Xin chào các vị pháp sư, các vị đồng tu, xin mời ngồi! Mời xem “Tu Hoa Nghiêm Áo Chỉ Vọng Tận Hoàn Nguyên Quán”, Kinh văn tờ thứ bảy, hàng thứ nhất.
Phía trước chúng ta học đến “tức nhiễm tức tịnh”, hôm nay chúng ta xem tiếp “tức nhân tức quả”.
Nhiễm tịnh ở trong Phật pháp, trong mười pháp giới, pháp giới bốn thánh là Tịnh Độ; phàm phu sáu cõi, trong sáu cõi đó là nhiễm. Trong pháp giới bốn thánh không có thiện ác, có nhiễm tịnh. Trong sáu cõi có nhiễm ô, có thiện ác. Thiện cũng là nhiễm ô, cũng không thanh tịnh, đạo lý này nhất định phải hiểu. Tu thiện, tu học tất cả thiện pháp không thể ra khởi sáu cõi luân hồi, sanh ba đường thiện. Tạo tác tất cả ác nghiệp thì đọa ba đường ác. Thiện ác là nhân; ba đường thiện, ba đường ác là quả báo, nghiệp nhân quả báo không hề sót lọt. Đây là nguyên nhân gì? Nguyên nhân căn bản đích thực là ở chấp trước. Chấp trước nghiêm trọng nhất chính là chấp trước thân này là ta. Có cái chấp trước này nên mới có tự tư tự lợi, khởi tâm động niệm luôn là tổn người lợi mình. Dù là như cõi trời trở lên, đích thực khởi tâm động niệm có thể xả mình vì người, thế nhưng không thể quên được mình, cái chấp trước này không buông bỏ, vẫn là có chính mình. Điểm này chúng ta không thể không biết.
Chúng ta cùng nhau học tập Phật pháp, nghiên cứu kinh giáo nhiều năm như vậy, tôi thường hay nói, rất nhiều người cũng thường hay nghe, thế nhưng không cách gì vào cửa. Làm thế nào mới gọi là vào cửa? Tiểu Thừa chứng được quả Tu Đà Hoàn, Đại Thừa chứng được Bồ Tát Sơ Tín Vị; đây là trên “Kinh Hoa Nghiêm”: Thập Tín, Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, Thập Địa, Đẳng Giác, năm mươi mốt giai vị của Bồ Tát. Bạn có thể chứng được Sơ Tín Vị là vào cửa rồi. Vào cửa này tuy là chưa siêu việt sáu cõi luân hồi, thế nhưng bảo đảm bạn không đọa vào ba đường ác. Ở trong ba loại bất thoái chuyển, bạn chứng cái thứ nhất gọi là Vị Bất Thoái, gọi là thánh nhân, nhà Phật chúng ta gọi là tiểu thánh. Chứng được quả vị này, không luận có Phật xuất hiện ở thế gian này hay không, luôn là thiên thượng nhân gian bảy lần tái sanh thì bạn có thể chứng được quả A La Hán. Chứng A La Hán liền siêu vượt sáu cõi, sáu cõi liền không còn, chân thật sanh Tịnh Độ. Pháp giới bốn thánh ở trong Thế giới Ta Bà là cõi Phương Tiện Hữu Dư của Thích Ca Mâu Ni Phật. Nếu như chứng được địa vị Sơ quả này, gặp được pháp môn niệm Phật thì quá thù thắng, họ niệm Phật nhất định sanh Tịnh Độ. Sanh đến đâu vậy? Sanh cõi Phương Tiện Hữu Dư của Thế giới Cực Lạc. Chúng ta học tập luôn phải đem mục tiêu định đặt ở nơi giai vị này. Hướng lên trên rất khó, không phải chúng ta có thể làm đến được, thế nhưng giai vị thấp nhất thì có thể lấy được. Dù không thể chứng được bốn quả bốn hướng, sơ quả không thể chứng được, bạn nhất định đến được Sơ quả hướng, phương hướng mục tiêu của bạn là chính xác. Công phu còn kém một chút, vẫn chưa đến được, niệm Phật vãng sanh Thế giới Cực Lạc thì nhất định. Đây là ngày trước Đại sư Thiện Đạo thường nói: “Vạn người tu vạn người vãng sanh”, không sót một người nào.
Ngày nay chúng ta niệm Phật vãng sanh không ít, việc này chúng ta biết, thế nhưng niệm Phật ngay đời này không thể vãng sanh thì nhiều hơn. Đây là do nguyên nhân gì? Ở thế gian này học Phật, phương hướng mục tiêu của chúng ta quá nhiều, không phải định chắc ở một phương hướng, một mục tiêu. Một phương hướng, một mục tiêu, làm gì mà không thành tựu chứ! Việc này đáng được chúng ta phản tỉnh.
Nhân quả càng phải xem trọng. Thành thật mà nói, nếu như chúng ta chân thật hiểu rõ chân tướng sự thật nhân quả, người tu Tịnh Độ chúng ta phương hướng, mục tiêu khẳng định định chắc ở Thế giới Cực Lạc. Cả đời tôi không có ý niệm nào khác, không có hy vọng nào khác, chính là mong muốn vãng sanh Tịnh Độ, chính là mong muốn thân cận Phật Di Đà. Có tín nguyện này thì quyết định vãng sanh. Đây là Đại Sư Ngẫu Ích nói: “Người niệm Phật có thể vãng sanh hay không quyết định ở có tín nguyện hay không”. Tại vì sao không thể đi được? Chúng ta vẫn còn tham luyến đối với thế gian này, vẫn không muốn rời khỏi thì liền tạo thành chướng ngại, đây là lỡ mất đi nhân duyên quá tốt của cả đời này.
Trong Tịnh Nghiệp Tam Phước nói với chúng ta: “Thâm tín nhân quả”. Nhân quả này chúng ta trong lúc giảng giải đã giảng nói qua rất nhiều lần, niệm Phật là nhân, sanh Tịnh Độ là quả. Sanh Tịnh Độ chính là thành Phật. Niệm Phật thành Phật nhất định không có nghi hoặc.
Ở thế gian này, hiện tại tai nạn rất nhiều. Tôi nghe được có đồng tu nói với tôi (họ có đắc tri, chúng ta gọi là tin tức tầng thứ không gian khác), tai nạn tuy là nhiều, sau cùng vẫn là có một mảng hy vọng, đó chính là xem chúng ta có thể thay đổi hay không. Đương nhiên đây là thuộc về cộng nghiệp, cộng nghiệp chiêu cảm. Cộng nghiệp làm thế nào để chuyển? Phải chuyển từ chính mình. Chúng ta chính mình có thể đoạn ác tu thiện, chính mình chuyển rồi. Tiêu chuẩn của đoạn ác tu thiện nhất định phải y theo ba cái gốc Nho-Thích-Đạo, đó là tiêu chuẩn, cũng chính là nói “Đệ Tử Qui” là tiêu chuẩn, “Cảm Ứng Thiên” là tiêu chuẩn, “Thập Thiện Nghiệp” là tiêu chuẩn. Cái gì là nhân thiện? Chỗ này đã nói là nhân thiện, trái với kinh giáo đó chính là nhân ác. Trong “Cảm Ứng Thiên” nói rất hay, từng điều từng điều cụ thể nói ra cho chúng ta. Những gì thiện cần phải làm, những gì bất thiện nhất định phải nên tránh.
Cuối nhà Minh đầu nhà Thanh, người đi học dùng Công Quá Cách để giúp chính mình đoạn ác tu thiện, tích công bồi đức. Rất nhiều người xuất gia cũng dùng phương pháp này. Chúng ta xem, Đại sư Liên Trì Ngài dùng “Tự Tri Lục”. “Tự Tri Lục” chính là Công Quá Cách, dùng tiêu chuẩn trong kinh điển Phật giáo, chân thật biết được tu nhân chứng quả. Chúng ta xem thấy thế giới này ngày nay rất nhiều tai nạn. Tỉ mỉ mà quán sát, tai nạn từ đâu mà đến? Người cư trụ trên địa cầu này tâm hạnh bất thiện, đức hạnh cơ bản đều không làm được.
