Ngay trong khi Thế Tôn còn tại thế đã có những hàng Thánh đệ tử của Ngài biết sử dụng ngày, tháng, sức lực và tuổi trẻ để làm nên sự nghiệp giải thoát và giác ngộ, để rồi truyền trao sự nghiệp ấy lại cho chúng ta hiện tại.
Đôi điều về Tuổi trẻ với Phật giáo
Trong những vị Thánh đệ tử ấy, Tôn giả Rāhula là một mẫu hình tiêu biểu cho công hạnh tu tập tinh tấn, đem cả tuổi trẻ và sức lực để cống hiến cho những giá trị siêu việt mang ý nghĩa nhân văn cao đẹp.
Thân thế ngài Rāhula
Rāhula, Hán dịch là La-hầu-la hay La Vân, là một vị Thánh đệ tử của Đức Phật, đồng thời cũng là con trai của Thái tử Siddhatta và Công chúa Yasodharā, là người thừa kế ngai vàng của đức vua Suddhodana sau khi Thái tử Siddhatta xuất gia và sau đó là Hoàng tử Ananda.
Về niên đại năm sinh của ngài Rāhula, có rất nhiều giả thiết xoay quanh năm Ngài ra đời. Theo Phật học Đại từ điển của Đinh Phúc Bảo cho rằng, Ngài sinh vào đêm Phật thành đạo. Theo Từ điển Phật học của Nguyễn Tường Bách, Ngài sinh ra được bảy ngày thì Thái tử Siddhatta xuất gia. Trong tác phẩm The Buddha and his Teaching của ngài Narada xác định Rāhula thọ Đại giới khi Đức Phật đã thành đạo 14 năm. Xét theo sử liệu Nam truyền, Đức Phật thành đạo sau 06 năm khổ hạnh. Như vậy tức 20 năm sau khi Phật xuất gia, khi ấy Rāhula 20 tuổi là hợp lý.
Về niên đại thị tịch của ngài Rāhula có hai giả thiết chính. Theo đa phần các nguồn sử liệu Nam truyền thì Ngài thị tịch trước khi Phật nhập diệt. Tuy nhiên, một số Kinh điển Bắc truyền khi nói về lúc Đức Phật nhập diệt lại cho rằng Ngài vẫn còn hiện diện nơi Kushinagara. Từ các Kinh tạng của hai truyền thống đều cho rằng Ngài nhập diệt lúc chưa đầy 50 tuổi. Tuy nhiên, đối với các bậc Thánh việc trụ thế dài ngắn không nói lên giá trị mà cốt yếu là ở đời sống và đóng góp các giá trị nhân văn cho đời sống con người mới là quan yếu.
Như vậy, tổng quan về năm sinh và năm viên tịch của ngài Rāhula đã được khái lược lại về những quan điểm xác thực với lịch sử, để có những nhìn nhận hiện thực về một con người lịch sử, một vị Thánh đệ tử từng có mặt trong Tăng đoàn thời Phật tại thế, chứ không phải là những sự huyễn dụ mang tính huyền thoại.
Phật giáo đem lại lợi ích gì cho tuổi trẻ
Tiền thân ngài Rāhula
Không phải ngẫu nhiên mà cuộc đời ngài Rāhula diễn biến như vậy, ngay từ trong quá khứ, do nhiều nhân duyên thuở tiền kiếp nên nay mới biểu hiện ra như vậy. Từ nhiều tiền kiếp, Rāhula và Đức Phật đã có nhân duyên kết thành chí thân. Trong các truyện tiền thân như Mahāsuddassana (Ja.95), Sonaka (Ja.529), Mahājanaka (Ja.539), Vidhurapandita (Ja.545), Vessantara (Ja.547), tiền thân của Rāhula đều là Vương tử con của Quốc vương, vị Quốc vương bấy giờ là tiền thân của Đức Phật. Từ tiền kiếp, Rāhula đã phát nguyện nhiều đời làm con của Đức Phật là vậy.
