TÔI, ĐỒNG NGHĨA VỚI LOÀI VẬT
Nhụy Nguyên
Ví như tôi muốn bàn về vấn đề ăn
chay, là cũ lắm, cũ rích.
Sở dĩ phải bàn tiếp, bởi từ sát sinh (dẫu là bất khả
kháng) đi tới ăn chay,
“sự kiện” đó, theo cách nói của văn hào David Thoreau,
can dự một cách quan trọng vào vấn đề vận số của con người.
Cùng là động vật
Quá nhiều công trình khoa
học chứng minh cho sự khác nhau giữa loài người và loài vật. Và để thật sự phân
chia đẳng cấp vượt trội của mình, số đông cho rằng loài vật không có tư duy,
không có ngôn ngữ. Tôi không ý kiến lại kiểu cãi chày cãi cối. Suy nghĩ đơn
giản của tôi, là loài người ở nhiều nơi trên thế giới, khi mới xuất hiện cũng “không
có”, đúng hơn là chưa hoàn thiện ngôn ngữ mà phải dùng những ký hiệu hoặc nút
thắt để ghi sự kiện, tháng ngày…
Loài cá hồi cứ 5 năm một
lần, bất kể đang ở nơi đâu trên đại dương, không hiểu đã dùng tín hiệu gì để
rồi cùng nhau lũ lượt hành hương về nơi chúng sinh ra, bất chấp chặng đường dài
và khi đến nơi số lượng con sống sót thật ít ỏi. Lũ chó nghe được động đất rồi
chạy nháo nhào, bắng nhắng sủa khi máy dò tín hiệu – một trong những phát minh ưu
việt của con người chưa phát hiện ra. Có một loài tinh tinh, khoa học hiện đại
phân tích cho thấy giống đến 99% so với con người. 1% đó có cách lý giải nào
khác nếu không phải do “quy định” của nghiệp. Cũng vậy, trong một tác phẩm xuất
sắc về chiến tranh ở Việt Nam, tác giả mô tả cảnh con vật khi bị cạo lông thì
cặp vú “hiện ra” y hệt phụ nữ.
Trên mặt báo cũng từng đưa
tin về người thợ săn bóp cò thì điều bất ngờ xảy ra: con khỉ mẹ quay mình lãnh
đạn thay con. Khỉ, loài chúng ta vẫn thường gọi là tổ tiên của người (đến nay
sau bao nhiêu quá trình tiến hóa vẫn chưa rụng đuôi), hễ người chủ cầm dao làm
thịt thì quỳ xuống lạy lục xin tha mạng. Nhiều con trâu mới chỉ được dắt đến buộc
ngoài lò mổ, mắt chúng đỏ ngầu và nước mắt chảy ròng. Những con ếch và chàng
hương ở các quán nhậu, bị đè lên thớt đã cố dùng hai chân trước trì lại, trụt
cổ lui vì chúng biết lưỡi dao đang sắp “xử trảm”. Những con chó lạc chủ, sau
mười năm gặp lại vẫy đuôi rối rít vui mừng được “tái ngộ”. Một con chó khác khi
chủ chết, liền “tuyệt thực” lên mộ nằm cho đến chết!
Ngược lại, là con người, anh
em ruột thịt vẫn xách dao chém/giết nhau. Con ngược đãi bố mẹ như với tù nhân.
Thêm một chuyện thật một trăm phần trăm: cha đẻ hãm hiếp con gái trong một thời
gian dài mới bị vợ phát giác. Rồi trong những con người đường bệ, ăn mặc gọn
gàng, mở mồm toàn dùng tính từ mỹ miều bổ trợ cho danh từ đạo đức, song luôn có
những hành động “bậc thầy” của loài vật, những chiêu thức mà loài vật (do chưa
được công nhận là có ngôn ngữ) chưa nghĩ ra. Loài vật ăn thịt theo bản năng của
cái đói. Còn con người thì sao. Lịch sử còn ghi lại vết nhơ của một toán quân
mổ người làm thức ăn kiểu như đoạn được mô tả ở truyện Thủy Hử, Tam Quốc. Ở một
góc nào đó của thế giới chúng ta không cần biết địa chỉ rõ ràng, từng có một
nhà hàng chuyên phục vụ món lẩu “bào thai trẻ em”.