Đức hạnh cơ bản hơn năm ngàn năm trước ở lão tổ tông chúng ta dạy bảo chúng ta là “Ngũ luân, Ngũ thường, Bát đức”, đây là cơ bản. Bạn tỉ mỉ mà quán sát, nỗ lực phản tỉnh kiểm điểm từ chính mình, hiếu thuận cha mẹ chúng ta có làm được hay không? Tôn kính Sư trưởng có làm được hay không? Yêu thương anh em có làm được hay không? Không làm được. Ngũ luân là nói quan hệ. Ngũ thường là đức hạnh. “Nhân-lễ-nghĩa-trí-tín”, đây gọi là ngũ thường, thường đạo, một ngày cũng không thể rời khỏi. Ngũ thường chính là năm giới mà trong Phật pháp nói. Nhân là nhân từ. Không sát sanh là nhân, không trộm cắp là nghĩa, không tà dâm là lễ, không uống rượu là trí, không vọng ngữ là tín. “Nhân-lễ-nghĩa-trí-tín”, năm điều này chân thật là đại căn đại bổn để làm người, vì sao vậy? Bạn thấy nhà Nho nói Ngũ thường, Phật pháp là Ngũ giới. Bạn lại xem qua “Tân Cửu Ước” của Ki Tô giáo, “Kinh Cô Ran” của Hồi Giáo, Ấn Độ giáo, kinh điển của các tôn giáo khác thảy đều nói đến. Đây chính là nói toàn thế giới không luận chủng tộc nào, tôn giáo nào, trên điển tích thảy đều có nói đến, đây là căn bản để làm người. Năm điều này là điều kiện cơ bản để làm người. Nếu bạn không làm được, bạn đời sau không thể có được thân người.
Từ trên nền tảng này lại dần dần hướng lên trên cao, cho nên căn bản giới của Phật pháp chính là năm giới mười thiện. Không làm được năm giới mười thiện, chúng ta tuy là học Phật, nghiên cứu kinh giáo, đó gọi là Phật học, có tín giải, không có hành chứng. Nhà Nho dạy học đã nói, có Bác Học, Thẩm Vấn, Thận Tư, Minh Biện, không có Đốc Hành thì chưa làm. Cho nên “Đệ Tử Qui” là dạy chúng ta chân thật đi làm, phải làm, không phải dạy chúng ta đọc. “Cảm Ứng Thiên” đều là thuộc về giới luật. Chân thật đi làm, cho dù không hiểu kinh giáo, bạn cũng là một người thiện, bạn lão thật niệm Phật cũng có thể vãng sanh.
Trong “Vãng Sanh truyện” chân thật có không ít người không biết chữ, không hề đọc kinh giáo, thậm chí chưa nghe kinh ngày nào, họ chân thật làm được từ tư tưởng đến hành vi lương thiện. Bạn tỉ mỉ mà quán sát, họ không hề biết chữ, không có văn hóa, nhưng năm giới họ đều làm được. Họ niệm Phật có thể vãng sanh. Không chỉ có thể vãng sanh, mà tướng lạ hy hữu, đứng mà ra đi, ngồi mà ra đi, biết trước giờ chết, không có bệnh khổ, ra đi rất đẹp, đi được tự tại. Đó là gì vậy? Họ thật có công phu. Đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc thân cận Phật A Di Đà, họ học tập kinh giáo ở Thế giới Tây Phương Cực Lạc. Ở ngay trong một đời này không có duyên, nên đến Thế giới Cực Lạc học. Cho nên, nhân quả này không thể không biết.
Châu An Sĩ giảng được rất hay, ông nói: “Người người tin nhân quả là đạo thiên hạ đại trị vậy. Người người không tin nhân quả là đạo thiên hạ đại loạn vậy”. Hai câu nói này nói được rất hay, chân thật, không phải giả. Ngày nay, cả xã hội động loạn, không tin tưởng nhân quả. Nếu như tin tưởng nghiệp nhân quả báo không hề sót lọt, trong tin tưởng nhân quả đã nói, một người ở ngay trong một đời “một bữa ăn, một ngụm nước đều do tiền định”, tâm của bạn định rồi, không có vọng tưởng. Tại vì sao? Nghĩ không đến. Làm thế nào mới có thể đạt được? Đoạn ác tu thiện có thể đạt được.
“Liễu Phàm Tứ Huấn” là giáo huấn nhân quả chân thật, người học Phật, người đi học vào thời xưa không ai không học tập. Năm xưa khi Đại Sư Ấn Quang còn ở đời, cả đời của Đại Sư cực lực đề xướng “Liễu Phàm Tứ Huấn”, đây chân thật gọi là đại từ đại bi. Chúng ta xem thấy xã hội hiện tại, mới chân thật có thể thể hội lòng từ của Ấn Tổ muốn cứu vãn thời đại này.
Phía sau nói: “Tức đồng tức vị”. “Đồng” là nói tánh, “vị” là nói tướng, tánh tướng không hai. Tánh là tánh của tướng, tướng là tướng của tánh, đích thực là một không phải hai. Tướng làm sao mà phát sanh? Phía trước chúng ta đã học qua, là từ một niệm vọng động mà hiện. Tánh là thật, vì sao vậy? Tánh không sanh, không diệt. Tướng là vọng tướng, “phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng”, vì sao vậy? Nó có sanh diệt. Có sanh diệt thì không phải là thật. Chân tướng sự thật, người biết được không nhiều.
Đối thoại của Thích Ca Mâu Ni Phật với Bồ Tát Di Lặc, Bồ Tát Di Lặc nói ra đó mới là chân tướng sự thật. Một khảy móng tay có ba mươi hai ức trăm ngàn niệm, “niệm niệm thành hình” (hình chính là tướng), “hình giai hữu thức”. Hình là hiện tượng vật chất, thức là hiện tượng tinh thần. Hiện tượng tinh thần cùng hiện tượng vật chất đều là từ ý niệm mà sanh ra. Ý niệm là chấn động. Phật pháp nói: “Một niệm bất giác mà có vô minh”. Một niệm đó chính là Bồ Tát Di Lặc đã nói, ngay trong một khảy móng tay có ba mươi hai ức trăm ngàn niệm. Cái ý niệm này rất vi tế, không những chúng ta không thể phát hiện, A La Hán cũng không cách gì phát hiện.
Thế Tôn ở trong Đại Thừa nói với chúng ta, người thế nào mới có thể phát hiện ra được? Bồ Tát Bát Địa. Đây chính là A Lại Da mà trong Tướng Tông thường gọi. Những người nào mới có thể thấy được hoạt động của A Lại Da? Bát Địa trở lên: Bát Địa, Cửu Địa, Thập Địa, Thập Nhất Địa (Thập Nhất Địa là Đẳng Giác), lên trên nữa là Diệu Giác, năm vị thứ này, các Ngài rõ ràng tường tận, thông suốt thấu đáo. Việc này không phải giả.