Cũng vậy, ngay trong tiền kiếp, khi tiền thân Đức Phật muốn rời bỏ gia đình để tìm kiếm con đường đạo tốt đẹp thì tiền thân Rāhula cũng là những chướng ngại ngăn trở con đường xuất thế của bậc Đạo sư. Như chuyện tiền thân Bandhanāgāra (Ja.201) vị Bà-la-môn là tiền thân của Đức Phật vì muốn vào rừng ẩn tu nhưng người vợ không đồng ý khi chưa có con, sau khi sinh được người con trai là tiền thân của Rāhula, người Bà-la-môn quyết chí phải đi vào rừng nhưng người vợ lại tìm cách để có thêm con nhằm tạo thêm sự buộc ràng. Tuy nhiên, vị Bà-la-môn vẫn đi tu. Vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà khi Rāhula vừa ra đời, vẫn còn đỏ hỏn, Thái tử Siddhatta đã vội ra đi tìm con đường vượt thoát khổ đau. Chính từ trong tiền kiếp đã có những nhân duyên như vậy nên không thể luận bàn Thái tử thiếu tình thương với con trẻ, bỏ lại Rāhula khi Ngài còn rất nhỏ.
Từ trong tiền kiếp, không những có thắng duyên là thân thuộc với Đức Phật, mà trên con đường học đạo, Rāhula lúc nào cũng có bậc Đạo sư chỉ dẫn là Đức Phật. Như trong truyện tiền thân Tipallatthamiga (Ja.16), tiền thân Phật là con Nai chúa, tiền thân Rāhula là con Nai cháu. Với sự chỉ dạy của Nai chúa, con Nai cháu đã vượt khỏi hiểm nguy.
Trong cuộc đời tu hành của Rāhula, Đức Phật cũng chỉ dạy Ngài với những pháp hành đơn giản, sự tu tập của Rāhula cũng vậy, không luống uổng là thân thuộc của Phật, từ trong ngôn hành cũng như đời sống dung dị nhưng bản chất tôn quý vẫn không mất đi. Như trong truyện tiền thân Daddhara (Ja.172), tiền thân của Phật là Sư tử cha dạy cho Sư tử con là tiền thân của Rāhula phải biết rống lên tiếng gầm của Sư tử, bậc Vương giả chớ cất tiếng bần tiện của chó hoang.
Xuất gia theo Phật
Sau khi thành đạo ở Bodh Gaya và truyền đạo được 03 năm, Đức Phật nhận lời thỉnh cầu của đức vua Suddhodana và dân chúng thành Kapilavatthu trở về quê hương. Sau gần mười năm kể từ đêm trăng năm xưa, Ngài lặng lẽ vượt thành ra đi, nay trở lại đã là bậc Đạo sư, là Thầy của chư Thiên và loài người. Trong vương thành Kapilavatthu, “mẹ của Rāhula đã nói với Hoàng tử Rāhula điều này: – Này Rāhula, người kia là cha con. Hãy đi và cầu xin phần thừa kế. Khi ấy, Hoàng tử Rāhula đã đi đến gặp Đức Thế Tôn, sau khi đến đã đứng ở phía trước Đức Thế Tôn và nói: – Này vị Sa môn, bóng che của Ngài thật là an lạc.
Sau đó, Đức Thế Tôn đã từ chỗ ngồi đứng dậy và đi. Khi ấy, Hoàng tử Rāhula đã theo sát phía sau Đức Thế Tôn và nói: – Này vị Sa môn, hãy ban cho con phần thừa kế. Này vị Sa môn, hãy ban cho con phần thừa kế. Khi ấy Đức Thế Tôn đã bảo Đại đức Sāriputta rằng: – Này Sāriputta, như thế thì người hãy cho Hoàng tử Rāhula xuất gia” [1].
Vậy là Rāhula đã xuất gia theo Phật với một nhân duyên như vậy. Rāhula trở thành vị Sa di đầu tiên trong Giáo đoàn của Phật, trở thành người thừa kế gia tài chánh pháp của Phật. Rāhula rất thích ở cùng với Phật. Có thể là do sự kính mến với bậc Thầy mô phạm. Vì sự kính tín và tình yêu thuần khiết đối với bậc Đạo sư, Rāhula có thể từ bỏ sự bảo bọc của đức vua Suddhodana, từ bỏ tình cảm thương yêu của mẹ là Yosadhara, từ bỏ ngôi vị mà cha mình là Siddhatta đã từng khước từ để cất bước theo Phật trở thành xuất sĩ khi mới mười tuổi. Theo sự chỉ dạy của Phật, Rāhula đảnh lễ Sāriputta làm Thầy và theo ngài Sāriputta tu học. Từ đây, mở ra một chân trời cao rộng trong cuộc đời Rāhula.
