Bạn Phu Ai Nhan Dinh:
(nguyên văn)
Trước tiên con xin cảm ơn những chỉ dạy của Thầy
Con đến với thiền thật vô tình, sau khi tập được vài hôm thì cơ thể con phát sinh việc kỳ lạ là nếu không ngồi thiền thì người cứ ngây ngây bắt buộc con phải ngồi thì sẽ mất hiện tượng trên, từ đó đến nay con đã ngồi thiền được 3 năm chủ yếu chỉ là quán niệm hơi thở, hiện nay 1 ngày con ngồi 3 lần, lần 1 hơn 1 giờ vào buổi trưa, khuya và sáng, các hiện tượng tan chảy, bay bổng hay như có khiến bò toàn thân con đều trãi qua, hiện nay khi ngồi thì hiện tượng như có kiến bò lại xuất hiện. Hiện nay sau khi điều thân xong thì có hiện tượng ngây ngây và trong tâm vắng lặng hoàn toàn, hiện tượng này khi ngồi thiền trước khi đi ngũ nó xuất hiện thường xuyên hơn, con thử khi nằm quán niệm hơi thở thì hiện tượng trên cũng xuất hiện. Không biết con tập thiền như vậy là có định chưa với khả năng của con hiện tại có thể tập tầng tuệ thứ 1 phân biệt danh sắc trong thiền minh sát chưa mong thầy chỉ dạy.
Trân trọng kính chào Thầy.
Trả lời:
– Không ngồi thiền thì người cứ ngây ngây, đây là hiện tượng thân tâm bất ổn, không bình thường. Mà khi ngồi thiền thì hiện tượng kia chấm dứt. Trường hợp này là bị triền cái hôn trầm, thuỵ miên chi phối. Hôn trầm thuỵ miên là tất cả trạng thái lừ đừ mệt mỏi, dã dượi, ngây ngây, thụ động, tiêu cực, trầm trệ, buồn ngủ. Và khi ngồi thiền, do có thiền chi phát sanh, tức “tầm” đúng độ, thuần thục thì tự động nó lắng dịu hôn trầm, thuỵ miên nên ngây ngây không còn nữa.
– Hiện tượng tan chảy, bay bổng, kiến bò… kể cả rần rần, mọc ốc, ánh sáng… đều là những hiện tượng phỉ (pīti) nó phát sanh tự nhiên thôi khi thân an. Nhưng cứ nhìn ngắm chúng tự nhiên, một hồi là nó mất. Quan trọng là khi có những hiện tượng này thì nóng nảy, bực bội, khó chịu… sẽ không còn nữa. Vì khi các phỉ có mặt thì giận tức (sân) sẽ không còn.
– Đừng nghĩ đến tuệ này, tuệ kia; chỉ cần trở lại trú niệm hơi thở thì tâm sẽ được thấm an lạc. Ngay chính an lạc này cũng chỉ là thực phẩm nuôi tâm tạm thời, quan trọng là khi có lạc thì buông lung, phóng dật, trạo cử lao xao không còn. Từ đây có thể lắng nghe các cảm thọ. Thân có 3 thọ khổ lạc xả, tâm có 3 hỷ ưu xả; bắt đầu đi vào minh sát được rồi. Cứ lắng nghe trung thực, khách quan bằng tuệ tri, chứ không phải bằng tưởng tri hay thức tri.
Cứ tu tập như vậy đã nghe!
Bạn CMĐiệp
(nguyên văn)
lời thầy dạy rất thực tế và ích lợi cho người hành thiền chúng con, nhất là phần nhắc nhở” Ngay cả 10 pháp ba la mật cũng chỉ là pháp hữu vi”.
thưa thầy, con nỗ lực theo dõi hơi thở vào ra qua một điểm duy nhất nơi mũi nhưng rất khó đạt định tâm, đến khi áp dụng phồng xẹp theo phương pháp ngài Mahasi và thiền sư Kim Triệu dạy, thì thấy đạt định tâm dễ hơn, ít bị phóng tâm hơn. Khi con thấy mình tương đối chú tâm được rồi, con trở lại theo dõi hơi thở nơi mũi. con thấy phồng xẹp cũng là quán hơi thở, chỉ khác mình theo dõi ở đâu thôi. Vậy nếu con hành thiền phồng xẹp từ đầu tới cuối, hoặc phồng xẹp một hồi đã tương đối định tâm rồi thì trở về theo dõi nơi mũi, thì có đúng như kinh dạy không thầy?
con rất sợ tu sai thì uổng kiếp người. xin thành tâm đảnh lễ thầy.
