TRUNG QUỐC HỖ TRỢ NHÓM SHUGDEN
NHẰM BÔI NHỌ HÌNH ẢNH ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA
Tác giả David Lague Paul Mooney và Benjamin Kang Lim | Reuters
Chân Diệu Mỹ | Tịnh Thủy chuyển ngữ
Phong trào Dorje Shugden đã nhận sự hỗ trợ bí mật của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Chiến dịch chung của họ nhằm hạ uy tín của lãnh đạo tinh thần Tây Tạng đang diễn ra rất mạnh mẽ, đặc biệt là ở nước Anh.
Aldershot, nướcAnh – Hàng ngàn Phật tử không quản thời tiết nóng nuwccj từ khắp nơi trên nước Anh đổ về sân vận động bóng đá Aldershot phía tây nam London vào ngày 29 tháng 6 năm 2015 lặng lẽ chờ đợi để cung đón Đức Đạt Lai Lạt Ma. Nhưng ngay bên ngoài phía cửa xoay, một nhóm Phật tử khác cũng đang chờ đợi nhà lãnh đạo tinh thần Tây Tạng. Họ hô vang “Đạt Lai Lạt Ma lừa dối, hãy ngừng nói dối, Đạt Lai Lạt Ma lừa dối, hãy ngừng nói dối!” Tiếng hô vang của họ mỗi lúc một lớn hơn qua loa phóng thanh, một số tay trống gõ theo nhịp để kích động.
“Trung Quốc chắc chắn rất vui mừng trước điều này,” Gary Beesley, một Phật tử người Anh theo truyền thống Tạng truyền, tới từ Manchester để lắng nghe giáo pháp của Đức Đạt Lai Lạt Ma. “Họ chắc chắn thích thú với điều đó.”
Các cuộc biểu tình giống như ở Aldershot là một phần của chiến dịch được sự chỉ đạo của Trung cộng: kích động những kẻ biểu tình ồn ào đi theo hầu như khắp mọi nơi Đức Đạt Lai Lạt Ma tới, để làm giảm uy tín của ngài.
Nhìn bề ngoài, dường như đó là những mâu thuẫn thuần túy trong lòng những tông phái Phật giáo. Tuy nhiên, theo một điều tra của hãng Reuters đã cho thấy rằng các giáo phái đứng sau các cuộc biểu tình này có sự ủng hộ của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Các nhóm biểu tình đã nổi lên như một công cụ trong một chiến dịch lâu dài của Bắc Kinh làm suy yếu hỗ trợ đối với Đức Đạt Lai Lạt Ma, một nhà chính trị lưu vong đang có hàng triệu Phật tử Trung Quốc tin theo và cũng là người mà Bắc Kinh luôn cáo buộc âm mưu ly khai cho Tây Tạng.
Những kẻ biểu tình đều là thành viên của phái Dorje Shugden, một thực hành tinh linh mà họ tôn kính như một hộ Pháp. Đức Đạt Lai Lạt Ma đã không khuyến khích các thực hành này, ngài khuyên những người thực hành nhóm này rằng đó là một tinh linh độc ác. Các tín đồ Shugden cáo buộc nhà lãnh đạo tinh thần Tây Tạng đàn áp niềm tin của họ. Cuộc tranh cãi này từng giới hạn trong các chính điện và tự viện của các cộng đồng vùng cao nguyên và lưu vong Tây Tạng xa xôi tại Ấn Độ. Nhưng nay đã lan sang tới cả các đường phố và sân vận động ở Bắc Mỹ, Châu Âu và châu Úc.
Nhóm biểu tình tuyên bố các cuộc biểu tình được tổ chức bởi Cộng đồng Shugden Quốc tế, đăng ký là một tổ chức từ thiện tại Hoa Kỳ có trụ sở chính tại California. Các thành viên của nhóm này luôn biện hộ rằng họ đang đấu tranh hoàn toàn cho tự do tôn giáo và phản bác thông tinh cho rằng Trung Quốc đóng một vai trò điều khiển trong các cuộc biểu tình. “Không có bất kỳ sự kết nối nào giữa Dorje Shugden và Đảng Cộng sản,” Nicholas Pitts, một phát ngôn viên tại Hồng Kông cho Cộng đồng Shugden Quốc tế đã nói như vậy khi thường xuyên xuất hiện tại các cuộc biểu tình.Tuy nhiên, một bộ tài liệu của Đảng Cộng sản Trung Quốc bị rò rỉ cho thấy chính quyền Bắc Kinh đang can thiệp vào tranh chấp. Các tài liệu được phát cho cán bộ vào năm ngoái, nói rằng vấn đề Shugden là “mặt trận quan trọng trong cuộc đấu tranh của chúng ta với bè lũ Đạt Lai”.
Lama Tseta cho biết Trung Quốc đã trả tiền cho ông và nhiều
người khác để lên kế hoạch hoạt động của phái ở nước ngoài
khi ông là một thành viên nổi bật trong phái Shugden
Ảnh: REUTERS / Paul Mooney.
Một nhà sư và là cựu thành viên nổi bật của phong trào Shugden có trụ sở tại Ấn Độ và Nepal, Lama Tseta, nói với Reuters rằng Trung Quốc đã trả tiền cho ông và nhiều người khác để lập kế hoạch và phối hợp các hoạt động của những người theo giáo phái ở nước ngoài. Tseta cho biết các quan chức từ một đơn vị hoạt động chính trị mạnh mẽ của Đảng Cộng sản, Ủy Ban công tác Mặt trận, đang chịu trách nhiệm và phân bổ kinh phí. Các quan chức này chỉ đạo trực tiếp các cuộc biểu tình thông qua các nhà sư lãnh đạo phái Shugden ở Trung Quốc và cộng đồng Tây Tạng lưu vong ở Ấn Độ, phương Tây, ông cho biết.
“Người Trung Quốc đang sử dụng họ như một công cụ để xuyên tạc hình ảnh của Đức Đạt Lai Lạt Ma, để đạt được mục đích riêng của họ, để phá hoại Phật giáo Tây Tạng và chia rẽ xã hội Tây Tạng,” Tseta cho biết trong một cuộc phỏng vấn.