Con đường tu học của ngài Rāhula
Từ khi theo Đức Phật xuất gia, Rāhula đã là một vị Sa di mẫu mực. Luôn biết tôn kính các bậc Trưởng thượng và có hạnh tu nhẫn nhục, không bao giờ lên tiếng tranh cãi hay thanh minh mà chỉ im lặng làm phận sự của mình. Điều đó là do Đức Phật sớm đã dạy Rāhula về hạnh tu này. Người xuất sĩ chỉ cần pháp hành như vậy đã đủ giữ gìn phẩm hạnh của mình và thăng tiến trên con đường tu học.
Một hôm, Đức Phật tìm Rāhula, sau khi Rāhula mang nước cho Phật rửa chân. Từ sự kiện thực tế đó, Phật hỏi Rāhula về việc sử dụng chiếc chậu kia. Sau khi đã dùng để rửa chân bị bẩn như vậy, có còn có thể đem đựng thức ăn không? Cho đến sau khi đã mang đi rửa sạch có thể mang đi đựng thức ăn không? Rāhula trả lời Phật những câu hỏi trên là không thể sử dụng được nữa. Từ đó Phật mới dạy Rāhula: “Cũng vậy, này Rāhula, đối với ai biết mà nói láo, không có tàm quý, thời Ta nói rằng người ấy không có việc ác gì mà không làm. Do vậy, này Rāhula, “Ta quyết không nói láo, dầu nói để mà chơi”, này Rahula, Ông phải học tập như vậy” [2]. Người trí phải biết sống một cách chân thực. Lời nói hay chính là lời nói thực. Rāhula đã giữ trọn lời dạy của Đức Phật và thực hành suốt cuộc đời của Ngài. Sự chân thật không hoa mỹ trong đời sống của một bậc Vương tôn là chất liệu quý báu nhất tạo nên phẩm hạnh của một bậc Thánh đệ tử. Từ bài Kinh này, một số sử truyện Phật giáo đã phóng tác nên việc Rāhula nói dối Phật ở Jetavana. Tuy nhiên trong khuôn khổ sử liệu Nam truyền không có đề cập đến việc này. Chúng ta cần phải nhìn nhận lại những sự phóng tác này để tránh diễn nói không đúng về cuộc đời một vị Thánh đệ tử của Đức Phật. Đó là phạm trù giáo dục về Giới học mà Phật đã dạy cho Rāhula từ buổi đầu mới xuất gia.
Tuổi trẻ, niềm tin và ước vọng
Cũng vậy, trong đời sống Sa di của Rāhula, Đức Phật dạy Ngài phải từ ái, học hạnh nhẫn nhục như đất, biết tiếp nhận tất cả. “Này Rāhula, ví như trên đất người ta quăng đồ tịnh, quăng đồ không tịnh, quăng phân uế, quăng nước tiểu, nhổ nước miếng, quăng mủ và quăng máu; tuy vậy, đất không lo âu, không dao động, hay không nhàm chán; cũng vậy, này Rāhula, hãy tu tập như đất. Này Rāhula, do tu tập sự tu tập như đất, các xúc khả ái, không khả ái được khởi lên, không có nắm giữ tâm, không có tồn tại” [3]. Rāhula đã thực tập hạnh khiêm cung và nhẫn nhục ấy một cách chắc chắn như đất. Trung kiên và vững chãi như đất có thể tiếp nhận mọi điều thị phi mà không cần phải lên tiếng. Đó là phương thức giáo dục về Định học mà Đức Phật muốn hướng dẫn cho Rāhula. Cũng như nước, Rāhula uyển chuyển tùy duyên, như chính trong đời sống sau khi thọ Đại giới của Ngài. Khi có vị tín chủ cúng dường Tinh xá xong rồi có ý lấy lại để cúng dường cho vị khác, Rāhula vẫn im lặng rời đi không một lời phàn nàn hay than trách. Bởi vậy, Đức Phật mới từng khen hạnh kín của La Hầu, chỉ ta biết mà thôi. Để từ những chất liệu đó mới xây dựng nên một vị Thánh đệ tử được Đức Phật khen ngợi là người có Mật hạnh đệ nhất trong số các đệ tử của Thế Tôn.