Những hành động như vậy lại vẫn
mang danh động vật bậc cao?! Thánh Mohanda Gandhi thẳng thắn đến lạnh lùng: “Chúng
ta không nên sai lầm chạy theo lối sống của các loài thú, nếu chúng ta tự coi
mình cao thượng hơn chúng”.
Thịt duy trì sự sống?
Người viết không có ý dẫn lời
nói các nhân vật tiêu biểu của nhân loại để cho đây là những kết luận đáng tin
cậy (như văn hào Nobel năm 1978 Isaac Bashivis Singer, Léon Toltoi, thi hào
Percy Bysshe Shelley. Kịch tác gia Bernard Shaw (1856-1950) Nobel văn học năm 1925 trước cơn thập tử nhất sinh vẫn
quyết ăn chay với nguyên do: “thà chết còn hơn làm cho bao tử trở thành mồ
chôn thú vật”. Bài thơ “Những ngôi mộ sống” của ông lan truyền
khắp thế giới: “Trước Trời Phật, trên nấm
mộ sinh sát/ Của muôn loài vô tội ta cầu xin/ Ban ơn lành, khi Luật Đạo Đức
kia/ Ta xé nát mà không hề thương tiếc/ Và như thế ta gieo nhân tội ác/ Của
Chiến Tranh cho nhân loại toàn cầu”. Cũng không ai có thể hù dọa những ai còn dùng xác
thân của những loài động vật bậc thấp nuôi sống sự ích kỷ của xác thân động vật
bậc cao – là bản thân mình. Bởi vì đã có rất nhiều lời khuyên “chiết” ra từ
những công trình khoa học uy tín bậc nhất nằm trong chương trình phát triển của
xã hội người trên thế giới, rằng ăn thịt là một sai lầm nghiêm trọng. Sữa động
vật, thiển nghĩ cũng như một dạng hoa quả, chúng ta hái đi (cây có đau, có
buồn) song không ảnh hưởng đến sự sống của cây); đã có nguyên một công trình so
sánh giữa ly sữa động vật với ly sữa đậu nành. Kết quả hàm lượng dinh dưỡng của
ly sữa đậu nành (mà nhu cầu cơ thể con người cần) gấp ba lần ly sữa động vật.
Mặt khác. Khi con vật bị
giết, nỗi sợ hãi tột cùng khiến chúng tiết ra một loại độc tố. Hơn thế, hầu hết
thịt đến tay người tiêu dùng có khi thời gian lên tới 6 tháng, đấy là chưa nói
chuyện chất độc của hóa học nhằm duy trì cho sự tươi cho thịt. Nói đúng ra, con
người luôn ở trong tình trạng ăn xác chết. Người ăn xác chết. Tất nhiên, bài
viết này không muốn bàn đến tác hại từ việc ăn thịt. Điều tôi muốn nói ở đây là
nỗi đau đớn của loài vật do chúng ta hành xử. Bạn hãy thử làm một so sánh. Chúng
ta tới nhà thương, thấy rất nhiều quằn quại kêu van, đau đớn, chúng ta chỉ xót
xa trên bề mặt cảm xúc, chứ ta đâu có đau như họ. Chỉ những bậc đắc đạo, họ mới
có thể đau nguyên vẹn nỗi đau của người bệnh đó. Xin bàn đến chuyện con chó, loài
vật gần gũi nhất với người. Con chó, nó vô tình làm vỡ một cái bình quý chẳng hạn,
bạn sôi tiết, vẫn làm bộ, này chó, lại đây, lại đây… Con chó dấn dứ nhưng cũng
ngoắt đuôi tới. Bạn co chân làm một cú cực mạnh. Ăng..ă…ng. Con chó lao ra ngoài giữ một khoảng cách an toàn tương
đối và bắt đầu “cảm nhận” sự đau. Ă…ng.
Khi đó, tại sao bạn không đặt câu hỏi: A, con chó cũng biết đau ư? Nó cũng đau
như người. Vậy, khi chúng ta nện búa vào đầu nó để làm món cầy, hoặc ác hơn thì
treo lên chọc tiết, cho nó giãy giụa chết từ từ, liệu nó có đau đớn từ từ không
nhỉ? Ồ, câu trả lời khó quá. Phải có một công trình khoa học để chứng minh sự
đau của nó mình mới tin (!). Rồi khi ta cắt tiết gà, lột da rắn, đánh toát mồ
hôi loài dê, cột trâu đâm đến chết…, tất cả cần phải được chứng minh ư.