Trả lời:
– Ban đầu là sổ tức, đếm hơi thở. Sổ tức thuần thục rồi sang tuỳ tức, theo dõi hơi thở. Nhưng có người theo dõi một hồi thì tâm nó chạy đâu mất. Các vị thiền sư mới phương tiện cột hơi thở 3 chỗ như cột bó củi bằng 3 sợi dây. Cột ở chót mũi, cột ở ngực và cột ở đan điền. Tuy nhiên, có nhiều người vẫn không cột được vì tướng hơi thở quá mảnh, quá vi tê nên khó nắm bắt. Thế là vị thiền sư lại phương tiện nữa. Khi hít vô thì cái bụng nó phồng, có thể đặt bàn tay phải lên bụng để ghi nhận cho rõ. Khi thở ra, nó xẹp, đặt bàn tay ghi nhận cho rõ. Từ đó niệm phồng, xẹp ra đời. Tuy nhiên, 2 chỗ như vậy mà có người cũng quên, cũng phóng tâm đi mất. Vị thiền sư lại phương tiện nữa, cột bằng 4 chỗ: Ngồi, đụng, phồng, xẹp. Ngồi là ghi nhận mình đang ngồi, đụng là chân đụng chân, bàn toạ đụng toạ cụ… rồi phồng, rồi xẹp như trên.
Ngồi thở vậy là đúng. Nhưng quan trọng hơn, khi thân đã an rồi thì quay sang niệm thọ, tâm, pháp.
Bạn Nguyen Y
(nguyên văn)
Kính bạch thầy, vậy tại sao thầy còn tổ chức lễ Hiếu, hay nếu vẫn duy trì lễ Hiếu thì có phải mình tự đặt ra cái rất gọi là Việt Nam “tiếp thu nền tinh hoa văn hóa nhân loại” để trở thành cái của mình. Con biết có rất nhiều điểm vô lý, ko phải chỉ trong kinh này, nhưng thầy có đảm bảo các kinh mà trong các tạng như Nikaya là đúng như lời của đức Phật nói ko? Mà giả dụ đúng như lời của đức Phật nói vậy liệu đã đúng, vì Phật có dạy là “oan cho ba đời của chư Phật” nếu theo văn tự. Con bức bách xin thầy phải suy nghĩ tường tận khi đả phá giáo pháp. Có thể lời lẽ là tàu, nhưng cái gốc có đúng thì sao, qua nhiều nhiều lần trùng tuyên rồi mới thành ghi chép và chuyển ngữ. Kính xin thầy xem xét tường tận.
Trả lời:
– Phật tử Việt
– Nếu bạn chịu khó tra tìm trên mạng, không phải tôi nói mà tất cả các nhà nghiên cứu đều đồng một kết luận: Là các Nikāya được kết tập là cổ xưa nhất (216 năm sau Phật Niết-bàn). Sau đó, lần kết tập thứ 4 thì được ghi vào lá buông. Và đây là kinh văn đáng tin cậy nhất, gần gũi lời dạy của đức Phật nhất.
– Câu: “Y kinh giải nghĩa, tam thế Phật oan. Ly kinh nhất tự tức đồng Ma thuyết”. Bên Nguyên thuỷ không hề có câu này nhưng nó rất hay! Tuy nhiên, nói kinh nhưng đây là kinh nào? Bạn chịu khó đọc tác phẩm “Kinh nguỵ tạo” , một nhà nghiên cứu người Nhật viết, Phạm Doãn Việt dịch, có nói rằng: Ngay trong Đại tạng kinh cũng có chừng từ 450 đến 550 kinh nguỵ tạo của người Trung Quốc.
– Tôi đả phá giáo pháp? Xin bạn nói rõ là tôi đã đả phá giáo pháp điểm nào, ở đâu? Tôi cần thông tin chính xác may ra mới trả lời câu hỏi của bạn được.
Mong bạn hoan hỷ!
Bạn Lưu-tâm-Lực
(nguyên văn, nhưng tôi bỏ câu 6,7 vì thấy không cần thiết)
Hòan tòan đồng ý với Thầy về bài viết nầy, tuy nhiên để làm sáng tỏ vấn đề, xin Thầy giải thích thêm những câu hỏi sau :
1) Theo nhận xét của Thầy thì đây là bản kinh ngụy tạo hòan tòan không có trong 49 năm giáo hóa của Đức Phật…. như vậy thì trong kinh tạng viết bằng chữ Sankrit có bản kinh nầy chăng ? Nếu trong kinh tạng (Sankrit) cũng có một bản kinh nói về lễ Vu-lan thì cũng không thể kết luận đây là bản kinh ngụy tạo. Vì sao ? bởi kinh tạng viết bằng chữ Sankrit cũng đã có trước khi du nhập qua Tàu, thì không lẽ người xưa (Ấn-Độ) có cái dã tâm nầy cho người Tàu lợi dụng….
