Thượng tọa bộ (上座部), sa. sthaviravāda, còn gọi Theravada, hoặc gọi là Phật giáo nguyên thủy hay Phật giáo Nam truyền. Bộ phái này hình thành ngay trong thế kỷ đầu tiên sau khi đức Phật Nhập Niết Bàn. Chữ Theravada có nghĩa là “lời dạy của bậc trưởng thượng”
I Khái niệm về Thượng Tọa Bộ:
Thượng tọa bộ (上座部), sa. sthaviravāda, còn gọi Theravada, hoặc gọi là Phật giáo nguyên thủy hay Phật giáo Nam truyền. Bộ phái này hình thành ngay trong thế kỷ đầu tiên sau khi đức Phật Nhập Niết Bàn. Chữ Theravadacó nghĩa là “lời dạy của bậc trưởng thượng”. Do đó nhiều sách còn Bộ này là Trưởng Lão bộ là một trường phái Phật giáo xuất phát từ Phân biệt bộ (sa.vibhajyavādin), do Mục-kiền-liên-Tử-đế-tu (pi. moggaliputta tissa) thành lập. Về giới luật cũng có nhiều bất đồng trong Thượng tọa bộ. Ngày nay Thượng tọa bộ được truyền bá tại các nước Sri Lanka, Miến Điện, Thái Lan, Campuchia và Lào, nên còn được gọi là Nam tông Phật giáo hiện nay.
Thượng tọa bộ là trường phái tự nhận mình là Phật giáo nguyên thủy. Thượng tọa bộ cho rằng các kinh điển viết bằng văn hệ Pāli[1] của mình là ngữ thuyết của chính đức Phật. Giáo pháp của Thượng tọa bộ chủ yếu gồm Tứ diệu đế, Bát chính đạo, Duyên khởi và thuyết Vô ngã. Thượng tọa bộ nhấn mạnh khả năng từng người tự giải thoát bằng cách kiên trì giữ giới luật và sống một cuộc đời phạm hạnh. Quả vị tối tu chứng của Thượng tọa bộ là A-la-hán[2]. Giáo pháp của Thượng tọa bộ có khuynh hướng phân tích, trong đó A-tì-đạt-ma (sa. abhidharma) đóng một vai trò quan trọng. Ngoài ra bộ Thanh tịnh đạo (pi. visuddhi-magga) và Di-lan-đà vương sở vấn kinh(彌蘭王所問經, pi. milindapañha) cũng rất được phổ biến. Luận sư xuất sắc của Thượng tọa bộ là Phật Âm (pi.buddhagosa), Hộ Pháp (pi. dhammapāla), A-na-luật (pi. anuruddha) và Phật-đà-đạt-đa (pi. buddhadatta).
II. Sự thành lập kinh điển Phật giáo:
1/ Kiết tập kinh điển lần thứ nhất:
Ngay sau khi Đức Thích Ca Mâu Ni nhập Niết Bàn khoảng 3 tuần trăng, các vị thánh đệ tử của Ngài đã nhóm họp lại để xác định lại những lời dạy của Ngài. Thời gian vào thế kỷ thứ năm, thứ sáu trước Tây lịch. Một nguồn tài liệu duy nhất là khảo cứu những mảnh tài liệu rời rạc trong các Kinh sách Phật Giáo, hoặc các trụ đá, những địa điểm lịch sử để đúc kết lại một cách ước đoán, cố gắng tạo dựng lại đoạn đường thành lập Kinh điển Phật Giáo.
Địa điểm là Động Bảy Lá (Saptaparna-guha) trong vùng núi gần Vương Xá (Rajagaha), kinh đô của nước Ma Kiệt Đà (Magadha). Kỳ Kết Tập nầy có khoảng năm trăm Tỳ Kheo tham dự vây quanh các ngài Ma Ha Ca Diếp (Mahakashyapa), A Nan (Ananda), Ưu Ba Li (Upali), và một số các vị khác trong Mười Đại Đệ Tử lớn của Đức Phật. Đồng thời có sự tham dự của A Xà Thế (Ajatashatru), vua của nước Ma Kiệt Đà trợ giúp cho kỳ Kết Tập nầy. Để sắp xếp lại những lời dạy của Đức Phật làm thành Kinh điển Phật Giáo. Chỗ kiết tập này vẫn còn tồn tại đến ngày nay.