Bỏ trốn khỏi phái Shugden: Lama Tseta cho biết Trung Quốc đã trả tiền cho ông và nhiều người khác để lên kế hoạch hoạt động của phái ở nước ngoài khi ông là một thành viên nổi bật trong phái Shugden
Những nhà sư phái Shugden này được đối xử như những vị khách danh dự tại các cơ quan chính thức ở Trung Quốc và công khai tuyên bố là đồng minh yêu nước của Bắc Kinh trong chiến dịch đè bẹp những hỗ trợ cho Đức Đạt Lai Lạt Ma, theo các nguồn nhân chứng, các bài báo trong các phương tiện truyền thông do nhà nước Trung Quốc kiểm soát và thông tin đăng trên các trang web của Dorje Shugden.
Nhóm nòng cốt là những tu sĩ lãnh đạo chịu trách nhiệm tổ chức các cuộc biểu tình. Họ đi khắp thế giới để cản trở những thuyết giảng của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Một số tham gia trong hoạt động chính quyền ở Trung Quốc, và có liên hệ với các nhà ngoại giao Trung Quốc tại các đại sứ quán và lãnh sự quán của Bắc Kinh. Tất nhiên họ phủ nhận Trung Quốc đóng vai trò trong các cuộc biểu tình. Họ nói rằng họ là hoàn toàn đấu tranh cho tự do tôn giáo và hỗ trợ theo cách riêng của mình.
“Tiềm năng đe dọa nghiêm trọng”
Đa số những kẻ biểu tình, mặc dù, là hội viên mới người nước ngoài như Pitts, chủ yếu là người phương Tây. Lama Tseta cho biết các quan chức Trung Quốc đã chỉ thị cho các nhà sư lãnh đạo phái Shugden lôi kéo những người nước ngoài vào các cuộc biểu tình. Reuters chưa có bằng chứng độc lập về nguồn tài chính mà Trung Quốc trực tiếp gửi tới cho các cuộc biểu tình. Nhưng một quan chức cấp cao Bộ Nội vụ Ấn Độ cho biết nhà chức trách Ấn Độ nhận thức được rằng phái Shugden nhận tiền cho hoạt động của mình từ Trung Quốc.
“Chúng tôi cũng theo dõi sát sao về họ bởi vì họ nhận tiền tài trợ từ Trung Quốc qua Nepal”, quan chức Cục tình báo, người giám sát hoạt động của cơ quan an ninh nội địa Ấn Độ, cho biết, và nói với điều kiện giấu tên.
Nhà độc tài tôn giáo Đạt Lai Lạt Ma
Chính phủ Trung Quốc đã phản ứng với hãng Reuters về bài viết này: “Hiến pháp Trung Quốc quy định rằng công dân có quyền tự do tín ngưỡng. Chính quyền trung ương và chính phủ của khu tự trị Tây Tạng hoàn toàn tôn trọng các quyền của công dân về tự do tín ngưỡng. Ở Tây Tạng, tất cả các tôn giáo và các giáo phái được tôn trọng và bảo vệ như nhau, và các hoạt động tôn giáo và niềm tin tôn giáo bình thường đều được pháp luật bảo hộ.
“Sau khi cải cách dân chủ, Tây Tạng bãi bỏ hệ thống thần quyền và đã bỏ đi những thứ bị hoen ố bởi hệ thống phong kiến, phục hồi lại đặc tính thực sự của tự do tôn giáo, đạt tự do tôn giáo thực sự của niềm tin và sự khoan dung tôn giáo giữa các tôn giáo và các giáo phái. “Dorje Shugden” là một vị hộ pháp được tôn thờ trong suốt lịch sử tại một số dòng tu Phật giáo Tây Tạng, với sự thực hành tôn giáo đặc biệt, với những cách thức thờ phụng. Bắt đầu từ Đạt Lai Lạt Ma đời thứ V, các đời Đạt Lai Lạt Ma và Ban Thiền Lạt Ma trong suốt lịch sử đã tôn thờ ‘Dorje Shugden’. Tin hay không vào vị Hộ pháp ‘Dorje Shugden’ hoàn toàn là vấn đề tự do và cá nhân của mỗi người thực hành tôn giáo.” “Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 14 trong những năm gần đây đã sử dụng tất cả các loại phương tiện, gồm cả các phương pháp khủng bố bạo lực, để ép buộc mọi người nhất định phải từ bỏ niềm tin tôn giáo của họ, đã gây ra sự bất mãn mạnh mẽ trong cộng đồng Phật giáo Tây Tạng và trong một số nhóm tôn giáo quốc tế. Kiểu hành vi này đã vi phạm niềm tin của những người theo tôn giáo và đàn áp họ, một lần nữa cho thấy thái độ đạo đức giả Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 14 và khuôn mặt thật của chế độ độc tài tôn giáo mà ông ta đang thực hành.”
Bộ Ngoại giao Trung Quốc
Trả lời câu hỏi từ Reuters về sự hỗ trợ của Đảng Cộng sản cho phái Shugden, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng Đạt Lai Lạt Ma đã thực hành sự “độc tài tôn giáo.” “Đạt Lai Lạt Ma đã trong những năm gần đây đã sử dụng tất cả các loại phương tiện, bao gồm cả các phương pháp khủng bố bạo lực, để buộc mọi người nhất định phải từ bỏ niềm tin tôn giáo của họ”, Bộ này trả lời như vậy.
Văn phòng của Đức Đạt Lai Lạt Ma tại Dharamsala, Ấn Độ, cho biết nhà lãnh đạo tinh thần Tây Tạng đang truyền pháp tại Nam Ấn Độ nên không thể trả lời câu hỏi cho bài viết này.
