tìm một nơi thanh vắng để tu, nhất định họ sẽ có cách chia sẻ thành quả tu tập của mình để giúp người khác sống an vui, hạnh phúc một cách thiết thực chứ không hề thờ ơ, sống ích kỷ với cuộc đời. Một số người khác thì quan niệm, tu là phải có thần thông, khả năng thể hiện khác người mới được. Cứ thế, khái niệm “tu” dường như xa lạ với người bình thường trong cuộc sống này. Thế nhưng, Hòa thượng Nhất Hạnh từng phát biểu rằng “không quan trọng là bạn đi trên nước hay đi trên hư không. Thần thông thật sự là đi trên mặt đất”. Câu này rất gần với lời Phật nói trong Trường bộ kinh, số 11: kinh Kevaddha rằng, Ngài chỉ xem giáo hóa người khổ đau thành hạnh phúc, xấu thành tốt, dữ thành hiền mới thật sự là thần thông. Nói cách khác, làm cho bản thân mình và giúp cho ai đó chuyển hóa từ chưa tốt đến tốt để trở thành con người với các phẩm chất thiện lành là thần thông vĩ đại nhất không chỉ Đức Phật và nhiều người khác cũng có thể làm được.Không cần cạo tóc rời gia đình vào chùa mặc áo nâu sồng, không cần thần thông biến hóa, rất đỗi đời thường, ai trong chúng ta vẫn có thể tu được. Chữ “tu”, theo cách Đức Phật đề cập đến trong giáo lý của Ngài, rất gần gũi với chúng ta như cơm ăn, nước uống, khí trời để thở vậy. Ta hãy đặt mình vào sự tu tập trong một ngày bình thường xem sao.
Thức dậy với tâm niệm lành
Ý niệm đầu tiên mỗi sớm mai thức dậy là tự nhắc mình, làm thế nào để có thể nuôi dưỡng một trái tim thiện lành? Nếu chỉ nói với chính mình hay ta nói với người khác rằng, “ta nên tử tế, ta nên yêu thương, ta không nên thế này, mà nên thế nọ”, thật ra, là một cách nói suông, sẽ không có tác dụng gì với việc nuôi lớn tâm thiện lành của mình cả. Ta cần phải biết cách thực hành, chuyển hóa tâm thức một cách thiết thực chứ không phải là lý thuyết với những lời đẹp đẽ mang tính hình thức.
Con người không thể nào trở nên bình an hơn, thế giới này không thể trở nên tốt hơn nếu ta cứ ngồi đó suy nghĩ, tưởng tượng, nói suông mà không hành động để hiện thực hóa thiện chí của mình. Ta cần phải thật sự muốn phát triển tâm thiện lành qua các ngạch lời nói và hành động. Khởi niệm thiện lành là việc làm đầu tiên vào buổi sáng, trước khi nghĩ đến sáng nay mình ăn gì, mình sẽ có cuộc gọi đầu tiên trong ngày với ai, công việc nào cần làm ngay khi đến cơ quan là gì…
Ý niệm đầu tiên trong ngày ấy là chất liệu nuôi dưỡng lời nói và hành động rằng, “Ngày hôm nay, trong khả năng có thể, tôi sẽ không làm tổn thương đến ai. Tôi sẽ nỗ lực làm cái gì đó đem lại lợi ích cho người khác. Hôm nay, nếu có cơ hội, tôi sẽ làm tất cả những gì trong khả năng để đem lại an vui, hạnh phúc lâu dài cho tất cả chúng sanh”.
Khởi đầu một ngày mới bằng động cơ tích cực như thế từ nguồn tâm yên tĩnh và nhu nhuyến quả là tuyệt vời. Nếu có một quyết định rõ ràng, dứt khoát vào buổi sáng sớm như vậy, năng lượng viên mãn đầu ngày đủ để nuôi dưỡng ý niệm này trong suốt một ngày. Sau khi khởi tâm như vậy, ta nhẹ nhàng rời giường, bước xuống đất từng bước chân thanh thản với tâm an tịnh. Sau khi vệ sinh cá nhân, ta bắt đầu thực hành thiền. Ngồi thiền vào thời điểm này có kết quả cao nhất, tâm dễ an tịnh nhất sau khi thân được nghỉ ngơi qua một đêm dài và đang trong tình trạng tỉnh táo nhất.