2/ Kiết tập lần thứ hai:
Một trăm năm sau Cuộc Kết Tập Lần Thứ Nhất, một cuộc hội họp lớn của Phật Giáo được triệu tập[3]. Dù thế nào, vào khoảng thời gian ấy, Tăng Đoàn Phật Giáo đã chia làm hai nhánh chính, một nhánh được gọi là Theravada hay Thượng Tọa Bộ và nhánh thứ hai là Mahasanghika hay Đại Chúng Bộ.
Trong trăm năm đó, thời gian chắc chắn đã làm xã hội thay đổi một cách đáng kể, cũng như cách sống của người Ấn Độ, và điều không thể tránh là những sự khác biệt về cách giải thích những di huấn và giáo pháp của Đức Thích Ca Mâu Ni cũng đã xảy ra.
Chính sự khác nhau trên quan điểm giới luật đã đưa đến Cuộc Kết Tập Lần Thứ Hai. Một nhóm Tăng sĩ thuộc bộ tộc Vajji (Bạt Kỳ) ở thành Vaishali (Tì Xá Li)) được coi như những người tiên phong trong việc đưa ra những giải thích mới về “Mười Giới,” những giới luật căn bản cho các Tăng Sĩ trong Tăng Đoàn, và Cuộc Hội Nghị được triệu tập để đánh giá những giải thích của họ.
10 điều phi pháp:
1/ Tỳ kheo ăn muối gừng để dành qua đêm vẫn hợp pháp,
2/ Tỳ kheo ăn xong, nhận được thức ăn khác, dùng hai ngón tay cầm thức ăn để ăn vẫn hợp pháp,
3/ Tỳ kheo ăn xong, rời khỏi chỗ, rồi ngồi ăn lại vẫn hợp pháp,
4/ Tỳ kheo ăn xong, đi sang nơi khác ăn thêm vẫn hợp pháp,
5/ Tỳ kheo dùng sữa đường hòa lại uống ngoài bữa ăn chính vẫn hợp pháp,
6/ Tỳ kheo uống rượu tự chế biến từ trái cây vẫn hợp pháp,
7/ Tỳ kheo tùy ý làm tọa cụ lớn hoặc nhỏ vừa với mình vẫn hợp pháp,
8/ Tỳ kheo có thể làm những việc mà lúc còn cư sĩ đã làm vẫn hợp pháp, tất nhiên có việc có thể làm được và có việc không thể làm được,
9/ Trong một trú xứ có một nhóm Tỳ kheo làm pháp yết ma riêng, sau đó đến yêu cầu chúng Tăng chấp nhận pháp yết ma ấy vẫn hợp pháp,
10/ Tỳ kheo có thể thu nhận và cất giữ vàng bạc, tiền của vẫn hợp pháp.
Như người ta có thể thấy, những tăng sĩ trong thời buổi đó sống một đời sống hết sức hạn chế, nên nhóm ỳ kheo Bạt Kỳ muốn thoát khỏi cái vỏ giáo điều vì nó không còn thực tế với cuộc sống cho nên mạnh dạng đề nghị, giới luật phải đi vào cuộc sống chứ không phải là một cái gì từ bên ngoài áp đặt lên một cá nhân.Cho nên sự tách rời giữa Theravada (Thượng Tọa Bộ) và Mahasanghika (Đại Chúng Bộ) xảy ra là quy luật ắt có và đủ.
Tuy nhiên cả hai truyền thống điều thừa nhận: “Vận mạng của Đạo Phật nằm ở khả năng nắm giữ và những nền tảng đạo đức phải áp dụng chúng một cách đúng đắn để người học Phật đi vào thực hành”. Bởi đạo Phật là một đạo thực nghiệm, đến để nắm bắt chứ không phải chiêm ngưỡng!
III. Giáo Lý trọng tâm:
1/ Giáo Lý Tứ đế.
Tứ diệu đế (zh. 四妙諦, sa. catvāry āryasatyāni, pi. cattāri ariya-saccāni), cũng gọi là Tứ thánh đế (zh. 四聖諦), là bốn chân lý cao cả, là gốc cơ bản của Phật giáo. Tứ diệu đế là nội dung của kinh nghiệm giác ngộ của Phật Thích-ca Mâu-ni, và cũng là nội dung chính của bài kinh đầu tiên, kinh Chuyển pháp luân.