Ngài Rāhula là một trong những vị chứng Thánh quả khi tuổi đời còn trẻ nhất. Bởi lẽ, khi thọ Đại giới xong, với công phu tu tập vững chắc, đức hạnh khiêm cung, nhẫn nhục của Ngài đã làm cho những thành tựu quả vị bậc Thánh sớm nảy nở ở nơi Tôn giả. Bên cạnh đó, Đức Phật từ những hành pháp mà tôn giả Rāhula đã thực tập trước đó mới chỉ dẫn trực tiếp phương pháp hành thiền và đề mục cho Rāhula: “Này Rāhula, vị đa văn Thánh đệ tử nhàm chán đối với mắt, nhàm chán đối với các sắc, nhàm chán đối với nhãn thức, nhàm chán đối với nhãn xúc… Do nhàm chán, vị ấy ly tham. Do ly tham, vị ấy được giải thoát. Trong sự giải thoát, khởi lên trí hiểu biết: “Ta đã được giải thoát”. Vị ấy biết rõ: “Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa”. Thế Tôn thuyết như vậy. Tôn giả Rāhula hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn dạy. Trong khi lời thuyết giảng này được nói lên, tâm Tôn giả Rāhula được giải thoát khỏi các lậu hoặc, không có chấp thủ. Hàng nhiều ngàn chư Thiên khởi lên pháp nhãn ly trần vô cấu: “Phàm các pháp gì được sanh khởi, tất cả đều bị đoạn diệt” [4]. Đó là phương pháp tuệ quán mà Phật chỉ dạy trên hành trình giáo dục Rāhula.
Chính ngài Rāhula cũng nhận thức được các giá trị đó nên trong Trưởng lão Tăng kệ, chính Rāhula đã nói rằng:
“Nhờ ta được đầy đủ,
Hai đức tánh tốt đẹp,
Ðược bạn có trí gọi,
‘Rāhula may mắn’
Ta là con Đức Phật,
Ta lại được Pháp nhãn.
Ta vượt qua dục ấy,
Cắt đứt ma trói buộc,
Nhổ lên gốc khát ái,
Ta mát lạnh tịch tịnh” [5].
Những giá trị tu học từ ngài Rāhula
Thiết lập lộ trình tu học như lời dạy của Thế tôn với Rāhula
Đức Thế Tôn là một nhà giáo dục vĩ đại. Với những người trẻ trong giáo đoàn, mà tiêu biểu ở đây là Rāhula, Đức Thế Tôn đã có những phương pháp và lộ trình giáo dục hẳn hoi hợp lý cho Rāhula. Từ đó chúng ta có thể phân tích đường hướng để thiết lập một lộ trình tu tập cần thiết cho bản thân.
“Thế Tôn:
Thường chung sống người hiền,
Thầy có khinh miệt không?
Người cầm đuốc loài Người,
Ðược Thầy tôn trọng không?
Rāhula:
Thường chung sống người hiền,
Con không có khinh miệt.
Người cầm đuốc loài Người,
Thường được con tôn trọng.
Thế Tôn:
Bỏ năm dục trưởng dưỡng,
Khả ái và đẹp ý,
Với lòng tin xuất gia,
Hãy trở thành con người,
Làm chấm dứt khổ đau.
Thân cận với bạn lành,
Sống trú xứ xa vắng,
Viễn ly không ồn ào,
Hãy tiết độ ăn uống
Y áo, đồ khất thực,
Vật dụng và sàng tọa,
Chớ có tham ái chúng,
Chớ trở lui đời này.
Chế ngự trong giới bổn,
Phòng hộ trong năm căn,
Hãy tu tập niệm thân,
Sống với nhiều nhàm chán.
Hãy từ bỏ tịnh tướng,
Hệ lụy với tham ái,
Tu tập tâm bất tịnh,
Nhất tâm, khéo định tĩnh.
