TRẢ LỜI CÂU HỎI CUỘC ĐỜI
Thích Tâm Hạnh
Trên
đường đời, cuộc sống cho chúng ta rất nhiều câu hỏi, nhưng câu trả lời cần thiết nhất có lẽ vẫn là sự giải quyết những thực tế mà chúng ta đang
tiếp xúc hàng ngày. Trước tiên, quý thầy sẽ kể quý vị nghe câu chuyện về một bức thư mời như sau:
Có
hai người bạn rất thân, nhân ngày sinh nhật, người A viết thư mời người
B: “Ngày mai là ngày vui của tôi, tôi xin mời bạn đến để dự tiệc. Nếu bạn không đi thì bạn khinh thường tôi, nếu bạn đi thì tôi cho bạn là người tham ăn”. Nếu quý vị là người được mời trong trường hợp đó thì nên
đi hay là không nên đi? Nếu đi thì bị xem là tham ăn, còn không đi thì khinh thường bạn mình. Như vậy phải làm sao cho phải? Ngày xưa khi còn đi học phổ thông, quý thầy được một vị có tuổi hỏi về bức thư này. Lúc đó quý thầy bị lúng túng không trả lời thỏa đáng được. Bây giờ nêu ra để
quý vị cùng xem lại coi, tại sao mình không trả lời được, chúng ta bị kẹt vào cái gì mà trả lời chưa được đúng trọn vẹn. Và phải trả lời như thế nào mới được thỏa đáng, phải trả lời bằng cuộc sống của mình hay chỉ
bằng lý lẽ là đủ?
Có
người nghĩ cách thế này: Mình không đi (tức là mình không tham ăn) nhưng gửi quà đến (tức là mình không khinh thường bạn mình), vậy là được
cả hai. Nhưng thưa quý vị, khi làm như vậy, có phải là bên trong mình có một niệm muốn người bạn không nghĩ mình là người tham ăn, và có một niệm không muốn để người bạn nghĩ rằng mình xem thường anh ta? Làm mọi cách để người khác không nghĩ mình là người tham ăn, mình không xem thường họ, đó là suy nghĩ và hành xử qua tự ngã của mình, làm mọi thứ để
cho tự ngã này được êm ái, không bị tổn thương. Chính tự ngã này đã làm
cho chúng ta bị vướn bận và yếu đuối. Đồng thời, nghĩ như vậy tức là đằng sau đó có một nỗi sợ, sợ bạn nghĩ mình tham ăn, sợ bạn nghĩ mình không tôn trọng. Đó là mình đã phân tâm lao ra mà gá trên những thứ hai bên của cuộc đời, bị những cái hai bên đó lắc qua, lắc lại làm cho chóng
mặt, khiến mình không thể trả lời nổi và không biết phải giải quyết làm
sao trước nhiều thứ trong đời. Nếu quý vị nào trả lời được câu hỏi đó một cách thỏa đáng thì trong cuộc đời này, chúng ta sống rất thảnh thơi,
không một sự việc gì có thể làm cho mình bận tâm khổ được.
I/ KHỔ DO ĐỐI ĐÃI HAI BÊN.
Nghe
qua, quý vị thấy bức thư mời trên như một giả thuyết mà không bao giờ có trường hợp nào kỳ cục như vậy. Nhưng thực tế trên thế gian này, quý vị ngẫm lại xem những cái trò kỳ cục đó có thiếu không? Nó đang diễn bày
nhan nhản trước mắt chúng ta. Con người chúng ta đang diễn cái trò đó cho nhau, tự lôi kéo, tự lừa gạt và tự trói nhau để cùng chịu khổ với nhau trong đó mà không biết. Trò đó là gì quý vị biết không? Nhìn lại, hằng ngày chúng ta sống trong những cái đối đãi hai bên, nào là được mất, buồn vui, giận ghét, thương mến, được tôn vinh hay bị xem thường, …rất là nhiều thứ. Hễ mình vừa phân vân cái gì thì đều có hai bên. Ví dụ
mất cũng là do đã từng được, khen mình thích cũng là do chê mình buồn, cứ như vậy mình bị nó trói và làm khổ hoài.
Chẳng
hạn mình có tay nghề rất giỏi, có thể mở bất cứ ổ khóa nào mà không cần
đến chìa khóa. Một hôm có người bạn bị mất chìa khóa nên không vào phòng được, đang túng thế. Lúc ấy mình phát tâm mở giúp khóa phòng cho bạn. Từ đó nổi tiếng là người có tay nghề mở khóa giỏi, được nhiều người
biết đến và khen ngợi, cuộc đời coi như lên hương. Tình cờ một hôm, trong nội bộ có một vật quý bị mất dù đã được cất giữ và khóa rất kỹ lưỡng. Lúc này, người có khả năng mở khóa lấy cắp mà thiên hạ nghĩ đến đầu tiên là ai? Cũng lại là mình. Bởi vì ngoài mình ra, đâu có ai có khả
năng mở khóa được. Lúc này bị nghi oan, buồn thảm ê chề, mất hết sinh lực, thậm chí không còn muốn sống nữa. Không hiểu tại sao mình là một người tốt, có thể trải cả tấm lòng, quên cả ngăn trước ngừa sau để mở khóa giúp cho người khác mà khi mất bảo vật, người ta có thể nghĩ mình là một tên ăn trộm? Trong đời không thiếu những trường hợp vô lý tương tự như vậy. Và cứ như vậy mà chúng ta bị khổ hoài, đi hết từ nỗi khổ này
sang nỗi khổ khác.
Bức
thư vừa dẫn ở trên là đại diện cho những cái đối đãi hai bên ở thế gian, nào là đi hay không đi, tham lam hay rộng rãi, khen và chê, thuận và nghịch, thương và ghét … Hễ vừa vướng vào một cái gì thì liền có hai bên, cái này đối lập với cái kia. Hầu hết con người sống trên thế gian này thường bị chúng trói buộc và làm khổ, ít ai có khả năng thoát ra được những cái hai bên đó. Nếu là người thực sự muốn giải quyết cuộc sống mình một cách ổn định thì cần xem lại vấn đề này cho chính mình để tìm lối thoát.
Quý
vị cùng xét lại xem, những cái hai bên mà chúng ta thường bắt gặp và tiếp xúc hàng ngày nó có đáng giá, có giá trị gì không mà lại có khả năng làm cho con người ta điêu đứng, khổ sở đến như vậy? Trước tiên, chúng ta thử xét một cặp mà mình thường hay tiếp xúc, đó là khen và chê.
1/ KHEN VÀ CHÊ.
Trong
cuộc sống, khen chê là hai điều mà con người chúng ta thường bắt gặp. Nghe ai khen một tiếng thì mát cái bụng, mà chê một tiếng thì rũ rượi không muốn làm gì nữa. Có câu chuyện kể ra như tiếu lâm nhưng lại là sự thật. Ngày xưa trong làng có ông cụ chuyên đan rổ, thúng, tất cả những vật dụng bằng tre. Khi đan một vật dụng gì, ông đều chăm chút, nắn nót rất công phu, chuốt từng sợi lạt một. Đan xong, ai khen một tiếng là ông
quên hết cả mỏi mệt, xách rựa ra ngoài chặt cây tre khác đem vào đan tiếp, mà lỡ ai chê một tiếng là ông xách rựa ra băm nát cái rổ vừa được đan xong. Tuy trên đời này không phải ai cũng giống như ông cụ đó, nhưng
đã là con người thì trong thâm tâm chưa dễ bình thản với những lời khen, tiếng chê, và ít có ai chịu vượt qua cái khen chê này. Có nghĩa là
qua cũng được chứ không phải là không, nhưng ít ai chịu vượt qua nó. Khi được khen thì vui mà chê thì buồn, và nghe khen thì dễ chịu hơn bị chê. Chính vì thế mà mình bị lệ thuộc vào nó một cách quá đáng và bị nó lừa, cả một cơ thể mấy mươi ký lô mà bị nó đẩy đi đẩy lại như chơi.
Ngày
xưa có một cụ bà sống đến 80 tuổi và được mọi người tổ chức lễ chúc thọ. Bốn người con của bà đi làm ăn xa đều trở về, mỗi người mang đến một quả đào tiên để dâng mừng thọ mẹ. Buổi lễ có đông đủ mọi người đến tham dự, có cả những văn nhân nổi tiếng. Trong buổi tiệc, mọi người ai cũng có quà để chúc thọ, riêng một văn sĩ chưa kịp chuẩn bị gì. Vốn sẵn tài văn thơ, ông mượn cây bút viết lên miếng vải bốn câu thơ để chúc thọ
bà cụ. Thoạt tiên ông viết: “Bà lão tám mươi chẳng phải người”. Mọi người nghe xong đều sửng sốt: “Chẳng phải người vậy là gì, chẳng lẽ thấy
bà cụ má tóp da nhăn nên muốn nói gì đây?”. Mọi người đang nhốn nháo, thắc mắc trong lòng thì ông viết tiếp câu thứ hai: “Vốn là tiên mẫu xuống phàm trần”. Ai nấy nghe đều hoan hỷ, già rồi mà vẫn đẹp như tiên, khen thơ ông hay. Ông ghi tiếp câu thứ ba: “Có bốn thằng con đều là giặc”. Nghe đến đây bốn người con tái mặt, còn mọi người thì xôn xao: “Sao lại chê con người ta là giặc? Người xưa thường nói, biết nhà có phúc hay không thì nhìn vào con cháu của họ. Bây giờ chê con người ta là
giặc thì có khác nào chê cả tổ tiên ông bà người ta rồi còn gì nữa”. Hội chúng đang thắc mắc, phàn nàn thì ông viết tiếp: “Nhặt được đào tiên
hiến mẫu thân”. Nghe đến đây tất cả đều thở phào, có nghĩa là bốn người
con trộm đào tiên để hiến mẹ là vì có hiếu với mẹ. Vì quá thương mẹ mà quên mình tạo tội. Việc ăn trộm này làm nổi bật lòng hiếu thảo của người
con. Nghe đến đây, ai cũng trầm trồ khen ngợi văn sĩ khéo làm thơ.
