TƯ LƯƠNG
Toại Khanh
Chùa Đại Giác
Đêm, online thấy cái email của ông Bình Anson với một địa chỉ link để vào xem hình ảnh các ngôi chùa mà ông đã có dịp thăm viếng. Do chút tình cảm riêng tư, tôi chọn ngay các chùa trong nước để xem trước.
Thật lạ, tôi là người Việt và theo Phật giáo, nhưng cứ thấy khó chịu khi nhìn vào chánh điện của hầu hết chùa chiền trong nước. Cái nhức nhối là vấn đề không phải ở chỗ giàu nghèo, lớn nhỏ, mà là cái gì đó tạm thời rất khó nói, rất trừu tượng. Tôi lại theo thói quen mà nhắm mắt một lát để ngẫm nghĩ.
Trong cái tĩnh lặng mơ hồ của đêm tối, tôi bỗng nghe rõ mồn một câu nói năm nào của sư phụ. Hoa là để tô điểm Phật, đừng bao giờ lấy Phật để tô điểm hoa. Chính phụ phải phân minh. Ô hay, thì ra là vậy. Tôi mở mắt nhìn lại bệ thờ ở các chùa Việt Nam. Trời ạ, hoa trái hương đăng chất ngất trùng trùng, ngó sơ rồi lại nhớ vu vơ một lời hát: Một màu xanh xanh thêm chút vàng vàng, một màu nâu nâu thêm một chút tím tím…. Hình như là vậy. Giữa muôn trùng lễ phẩm là rất nhiều pho tượng chen nhau mà ngồi. Người sơ cơ nhìn vào khó mà biết được cái gì là chính phụ trên một bệ thờ đầy ắp kiểu đó. Đã vậy, tượng Phật trong các chùa Việt Nam hầu hết theo kiểu Tàu hay Nhật là hở ngực bày chữ Vạn và y hạ mặc cao gần ngực với giải lụa làm dây cột lòng thòng, lắm lúc trên mình tượng còn đầy vòng vàng châu ngọc. Đó là chưa kể trường hợp có nơi còn đặt pho Quán Âm Tống Tử là tượng một mỹ nhân kiều diễm bồng một hài đồng bụ bẫm đứng cạnh tượng Bổn Sư. Người ta có thể giải thích những hình tượng đó là biểu tượng cho cái gì đó cao siêu mầu nhiệm nhưng rõ ràng tác hại đầu tiên phải có của hình ảnh đó là làm hỏng hình ảnh đức Phật trong lòng không ít người sơ cơ. Trong thực tế, ngoại trừ Thanh Hải Vô Thượng Sư, không một tăng ni nào trên toàn cầu lại có lối trang phục như những pho tượng mà người Việt ta vẫn thờ. Một người ăn mặc lượm thượm và bất hợp lý như vậy rất khó di chuyển, trừ phi có phép mầu để phi hành trong gió. Và một vị đạo sư cầu kỳ như vậy hình như khó lòng mà tuyên thuyết những đức tánh xả ly, thiểu dục, giản dị.
Chuyện tôi muốn thưa ở đây tuyệt không phải hình thức ảnh tượng hay nghi lễ thờ cúng mà là cái nền tảng văn hoá nào đã nuôi dưỡng những vẻ ngoài ấy. Xin ngẫm lại mà xem, người Tây Phương sau khi học đạo ở Á Châu về, họ đã bày trí chốn thờ phượng ra sao. Họ thực tế, ngại dư thừa, thế là chỉ thờ những gì mà họ có thể lạy. Người Phương Đông ta hầu hết chủ về cảm tính, không phân biệt nhiều về cái mình cần và điều mình thích. Đôi lúc cũng tự biết đó không phải là cái cần, cũng không phải cái mình thích nhưng lại xu hướng thiên hạ chỉ vì sợ mang tiếng là thiếu. Từ đó chấp nhận cả những cái dư, bày lên bàn thờ rất nhiều thứ mình không thể lạy.
