Chuyện thứ hai là một tỷ phú, ông chỉ giữ khoảng mười phần trăm số lãi để lo gia đình, còn chín mươi phần trăm dùng vào việc từ thiện. Lẽ ra ông chủ này theo thời gian sẽ dần tụt lại trong danh sách tỷ phú thế giới, “nghèo” đi. Nhưng không. Gia sản của ông ngày càng lớn. Người càng cho sẽ càng giàu; vế tiếp, càng giàu càng cho, đây là vòng trôn ốc hướng lên mãi. Phước tuồn về nhờ ta mở rộng lượng tâm. Muốn trí tuệ, muốn thành đạt giàu sang, tất cả đều có kim chỉ nam Phật pháp. Ngay đến khoa học hiện đại, những học giả hàng đầu cũng khuyên người đời nên nối mạng với làn sóng từ vũ trụ. Năng lượng thiện vốn sẵn trong trời đất, ta vừa mở tâm thiện lập tức nó ùa vào; nghĩ ác thì hút vào năng lượng ác, sự chiêu cảm tự nhiên này thật đáng sợ. Phật dạy hễ ta có gì hãy bố thí rộng khắp với lòng chân thành, bằng niềm thương lợi lạc tha nhân trước hết, đó là nguyên lý của giàu có, trí tuệ và sức khỏe.
Một khi tâm người hướng thiện, muốn tạo nên một sản phẩm (để làm giàu), thì trước hết nó phải lợi ích thiết thực cho bản thân, cho người thân của mình; bạn luôn luôn nghĩ về việc muốn giới thiệu sản phẩm này đến thật nhiều người. Chẳng hạn khoa học cảnh báo tác hại của đường sữa; với lòng trắc ẩn, bạn chế tạo một loại sữa không đường không chất bảo quản từ thực vật sạch trồng theo kỹ thuật nhà nông xưa. Bạn phát khởi lòng từ quyết đưa sản phẩm này ra thị trường lớn. Đây cũng là cách thực hành bố thí đem lại lợi lạc cho mình.
Phật dạy muốn giàu có hãy bố thí tài vật (ngoại tài và nội tài); muốn trí tuệ phát khởi hãy bố thí sự hiểu biết, bố thí bí quyết tài giỏi của mình; muốn hướng đến vô bệnh hãy tuyệt đối không sát hại kể cả muỗi kiến, thực hành ăn chay, phóng sanh. Chân lý này vĩnh viễn đúng, vĩnh viễn là đỉnh cao tót vời thách thức những người bình phàm dám bước về cõi thuần tịnh thuần thiện.
Con người được sinh ra từ chỗ hạ tiện nhất, nhưng con người cũng vốn thanh cao tót vời bởi con người liên thông với vũ trụ bằng sóng tâm. Mỗi ý niệm, mỗi cử chỉ hành vi cá nhân đều ảnh hưởng trực tiếp đến vũ trụ, trước hết là với trái đất này.
Kinh Địa Tạng: “Chúng sanh khởi tâm động niệm không gì không tội nghiệp”; sẽ phải được nhìn nhận một cách tỉnh táo nhất trên tiến trình cải đổi vận mạng. Hành giả mà hiểu câu này như bao học giả thì sự chê bai xem thường phải lường đến mức độ nghiêm trọng khôn xiết. Chúng ta tự hỏi, tại sao những bản kinh “đơn giản dễ hiểu” thường bị quy ngụy tạo lại qua mặt được bao Tổ sư Đại đức trải mấy ngàn năm? Kinh ấy vẫn được các bậc chứng ngộ đặc biệt quý trọng, thậm chí xem là nền tảng của Phật pháp? Rồi ngẫm thêm tại sao Phật cúi lạy đống xương khô (?) mà theo Ngài là cha mẹ mình từ nhiều kiếp trước. Tại sao chỉ cha mẹ là Phật đặt cao hơn bậc chứng ngộ như mình? Không cứ ai dẫu sự học uyên thâm, thử đọc kinh A Di Đà, kinh Vô lượng thọ sẽ thấy sao giống chuyện cổ tích thế này.
Nhưng so với câu kinh kể trên còn đỡ phi lý hơn nhiều. Rồi nữa, trong nhà Phật có câu “Niệm Phật một câu phước sanh vô lượng”; lại có câu: Trong những quả báo của việc niệm Phật có quả báo xuống địa ngục. Nhưng cả hai đều đúng tuyệt đối. Sai hay đúng do ở cách thấy, ở góc nhìn ở hệ quy chiếu và tầm nhận thức của mỗi hành giả thôi.