Quý
vị thấy những người trong câu chuyện trên có phải là đang bị lời khen, tiếng chê lừa gạt và lái đi vù vù không? Ông văn sĩ này khen thì đâu có thêm được gì cho bà già, mà chê thì bà lão cũng có mất mát gì đâu. Khen và chê cũng chỉ là một bài thơ thôi, nhưng mọi người vẫn có thể buồn vui
được trên đó, thì có phải chúng ta đang bị lầm và bị nó gạt không?
Sách
xưa kể lại vào thời Chiến quốc, ở nước Tề có vị đại thần tên là Trâu Kỵ, ông cao hơn hai mét tư, dung mạo rất đẹp. Trong thành đó cũng có một
vị khác tên Từ Công, là người đẹp nhất nước Tề. Một hôm Trâu Kỵ mặc quần áo đẹp, soi gương và hỏi vợ mình:
– Tôi so với Từ Công ở thành Bắc, ai đẹp hơn?
Bà vợ nói:
– Đương nhiên là phu quân đẹp hơn.
Trâu Kỵ vẫn chưa tin lời khen của vợ mình, vì Từ Công nổi tiếng là người đẹp nhất nước Tề nên hỏi bà thiếp:
– Tôi với Từ Công ai đẹp hơn?
Bà thiếp nói:
– Từ Công làm sao đẹp bằng phu quân được.
Hôm nọ có khách đến nhà, nói chuyện một lúc, ông cũng hỏi:
– Ông nói thử xem, tôi so với Từ Công, ai đẹp hơn?
Ông khách trả lời:
– Từ Công không đẹp bằng ông.
Ngày
hôm sau, Từ Công đến nhà ông chơi. Trâu Kỵ ngắm nhìn Từ Công thật kỹ, sau đó vào lấy gương soi lại mình thì thấy mình thua xa Từ Công. Suốt đêm nằm suy nghĩ, thắc mắc tại sao mình xấu mà mọi người đều bảo là mình
đẹp hơn Từ Công. Lâu sau ông mới sực nhận ra rằng, sở dĩ vợ nói mình đẹp là vì yêu thương mình, thiếp nói mình đẹp là vì sợ mình, còn khách nói mình đẹp là vì có việc cần nhờ đến mình. Sáng sớm hôm sau, ông đến gặp Tề Uy Vương là một vị minh quân và nói:
– Tôi biết rất rõ mình không đẹp bằng Từ Công, nhưng vì thê tử yêu quý tôi, thiếp tử sợ tôi, tân khách mưu cầu ở tôi cho nên họ đều nói tôi đẹp
hơn Từ Công, đó là riêng tôi. Còn như hôm nay, nước Tề là một nước lớn,
có chu vi cả ngàn dặm, 120 thành trì, tả hữu và công phụ không có ai là
không yêu quý bệ hạ, đại thần cuả triều đình không có ai là không sợ bệ
hạ, và trong nước này không có ai là không mong cầu ở bệ hạ. Như vậy xem ra, sự che dấu hằng ngày bệ hạ phải chịu quả thực quá nhiều.
Che
dấu có nghĩa là không thật, tiếng khen, tiếng chê đều không thật. Vậy chúng ta có chịu sự che dấu đó không? Hằng ngày tiếp xúc có khi mình cũng chịu những lời khen, tiếng chê đó. Nhưng ít khi chúng ta kịp xét lại để thấy lời khen, tiếng chê là giả, không cố định mà hầu hết mọi người thường chấp nhận lệ thuộc nó, chạy theo nó, để cho nó gạt mà đánh mất mình. Cho đến khi nó biến đổi, chúng ta sẽ phải khóc cười theo nó thôi. Vì vậy mà bị các duyên trần trói buộc, dẫn dắt, kéo lôi, mất tự do
rồi than khổ.
Có người trải qua một thời gian khổ dài quá, khi sực tỉnh ra để lại mấy câu thơ:
Đến nửa đời người tôi mới hiểu
Những thứ vu vơ buộc chặt mình.
Vu
vơ là những thứ tào lao, nhất thời, không tồn tại mãi, không thật. Những thứ khen chê, phải trái, thành bại, được mất nó có cố định mãi đâu. Nó là những thứ vu vơ mà lâu nay mình quên, tưởng là những thứ gì quan trọng lắm nên mới trôi lăn ở trong đó, bị những cái đó buộc chặt mà
không hay. Mình chỉ biết đưa tay chịu cột, cột cho đã đời rồi than thôi
chứ không biết phải làm sao nữa. Than, tới bây giờ tôi mới hiểu thì trễ
quá rồi. Đến nửa đời mới hiểu, còn nửa đời trước chưa hiểu thì phải chịu khổ đến mức nào, biết bao nhiêu mà kể. Hiện nay, chúng ta được nghe
rồi mà không biết có chịu hiểu hay chưa, hay phải đợi đến nửa đời người, bị buộc cho đã đời rồi mới biết! Đó là khen chê. Bây giờ tới thuận nghịch.
2/ THUẬN VÀ NGHỊCH.
Con
người ta sống trong cảnh thuận thì bao giờ cũng cảm thấy dễ chịu hơn cảnh nghịch. Nhưng quý vị thử nghĩ trên thế gian này, có hoàn cảnh nào an bình, thuận theo ý mình một trăm phần trăm mãi không? Có lẽ quý vị nào cũng thấy cảnh nghịch là cái chúng ta không ưa mà nó thường cứ tới hoài nên khổ. Nhưng sự thuận nghịch này có thật không? Nó chỉ là một quan niệm được phán xét qua tự ngã của mình thôi. Nhưng tự ngã vốn là ảo
ảnh biến đổi không thật có cho nên hoàn cảnh thuận nghịch cũng không thật. Vì một cái không thật mà mình phải khổ thì có vô lý không? Như vậy
lâu nay mình thấy khổ là vì chưa thấy hết được mức độ giả của nó. Nếu thấy tột sự giả tạm của nó thì chúng ta sẽ bớt chi phối, bớt bị nó làm nhọc mình. Người xưa nói:
Dữ ngã ái giả
Ngã dữ tùy thuận
Phất ngã sở ý
Ngã diệc bất dung.
Có
nghĩa là, cái gì làm theo ý thích của ta thì ta tùy thuận theo họ, còn nghịch lại với ta thì dù điều đó có đúng, ta cũng không theo. Điều đó hợp với bản ngã của mình thì cho là thuận, việc nào không thuận theo sở thích của mình thì nói là nghịch, vậy thôi. Nhưng thân mình chỉ tạm có trong một khoảng biến đổi vô thường, tâm mình cũng đổi thay liên tục. Thân tâm đều không cố định, bản ngã chỉ là một tâm niệm thầm thầm chấp, tạm có, giả có, không thật. Thuận nghịch chỉ là quan niệm phán đoán qua tự ngã. Nhưng khi tu tập, quý vị đã thấu suốt bản ngã không thật thì thuận nghịch căn cứ vào đâu mà có thật để chi phối mình được! Ví dụ cùng
ngủ chung một căn phòng, mình thích mở cửa ra, vì nó sẽ giúp cho tự ngã
này dễ chịu. Nếu được mở cửa theo ý mình thì gọi là thuận. Nhưng người bạn mình đóng cửa lại để hợp với họ thì mình cho đó là làm ngược mình, là nghịch và bực bội có ra. Nếu quý vị nào biết tu, không quan trọng tự ngã, biết và thông cảm rằng bạn mình yếu ốm cần kín gió, cho nên đóng cửa lại mà chúng ta vẫn thấy bình thường, không có gì khó chịu. Đó là quý vị đã vượt qua được thuận nghịch rồi. Sống được như vậy thì thuận nghịch không còn giá trị, không thật. Và thấy rõ nó không thật thì chúng
ta không bị nó chi phối, không khổ. Đó là thuận nghịch qua sự phán đoán
của mình.
Đối
với mọi người, họ bằng lòng thuận theo mình khi nào? Khi mình làm điều gì đó vừa ý họ. Và mọi người nghịch với mình khi mình làm điều gì đó không vừa ý người ta. Như vậy, thuận và nghịch được đặt trên nền tảng vừa ý hay không vừa ý của người khác. Nhưng tâm ý của con người là gì? Là cái phàm tình hư dối, thay đổi liên tục, không thật có. Tâm ý đã không ổn định, không thật có thì thuận và nghịch căn cứ vào đâu, nương vào đâu để ổn định, để cố định? Mà không cố định thì thuận và nghịch không thể có thật được. Hơn nữa, thuận và nghịch được thẩm định tùy theo
ý riêng của mỗi người như vậy thì có được khách quan không? Không khách
quan. Mà không khách quan thì không phải là chân lý, cho nên nó không phải là chân thật.
Qua
đó thấy được hai điểm: Một là, cái thuận, cái nghịch được đặt nền tảng trên tâm ý thay đổi, không thực của con người nên nó không cố định, không thật có. Hai là thuận và nghịch không phải là khách quan nên không
phải là một chân lý, không thật. Chúng ta chưa chịu xét cho tường tận nên cứ để mình bị lầm mãi. Khi vui thì mình cũng dễ dàng vui theo, gặp chuyện buồn thì cũng bị kéo theo. Bao nhiêu khổ đau có ra từ đó.
3/ THƯƠNG VÀ GHÉT.