Những chiến dịch này có làm giảm giá trị hình ảnh của Đức Đạt Lai Lạt Ma đến mức nào thì chưa rõ ràng, nhưng quả thực những kẻ biểu tình phái Shugden có những tác động nhất định. Những chuyến viếng thăm của Đức Dalai Lama tại Hoa Kỳ, Châu Âu và Úc bây giờ thường xuyên bao gồm các cáo buộc từ phát ngôn của phái Shugden cho rằng ngài là một người cuồng tín tôn giáo, không có quyền thay mặt cho Tây Tạng. Các cuộc biểu tình đã trở nên kích động tới mức nhà lãnh đạo tinh thần Tây Tạng đã được Mỹ, Ấn Độ và các cơ quan tình báo khác khuyên rằng “thời điểm hiện tại đã trở thành một mối đe dọa tiềm ẩn nghiêm trọng đối với Đức Đạt Lai Lạt Ma”, theo một tài liệu mà hãng Reuters có được.
Bản đánh giá dài 18 trang chuẩn bị cho các đại diện chính thức của Đức Đạt Lai Lạt Ma ở Vương quốc Anh, Văn phòng của Tây Tạng, trước hai chuyến viếng thăm của ngài tới Anh vào năm 2015. Các tài liệu được cung cấp tới văn phòng ngoại giao Anh, cũng báo cáo rằng chính phủ Mỹ, chính phủ Hà Lan và Thụy Sĩ đã thắt chặt an ninh trong chuyến thăm gần đây của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Các ghi chú không nhắc tới vai trò của chính phủ Trung Quốc trong mối đe dọa an ninh.
Một cựu quan chức Hoa Kỳ cho biết Cục An ninh Ngoại giao của Bộ Ngoại giao đã nhận thức được nhóm Dorje Shugden và phải đặc biệt chú ý đến họ.
“Có rất nhiều hận thù từ những người phái Shugden, và Trung Quốc đã thúc đẩy việc thờ phụng Shugden như là một cách thức nhằm chia rẽ Tây Tạng,” Kelley Currie, một cố vấn cấp cao về châu Á và Tây Tạng của Bộ Ngoại giao Mỹ từ năm 2007 đến năm 2009 cho biết. Currie đã từng làm việc Chiến dịch Quốc tế Ủng hộ Tây Tạng, một nhóm vận động thúc đẩy nhân quyền cho người Tây Tạng.
Một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao cho biết các văn phòng cung cấp bảo vệ cho Đức Đạt Lai Lạt Ma trong chuyến thăm của ngài đến Hoa Kỳ, nhưng từ chối cho biết chi tiết.
Nỗ lực của Trung Quốc nhằm tấn công Đức Đạt Lai Lạt Ma là một phần chiến dịch có hệ thống và bí mật trên toàn cầu nhằm xoa dịu và phản bác những chỉ trích của cộng đồng quốc tế, đồng thời áp đặt quan điểm của mình.
Một cuộc điều tra của Reuters năm nay cho thấy Trung Quốc đã sử dụng những nhóm thiết lập một mạng lưới phát thanh quốc tế bí mật để phát những kênh tin tức ủng hộ chính quyền Bắc Kinh. Một bài báo thứ hai tiết lộ Trung Quốc đang sử dụng các nhóm hậu thuẫn chính phủ giả danh dưới hình thức tổ chức phi chính phủ để đe dọa các nhà phê bình mình tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.
Trong trường hợp của Đức Đạt Lai Lạt Ma, Bắc Kinh không chỉ cùng lựa chọn một nhóm Phật giáo để thách thức các nhà lãnh đạo tinh thần Tây Tạng. Họ còn sử dụng sức mạnh kinh tế và ngoại giao của nước này để gây áp lức lên các chính phủ phương Tây.
Trước sức ép đó, một số nước phương Tây dường như đang ngầm mặc nhận. Thủ tướng Anh David Cameron, cựu Thủ tướng Australia Tony Abbott và Thủ tướng Na Uy Erna Solberg là một trong các nhà lãnh đạo thế giới đã phải lựa chọn không gặp gỡ Đức Đạt Lai Lạt Ma trong hơn một năm qua. Ông Abbott và Solberg đã không trả lời các câu hỏi của Reuters.
Chiến lược của Bắc Kinh đã đặc biệt hiệu quả tại Vương quốc Anh. Nước Anh, không giống như chính phủ các nước phương Tây khác, đã không cung cấp chế độ bảo vệ an ninh chính thức cho nhà lãnh đạo tinh thần trong những chuyến viếng thăm của ngài. Trước hai chuyến viếng thăm của Đức Đạt Lai Lạt Ma trong năm 2015, ban tổ chức đã chính thức yêu cầu an ninh đặc biệt vì lo ngại cho sự an toàn của ngài, như đã được nêu ra trong bản ghi nhớ dài 18 trang. Tuy nhiên chính phủ Cameron đã từ chối yêu cầu, theo các nhà tổ chức.
Vào cuối chuyến viếng thăm thứ hai của Đức Đạt Lai Lạt Ma tới Anh, những kẻ biểu tình đã theo ngài suốt khắp các đường phố của London trong thời điểm ngài kết thúc chuyến viếng thăm, đang trên đường rời khỏi đất nước này.
An ninh thắt chặt: các cơ quan tình báo đã cảnh báo rằng các
cuộc biểu tình hiện tại đặt ra một mối đe dọa đến
sự an toàn của Đức Đạt Lai Lạt Ma, đại diện của
nhà lãnh đạo tinh thần Tây Tạng nói như vậy khi
tham dự một sự kiện năm 2009 tại Đại học British Columbia
ở Vancouver. Ảnh REUTERS / Andy Clark.
Khi ngài rời khách sạn trung tâm London vào ngày 21 tháng 9, các thành viên tháp tùng trong phái đoàn đã nói rằng họ phát hiện một chiếc xe xuất hiện đi theo đoàn xe hộ tống. Wangdue Tsering, thư ký thứ nhất tại Văn phòng Tây Tạng ở London, đã ở một trong những chiếc xe phía sau Đức Đạt Lai Lạt Ma. “chúng tôi nhận thấy các xe thoát ra rất nhanh chóng và chạy qua đèn đỏ,” ông nói. “Từ thời điểm đó, chúng tôi nghi ngờ chiếc xe đã đi theo chúng tôi.”