Tứ diệu đế là:
1.1 Khổ đế(zh. 苦諦, sa. duḥkhāryasatya), chân lí về sự Khổ: Chân lý thứ nhất cho rằng mọi dạng tồn tại đều mang tính chất khổ não, không trọn vẹn. Sinh, lão bệnh, tử, xa lìa điều mình ưa thích, không đạt sở nguyện, đều là khổ. Sâu xa hơn, bản chất của năm nhóm thân tâm, Ngũ uẩn[4] (zh. 五蘊, sa. pañcaskandha, pi. pañcakhandha), là các điều kiện tạo nên cái ta, đều là khổ.
1.2 Tập khổ đế(zh. 集苦 諦, sa. samudayāryasatya), chân lý về sự phát sinh của khổ: Nguyên nhân của khổ là sự ham muốn, Ái (愛, sa. tṛṣṇā, pi. taṇhā), tìm sự thỏa mãn dục vọng, thỏa mãn được trở thành, thỏa mãn được hoại diệt. Các loại ham muốn này là gốc của Luân hồi (zh. 輪迴; sa., pi. saṃsāra).
1.3 Diệt khổ đế(zh. 滅苦諦, sa. duḥkhanirodhāryasatya), chân lí về diệt khổ: Một khi gốc của mọi tham ái được tận diệt thì sự khổ cũng được tận diệt.
1.4 Đạo đế(zh. 道諦, sa. duḥkhanirodhagāminī pratipad, mārgāryasatya), chân lí về con đường dẫn đến diệt khổ: Phương pháp để đạt sự diệt khổ là con đường diệt khổ tám nhánh, Bát chính đạo. Không thấu hiểu Tứ diệu đế được gọi là Vô minh (zh. 無明, sa.avidyā, pi. avijjā).
2/ Bát chánh đạo:
Bát chính đạo(zh. bāzhèngdào八正道, ja. hasshōdō, sa. aṣṭāṅgika-mārga, pi. aṭṭhāṅgika-magga,) là con đường tám nhánh để giải thoát khỏi Khổ (sa. duḥkha), là chân lý cuối cùng của Tứ diệu đế. Bát chính đạo là một trong 37 Bồ-đề phần (zh. 三十七菩提分) hay 37 giác chi (sa. bodhipākṣika-dharma).
Bát chánh đạo bao gồm:
2.1 Chánh kiến(zh. 正見, pi. sammā-diṭṭhi, sa. samyag-dṛṣṭi,): Gìn giữ một quan niệm xác đáng về Tứ diệu đế và giáo lí vô ngã.
2.2 Chánh tư duy(zh. 正思唯, pi. sammā-saṅkappa, sa. samyak-saṃkalpa): Suy nghĩ hay có một mục đích đúng đắn, suy xét về ý nghĩa của bốn chân lí một cách không sai lầm.
2.3 chánh ngữ (zh. 正語, pi. sammā-vācā, sa. samyag-vāk): Không nói dối hay không nói phù phiếm.
2.4 chánh nghiệp (zh. 正業, pi. sammā-kammanta, sa. samyak-karmānta,): Tránh phạm giới luật.
2.5 chánh mệnh (zh. 正命, pi. sammā-ājīva, sa. samyag-ājīva): Tránh các nghề nghiệp liên quan đến sát sinh (giết hại sinh vật) như đồ tể, thợ săn, buôn vũ khí, buôn thuốc phiện.
2.6 chánh tinh tiến(zh. 正精進, pi. sammā-vāyāma, sa. samyag-vyāyāma): Phát triển nghiệp tốt, diệt trừ nghiệp xấu.
2.7 chánh niệm(zh. 正念, pi. sammā-sati, sa. samyak-smṛti): Tỉnh giác trên ba phương diện Thân, Khẩu, Ý;
2.8 chánh định(zh. 正定, pi. sammā-samādhi, sa. samyak-samādhi): Tập trung tâm ý đạt bốn định xuất thế gian (sa. arūpa-samādhi).