Người học rộng biết nhiều, ngay đến học kinh mà không hành, tất thảy cái họ có chỉ là thông tin, trong nhà Phật chưa phải trí huệ. Thông tin gọi sang hơn là tri thức. Từ tri thức tới nhận thức cũng hãy còn xa. Nhận thức, ngoài nhận thức về xã hội, về nhân loại nói chung còn phải mở cái nhìn về vũ trụ, về những quy luật thường hằng bất biến vốn liên quan mật thiết đến mỗi con người. Nói vũ trụ quá rộng lớn không liên quan đến nồi cơm của ta, không liên quan đến hơi thở, giấc ngủ, đến những ý nghĩ của ta là mới chạm phía ngoài nhận thức. Từ đó đến trí huệ lại là một bước chuyển phi thường. Những điều nhỏ nhặt, chẳng hạn ta vô tư mời bè bạn nhậu nhẹt chơi bời ngót tiền trăm tiền triệu, lại không bố thí nổi mươi ngàn cho kẻ ăn xin; ở tiêu chuẩn nhà Phật mà nhìn, là dại khờ hết đỗi. Ta toàn phóng tâm ra ngoài nhìn lỗi thế gian, thấy ai cũng lỗi, còn mình thì không.
Ta thành tựu sự nghiệp được người đời tán dương, ta làm ra tiền, lâu lâu tự dưng lại có bổng lộc tưởng như từ trời rơi xuống; ta tự hào, nghĩ mình đáng được tán thán đáng tự kiêu. Rồi có lần ta gặp nạn, ta lâm bệnh. Ta oán trời trách người. Thuận cảnh thì duy khẳng định bởi tôi tài giỏi tôi có đức. Nghịch cảnh lại phủ nhận lỗi ở mình. Trong nghịch duyên không nhìn thấy bản chất vốn là thuận giúp ta nhìn lại, nâng cao nhẫn lực, là chưa phát trí. Trong thuận duyên, ta không dụng trí tỉnh táo nhìn nhận sẽ rước họa sự thường. Thuận cảnh nghịch cảnh vốn không hai. Ngả về đằng nào tùy ở cách dụng tâm. Nhưng thường với chân nhân, đa phần nghịch mới là cơ hội rèn giũa tâm; còn thuận duyên chỉ tham khảo ngó qua vui chút chút. Một câu nói đôi khi như cái dùi dộng vào tim, khiến ta đau đến ngất. Ta phải “rùng mình” tỉnh trí, đặt câu nói đó lên cái bệ thật sang như đặt một cái bình cổ vậy, ta đi quanh ngắm nghía, rồi thốt lên “Tuyệt!”.
Suy cho cùng, nghịch hay thuận cảnh đều do tâm chiêu cảm, xuất phát từ nguyên nhân sâu xa thập thiện. Bởi ta không nằm trong khuôn khổ của đại giới này. Phật chế ngũ giới không phải cho người tu, mà dành cho mọi người. Điều mỗi ai cũng muốn là vô bệnh, trường thọ; nhưng họ lại sát sanh (kể cả muỗi kiến, kể cả giết hại gián tiếp và kể cả ý nghĩ sát hại…) – Trong vũ trụ không có chân lý này. Ta muốn hạnh phúc, muốn vợ tuyệt đối không ai sờ đến lông tơ, nhưng ta bồ bịch, tưởng đến bóng hồng – Trong vũ trụ cũng không có đạo lý này. Nó ngược chân tánh thiện lương, nó nhiễm ô từ trường sạch trong trời đất. Ta giấu giếm lỗi mình. Ta bực dọc với ai ngó lỗi mình, nhưng ta hứng khởi xả năng lượng bêu xấu, hạ thấp kẻ khác. Là hành động ác. Bởi ta thoát ra ngoài thập thiện, lọt vào mười ác, vi phạm luật thường hằng, tổn phước hao tài, trí mờ thân bệnh.