Hãy tu tập vô tướng,
Bỏ đi, mạn tùy miên,
Do nhiếp phục kiêu mạn,
Ngươi sẽ sống an tịnh.
Như vậy, Thế Tôn thường giáo giới Tôn giả Rāhula với những bài kệ này” [6].
Tôn trọng và thân cận thiện tri thức là bài học đầu tiên. Chỉ có thân cận thiện tri thức mới làm cho đời sống tâm linh được phát triển khi có bạn lành chỉ dẫn. Do đó, sự thân cận , tôn trọng tuyệt đối là cần thiết để được thiện tri thức chỉ dạy điều hay. Như Rāhula với các vị Tỳ kheo luôn kính trọng để được dạy bảo. Không vì mình là thân quyến của Đức Phật mà có hành động bất kính với chư Tăng. Đặc biệt với Trưởng lão Sāriputta, Rāhula có một sự kính trọng đặc biệt nên được học hỏi từ Trưởng lão nhiều điều cũng như nhận được sự giáo giới kịp thời.
Xây dựng đời sống thiểu dục tri túc, đó là một điều cần thiết. Người xuất gia cần phải có đời sống thiểu dục tri túc, người tri túc là người giàu có. Chính Rāhula xuất thân là Vương tử, không có sự giàu có nào nơi thế gian đủ hấp dẫn Rāhula, do đó sự thiểu dục tri túc trong đời sống khất sĩ là một sự giàu có với Rāhula, vì nơi đó có gia tài của bậc Thánh mà Đức Thế Tôn để lại cho Rāhula. Do đó, ít muốn và biết đủ là một điều cần thiết với một vị tu sĩ để xây dựng một đời sống đầy đủ Thánh tài.
Khép mình trong giới luật, phòng hộ căn môn là một yếu tố tiếp theo, giới luật là ngọn đèn soi đường, do đó không thể nào không chú trọng việc giữ giới. Thánh tài của Thế Tôn cũng có giới tài. Vì vậy, trì giới là điều cần thiết phải có với một tu sĩ. Từ đó thiết lập sự phòng hộ căn môn để tránh những điều kiện xâm thực giới hạnh của người tu sĩ.
Chân thực là tướng vô tướng. Vì chân thực là chất liệu quý báu mà như trong cuộc đời Rāhula chúng ta đã thấy. Chân thực là một sự tàm quý, như voi chúa biết tự bảo vệ vòi của mình. Chân thực là chất liệu giữ phẩm hạnh. Không gì đẹp bằng sự chân thực. Do đó, sự chân thực trong ngôn hành là tướng vô tướng. Là hình ảnh đẹp nhất không gì có thể sánh kịp và đó là một chất liệu mà một tu sĩ cần phải có.
Học hạnh khiêm cung và nhẫn nhục
Rāhula là một Thánh đệ tử được xưng tụng là Mật hạnh đệ nhất. Cuộc đời Ngài là mẫu mực của sự kham nhẫn và khiêm cung. Vì cầu học mà phải có sự khiêm cung, không có sự khiêm cung thì không thể tiếp nhận điều hay, điều mới. Không có sự khiêm cung thì không trau dồi những điều tốt đẹp.
Đồng thời, với sự khiêm cung là hạnh nhẫn nhục, sự im lặng như pháp của Rāhula cho thấy pháp hành vững chãi của Ngài. Sự nhẫn nhục của Rāhula là một hình ảnh đẹp. Bởi lẽ kham nhẫn trước tiên là để chuyển hóa thân tâm, loại trừ các phiền não để đạt được những giá trị tu tập tự thân. Sau đó, sự kham nhẫn là để giáo hóa chúng sanh. Vì căn tánh chúng sanh mà phải có sự kham nhẫn cần thiết để tùy duyên hóa độ mặc cho những thị phi, điều tiếng. Đó là một bài học cần thiết với người tu sĩ vừa để chuyển hóa tâm thức bản thân đồng thời chuyển hóa tha nhân thì không thể thiếu sự kham nhẫn.