3/ Học Thuyết duyên khởi:
Thuyết Duyên khởi (zh. 縁起, sa. pratītyasamutpāda, pi. paṭiccasamuppāda), cũng được gọi là Nhân duyên sinh (zh. 因縁生), và vì bao gồm 12 thành phần nên cũng có tên khác là Thập nhị nhân duyên (zh. 十二因縁, sa. dvādaśanidāna,dvādaśāṅgapratītyasamutpāda), là một trong những giáo lý quan trọng nhất của đạo Phật. Thuyết này chỉ rõ là mọi hiện tượng tâm lí và vật lí tạo nên đời sống đều nằm trong một mối liên hệ với nhau, chúng là nguyên nhân của một yếu tố này và là kết quả của một yếu tố khác, làm thành một vòng với mười hai yếu tố. Các yếu tố này làm loài hữu tình cứ mãi vướng mắc trong Luân hồi[5] (sa., pi. saṃsāra). Cốt lõi của học thuyết Duyên khởi có thể tóm gọn trong bốn cập phạm trù:
a) Nếu cái này tồn tại thì cái kia hình thành.
b) Cái này phát sinh thì cái kia phát sinh.
c) Cái này không tồn tại thì cái kia không hình thành.
d) Cái này diệt thì cái kia diệt.
Các nguyên nhân chính và các điều kiện hỗ trợ này gồm có 12 yếu tố:
1/ Vô minh (zh. 無明, sa. avidyā, pi. avijjā), sự không thấu hiểu Tứ diệu đế, không hiểu Khổ là tính chất căn bản của đời sống;
2/ Hành (zh. 行, sa. saṃskāra, pi. saṅkhāra), hành động tạo nghiệp. Hành động này có thể tốt, xấu hay trung tính. Hành có thể ở trong ba dạng: thân, khẩu và ý;
3/ Thức (zh. 識, sa. vijñāna, pi. viññāṇa), làm nền tảng cho một đời sống tới. Thức này đi vào bụng mẹ. Thức lựa chọn cha mẹ đúng như Hành tốt xấu quy định;
4/ Danh sắc(zh. 名色, sa., pi. nāmarūpa), là toàn bộ tâm lý và vật lý của bào thai mới, do Ngũ uẩn (sa. pañcaskandha, pi. pañcakhandha) tạo thành.
5/ Lục căn(zh. 六根, sa. ṣaḍāyatana, pi. saḷāyatana), là các giác quan, sáu căn (năm giác quan và khả năng suy nghĩ là sáu).
6/ Xúc(zh. 觸, sa. sparśa, pi. phassa). Sự tiếp xúc của các giác quan.
7/ Thọ(zh. 受, sa., pi. vedanā), là cảm nhận của con người mới với thế giới bên ngoài;
8/ Ái(zh. 愛, sa. tṛṣṇā, pi. taṇhā), tham ái, lòng ham muốn xuất phát từ vô minh;
9/ Thủ(zh. 取, sa., pi. upādāna) là điều cá nhân mới muốn chiếm lấy cho mình;
10/ Hữu(zh. 有, sa., pi. bhava), là toàn bộ những gì ta gọi là tồn tại, sự sống, thế giới.
11/ Sinh(zh. 生, sa., pi. jāti), một thế giới và cá nhân mới xuất hiện hẳn hoi.
12 Lão tử(zh. 老死, sa., pi. jarāmaraṇa), vì có Sinh nên có hoại diệt.
.
4/ Học thuyết Vô ngã: (無我, sa. anātman, pi. anattā),
Là một trong Ba tính chất (sa. trilakṣaṇa) của sự vật. Quan điểm vô ngã là giáo pháp cơ bản của đạo Phật, cho rằng, không có một Ngã (sa. ātman, pi. attā), một cái gì trường tồn, bất biến, nhất quán, tồn tại độc lập nằm trong sự vật. Như thế, theo đạo Phật, cái ngã, cái “tôi” cũng chỉ là một tập hợp của Ngũ uẩn (sa. pañcaskandha), luôn luôn thay đổi, mất mát và, vì vậy, “tôi” chỉ là một sự giả hợp, gắn liền với cái Khổ.
Không thể có một “cá nhân” trường tồn bởi vì ngũ uẩn không có một thật thể và tính đồng nhất. Nên lưu ý ở đây là sự vắng mặt của một ngã. Đức Phật không nói không có ngã, mà chỉ nói ngã không thể được tìm thấy trong ngũ uẩn.