Thử một lần vào khoa Hồi sức cấp cứu, với những con bệnh tiểu tiện vương vãi, hôn mê sâu, sâu đến vĩnh viễn. Nhiều người vẫn còn biết suy nghĩ nhưng không nói không ra hiệu, cứ thế họ không được nằm đó thở mãi mà bị đưa về rút ô-xy kết thúc sự sống để chấm dứt tình trạng họ quá phiền hà người thân. Sẽ thấy cuộc đời nghiệt ngã quá chừng! Chết rồi do nghiệp thức tạo tác trong đời, tái sinh vào thai các loài thấp thua vạn lần cõi người, phải vào địa ngục thì so với những tra tấn thời Trung cổ chẳng nhằm nhò. Rồi ta so sánh với những người chân tu, về già trí sáng, tâm bình an giữa muôn nghịch trần. Họ thậm chí biết trước ngày giờ về nước Phật. Tự tại mà đi. Đứng mà vãng sanh. Vẫy tay trần thế mỉm cười mà về với Phật A Di Đà. Để lại thân toàn xá-lợi vàng ròng mà đi. Ngồi mà dùng lửa tam muội thiêu cái xác phàm mới thanh thoát phiêu cùng chúng thánh ở nước Cực lạc vi diệu đến không tài nào tả xiết.
Bởi ta không quán thân vô thường, ta chấp chặt vô thường, bám víu lấy vô thường biến hoại trong lúc có ai sống mãi. Ta dầm mình trong cõi buồn cùng tận. Là người chủ trương thuật trường sinh, song giáo sư Ohsawa thực tâm chú trọng chất lượng sống chứ không thiên về số lượng. Linh giác ông thấm thía cõi tạm. Cuộc đời dẫu sao cũng chỉ là cuộc chơi ngắn giữa vô thường, nhỏ nhoi và hư ảnh. Những chúng sanh tin lời Phật, theo đó dũng mãnh tinh tấn trên hành trình vượt thoát lục đạo thật hiếm sao!
2. Gian nan vượt thoát tự ngã
Tự ngã, cần bứng từ gốc rễ kiêu mạn. Đến một người tầm thường nhất thế gian, tàn ác đến đâu, trong đời họ vẫn có một cái gì đó hơn ta. Chắc chắn. Ở đây không thiên lệch chuyện hơn thua, cái chính nếu thực sự thấy ai cũng dường như là Phật và Bồ-tát tái sanh đóng đủ loại vai hóa độ, trí tuệ và phước báo của ta ắt tăng trưởng. Thấy mình hơn người, hơn ở một lĩnh vực nào là chưa thực sự thấu lý kinh. Một nhà thơ giỏi và một nhà thơ tầm tầm, cả hai đều vắt óc làm thơ, theo luật hấp dẫn, họ đều chiêu cảm năng lượng vũ trụ, nhưng người chắt ra câu thơ hay, người kia thì tàm tạm, điều này phụ thuộc chủ yếu vào phước báo. Phước lớn chiêu vời được cái hay cái đẹp cái sâu sắc triết lý, phước nhỏ chỉ đổi được thứ bình phàm.
Có nhiều tác phẩm nổi tiếng, tác giả bảo chữ cứ tuôn trào đến viết không kịp. Nó từ đâu ra? Những con người lọt lòng chưa có cơ hội vẫy vùng tạo nghiệp, sao đã dị tật méo mó? Nguyên nhân từ đâu? Những thân súc vật với cái đầu người, những người khoác mảng da của vật, vật đẻ ra tợ người v.v…, nó từ đâu ra? Những đứa trẻ thông tường Phật pháp, những người nhớ lại tiền kiếp; những vị Lạt-ma hơn chục lần tái sanh với đầy đủ vật chứng.
Những thiên tài lúc còn trẻ nhỏ, tác phẩm ấy từ đâu ra? Người kia chẳng hay tưởng mình giỏi, sanh tự mãn. Có ngã chắc đã có sự xem thường đối phương. Không những trong cùng ngành nghề, ta phải quán rộng. Mình viết cuốn sách cũng khác gì người chế tạo một nông cụ.
Bạn thấy mình hơn người ngủ đầu đường xó chợ, hãy thử qua đêm dưới gầm cầu xem sao. Ta hơn kẻ ăn mày, sao không một lần thử ăn mặc rách rưới hành nghiệp cái bang. Khó thay. Bởi ngã. Ta là kẻ trí thức đường hoàng. Ta được đào tạo bài bản. Ta có học hàm học vị. Ta là nghệ sĩ, là ông chủ, là tổng quản. Ta là tầng lớp bậc cao trong xã hội. Ta nổi danh thiên hạ. Ngồi đầu này nghe bàn cạnh bên nhắc tên mình đã lắng xem họ nói xấu gì không. Cái tên nhạy cảm số một. Cái tên này phải được đặt ở nơi sang trọng. Cái tên này hễ nhắc đến nhiều người đều nể. Ta là… Một khi xã hội cấp cho danh vị, chính là ngã rồi. Dẫu ngắt được chữ là thì vẫn còn chữ ta lù lù đó. Ta ta ta ta. Cái ta luôn chìa ra trước lúc đưa tay bắt người, trước lúc ta cúi mình trước một nghĩa cử cao đẹp, thậm chí trước lúc ta lễ Phật.