Thực hành thiền tại nhà
Như các bài tập thể dục rèn luyện thân thể, tập đều đặn mỗi ngày mới có kết quả. Thiền – cách rèn luyện thân tâm – cũng phải như thế. Thiền cần phải thực hành thường xuyên mỗi ngày như một phần không thể thiếu trong cuộc sống mới có kết quả tốt đẹp. Thật ra, chỉ những người nào thực hành thiền nghiêm túc mới cảm nhận được lợi ích của phương pháp luyện thân-tâm đặc biệt này, từ đó ta mới trân trọng dành cho hoạt động này một khoảng thời gian nhất định trong ngày.
Với những ai không thực hành mà suy đoán, tưởng tượng, hình dung thì không bao giờ có thiện chí đưa hoạt động này vào trong nếp sinh hoạt hàng ngày vì những người này chưa từng biết đến lợi ích của thiền.
“Thiền à? Tôi không có thời gian đâu mà ngồi yên đó thở phì phò. Tôi còn phải chạy chợ để kiếm cơm cho cả gia đình này” là cách họ quen nghĩ, nói và làm.
Thật ra, họ có thời gian xem ti-vi, tán gẫu với bạn bè hàng tiếng đồng hồ, họ thường xuyên dành thời gian để dạo các khu mua sắm, đi siêu thị và các khu giải trí. Ở nhà thì không biết bao nhiêu lượt họ xuống tủ lạnh lấy đồ ăn vặt, khi thì món này, lúc thì món khác, nhưng hễ nói đến thực hành thiền thì họ không hề có thời gian.
24 tiếng đồng hồ trong ngày có thể tiêu tốn vào bao việc khác, nhưng tuyệt nhiên không có tí thời gian nào cho thiền định. Chỉ khi nào ta thấu hiểu được kết quả tuyệt vời của thiền, hẳn cho nó một vị trí xứng đáng. Một khi hành thiền trở thành hoạt động ưu tiên trong cuộc sống, ta sẽ biết cách phân phối thời gian và lúc này, không còn viện cớ, chắc chắn ta sẽ có thời gian cho thiền. Ta biết nuôi thân ngày ba bữa chính và nhiều bữa phụ thì cũng nên nghĩ đến việc nuôi tâm bằng các thời hành thiền vậy. Nhận ra điều này, chúng ta liền có thời gian từ việc cắt giảm thời gian xem ti-vi, mua sắm, hội họp bạn bè bù khú vui chơi để hành thiền. Khi biết quan tâm, chăm sóc tâm và dành một sự trân trọng đáng có cho đời sống tâm linh, nghĩa là ta biết tôn trọng mình với tư cách một chúng sanh biết hướng thiện.
Khi nhận ra sự cần thiết của việc hành thiền là lúc bạn có thể bắt đầu. Ý niệm đầu tiên trong ngày là rải tâm từ đến tất cả chúng sanh và mong muốn nhiều người có được an lạc, lợi ích từ việc thực hành thiền, rồi chính thức thực hành thiền thở. Ngồi tĩnh lặng, cảm nhận hơi thở vô và ra, ý thức được hơi thở đang thấm nhuần khắp cơ thể và nuôi sống từng tế bào, bạn sẽ cảm thấy khoan khoái, khinh an. Chỉ thuần túy chú tâm vào hơi thở, an trú tâm ngay trong hiện tại, một cách tự nhiên, các ý tưởng lăng xăng dần tự lắng xuống, bạn chỉ còn cảm nhận hơi thở. Ai cũng có thể sắp xếp và thức dậy sớm để hành thiền, kể cả những người có con nhỏ, nếu chúng ta nỗ lực và kiên trì.