Tsering nói rằng đội ngũ an ninh của Đức Đạt Lai Lạt Ma gọi điện thoại cho cảnh sát.. Tsering nói rằng đội ngũ an ninh Tây Tạng công nhận một trong hai người trong xe là người biểu tình nhóm Shugden. “Chúng tôi biết đó là ai,”Tsering nói.
Một phát ngôn viên cảnh sát London cho biết Tổng cục đã có hồ sơ về vụ việc.
Trang chủ Văn phòng bộ nội địa Anh cho biết họ đã không bình luận về các vấn đề an ninh.
“Chúng tôi coi Đức Đạt Lai Lạt Ma là một lãnh đạo tôn giáo quan trọng, và ngài đã được chào đón đến Vương quốc Anh nhiều lần”, văn phòng của Cameron cho biết như vậy để trả lời các câu hỏi từ Reuters. “Chúng tôi mạnh mẽ và nhất quán trong việc đòi hỏi chính quyền Trung Quốc cải thiện các vấn đề nhân quyền.”
Một tháng sau chuyến viếng thăm nước Anh của Đức Đạt Lai Lạt Ma trong tháng 9, chính phủ Cameron trải thảm đỏ cho chuyến thăm chính thức đầu tiên của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới nước này. Nước Anh đã ký những bản hợp đồng với Trung Quốc trị giá gần 40 tỷ Bảng (60 tỷ USD) trong suốt chuyến viếng thăm, theo chính phủ Anh.
Ba mắt và thanh kiếm
Hơn năm thập kỷ trước đây, Đức Đạt Lai Lạt Ma sang sống lưu vong ở Ấn Độ. Ngày nay, nhà lãnh đạo tôn giáo ở tuổi 80 vẫn giữ được tầm ảnh hưởng mạnh mẽ lên cộng đồng hơn sáu triệu người Tạng dân tộc trong phạm vi biên giới của Trung Quốc. Ngài viếng thăm khắp thế giới thúc đẩy một thông điệp về quyền tự chủ lớn hơn cho người Tây Tạng.
Tuy nhiên Bắc Kinh luôn cáo buộc ngài muốn cố gắng tách Tây Tạng khỏi Trung Quốc. Đảng Cộng sản với chủ thuyết vô thần lại cổ vũ cho sự thờ phụng Dorje Shugden -. Một tinh linh được thờ phụng trong nhiều chính điện và tự viện có hình tướng phẫn nộ ba mắt, tay cầm một thanh kiếm và ngự trên một con sư tử.
“Cách thức mà Trung Quốc đối xử với ngài thật là trò con trẻ”, Nam diễn viên Richard Gere, chủ tịch của Chiến dịch Quốc tế cho Tây Tạng
Mục tiêu cuối cùng của Trung Quốc là để tạo ảnh hưởng quyền lực của mình lên một khu vực chiến lược trọng yếu và có nguồn tài nguyên phong phú, rộng lớn. Hơn 140 người Tây Tạng đã tự thiêu kể từ đầu năm 2009.
Một số người ủng hộ hàng đầu tới Đức Đạt Lai Lạt Ma cho biết tầm ảnh hưởng toàn cầu của ngài vẫn còn nguyên vẹn. Ngài vẫn giành được một phần rất lớn sự ủng hộ của mọi người. Trong tháng hai, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Đức Đạt Lai Lạt Ma đã cùng ăn sáng và cầu nguyện ở Washington, tại đây tổng thống ca ngợi ngài là một “người bạn tốt lành.”
Những kẻ biểu tình in hình một poster Dorje Shugden tại một
cuộc biểu tình ngày 09 tháng bảy bên ngoài Trung tâm
Hội nghị Jacob K. Javits ở New York REUTERS / Paul Mooney
Chiến lược của Bắc Kinh về ủng hộ các nhóm thờ phụng Shugden được chứa trong một tài liệu nội bộ của Đảng Cộng sản đưa ra các hướng dẫn cho quan chức ở Tây Tạng về cách thức hoạt động. Các tài liệu, ban hành ngày 20 tháng hai năm ngoái của Đảng ủy Khu tự trị Tây Tạng, đã bị rò rỉ vào năm nay cho nhóm Chiến dịch Quốc tế ủng hộ Tây Tạng.
Chỉ thị viết rằng các cán bộ nên tránh công khai các vụ tranh chấp về thờ phụng Shugden. Nhưng họ nên biết rằng các kế hoạch của Đạt Lai Lạt Ma đang sử dụng sự chia rẽ như một cái cớ để gây mất đoàn kết và phân rã quê hương. Đảng phải “dứt khoát nghiền nát” âm mưu này , các tài liệu bổ sung viết như vậy.
Các quan chức Trung Quốc nên tổ chức các chuyến viếng thăm cộng đồng bằng cách thể hiện sự tôn trọng tới các nhà lãnh đạo tôn giáo yêu nước để phơi bày và tố cáo “lệnh cấm” của Đạt Lai Lạt Ma về thờ phụng Shugden, các tài liệu này cho biết. Và những người ủng hộ quan điểm của Đạt Lai Lạt Ma về Shugden đang cố “tạo ra rối loạn” quanh các vấn đề ở Trung Quốc “phải được xử lý nghiêm theo pháp luật.”
Tôi không cho rằng quý vị có thể một cách cộng bằng sử dụng tài liệu này để nói rằng đây là bằng chứng cho thấy Trung Quốc đang hỗ trợ cho phái Shugden,” Nicholas Pitts, phát ngôn viên ở Hồng Kông của Cộng đồng Shugden Quốc tế cho biện hộ. Anh ta chỉ vào một phần của tài liệu mà chính quyền đã kêu gọi trừng phạt bất cứ ai, dù có tín ngưỡng hay không, sử dụng các vấn đề Shugden “tụ tập công cộng và gây rối loạn.”