Sự hơn thua là do thức hoạt động, hoàn toàn không có phần của trí. Thức luôn phân biệt, chấp trước, Trí thì bình đẳng. Trang Tử trong Đạo gia từng nghiệm: trời người, vạn vật và ta vốn cùng một thể. Phật thấy mình bình đẳng với mọi chúng sanh. Chấp ngã, ta luôn thấy mình hơn người. Nhớ một lần con chó hàng xóm nằm xoải trước hiên, đi ngang nó liếc mắt ơ hờ, đi lại nó chỉ chuyển cái tròng; những người khác qua nó vẫn vậy; liền “ô” lên tự biện đến khi nào tâm tôi được như con chó kia. Nó như đang thiền. Tôi có hơn nó lúc này chăng. Rồi tôi liệu có hơn loài quỷ, mới nghĩ gì chúng đã biết. Tôi tham dục trong bóng tối cũng đâu qua mắt chúng. Hổ thẹn nhường nào đến ma quỷ cũng khinh mình lại đòi Phật rước.
Lại nghe có hành giả tu đến nhập định cả ngày, không khéo chỉ mới đủ để ma trêu chọc chứ chưa đủ mức để ma quấy phá, cản trở đường tới Phật, tức “ra đề” khó hơn hầu ta thăng sức nhẫn. Sao ma cao vậy? Bởi ma biết, công sức định của hành giả kia cao nhưng sâu xa vẫn mê cõi tạm; khởi tâm được về với Phật ngay lúc đó hành giả bỗng vội vàng xuất định; hay đó là công phu tăng trưởng theo cái ngã dẫu là chút chút, ngã ấy khiến Hộ pháp khước từ, để ma đi guốc trong bụng nên ma túm chuôi dao. Cao hơn ma đã khó; hoặc giả bạn có cơ duyên tu thành Phật, thì bao người khác cũng thế. Lúc bạn và họ đều thành Phật, chẳng lẽ bạn còn tu được cao hơn quả vị Phật để hơn thua?
Tôi có duyên lành thân cận với một vị hiện đang ẩn tu. Bởi thấy mình tu quá tệ, tuổi tác so với họ lại không lệch nhiều nên cái sự xưng hô rất ái ngại; gọi ngang tên chỉ là xin cái tướng, còn với tánh sợ mắc tội bất kính. Có lần gửi email hỏi pháp, nửa đùa nửa thật tôi có đặt hai chữ sư phụ ở đầu, liền bị quở: “Trong tam giới ai có thể làm sư phụ? Là bậc từ A-la-hán trở lên các Đại Bồ-tát, Như Lai quả địa. Còn mình ngay quả Tu-đà-hoàn chưa với nổi, thậm chí bậc thiện nhơn thế gian cũng không bằng thì sao làm sư phụ đây. Được người gọi sư phụ mà chẳng xứng thì tổn phước biết bao.
Trong các bản kinh Đại thừa, thường nghe Phật gọi các vị Đại Bồ-tát đẳng giác như Văn Thù, Phổ Hiền là ‘này Phật tử’, các Đại Bồ-tát còn là đệ tử, nếu ta làm sư phụ thì các Ngài ấy gặp ta phải chân mỏi gối chùn ư? Lại luận theo thật tướng bình đẳng, chư Phật thấy trong chúng sanh đều có ông Phật khổng lồ; riêng sư thừa của tổ truyền là mô hình giáo dục. Ngay Krishnamurti đương thời cũng được gọi là vị sư phụ luôn xua đuổi đệ tử như đuổi tà, ông không công nhận khái niệm sư – đệ như truyền thống sư thừa Á Đông; ngài nói các vị nhận làm đệ tử thường hay hủy hoại ông thầy!