Chúng ta có thể dậy sớm hơn và thực hành thiền khi con trẻ còn đang ngon giấc. Thời điểm ấy, không gian còn yên tĩnh ta dễ dàng trú tâm hơn. Thực hành thiền không khó, cái khó là làm sao duy trì sự chú tâm trong mỗi lần ngồi thiền và làm thế nào duy trì sự thực hành này để trở thành nếp như một phần không thể thiếu trong cuộc sống thường ngày của mình. Thế nhưng, ai bước đầu hành thiền cũng phải trải qua giai đoạn khó khăn khi tâm ý cứ lăng xăng mà không chịu dừng trụ một chỗ, lúc thì gật gù buồn ngủ cố mở mắt không ra. Bạn không là ngoại lệ nếu gặp các trạng thái này. Không phải lo, cứ kiên trì, mọi thứ cần có thời gian để đi vào quy trình ổn định của nó và hành thiền cũng vậy.
Nếu khéo hướng dẫn, cha mẹ có thể giúp con em mình học cách ngồi thiền để cùng ngồi với cha mẹ. Khi ý thức cha mẹ cần không gian yên tĩnh khi ngồi thiền, các em biết tôn trọng không gian yên tĩnh của cha mẹ mà không gây tiếng động ồn ào. Các em trở nên tinh tế hơn, biết tôn trọng người khác hơn với cách thẩm thấu tự nhiên này. Đây là cách giáo dục vô cùng hiệu quả mà ngay cả cha mẹ cũng không nghĩ đến.
Ngược lại, nếu cha mẹ cứ lăng xăng bù khú bạn bè, nói chuyện điện thoại với nội dung vô bổ, bàn luận những điều nhảm nhí, hay dành hàng giờ ngồi trước ti-vi thì con cái cũng sẽ làm y như vậy. Học bằng cách bắt chước là cách học nhanh nhất. Chúng ta muốn con em mình học theo cách nào? Nếu quan tâm đến con em mình đúng nghĩa, trước hết hãy quan tâm đến chính bản thân mình để duy trì một lối sống lành mạnh, cân bằng để đem lại lợi ích thiết thực và lợi ích lâu dài cho bản thân mình.
Vừa làm việc nhà vừa tu
Con đường tu tập đúng đắn nhất theo sự hiểu biết của tôi
Dù làm công việc gì trong xã hội, bạn cũng có một khối công việc nhà nhất định nào đó cần phải làm. Việc nhà là những việc không tên tuổi, cứ làm hoài, thời gian hết mà việc vẫn còn. Chính vì lẽ đó, một tâm lý thường tình là ta dễ bực bội, cáu gắt vì mệt mỏi, căng thẳng mỗi khi vật lộn với mớ công việc, không còn thời gian nghỉ ngơi. Ta cứ ráng, rồi lại ráng nhưng hiệu quả công việc không cao, tâm lý cứ nặng nề mỗi ngày. Mọi việc sẽ khác đi rất nhiều nếu ta biết “tu” trong hoàn cảnh này.
Cuộc sống là của mình, nên ta có quyền chọn cách sống như thế nào. Với công việc nhà, đừng quá ôm đồm mà chia công việc hợp lý theo thứ tự ưu tiên, phải hoạch định những việc cần làm trong đầu, việc nào quan trọng và cấp bách thì ta làm trước. Xong việc này, ta bắt đầu việc khác trong sự điềm tĩnh, nhẹ nhàng.
Một trong những cách tự nhiên nhất để thư giãn tâm trí mình, đồng thời tập con em chúng ta dần quen với đạo là vừa làm việc nhà, chúng ta vừa mở nhạc đạo, cho các em cùng nghe để tinh thần thoải mái hơn trong lúc làm việc. Những lúc rảnh rỗi, các bậc phụ huynh cho các em nghe các bài nhạc đạo và dạy các em hát những bài đạo ca có giai điệu vui tươi và lời đơn giản dành cho trẻ là cách để cả cha mẹ và con cùng tu. Rất nhiều em học giỏi tiếng nước ngoài qua việc nghe nhạc đó thôi. Tương tự như vậy, các em sẽ hiền lành, thuần thiện hơn khi những lời ca chuyển tải giá trị đạo đức ướp đẫm tâm hồn các em thường xuyên.