2) Giả như bản kinh nầy cũng có mà do khi du nhập qua Tàu thì vì để giáo hóa dân chúng (Tàu) lâu ngày tiêm nhiễm sâu dày hủ tục mà người dịch muốn cường điệu thêm thắt cho dễ khế hợp…..thì đối với người bản địa không có gì là sai, cái đáng trách là người Việt chúng ta vì ham a dua không dùng trí tuệ để hành họat… còn giả như người dịch là tu-sĩ thì họ đã không “tĩnh thức cái đang là” như Thầy định nghĩa….vì “tĩnh thức cái đang là” thì làm sao nói cái không có để chuyển tải một vấn đề…..
3) Nếu Thầy cũng cho “tĩnh thức cái đang là” như trên là đúng ở một giác độ nào đó như gộp các thành phần diễn tả về bộ phận voi thành đó là voi, thì Thầy cũng mắc cái lỗi nầy quá nhiều….điển hình một chuyện là Thầy hoa lá cành như Thầy có dẫn chứng.
4) Nghĩa là Thầy cũng chưa có thiền tuệ như Thầy có trả lời với một người hỏi về, thực tập Thiền…..cái thấy, biết chưa có gì vào thêm (chưa sanh pháp) thì đó là “tĩnh thức cái đang là” như Thầy định nghĩa không kèm thêm tư kiến thì hình như Đức Phật cũng chưa có thiền tuệ…vì sao ? Bỡi Đức Phật phải tư duy những gì Thái-Tử thấy biết từ nhỏ cho đến khi nhìn thấy người con đầu lòng chứ…..
5) Thầy trả lời cho tôi còn sót một vấn đề mà xét ra vì vấn đề nầy làm cho Thầy không tin có Đức Phật A-Di-Đà và cõi Cực-lạc, ngòai ra Thầy phản bác pháp môn nầy thì Thầy đâu có thực tập mà nói rằng niệm cho thật đắc lực cũng chỉ đến “cận hành định” (Thầy dẫn chứng là kinh viết) thì hóa ra Thầy cũng chỉ đếm tiền cho chủ có khác chi…..
Trả lời:
1- Con số 49 năm, các nhà nghiên cứu đã cho biết là con số này không chính xác, là sai. Thái tử Sĩ-đạt-ta xuất gia năm 29 tuổi, 6 năm khổ hạnh, là 35 tuổi; 45 năm hoằng pháp là 80 tuổi, ngài Niết-bàn – vậy con số 49 năm ỏ đâu ra? Bên Đại thừa nói xuất gia năm 19 tuổi, rồi 6 năm khổ hạnh, nếu cộng 49 năm hoằng pháp thì là ngài mới 74 tuổi?!
Còn các bản kinh, chân, nguỵ, bạn chịu khó xem câu trả lời của tôi ở phía trên: Trong Đại tạng kinh mà vẫn có từ 450 đến 550 kinh nguỵ tạo của người Tàu đấy!
2- Bạn nói đúng, đáng trách là người Việt… như bạn nhận xét.
3- Tôi không mắc lỗi mà chính bạn mắc lỗi đấy. Bạn mắc lỗi vì chính bạn chưa hề tu tập Tứ Niệm Xứ. Nếu có tu tập Tứ Niệm Xứ thì khi đã an trú hơi thở được rồi thì thân an, tâm an. Từ đó, vị ấy an trú hơi thở (thuộc niệm thân), sau đó là niệm thọ, niệm tâm và niệm pháp. Ví dụ của bạn về chi tiết bộ phận con voi, và toàn bộ con voi nó không tương thích, tương hợp rồi.
4- Tỉnh thức cái đang là chính là thiền tuệ đấy! Câu hỏi này của bạn hơi lung tung, thấy rõ bạn đang tối tăm trong lãnh vực tuệ quán. Thật khó khăn làm sao, khi 2 người lại không cùng ngồi trên một chiếu đối thoại! Nếu đức Phật có mặt cũng “bất lực” trước tri kiến hoang vu, rối mù của bạn thôi!
5- Do bạn chưa trang bị cho mình những hiểu biết căn bản về giáo pháp! Chuyện niệm Phật, không chỉ Phật A-di-đà mà bất cứ vị Phật nào đều nằm trong thập tuỳ niệm: Niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm thí, niệm giới, niệm thiên, niệm tịch tịnh, niệm sự chết, niệm thân, niệm hơi thở. 8 niệm đầu, trong đó có niệm Phật chỉ đưa đến nhất niệm (nghĩa là chỉ còn một niệm) là cận hành định chứ không thể đưa đến nhất tâm, là an chỉ định được. Đây không phải là “tư kiến” của tôi, mà là sự thực của những người từng tu tập. Bạn chưa hề tu tập nên bị võ đoán, chủ quan và tư kiến sai sử mất rồi!
Có lẽ đây là những câu trả lời cuối cùng của tôi đối với bạn. Tôi sẽ không trả lời câu hỏi nào của bạn nữa, vì bạn đang “rối bời tri kiến loạn”, một ngàn vị Phật ra đời cũng không cứu độ được bạn đâu! Trong các Nikāya, đức Phật gọi 62 tà kiến thuở ấy là kiến hoang vu, kiến rừng rậm… đó bạn!