Còn nói như Đức Đạt-lai Lạt-ma ‘phải làm đệ tử tất cả chúng sanh’ là tinh thần Bồ-tát đạo, cũng là tu hạnh lễ kính của Phổ Hiền. Những ai làm đệ tử của tất cả chúng sanh mãn ba đại a-tăng-kỳ kiếp, công phu dồi dào thâm hậu rồi thì mới có thể… có thể làm gì đây? Vừa cảm thấy mình không tệ, mới cảm thấy tư cách sư phụ trỗi dậy thì Bồ-tát Địa Tạng liền trao cho cái kính “chiếu yêu”, người đó nhìn vào gương thì thấy gì? Thấy hiện ra gương mặt hồng hào quắc thước, tiên phong đạo cốt, sắp sửa mỉm cười tự hào thì bỗng ngước nhìn lên, bóng của ma vương Ba Tuần đang phủ chụp! Cho nên các vị tu Bồ-tát đạo mãi mãi là đệ tử, cho đến quả vị Bồ-tát vẫn còn vô lượng vô biên sư phụ có thể dạy bảo mình là chư Phật quá khứ, hiện tại, vị lai. Nhà tui được đọc qua kinh Hoa nghiêm nên vĩnh viễn chẳng dám làm thầy người”.
Tôi thầm xin phép trích ra nguyên văn như trên cũng là để thấy mình đáng thương xót xiết bao! Mộng siêu xuất tam giới còn đưa cán cân thế gian đo lường tự ngã. Chợt nghĩ cái thằng Bờm nếu biết Phật pháp chắc chắn chẳng ngại ngần một phen đại ngộ. Đã thành phú ông rồi, thấu lý nhân quả sao còn không quay lại học cho thành thằng Bờm. Sao tôi không ngu ngu như Bờm được nhỉ.
Thấm thấu kinh điển phải là người mà tự ngã bị đánh sập. Bước ra đường nhìn ai cũng thấy là ân nhân. Phật dạy mọi người từ vô thỉ kiếp đều từng làm cha mẹ ta. Có lại thân người ta phải nặng mang ơn. Trách IS ác, sao tôi không lập trình lại ý niệm khởi lòng thương đến những kẻ đã gây tội nghiệp quá nặng để tương lai trong kiếp này hoặc kiếp khác họ sẽ nhận quả báo thảm sầu. Khoa học đã thấy giữa người với người đều “nối mạng” tư tưởng với nhau, không ai đứng độc lập giữa vũ trụ bao giờ.
Lên án IS, sao không biết mỗi ngày tôi cũng đang phát ý niệm “thập ác” góp phần gia tăng động đất sóng thần bão tố hại vô số tha nhân. Ta chống IS là chống ngay bản tánh lương thiện trong mình. Ai đó nói, bảo “đừng chống chiến tranh hãy ủng hộ hòa bình”, vậy chúng nó ác thế không tiêu diệt sao. Ừ, với người đã thuần tâm cầu giải thoát, hãy đừng chống lại sự chống IS, là ta đã góp ý niệm thiện vào từ trường vũ trụ. Ta đến đời này để trả ơn nghĩa; trả ân nhưng ta nhận lại phước báo, tăng trí huệ qua việc nhìn thấu muôn mặt nhân sinh cùng với mình ‘đồng thể đại bi’. Một nụ cười, một ánh mắt tin cẩn, một miếng ăn chia sớt, cùng ấm áp chỗ nằm trong hành lang bệnh viện giữa người nhà các bệnh nhân, nhường một chỗ ngồi trên xe bus chật chội; nấu thêm chút cơm âm thầm cho những con chó bị chủ bỏ đói v.v…, đều là trả ân.
Sống trong nỗi cảm ân là đang hướng về tha nhân, đang nhẹ dần tự tư tự lợi, là đã buông dần tự ngã. Ngũ dục lục trần buông bao nhiêu ta sẽ nhìn thấu bấy nhiêu. Thấu rồi thì ánh sáng vô lượng trong tự tánh rọi chiếu chan hòa. Buông rồi sờ tới pháp môn nào cũng dễ chứng dễ ngộ như nhau.
Buông không nổi thì tụng kinh bái sám, tham thiền niệm Phật cho đến trì chú suốt ngày đêm tâm ấy vẫn trơ như núi. Bởi ta vẫn tham vọng tưởng. Bởi ta phân biệt chấp trước. Tâm hiện cục đá, ta không thấy bản tánh nó như như, lại để mắt soi mói, khởi ý cục đá này cần đẽo thế này tạc thế kia cho đặng. Rồi cứ thế bỏ chân theo vọng lấy cớ mê đắm cõi trần kết thêm nhiều duyên mới biến hiện trong cảnh giới của ma vương, trong lâu đài của vũ điệu luân hồi ai oán.
Hồ Dụy
Discussion about this post