Còn
một điều chúng ta thường hay gặp trong cuộc sống là thương và ghét, mà thương ghét là thật hay giả? Cũng giả luôn. Quý vị thường nghe câu chuyện của bà Mạt Lợi phu nhân và vua Ba Tư Nặc. Một hôm vua Ba Tư Nặc hỏi Mạt Lợi phu nhân:
– Trên đời này ái khanh thương ai nhất?
Mạt Lợi phu nhân trả lời:
– Dĩ nhiên là thần thiếp thương bệ hạ nhất chứ còn ai vào đây nữa.
Vua nói:
– Trẫm cũng nghĩ như vậy.
Mạt Lợi phu nhân cười, nói tiếp:
– Nhưng nếu bệ hạ cho phép thì thần thiếp sẽ nói thật hơn.
Vua đồng ý. Mạt Lợi phu nhân nói:
– Trên đời này, thần thiếp chỉ có yêu thần thiếp nhất.
Ông vua sửng sốt:
– Sao kỳ vậy, sao mình lại thương mình nhất?
Mạt Lợi phu nhân nói:
– Để rõ hơn, xin bệ hạ cho phép thần thiếp hỏi, trên đời này bệ hạ thương ai nhất?
Vua trả lời:
– Dĩ nhiên là ái khanh rồi.
Mạt Lợi phu nhân nói tiếp:
– Nếu bây giờ, giả sử thần thiếp thương một người đàn ông khác thì bệ hạ tính sao?
Vua lúng túng nói:
– Ái khanh hỏi thiệt là rắc rối.
Mạt Lợi phu nhân hỏi:
– Có phải bệ hạ sẽ rút gươm chém liền không?
Vua nói:
– Chắc có lẽ vậy.
Mạt Lợi phu nhân nói:
– Đó, chính đó là bệ hạ thương bệ hạ nên mới thương thần thiếp, vì thần thiếp mang lại hạnh phúc cho bản ngã của bệ hạ. Cũng vậy, thần thiếp thương thần thiếp nên mới thương bệ hạ, vì bệ hạ mang lại hạnh phúc cho bản ngã của thần thiếp.
Mới
thấy, chúng ta nói thương người khác, nhưng cũng là thông qua bản ngã của mình, xuất phát từ thương chính mình. Nếu thương người khác mà khi người đó làm trái ý mình thì mình chém đầu người ta được, thì rõ ràng là
mình thương mình, muốn bảo vệ mình chứ có phải thương người ta đâu. Vậy
mà lâu nay, mình cứ tưởng mọi người quý mến mình lắm, thương mình lắm. Khi được ưu ái, được ca ngợi một chút là công kênh, vênh váo, nghênh ngang mà không biết rằng, người ta thương và quý mến mình chẳng qua là vì họ thương và quý mến chính họ. Cho đến một ngày mình không làm vừa lòng họ, mình không còn hợp với bản ngã của họ nữa thì người ta sẽ cho mình qua một bên mà không hề thương tiếc. Ngày xưa hân hoan bao nhiêu thì bây giờ chúng ta sẽ bị đớn đau khổ sở bấy nhiêu. Đó là do lầm tưởng cái thương là thật nên bị khổ. Cái ghét cũng vậy, bị người khác ghét là vì mình không chìu theo cái tự ngã của họ thôi. Ngày nay làm vừa ý mọi người thì được thiên hạ thương, hôm khác không còn làm vừa ý nữa thì bị thiên hạ ghét. Như vậy thương ghét được đặt định trên bản ngã của con người ta mà có ra. Nhưng chín người có đến mười ý. Tâm ý con người ta không cố định thì thương ghét căn cứ vào đâu mà thật có? Hơn nữa, thương
ghét được đặt trên bản ngã thì đâu có được khách quan? Mà không khách quan thì sự thương ghét đó không thật.
4/ TÓM KẾT CHUNG.
Cũng
như vậy, quý vị xét những cái đối đãi hai bên khác, tất cả đều là sản phẩm có ra từ bản ngã. Nhưng nhìn lại xem, bản ngã là gì, nó có thật hay
không mà con người ta lệ thuộc nó rồi phải chịu khổ đáng thương như vậy? Khi mình có niệm nghĩ thì lúc đó có cái thầm thầm chấp bên trong tạm gọi là tự ngã. Nó chỉ là một cái tôi ngấm ngầm có ra như một niệm chấp không rõ ràng. Nhưng nếu tỉnh sáng tìm lại, nhìn lại thì nó không có bóng dáng gì cả. Cho nên bản ngã là cái thầm thầm tưởng như là có vậy
thôi chứ nó không có thật. Nhưng tất cả những cái đối đãi hai bên đều được đặt định qua cái bản ngã không thật đó. Bản ngã đã không thật thì những cái đặt định trên nó làm sao có thật được? Chỉ thấu suốt bản ngã không có thật thì mọi việc giữa cuộc đời này được giải quyết một cách nhẹ nhàng, ai ai cũng được bình yên vô sự, vui vẻ biết mấy! Vì không xét
kỹ như vậy cho nên con người chúng ta bị những cái không thật của hai bên đó nó quay cho chóng mặt, làm cho đau khổ ê chề mà vẫn chưa chịu giác biết. Nghĩ lại, mình có nên thương giùm cho mình không?
Những
cái đối đãi hai bên thì nhiều lắm, nhưng chỉ cần xét những cái thường gặp thì những cái khác cũng tương tự như vậy, đều không có thật mà mình quên nên bán cả con người mình cho nó, nó lắc bên nào thì mình chạy sang
bên đó. Hết lắc bên này rồi sang bên kia, cứ vậy mà chạy vòng vòng chóng mặt, từ đó đau khổ.
II/ KHỔ DO KHÔNG KỊP THỜI GIÁC BIẾT.
Tiến
sâu hơn một bước nữa, quý vị nhìn lại, một cảnh xảy ra mà có khả năng làm cho chúng ta khổ được là do đâu? Do mình không biết kịp nó là đồ giả, biết chậm quá cho nên bị khổ. Nếu một cảnh xảy ra mà mình thấy kịp nó không có gì quan trọng hết thì nó có thể làm mình khổ được không? Bây
giờ ngồi nghiệm lại dễ thấy lắm. Quý vị thử nhớ lại một hoàn cảnh buồn đau nhất cách đây khoảng 10 năm, bây giờ ngồi nhìn lại nó có ra gì không? Có đáng cho mình phải buồn đau nhiều dữ vậy không? Không đáng gì cả. Nhưng không hiểu tại sao ngày xưa mình lại đau khổ quá như vậy. Nếu như hồi xưa khi hoàn cảnh đó xảy đến mà quý vị giác biết kịp giống như bây giờ đang ngồi tỉnh táo đây thì lúc đó có khổ không? Không khổ. Ngày xưa mình thấy quan trọng nên khổ, nhưng ngày hôm nay ngồi nhớ lại thì rất là mắc cười. Tương tự, những cảnh xảy ra bây giờ dù có bi thương đến
mức nào đi nữa, nhưng nếu đem đặt nó vào 10 năm sau để nhìn lại thì nó có ra gì không? Cũng không ra gì cả. Đợi 10 năm nữa mới biết không có giá trị gì thì chúng ta phải chịu một khoảng đau khổ đáng thương. Chi bằng biết ngay bây giờ và giải quyết cho xong, để 10 năm làm gì cho khổ?
Mới biết rõ ràng mọi thứ do chúng ta không biết kịp nên bị khổ. Vậy thì
không biết kịp là do đâu? Là do mê, do quên, thiếu sự bình tĩnh và giác
sáng. Vì mê, vì quên cho nên mình phải chịu khổ. Người khéo tu là khéo giác biết kịp trên mọi hoàn cảnh.
Ở
trên quý vị đã nghe phân tích những cái hai bên, nào là khen giả, chê giả, thương giả, ghét giả, thuận giả, nghịch giả, nhưng mình đợi cho sự việc xảy ra rồi mới biết hay là chưa xảy ra là mình đã biết? Đợi nó xảy ra rồi, khổ sơ sơ rồi thì mới biết, mới quán là giả chứ không phải khéo giác biết trước. Nghĩa là mình đợi cho đến khi đã thành bệnh rồi mới điều trị. Đã phải điều trị thì khi qua cơn bệnh, ít nhiều gì cũng sẽ để lại một số chứng tích “kỷ niệm” đau buồn. Từ đó mới thấy thêm một lý do nữa mà mình có thể khổ được trên những cái hai bên là vì hằng ngày mình quên giác, đợi cho mọi chuyện xảy ra rồi mới nghĩ đến cách điều trị cho nên khó trị lành bệnh liền được. Biết như vậy rồi, muốn an toàn, muốn không để lại vết tích thì không nên đợi bệnh phát mới trị mà nên ngừa trước khi bệnh xảy ra. Cụ thể nhất là trong mọi sinh hoạt hằng ngày, mình phải khéo nhìn lại cái tâm chạy ra dính mắc trên cảnh. Tức là trước
đó quý vị đợi cho dính rồi, khổ rồi mình mới quán là giả, đó là đợi thành bệnh rồi mới trị, như thế là không an toàn. Chắc hơn là mình phải ngừa, ngừa ngay cái tâm đi ra thì mình không bị dính, khỏi cần gỡ trên cảnh, ngay đây kéo vô liền. Đó là biết ngừa bệnh, là khéo tu.
Quý
vị nhìn lại, tâm bất giác đó có dễ lao ra không? Rất dễ phải không? Quên một chút là nó phóng ra liền. Cho nên các ngài xưa nói, họa hoạn của con người nó ẩn nơi chỗ không nơi chốn (không thấy, không có dấu vết), nhưng nó xuất hiện khi mình khinh suất (sơ hở, xem thường). Bây giờ ngồi đây, rõ ràng mình không tìm thấy cái sân của mình nó nằm ở đâu cả, nhưng đụng một cái là nó vọt ra liền. Muốn tìm nó cũng không thấy chỗ nó ẩn, mà đụng một cái là nó nhảy ra, thành ra rất là khó trị. Phải mà biết chỗ thì trị trước cho rồi, đằng này đợi nhảy ra mới thấy thì mọi
việc đã lỡ hết rồi, trị không kịp. Bây giờ quý vị phải trị ngay chỗ nào? Trị ngay chỗ quên, chỗ khinh suất, phải không? Cái họa hoạn con người nhảy ra ngay chỗ khinh suất, chỗ xem thường đó thì ngay đó mà trị.