Bạn Phương
(nguyên văn)
Con còn một số băn khoăn khi đọc các truyện Phật giáo có nhắc đến thần thông, một số kinh về nhân quả. Những điều đó có thực không hay chỉ là những lời răn dạy có mượn sự cường điệu hóa, nhằm vào một số đối tượng. Lại nữa, chuyện cầu an cầu siêu, có những đại lễ cả ngàn người, nhang khói, vàng mã, múa hát, con không thấy gần gũi những lời Phật dạy.
Còn chuyện ma chay cho người đã khuất nữa, các sư các vãi tụng kinh. Tiếng tụng kinh làm dịu bớt nỗi đau của người sống, giúp họ như có một điểm tựa, có người che chở. Vậy việc đó có nên làm?
Con còn ít kiến thức, không thể tự phủ nhận những điều đó. Đó cũng là câu hỏi chung của khá nhiều người khi đứng trước muôn trùng pháp môn như bây giờ. Mong thầy hoan hỉ trả lời.
Trả lời:
– Nhân quả là chuyện đương nhiên. Tuy nhiên, nhân quả khác, nghiệp báo khác. Nếu bạn chịu khó nghiên cứu thì thấy đạo Phật có nói đến 5 định luật tự nhiên của trời đất; chúng đều có xảy ra nhân quả: 1, định luật của thế giới vật lý vô cơ (utuniyāma). 2, định luật của thế giới sinh sinh vật lý hữu cơ (bijaniyāma). 3, định luật về pháp (dhammaniyāma). 4, định luật về tâm (cittaniyāma). 5, định luật về nghiệp (dhammaniyāma). Các định luật 1,2,3, 4 thì dù đức Phật có xuất hiện ở đời hay không thì chúng vẫn chi phối muôn loài; nó có xẩy ra nhân quả nhưng không có nghiệp báo. Riêng định luật 5 mới đề cập nhân quả nghiệp báo khi có sự đầu tư của ý chí con người; nó chính là tư tác, có tư tác (cetanā) là có nghiệp.
– Về thần thông: Nó nằm nơi định luật về tâm. Tâm có năng lực tăng thượng khi được tập trung cao độ, tức là có nguyện lực, có định. Trong kinh đức Phật có dạy rằng, từ định tứ thiền mà hướng đến thần thông thì có thần thông, hướng đến định vô sắc thì có các định vô sắc, hướng đến chánh trí giải thoát thì có chánh trí giải thoát. Vậy có định sâu thì mới luyện thiên nhĩ thông, tha tâm thông… được.
Có thể khoa học ngày nay không tin, những người nhiều lý trí cũng không tin; nhưng đạo Phật ở trên lý trí và ở trên cả khoa học. Để tăng thêm niềm tin này, bạn hãy tìm đọc quyển sách “ bí mật của nước” hay “thông điệp của nước” đang tràn đầy trên mạng. Đây là một nghiên cứu của một nhà khoa học người Nhật thì thấy rõ năng lực tâm như thế nào, nó có thể làm hồ nước nhiễm bẩn thành trong, nó có thể làm cái cây khô héo (tâm xấu) hoặc xanh tươi (tâm tốt).
– Đại lễ cả ngàn người, nhang khói, vàng mã, múa hát… để siêu linh, siêu thoát gì đó là chuyện tào lao, thuộc mê tín. Ở Hà Nội có chùa Phúc Khánh, nghe nói “linh” lắm nên sớ lễ cầu an ở đây cả vài ngàn người, đội mưa đứng chật các ngã đường để cầu an đầu năm! Đây chính thị là mê tín, cuồng tín đó! Thật sự là đạo Phật, không kể Bắc hay
– Câu này liên hệ với cả ma chay và các sư vãi tụng kinh. Lưu ý, là nên sử dụng từ Tăng Ni chứ không phải sư vãi theo kiểu ông sư bà vãi. Đây là danh từ khi miệt khi đời sống tăng ni bị tha hoá, và chúng chỉ có ở miền Bắc sử dụng; và bà vãi chỉ là người giữ chùa, nhang khói chứ không thật sự là một vị ni, một tỳ-khưu-ni phạm hạnh. Cần phân định cho rõ một số từ khinh miệt Tăng Ni khi đạo Phật biến chất và “sư vãi” bị thoái hoá!
Nói thêm một chút nữa. Khi cúng dường tứ sự để hồi hướng cho người đã khuất, nếu đầy đủ 3 điều kiện sau đây thì phước báu sẽ thành tựu: 1, thân khẩu ý thanh tịnh cúng dường. 2, vật cúng dường thanh tịnh (không phải làm ra do bất chánh, tà mạng). 3, người nhận thí là Tăng thanh tịnh – tức là 4 vị tỳ-khưu trở lên mới được gọi là Tăng, là saṅgha. Và cuối cùng, Tăng chỉ là người nhận bì thư (phước báu) ấy để mang đến cho người đã mất, thường thì nhờ chư thiên báo truyền). Ở đây, năng lực chú nguyện như năng lực tâm ở trên.