Sự khẳng định của đức Phật cho chúng ta thấy, sự tái sinh được quyết định bởi Nghiệp mà chúng sinh đã tạo trong các kiếp trước. Từ đó, con người phải tu thân và tâm để tránh tạo nghiệp. Hay nói cách khác là khống chế nghiệp lực, hoặc nhận thức được là cốt lõi của chúng sinh, tức chân ngã hoàn toàn không liên quan đến các nghiệp và vì vậy trường tồn bất biến.
5 Học Thuyết A-tì-đạt-ma:
Được gọi A-tì-đàm (zh. 阿毗曇) hoặc Tì-đàm (毘曇) hoặc Vi Diệu Pháp. Dịch nghĩa là Đối pháp (zh. 對法), Đại pháp (zh. 大法), Vô tỉ pháp (zh. 無比法), Hướng pháp (zh. 向法), Thắng pháp (zh. 勝法), Luận (zh. 論). Mang nghĩa là Thắng pháp hoặc là Vô tỉ pháp (zh. 無比法), vì nó vượt (abhi) trên các Pháp (dharma), về cách giải thích Trí tuệ.
A-tì-đạt-ma là tạng thứ ba trong Tam tạng. Tạng này chứa đựng các bài giảng của đức Phật và các đệ tử với các bài phân tích về Tâm và hiện tượng của tâm. A-tì-đạt-ma là gốc của Tiểu thừa lẫn Đại thừa, xem như được thành hình giữa thế kỉ thứ 3 trước và thế kỉ thứ 3 sau Công nguyên. Lần kết tập cuối cùng của A-tì-đạt-ma là khoảng giữa năm 400 và 450 sau Công nguyên. Có nhiều dạng A-tì-đạt-ma như dạng của Thượng toạ bộ (pi.theravāda), của Thuyết nhất thiết hữu bộ (sa. sarvāstivāda)… A-tì-đạt-ma là gốc của mọi trường phái và người ta dùng nó để luận giảng các bài Kinh (sa. sūtra, pi. sutta).
A-tì-đạt-ma của Thượng toạ bộ được Phật Âm (zh. 佛音, sa. buddhaghoṣa) hoàn chỉnh, được viết bằng văn hệ Pali và bao gồm bảy bộ:
1/ Pháp tập luận(zh. 法集論, pi. dhammasaṅgaṇi): nói về các tâm pháp, sắp xếp theo từng cách thiền định khác nhau và các pháp bên ngoài, sắp xếp theo nhóm;
2/ Phân biệt luận(zh. 分別論, pi. vibhaṅga): nêu và giảng nghĩa, phân biệt những thuật ngữ như Ngũ uẩn (zh. 五蘊, pi. pañcakhandha), Xứ (zh. 處, sa., pi. āyatana), Căn (zh. 根, sa., pi. indriya) v.v.;
3/ Luận sự(zh. 論事, pi. kathāvatthu): nêu 219 quan điểm được tranh luận nhiều nhất và đóng góp nhiều cho nền triết lí Phật giáo;
4/ Nhân thi thiết luận(zh. 人施設論, pi. puggalapaññati): nói về các hạng người và Thánh nhân;
5/ Giới thuyết luận(zh. 界說論, pi. dhātukathā): nói về các Giới (zh. 界, sa., pi. dhātu);
6/ Song luận(zh. 雙論, pi. yamaka): luận về các câu hỏi bằng hai cách, phủ định và xác định;
7/ Phát thú luận(zh. 發趣論, pi. paṭṭhānahoặc mahāprakaraṇa): nói về những mối liên hệ giữa các pháp (pi. dhamma).