A Lại Da có phải thật không? Không phải là thật, do một niệm vọng động mới có. Hiện tượng sanh diệt của nó là sát na sanh diệt, đích thực giống như chúng ta xem điện ảnh vậy. Chúng ta hoàn toàn bị giả tướng của màn bạc mê hoặc. Giả tướng trên màn bạc điện ảnh đó, một giây chỉ có hai mươi tấm phim, mỗi một tấm phim đều không giống nhau, chỉ là tốc độ của nó quá nhanh, mắt của chúng ta đã bị nó gạt. Bồ Tát Di Lặc nói với chúng ta, thế giới hiện tiền này của chúng ta là thế giới cảm quan, không luận tinh thần cùng vật chất là tương thông, trên thực tế cũng là trạng thái tịnh, cũng giống như phim gốc của điện ảnh vậy, từng tấm, từng tấm, không động, tĩnh lặng, thế nhưng tốc độ sanh diệt của nó quá nhanh, nhanh đến phải dùng giây để làm đơn vị mà nói. Chúng ta một giây có thể khảy được bốn lần, vậy nhân cho bốn, thì một giây có bao nhiêu tấm? Giống như tấm phim có bao nhiêu tấm? Có 1.280 triệu tấm. Bạn phải ghi nhớ, một giây đồng hồ, điện ảnh chiếu ra phim gốc có 24 tấm, hiện tại nói với bạn một giây có đến 1.280 triệu tấm, chúng ta đem nó cho là thật. Màn bạc của điện ảnh là phẳng, đó là lập thể. Tốc độ nhanh đến như vậy, ý niệm vừa dứt, cái thế giới này liền không còn. Giống điện ảnh trên màn bạc vậy, khi máy chiếu phim vừa đóng ống kính lại thì hình ảnh liền không còn. Không còn đó là gì vậy? Hiển thị ra đó là Thường Tịch Quang Tịnh Độ, chính là trên “Kinh Hoa Nghiêm” đã nói “Tự Tánh Thanh Tịnh Viên Minh Thể”, liền xuất hiện ra. Chỉ cần có một vọng niệm, phía trước chúng ta đã đọc qua: “Một vọng tất cả vọng, một mê tất cả mê”, cả thảy pháp tánh đều là mê, biến thành vô minh. Thế nào là vô minh? Không sáng suốt. Các vị nghĩ xem, nếu như chúng ta không có mặt trời, không có mặt trăng, không có các vì sao, cũng không có ánh đèn thì đó gọi là vô minh. Vốn dĩ là một mảng quang minh. Không cần phải ánh sáng mặt trời mặt trăng và đèn, không cần những thứ này, nó vốn dĩ là sáng lạn, trong Tịnh Độ chúng ta gọi là Thường Tịch Quang Tịnh Độ. Thường Tịch Quang Tịnh Độ chính là Tự Tánh Tâm Thanh Tịnh, chính là “Tự Tánh Thanh Tịnh Viên Minh Thể”, cái này không sanh không diệt.
Đại Sư Huệ Năng kiến tánh, Ngài nói ra cho chúng ta: “Nào ngờ tự tánh vốn tự thanh tịnh (nó không có ô nhiễm), vốn không sanh diệt, vốn tự đầy đủ, vốn không dao động”. Vốn không dao động chính là trong đó sẽ không khởi lên vọng niệm. Cái niệm đó không phải là thật, ý niệm không phải là thật. Cho nên, ý niệm, danh từ trên kinh Phật dùng rất hay, thêm vào một chữ vọng, “vọng niệm”, không phải là thật, chính là trong tự tánh không khởi lên vọng niệm. Vọng niệm từ chỗ nào đến? Bạn phải cố gắng thể hội chữ vọng này. Vọng là gì? Vốn dĩ không có. Bạn hiểu lầm rằng nó là có, vậy thì thiệt thòi. Vọng không có nhân, vọng niệm thứ nhất không có nhân, vọng niệm thứ hai có nhân, vọng niệm thứ nhất là nhân, vọng niệm thứ hai là quả, sau đó thì có nhân quả, cái đầu tiên thì không có nhân, cho nên gọi là vọng, gọi là vô minh. Cho nên giống nhau không hai, cũng là nói với bạn chân vọng không hai.
Phía sau là “Tức nhất tức đa”, chỗ này rất khó hiểu. Nhất là cái gì? “Nhất” là nói tánh, “Đa” là nói tướng. Tánh chính là tướng, tướng chính là tánh, cho nên nói “tức nhất tức đa”. Như vậy vẫn chưa hiện rõ ra nghĩa sâu của nó. Ý nghĩa sâu hơn là bất cứ một hiện tượng nào, nó nhất định bao gồm tất cả thể tánh trong hiện tượng. Hiện tại chúng ta gọi là tin tức, các vị dễ hiểu. Trong “Kinh Hoa Nghiêm” nói, trong y báo có vi trần (hạt vi trần rất nhỏ), vật chất (vật chất cực kỳ nhỏ, mắt thịt chúng ta không nhìn thấy), sợi lông trong chánh báo (đoạn lông tơ chúng ta, lỗ chân lông rất nhỏ), thế nhưng tin tức tận hư không khắp pháp giới đều ở trong đó. Việc này không cách gì tưởng tượng. Một chính là nhiều, nhiều chính là một, trong mỗi một vi trần đều là như vậy, mỗi một lỗ chân lông đều là như vậy. Vì sao vậy? Tự tánh không có lớn nhỏ. Tự tánh biến hiện ra bao gồm tất cả hiện tượng cũng đều không có lớn nhỏ. Tự tánh là viên mãn, cho nên Đại sư Huệ Năng nói vốn tự đầy đủ, một câu đơn giản đến như vậy.
Phật ở trên “Kinh Hoa Nghiêm” nói được tường tận hơn Ngài. Phật nói: “Tất cả chúng sanh đều có đức tướng trí tuệ Như Lai”. Câu nói này chính là Đại Sư Huệ Năng nói: “Vốn tự đầy đủ”. Trí tuệ vô lượng vô biên, đức năng vô lượng vô biên, tướng hảo vô lượng vô biên, tự tánh này vốn tự đầy đủ. Tướng phần mà tự tánh biến hiện ra có nhỏ hơn: một hạt vi trần, một sợi lông tơ, nó cũng đầy đủ viên mãn trí tuệ đức tướng. Chân thật câu nói này không dễ hiểu, chúng ta rất không dễ gì thể hội.
Khoa học gia gần đây cũng rất cừ khôi, họ phát hiện ra một áo mật của vũ trụ, gọi là “toàn tức”. Toàn tức, cái tin tức này ở trên tấm hình hiển rõ ra. Chúng ta dùng toàn tức để chụp ra một tấm hình, tấm hình này sau khi rửa ra, bạn đem tấm hình này xé thành hai tấm, bạn lại xem lại nó, trong hai tấm đó đều có tấm hình hoàn chỉnh. Xé nó thành bốn tấm, hình trong bốn tấm hoàn chỉnh. Bạn xé thành một trăm tấm cũng là một trăm tấm hình hoàn chỉnh. Từ trong hiện tượng này chúng ta thể hội được những gì trên Kinh Phật đã nói, khoảng vũ trụ, sum la vạn tượng, vô lượng vô biên, tùy chọn ra một thứ, trong đó đều có tin tức của toàn tức. Khắp pháp giới hư không giới, quá khứ hiện tại vị lai đều ở trong đó, không thiếu thứ nào. Đó là gì vậy? Hiện tượng này đích thực thiên biến vạn hóa. Vậy thiên biến vạn hóa làm sao giải thích? Cũng giống y như ống vạn hoa. Trong ống vạn hoa thì bất biến, chỉ là một số giấy vụn màu sắc khác nhau, khi bạn chuyển động, bạn liền thấy được đồ hình trong đó. Một ngàn bức hình, một vạn bức hình, hiện tại chúng ta dùng máy chụp đem nó chụp lại, không tìm ra được hai bức giống nhau. Đây là tánh đức. Tự tánh vốn sẵn như vậy, nó vốn dĩ chính là như vậy.
Phía sau nói: “Tức rộng tức hẹp”. “Rộng, hẹp” là định nghĩa. Ở trong Phật pháp nói: “Lớn mà không ngoài” gọi là rộng, không phải rộng thông thường; “Nhỏ mà không trong” gọi là hẹp, cho nên lớn. Lớn hơn nó có thể để vào trong đoạn lông, để vào bụi trần, đoạn lông không có phình to, vũ trụ không có thu nhỏ. Vì sao vậy? Tự tánh không có lớn nhỏ. Lớn nhỏ từ do đâu mà có? Từ phân biệt, chấp trước của chúng ta, từ ngay trong vọng tưởng mà ra. Lìa khỏi vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, bạn mới có thể thấy được thật tướng các pháp. Thật tướng không có lớn nhỏ, cũng không có trước sau, không có thời gian, không có lớn nhỏ, không có không gian. Trong Phật Kinh thường nói: “Hạt cải chứa Tu Di”. Hạt cải là hạt rau, hạt cải này cũng gần bằng với hạt mè, chỉ lớn bằng như hạt mè. Tu Di là núi Tu Di. Núi Tu Di có thể để lọt vào trong hạt cải. Hạt cải thì không phình to, núi Tu Di không hề thu nhỏ, nó làm sao có thể để vào được? Tại vì sao có thể để vào được? Bởi vì nó không có lớn nhỏ. Lớn có thể đựng được cái nhỏ, cái nhỏ thì không thể đựng được cái lớn. Không có lớn nhỏ.