Bạn Phương
(nguyên văn)
Con cám ơn Thầy đã dành thời gian trả lời câu hỏi của chúng con.
Con nghĩ việc trao đổi qua lại, có người hỏi, có người trả lời như vậy sẽ làm cho bài giảng thêm sâu sắc, người nghe hiểu thêm nhiều điều, không phụ lòng người giảng. Con mong sẽ có thêm nhiều bài giảng, nhiều câu hỏi và câu trả lời.
Thầy đã trả lời câu hỏi của con về đối tượng thiền. Có đối tượng dễ làm chú tâm, có đối tượng khó làm chú tâm.
Vì con thấy định tuệ không tách rời nhau nên con vẫn chưa hiểu rõ khi phân biệt thiền định và thiền tuệ!?
Con thấy có hai ví dụ: những nhà khoa học làm việc say sưa không mệt mỏi, khi làm việc họ rất tập trung. Họ có định nhưng chưa có tuệ (họ vẫn muốn phát minh nhiều thứ, thành tựu trong công việc, vẫn lo sợ sinh già, bệnh chết). Ví dụ hai là nếu không có tuệ thì con nghĩ sẽ rất khó để ngồi im tập thở, vì còn phải lo lắng bao nhiêu thứ cơm áo gạo tiền, công việc.
Đây là hai ví dụ một là phân biệt có định rồi mới có tuệ, ví dụ thứ 2 là có tuệ mới có định.
Cách phân biệt định tuệ như vậy có tác dụng như thế nào? Định tuệ có tách rời nhau hay chỉ là một cách nói để tiện tu tập cho phù hợp với từng người?
Con rất vui khi gặp người đi trước chỉ đường.
Con cám ơn thầy.
Bạn Diep
(nguyên văn)
bạn Phương nói: những nhà khoa học làm việc say sưa không mệt mỏi, khi làm việc họ rất tập trung. Họ có định nhưng chưa có tuệ (họ vẫn muốn phát minh nhiều thứ, thành tựu trong công việc, vẫn lo sợ sinh già, bệnh chết):
XIN GÓP Ý:
những nhà khoa học này có định, nhưng là tà định,không phải chánh định. Tà định không nhằm mục đích giải thóat mà là vì muốn đạt một cái gì đó vật chất: danh, lợi… Chánh định mới phát tuệ.
nghệ sĩ leo dây có định rất cao, họ chăm chú vào từng động tác để khỏi rớt xuống (cũng giống như hành giả thiền đang quán thân), nhưng định đó là tà định.
VỀ ĐỊNH VÀ TUỆ:
A jahn Cha’a dạy: (xin xem quyển Mặt hồ tĩnh lặng của ngài trên thư viện HS này) ” Định và tuệ giống như hai đầu của một cây gỗ, nhắc cây gỗ lên hai đầu cùng lên” Vậy trong định có tuệ, Định Tuệ phát sinh đồng thời.
Xin thầy MD Triều Tâm Ảnh dạy thêm.
Trả lời chung cho cả 2 vị:
– Bát định ngàn xưa của Bà-la-môn giáo, mà Đại Bồ-tát Sĩ-đạt-ta cũng từng tu tập đến tầng thiền cuối cùng, sau ngài thấy không mang đến giải thoát nên ngài bỏ. Định này là sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền, không vô biên, thức vô biên, vô sở hữu và phi phi tưởng. 8 định này đều là 8 định rất sâu nhưng không có tuệ. Hiện nay, một vài nơi cũng đi vào các định này, nhưng đến tứ thiền, sơ thiền, hay chỉ cận hành là họ quay sang tu tập minh sát tuệ.
– Đức Phật cũng dạy chư tăng 3 trường hợp khác nhau: 1, đắc định tứ thiền sau đó mới qua quán ngũ uẩn, thập nhị nhân duyên. 2, chỉ cần cận hành định sau đó mới qua quán hoặc danh sắc, hoặc vô thường, vô ngã. 3, Có trường hợp đức Phật chỉ giáo giới vài lời là có người đắc quả A-la-hán – nghĩa là họ chưa kinh qua bất cứ một loại định nào.
– Định ở trong định như trên chỉ là nương vào truyền thống cũ để tu tập tuệ quán, cho nên nói định phát sanh tuệ. Thật ra, câu nói “định năng sinh tuệ” không được đúng lắm! Ngàn đời định cũng không sanh tuệ được, như vài ngàn năm định của Bà-la-môn có sinh tuệ đâu? Vì định không thể sinh tuệ, mà định là cơ sở để cho tâm yên lặng những triền cái; nhờ yên lặng 5 triền cái, hành giả mới minh sát danh sắc, thân tâm rõ ràng, chính xác; ở đây mới sinh tuệ do nhờ minh sát.
