TỪ BI CÓ GIÚP MÌNH BỚT KHỔ?
“Sustainable Compassion For Those Who Serve”
by John Makransky and Brooke D. Lavelle, Tricycle Magazine Blog, Feb. 01, 2016.
Thiện Ý chuyển ngữ
Theo con số thống kê của Văn Phòng An Sinh Xã Hội Hoa kỳ (Social Security Department) và nhiều nơi trên thế giới, số người mắc bệnh tâm thần ngày càng tăng, và có 40 đến 50 phần trăm các thầy cô giáo, những chuyên viên xã hội, bác sĩ, y tá, và những người làm trong ngành nghề liên quan đến y tế, cảm thấy không hài lòng với công việc của mình. Con số tự vận của các chuyên gia làm việc xã hội gia tăng; và căn bệnh trầm cảm (depression) và các căn bệnh khác cũng gia tăng trong giới chuyên gia tâm lý và các mục sư. Họ đang kiệt sức.
Một phần hệ lụy của vấn nạn này là hệ thống an sinh xã hội bị quá tải và nguồn cung ứng thì lại quá thiếu. Ngoài ra, về mặt văn hóa chúng ta có một sự tin tưởng rằng làm việc từ thiện sẽ có thể giúp mình bớt khổ.
Từ bi không phải là một phương pháp tự cứu
Nhiều chuyên gia làm việc xã hội cho rằng bị kiệt sức hay bỏ việc là do ảnh hưởng của công việc làm. Nếu bỏ giờ ra chăm sóc cho mình thì bị coi là ích kỷ, còn yêu cầu người khác cứu giúp mình thì xem là còn yếu kém. Chính vì những ý tưởng đó đã ngăn cản mình lại. Cần được săn sóc là động cơ khiến mình muốn giúp người khác. Nếu không tự nhận là mình cũng cần sự chăm sóc như bao người khác sẽ làm cho nền tảng của động lực khiến mình muốn chăm lo cho mọi người khác trở nên mong manh, dễ vỡ. Muốn vượt qua những trở ngại này đòi hỏi mình phải nhận dạng và thay đổi niềm tin mà mình ôm giữ bấy lâu nay. Học tập những phương thức mới về sự nhận thức, và khai thác lòng từ bi có thể giúp mình lấy lại sự tự tin và là công cụ giúp mình vượt qua những khúc mắc này.
Chúng ta sống trong một nền văn hóa thiên nặng về cá nhân, có khuynh hướng xem từ bi và những phương pháp tu tập khác là một kỹ năng làm một người thêm tử tế và phát sanh lòng từ. Việc này đặt gánh nặng của việc giúp vơi bớt khổ và chuyển hóa nghiệp lực của người khác lên vai của cá nhân đó, và làm lệch đi mối tương quan duyên sinh sâu sắc trong đạo Phật và nhiều truyền thống tâm linh cổ xưa mà chúng ta đang nương vào để tu tập.
Theo những truyền thống này, cảm thông và từ bi không nên hiểu là do nổ lực của một cá nhân – mà chúng được thực hiện trong mối tương quan, duyên sinh của nhiều thứ với nhau. Theo truyền thống Phật giáo châu Á, Trước hết, hành giả phải cảm nhận tâm trạng được người khác cư xử từ bi với mình, bao gồm luôn cả người trong gia đình huyết thống và gia đình tâm linh của mình. Những tình cảm từ bi này trở nên những kinh nghiệm sống cho hành giả. Như vậy, họ mới có thể mở rộng lòng từ của chính mình đến cho người khác qua thiền định. Đây là phần quan trọng trong ý nghĩa quy y Phật, Pháp, và Tăng.
Tiếp cận với chiều không gian kết nối của Từ Bi
Chúng ta có thể thiết lập lại một điểm kết nối khởi đầu, nhưng nó phải đến từ chính kinh nghiệm của bản thân. Chúng ta tiếp xúc với lòng từ bằng cách nhớ lại những giây phút từ bi trong bất cứ hoàn cảnh nào trong đời sống mà mình đã trải qua – giây phút mà có ai đó đã sống với bạn trong tình thương yêu đơn giản, nâng đỡ bạn, chúc phúc lành cho bạn, cười vui với bạn, và hạnh phút vì bạn có mặt với người đó trong giây phút ấy.
Hình ảnh thương yêu này có thể là một ký ức về một người nào đó trong thời trẻ thơ mà bạn yêu thích, hay một giây phút an lạc chân thật trong cuộc đời bạn – một nụ cười ấm áp, một cái nhìn chào đón từ ai đó như là thầy giáo mình, bạn bè, sư phụ, hay dù là một người xa lạ. Chúng ta có thể sống lại những giây phút đó như thể nó đang diễn ra ngay bây giờ và trải nghiệm lại như mình đã thấy và đã cảm nhận cảm giác thương yêu đó, vượt ra ngoài những tính toán, phê phán quen thuộc.
Cảm nhận những giây phút thương yêu này thường xuyên sẽ có thể khiến bạn nhớ lại nhiều tình cảm yêu thương xảy ra trong đời bạn. Thực tập nhiều lần thì những hình ảnh từ bi và giây phút thương yêu sẽ dần lộ diện, và chúng ta sẽ nhận thấy được cái tiềm năng từ bi ẩn sâu trong ta, rồi từ đó có thể trải rộng ra cho người khác.
Chúng ta có thể khởi đầu mở rộng tâm từ đến cho người khác qua việc luôn trở lại cảm nhận những giây phút từ bi của chính mình. Việc làm này không phải vì một bản ngã biệt lập, mà là từ một người sống thật với tâm từ, và đang học để trải rộng tâm từ đó đến cho mọi người theo một cách mà không hề khiến mình bị mệt mỏi vì tình thương và sự cảm thông bị kiệt quệ.
Thiện Ý phỏng dịch (tháng 5, 2016)
Discussion about this post