“Tức tình tức phi tình”. Trên “Kinh Hoa Nghiêm” có một câu nói rất nổi tiếng: “Tình dữ vô tình đồng viên chủng trí”. “Tình” là có tình thức, hiện tại có cách nói thế nào vậy? Hiện tại gọi là động vật, gọi là hữu tình chúng sanh. “Phi tình” chính là vô tình. Vô tình ngày nay chúng ta gọi là gì? Thực vật, khoáng vật. Thực tế mà nói, tình và vô tình rất khó phân, vì sao vậy? Bồ Tát Di Lặc nói rất hay, một khảy móng tay có ba mươi hai ức trăm ngàn niệm, “mỗi niệm thành hình”, đó chính là phi tình; “hình giai hữu thức”, đó chính là hữu tình. Hay nói cách khác, ở giữa vũ trụ này, bạn muốn tìm một hữu tình hoặc giả là vô tình, trong vô tình không có tình thức, chúng ta gọi là vật chất, thuần vật chất thì không tìm ra. Chỉ cần là vật chất thì nhất định có tình, chỉ là tình đó bạn không dễ gì phát hiện.
Khoảng hai – ba mươi năm gần đây, Tiến sĩ Giang Bổn Thắng ở Nhật Bản dùng nước (nước là vô tình, khoáng vật) để làm thí nghiệm, phát hiện nó có tình, có “kiến văn giác tri”, còn có “thọ-tưởng-hành-thức”, tương ưng với Bồ Tát Di Lặc đã nói. Bồ Tát Di Lặc đã nói: “Mỗi niệm thành hình, hình đều có thức”, cho nên hiện tượng tinh thần cùng hiện tượng vật chất kết hợp lại với nhau không thể phân hai. Có hiện tượng tinh thần thì có hiện tượng vật chất, có hiện tượng vật chất thì có hiện tượng tinh thần. Tại vì sao chúng ta không cách gì quan sát được? Tần suất sóng động không giống nhau. Tần suất sóng động của động vật cao, chúng ta rất dễ dàng phát hiện được. Thực vật thì rất thấp, không dễ gì phát hiện được. Khoáng vật thì càng thấp, càng khó quan sát. Chân tướng sự thật là hiện tượng như vậy. Chúng ta không thể quán sát, thực tế mà nói, là vì chúng ta tâm ý qua loa. Phật Bồ Tát vì sao có thể quán sát được? Các Ngài tâm thanh tịnh. Tâm càng thanh tịnh, đối với sóng động cực kỳ vi tế, các Ngài có thể cảm nhận được. Phật nói với chúng ta, sức định của Bồ Tát Bát Địa không phải là người thông thường có thể làm được. Chúng ta đọc được ở trong kinh điển, A La Hán là đệ cửu định. Thế gian, chính là trong sáu cõi, gọi là định công. Định công của trời Vô Sắc Giới là cao nhất. Tứ Thiền bát định; Tứ Thiền là trời Sắc Giới tu; Lại hướng lên trên, Tứ Định là trời Vô Sắc Giới tu, cao nhất là trời Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ, chưa ra khỏi sáu cõi. A La Hán tu đệ Cửu định, siêu việt sáu cõi. A La Hán tu định đó gọi là Cửu thứ đệ định, họ đi đến nơi nào vậy? Họ đi đến pháp giới Thanh Văn trong pháp giới bốn thánh. Định đó nếu thêm một tầng nữa thì đến được Bích Chi Phật. Định sâu hơn so với Bích Chi Phật là Bồ Tát. Đến định thứ tám chính là Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ Thiên, là cao nhất. A La Hán là định thứ chín, giai đoạn thứ chín, Bích Chi Phật là thứ mười, Bồ Tát là thứ mười một, Phật là thứ mười hai. Đây gọi là mười pháp giới. Đến mười ba giai tầng thì mới có thể siêu việt mười pháp giới.
Sau khi siêu việt mười pháp giới, sức định này vẫn có sâu cạn tầng thứ khác nhau, cho nên Phật nói với chúng ta bốn mươi mốt giai cấp, đó là bốn mươi mốt loại công phu, sức định khác nhau. Nói từ sơ trụ Bồ Tát mãi đến Diệu Giác vị, bốn mươi hai giai cấp; Bát địa là bốn mươi hai giai cấp, trên cao nhất là năm giai cấp, họ có thể thấy được A Lại Da, cũng chính là thấy được một niệm bất giác. Bồ Tát Di Lặc nói một khảy móng tay có ba mươi hai ức trăm ngàn niệm, Bát Địa mới trở lên có thể thấy được, mới có thể đem chân tướng của cả thảy vũ trụ triệt để tường tận, thông suốt thấu đáo. Cho nên, trên “Kinh Hoa Nghiêm” nói rất hay: “Tình dữ vô tình đồng viên chủng trí”, đây là thật, không phải là giả.
Phía sau nói: “Tức tam thân tức thập thân”. “Tam thân” là Thế Tôn trong Kinh luận thông thường thường hay nói: “Pháp thân, Báo thân, Ứng hóa thân”. “Thập thân”, cách nói cũng là rất nhiều. Lần trước chúng ta học “Hoàn Nguyên Quán” (lần này là lần thứ hai), lần đầu nói đến ba thân, mười thân, chúng ta chọn lấy tư liệu là “Hoa Nghiêm Giáo Môn Chỉ Chưởng”, đã nói “Bồ Đề thân, Nguyện thân, Hóa thân, Lực trì thân đến Trí thân”. Lần này chúng ta nghĩ đổi một cái, chúng ta học nhiều một chút, cũng là trong “Kinh Hoa Nghiêm Sớ Sao” đã nói: “Dung tam thế gian thập thân”. Dung là dung thông, dung hội, cùng với cái ý này thì càng tương ưng, bởi vì ở trong đây đã nói “bất nhị pháp môn”, đoạn này là nói pháp môn không hai. Xem ở chỗ nào vậy? Xem từ ở trong một vi trần, trong một đoạn lông tơ. Cho nên, nhất định phải hiểu được dung thông, dung hội. Nếu như chúng ta hiểu rõ được đạo lý này, có thể đem chỗ viên dung này ứng dụng ngay trong cuộc sống thường ngày của chúng ta, thì bất cứ tai nạn gì của thế gian này đều hóa giải. Tại vì sao có tai nạn? Họ không viên dung, họ không thông, cho nên phiền phức liền xuất hiện. Tại vì sao không viên dung? Tại vì sao không thông? Nguyên nhân căn bản này do đâu? Nguyên nhân căn bản ở đối lập, chính là trong Kinh giáo đã nói, trong kiến hoặc có hai cái. Kiến hoặc là gì? Kiến giải sai, bạn thấy sai.
Cái thứ nhất là “Thân kiến”, đem cái thân xem thành ta, vậy thì sai rồi. Thân không phải là ta. Thân không phải là ta thì là cái gì? Thân là sở hữu của ta, cái của ta, cũng giống như y phục vậy, y phục không phải là ta. Việc này mọi người đều thừa nhận, y phục không phải ta, y phục là ta sở hữu. Y phục mặc hư rồi, đổi bộ khác, vậy bạn liền biết được cái gì là ta. Y phục không phải là ta, thân không phải là ta, ta chết rồi vẫn phải đi đầu thai. Đầu thai gọi là cái gì? Gọi là linh hồn. Linh hồn là ta. Linh hồn vẫn không phải là ta, linh hồn cùng với ta tương đối gần. Cái gì là ta? Linh tánh mới là ta. Linh tánh không mê, chính là tự tánh. Linh hồn là cái gì? Tự tánh mê thì gọi là linh hồn, nó đi đầu thai trong sáu cõi, nó không thể ra khỏi sáu cõi. Tại vì sao vậy? Nó mê. Đến hôm nào nó giác ngộ, liền ra khỏi sáu cõi. Mê không thể ra khỏi sáu cõi. Thế nhưng nhận linh hồn là ta đã xem là rất cao minh rồi. Thế gian này đích thực có không ít tôn giáo cho linh hồn là ta, họ không chấp trước cái thân này là ta. Họ gọi là linh tu, chú trọng thanh tịnh linh hồn. Tu thành rồi thì họ sanh cõi trời. Chúng ta nhất định phải tin tưởng thân không phải là ta. Chân thật hiểu rõ thân không phải là ta, con người liền sẽ không tạo ác nghiệp.