Cáo buộc của Lama Tseta
Robert Barnett, Đại học Columbia và Elliot Sperling, Đại học Indiana -hai chuyên gia về Phật giáo Tây Tạng cho biết họ tin rằng đó là những điều đang diễn ra trên thực tế.
“Đây không phải vấn đề Shugden, mà là vấn đề chính trị,” Tseta, cựu thành viên phái Shugden nói.
Tseta, 42 tuổi, cho biết ông từng là một nhân vật cao cấp trong phái Shugden và chịu trách nhiệm hợp tác với các quan chức Trung Quốc từ năm 1997 đến năm 2006. Ông rời nhóm này vào năm 2008. Ông đã xác định Ban Công tác Mặt trận của Đảng Cộng sản chính là cơ quan đứng đầu phối hợp các hoạt động của Bắc Kinh làm suy yếu vai trờ của Đức Đạt Lai Lạt Ma qua các phong trào phái Shugden ở Ấn Độ và phương Tây.
Mặt trận là cơ quan có thẩm quyền tối cao với sự ủng hộ từ đảng có ảnh hưởng rất to lớn tới những nhóm không thuộc Đảng cộng sản và không cộng sản ở nhà và ở nước ngoài. Tu sĩ Tây Tạng và học giả nghiên cứu về tranh chấp cũng coi Ủy ban Mặt trận là cơ quan quan trọng của Trung Quốc trong nỗ lực nhằm củng cố quyền kiểm soát đối với Tây Tạng.
Một trong những quan chức chính của Mặt trận chỉ đạo các hoạt động cho các Lama chống lại Dalai thông qua phái Shugden trong những năm gần đây có tên là Zhu Weiqun, Tseta cho biết.
Các học giả về Tây Tạng nói rằng Lama Gangchen
(hàng đầu, thứ hai từ phải sang), ảnh tham dự
Diễn đàn Phật giáo Quốc tế lần thứ tư ở thành phố
Trung Quốc, Tháng 10, là nhà lãnh đạo có ảnh hưởng
nhất phái Shugden sống bên ngoài Trung Quốc
REUTERS / Ji Chunpeng / Tân Hoa Xã.
Zhu, 68 tuổi, một quan chức kỳ cựu, đảm nhiệm vị trí phó chủ tịch điều hành Ủy ban Mặt trận trong thời gian Tseta đang hoạt động trong phái Shugden. Hiện nay ông ta là người đứng đầu ủy ban dân tộc và tôn giáo, tư vấn cho Quốc hội Trung Quốc. Zhu thường được trích dẫn qua các phương tiện truyền thông chính thức là một lãnh đạo hàng đầu của chính quyền về vấn đề Tây Tạng, và thường chế nhạo ngài Đạt Lai Lạt Ma trong các bài phát biểu và phỏng vấn. Cấp bậc của ông ta tương đương chức chủ tịch tỉnh. Zhu đã từ chối đề nghị trả lời phỏng vấn của Reuters.
Tseta cho biết ông và các nhà sư phái Shugden khác đi nhiều lần đến Nepal và Trung Quốc, cả Tây Tạng, ở đó họ đã gặp gỡ ông Zhu và các quan chức khác của Trung Quốc. Trong cuộc phỏng vấn với Reuters, Tseta đưa ra hai tấm hộ chiếu Trung Quốc của mình với những xác nhận 15 chuyến thăm Trung Quốc. Tseta ông cho biết lần cuối cùng ông ở Tây Tạng vào năm 2006.
Trong khi Zhu phê phán Đức Đạt Lai Lạt Ma thì ông ta lại bất ngờ dành lời tán dương trên các phương tiện truyền thông của Trung Quốc về một nhà sư Tây Tạng khác là Lama Gangchen, có trụ sở tại Milan. Gangchen là nhà lãnh đạo có ảnh hưởng nhất của phái Shugden bên ngoài Trung Quốc, theo Tseta và học giả phương Tây của Phật giáo Tây Tạng cho thấy Tseta Reuters. hình ảnh của mình với Gangchen.
“Gangchen là một người rất tích cực của phái Shugden,” Thierry Dodin, một học giả người Pháp về Phật giáo Tây Tạng và chịu trách nhiệm trang web TibetInfo nói. “Ông ta là người có liên hệ chặt chẽ nhất với Đảng Cộng sản và chính quyền Trung Quốc.”
Tseta nói chính Gangchen đã tổ chức cuộc họp đầu tiên giữa các nhà lãnh đạo phái Shugden ở Ấn Độ và quan chức Trung Quốc vào năm 1997.
Một nhà sư VIP
Sinh năm 1941, Gangchen tu học tại một số Đại học tự viện trước khi đi sống lưu vong tại Ấn Độ vào năm 1963, theo trang web cá nhân của mình, Lama Gangchen Peace Publications. Sau đó, ông ta chuyển đến châu Âu và đã trở thành một công dân Ý.
Gangchen là một vị khách thường xuyên đến Trung Quốc, nơi ông ta gặp gỡ các nhà lãnh đạo hàng đầu và được tiếp đón ở các buổi họp mặt lãnh đạo tôn giáo do chính phủ phê chuẩn. Phương tiện truyền thông do nhà nước Trung Quốc kiểm soát công bố hình ảnh những chuyến thăm của ông ta với chức sắc Phật giáo khác tại một diễn đàn ở thành phố Vô Tích tháng Mười. Sperling đại học Indiana University và học giả Tây Tạng Dibyesh Anand đại học Westminster thành phố London cho biết họ thấy Gangchen hiện diện tại các sự kiện của chính phủ và ủy Ban Mặt trận ở Trung Quốc, nơi ông ta luôn được đối xử là một kháchVIP.
Sonam Rinchen, một phát ngôn viên của Cộng đồng Shugden quốc tế.
Một phát ngôn viên cho Gangchen cho biết các nhà sư từ chối trả lời phỏng vấn cho bài viết này. “Lama Gangchen không có vai trò gì trong phái Shugden,” cô ta biện hộ “Ông ta chỉ là một hành giả tín tâm của dòng tu này”.