Phật từng khuyên nhắc: “Hết
thảy chúng sinh đều sợ hình phạt, sợ tử vong và đều yêu quý mạng sống; hãy lấy
mình làm ví dụ để không giết hại hay khiến người khác giết hại”.
Điều quái hơn, nhiều con
người dùng nỗi đau làm thú vui.
Một hiện tượng đã bị báo chí
gay gắt, cũng xin được nhắc lại để minh họa. Khỉ, bịt miệng cạo trọc đầu, trói
vào dưới một cái bàn, chỉ lồi cái “đầu hói” lên trên. Lưỡi dao sắc bén lia
ngang, “éo!”. Khỉ nhắm mắt, và nhắm mắt vĩnh viễn dưới bàn, còn trên bàn nhậu
thì hả hê tay muỗn tay nĩa múc óc nó còn nóng ăn trong niềm phấn khích, sảng khoái
tột cùng. Nhắc lại thí dụ đã nêu, con khỉ sắp bị giết quỳ lạy, người đồ tể cầm
dao chỉ nó và cười: xem kìa, mọi người đến xem con khỉ lạy kìa, hay chưa, vui
chưa… Có một nhân vật trong tổ chức bảo vệ ngược đãi thú vật đã đưa ra sáng
kiến, tất cả các lò mổ giết gia súc nên chỉ che kính, để mọi người đi ngang
thấy cảnh giết rùng rợn đó, bi thương mà bớt ăn thịt. Tôi nghĩ ngược lại, khi
ấy không khéo người kéo tới vòng trong vòng ngoài xem cảnh máu me. Tệ nhất là
trẻ em chưa nhận thức đầy đủ sẽ hân hoan trước những cú giật điện hàng loạt
trâu bò lợn đổ nhào xuống như loài không xương, hay cảnh một người lực lưỡng
giơ cao búa tạ nện xuống đầu con trâu, nó gục xuống, đầu đang lắc lư vô thức,
quài hai chân trước đứng dậy lưng chừng thì, “bụp” nhát búa thứ hai giáng chính
đầu, mắt tóe ra… Riêng về trường hợp như nhà vô địch quần vợt Peter Burwash là
hiếm: “Khi tôi rời khỏi lò sát sanh, sự tội nghiệp đã giày vò lương tâm tôi.
Tôi thầm nhủ sẽ không bao giờ có đủ can đảm đi sát hại một con vật dù lớn dù
nhỏ. Tôi hiểu rằng có những nhân vật lỗi lạc trên thế giới họp nhau để bàn cãi
về các vấn đề vật lý, kinh tế và môi trường. Cũng có một số người tán đồng với
chủ thuyết ăn chay. Song điều làm cho tôi chọn lấy con đường chay lạt không
phải chạy theo chủ thuyết này hay chạy theo chủ thuyết nọ mà chính vì những
cảnh dã man mà con người đã đối xử một cách tồi tệ với các loài vật không
phương tự vệ”. Đây là tinh thần mà Đức Đạt Lai Lạt Ma
thứ 14 đã phát biểu trong Ngày Từ Bi Thế giới năm 2013: “Tôi không phải là
người ăn chay cho đến khoảng năm thập kỷ trước, nhưng khi tôi nhìn thấy con gà
mái bị hành hạ trong một trại nuôi động vật, tôi quyết định trở thành người ăn
chay”.
Việc thi thoảng truyền hình
tìm ra một vài trường hợp không cần ăn uống mà vẫn sống một cách khỏe mạnh, với
người tu, đấy chẳng có gì lạ. Những người không ăn vẫn sống đếm không xuể ở
trên dãy Himalaya, ở trong các hang động mà
họ tự bịt cửa tu luyện, dĩ nhiên không cần ăn uống. Trong không gian này, năng
lượng tồn tại còn có thể hiểu là “thức ăn”. Chỉ những trường hợp đặc biệt và
người tu luyện đạt đến tầng cao mới mở được “kênh” để sử dụng loại năng lượng
ấy. Khoa học thường đưa ra một menu thức ăn, trong mỗi bữa mỗi ngày phải thịt
này cá này… mới đầy đủ dinh dưỡng. Nếu vậy thì chỉ cần lấy vài người tu ăn
rau cỏ ở mức “bần nông” cũng đủ để “cãi” lại công trình dinh dưỡng trên; tất
nhiên họ gắn liền với sự thiền định, luôn giữ thân và thanh tịnh.