Người tạo ác nghiệp dễ dàng nhất là gì vậy? Đầu lưỡi. Ăn thịt chúng sanh, ham muốn mỹ vị, tạo cái nghiệp này thật lớn. Mỹ vị là vị ai? Đầu lưỡi. Đầu lưỡi chỉ có ba tấc, khi xuống đến cuống thì vị không còn biết chua ngọt đắng cay, vị đó chính là đầu lưỡi. Bạn thấy bạn vì đầu lưỡi này, bạn tạo bao nhiêu tội nghiệp, thật không đáng! Tại vì sao phải vì nó mà tạo nghiệp? Chân thật hiểu rõ, nhãn nhĩ tỷ thiệt thân đều không phải là ta, thì ta không vì nhãn nhĩ tỷ thiệt thân mà tạo nghiệp, chân thật có thể đoạn ác tu thiện.
Cái thứ hai là “Biên kiến”. Biên kiến chính là đối lập, hiện tại gọi là tương đối, đây là giả, không phải là thật. Nếu như chúng ta chân thật hiểu được viên dung, dung hội, dùng loại tâm trạng này mà trải qua ngày tháng, dùng loại tâm trạng này mà đối nhân xử thế tiếp vật, không đối lập với người, không đối lập với việc, không đối lập với tất cả vạn vật, chân thật hài hòa liền xuất hiện. Họ đối lập với ta, ta không đối lập với họ, vì sao vậy? Họ mê, họ không hiểu rõ chân tướng sự thật. Chúng ta hiểu rõ chân tướng sự thật, không còn đối lập với người, người sự vật đều không đối lập, tai nạn thế gian này liền có thể hóa giải. Tam thế gian, ý nghĩa của chữ này là nói thời gian. Bạn thấy chữ này, cách viết của Trung Quốc là ba cái thập; người Trung Quốc gọi ba mươi năm là một đời. Ý nghĩa của gian và giới giống nhau, nói thế giới, thế gian là một ý nghĩa. Nó là nói không gian: một cái là thời gian, một cái là không gian. Chúng sanh sáu cõi chúng ta không rời khỏi thời gian cùng không gian.
Phật nói cho chúng ta nghe có ba loại thế gian.
Thứ nhất gọi là “Hữu tình thế gian”. Đó là nói mỗi người chúng ta, hữu tình chúng ta có hiện tượng tinh thần rất rõ ràng. Hiện tại gọi là động vật, bao gồm tất cả động vật là thế gian hữu tình.
Thứ hai gọi là “Khí thế gian”. Khí thế gian là thế gian của vật chất. Hoa cỏ cây cối, núi sông đất đai, lại mở rộng ra bên ngoài, hệ thái dương, hệ ngân hà, vô lượng vô biên hằng hà sa số cõi nước chư Phật đều gọi là khí thế gian. Thế gian của vật chất, đó là y báo của chúng ta.
Thứ ba gọi là “Trí chánh giác thế gian”. Trí chánh giác thế gian không ở trong sáu cõi, cũng không ở mười pháp giới. Siêu việt mười pháp giới mới gọi là trí chánh giác thế gian. Trên “Kinh Hoa Nghiêm” nói, Trí chánh giác thế gian là chỉ Sơ Trụ trở lên. Dùng lời của Thiền tông để nói: “Minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật”, đó gọi là Trí chánh giác thế gian. Chưa kiến tánh thì không tính, kiến tánh mới tính. Trên “Kinh Hoa Nghiêm”, Bồ Tát Sơ trụ minh tâm kiến tánh, hướng lên trên bốn mươi hai giai cấp, đều gọi là Trí chánh giác thế gian.
Đây là Phật đem ba loại thế gian nói ra, cho nên trong “Kinh Hoa Nghiêm” nói “dung thế gian thập thân”.
Chúng ta xem trên đoạn này đã nói: “Vị Bồ Tát tri chư chúng sanh tâm, tùy kỳ sở nhạo, dung hội tam chủng thế gian dỉ vi thập thân”. Chỗ này vừa xem liền tường tận. Phật nói ba loại thế gian này là vì để phương tiện ứng hóa mà xây dựng, cho nên Phật không có định pháp để nói, đáng dùng thân gì để độ thì hiện ra thân đó để độ. Đáng dùng thân gì để độ có khởi tâm động niệm, có phân biệt chấp trước hay không? Không có! Lời nói này nói cho ai vậy? Là đối với phàm phu chúng ta mà nói, là đối với người thế gian chúng ta mà nói. Người thế gian có cảm, Phật liền có ứng, những pháp thân Bồ Tát này các Ngài đều có ứng, cảm ứng tương thông. Những chúng sanh này có cảm, họ có phân biệt, có chấp trước; Phật Bồ Tát đến ứng không có phân biệt, không có chấp trước. Không phân biệt, không chấp trước thì ứng bằng cách nào? Các Ngài ứng là tự nhiên. Chúng ta không cách gì tưởng tượng, thế nhưng chúng ta từ trong thực nghiệm nước của Tiến sĩ Giang Bổn Thắng liền đạt được khải thị rất lớn. Bạn xem nước là khoáng vật, nó đích thực không có khởi tâm động niệm, nó không có phân biệt chấp trước, thế nhưng con người chúng ta khởi tâm động niệm, phân biệt chấp trước đối với nó, nó liền có phản ứng. Nước có thể thấy, có thể nghe, có thể hiểu được ý của người. Chúng ta viết một chữ yêu dán lên trên bình nước, sau một giờ đồng hồ, đem nước đó để vào trong tủ đông, điều chỉnh âm năm độ để nó kết tinh, sau khi đem ra xem ở dưới kính hiển vi, nó liền hiện ra kết tinh rất là đẹp. Việc này có rất nhiều tấm hình chụp. Nếu như viết một chữ chán ghét, không ưa thích, thì kết tinh của nó rất xấu, rất khó coi. Đây chính là cảm ứng. Nó đích thực không có khởi tâm động niệm, không có phân biệt chấp trước, tự nhiên liền có cảm ứng. Vì sao vậy? Bởi vì Bồ Tát Di Lặc nói: “Hình giai hữu thức”, chỉ cần là có vật chất, trong nó quyết định có hiện tượng tinh thần.
Từ trong đạo lý này chúng ta có thể thể hội được, Bồ Tát thành Phật, ngay đến một phẩm tập khí sanh tướng vô minh sau cùng đoạn hết, họ quay về Thường Tịch Quang. Đến Thường Tịch Quang trong đó hiện tượng vật chất, hiện tượng tinh thần đều không có. Vậy chúng ta muốn hỏi, quay về đến Thường Tịch Quang chúng ta gọi họ là cứu cánh viên mãn Phật, họ vẫn còn độ chúng sanh hay không? Vẫn còn ứng hóa ở thế gian này hay không? Chúng ta khởi tâm động niệm cầu Phật Bồ Tát bảo hộ, các Ngài có đến hay không? Khẳng định đến, vì sao vậy? Giống thực nghiệm nước vậy, nó cảm ứng, vấn đề này mới chân thật tìm được đáp án.
Về trước có rất nhiều vị dạy chúng ta ở chỗ này đều khởi lên sự hiểu lầm, nói Bồ Tát Đẳng Giác đích thực có năng lực đoạn nhất phẩm vô minh sau cùng thế nhưng các Ngài không đoạn, tại vì đoạn rồi thì không thể độ chúng sanh, không thể ứng hóa ở mười pháp giới nữa. “Lưu hoặc nhuận sanh”, họ vẫn để lại sanh tướng vô minh không cần đoạn nó, muốn đến giúp chúng sanh khổ nạn của mười pháp giới. Có cách nói như vậy. Hiện tại chúng ta biết cách nói này không thể thành lập. Tuy là họ chứng được cứu cánh viên mãn Phật, một phẩm vô minh tập khí sau cùng đoạn hết rồi, quay về đến Thường Tịch Quang, Thường Tịch Quang vẫn cứ có cảm ứng. Đại Sư Huệ Năng đã nói với chúng ta rõ ràng, thực tế mà nói Ngài nói với Ngũ Tổ là đối với mọi người chúng ta mà nói: “Nào ngờ tự tánh vốn tự đầy đủ”. Ở trong Thường Tịch Quang Tịnh Độ vốn tự đầy đủ cái gì? Đầy đủ mười pháp giới, đầy đủ hằng sa cõi nước chư Phật, vốn tự đầy đủ, cho nên chúng sanh có cảm thì có lý nào mà các Ngài không khởi ứng chứ, đương nhiên khởi cảm ứng tương thông.