Tseta cho biết ông bắt đầu có những mối nghi ngại về vai trò của mình trong phái Shugden, và đến năm 2006, người Trung Quốc đã nghi ngờ ông. Ông bị giam 25 ngày ở Lhasa, thủ phủ Tây Tạng, nhưng đã được thả sau khi thuyết phục chính quyền rằng ông là một người thực hành Shugden tín tâm. Reuters chưa thể có xác nhận độc lập về trại giam đối với Lama Tseta.
Trên chuyến đi đến Mỹ vào cuối năm 2006, ông xin được tị nạn. Tseta đưa ra các tài liệu cho Reuters cho thấy ông đã được cấp tị nạn chính trị vào năm 2007. Ông cho biết ông phải lên tiếng về vai trò của mình trước đây trong phái Shugden vì các các cuộc biểu tình chống lại Đức Đạt Lai Lạt Ma đang làm chia rẽ người Tây Tạng.
Thông qua các hình ảnh của phong trào phản đối, hình ảnh, các thước phim truyền hình, tin tức, các thông tin video trực tuyến và các tài liệu công khai của phái Shugden, Reuters đã có thể xác định những người Tạng đứng đầu đang tham gia vào các cuộc biểu tình tại Úc, Vương quốc Anh, Hoa Kỳ và Châu Âu.
Sonam Rinchen, 53 tuổi đang sống tại Nam Deerfield, Massachusetts, là một phát ngôn viên cho cộng đồng Shugden quốc tế, nhóm người đã dẫn đầu cuộc biểu tình, cho biết trong một cuộc phỏng vấn điện thoại ông ta đã hai lần bị đặt dấu hỏi bởi Văn phòng Liên bang điều tra về các mối đe dọa an ninh tới Đức Dalai Lama, gần đây nhất là tại nhà của ông vào năm 2012, khi Đức Đạt Lai Lạt Ma đã đến thăm Boston. Tất nhiên ông ta luôn từ chối những liên quan tới sự hỗ trợ của Trung Quốc.
FBI đã từ chối bình luận trước những thông tin này.
Những người biểu tình đứng đằng sau một bức tranh của
một nạn nhân Tây Tạng tự thiêu trong một cuộc
diễu hành năm 2012 tại New York để ủng hộ Tây Tạng,
từ năm 2009, hơn 140 người Tây Tạng đã tự thiêu
REUTERS / Lucas Jackson
Cộng đồng Shugden quốc tế được thành lập với đăng ký là một tổ chức từ thiện ở California vào năm 2014. Đa số những người biểu tình là người phương Tây theo truyền thống New Kadampa (NKT). Những thành viên nói là nhóm không đóng vai trò gì trong các cuộc biểu tình. Không có thông tin chính thức có lượng tính đồ là bao nhiêu nhưng theo nhiều thành viên trước đây ước tính có khoảng 6000 thành viên trên toàn thế giới.
Lãnh đạo và người sáng lập của NKT là Kelsang Gyatso, một nhà sư Tây Tạng đã tới nước Anh vào năm 1977. NKT đăng ký là một tổ chức từ thiện, có 1200 trung tâm và chi nhánh tại 40 quốc gia, theo trang web của nhóm. Theo báo cáo tài chính ủy ban từ thiện, nhóm này đã có 21,8 triệu bảng Anh trong ngân quỹ vào cuối năm 2014.
Truyền thông tiêu cực
Carol McQuire, một cựu thành viên của NKT ở Anh cho biết, nhiều người biểu tình vô tình là những tác nhân bất đắc dĩ của Bắc Kinh. “Tôi chắc chắn rằng sau khi các cuộc biểu tình thực hiện “vì tự do” bởi một số người phương Tây thiếu hiểu biết đã làm hài lòng chính quyền Trung Quốc,” McQuire, người đã rất thất vọng và rời nhóm này cách đây chín năm.
Các cuộc biểu tình đang bắt đầu thu hút nhiều sự chú ý. Trong chuyến viếng thăm Hoa Kỳ năm 2015 của Đức Đạt Lai Lạt Ma, nhiều phương tiện truyền thông (bao gồm cả Reuters) đã đưa nhiều tin tức về những người biểu tình và phản ứng của họ. Trong thời gian 12 ngày ngài Đạt lai Lạt ma viếng thăm Úc vào tháng Sáu, tờ Sydney Morning Herald và Melbourne The Age đã xuất bản một bài xã luận của Pitts, một thành viên của NKT. “Ông là nhà lãnh đạo chính trị của người Tây Tạng trong nhiều thập kỷ nhưng, không giống như hầu hết các nhà lãnh đạo chính trị khác trên thế giới, không ai dường như có thể kiểm tra hay xem xét xem những gì ông ta nói có hợp với những gì ông ta làm,” Pitts viết. Trong chuyến thăm của Dalai Lama tới Anh, BBC và ITV đã đăng tải cả quan điểm của Pitts, và đăng tải cả những cuộc biểu tình.
Bắc Kinh đã rất thích thú trước những sự kiện này. Bên lề phiên họp Quốc hội thường niên của Trung Quốc trong tháng Ba, Zhu Weiqun quan chức tôn giáo của chính quyền đã nói với các phương tiện truyền thông quốc tế rằng “ngày càng có ít sự quan tâm hơn tới Đạt Lai Lạt Ma.”
Tuy nhiên, những chuyên gia Tây Tạng cho rằng, với địa vị và tầm ảnh hưởng của mình, những lời khuyên của đức Đạt lai Lạt ma về việc thực hành tinh linh Shugden đã một cách mạnh mẽ làm giảm đi rất nhiều ảnh hưởng của phái này tại Tây Tạng, nhiều vùng ở Trung Quốc, và cộng đồng Tây Tạng lưu vong ở Ấn Độ.