Các bậc phụ huynh có thể nhờ các em giúp một vài việc nho nhỏ khi đang lau quét bàn thờ Phật, hoặc rủ các em cùng ngồi thiền, đưa ra những câu hỏi đơn giản kích thích sự tò mò của các em về Đức Phật và những điều căn bản trong đạo Phật, kể các em nghe những mẩu chuyện đạo đức Phật giáo đơn giản trong tầm hiểu biết của các em… Nếu kết hợp nhuần nhuyễn, chúng ta có thể vừa làm việc nhà, vừa dạy con, vừa tu, vừa thư giãn và mỗi ngày sống đều tròn đầy ý nghĩa.
Thêm vào đó, ta nên dành một khoảng thời gian nhất định trong ngày để nghe pháp, đọc sách Phật pháp. Đừng cố gồng hay buộc mình phải nghe cho hết thời pháp nào đó, mà có thể dừng bất cứ lúc nào, cứ nghe pháp như một cách thưởng thức trong tinh thần thoải mái. Chúng ta nên tiếp cận Phật pháp như một kênh thông tin thời sự bình thường. Nếu cảm thấy lợi ích từ việc nghe pháp, ta nên duy trì mỗi ngày và dành thời gian nhiều hơn, nghe có chủ đích và định hướng hơn. Mưa dầm thấm lâu, đến một lúc nào đó, khi thời duyên chín muồi, bạn sẽ ngạc nhiên khi pháp được đón nhận như một loại nhạc nền cho tất cả mọi người trong gia đình cùng nghe trong ngôi nhà thân yêu của bạn!
Lợi ích kép của việc vừa tu cho bản thân mình vừa giúp người thân trong gia đình, nhất là các em nhỏ là điều có thể khi gia đình trở thành một môi trường bình yên ấm áp tình người. Nếu các bậc phụ huynh ứng dụng pháp thường xuyên trong cuộc sống thường ngày, con em họ sẽ có cơ hội tiếp nhận năng lượng thiện lành này từ sự thực hành của cha mẹ. Đây là những cách dạy đạo đức hiệu quả nhất cho con em mình và cũng là cách tu dễ dàng nhất của các bậc phụ huynh khi có thể hòa quyện tu và làm, tu và sống, tu và nuôi dạy con.
Thực hành thiền tại nơi làm việc
Chúng ta trải qua phần lớn thời gian trong ngày tại nơi làm việc, do vậy, bạn có thể sử dụng thời gian này để tu tập theo cách của mình. Sau khi điểm tâm, công việc hàng ngày của ta là đến sở làm. Hãy bước ra khỏi nhà với một tâm lý tích cực, tràn đầy năng lượng yêu thương của một ngày mới và gởi tâm niệm lành này đến với tất cả những ai gặp, tiếp xúc, nói chuyện và cộng sự với mình trong suốt ngày hôm ấy. Suốt ngày làm việc, dù bận rộn, đừng để công việc tạo áp lực cho mình. Cứ phải nhắc mình, ngày hôm nay, tôi đến đây là để làm việc lợi ích cho mình, cho người chứ không phải để làm tổn thương bất cứ ai.
Ta có thể thực hành cách nuôi dưỡng tâm thương yêu rộng lớn qua tất cả các tình huống, sự kiện trong ngày. Đơn giản và thường gặp nhất ngay từ khi vừa ra khỏi nhà là đèn đỏ giao thông. Nhịp sống hối hả ở thành phố lớn đôi lúc cuốn ta đi trong sự vội vã và căng thẳng, hễ gặp đèn đỏ dù chưa đầy một phút, ta thường có tâm lý không thoải mái. Suy nghĩ khởi lên trong đầu lúc này là “sao xui thế này, cứ đến ngã tư là mình gặp đèn đỏ à”; “sao đèn đỏ lâu thế này, trễ mất rồi”…
Nếu cứ để những ý tưởng tiêu cực như thế lởn vởn trong đầu, ta mang một tâm trạng nặng nề đến sở làm, còn gì là vui nữa? Để có thể chế tác niềm vui, trong cùng một tình huống gặp đèn đỏ, đứng giữa dòng người tấp nập, ta hít thở nhẹ nhàng, khoan thai và nghĩ rằng “tôi muốn thương yêu tất cả những người này”. Hoặc khi thấy có nhiều người thồ chở hàng hóa nặng nề, cồng kềnh trước mặt hay bên cạnh, ta khởi tâm “họ vất vả quá, đáng thương quá trong cuộc sống mưu sinh”…
Tương tự như vậy, khi điện thoại reo, nếu khởi lên ý tưởng “mình sắp bị quấy rầy rồi đây” thì tâm ta nặng nề lắm. Thay vào đó, khi nghe điện thoại reo, ta nghĩ “tôi sắp có cơ hội được giúp đỡ người nào rồi đây” thì lòng ta ấm áp với tình thương yêu và nguồn năng lượng này cho ta nguồn sống, nguồn vui để nuôi dưỡng mình trong pháp thiện. Như thế đã là tu trong cuộc sống đời thường rồi.