– Khi hành giả tu tập Tứ niệm xứ thì định tuệ đồng có mặt. Như khi muốn nhìn một hạt bụi thì con ngươi phải bất động, không được nhấp nháy (định) thì cái thấy ấy mới rõ ràng (tuệ). Ta không thể nào lắng nghe được một ý tưởng, một tư tưởng, một tâm niệm mà cái thân thì lao chao nghiêng ngả, cái tâm thì lao xao, lăn tăn đủ mọi thứ chuyện ở trong đầu. Vậy không thể không có định (thân an, tâm an) mà đòi có tuệ, và ngược lại. Định tuệ như ngài Ajahn Chah ví dụ cây gỗ cũng đúng nhưng rốt ráo hơn, như “mặt hồ tĩnh lặng” (định) của ngài nó phản chiếu trọn vẹn cả bầu trời (tuệ). Cũng vậy, tấm gương giữ yên (định) thì mới phản chiếu ngoại cảnh rõ ràng (tuệ).
Định tuệ của Phật có mặt bây giờ đây. Chánh định trong Bát chánh đạo là định này, và chánh kiến là tuệ này. Ngũ lực tín, tấn, niệm, định, tuệ là định tuệ này, bất ly.
Khi tu tập an trú hơi thở, hơi thở an trú thì thân an, thân an thì tâm an. Thân tâm an, không còn bị 5 triền cái chi phối nữa ta mới quay sang minh sát. Đấy chỉ là hành trình tu tập của những hành giả sơ cơ. Người thượng trí, chỉ cần một hơi thở là có định rồi quán minh sát. Còn trong sinh hoạt thường nhật thì định và tuệ luôn có mặt; nói theo kinh điển là luôn luôn có chánh niệm (định), và tỉnh giác (tuệ) vậy.
(nguyên văn)
Ở mục 4.3, đoạn cuối thầy viết: “…cảnh giới đương lai của mỗi người như thế nào, ở đâu là do nghiệp báo quyết định, chẳng có ông Phật nào có khả năng quyết định và tiếp độ được, nó sái với định luật nhân quả nghiệp báo …”.
Nhưng khi con đọc Kinh Mi Tiên vấn đáp-HT. Giới Nghiêm dịch và chính thầy (tỳ kheo Giới Đức) hiệu đính, ở mục 71 có đoạn: “71. Tương quan phước và tội
Đức vua hỏi:
– Trong hàng ngũ sa môn của Đại đức, có người thuyết rằng, có kẻ trọn đời làm ác nhưng đến khi lâm tử, họ tưởng nghĩ đến Phật, ân đức hoặc tướng hảo quang minh sáng chói của ngài thì có thể sanh lên cõi trời. Điều ấy thật khó tin! Lại nữa, các vị ấy còn thuyết rằng, người nào đã lỡ tạo nghiệp sát sanh, không cần phải nhiều lần, dù chỉ một lần, người ấy phải bị đọa địa ngục chẳng sai. Điều ấy lại càng không thể tin được!
– Tâu Đại vương! Đại vương nghĩ thế nào, nếu có người ném một viên đá nhỏ độ bằng hột bắp hay hột tiêu xuống mặt nước, viên đá ấy sẽ nổi hay chìm?
– Chắc chắn phải chìm.
– Nếu có một người chất vài trăm viên đá lớn vào một chiếc ghe rất to, có sức chở rất lớn – thì vài trăm viên đá ấy có chìm không, Đại vương? – Thưa không.
– Cũng vậy là tội và phước cùng sự tương quan giữa phước và tội, tâu Đại vương! Một viên đá dù bé như hạt tiêu nó vẫn bị chìm xuống nước. Tương tự vậy, có người làm việc ác, dù chỉ một lần, như giết sanh mạng loài hữu tình; thì ác nghiệp ấy có sức nặng đưa chúng sanh đầu thai vào các cảnh giới đau khổ như địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh, a-tu-la. Vài trăm viên đá lớn mà không chìm là nhờ có ghe lớn chở. Cũng giống thế, một người làm việc ác trọn đời nhưng nhờ tưởng nghĩ đến ân đức của Phật, tâm người ấy trú vững chắc và hoan hỉ ở trong ân đức ấy; nhờ vậy, chính nhờ thiện tâm nâng đỡ – như chiếc ghe lớn – người ấy được sanh thiên cũng là điều hiển nhiên thôi.
– Trẫm đã hiểu….”.
Đoạn Kinh trên xác nhận: người làm ác nhưng biết tưởng nhớ đến ân đức Phật thì có thể sanh thiên. Nếu đối chiếu với lời trên của thầy thì cũng trái với nhân quả. Như vậy không biết là lời thầy đúng hay là Kinh này đúng (mà Kinh này cũng chính thầy hiệu đính cơ mà)?