Trong nhà Phật chúng ta xem thấy có rất nhiều công án cổ Phật ứng hóa ở thế gian. Khi Đại sư Vĩnh Minh Diên Thọ ở đời, quốc vương một hôm phát tâm cúng trai một ngàn vị tăng (cúng dường một ngàn người xuất gia ăn cơm), Nhiên Đăng cổ Phật đến ứng cúng, hóa thân đến. Các Ngài đều là chứng được cứu cánh Phật quả, không phải là Bồ Tát Đẳng Giác. Có thể thấy được pháp tánh trong cõi Thường Tịch Quang Tịnh Độ khởi tác dụng, không phải không khởi tác dụng. Đây là cho chúng ta một tin tức, chân thật hiểu rõ chân tướng sự thật. Chỉ cần chúng sanh có cảm, chư Phật Bồ Tát liền ứng hóa đến, cho nên nói Bồ Tát biết tâm của chúng sanh. Họ vì sao mà biết? Chúng sanh khởi tâm động niệm, cái sóng động đó các Ngài thảy đều tiếp nhận được. Giống như nước vậy, chúng ta khởi tâm động niệm cùng với nó khởi lên tác dụng cảm ứng tương thông, nó biết tâm chúng sanh. Chúng ta khởi tâm động niệm không nên cho rằng người không biết. Chư Phật Bồ Tát thảy đều biết, không có chút nào bí mật. Cho nên hiểu rõ được chân tướng sự thật này, thì chúng ta không dám khởi lên ác niệm. Khởi ác niệm, bạn nói xem, thật là hổ thẹn. Chúng ta cho rằng không có người biết, thì ra chư Phật Bồ Tát thảy đều biết. Đây là thật, không phải là giả.
“Tùy kỳ sở nhạo”. Nhạo là ưa thích, tùy theo ưa thích của chúng sanh.
“Dung hội tam chủng thế gian dĩ vi thập thân”. Cái thập thân này đều là ứng hóa thân, đáng dùng thân gì để độ thì hiện ra thân đó để độ. Chỗ này là đem vô lượng vô biên những thân đó quy nạp thành mười thân. Không chỉ như trong “Phẩm Phổ Môn” nói ba mươi hai loại, ba mươi hai ứng, ở chỗ này nói mười là ý nghĩa biểu pháp, không phải là một định số, là đại biểu vô lượng vô biên, đại biểu viên mãn.
“Phục dĩ thập thân cập tự thân, đệ hổ tương tác, dung thông vô ngại, thị danh dung tam thế gian thập thân dã”. Mười thân là ứng hóa thân. Ngoài mười thân ra nó còn có cái thân, chúng ta gọi là bổn tôn. Đây là tự thân, chân thật khởi tác dụng. Bổn tôn cùng ứng hóa thân của Ngài đều khởi lên tác dụng, dung thông, viên thông, thông thường không có chướng ngại. Vậy thì cái gì gọi là “đệ hổ tương tác”? Phía sau có một giải thích, dung thông vô ngại.
“Đệ hổ tương tác giả, vị Bồ Tát như dỉ chúng sanh thân tác tự thân, diệc tác quốc độ thân nãi chí hư không thân chi loại, thử chi thập thân dữ Bồ Tát tự thân, nhất nhất đệ hổ tương tác dung thông vô ngại”, nói ra cái ý này. Bồ Tát có thể hiện thân hữu tình, cũng có thể hiện thân vô tình. Ý này rộng. Bồ Tát có thể hiện thân cây cối hoa cỏ, có thể hiện thân gió mưa. Bạn thấy có người nghe được âm thanh thì khai ngộ, xem thấy cây cối hoa cỏ thì khai ngộ. Tại vì sao về trước họ thấy mà không khai ngộ, ngày nay xem thấy đột nhiên khai ngộ? Bồ Tát biết được duyên của chúng sanh này ở vào lúc nào, dùng phương pháp gì giúp cho họ hoát nhiên đại ngộ, đây gọi là Phật pháp. Phật pháp là linh hoạt, Phật không có định pháp. Loại thí dụ này nhiều đời Trung Quốc rất nhiều, đều là ở vào lúc nào vậy? Vào lúc sắp ngộ mà chưa ngộ. Vào lúc này chư Phật Bồ Tát biết được, nhất định đến giúp cho họ. Dùng thủ đoạn gì, phương pháp gì, không phải người thông thường có thể lý giải được. Thế nhưng giúp cho một người khai ngộ, “đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh”, những việc này sách ở Trung Quốc như “Ngũ Đăng Hội Nguyên” ghi chép rất nhiều.
Phía sau giới thiệu mười loại thân.
Thứ nhất: “Chúng sanh thân”. “Chúng sanh thân giả, vị ngũ uẩn chúng cộng hòa hợp nhi sanh kỳ thân, tức hữu tình thế gian chư chúng sanh thân dã”. Ngũ uẩn này là “Sắc-thọ-tưởng-hành-thức”. Uẩn là ý nghĩa của tạng chứa, ý nghĩa tích chứa. “Sắc-thọ-tưởng-hành-thức”, trong đây Sắc pháp là vật chất, Thọ là cảm thọ, Tưởng là tư tưởng, Hành là một hiện tượng tiếp nối, Thức là chủng tử, A Lại Da Thức. Từ trên Duy Thức mà nói, Sắc là cảnh giới, vật chất; phía sau bốn loại là thuộc về hiện tượng của tâm lý, hiện tượng tinh thần. Thọ là tiền ngũ thức, Tưởng là thức thứ sáu, Hành là mạt na thức, Thức là A Lại Da. Đây là bao gồm tất cả chúng sanh hữu tình, ngày nay chúng ta gọi là động vật, dùng cái thân như vậy. “Tùy chúng sanh tâm, ứng sở tri lượng”. Họ có thể hiện ra cái thân này, trong loại này so với Bồ Tát Quan Thế Âm ba mươi hai ứng thân, bao gồm còn rộng lớn hơn, còn nhiều hơn, hơn nữa họ có thể hiện “quốc độ thân”. Vừa rồi tôi đã nói, họ có thể thị hiện hoa cỏ cây cối, núi sông đất đai, “nãi chí hư không thân” chính là hiện tượng tự nhiên, làm cho những người tu hành sắp ngộ, chưa ngộ, sau khi tiếp xúc được họ liền khai ngộ. Chúng sanh; chúng là chúng duyên hòa hợp mà sanh khởi ra hiện tượng, gọi là chúng sanh thân. Cho nên động vật là chúng duyên hòa hợp; thực vật, khoáng vật, hiện tượng tự nhiên cũng vẫn là chúng duyên hòa hợp. Chúng sanh thân này phạm vi rất là rộng lớn.
Thứ hai: “Quốc độ thân”. “Quốc độ thân giả, vị sơn hà đại địa, chư khí thế gian, sát độ thân dã”. Thị hiện này là y báo, không phải chánh báo. Không luận là y báo hay chánh báo, có thuận có nghịch, việc này các vị phải biết. Có người ở trong thuận cảnh giác ngộ, có người ở trong nghịch cảnh giác ngộ, cho nên nghịch tăng thượng duyên. Rất nhiều Phật Bồ Tát thị hiện, người thông thường không biết, thế nhưng chân thật ở trong cảnh giới thể ngộ, họ biết được cảm ân, họ có loại cảm ứng đạo giao này, có cái thể hội này, cho nên họ có thể hiện ra thân núi sông đất đai, chính là “chư khí thế gian, sát độ thân dã”, thị hiện những hiện tượng vật chất này.
Phía sau vì chúng ta nói ra, Bồ Tát vì sao phải thị hiện các chúng sanh.