A-tì-đạt-ma của Thuyết nhất thiết hữu bộ (sa. sarvāstivāda) được viết bằng Phạn ngữ và Thế Thân (zh. 世親, sa. vasubandhu) là người tổng hợp. A-tì-đạt-ma này cũng bao gồm bảy bộ khác nhau, cụ thể là:
1/ Tập dị môn túc luận(zh. 集異門足論, sa. saṅgītiparyāya): bao gồm những bài giảng theo hệ thống số, tương tự như Tăng chi bộ kinh;
2/ Pháp uẩn túc luận(zh. 法蘊足論, sa. dharmaskandha): gần giống như Phân biệt luận trong A-tì-đạt-ma của Thượng toạ bộ;
3/ Thi thiết túc luận(zh. 施設足論, sa. prajñaptiśāstra): trình bày dưới dạng Kệ những bằng chứng cho những sự việc siêu nhiên, thần bí;
4/ Thức thân túc luận(zh. 識身足論, sa. vijñānakāya): nói về các vấn đề nhận thức. Có vài chương nói về những điểm tranh luận giống Luận sự(pi. kathāvatthu), Giới luận(pi.dhātukathā) và Phát thú luận(zh. paṭṭhāna) trong A-tì-đạt-ma của Thượng toạ bộ;
5/ Giới thân túc luận(zh. 界身足論, sa. dhātukāya): gần giống Giới thuyết luận(pi.dhātukathā) của Thượng toạ bộ;
6/ Phẩm loại túc luận(zh. 品類足論, sa. prakaraṇa): bao gồm cách xác định những thành phần được giảng dạy và sự phân loại của chúng;
7/ Phát trí luận(zh. 發智論, sa. jñānaprasthāna): xử lí những khía cạnh tâm lí của Phật pháp như Tuỳ miên (zh. 隨眠, sa. anuśaya), Trí (智, sa. jñāna), Thiền (禪, sa. dhyāna) v.v… (xem thêm Tâm sở).
6/ Thanh tịnh đạo:
Thanh tịnh đạo (zh. 清淨道, pi. visuddhi-magga), nghĩa là “con đường dẫn đến thanh tịnh”, là tên của một bộ luận cơ bản của Thượng toạ bộ (pi.theravādin), được Phật Âm (pi. buddhaghosa) soạn trong khoảng thế kỷ thứ 5. Thanh tịnh đạo trình bày giáo lí của Đại tự (pi. mahāvihāra), một trong những trường phái Pali.
Bộ luận này gồm có 3 phần với 23 chương:
chương 1-2 nói về Giới (pi. sīla),
chương 3-13 nói về Định (sa., pi. samādhi)
chương 14-23 nói về Huệ (pi. pañña).
Phần nói về Định trình bày rõ các phương pháp và đối tượng quán niệm của Thượng toạ bộ, khả năng phát triển và thánh quả của các phép thiền định. Trong phần Huệ, Thanh tịnh đạotrình bày giáo lí cơ bản của đạo Phật như Tứ diệu đế, Duyên khởi, Bát chính đạo…
Thanh tịnh đạo là một bộ luận tuyệt hảo, gần như là một bộ bách khoa toàn thư của Phật giáo và được rất nhiều Phật tử chú trọng đến, không phân biệt Tiểu thừa hay Đại thừa. Nhà Phật học danh tiếng châu Âu Edward Conze có lần nói rằng, nếu ông chỉ được mang theo một quyển sách ra một hòn đảo hoang vắng thì đó là quyển Thanh tịnh đạo.
7/ Quả vị tu chứng:
Thượng tọa bộ nhấn mạnh khả năng từng người tự giải thoát bằng cách kiên trì giữ giới luật và sống một cuộc đời phạm hạnh. Hình ảnh cao quý của Thượng tọa bộ là A-la-hán.
Đây là quả vị tối cao khi hành giả đã diệt hết bọn giặc phiền não, ô nhiễm; và trở thành bậc Ứng Cung (應供) là người đáng được cúng dường; hay là người đạt được Bất Sinh (不生) đoạn diệt sinh tử.
A-la-hán là danh từ chỉ một Thánh nhân, một người đã đạt cấp “vô học” (không cần phải học gì nữa, vì cái gì trên đời cũng biết) của Thánh đạo (sa. āryamārga; pi. ariyamagga), không bị ô nhiễm (sa. āśrava; pi. āsava) và Phiền não (sa. kleśa; pi. kilesa) chi phối. Một A-la-hán có khi còn sống thì dù đời là bể khổ thì vẫn ung dung, tự tại nên còn gọi là Hữu dư Niết-bàn (sa. sopadhiśeṣanirvāṇa; pi. savupadisesanibbāna), khi A-la-hán này viên tịch thì gọi là nhập Vô dư Niết bàn.