Xây dựng một con đường giáo dục giới trẻ
Trở lại việc Đức Thế Tôn chế giới cộng vị thọ trụ đồng thất túc. “Trong thành Kosambī, Đức Thế Tôn đã ngự tại tu viện Badarika. Các Tỳ kheo đã nói với Rāhula điều này: Này đệ Rāhula, điều học đã được Đức Thế Tôn quy định rằng, không được nằm chung chỗ ngủ với người chưa tu lên bậc trên. Này đệ Rāhula, hãy tìm chỗ ngủ. Khi ấy, khi không có được chỗ ngủ, Rāhula đã nằm ngủ ở nhà tiêu. Vào canh cuối của đêm, Đức Thế Tôn thức dậy và đã đi đến nhà tiêu, sau khi đi đến đã tằng hắng. Rāhula cũng đã tằng hắng lại. – Ai vậy đó? – Bạch Thế Tôn, con là Rāhula. – Này Rāhula sao con lại nằm ở đây? Khi ấy, Rāhula đã trình sự việc ấy lên Đức Thế Tôn” [7]. Sau khi đã trình bày với Đức Thế Tôn, vì sự kham nhẫn của Rāhula mà Đức Thế Tôn càng quan tâm hơn. Chính Rāhula là thân quyến của Phật mà còn bị đối xử như thế thì nếu Phật không quan tâm thì sau này người trẻ làm sao có thể sống trong Tăng đoàn và xây dựng một lý tưởng tu tập. Do đó, chính Đức Phật đã rất quan tâm đến đường hướng giáo dục giới trẻ.
Trên phương diện một nhà giáo dục chúng ta cần phải có sự mô phạm nhất định, phải có mục tiêu giáo dục cụ thể mà với chúng ta không đi ngoài Giới – Định – Tuệ. Vì vậy, đối với giới trẻ cần phải có một lộ trình rõ ràng phù hợp tâm, sinh lý mà có phương pháp cụ thể khế lý, khế cơ. Đầu tiên, với nhận thức trẻ em không nên giáo dục những điều quá sâu xa, chưa phù hợp nhận thức của trẻ, mà chỉ đơn giản là dạy đạo đức cơ bản. Nền tảng đạo đức học Phật giáo là giới học, do đó chỉ cần giữ giới là không vi phạm đạo đức thế gian cũng như trưởng dưỡng căn lành. Trên bước đường phát triển đó khi đến thời điểm thích hợp sẽ chỉ dẫn phương pháp thực tập phù hợp từng cá nhân đó là áp dụng Định học, để cho giới trẻ có thể phát triển theo tư duy cá nhân của họ. Cuối cùng mới phát triển Tuệ học.
Bên cạnh đó, giáo dục giới trẻ cần phải có sự kham nhẫn đồng thời phải có tình thương lớn để trao gửi cho các em như tình thương của Phật dành cho Rāhula. Bởi lẽ “lạt mềm buộc chặt”, tình thương là chất liệu để duy trì sự hấp dẫn giới trẻ đến với Phật giáo. Do đó, phải có một tình thương lớn trao gửi mới có thể giáo dục được.
Mặt khác như phương pháp Đức Phật giáo dục Rāhula là dựa trên những thí dụ trực quan sinh động, từ hình ảnh chiếc chậu, con voi hay chiếc gương soi đều gần gũi đời sống người trẻ, giúp cho dễ hình dung. Vậy nên, giáo dục giới trẻ không nên đem những hình ảnh trừu tượng mà cần phải thiết thực như vậy.
Giáo dục giới trẻ là một việc cần thiết của đạo Phật. Đạo Phật không phải chỉ riêng của người già và phụ nữ. Mà đó là một gia tài quý báu của tất cả mọi người. Đừng nên để quan niệm “trẻ vui nhà, già vui chùa” chi phối tư tưởng người tu sĩ, để từ đó “già hóa” Phật giáo. Vì vậy, con đường chúng ta cần đi là giáo dục giới trẻ. Đó là những gì cần phải hành động ngay trong lúc này. Trong thế kỷ trước, Bác sĩ Lê Đình Thám cũng đã nhận định: “Không một thành tựu bền vững nào mà không nhắm đến tầng lớp Thanh Thiếu niên, bởi vì họ là người kế thừa chúng ta trong mai hậu”.