Nhà Nobel vật lý năm 1921
Albert Einstein nhắn gửi: “Không gì có lợi cho sức khỏe của con người để có cơ
hội sống lâu trên quả địa cầu này bằng cách ăn chay”. Điều này hoàn toàn đúng.
Song nếu chỉ vì sức khỏe mà ăn chay, thì đấy không hề là Chân Tu.
Ăn mặn cõng nghiệp
Ở đây không dám bàn đến vấn
đề nghiệp mà con người sẽ phải trả khi nào, chỉ muốn kể ra chuyện mắt thấy tai
nghe về quả báo nhỡn tiền. Chuyện Tàu: tại gia đình nọ, một chú lợn bị mổ, anh
hàng xóm vô tình qua và phát hiện hai chữ Tào Tháo khắc trên lá gan lợn còn
nóng. Người hàng xóm phát nguyện Tu luôn. Chuyện Việt: một cô bán cháo gà, đêm
nằm mơ mới hay mình đang chuẩn bị giết chính ông nội (bị đầu thai làm gà)… Ở
làng tôi, có anh Th. chuyên mổ lợn, đứa con trai đầu lòng chào đời với bộ mặt
của… lợn. Anh bỏ nghề từ đấy.
Phật Pháp
Nhiệm Mầu kỳ 31 tại Chùa Hoằng Pháp, xin dẫn phần nhỏ nội dung sự thật. Nhân
vật chương trình kỳ này là Phật tử Nhật Trung, người đã có một đầu óc vô
cùng sáng tạo trong việc kinh doanh các món nhậu tươi sống cho những vị khách
thích tìm cảm giác khoái lạc khi được tận mắt chứng kiến con vật được giết sống
trước khi ăn. Vốn chưa từng biết ghê tay trước những cảnh giết mổ nào, bản thân
cũng là một kẻ “khát” cảm giác tra tấn, hành hạ các con vật để thỏa mãn sự hiếu
kỳ của chính mình, Nhật Trung đã thử sáng tạo rất nhiều cách giết: trói khỉ,
vạt đầu, lấy óc tại chỗ; rưới từng gáo nước sôi lên lông mèo để lông mèo tự
bung mà không cần nhổ, hay trói bò, chặt đuôi (vì muốn ăn thân thể con vật khi
nó còn sống) v.v. Và quả báo hiện tiền đã xảy đến: trong 2 năm 6 người thân
trong gia đình chết bất đắc kỳ tử; bản thân anh đau đầu dữ dội, luôn phải đập
vào tường cho đỡ, người nổi ngứa mọc từng vảy sừng có hình con vật lạ, con gái
ốm yếu, vàng vọt, mọc lông ở lưng… Cũng may, nhờ căn lành nhiều đời nhiều kiếp,
Phật tử Nhật Trung đã gặp được nhiều thiện tri thức, đặc biệt được đại đức
Thích Thiện Thanh khai ngộ…
Chuyện tương tự thì vô vàn,
kể xuyên đêm thấu sáng chẳng hết, dẫu cho đấy chỉ mới là con số phần trăm so
với số nghiệp phải trả ở những kiếp khác, hay “truyền” lại cho con cháu, anh
em, họ hàng…
Người trực tiếp giết hại
động vật phải gánh nghiệp nặng đến nhường ấy, khổ não đến nhường ấy, hỏi người
ăn thịt sao lại không chịu phần trăm cho được. Quy luật vũ trụ cực tinh vi và
phân minh. Một tòa nhà sụp đổ lúc có hàng trăm ngàn người đang làm việc, vẫn có
người được Nghiệp “lập trình” cho sống, việc ấy dẫu kỹ thuật hiện đại phát
triển tột cùng cũng khó thực thi.