Ta chưng hoa vì muốn làm đẹp một nơi chốn, nhưng thiếu mỹ quan thì chỉ khiến ở đó thêm khó nhìn. Tôi không có chùa chiền, nhà đất, nhưng vẫn cứ thấy khó chịu với những khuôn sân chất đầy những chậu hoa kiểng vì những nơi đó cơ hồ chỉ thấy chậu mà chẳng thấy hoa. Đời sống vốn đã lê thê lướt thướt, thêm càng nhiều cái dư thừa chỉ khiến mất thời gian, choán không gian.
Thế nhưng không phải người Á Châu nào cũng thế. Nhiều thiền viện, chùa chiền của Thái Lan, Đài Loan, Nhật Bản nhìn đẹp như những khu Resort. Lý do là có người đã biết nhìn ra thiên hạ để mà sửa mình, nói là bắt chước cũng được, miễn sao biết được gì là thiếu và thừa. Không có được khả năng tiếp thu này, thiên hạ dễ mắc hội chứng ao tù, một đời duy ngã độc tôn, rồi thì trên nền tảng thiếu máu đó, cách ta tìm đến Phật Pháp cũng có vấn đề.
Nếu ta tin Phật là Bậc Nhất Thiết Trí thì cũng phải thấy đạo Ngài như biển cả. Để hiểu được biển, phải có được những phương tiện và hành trang đi biển. Lời Phật mênh mông như sa mạc, muốn tìm vào phải có những chuẩn bị tương thích. Tôi gọi đó là tư lương, tức những gì cần thiết cho một hành trình trên đường. Tùy thuộc sở tánh cá nhân mà mỗi người mang theo mình những tư lương gì, hoặc thiếu hoặc thừa, hay Cần và Đủ. Mang tâm tình một người mê cổ nhạc, ta thờ Phật theo phong cách cải lương. Mê đắm những thứ Hip-hop, Hi-tech thì ta thờ Phật qua những công nghệ hiện đại. Gì cũng là tư lương, nhưng liệu những gì ta mang theo trên đường tìm đạo và hành đạo có giúp được gì cho ta hay chỉ là lợi bất cập hại. Bối cảnh sinh trưởng, môi trường sinh hoạt, những thầy bạn kề cận, những gì ta thường nghe thấy hay đọc qua, tất thảy đều góp phần quan trọng vào cảm thức của chúng ta. Hành trang càng nghèo nàn, khả năng chắp cánh càng hạn chế, nhiều khi còn là sự tật nguyền. Đành rằng chim cá đôi miền cách biệt, mỗi người có riêng một căn tánh, nhưng trộm nghĩ, nói theo nghĩa bóng thì người Tây Tạng có dịp cũng nên biết khái lược về sông nước và người Việt Nam có dịp cũng nên tìm hiểu về những ngọn tuyết sơn để trong suy tư không mắc lỗi vì một đời dậm chân trên những lối mòn.
Nếu để ý một chút ta sẽ thấy ngay rằng tín ngưỡng và văn hoá ở mỗi miền đất thường mang theo dấu ấn của tâm tình xã hội bản địa. Từ đó, nếu thiếu sự tự cố, những gì tốt đẹp nhất sẽ mất dần tính tinh khôi sau những lần sang tay trên những bến bờ du nhập. Trên đời có những thứ càng phát triển và đổi khác sẽ càng tốt hơn, nhưng có những thứ hình như càng mất bản sắc nguyên thủy thì càng tệ… chẳng hạn vàng ròng đem pha trộn mãi sẽ rẻ tiền hơn, nước càng qua nhiều pha trộn cũng sẽ khó xài hơn. Từ đó mà nói, chuyện tôi muốn thưa ở đây trước sau chỉ là một gợi ý: Khả năng tiếp thu tuyệt đối quan trọng và nó tùy thuộc vào vốn liếng được trang bị trước đó. Thiếu vốn liếng, người ta dễ mắc phải thiên kiến phiến diện rồi thì tự biến sở thích và sở kiến bản thân thành thước đo chân lý, thích cái gì thì cái đó là đệ nhất. Nguy !
Ta chỉ có thể bước đi thoải mái với đôi giày vừa vặn với chân mình, nhưng còn một chuyện quan trọng khác là có thể mang đôi giày đó đi trên mọi nẻo đường. Lúc này vấn đề không còn thu hẹp trong đôi giày vừa chân mình nữa. Mong thay!
TOẠI KHANH
Discussion about this post