Trả lời:
– Ở mục 4.3, đoạn cuối thầy viết: “…cảnh giới đương lai của mỗi người như thế nào, ở đâu là do nghiệp báo quyết định, chẳng có ông Phật nào có khả năng quyết định và tiếp độ được, nó sái với định luật nhân quả nghiệp báo …”.
Đúng là tôi đã có xác định như vậy. Không ai tiếp độ ai được. Không ai tiếp dẫn ai được nếu mình thiếu thiện nghiệp, thiêu phước báu, thiếu tâm thiếu trí!
Tôi cũng có nói, người làm ác nhưng biết tưởng nhớ ân đức Phật thì có thể sanh thiên. Bạn biết không, thứ nhất, ân đức Phật lớn lắm, cái phước tưởng nhớ ân đức Phật như chiếc ghe lớn, trong đó thừa sức chở vài ba cục đá lớn nhỏ! Thứ hai, niệm ân đức Phật nếu thuần thục, nhất niệm thì đắc cận hành định; nếu lâm chung mà giữ được cận hành định này thì có thể hoá sanh cung trời Đẩu Suất ngay tức khắc, trước đó nếu có làm ác, thì ác ấy cũng bị năng lực thiện lớn hơn vô hiệu hoá nó; cũng có thể ác kia sẽ bị trả quả nhiều kiếp về sau.
Vậy thì việc tương quan giữa phước và tội mà bạn trích dẫn từ Mi Tiên vấn đáp nó không sái với điều tôi giảng nói đâu. Bạn nên chiêm nghiệm lại.
Bạn lâm taxy:
(nguyên văn)
Ví dụ như ngài Ajahn Mun là thầy của ngài Ajahn Chah – thiền sư đương đại – ngài niệm Buddho đến cận hành định sau đó mới sang minh sát, cuối cùng đắc Tứ thánh quả, là vị A-la-hán cuối cùng trong giáo pháp của đức Sakyā Gotama lịch sử.
Thưa thầy tại sao thầy có thể khẳng định điều này. Theo kinh thì a la hán đã đoạn trừ 10 kiết sử. Nhưng để biết một vị là a la hán thì phải làm sao ạ?
Trả lời:
– Đúng là phải đoạn trừ 10 kiết sử: Đoạn thân kiến, hoài nghi, giới cấm thủ thì đắc quả Tu-đà-hoàn. Làm nhẹ thêm 2 sợi tình dục, bất bình thì đắc quả Tư-đà-hàm. Cắt luôn 2 sợi tình dục, bất bình thì đắc quả A-na-hàm. Cắt lìa 5 sợi dây cuối sắc ái, vô sắc ái, ngã mạn, phóng tâm và vô minh thì đắc quả a-la-hán.
– Thật ra khó biết một vị đã đắc quả A-la-hán. Thứ nhất, vị ấy đắc quả a-la-hán thì không được nói ra. Thứ hai, nếu sống gần vị ấy thì có thể quan sát qua đời sống. Ví dụ, 1, vị ấy sống thiểu dục, tri túc. 2, vị ấy không dích mắc của cải, tài sản, danh vọng, sự nghiệp. 3, vị ấy ăn ít, ngủ ít, hằng chăm lo cho học chúng. 4, vị ấy có lòng độ lượng, quảng đại, có bốn vô lượng tâm. 5, vị ấy ưa thích chỗ vắng lặng, xa thị thành huyên náo; có vị chỉ thích ở rừng. 6, vị ấy có tứ vật dụng thì đem san sẻ hết cho chư tăng đồng cư. 7, vị ấy thường chánh niệm, tỉnh giác. 8, vị ấy có trí tuệ giải thoát và luôn dạy cho đệ tử về minh sát. 9, vị ấy không còn tham, sân, si, ngã mạn, kiêu căng, tật đố, bỏn xẻn, keo kiệt, cố chấp… 10, vị ấy tuy đã giải thoát nhưng không bỏ các thời khoá công phu, những pháp hành của vị tỳ-khưu, vẫn đọc kinh và hành thiền.
Tôi tạm nêu lên 10 đức tánh trên, tuy không phải là điều kiện tuyệt đối, nhưng nếu có đời sống như thế thì chỉ có bậc A-la-hán mới hội đủ, mới “kham” nổi.