Có thể nói, cuộc đời và đạo nghiệp của các Thánh đệ tử trôi qua như nhạn bay ngang trời. Với ngài Rāhula cũng vậy, cuộc đời của Ngài như nhạn qua trời không để lại dấu. Từ những câu chuyện mang yếu tố huyền sử của các Thánh đệ tử, trong đó có Rāhula, với những hình ảnh chú Sa di nghịch ngợm. Qua thời gian, những hình ảnh mang yếu tố huyền sử đó dẫn dắt chúng ta đi đến những sử liệu chính thống để tìm về hình ảnh chân thực của một nhân vật lịch sử đã từng sinh hoạt trong Tăng đoàn.
Qua hình ảnh Rāhula, chúng ta thấy được nhiều giá trị đóng góp cho việc tu tập tự thân, chính Rāhula là một vương tử đã từ bỏ tuổi trẻ, từ bỏ tình thương thế gian của người mẹ Yasodhara để đến với Phật giáo, đi trên con đường xuất gia vì một tình yêu cao đẹp với chân lí, với tình thương lớn dành cho vạn loài. Thấy được những hy sinh trong những năm tháng tuổi thơ để khép mình vào giới luật, xây dựng một đời sống Phạm hạnh với những pháp hành rõ rệt, chúng ta trân quý những gì mà ngài Rāhula để lại cho hàng đệ tử Phật nhiều thế hệ. Những giá trị phổ quát đó không những xây dựng nên một Rāhula trong quá khứ mà thực tiễn vẫn mang tầm vóc để xây dựng nên những Rāhula trong hiện tại chứ không phải là lý luận suông trên mặt giấy. Chính cuộc đời và con đường tu học của Ngài là một bài học và là một gia tài quý báu mà Ngài được thừa hưởng từ Đức Phật và dạy cho chúng ta.
Từ đó, chúng ta minh định nên một con đường tu tập rõ ràng, biết tu tập tự thân trên nền tảng Giới – Định – Tuệ để từ đó có những tiến bộ cá nhân. Trên cơ sở đó, mới thiết lập được đường hướng đóng góp cho tha nhân. Trên hành trình đó chúng ta cũng không quên những giá trị tình thương và sự kham nhẫn là chất liệu quý báu để xây dựng nền tảng vững chắc cho một con đường giáo dục. Mà đặc biệt là giáo dục giới trẻ, hàng ngũ kế thừa gia tài chánh pháp của Đức Phật. Để từ đó, chúng ta có thể nuôi dưỡng những giá trị Rāhula trong chính Phật giáo thời hiện tại, để hình ảnh Rāhula không còn trong huyền sử mà đi vào lịch sử với một đời sống thực tại được biểu hiện đầy đủ những đức tính tốt đẹp ấy.
Chú thích:
[1] Tỳ kheo Indacanda – Nguyệt Thiên dịch (2006), Vinaya Pitaka, Đại phẩm I, BCC, tr.205.
[2] HT Thích Minh Châu (2012), Kinh Trung bộ, Tập I, Kinh giáo giới Rāhula ở rừng Ambala số 62, Nxb. Tôn giáo, tr.508.
[3] HT Thích Minh Châu (2012), Kinh Trung bộ, Tập I, Đại kinh giáo giới Rāhula số 63, Nxb. Tôn giáo, tr.517.
[4] HT Thích Minh Châu (2014), Kinh Tương Ưng bộ, Tập II, Kinh Rāhula S.IV.105, Nxb. Tôn giáo, tr.197.
[5] HT Thích Minh Châu (2015), Kinh Tiểu bộ, Tập II, Trưởng lão Tăng kệ, Rāhula Thera.35, Nxb. Tôn giáo, tr.325.
[6] HT Thích Minh Châu (2015), Kinh Tiểu bộ, Tập I, Kinh Tập, Phẩm Rāhula số 58, Nxb. Tôn giáo, tr.ang 402.
[7] Tỳ kheo Indacanda – Nguyệt Thiên dịch (2006), Vinaya Pitaka, Phân tích giới Tỳ kheo II, BCC, tr.57.
ĐĐ. Thích Nhuận Lạc
Discussion about this post