Suốt ngày, ta cần phải nhắc tâm mình, an trú tâm trên mọi hành động, ý thức và làm chủ tất cả những gì từ suy nghĩ, cảm nhận, nói và làm, để đặt chúng vào trong quỹ đạo của sự giám sát và dần thuần thục, chứ đừng sống một cách quá “tự nhiên”, muốn gì làm nấy theo bản năng. Khi sống với bản năng tự nhiên, ta thường có phản ứng trái chiều lại với những gì đang diễn ra trong cuộc sống.
Ví dụ trời nóng thì ta bực dọc nghĩ sao không mát hơn tí, gặp đèn đỏ thì phàn nàn sao không là đèn xanh, trời mưa thì bảo sao lại không nắng,… rồi ta đổ mọi sự bực dọc trong tâm mình lên những người làm chung, với người cấp dưới theo kiểu “giận cá chém thớt” trong khi họ chẳng có lỗi lầm gì với mình. Với cách đó, ta làm cho các mối quan hệ xã hội xấu đi, bản thân mình lại không thực sự tiếp xúc với hiện tại và không cảm nhận được sự nhiệm mầu của cuộc sống. Khi không tự biết mình, ta đối xử với bản thân như thể một người xa lạ.
Nếu ai đó hỏi trong khoảng nửa tiếng đồng hồ qua ta suy nghĩ gì, cảm nhận gì,… ta ngớ ra vì không biết, không ý thức được những gì đang diễn ra với chính mình, trong khi đó, những gì dấy lên trong tâm ảnh hưởng đến cách ta cảm nhận về bản thân và cách ta liên hệ với người khác mà ta không hề biết. Giá như ta biết kiểm soát tâm mình, ta có thể góp phần làm chủ cảm xúc và điều chỉnh hành vi của mình cho hợp lý hơn trong các giao tiếp thường ngày vậy thì mọi việc sẽ trở nên tốt hơn. Tu như vậy trở nên việc làm cần thiết cho tất cả mọi người.
Nuôi dưỡng chánh niệm
Thuốc giải cho lối sống buông tuồng theo bản năng thiếu đi sự kiểm soát là thực hành và nuôi dưỡng chánh niệm, nghĩa là luôn tỉnh thức trên những suy nghĩ, cảm thọ, lời nói và việc làm của mình trong giây phút hiện tại. Đây là cách để giữ mình không trượt ra khỏi chuẩn mực đạo đức, sống với một trái tim nồng ấm tình người không tính toán so đo. Bằng cách nuôi dưỡng sự tỉnh thức, ta dần có thói quen soi vào nội tâm của mình một cách khách quan thay vì nhìn ra bên ngoài với sự phán xét, bình phẩm, khen chê.
Chánh niệm sẽ giúp mỗi người chúng ta trở về với chính mình, nhận lãnh trách nhiệm bản thân với những gì ta đã tạo ra, đã tác động chứ không đổ lỗi cho người khác, cho hoàn cảnh. Chánh niệm tỉnh giác sẽ giúp ta rất nhiều trong việc giám sát, làm chủ cảm xúc của mình, dần bớt đi những tâm lý tiêu cực, nổi loạn vô cớ và trút lên người khác. Với cách này, ta không biến những con người vốn rất dễ thương quanh ta thành nạn nhân tội nghiệp cho những cơn nóng giận, cộc cằn, thô tháo của mình.
Thực hành chánh niệm bắt đầu với sự chú tâm vào hơi thở, ta sẽ thuần thục trong hơi thở, trở về sống với trái tim thuần hậu đầy yêu thương, trong sáng, nhẹ nhàng với tất cả mọi người.