Cái tâm bất giác đó, mình chỉ quên một chút là nó lao ra dính mắc liền mà mình không biết kịp nữa. Đợi đến khi nó lao ra, dính mắc rồi mới biết
thì mọi chuyện đã lỡ rồi, đã khổ rồi. Muốn đi lui lại là dễ hay khó? Rất là khó, phải không? Cụ thể khi để cho một cảnh buồn vui giận ghét gì
đó xảy ra rồi mình mới quán là giả để quay ngược lại, quý vị thấy mình quán là giả thì nó hết liền hay là nó không dễ chịu hết? Miệng nói là giả mà lòng sân giận thì cứ sôi lên. Nói là giả mà buồn thì cứ buồn tê tái cả người. Như vậy thì đâu có dễ dàng đi lui chút nào đâu. Cho nên tốt nhất là nên ngăn từ đầu, đừng để nó ra rồi đi lùi lại rất khó. Đã biết khinh suất thì nó vọt ra, ngay chỗ khinh suất đó mà tỉnh trở lại thì may ra mới điều trị nó được. Bây giờ muốn đừng quên, muốn làm chủ nó
thì mình phải biết rõ cái gút mà nó lao ra là như thế nào thì chúng ta mới có thể kiểm tra và làm chủ một cách chắc chắn được. Còn nếu mình cứ nói phải làm chủ, phải thế này phải thế nọ …, bao nhiêu cái phải, nhưng cứ hiểu chung chung, không rõ ràng thì cũng không giải quyết được gì. Coi chừng ngay khi chúng ta đang nghe nói là phải làm chủ thì cũng chính
là lúc chúng ta đang bị nó gạt mà không hay. Cần phải biết cái gút lao ra chỗ nào thì mới có thể trị tận căn nguyên của nó được.
III/ KHỔ DO MÊ, BỎ QUÊN CHÍNH MÌNH.
Quan
Hạ Ỷ Công đến yết kiến Thiền sư Tổ Tâm Hối Đường, hai bên cùng đàm luận, tinh thần rất khoáng đạt, có chỗ thông cảm. Khi bàn Triệu Luận của
ngài Tăng Triệu, đến câu “Hội muôn vật làm chính mình, tình cùng vô tình chung một thể”, Ngài Tổ Tâm Hối Đường lấy cây thước gõ trên bàn cái
“Cốc”, rồi Ngài dùng thước đánh con chó khiến nó chạy đi và nói: “Con chó là loài có tình cho nên bị đánh thì nó đi. Còn cái bàn là loài vô tình nên đánh thì nó còn nằm đây chứ không đi. Như vậy tình với vô tình đâu có cùng một thể?” Quan Hạ Ỷ Công mờ mịt không đáp được.
Quý
vị thấy không? “Hội muôn vật làm chính mình, tình cùng vô tình chung một thể” nghĩa là sao? Tâm chơn thì mọi cảnh đều như, mỗi pháp, mỗi pháp
đang ở bản vị của nó. Tự mình không động mà sáng biết rõ ràng, các pháp
không ngoài một thể tịnh mà sáng, tức là đang biết rõ ràng đây thì cái bàn có nằm đó, con chó có chạy đi, đất trời có xoay chuyển cũng đâu có ra ngoài sự sáng biết kia, đâu có gì ngăn ngại? Nhưng khi Ngài Hối Đường
lấy cây thước gõ cái bàn một cái, gõ con chó một cái và nói như trên mà
Quan Hạ Ỷ Công mờ mịt thì có phải là vị quan này đã thấy theo cái bàn, biết theo con chó, bị các cảnh sắc che mắt nên mờ mịt không? Nhìn theo, biết về cảnh sắc bên ngoài thì sẽ thấy có cái bàn khác và con chó khác. Khi thấy cái bàn vô tình nằm một chỗ, còn con chó hữu tình chạy đi, thấy
hai cái khác, đó là thấy biết theo cảnh, trên cảnh mà thấy, hay là chính mình đang tự thấy biết? Đó, bất giác, lao ra theo vật và phải chịu
mọi khổ đau là ngay chỗ đó. Nếu không thấy được cái gút này thì dù có đang chú tâm nghe mà bỏ quên chính mình, lao theo tiếng thì cũng là đang
bị âm thanh này gạt.
Mới
thấy, khi đang nói, đang biết rõ ràng thì không thêm một niệm. Nhưng khi thấy cái bàn và con chó thì liền lao ra, dính kẹt trên cái bàn và con chó cho nên thấy cái bàn khác, con chó khác. Mà thấy khác là nhằm trên cảnh mà thấy, trên vật mà thấy cho nên kẹt trên tướng sanh diệt mà bỏ mất mình và mờ mịt. Sanh tử hay niết bàn, khổ đau hay an lạc, cái gút
nằm ngay chỗ đó. Chúng ta cần phải nhìn cho rõ, nếu không thì mình nói là tỉnh, nhưng vẫn cứ bị nó gạt hoài mà không hay. Từ trước tới nay, tất
cả chúng ta khổ là vì một cái bất giác, một cái lao ra, một cái mê mờ này. Mà mê mờ là tại thoáng một niệm, chỉ chút xíu đó thôi chứ không phải là nhiều. Nhưng để lại hậu quả khổ đau thì không nhỏ.
Khi
đang ở bản vị thì an ổn, yên lành. Nhưng khi lao ra, có phân biệt mà không biết dừng thì sẽ có đẹp, có xấu. Rồi đẹp thì ưa, xấu thì chán. Mà ưa thì hài lòng, chán thì không thích. Rồi cái mình ưa thích mà không được cũng khổ, mà có được rồi lo giữ gìn sợ mất đi cũng khổ, cái mình không thích mà nó cứ hiện chần vần trước mặt hoài cũng khiến mình bực bội, không yên… cứ thế trôi lăn, trôi lăn mãi trong vòng luân hồi sanh tử chịu khổ dài dài. Bây giờ biết rồi thì sao? Trong mọi lúc mọi nơi, chúng ta luôn tỉnh, chăn ngay một cái lao ra đó thì không gì có thể làm cho mình khổ được. Đó là chúng ta đã tìm ra cái gút cột mình để giải thoát cho mình rồi.
Quý
vị thấy ở thế gian này có rất nhiều chuyện đột biến, bất thần xảy đến khiến con người không tỉnh kịp, cho nên bị chới với, hụt hẫng, có khi khổ quá phải tìm đến cái chết. Có một anh nông dân nọ đang sống trong cảnh bình yên. Buổi sáng lên nương làm rẫy, chiều về đồng ruộng làm lúa,
tỉa đậu trồng ngô. Cơm ngày ba bữa, cuộc sống ổn định, nhẹ nhàng không vướng bận gì. Tình cờ một hôm bị mấy đứa bán vé số nài nỉ nên anh đã miễn cưỡng mua một vài tấm. Không ngờ tấm vé trúng số độc đắc được 5 tỷ.
Anh bắt đầu suy nghĩ phải làm gì với số tiền nhiều như thế này đây: xây
nhà, mua xe, đầu tư làm ăn… Không bao lâu, anh nông dân bỗng chốc biến thành một đại gia trong vùng. Có nhà lầu, xe hơi, kẻ hầu người hạ, đồ ăn
thức uống toàn những thứ thượng hạng. Tưởng chừng cuộc sống êm đềm như vậy mãi. Bất thần một hôm, không biết vì một lý do nào đó mà anh ta bị sạt nghiệp, hết sạch tài sản, trở lại cuộc sống đạm bạc như thuở ban đầu. Nhưng lúc này, quý vị nghĩ anh có dễ chấp nhận cuộc sống ban đầu không, hay là không chịu nổi? Có khi chết được chứ không phải thường!
Nhìn
lại cuộc sống này, những hiện tượng xảy ra khiến cho con người ta lâm vào những cảnh tương tự như vậy không phải là ít. Xét lại, ngày xưa lúc còn là một nông dân bình thường, một mái nhà vừa phải, cơm ngày ba bữa, cuộc sống thanh nhàn, đâu phải nghĩ thêm gì, đời sống không thấy có gì là khổ, có khi còn được bình an nữa. Khi có tiền phải nghĩ thêm bao nhiêu thứ phụ khác. Sau một thời gian khá giả rồi trở lại cuộc sống bình
thường như ban đầu, chưa giàu sang như ngày nào thôi chứ không đến nỗi quá khổ hơn trước đó. Nhưng điều khó hiểu của con người mình là gì? Ngày
xưa khi chưa giàu sang thì mình có thể sống một cách đạm bạc, thanh thoát, bình thường như ai, không có gì khổ cả. Nhưng sau một thời gian sống sang cả rồi trở lại cuộc sống như ban đầu thì tại sao lại không chịu nổi? Có phải là chúng ta bị cái khoảng thời gian giàu sang nhất thời đó nó gạt mình hay không? Nhưng nó gạt mình từ hồi nào? Mình đâu có
thấy nó gạt mình hồi nào đâu? Có phải trong thời gian đó, chúng ta lỡ quen với cuộc sống giàu sang để bây giờ nghèo lại thì mình không chịu nổi? Nhưng lỡ quen từ đâu quý vị biết không? Là vì trong thời gian đó, mình đã bất giác lao ra, đắm nhiễm vào cuộc sống đó mà không giác biết kịp, không chịu lùi lại. Đợi cho mọi chuyện lỡ hết, khổ rồi mới biết thì
những cái dính mắc nó dồn từ ngày xưa đến giờ thành cả đống lớn dầy quá
rồi, làm sao mà gỡ cho kịp nữa! Khi đó chao ôi là khổ, đòi chết là phải
thôi.