“Bồ Tát tri chúng sanh tâm chi sở nhạo”. Chúng sanh hoan hỉ du sơn ngoạn thủy. Người hiện tại ưa thích tham quan du lịch danh sơn thắng cảnh, ở trong đây có linh khí. Đặc biệt là người tu hành, ở trong hoàn cảnh tự nhiên, người ngộ nhập không ít. Trong đây đích thực có chư Phật Như Lai, Phật Bồ Tát, pháp thân Bồ Tát gia trì. Sự gia trì này chính là cảm ứng. Đến lúc nào sẽ có hiện tượng này? Người cầu giác ngộ. Ngay lúc bạn có tâm cầu giác ngộ thì không có cảm ứng, vì sao vậy? Tâm thanh tịnh mới có cảm ứng. Chúng ta có cái tâm cầu giác ngộ, chính là trong tâm của bạn không buông xả vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Nếu như bạn buông xả, cảm ứng liền hiện tiền. Bạn không buông xả, đó là chướng ngại.
Khi tôi mới học Phật, Đại Sư Chương Gia dạy tôi: “Phật Thị môn trung hữu cầu tất ứng”. Cầu thành Phật, bạn đều có thể thành được Phật, huống hồ những thứ khác. Thế nhưng khi bạn cầu thì không có cảm ứng, việc này có phải Phật Bồ Tát không linh? Không phải vậy. Phật Bồ Tát quyết định linh nghiệm, tại vì sao không có cảm ứng? Bạn có nghiệp chướng. Nghiệp chướng của bạn làm chướng ngại đi cảm ứng của Phật Bồ Tát. Phải làm sao? Sám trừ nghiệp chướng.
Bồ Tát Phổ Hiền mười đại nguyện vương, đó là giúp pháp thân Bồ Tát. Chúng ta chân thật muốn cầu giác ngộ, thì không thể không tu mười nguyện Phổ Hiền. Đây là Thế Tôn trên Kinh luận nói rất rõ ràng: “Bồ Tát không tu hạnh Phổ Hiền thì không thể viên thành Phật đạo”. Viên thành Phật đạo, Phật đạo này là từ Sơ Trụ trở lên. Hay nói cách khác, bạn muốn thoát khỏi mười pháp giới, sanh cõi Thật Báo Trang Nghiêm của chư Phật Như Lai, trở thành Pháp Thân Đại Sĩ, thì bạn nhất định phải tu hạnh Phổ Hiền. Tịnh Tông rất cừ khôi. Bạn thấy “Kinh Vô Lượng Thọ” ở trong phẩm tựa liền dạy người tu cái đức của Phổ Hiền Đại sĩ, đó chính là mười đại nguyện vương. Cho nên, thù thắng của Tịnh Tông không phải là tùy tiện tán thán, mà có căn cứ.
Trong mười nguyện Phổ Hiền, chúng ta phải thật học, có thể học được bao nhiêu thì làm bấy nhiêu.
Thứ nhất học lễ kính. Thế nào là lễ kính? Chính mình khiêm tốn, đối đãi với tất cả mọi người phải cung kính. Vì sao vậy? Phật nói được rất hay: “Tất cả chúng sanh vốn dĩ là Phật”, họ có Phật tánh, chân thật vốn dĩ là Phật. Trên “Kinh Hoa Nghiêm” nói với chúng ta, không luận một chúng sanh nào, chỉ cần có thể đem vọng tưởng, phân biệt, chấp trước buông bỏ thì là Phật. Thích Ca Mâu Ni Phật vì chúng ta thị hiện thành Phật, buông xả rồi, ở dưới cội Bồ Đề triệt để buông xả. Đại Sư Huệ Năng ở Trung Quốc vì chúng ta thị hiện thành Phật cũng là buông xả. Buông xả cái gì? Buông xả vọng tưởng, buông xả phân biệt, buông xả chấp trước, viên mãn thành tựu. Trên “Kinh Hoa Nghiêm” đó là cảnh giới của Sơ Trụ trở lên, vĩnh viễn thoát ly mười pháp giới. Trên Kinh Phật nói với chúng ta rất rõ ràng, rất tường tận, buông xả chấp trước, bạn liền vĩnh viễn thoát khỏi sáu cõi luân hồi; Buông xả phân biệt, buông xả vọng tưởng, bạn liền rời khỏi mười pháp giới, vào lúc này gọi là chứng được pháp giới nhất chân, cõi Thật Báo của chư Phật Như Lai hiện tiền, ạn ưa thích một báo độ nào thì liền có thể vãng sanh đến báo độ đó. Chỗ này nói thế nào? Hữu duyên. Bạn có duyên với chỗ nào, bạn có duyên với vị Phật nào, họ tự nhiên liền cảm ứng tương thông, họ liền hiện tiền. Chúng ta ghi nhớ trên “Kinh Kim Cang” có câu nói: “Pháp môn bình đẳng, không có cao thấp”. Đây là thật, không phải là giả. Khi quả báo hiện tiền, bạn tự nhiên liền đi. Sanh vào một cõi Phật chính là sanh vào tất cả cõi Phật. Một chính là nhiều, nhiều chính là một, một và nhiều không hai, nó đích thực là dung thông, là dung hội, không luận pháp môn nào.
Thế nhưng bạn phải nên ghi nhớ, tám vạn bốn ngàn pháp môn có tám vạn bốn ngàn loại phương pháp khác nhau, lối đi khác nhau, nhưng nguyên lý nguyên tắc của nó là một, đó chính là buông bỏ vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. Tịnh Độ Tông chúng ta dùng phương pháp gì để buông xả? Không thể buông xả, phải có phương pháp. Phương pháp của Tịnh Tông đơn giản, dùng một câu “Nam Mô A Di Đà Phật”. Chỉ cần bạn nắm chặt lấy câu Phật hiệu này, các thứ khác thảy đều buông xả. Đây là thù thắng của pháp môn này, nó rất đơn giản dễ dàng. Hoặc giả bốn chữ thì được rồi: “A Di Đà Phật”, chỉ cần nắm chặt lấy bốn chữ này, bạn liền thành công. Trong lòng bạn không thể có những thứ khác, có những thứ khác công phu của bạn liền bị phá hỏng. Bất cứ thứ gì cũng đều có thể buông, chỉ có một câu A Di Đà Phật thì bạn liền đến Thế giới Cực Lạc. Bạn thấy đến Thế giới Cực Lạc có viên dung hay không? Thế Tôn vì chúng ta giới thiệu Thế giới Cực Lạc, việc này trên “Kinh Di Đà” nói, sanh đến Thế giới Cực Lạc, mỗi ngày bạn thân cận Phật A Di Đà, đồng thời thân cận mười phương vô lượng vô biên chư Phật Như Lai. Làm sao thân cận? Hóa thân để đi. Bạn có thể hóa trăm ngàn ức hóa thân, để trước mặt mỗi vị Phật trong mười phương cõi nước chư Phật đều có bạn, bạn đều có mặt ở nơi đó cúng dường, bạn đều ở nơi đó nghe pháp. Chúng ta không nên nói thứ khác, chỉ riêng nói điều này, liền quyết định phải cầu sanh Tịnh Độ. Vì sao vậy? Bạn nghĩ tưởng xem, cúng Phật là tu phước báo, bạn mỗi ngày cúng dường vô lượng vô biên chư Phật, phước báo đó bao lớn! Nghe pháp là khai trí tuệ. Mỗi ngày mười phương vô lượng vô biên chư Phật, một vị Phật nói cho bạn nghe một câu pháp thì quá tốt rồi, làm sao mà bạn không khai ngộ, làm gì mà không khai ngộ chứ! Cho nên bạn chân thật làm rõ ràng, hiểu được tường tận, bạn còn bằng lòng ở Thế giới Ta Ba này thêm vài ngày hay sao? Không muốn nữa. Ở thêm một ngày thì trễ một ngày thành Phật, ở thêm hai ngày thì trễ hai ngày thành tựu, cho nên người niệm Phật công phu thành tựu, cho dù thọ mạng còn cũng không cần.