A-la-hán là hiện thân của sự giác ngộ trong thời Phật giáo nguyên thủy. Khác với hình ảnh của Bồ Tát, hiện thân của Phật giáo Đại thừa của thời hậu thế là hình ảnh được nhấn mạnh với mục đích giải thoát mọi chúng sinh. A-la-hán là các vị đã giải thoát 10 trói buộc thế gian như: ngã kiến, nghi ngờ, chấp đắm giới luật, tham, sân hận, sắc tham, vô sắc tham, kiêu mạn, hồi hộp không yên (trạo), vô minh. A-la-hán được xem là người đã từ bỏ ô nhiễm, bỏ các gánh nặng, đã đạt mục đích và tâm thức đã được giải thoát.
IV. Kết luận:
Trước đây ta thường cho rằng giáo lý Nguyên thủy là giáo lý Tiểu thừa không đưa đến quả vị tối hậu thành Phật, chỉ có giáo lý Đại thừa mới là giáo lý chân chính của Phật. Ngược lại, các nhà sư Nguyên thủy thì cho rằng giáo lý Nguyên thủy mới chính truyền là của Phật, còn giáo lý Đại thừa là ngoại đạo.v.v… Sự bất đồng quan điểm ấy đã làm băng giá mối quan hệ của hai truyền thống cả ngàn năm. Ngày nay với những phương tiện tiến bộ, mọi mặt trong xã hội đều thay đổi, những quan điểm Tiểu thừa và Đại thừa không còn thích hợp. Qua nghiên cứu cho rằng:
1. Thời kỳ Phật giáo Nguyên thủy cho đến thời kỳ Bộ phái (sau Đức Phật 400 năm) chưa có danh từ Đại thừa hay Tiểu thừa. Danh từ Đại thừa và Tiểu thừa xuất hiện đồng thời với kinh điển Đại thừa khoảng thế kỷ thứ I trước hoặc sau Tây lịch.
2. Danh từ Tiểu thừa không nên hiểu là Thượng tọa bộ, mà là chỉ cho giai đoạn Bộ phái, sự tranh chấp về đường lối hành đạo mà lúc bấy giờ các Bộ phái quá chú trọng về lý luận và hình thức.
3. Ngày nay không có hệ Tiểu thừa nào có mặt trên thế giới. Năm 1950, Hội Phật Tử Thân Hữu Thế Giới (World Fellowship Buddhists) họp tại Colombo (Tích Lan) đã nhất trí quyết nghị loại bỏ danh từ Tiểu thừa khi nói đến Nam tông Phật giáo.
4. Giáo lý được phân làm hai truyền thống: Truyền thống Nguyên thủy và truyền thống Phát triển. Về mặt địa lý, truyền thừa thì gọi là Phật giáo Bắc tông và Phật giáo Nam tông. Sử dụng từ ngữ Nguyên thủy và Phát triển nói lên tính xuyên suốt của cây đại thọ, giáo lý đạo Phật, mà phần gốc, rễ là Nguyên thủy; phần thân ngọn cành lá là Phát triển. Không một cây nào có thể gọi là cây khi không có gốc hay ngọn. Sự nhất quán trong hệ thống giáo lý phải được thiết lập và không ra ngoài hai hệ thống Nguyên thủy và Phát triển – cả hai bổ sung cho nhau. Những tư tưởng Phật giáo Phát triển đều phải mang tính kế thừa giáo lý Nguyên thủy, nếu không thì giáo lý Phát triển sẽ mất đi giá trị của nó.
5. Mặc dù truyền thống Nguyên thủy và Phát triển có những khác biệt, tuy nhiên, những khác biệt ấy lại có cùng chung một nét:
a/. Cả hai đều nhìn nhận Đức Phật Thích-ca Mâu-ni là bậc Đạo sư.
b/. Cả hai đều chấp nhận và hành trì giáo lý Tứ thánh đế, Bát chánh đạo, Duyên khởi…; đều chấp nhận pháp ấn Khổ, Không, Vô ngã; đều chấp nhận con đường tu tập : Giới, định, tuệ.
c/. Cả hai đều từ chối về một đấng tối cao sáng tạo và ngự trị thế giới.