Nhìn
lại mới thấy đáng thương cho mình. Ngay khi sống trong cảnh sung sướng mà sanh tâm hưởng thụ, không biết các pháp đều là duyên của trần bên ngoài, nếu mình không bỏ nó thì có lúc nó cũng bỏ mình mà đi thôi. Sống trong một cái giả dối như vậy mà con người cứ ngỡ là thật nên đã tin tưởng và ký kết hợp đồng với nó một cách bền chặt lâu dài. Cái không chắc thật mà mình cứ tưởng nó bền chắc, lâu dài cho nên khi nó bỏ mình đi ngang không thèm từ giã thì chúng ta sẽ khổ. Cho tới lúc này mới thấy
rằng trong khoảng thời gian kia, mình đã lỡ đánh mất mình. Nếu trong khoảng thời gian giàu sang đó mà vẫn sống bình thường, có nghĩa là vật chất tuy nhiều nhưng tâm hồn vẫn chất phác, bình dị, bình thường thì khi
bị sụp xuống, quý vị có khổ không? Đủ duyên thì sống khá hơn một chút, đầy đủ phương tiện hơn một chút, còn hết duyên thì trả lại con số không ban đầu, số không thì đâu có gì để được và cũng đâu có gì để mất! Ngày mới chào đời mình cũng chỉ là tay không thôi mà! Vì quên con số không đó
nên mới bị khổ không ít.
Để
thấy, ngay trên cảnh mà giác biết kịp thì không mất mình, mà không mất mình thì không bị thất thế, không bị hụt hẫng, cho nên không có gì có thể làm cho chúng ta khổ được cả. Khổ là do mình lao ra cho nên mới khổ.
Nhưng khi mới lao ra thì quý vị thấy nhỏ hay là lớn? Chỉ là một niệm lao ra nhỏ xíu thôi, nhiều lúc mình còn khinh thường niệm đó nữa, quên một chút đi ra đâu có gì là lớn đâu. Ví dụ như cái ly này, thấy nó đẹp thì mình cứ thấy nó là đẹp, ai nói tâm lao ra là khổ mà mình có thấy khổ
gì đâu, nghĩ có chút xíu thôi mà. Nhưng tới khi đau khổ tận cùng rồi, gẫm lại mới thấy cái nguy hại của chút xíu tâm lao ra này là lớn. Chừng nào quý vị thấm thía được cái nguy hại đó thì sức tỉnh giác mới cao, còn
mình xem thường thì nó vẫn cứ gạt mình.
Nhưng
xét lại, con người trên thế gian có dễ biết như vậy để dừng hay không? Rất là khó phải không? Cho nên gặp cảnh là cứ lao ra. Nói chi đến khoảng
giàu sang mấy chục năm, chỉ cần một giấc ngủ thôi, nằm mơ thấy trúng vé
số, cất nhà lầu, xe hơi…, tỉnh dậy không thấy có gì thì hụt hẫng, buồn rười rượi. Tỉnh dậy rồi, biết mọi thứ chỉ là nằm mơ mà cũng buồn được, mới thấy cái bất giác lao ra dính mắc này nhiều đời lắm rồi, nó ăn sâu rồi chứ không phải chuyện thường nữa. Sống chỉ biết lao ra thôi, chính vì lao ra nên mình mới bị các cảnh bên ngoài gạt rồi khổ, còn không lao ra thì đâu có cái nào gạt được mình. Qua đó chúng ta mới thấy được cái mâu thuẫn của con người. Lòng thì sợ khổ, nhưng sống thì lại theo hành động gây ra đau khổ mà không hề biết tránh, cứ lao ra bên ngoài mà không
hề biết quay lại, cho nên trôi lăn và chịu khổ triền miên.
Chuyện
giàu sang ở trên là một điển hình dễ thấy, còn trong cuộc sống của mỗi chúng ta có rất nhiều chuyện, nào là danh vọng, địa vị, của cải, quyền uy, … cũng đưa đẩy con người lên xuống một cách đột nhiên như vậy không ít. Quý vị thử nghiệm lại nơi chính mình sẽ thấy, đang khi trong cảnh đó, nếu quên mất mình mà lao ra trên những cái đó thì đến khi nó biến đổi, chúng ta sẽ phải bị khổ thôi. Đó là một sự thật.
Có một chú nọ đến nhà thăm anh mình, thằng cháu thình lình chạy vô hỏi chú:
– Khi đồng hồ của chú bị hư thì chú coi giờ ở đâu? Chú làm sao biết giờ?
Ông chú không trả lời liền mà hỏi lại:
– Vậy theo cháu thì làm sao để biết giờ?
– Dễ. Đồng hồ hư thì sử dụng máy vi tính, điện thoại cầm tay …
Ông chú nghe xong ngậm ngùi: “Nếu những cái này mất đi thì cháu sẽ thế nào?” Người cháu vẫn chưa biết nên giục:
– Chú trả lời cho cháu nghe chú lấy gì để xem giờ?
Ông chú trả lời:
–
Buổi sáng nghe gà gáy lần thứ ba thì biết là năm giờ và thức dậy nấu cơm. Mặt trời đổ bóng hiên nhà thì biết đi nấu cơm trưa là vừa…
Người cháu nghe xong vẫn ngơ ngác, chưa hiểu coi giờ theo cách cổ điển này là gì.
Chuyện
nghe ra có vẻ bình thường, nhưng nếu xét kỹ thì không phải bình thường chút nào. Nhìn lớp trẻ hiện tại sẽ thấy, họ bị lệ thuộc quá nhiều vào những thứ như điện thoại cầm tay, máy vi tính… Nếu những thứ này không
còn thì cuộc sống của họ sẽ bị đảo lộn, không còn ổn định nữa. Nhưng đối với người chú thì lúc nào còn mặt trời, còn cây, còn nhà thì biết được là mấy giờ. Sẵn có cái gì thì xài cái đó nên không bị hụt hẫng. Có những người bằng cấp lên tới kỹ sư, tiến sĩ, nhưng có dễ biết bằng lòng với những gì hiện có, chịu nổi với những gì mình đang có, không ham muốn
những gì quá tầm tay của mình để có được một cuộc sống tự chủ không? Rõ
ràng là khó. Bởi con người ta thường là mong cầu, lao ra, chạy theo, bắt bóng những cái bên ngoài cho nên mình bị lệ thuộc nó, lúc nào cũng bồn chồn, bất an, khó có sự an ổn trong lòng. Khi chúng ta bám vào một cái gì mà cái đó bị hỏng thì mình sẽ bị té. Hễ bị lệ thuộc vào một cái gì thì khi cái đó mất, mình sẽ bị hụt hẫng, khổ đau.
Hiện
tại đâu phải thiếu những người bị mất thăng bằng vì lao theo vật chất. Nhưng nói như vậy không có nghĩa là phủ nhận những cái tiến bộ để mình bảo thủ, lạc hậu. Điểm chính yếu ở đây là sử dụng, nhưng đừng để những cái đó đánh lừa rồi quên mất chính mình, mà mình phải luôn luôn thực sự có đủ khả năng làm chủ nó, đừng để nó lừa dẫn mình đi rồi sau đó chịu khổ. “Hãy là chính mình đang điều khiển cái máy, đừng bao giờ để máy điều khiển mình”. Quý vị nào thường sử dụng máy tính, có nên in câu này dán trên máy tính mình không? Cái máy là vật dụng, sao lại để nó điều khiển mình? Quá vô lý, phải không? Nhưng nó sẽ điều khiển mình khi nào? Khi vừa quên giác tỉnh, quên mình, biết theo nó, lao theo sự chi phối của nó thì bị nó điều khiển ngay. Vừa quên thì xoay lại, mà nhớ lại thì đang là chính mình. Nếu luôn luôn nhớ tỉnh giác, tự chủ, không để quên và bất giác thì chúng ta mới làm chủ để sử dụng nó. Ngược lại thì nó làm
chủ, trói buộc và sai khiến mình.
Nãy
giờ nghe nói thì nhiều, nhưng lý do chính vẫn là do mê, do một niệm bất
giác của con người rồi lao ra, chịu khổ. Chúng ta có thể nhận ra điều này từ những chuyện rất nhỏ. Ví dụ đang xem truyền hình hay đang say sưa
làm máy tính, thình lình mất điện, máy tắt “phụp”, nếu quý vị giựt mình, hụt hẫng, khó chịu, bực bội… thì liền phát hiện ra trước đó chúng ta đã quên giác, bỏ mất mình, lao theo cảnh vật bên ngoài, khổ đau có ra
ngay. Cũng thế, khi đang sống trong một hoàn cảnh thuận lợi nào đó, thình lình bị thay đổi mà chúng ta khổ thì biết được rằng, trong hoàn cảnh thuận lợi trước đó, mình đã lỡ quên mình và dính rồi. Còn nếu tâm mình không bất giác lao ra thì bất cứ hoàn cảnh nào thay đổi cũng không làm cho quý vị khổ được. Thực tế mà nói, bất kỳ hoàn cảnh nào trên đời này nó đều không có khả năng, không đủ giá trị làm chúng ta khổ được, nhưng sở dĩ con người khổ là do quên mình, bất giác lao ra cho nên mới bị nó chi phối rồi khổ đau.