Điều cuối cùng nữa, là quyển sách về đời ngài Ajahn Mun, do tôi biên soạn, có giấy phép rồi, sắp in. Đời ngài là do đệ tử viết lại, tôi vẫn ngại là có nhiều điểm không chính xác. Như đoạn ngài kể đắc quả A-na-hàm ra sao, đắc quả A-la-hán lúc nào, ra sao… Thật ra, theo giới luật, vị tỳ-khưu đắc quả gì, kể cả thần thông cũng chỉ mình mình biết, mình mình hay, nói ra cho đệ tử nghe là trật rồi. Do đời ngài được viết từ các đệ tử, hoặc đệ tử kể lại, người nghe viết lại, được dịch sang tiếng Anh, sự chuẩn xác của nó tôi còn hồ nghi. Tuy nhiên, cuộc đời khổ hạnh đầu-đà của ngài đẹp quá, tuyệt vời quá đã lôi cuốn tôi. Thứ nữa, ngài ít chữ nghĩa, không rành thông kinh điển, chỉ tự mình mày mò tu tập. Ngài đã quan sát từ cái thực của tâm mình mà tu thôi. Trước thì ngài niệm Buddho, cận hành định rồi mới qua minh sát, như lộ trình mà tôi hằng hướng dẫn cho Phật tử nên tôi tâm đắc. Chỉ coi cái tâm mình mà tu thôi!
Tôi cũng thú vị sự cô đọng ấy! Đầy đủ tất cả đó!
Bạn Thu Vân
(nguyên văn)
Thầy viết:
A* Nếu niệm hơi thở rõ ràng, trong sáng, nhẹ nhàng vào ra, xuống lên; và lúc nào cũng rõ ràng, trong sáng, nhẹ nhàng như vậy thì niệm hơi thở có khuynh hướng thiền tuệ, minh sát. Trong trường hợp này, vẫn lắng nghe hơi thở (thuộc niệm thân) trong sáng, rõ ràng, đồng thời lắng nghe luôn tất cả những tác động nào đó đi qua thọ, tâm và pháp (Tứ niệm xứ).
B* Nếu niệm hơi thở mà thấy tướng hơi thở càng lúc càng nhẹ, mỏng và tụ lại dần dần, thành nhất điểm sáng thì đây là niệm hơi thở có khuynh hướng tỉnh chỉ, đi vào an chỉ định.
Như vậy, Thầy đã chỉ cho con thấy là tại sao Quán niệm hơi thở, Sổ tức quán, Tùy tức quán là căn bản, là trong yếu trong việc hành thiền, so với các pháp tu thiền khác như Phản quan tự kỷ, Hồi quang phản chiếu, Phản văn văn tự tánh hay hành thiền theo kinh Lăng già.
Trả lời:
– Đúng là tôi nói vậy, xác định vậy, là hành trình mà tôi đã đi qua, cũng tương hợp với kinh điển. Nếu muốn biết rõ ràng hơn thì nên xem thêm Thanh Tịnh Đạo (Visuddhi-magga).
– “Phản quan tự kỷ” có nghĩa là soi xét lại mình, quan sát lại mình – cách nói khác của nội quán đấy. Tuy nhiên, thiền Tứ Niệm Xứ rõ ràng, cụ thể hơn, nó cho ta biết soi xét cái gì, quan sát cái gì ở nơi mình.
– “Hồi quang phản chiếu” là soi ánh sáng trở lại mình – cách nói khác của tự tánh giác nhìn ngắm sự duyên khởi của căn-trần-thức.
Đây là hai cụm từ mà thiền tông thường sử dụng.
– “Phản văn, văn tự tánh” là cách tu “nhĩ căn viên thông” của Bồ-tát Quán Thế Âm đó: “Sơ y văn trung, nhập lưu vong sở. Sở nhập ký tịch, động tĩnh nhị tướng, liễu nhiên bất sanh. Như thị tiệm tăng, văn, sở văn tận, tận văn bất trụ, giác, sở giác không. Không giác cực viên, không, sở không diệt. Sanh diệt ký diệt, tịch diệt hiện tiền”.
Nếu nghiên cứu cách tu này, ta sẽ thấy Bồ-tát Quan Âm tu từ định sang tuệ, chứ không phải dựng tượng Quan Âm để cầu khẩn, van xin, mong cứu khổ, cứu nạn. Khổ, nạn là do mình tự cứu. Ngay cụm từ Quán Thế Âm đã mang ngữ nghĩa: Lắng nghe âm thanh của thế gian là ta sẽ hiểu. Phải lắng nghe tâm mình để cứu độ mình! Quán tâm pháp đó!
Xin nhắc lại là Bồ-tát Quan Âm nói về cách tu định, tuệ. Muốn rõ hơn thì nên xem Thiền Nguyên Thuỷ và Phát Triển của ngài Viên Minh, nơi phần III- “So sánh thiền Nguyên thuỷ với một số pháp môn thiền phát triển tiêu biểu theo Giáo tông”.
Chúc các bạn tu tập đúng chánh pháp.
Bài liên quan:
Thiền Phật Giáo – Nguyên Thủy Và Phát Triển
Thanh Tịnh Đạo (Visuddhi-magga).
Quán Thế Âm Bồ Tát Nhĩ Căn Viên Thông
Kinh Ngụy Tạo (Apocrypha)
Discussion about this post