Với chánh niệm, ta nhận ra mình là một tế bào trong những mối quan hệ chằng chịt với con người và thế giới bên ngoài, do vậy ta thấy mình trở nên nhỏ bé giữa thế giới bao la to lớn này. Một khi hiểu được mối liên hệ mật thiết giữa mình và thế giới cộng trụ tương sinh này, chúng ta ý thức hơn về hiệu ứng domino, rằng sự tác động và ảnh hưởng dây chuyền giữa ta và tất cả. Mỗi hành động, lời nói và suy nghĩ của mình có tác động, ảnh hưởng đến môi trường sống để chúng ta cân nhắc hơn, có ý thức bảo vệ môi trường sống, ý thức nuôi dưỡng các mối quan hệ xã hội trong cuộc sống. Tu đơn giản chỉ là như thế!
Ôn lại một ngày trôi qua
Với cách thực hành chánh niệm tỉnh giác trên mọi hành động của mình trong ngày, chúng ta trở về nhà trong chánh niệm, với tâm bình thản và chan chứa yêu thương. Về với tổ ấm gia đình, thay vì dành hết thời gian trước ti-vi, hay người người đều bận rộn đắm chìm trong những chiếc laptop, ipad, ipod, hay điện thoại thông minh, ta hãy dành cho mình vài phút thật yên tĩnh, rời xa mọi thứ máy móc hiện đại. Đây là thời gian quý hiếm để ta nhìn lui về một ngày làm việc trong chánh niệm, trong yêu thương, ta cảm nhận ra được nhiều điều bổ ích và thú vị cho bản thân.
Trước khi đi vào giấc ngủ để tái nạp năng lượng cho một ngày làm việc mới vào sáng ngày hôm sau là thời điểm tốt nhất để ôn lại công việc một ngày, cảm xúc một ngày, cách phản ứng của mình trong một ngày ấy. Đây là cách giúp chúng ta biết đánh giá mình một cách khách quan, rút kinh nghiệm một cách hiệu quả và thể hiện khát khao sự tiến bộ, hoàn thiện trong công việc cũng như trong hành vi ứng xử của bản thân. Chắc gì trong một ngày qua ta hoàn toàn ý thức và làm chủ mình thật tốt.
Có nhiều trường hợp, ta làm với động cơ sân si nhưng ngay lúc ấy, ta không kịp nhận ra, mà khi về nhà, tâm lắng dịu rồi, ta đủ bình tĩnh để nhìn nhận vấn đề đầy đủ và khách quan hơn, lại thấy lúc ấy mình sai và còn nhiều vụng về. Ôn lại để kiểm nghiệm lại những gì diễn ra trong tâm ta suốt ngày hôm ấy, nhưng không có nghĩa ta lại dằn vặt, bất an với những điều mình không hài lòng về bản thân. Hãy tha thứ cho chính mình và điều cần thiết là bài học từ những sai lầm ấy. Với thái độ cởi mở và bao dung, ta đi vào giấc ngủ dễ dàng và có một giấc ngủ sâu và ngon.
Tu trong đời sống thường ngày như thế thật ra không khó khăn mà cũng chẳng mất thời gian. Ta luôn có thời gian, 24 tiếng mỗi ngày. Ta không cần cắt một đoạn thời gian nào, dù rất ngắn, dành riêng cho việc tu tập mà ta tu ở nhà, tu tại nơi làm việc, tu trong lúc làm việc nhà, vừa tu vừa dạy con, tu trong khi đi, tu trong mọi nơi, mọi hoàn cảnh ta đang sống. Với cách này, pháp là một chất liệu thấm nhuần vào con người mình, đồng hành cùng chúng ta trong lúc thức cũng như ngủ, lúc học tập, làm việc lẫn vui chơi và chắc chắn ta sẽ có một cuộc sống đầy ý nghĩa và viên mãn trên cõi đời này!
Kể ra, nếu để tâm và đủ kiên trì, tu trong cuộc sống đời thường là điều hoàn toàn có thể ngay cả với người bận rộn nhất.
Discussion about this post