Ngày
xưa, ông Nguyễn Công Trứ lên làm quan, mỗi ngày đều có lính hầu hai bên. Thời gian sau ông bị phế xuống làm lính và người lính của ông ngày xưa lại được lên làm quan. Ông phải đứng hầu ngược trở lại người đã từng
là lính của mình trước đó. Vị quan từng là lính hầu của ông thấy vậy, nghĩ tình ngày xưa nên hỏi: “Ở trong hoàn cảnh này, ông có thấy nhục nhã
không?”. Ông Nguyễn Công Trứ nói: “Khi xưa lên làm quan, tôi không thấy
có gì làm hãnh diện, cho nên hôm nay bị giáng xuống làm lính thì cũng không thấy có gì xấu hổ cả”. Rõ ràng là trong khi làm quan mà không quên
mình dính chấp trên danh phận thì khi giáng xuống làm lính cũng không thấy có gì mất để xấu hổ. Mới thấy, khổ và không khổ là từ chỗ tâm mình có lao ra hay không lao ra mà thôi, chứ cảnh đâu có gì! Đủ duyên làm quan thì cứ làm quan, chưa đủ duyên thì cứ đi cày bình thường. Ở cảnh nào tâm mình cũng vậy, không có đi ra, ở nguyên bản vị của mình. Lên xuống, xuống lên đó là cảnh, mình vẫn ở bản vị thì có gì khổ đâu. Như vậy là mình đang giác chứ đâu có mê, làm sao mà khổ được. Giống như khi nãy ông quan thấy cái bàn khác, thấy con chó khác là thấy trên cảnh, bây
giờ mình đang rõ thấy đây thì trả lại bản vị nguyên thể là mình, thì hai cái khác đó đều đang hiển hiện trong tự tánh chánh định, trong lặng mà đang sáng biết và thấy đây, thì có phải là “tình cùng vô tình chung một thể” không? Nếu thấy khác thì đó là quên bản vị mà thấy trên vật rồi. Bây giờ đừng lao ra nữa, trả lại bản vị giác ban đầu thì có lên làm
quan cũng vậy, mà có xuống đi cày ruộng cũng vậy thôi, có gì đâu mà khổ. Làm quan hay đi cày ruộng đều không lỗi, mà lỗi là ở chỗ mình bất giác, lao ra dính chấp. Mới thấy, không niệm lao ra thì sống trên bất cứ
hoàn cảnh nào chúng ta cũng không bị các cảnh làm khổ.
Từ
nãy giờ quý vị đã nghe qua và biết rõ như vậy rồi, nhưng đó vẫn là giặc
bên ngoài, còn một tên giặc bên trong nữa, chúng ta phải khai triển cho
hết thì mới giải quyết được những rắc rối của cuộc đời. Một khi đã giải
quyết xong thì mình mới trả lời được câu hỏi, nếu không thì trả lời chưa được trọn vẹn.
IV/ KHỔ DO CHẤP NGÃ.
Ngày
xưa, vào thời vua Lương Võ Đế, có một vị Thiền sư tên là Suy Hải, vị này ẩn cư trong núi tuyết tu hành rất miên mật, nhập định rất sâu, đến nỗi tuyết phủ khắp các nơi, nhưng không phủ được ngọn núi ngài đang ngồi
thiền. Ở kinh thành, vua Lương Võ Đế đang ngồi đàm đạo với Hòa thượng Chí Công, nhìn ra xa vua thấy tất cả các ngọn núi đều có tuyết phủ, nhưng có một ngọn núi lại không có tuyết. Vua ngạc nhiên hỏi thì Hòa thượng Chí Công nói, bởi vì trong ngọn núi đó có một vị tăng đang nhập định. Vua Lương Võ Đế nghe vậy lấy làm mến mộ, khâm phục và cho người thỉnh về kinh thành để có dịp cúng dường, thưa hỏi Phật pháp. Khi thỉnh về một thời gian, thấy đời sống của Thiền sư Suy Hải, vua rất thán phục và hết lời khen ngợi. Vua thưa với Hòa thượng Chí Công:
– Trẫm thấy đây là một vị tăng đạo hạnh vẹn toàn, sức định rất sâu, tu hành rất xứng đáng.
Hòa thượng Chí Công là bậc phi phàm chứ không phải người thường. Ngài biết nên cười và nói rằng:
– Vị tăng này tuy rằng sức tu rất cao, nhưng vẫn còn một chút chấp ngã bên trong. Chính cái chấp ngã này làm cản trở bước tiến.
Vua nghe như vậy vẫn chưa tin. Hòa thượng Chí Công nói:
– Muốn thử vàng phải dùng lửa. Bệ hạ muốn biết người này tu hành đến mức nào thì cũng nên dùng một số phương tiện.
Được
sự chỉ bày của Hòa thượng Chí Công, vua Lương Võ Đế thiết một buổi tiệc
trai tăng, mời tất cả các vị tôn túc ở các nơi đến để cúng dường. Trong
lễ trai tăng, những bàn khác đều được trải bằng khăn đẹp, dọn chén đũa đẹp, tốt, thức ăn thượng vị. Riêng bàn của Thiền sư Suy Hải trải một tấm
ni lông lùi xùi, thức ăn thì rau luộc với cơm nấu bằng gạo cũ, chỉ dọn đũa tre. Nhưng Thiền sư Suy Hải vẫn ngồi ăn bình thường, không có gì tỏ ra khó chịu. Vua Lương Võ Đế thấy vậy rất ăn năn, thưa với Hòa thượng Chí Công:
– Thưa Hòa thượng, trẫm thấy áy náy trong lòng rất nhiều vì thấy Thiền sư vẫn bình thản, không tỏ ra thái độ gì.
Hòa thượng Chí Công cười và nói:
– Sóng đã nổi trong lòng của vị ấy rồi, bệ hạ không tin thì hãy thử thêm một lần nữa sẽ biết.
Lần
sau, vua Lương Võ Đế tiếp tục thỉnh mời các vị tôn túc trong nước lại để cúng dường tứ sự. Mỗi vị được dâng lên một xấp lụa hạng tốt. Riêng Thiền sư Suy Hải thì cung nữ chỉ đem ra xấp vải thô, xấu. Vua Lương Võ Đế còn nói thêm:
– Sở dĩ có sự sai biệt này là vì Trẫm xét thấy vị tăng này đức hạnh còn khuyết, sự tinh tấn chưa đủ cho nên không thể nào ban tặng vật phẩm giống như chư vị tôn đức được.
Nghe đến đây, Thiền sư Suy Hải hết chịu nổi, đứng phắt dậy, mặt mày đỏ bừng lên, và nói với giọng run run:
– Tâu bệ hạ, tôi vốn chọn chốn núi rừng làm nơi yên tu, không hề màng tới công danh lợi dưỡng. Cớ sao bệ hạ lại buộc tôi về đây rồi bày ra những trò nhục nhã như thế này. Xin cho tôi trở về núi rừng sống đời tiêu dao của tôi, đừng có làm những việc như thế này nữa.
Nói
xong, vì quá ức, Thiền sư Suy Hải phun ra một búng máu rồi ngã lăn ra chết tại chỗ. Cả hội chúng đều kinh hãi. Riêng vua vừa ân hận, vừa lo sợ
vì mình không có ác ý, chỉ thử theo lời Hòa thượng Chí Công thôi. Khi ấy, vua ngoái lại nhìn Hòa thượng Chí Công cầu cứu. Hòa thượng Chí Công nói:
– Không sao đâu, vị tăng này tuy cả đời tu hành nhưng vì sân giận, uất ức mà chết nên thần thức hiện đang gá vào loài bàng sanh, cụ thể là gá vào thân một con chim mới nở. Vì công phu tu hành có định lực cho nên trên lưng con chim đó có hai chữ Suy Hải. Bệ hạ mau cho người đi gấp về hướng Tây, đến ngã ba đường gặp một cây đại thụ, trên nhánh chìa ba, có một con chim vừa mới nở, trên lưng có hai chữ Suy Hải, bệ hạ cho bắt con
chim đó đem về đây.
Vua
lập tức cho người phi ngựa đi. Khi bắt về, quả đúng trên lưng con chim đó có hai chữ Suy Hải. Hòa thượng Chí Công cầm con chim khai thị rồi ném
xuống sàn chết. Thần thức của Ngài Suy Hải thoát ra nhập trở lại xác đang nằm trên sàn. Các ngự y xoa bóp một lúc thì Thiền sư Suy Hải tỉnh dậy và trở về phòng. Sau ba ngày được bình phục, Hòa thượng Chí Công mới
gọi lên và nói rõ cho biết:
– Ông tu hành rất tốt, sức định rất sâu, nhưng còn một chút chấp ngã chưa trừ sạch. Chính cái chấp ngã này là gốc của sự nóng giận và đi trong luân hồi. Ông thấy bao nhiêu công phu tu hành của mình chỉ vì một cơn nóng giận mà bị rơi vào loài bàng sanh. Nếu không có người khai thị cho thì ông sẽ tiếp tục trôi lăn từ giống loài này sang giống loài khác,
ngày nào mới có thể thoát ra được! Bây giờ nếu tiếp tục tu hành mà còn giữ cái chấp ngã đó không chịu nhổ sạch thì chính cái chấp ngã đó là gốc
đi vào trong sanh tử luân hồi, khó thoát ra được.
Vì uy đức của Hòa thượng Chí Công nên cảm hóa được toàn bộ con người Thiền sư Suy Hải. Từ đó Ngài tu hành tốt hơn.
Quý
vị thấy câu chuyện giàu sang của anh nông dân khi nãy là tại vì anh thích sự giàu sang nên sau này anh mới bị khổ. Còn Thiền sư Suy Hải thì không hề thích chốn kinh thành, chẳng qua vì vua ép nên phải về thôi. Nhưng khi mời về rồi bị hủy nhục thì Ngài giận mà chết. Đó là điều vô lý. Nhưng nếu khéo nhìn lại thì sẽ thấy cái chấp ngã vi tế ở đây.