Một số tín đồ phái Shugden người Tây Tạng phàn nàn rằng sự phân biệt đối xử từ những người ủng hộ Đức Đạt Lai Lạt Ma đã làm họ bị tẩy chay ở Tây Tạng và ở nước ngoài. Họ nói rằng họ đã bị sa thải việc, từ chối dịch vụ trong cửa hàng và buộc phải sống trong những khu tâm linh.
Những người ủng hộ Đức Đạt Lai Lạt Ma thừa nhận có một số trường hợp bị phân biệt đối xử. Nhưng họ nói rằng điều này không diễn ra một cách có hệ thống và hoàn toàn không được khuyến khích bởi Đức Đạt Lai Lạt Ma.
Một băng-zôn bắt mắt
Các cuộc biểu tình Shugden bắt đầu vào năm 1996, khi ấy họ còn khá ôn hòa nhưng tới nay mọi chuyện hoàn toàn ngược lại. Người biểu tình rất kích động. Tại mỗi điểm dừng, người biểu tình phái Shugden đều chờ đợi với ý muốn tấn công bạo lực.
Trong hai năm qua, những kẻ biểu tình đã xông qua vào hàng rào an ninh của Đức Đạt Lai Lạt Ma để đối diện với cá nhân ngài. Vào tháng 5 năm ngoái, một số người phái Shugden đã cố gắng kiểm tra khách sạn nơi ngài đang lưu lại tại Hà Lan, theo các thông báo an ninh cung cấp cho chính phủ Anh. Nhân viên an ninh khách sạn đã phải trục xuất họ ra, các nhà tổ chức cho biết.
Một vài ngày trước chuyến thăm hai ngày của ngài tới New York bắt đầu ngày 9 tháng 7, một băng zôn khổng lồ “Đạt Lai Lạt Ma Lừa đảo, hãy ngừng nói dối” đã được họ căng lên từ nơi ngài chia sẻ giáo pháp. Băng zôn in kèm cả hình của tinh linh Dorje Shugden.
Cả hai đều bị dỡ bỏ vào ngày mùng 8 sau khi người Tây Tạng tại Hoa Kỳ lên tiếng yêu cầu công ty quảng cáo in băng-zôn này phải có trách nhiệm. Khi Đức Đạt Lai Lạt Ma chia sẻ giáo pháp tại Trung tâm Hội Ngị Jacob K. Javits ở Manhattan, khoảng 100 người biểu tình tụ tập trên đường phố. Một số còn căng ảnh biếm họa Đức Đạt Lai Lạt Ma đang khởi động các chương trình quân sự. Các poster đó cũng được treo ngoài sân vận động bóng đá ở Aldershot trong tháng Sáu, nơi nhóm người phái Shugden đã bị yêu cầu phải rời khỏi nơi ngài giảng pháp.
Báo cáo bổ sung bởi Rupam Nair ở New Delhi, John Shiffman và Warren Strobel ở Washington, Ben Blanchard ở Bắc Kinh, Elizabeth Piper và Michael Holden tại London, và Gwladys Fouche và Henrik Stolen ở Oslo.
Nền chính trị bị một thực hành tôn giáo lầm sai gây chia rẽ
Tác giả David Lague, Paul Mooney và Benjamin Kang Lim
Bắc Kinh của Lạt-ma: Gyaltsen Norbu (bên phải),
Ban Thiền Lạt Ma, được công nhận bởi chính phủ
Trung Quốc, nói với chủ tịch Tập Cận Bình
vào tháng Sáu rằng, ông sẽ “duy trì sự thống nhất
của quê hương”, theo nguồn từ truyền hình
nhà nước Trung Quốc. REUTERS / Kim Kyung-Hoon.
Hồng Kông – Sự chia rẽ giáo lý mà Đảng Cộng sản Trung Quốc đang sử dụng để tấn công Đức Đạt Lai Lạt Ma đã kéo dài từ lâu đối với xã hội Tây Tạng.
Đức Đạt Lai Lạt Ma thuộc truyền thừa Gelugpa, một trong bốn truyền thống Phật giáo lớn ở Tây Tạng. Khi Đức Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 5 thống nhất Tây Tạng vào thế kỷ 17, ngài đã nỗ lực hòa hợp giữa các truyền thừa Phật giáo góp phần thúc đẩy hòa hợp chính trị xã hội. Nỗ lực này không hoàn toàn được sự ủng hộ của một số thành viên trong truyền thừa, những người đã thực hành tinh linh Dorje Shugden, mà họ gọi là một vị Hộ pháp.
Qua nhiều thế kỷ, những người thực hành phái này đã gây nhiều chia rẽ trong lòng xã hội Tạng và giữa các truyền thống Phật giáo. Sau khi Cộng sản lên nắm quyền ở Tây Tạng vào năm 1949, những người thực hành Shugden trở nên có ảnh hưởng lớn trong cộng đồng Tây Tạng lưu vong ở Ấn Độ và Nepal.
Ban đầu chính Đức Đạt Lai Lạt đời thứ 14 cũng được rèn luyện pháp tu này. Tuy nhiên, từ giữa những năm 1970, khi thấy những tác hại của việc thực hành này, ngài đã tìm hiểu kỹ càng sau một thời gian suy tư, thiền đinh, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã bắt đầu đặt vấn đề về giá trị của việc tôn thờ và thực hành tinh linh Shugden và chính thức kết luận là nó rất có hại. Năm 1996, ngài công khai khuyên những Phật tử cần tránh không thực hành các pháp tu đó. Kể từ đó, có một bước thay đổi dần dần từ chính quyền Bắc Kinh đối với phong trào này, đặc biệt trong hơn 1 thập kỷ vừa qua.
Trung Quốc đã rất khôn ngoan tránh những can thiệp một cách công khai tới các chiến lược của Shuden. Nhưng trên thực tế, có nhiều bằng chứng rõ ràng chính quyền Bắc Kinh đang bí mật ủng hộ phía sau phái Shuden.