Trong “Vãng Sanh Truyện”, “Tịnh Độ Thánh Hiền Lục”, chúng ta thấy phần nhiều người niệm Phật ba năm thì vãng sanh, biết trước giờ ra đi. Thật là tuyệt đẹp! Năm xưa tôi giảng kinh ở Đài Bắc, có một vị pháp sư hỏi tôi một việc, có thể pháp sư này hiện tại không còn. Ông hỏi tôi, những sự việc nói trong “Vãng sanh truyện, Tịnh Độ Thánh Hiền Lục” có phải những người niệm Phật này thọ mạng ba năm thì hết? Đáp án của tôi là không phải vậy, tôi nói không thể nào, làm gì có việc trùng hợp đến như vậy! Bạn nói có hai ba người thì có thể là như vậy, ở trong đó có đến mấy chục người, mấy trăm người, vậy thì không thể nào. Đó là nguyên nhân gì vậy? Công phu của họ thành khối, họ liền có tư cách vãng sanh. Còn thọ mạng thì sao? Không cần nữa. Cũng giống như Pháp sư Oánh Kha triều nhà Tống, ông niệm Phật chân thật niệm ra được A Di Đà Phật. Phật A Di Đà đến nói với ông, ông vẫn còn mười năm dương thọ. Phật nói với ông: “Con phải cố gắng mà tu tập. Sau mười năm nữa, khi thọ mạng con đến, ta sẽ đến tiếp con”. Pháp sư Oánh Kha yêu cầu với Phật A Di Đà: “Mười năm tuổi thọ của con, con không cần nữa, hiện tại con đi theo Ngài liền”. A Di Đà Phật liền đồng ý: “Vậy tốt, ba ngày sau ta sẽ đến tiếp con”. Ba ngày sau thì ông vãng sanh. Không bằng lòng lãng phí thời gian ở thế gian này nữa, vậy mới chân thật nói được thông. Cho nên, người niệm Phật chúng ta, hiện tại bạn công phu không đủ không đi được, vậy thì bạn không cách nào. Công phu như thế nào có thể tự tại vãng sanh, muốn đi thì đi? Công phu thành khối. Phật ở trên Kinh nói với chúng ta là: “Nhất tâm bất loạn”, công phu đó cao. “Kinh A Di Đà” của Ngài Huyền Trang dịch là: “Nhất hướng chuyên niệm”, không phải nhất tâm bất loạn, mà nhất hướng chuyên niệm, một phương hướng, một mục tiêu. Chuyên niệm chính là bất tạp, không gián đoạn, không xen tạp, đó mới gọi là chuyên niệm. Đại Sư Cưu Ma La Thập dịch là: “Nhất tâm bất loạn”. Đại Sư La Thập là dịch ý, không phải không có đạo lý, bởi vì công phu nhất hướng chuyên niệm và nhất tâm bất loạn khác biệt rất lớn. Chỉ cần bạn niệm đến nhất hướng chuyên niệm, khi lâm chung Phật đến tiếp dẫn, trước tiên hào quang Phật chiếu đến bạn, liền đem nhất hướng chuyên niệm nâng cao lên đến nhất tâm bất loạn, công phu của bạn liền nâng lên một cấp, cho nên Đại Sư La Thập dịch không hề sai.
Chúng ta thật muốn cầu nhất tâm bất loạn khó, thế nhưng nhất hướng chuyên niệm thì chúng ta có thể làm đến được. Vạn duyên buông xả, Phật pháp cũng buông xả. Trên “Kinh Kim Cang” dạy cho chúng ta: “Pháp còn nên xả, huống hồ phi pháp”. Pháp đó là Phật pháp, ta thảy đều buông xả. Đại đức xưa nói: “Tam tạng mười hai bộ nhường để cho người khác ngộ”, ai thích ngộ thì để người ta ngộ; “tám vạn bốn ngàn hạnh nhường để người khác hành”, ta thảy đều buông xả không cần, ta chỉ cần một câu “A Di Đà Phật”, đây gọi là nhất hướng chuyên niệm, người này nhất định sanh Tịnh Độ. Chúng ta chân thật không có chút hoài nghi nào, quyết định được sanh. Cho nên, chư Phật Như Lai dùng phương thức gì để ứng hóa, hoàn toàn xem ưa thích của chúng sanh. “Tùy chúng sanh tâm chi sở nhạo”, ưa thích cái gì thì các Ngài thị hiện ra thế đó, cho nên chân thật chủ đạo không phải Phật Bồ Tát, mà là chính mình. Cái điểm này phải biết. Phật Bồ Tát chủ đạo chưa chắc gì bạn tiếp nhận. Nếu như bạn thật có thể tiếp nhận, giống như Đại Sư Thiện Đạo nói: “Như Lai sở hưng xuất thế, duy thuyết Di Đà bổn nguyện hải”. Đây là ý của Phật, chủ đạo của Phật, ý nghĩa của Phật chuyên tu Tịnh Độ. Thế nhưng rất nhiều người không bằng lòng, cho nên Phật mới dùng vô lượng vô biên pháp môn nhiếp thọ chúng sanh, tiếp dẫn chúng sanh. “Tùy chúng sanh tâm, ứng sở tri lượng”, đây là đại từ đại bi của Phật. Hiện tại chúng ta dần dần thể hội được, vô lượng vô biên pháp môn đều là cửa phương tiện, đến sau cùng giống như trên “Kinh Hoa Nghiêm”, đến sau cùng Văn Thù Phổ Hiền mười đại nguyện vương cầu sanh Cực Lạc. Vậy chúng ta liền nghĩ đến vô lượng vô biên pháp môn đều là nhiễu một vòng, ở trong cái vòng đó, khi đến sau cùng gặp được Văn Thù, Phổ Hiền, vẫn là niệm Phật quy về Thế giới Tây Phương Cực Lạc.
Hiện tại chúng ta gặp được rồi, chúng ta liền tin sâu không hoài nghi, người này là người thế nào? Thượng thượng căn, khiến cho những chúng Bồ Tát ở trong Thế giới Hoa Tạng bội phục bạn, tán thán bạn, bạn quá may mắn. Vì sao bạn đi một vòng thì đến điểm trung tâm, họ ở bên cạnh đi vòng vòng, đảo đến vô lượng kiếp cũng đều không đến được điểm trung tâm, vì sao bạn bỗng chốc lại gặp được? Chúng ta cùng Tịnh Độ có duyên. Duyên sâu cạn không như nhau. Duyên sâu thì nhất hướng chuyên niệm, ngay đời này họ rất nhanh thì thành tựu. Duyên cạn, nghiệp chướng sâu nặng, họ vẫn phải đi vòng vòng, họ vẫn phải ở trong Kinh giáo xoay chuyển, ở trong vô lượng pháp môn mà chọn lựa. Cái này cao, cái kia thấp, cứ so sánh với nhau, không biết được pháp môn bình đẳng, không có cao thấp, luôn cảm thấy pháp môn này của ta thì thù thắng, pháp môn khác thì không bằng như ta.
Pháp môn Tịnh Độ quá dễ dàng, dạy cho bà già, không thèm ngó đến, để lỡ qua trước mắt. Bạn nói xem, thật đáng tiếc! Phật tùy tâm ứng lượng, đáng dùng thân núi sông đất đai làm cho họ có thể giác ngộ, thì các Ngài liền hiện. Nên dùng thân hoa cỏ cây cối để độ, liền hiện hoa cỏ cây cối. Thông thường chúng ta gọi là linh khí, linh khí núi sông, linh khí của cây cối. Loại linh khí này là Phật Bồ Tát gia trì, để người có duyên này khi tiếp xúc bỗng nhiên khai ngộ. Chúng sanh căn tánh không nhất định, thị hiện của Phật Bồ Tát cũng không nhất định, thậm chí đến hư không. Trong hư không, mặt trời, trăng sao, bao gồm mây, cầu vồng, chúng ta gọi là hiện tượng tự nhiên. Những hiện tượng trong không trung đều là chư Phật Bồ Tát đang thị hiện ra rất nhiều loại, giúp chúng ta khởi tín, giúp chúng ta ngộ nhập, đây là thân quốc độ vô tình.
Hôm nay thời gian hết rồi, chúng ta học tập đến đây. A Di Đà Phật!
TU HOA NGHIÊM ÁO CHỈ VỌNG TẬN HOÀN NGUYÊN QUÁN (Tập 42A-42B)
Thời gian: ngày 09– 06 – 2009
Người giảng: Lão Pháp sư Tịnh Không
Địa điểm: Cao Hùng Đài Loan
Cẩn dịch: Vọng Tây Cư Sĩ
Biên tập: Ban Biên tập Tịnh Không Pháp Ngữ
Discussion about this post