Khi
mời về thì đó là chuyện của nhà vua, Thiền sư Suy Hải không hề muốn về,
chỉ vì vua mà về. Rồi mời về và tôn kính cũng là chuyện của nhà vua. Đến khi hủy nhục, hạ xuống tận cùng cũng là chuyện của nhà vua. Nếu bị vua hủy nhục thì đó lại là cơ hội tốt để mình được tự do làm theo chí nguyện ở núi rừng của mình. Nhưng điều vô lý ở đây là tại sao Thiền sư Suy Hải lại giận đến nỗi ói ra máu rồi chết. Như vậy là vì lý do gì? Đây
là một cái mâu thuẫn nơi mỗi con người chúng ta. Nếu không phát hiện lý
do này thì chúng ta khó trừ nổi cái làm khổ mình. Lý do đó quý vị biết từ đâu chưa? Đó là vì cái niệm thầm thầm chấp ngã bên trong. Nó là một con ma ảo ảnh không hình tướng, nhưng vẫn âm ỉ sống ngầm dai dẳng bên trong. Mình không soi thì nó không mất. Phải soi cho thấy, giống như ánh
sáng chiếu vào thì bóng tối mới tan. Nếu không xét cho kỹ thì khó thấy cái tình chấp ngã nó len lỏi như thế nào. Nó vi tế lắm! Chúng ta bị khổ mãi là do anh chàng này. Những cảnh hai bên bên ngoài chỉ là cành mà chính nó mới là gốc rễ. Giật bên này thì mình bị nhảy sang cành kia, và giật bên kia thì mình lại bị nhảy qua cành này. Do cái bên trong nó lái,
rồi bên ngoài mình cứ bị quay quần chóng mặt và khốn khổ mãi. Từ đó mới
thấy, gốc tại một cái chấp ngã bên trong. Nhưng cái ngã có thật không? Nó là một cái niệm chấp thầm thầm khiến mình tưởng là có một cái ngã bên
trong, nhưng tìm lại thì rõ ràng không thấy gì cả, mới biết nó không có
thật. Tuy nó là giả, nhưng nếu chúng ta không biết mà chấp giữ thì nó là gốc làm khổ mình không ít.
Ở
trên, quý vị đã nghe phân tích những cái bên ngoài là giả, nhưng đến đây mới thấy thêm một điểm nữa là bên trong mình vẫn còn nhiều giặc đang
ngự trị, nhưng tên giặc chính vẫn là tình chấp ngã. Vì vậy chúng ta cần
phải khéo thấy cho rõ bên trong nữa mới trừ tận gốc rễ được. Nếu không thấy rõ thì chính cái trôi chảy nhỏ nhiệm đó nó âm thầm gạt mình, làm cho chúng ta khổ đau mà không hay biết.
V/ TÓM KẾT.
Bây
giờ tóm lại, có ba điểm chính chúng ta cần lưu ý trong cuộc sống. Thứ nhất là phải thấy những cái hai bên là pháp đối đãi bên ngoài, là giả. Thứ hai là trong sự tiếp xúc sinh hoạt hàng ngày, chúng ta phải giác tỉnh, không nên lao ra sanh tâm dính mắc trên cảnh. Và điểm thứ ba là phải kiểm tra anh chàng bản ngã bên trong. Nó là một bóng ma ảo ảnh nhưng lại có khả năng lừa gạt mình rất siêu việt nên không thể xem thường để bị nó gạt rồi phải chịu khổ. Nhìn và khắc phục được ba điểm này thì cuộc sống của mình không có gì vướng bận, lúc nào cũng thanh thản. Đối với tất cả các cảnh mà tâm không vướng thì có phải là vô tâm chưa? Tuy vô tâm nhưng vẫn thấy biết rõ ràng, sống và làm việc như bao nhiêu người khác, nhưng tâm vẫn như như bất động, an ổn.
Trở
lại bức thư được nêu ở trên, đó là điển hình cụ thể cho những cái đối đãi hai bên của cuộc đời. Và ba phương pháp được nêu và phân tích, đó là
những phương pháp căn bản. Nếu khéo ứng dụng thì chúng ta phần nào có thể bình thản được trước những cảnh phức tạp của cuộc đời. Và có bình thản trước những cảnh phức tạp đó thì mới có được một đời sống ổn định. Quý vị nghe, hiểu rồi, trở lại vấn đề nêu trong bức thư: “Ngày mai là ngày vui của tôi, tôi mời bạn đến. Nếu bạn không đi thì bạn khinh thường
tôi, mà bạn đi thì tôi cho bạn là người tham ăn”. Vậy xin hỏi quý vị là
nên đi hay không nên đi? Bây giờ có trả lời được là do mình đã hiểu chút chút. Nhưng đó cũng chỉ mới hiểu được một nửa, là tại sao mình lại phải bối rối về chuyện nên đi hay không nên đi, xem thường hay tôn trọng… Bởi vì mình cho nó là thật, tại vì mình lao ra và dính trên nó, bởi mình vì cái ngã của mình. Nhưng để trả lời câu hỏi đó như thế nào cho ổn thì quý vị đã biết cách chưa? Nếu chưa biết thì chúng ta cùng bàn
qua bước thứ tư là sống thẳng bằng sức sống thiền thì mọi chuyện sẽ được giải quyết một cách ổn thỏa, trọn vẹn.
VI/ TRẢ LỜI CUỘC ĐỜI BẰNG SỨC SỐNG THIỀN.
Ứng
dụng ba pháp trên là mình mới giải quyết được một nửa, bởi nó là phương
pháp còn trong đối trị, có cái này trị cái kia nên chưa thật sự an ổn tuyệt đối. Muốn thanh thản thật sự, trả lời trọn vẹn một nửa còn lại thì
chúng ta phải trả lời cuộc đời này bằng sức sống thiền. Điểm này không nói tới đối trị, không còn nói tới chuyện hai bên. Còn nói tới đối trị thì không còn kịp rồi.
Quý
thầy xin mượn câu chuyện sau đây để nói về đạo lý, quý vị nào khéo thấy
thì sẽ rõ. Ông Mạc Đĩnh Chi được gọi là Lưỡng quốc Trạng nguyên, tức là
Trạng nguyên của cả hai nước Việt Nam và Trung Quốc. Ở Trung Quốc ông thi đỗ Trạng nguyên, khi chuẩn bị về lại Việt Nam thì vua Tàu muốn giữ lại, vì ông quá giỏi. Vua đưa ra câu hỏi rất khó để ông không thể trả lời và phải ở lại Trung Quốc: “Quân sư phụ, tam cang giả, qua chiếc đò đầy, đò ngả cứu ai?”. Theo lễ giáo của phong kiến ngày xưa, đã là một người dân thì đối với vua phải trung, con cái đối với cha mẹ phải hiếu thảo, học trò đối với thầy phải có nghĩa, tức là phải đầy đủ tam cang: trung, hiếu, nghĩa. Nhưng mà câu hỏi ông vua đặt ra là: Trên cùng một chuyến đò qua sông, có vua, có thầy và có cha mình. Bất ngờ chiếc đò bị chìm xuống nước, trong lúc cấp bách, chỉ có quyền cứu được một người thôi thì ông cứu ai? Nếu cứu vua thì mình được trung, nhưng bất hiếu, bất nghĩa thì sẽ bị chém đầu. Nếu cứu ông thầy thì được nghĩa, nhưng lại
bất trung, bất hiếu, cũng bị chém đầu. Còn cứu cha mình thì được hiếu, nhưng bất trung, bất nghĩa thì cũng bị chém đầu. Không cứu ai hết thì bất cả trung, nghĩa và hiếu, cũng bị chém đầu luôn. Câu hỏi đặt ra rất hóc búa, trả lời kiểu gì cũng bị chém đầu, không trở về nước được. Theo quý vị thì cứu ai, đối xử như thế nào để trọn vẹn cả trung, hiếu và nghĩa mà không bị mất mạng? Đây là điểm rất hay chứ không phải thường. Nhiều lúc mình hiểu thiền, nhưng còn dùng tâm sanh diệt để hiểu nên đụng
vô là rối ngay. Nếu quý vị không cứu ai hết thì có phải là bác tất cả mà giữ “cái không” không? Còn nếu cứu đại mà bất chấp thì có phải là chà
đạp lên tất cả một cách vô minh không biết đúng sai hay không? Nói đằng
nào cũng chỉ được một phía. Bởi khi chúng ta đang sống, đang dính trên cái sanh diệt chán mỏi quá, khi nghe quý Thầy nói về Thiền cảm thấy hay thì phát khởi tâm rời bỏ cái kia mà bám theo cái này. Đến khi nghe ai đó
nói thiền sống xa rời thế gian quá, cần phải hòa nhập vào thì mình lại bỏ đây mà bám vào kia. Giống như một con khỉ, hai tay hết chộp bên này rồi lại chộp bên khác. Cho nên nguyên nhân bị cuộc đời lừa gạt là do chúng ta chưa thoát ra được tâm ý thức của mình. Đây là điểm rất đặc biệt, nếu quý vị thoát được thì câu hỏi này không có gì là khó cả, rất là bình thường thôi. Khó là do lâu nay mình học mà chưa xài được. Tiền có trong túi, bây giờ phải móc ra xài, chứ quý vị đã tu học mấy chục năm
cho đến bây giờ mà vẫn còn bị cảnh đời làm khổ thì vô lý quá. Thực ra không phải bây giờ mình mới bị mà ngày xưa cũng vậy, có nhiều thiền tăng
tới học với một vị Thiền sư, có vị cũng lo dồn ép vào trạng thái tột cùng để được ngộ. Thiền sư cứ đưa ra những cái hai bên để gạt nên ông tăng này không chịu nổi. Nghe Thầy nói lý này thì học trò liền dính, liền bám vào cái lý này. Khi nghe nói đến lý kia thì liền dính, liền bám
theo cái lý kia. Ý thức tự nó gạt qua gạt lại mà không chịu thấy. Ông đệ tử tức quá, cũng học, cũng hiểu, cũng ham tu mà sao không ngộ được. Ông mới nói: “Đạo lý của Hòa thượng giống như cái chảo dầu nóng, con chó
đi tới nó thèm, nhưng liếm cũng không được mà bỏ đi thì cũng không đành”. Bởi vì nói thật ra thì con người thấy dễ quá, tạo điều kiện cho ý
thức nó bám rồi lấy cái hiểu biết làm cái chân thật, cho nên quý Ngài mới gạn cho tận cùng. Cho đến khi “À” lên một tiếng thì mới hay ra, điều
bí mật chẳng qua là một điều quá dễ, cái chân thật chỉ chút xíu đây thôi chứ không có nhiều.