Lại lấy thí dụ. Một người
giàu có, mặt mày sáng sủa lịch thiệp, buổi chợ nọ dẫn người đầu bếp đi, ra đến
chỉ chỏ mua con này, con này còn giẫy còn tươi, xong trả tiền, phủi tay. Về
giao cho đầu bếp làm thịt con động vật và lên giũa móng tay, tự hào mình không
sát sinh, mình còn tốt chán khi trả thêm tiền cho mụ kia. Nhầm. Nghiệp lãnh từ
con động vật bị giết, phần lớn người chủ gánh. Từ đó mà suy, những người ăn
thịt đều mang trong mình nghiệp lực rất lớn. Nghiệp ấy sẽ “cản trở” những điều
may mắn lẽ ra đáng được hưởng, nghiệp ấy sẽ “điều khiển” họ nhảy vào những cuộc
chơi vô bổ, những cuộc “thăng hoa” mà hậu quả chắc chắn nhận lãnh rõ nét nhất
là bệnh tật, tâm đen tối lạnh lùng, vô cảm trước nỗi đau của loài vật và của
loài người. Sự sống của họ dựa trên “nền tảng” đó cho tới khi mở mắt [nhắm mắt]
ở thế giới bên kia.
Ăn chay như làm một việc tốt
Có thể nói, trong vô vàn
những điều kiện cần của một người tu, phải kể đến ăn chay. Ở đây không hẳn luật
lệ, mà chính là tâm. Đạo Jainism được thành lập hơn 2000 năm do Mahavira, một
vị hoàng tử đã từ bỏ cung vàng điện ngọc vào rừng tu hành và đắc đạo; giáo lý:
mở rộng lòng thương (Ahimsa). Ahimsa dạy các tín đồ phái này không được sát
sinh, ăn thịt cá mà ngay trong nhà cũng không được chứa một thứ gì do sự giết
chóc. Các giáo sĩ đạo Jain mặc toàn đồ trắng trên mặt bịt một miếng vải thưa
chỉ chừa đôi mắt. Họ làm thế để tránh loài ruồi, muỗi khỏi bay lọt vào mũi,
miệng. Vì lòng bác ái Ahimsa bao trùm tất cả, lỡ có sâu bọ nào vô phúc bay lọt
vào rồi nằm trong đó thì phạm tội sát sinh. Không những thế, các giáo sĩ đạo
Jain mỗi năm phải nhập nhất một lần trong suốt ba tháng hè vì thời gian đó côn
trùng sinh sản nhiều sợ giẫm lên chúng.
Đạo Phật nguyên sơ không cấm
ăn mặn. Nhưng việc đó “tiếp tay” cho sự giết hại sinh linh, nên ăn chay đã sớm trở
thành ước nguyện trọn đời của người tu. Nếu ai đó không được sinh ra ở chùa
(hoặc cha mẹ đưa gửi chùa từ nhỏ), ăn mặn đã quen thói, thì ăn chay là một việc
vô cùng nan giải, trừ số người có căn cơ tốt. Nhưng để tiến đến tu tập một cách
chân chính, một cách “chuyện nghiệp”, đích phải ăn chay trường.
Người trần (người không tu)
nhưng có ý hướng đến cõi thuần tịnh của Phật ngoài việc tự nguyện ăn chay tùy
thời điểm, còn lại chủ yếu ăn chay ngày mồng một và ngày rằm. Chỉ hai ngày
trong tháng này thôi song là trở ngại của không ít người thuộc “dòng dõi” Phật.
Rất nhiều gia đình, đến ngày chay tịnh liền ra chợ sắm đủ thứ ngon lành để làm
mâm chay thịnh soạn đến mức tính ra số tiền vượt xa cả thịt cá tiệc tùng. Họ
xem đó như một sự đổi món, dễ dàng chấp nhận. Không ít gia đình tang gia, húy
kỵ, dọn chay, đến giờ mời cơm thì vắng tanh vắng ngắt, người được mời bỏ về quá
nửa, hoặc ngồi vung đũa sơ sài sợ mất lòng khổ chủ. Tôi biết dẫn ra như trên đã
mang tội, nói chi đến dám bịa mà viết. Ăn chay là nghĩa cử, nếu ăn chay trong
trạng thái bực bội, coi rẻ đồ chay, tâm vọng động thịt cá ắt mắc tội nặng.