Tóm lại, Kinh tạng Nguyên thủy là kinh tạng ghi chép lại những lời Phật và Thánh chúng một cách đầy đủ nhất. Kinh tạng này mang tính thiết thực gần gũi với tâm lý con người và sự sinh hoạt của xã hội. Đây là cơ sở giáo lý mà chúng ta lấy làm nền tảng cho mọi nghiên cứu.
03/11/2009
Sách tham khảo
1/ Phật Quang Đại Từ Điển. Phật Quang Đại Từ Điển biên tu ủy viên hội. Đài Bắc: Phật Quang xuất bản xã, 1988.
2/ KIMURA TAIKEN. Việt dịch: HT. Thích Quảng Độ. Tiểu Thừa Phật giáo tư tưởng luận. Viện Đại Học Vạn Hạnh xuất bản 1969.
3/ HT Thích Thanh Kiểm. Lịch sử Phật Giáo Ấn Độ. 1993.
4/ Trần Trúc Lâm, Những hộ pháp vương của Phật giáo trong lịch sử Ấn độ. NXB Phươngd Đông 2007.
5/ HT. Thích Thiện Hoa, Lịch Sử Phật Giáo Ấn Độ. 1966.
6/Andrew Skilton (Dharmacari Sthiramati) Tỳ-kheo Thiện Minh chuyển dịch. Đại Cương Lịch Sử Phật Giáo Thế Giới.
7/ H.T Thích Phước Sơn, 3 kỳ Kiết tập kinh điển. Báo Giác Ngộ, 1997.
8/ Triều Tâm Ảnh và Minh Đức. Sử Phật Giáo Thế Giới – Ấn Độ – Trung Quốc(Tập 1) NXB Thuận Hóa. 2008
http://vi.wikipedia.org/wiki/Tiểu thừa. (Truy cập 03.11.2009)
http://www.thuvienhoasen.org/tutuongluan-tieuthua-00.htm. (Truy cập 01.11.2009)
[1] Pāli được những người theo Phật giáo thời xa xưa coi là tương đồng về mặt ngôn ngữ với tiếng Magadha cổ hay là sự nối tiếp trực tiếp của ngôn ngữ đó. Nhiều nguồn Theravada nhắc đến tiếng Pāli như là “tiếng Magadha”. Tuy nhiên, dòng chữ khắc trên đá bằng tiếng Magadha của A-dục vương (Asoka) là một ngôn ngữ Đông Ấn trong khi đó Pāli giống với các chữ khắc bằng tiếng Tây Ấn hơn.
[2] A-la-hán là danh từ chỉ một Thánh nhân, không còn bị ô nhiễm và Phiền chi phối, không còn bị sinh tử luân hồi.
[3] Có một số tài liệu cho rằng cuộc hội họp nầy xảy ra 110 năm sau khi Phật nhập diệt.
[4] Ngũ uẩn(zh.五蘊, sa. pañca-skandha, pi. pañca-khandha,), cũng gọi là Ngũ ấm(五陰), là năm(pañca) nhóm(skandha) tượng trưng cho năm yếu tố tạo thành con người, toàn bộ thân tâm. Ngoài ngũ uẩn đó ra không có gì gọi là cái “ta”. Ngũ uẩn là:1/ Sắc(zh. 色; sa., pi. rūpa), 2/ Thụ(zh. 受, sa., pi. Vedanā3/ Tưởng(zh. 想, sa. saṃjñā, pi. saññā), 4/Hành(zh. 行, sa. saṃskāra, pi. saṅkhāra), 5/ Thức(zh. 識, sa. vijñāna, pi. viññāṇa), bao gồm sáu dạng ý thức liên hệ tới sáu giác quan: Ý thức của mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý.
[5] Luân hồi(zh. 輪迴, sa., pi. saṃsāra) nguyên nghĩa Phạn ngữ là “lang thang, trôi nổi” theo ngữ căn sam-√sṛ, có khi được gọi là Hữu luân(zh. 有輪), vòng sinh tử, hoặc giản đơn là Sinh tử(zh. 生死). Thuật ngữ này chỉ những đời sống tiếp nối nhau, trạng thái bị luân chuyển của một loài Hữu tình khi chưa đạt giải thoát, chứng ngộ Niết-bàn
Discussion about this post