Học giả Tây Tạng người Pháp là Thierry Dodin nói rằng chính quyền Trung Quốc đã đầu tư nhiều tiền vào việc trùng tu và duy trì các tự viện phái Shugden ở khu tự trị Tây Tạng và các tỉnh lân cận. Theo những báo cáo từ các phương tiện truyền thông nhà nước cho thấy, Trung Quốc đã tài trợ nhiều tiền cho các dự án trùng tu tại tự viện Sumtseling Ganden ở tỉnh Vân Nam và các tự viện Dungkar gần biên giới Tây Tạng với Ấn Độ, đây là những tự viện hàng đầu tu tập theo phái Shugden.
“Có một xu hướng lớn đang diễn ra hỗ trợ cho các tự viện theo phái Shugden từ phía Đảng cộng sản Trung quốc,” Dodin, giám đốc của TibetInfoNet trang web cho biết.
Trong khi những Phật tử công khai thực hành theo lời dạy của Đức Đạt Lai Lạt Ma phải đối mặt với sự khủng bố từ chính quyền Trung Quốc, theo các nhóm nhân quyền và người Tạng lưu vong. Bên cạnh đó Bắc Kinh cũng cho phép các nhà sư theo phái Shugden ra nước ngoài giảng pháp cho Phật tử nước ngoài và cộng đồng Tây Tạng lưu vong.
Tháng 12 năm 2012, Bắc Kinh tài trợ chuyến thăm Thụy Sĩ của lama Jampa Ngodup Wangchuk Rinpoche, vị Lạt ma Tây Tạng đầu tiên được chính phủ Bắc Kinh gửi ra nước ngoài truyền Pháp, theo như trang web dorjeshugden.com.
“Bằng cách chính thức đề cử họ ra nước ngoài truyền pháp, chính phủ Trung Quốc công khai khuyến khích sự phát triển của Phật giáo, di sản cổ xưa của Trung Quốc và thực hành Dorje Shudgen”, một bài viết trên trang web này viết như vậy.
Một dấu hiệu rõ ràng nữa về chiến lược ủng hộ và kích động các vị tăng lãnh đạo phái Shugden của chính quyền Trung Quốc là đào tạo nên Ban Thiền Lạt Ma, người có địa vị chi chỉ đứng sau Đức Đạt Lai Lạt Ma trong trong truyền thống Tạng truyền.
Quan chức tôn giáo:. Zhu Weiqun, người đứng đầu Ủy ban
dân tộc và tôn giáo, một cơ quan tư vấn cho
Quốc hội Trung Quốc REUTERS / Stringer
Năm 1995, Đức Đạt Lai Lạt Ma xác nhận một cậu bé Tây Tạng sáu tuổi, Gedhun Choekyi Nyima, là hóa thân của Ban Thiền Lạt Ma đời thứ 10. Cậu bé và gia đình sau đó sớm mất tích; chính quyền Bắc Kinh đã nói rằng cậu bé cần được giữ để bảo vệ. Để cạnh tranh với lựa chọn Đức Đạt Lai Lạt Ma, Bắc Kinh sau đó tự công nhận một cậu bé Tây Tạng, Gyaltsen Norbu, là Ban Thiền Lạt Ma. Việc làm này là trọng tâm trong những kế hoạch của Bắc Kinh nhằm kiểm soát Phật giáo Tây Tạng, bởi vì trong lịch sử Ban Thiền Lạt Ma đóng một vai trò quan trọng trong việc nhận ra và ấn chứng những hóa thân các đời Đạt Lai Lạt Ma.
Theo các chuyên gia về Phật giáo Tây Tạng, nhiều bậc thầy giáo thọ chịu trách nhiệm đào tạo cho Ban Thiền Lạt Ma của Bắc Kinh là những người thực hành theo phái Shugden. Lama Gangchen, nhà sư phái Shugden sống ở nước ngoài có ảnh hưởng nhất đã được chụp hình chung với Ban Thiền Lạt Ma này.
Chủ tịch Tập Cận Bình vào tháng sáu năm 2015 đã gặp gỡ các bên chấp thuận Ban Thiền Lạt Ma tại Bắc Kinh. Các thành viên buổi gặp đã nói với ông Tập là sẽ “kiên quyết duy trì sự thống nhất của người dân và quê hương”, truyền hình nhà nước Trung Quốc đưa tin.
Chính quyền Trung Quốc đã đặt sang một bên những chủ thuyết vô thần của mình khi tuyên bố chỉ có họ mới có thẩm quyền lựa chọn hóa thân tiếp theo của Đức Đạt Lai Lạt Ma, các báo cáo trong các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc chính thức tuyên bố như vậy.
Đây là một phần của âm mưu đảm bảo tương lai vị lãnh đạo tinh thần của hơn sáu triệu người Tây Tạng và các tỉnh giáp biên giới phải trung thành với Đảng Cộng sản. Trước những tuyên bố như vậy, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã có gợi ý ngài có thể hóa thân bên ngoài Trung Quốc hoặc có thể sẽ không hóa thân trở lại.
Chính quyền đã phản ứng một cách giận dữ trước gợi ý đó của ngài, họ tuyên bố trong một bản thông báo vào tháng 11 năm ngoài qua Tân Hoa Xã rằng: “Các hóa thân của Đạt Lai Lạt Ma chỉ được xác nhận bởi chính quyền trung ương Trung Quốc, không phải bởi bất kỳ bên nào khác, bao gồm chính cả ngài Đạt Lai Lạt Ma”.
Source: http://www.reuters.com/investigates/special-report/china-dalailama/
Bài đọc thêm:
Giáo Hội Ma Chống Đức Đạt Lai Lạt Ma Tự Giải Thể
Những Cuộc Biểu Tình Vì Shugden Tại California Làm Tổn Thương Cảm Xúc
Đức Đạt Lai Lạt Ma Và Sự Sùng Bái Dolgyal Shugden (Thanh Liên dịch)
Tuyên Bố Của Hiệp Hội Tu Viện Phật Giáo Đức Quốc (Thanh Liên dịch)
Phỏng vấn Loseling Khensur Lobsang Gyamtso Rinpoche về việc thực hành Shugden (Thanh Liên)
Discussion about this post