Tôi từng nghe một đại gia,
trong cuộc nhậu đã nói với người ăn chay. Tao ở nhà lâu lâu vẫn ăn chay… Nếu
hiểu “đổi món” như vậy là ăn chay, thì những người nông dân nghèo khổ ở một số
các vùng quê hẻo lánh, là người “trường chay” đáng nể. Một người bạn ở Hà Nội,
anh bảo tôi ở ngoài này quán chay hiếm lắm. Chay là đặc sản. Người ta đi ăn
chay như một thú vui, lạ miệng. Còn khen ngon lắm. Ngon hơn đồ mặn. Lại nhớ
trường hợp khác, mấy cô học sinh một lần sà vào gánh sắn, vừa ăn vừa khen sao
mà sắn ngon thế, ăn mấy không nhàm. Nếu đám học sinh kia chỉ ăn thêm một ngày
sắn nữa lại chẳng thè lưỡi van sắn đắng sắn chát, sắn khô khan khó nuốt?
Người Việt chúng ta đa phần
nuôi chó. Có chú chó được tắm rửa hàng ngày bằng xà bông thơm, được ngủ giường
nệm với chủ, được ăn uống sung sướng hơn một công chức trung lưu, ốm đau có thú
y. Chú chó bị ganh tị, một ngày bị bỏ thuốc, người chủ đã khóc sưng húp cả mắt.
Thương đến tận tim. Trong xã hội còn có rất nhiều chú chó được chủ thương như
vậy. Chó chết, khóc lóc rồi đưa chôn cất tử tế. Một ngày nọ, bạn người chủ con
chó cưng trên mới nhắc đến thịt chó liền nhễu nước miếng, cùng ù tới quán Cờ Tây.
Nếu con chó của chủ nọ không chết, tôi dám thề: họ sẽ không ăn thịt con chó
cưng của mình nếu nó vô tình bị ai đó giết thịt. Nhưng họ sẽ ăn thịt những con
chó (cưng) khác của những người chủ thương chó khác. Đấy là chưa bàn đến
chuyện, những con chó bị phanh thây trong các quán cầy hầu hết đói khổ, ghẻ lở,
mùa đông phải nằm ngoài thềm lạnh… tức chúng nhẽ ra đáng thương hơn những con
chó cưng, cần được cứu vớt hơn.
Nói vậy để biết, ăn chay là
một việc không đơn giản. Chỉ ăn chay tháng vài ngày thôi để tỏ lòng sám hối với
loài vật rất gần người cũng ít ai tròn nghĩa vụ. Ngày rằm lắm người chỉ ăn được
hai bữa, tối đến đã thèm đồ mặn, thèm mồi mả nhậu nhẹt… Ăn chay, xét ở góc độ
nào cũng là việc tốt nhất trong các việc tốt cần thực hiện ít nhất mỗi tháng một
vài ngày. Một việc tốt đến thế, nhưng thử hỏi mấy ai làm tròn. Mỗi tháng không
làm nổi vài [ngày] việc tốt, nói chi đến làm những việc vĩ đại. Cái gọi là công
việc “vĩ đại” kia có phải vì lợi ích cá nhân, vì lợi ích trong bốn bức tường vây
bọc gia đình hay vì lợi ích của người thân nào đó mới quen?
Đức Gôtama một lần ngang qua
khu rừng, thấy mẹ con nhà hổ đói quá, nảy sinh ý nghĩ hiến thân mình để chúng
có “một bữa no”.
Có những việc nguyên gốc
đúng, thì nay, do sự “phát triển” của xã hội nên thành sai; cũng giống như 5
người tỉnh táo trong 100 người điên, thì phần điên được gán cho 5 người kia.
Cũng vậy, ăn chay vốn là việc tốt, nay người đời cho là thiếu khoa học, “sai”. Trong
Kinh Lăng già, Đức Phật “quan sát thấy tất cả thịt mà chúng sanh ăn
đều là thịt người thân của họ”. Thì đó chính là “ăn mạng” (mà nay được gọi trại đi là “ăn mặn”). Khi xã hội trượt phanh như hôm nay, hiển
nhiên, ăn mặn chưa hẳn là việc xấu. Nhưng để [chặt đứt sợi xiềng] hướng về
cõi Phật một cách nhẹ nhàng thanh thoát, người tu sẽ hiểu ăn mặn là sự đại diện
của việc xấu (mà giết chóc là việc ác), vậy nên trước hết người tu giải thoát mình khỏi việc ăn mặn. Hiểu
thêm một bậc, Tu, đơn thuần là giải thoát dần khỏi những việc xấu.
Tôi một ngày thuần chay
không hẳn hạn chế được việc trái đất này giết thêm một con vật đáng thương, mà
chính là đang tự nhắc nhở: tôi, đồng nghĩa với loài vật.
N.N
Discussion about this post