TỰ DO KHỎI TỰ NGÃ
Vĩnh Hảo
Những ngày Tết rộn ràng trôi qua thật nhanh; nhưng hoa xuân vẫn trên cành. Buổi sáng nơi vườn ríu rít tiếng chim. Cành mai chưa kịp ra hoa; các nụ vừa chớm, mũm mĩm vươn lên từ những chồi lá xanh mướt; trong khi hoa đào thì khiêm nhường khoe sắc hồng tía nơi một góc hiên. Các nhánh phong lan kiêu sa nhè nhẹ đong đưa theo làn gió sớm. Bầu trời xanh biếc không gợn mây. Lòng bình yên, không muộn phiền…
Người ta vẫn thường cho rằng văn minh là tiến bộ, là đi tới. Dừng lại hoặc đi lui thì không văn minh. Thực ra, càng tiến bộ, con người càng tăng thêm nhiều nhu cầu; càng nhiều nhu cầu, càng tăng thêm nhiều gánh nặng và trói buộc.
Hãy tạm gác qua một bên định nghĩa điển chương của chữ văn minh (civilization) như là đỉnh cao thành tựu của một nền văn hóa (dân tộc hay nhân loại) trong một giai kỳ nào đó. Hãy nói về nền văn minh của con người trong ý nghĩa là thành tựu mục tiêu (hay ước vọng) đem lại phúc lạc thực sự cho mình, cho người, một cách bình an.
Trong ý nghĩa đó, nhân loại ngày nay quả thực là không có văn minh: kêu gọi tự do cho mình mà lại tước đoạt tự do của người; xóa bỏ giai cấp bằng đấu tranh giai cấp; muốn bình đẳng nhưng lại đối xử phân biệt (giới tính, chủng tộc, tôn giáo, đảng phái); chống độc tài mà lại muốn độc quyền độc tôn; nâng đỡ, ủng hộ những người này bằng cách cướp đoạt, đày đọa những người khác; mưu cầu hòa bình bằng khởi động chiến tranh… Chúng ta, loài người tân tiến, loay hoay đi tìm sự bình an bằng những phương tiện bất an; tìm hạnh phúc bằng con đường đau khổ.
Cho nên, không phải cứ nhắm mắt bước tới, bước lên, là văn minh. Có khi cần phải dừng lại. Có khi cần phải bước lui.
Dừng lại những manh động của tự ngã: hành động, lời nói và ý nghĩ nào nhằm tư lợi, vinh danh cá nhân (dù bằng hình thức tinh vi nhẹ nhàng nhất), đều không phải văn minh; ngược lại, chúng là đầu mối cho những xung đột, mâu thuẫn, làm rối loạn xã hội.
Bước lui để tự kiểm và tránh xa sự nuôi lớn bản ngã: tự hào, tự mãn, tự cao, tự tôn… đều là những biểu hiện lộ liễu và lố bịch của con người trước những thành công lớn hay nhỏ trong cuộc sống; đặc biệt là đối với danh vọng—nó thường cho người ta ảo tưởng về sự vượt trội và vĩ đại. Hào quang danh vọng luôn làm mờ mắt và choáng ngộp những ai bước lên đỉnh cao (nơi họ nghĩ là tột cùng)—mà không tự biết rằng nơi ấy thường khi lại là chỗ xuất phát cho tiến trình sa đọa, đi xuống.
Có người sẽ hỏi, bằng hình ảnh cụ thể, một kẻ đã lên đến đỉnh đồi rồi thì đi đâu nữa? – Câu trả lời thông thường là người ta có khuynh hướng đi quanh, hoặc đi xuống.
Thực ra vẫn còn một lối đi cho kẻ chạm đến đỉnh đồi, đó là bước vào khoảng không. Có thể mượn lời của Thiền sư Cảnh Sầm mà nói rằng “Bách trượng can đầu tu tiến bộ,” nghĩa là đứng trên đầu sào trăm trượng, vẫn nên bước thêm bước nữa. Bước vào hư không.
Đó không phải là con đường của mọi người. Cũng không phải là con đường dẫn đến văn minh vật chất, hữu thể.
Đó là con đường của kẻ thiên lý độc hành; là con đường siêu tuyệt vượt lên tất cả mọi nền văn minh, vượt qua tất cả mọi trói buộc của tự ngã, vượt qua cả sự vượt qua, đạt đến tự do tuyệt đối (mà kỳ thực cũng chẳng có gì để vượt qua hay đạt đến).
Chỉ có những gì rất thực và rất thường ở nơi này. Bầu trời không mây, tím sẫm. Đêm bình yên trong tiếng gió, nhẹ khua chiếc phong linh, và những giò lan âm thầm tỏa hương. Trăng đầu mùa lừng lững lên cao. Lòng bình yên, thong thả châm trà.
California, ngày 27.02.2016
Vĩnh Hảo
Discussion about this post