Khi
ấy ông Mạc Đĩnh Chi trả lời: “Tâu bệ hạ, lúc ấy thần sẽ nhảy xuống sông, gặp ai thì thần cứu người ấy”. Nghĩa là sao? Không phân biệt người
ấy là ai cả, gặp người thì cứu. Có còn thời gian nhiều đâu để kịp mà phân biệt. Mà khi không kịp có niệm phân biệt là vua, là cha, là thầy thì trả lại thể nguyên vẹn của một con người ban đầu. Khi ấy không nghĩ là ai cả, nhảy xuống, hễ gặp ai thì cứu người đó. Khi trả lời như vậy, vua Trung Quốc hết lời khen ngợi và cho về Việt Nam.
Quý
vị nhớ quý thầy đã nói mượn chuyện để nói đạo lý, chứ không phải nói ông Mạc Đĩnh Chi là thiền sư. Tức là trong khoảng gấp rút đó, không kịp khởi niệm phân biệt là ai cả, gặp ai trước thì cứu người đó. Không phân biệt thì có tâm gì không? Không tâm gì cả. Bất trung, bất hiếu hay bất nghĩa là do lòng mình. Nhưng trong trường hợp này gấp rút quá, đã không kịp khởi tâm thì đâu có bất trung, bất hiếu hay bất nghĩa gì. Phân tích kỹ hơn để thấy điều này rất đặc biệt, vẫn sống hợp với thế gian mà đạo lý xuất thế gian không mất, đây mới là hay. Tại vì lúc này gấp rút thì chưa có niệm phân biệt, vì không phân biệt nên vô tâm, do vô tâm nên không có tâm thiên vị, vị nào mình cũng đều mang ơn sâu nặng như nhau hết nên không nỡ bỏ vị nào. Khi vô tâm, không có tâm thiên vị thì tâm đó
mới đủ rộng lớn, mới đủ bao dung hết tất cả và thấy ai cũng quan trọng,
cần phải cứu hết. Trong hoàn cảnh cấp bách, chỉ cho phép cứu một trong ba vị thì dù chỉ cứu được một vị, nhưng tâm mình bình đẳng, không thiên vị nên trọn nghĩa cả ba. Còn nếu phân biệt thì có tâm thiên vị, có thiên
vị thì có lựa chọn, nếu thấy vua quan trọng thì nhảy xuống tìm vua, hoặc thấy cha thân tình hơn thì nhảy xuống cứu cha, hoặc thấy thầy quan trọng thì cứu thầy. Nhưng đã có tâm phân biệt như vậy thì dù cứu được người nào trong ba người, mình cũng không trọn được đạo lý. Bởi khi mình
có tâm muốn cứu vị này thì đó là do mình thấy vị này quan trọng hơn hai
vị kia, là đã coi trọng vị này mà xem nhẹ hai vị kia rồi. Chính cái tâm
phân biệt và xem nhẹ đó cho nên chúng ta không được trọn vẹn đạo nghĩa đối với người mà mình xem nhẹ. Còn vô tâm thì bình đẳng, quảng đại. Trong trường hợp không thể nào khác hơn thì chỉ cứu được một trong ba vị
thôi. Nhưng do tâm rộng lớn, không phân biệt, không thiên vị nên dù chỉ
cứu được một, nhưng nghĩa trọn cả ba. Chính vì trả lời như vậy mới không kẹt, chứ trả lời một trong ba đều bị chém đầu.
Như
vậy quý vị thấy, chính cái vô tâm, không lao ra theo trần, đang ở bản vị mà thấy suốt thì mới đủ lớn để giải quyết tất cả những vấn đề sai biệt của thế gian một cách thỏa đáng, nhẹ nhàng và ổn định được. Còn sanh tâm lao ra theo trần cảnh thì bị dính mắc. Mà dính mắc thì bị vướng, khi đã bị vướng thì giải quyết được cái này là phải mất cái kia. Chính vì cái được mất không ổn đó mà tâm chúng ta bị rối rắm, bất an và không ổn định được, cũng không giải quyết được gì nhiều hơn bằng người bình tĩnh, vô tâm.
Qua
đó chúng ta mới thấy giá trị đạo lý thật đặt biệt. Ở ngay trong thế gian mà mình không vướng kẹt trên các pháp sanh diệt, hai bên đối đãi. Tuy không vướng, không kẹt, nhưng chúng ta trọn vẹn được tất cả chứ không phải là gạt bỏ tất cả để lấy một cái. Quý vị sống cho trọn vẹn đến
đây rồi thì mới thấy được giá trị của những câu kinh, câu luận: “Chẳng hoại các pháp thế gian mà bàn thực tướng”, hoặc là “Phân biệt tất cả tướng mà đối với nghĩa đệ nhất chẳng động” chính là chỗ này. Khi giảng nói thì quý thầy muốn bình dị hóa tất cả, muốn đưa đạo lý vào thẳng đời thường cho quý vị dễ nhận. Nhưng khi quý vị khéo tu, khéo nhận và sống được với thiền rồi thì mới thấy được sự sâu mầu của nó, mới thấu được những lời chư Phật, chư Tổ chỉ dạy bình thường mà rất phi thường chứ không phải tầm thường.
VII/ TRẢ LỜI CÂU HỎI CUỘC ĐỜI.
Nghe
qua bài giảng, quý vị đã hiểu thấu hết rồi. Bây giờ trở lại bức thư trên, quý vị phải trả lời như thế nào? Nên đi hay là không nên đi? “Nên đi hay không nên đi”, đó là lời nói giả thuyết của hai đầu, ngồi đây mà bàn việc chưa tới. Chỉ là đến lúc đó, tiện thì đi mà không thì thôi, miễn là tâm mình lúc nào cũng tốt với bạn là được rồi, bạn muốn nghĩ như
thế nào về mình cũng được, đó là quyền của bạn. Trả quyền lại cho cảnh,
mắc chi phải dính cho khổ. Như vậy chúng ta có bị đánh mất bản tâm mình
mà lao ra bên ngoài không? Mà sống được như vậy thì tất cả những cảnh hai bên này, có gì trói buộc mình được! Không gì có thể trói buộc mình được thì lòng mình có thanh thản không? Rất thanh thản. Tâm tốt với bạn thì đạo nghĩa thế gian vẫn trọn. Lòng thanh thản, không có gì ràng buộc,
bận bịu, đó là an lạc, giải thoát. Vừa trọn đạo thế gian, vừa trọn đạo giải thoát, có gì quý bằng! Sống được như vậy thì chúng ta mới thấy đạo lý giải thoát có một giá trị thiết thực ngay trong cuộc sống hằng ngày. Tuy cái thấy, cái sức sống vượt trên thế gian, nhưng đối với cái tương đối thế gian mình cũng trọn đủ. Tuy đang sống trong thế gian, không rời thế gian, nhưng mình vẫn an lạc, giải thoát. Sống được như vậy thì hằng ngày chỗ nào mà không có ánh sáng thiền? Quý vị đã học hiểu nhiều rồi, bây giờ đến lúc nên rút những cái của mình đem ra mà xài, đừng để trong túi hoài rồi phải chịu khổ. Nhiều lúc mình đem những lý cao huyền tôn trí lên bàn thờ để thờ, còn xuống bếp thì không chịu đem ra xài. Khi nghe pháp, tụng kinh, tọa thiền thì tỉnh được chút chút, khi về nhà thì nghiệp chướng phiền não còn nguyên. Đó là chưa biết đem đạo lý sống ra để xài. Nếu khéo đem ra tùy thời sử dụng thì không có chỗ nào mình mê mờ
cả. Sống được như vậy mới thấy hết được giá trị của thiền, vô tâm nhưng
thấu suốt và tròn đủ tất cả. Và đến đây chúng ta mới thấy, thiền là sống chứ không chỉ nói và hiểu nữa.
VIII/ KẾT LUẬN.
Những
vấn đề hai bên phức tạp của cuộc đời đã được nêu ra và phân tích, nếu quý vị chưa chịu thông, chưa chịu hiểu, chưa chịu thoát ra thì nó vẫn còn là những nghi vấn, vẫn còn là những câu hỏi của cuộc đời mà hằng ngày chúng ta đang phải tiếp cận rất gần. Muốn có được một cuộc sống ổn định thì cần phải biết cách để giải quyết những cái hai bên phức tạp của
cuộc đời, tức là phải trả lời cho xong câu hỏi của cuộc đời đang nạn vấn mình. Nếu quý vị nào nghe, hiểu, ứng dụng và sống được như vậy thì chúng ta đã trả lời được câu hỏi của cuộc đời này chưa? Nghe, hiểu, ứng dụng và sống được như vậy có nghĩa là chúng ta giải quyết được những phức tạp của cuộc đời, là câu hỏi của cuộc đời đã được trả lời xong, và quý thầy cũng không cần phải nói thêm gì nữa!
Thích Tâm Hạnh
Thiền Viện Trúc Lâm Bạch Mã, Thừa Thiên Huế
d
Discussion about this post