TÍNH KHẢ THI CỦA TRIẾT LÝ GIÁO DỤC PHẬT GIÁO
Thích Viên Trí
Giáo dục Phật giáo không dính dáng gì đến đức tin, cầu nguyện hay nghi lễ mang ý nghĩa tôn giáo. Nó cũng không phải là một hệ thống triết thuyết mang tính giáo điều, răn đe, mà là một con đường dẫn đến nếp sống an lạc, hạnh phúc, hoàn toàn giải thoát nhờ vào sự hoàn thiện đạo đức, tri thức và tâm linh.
Văn hóa là yếu tố nền tảng tạo nên sự đặc thù của từng quốc gia, từng xứ sở; nhưng cái làm nên văn hóa lại là giáo dục. Trong ý nghĩa như thế, sự hiện hành của một hệ thống giáo dục trong một giai đoạn lịch sử nào đó chính là hệ quả từ định hướng về triết lý sống hay giá trị cuộc sống. Nói khác đi, sự thành công hay khủng hoảng của một nền giáo dục có nguồn gốc từ sự định hướng này. Theo triết gia Bertrand Russull, ở bất cứ thời điểm nào, hai mục tiêu mà giáo dục luôn hướng đến là hướng dẫn và huấn luyện hành vi tốt cho con người[1]Dĩ nhiên, để đáp ứng tiêu chuẩn vừa nêu, triết lý giáo dục của nó phải phục vụ cho hướng đi này.
Có ba hệ thống giáo dục hiện hành cần được tham khảo. Triết lý giáo dục của hệ thống đại học tại Đức cho rằng đại học là nơi làm ra và phổ biến tri thức[2]. Theo Albert Einstein, nếu nhà trường chỉ là nơi sản xuất và trao truyền kiến thức là một sai lầm lớn của giáo dục, vì kiến thức là chết chóc mà nhà trường thì phục vụ cho sự sống[3]. Krisnamurti cũng đồng quan điểm với Einstein khi cho rằng giáo dục không chỉ học từ sách vở, nhớ những sự kiện, mà còn phải học cách nhìn cách lắng nghe những gì mà sách vở muốn nói, dù đó là đúng hay sai. Giáo dục không chỉ vượt qua những kỳ thi, nhận văn bằng, tìm được công việc, lập gia đình, mà giáo dục là phải có khả năng giúp con người lắng nghe tiếng chim kêu, bầu trời xanh, những cảnh đẹp tuyệt vời của cây cỏ, núi rừng, cảm xúc và cảm nhận chúng một cách trực tiếp và thực thụ. Tất cả đó mới thật sự là giáo dục[4].
Các đại học tại Pháp lại chủ trương rằng đại học đào tạo người lao động có năng lực phục vụ cho đất nước[5]. Nếu như thế, vai trò của giáo dục ở đây chỉ có nhiệm vụ huấn luyện con người trở thành công cụ theo khuôn mẫu định sẳn. Như thế, con người đánh mất đi sự sáng tạo, sự tự do, và không cảm nhận được ý nghĩa của cuộc sống. Bởi lẽ, theo J. Krishamurti, “chúng ta không thể thông minh bằng việc phụ thuộc một cách đơn thuần vào quyền lực này hay quyền quyền khác, một tầng lớp này hay một tầng lớp khác…Chí có cuộc cách mạng nội tâm sâu sắc, được xem là trọng tâm của mọi giá trị, mới có thể tạo ra một môi trường mới, một cấu trúc xã hội thông minh”.
Trong khi ấy, các đại học tại Âu Mỹ lại cho rằng đại học tôi luyện tư cách, bản lĩnh, nhân sinh quan cho thanh niên, tôn trọng sự phát triển con người cá nhân[6]. Với Schopenhauer, “con người tuy có thể làm những gì mình muốn, nhưng không thể (chạy theo) những gì mình muốn”[7]. Trong ý nghĩa của câu nói này, chúng ta có thể nói rằng không phải khía cạnh nào của con người cũng cần được phát triển, bởi lẽ nếu phát triển một cách tự do, tùy tiện hoặc phiến diện sẽ đưa đến sự mất cân đối trong mỗi cá nhân và cả xã hội. Bởi vì, mục tiêu của giáo dục không đơn giản chỉ giáo dục cá nhân biết tư duy và hành động độc lập, mà phải hướng dẫn con người thấy rõ mục tiêu cao cả nhất của đời sống của mình. Bức tranh về sự khủng hoảng đạo đức nhân văn ngay tại vùng đất sản sinh triết lý này đã nói lên sự bất cập của hệ thống giáo dục này.
Cũng cần nhắc lại rằng những ám ảnh “khủng hoảng” mà thế giới ngày nay đang quan ngại rõ ràng không chỉ là hệ quả của giáo dục, mà là mối hệ lụy trực tiếp từ định hướng của văn hóa hay triết lý sống. Do vậy, nếu chỉ chú trọng đến những hiện tượng rối loạn trong xã hội và quy kết trách nhiệm khủng hoảng ấy cho hệ thống giáo dục hiện hành thì chỉ mới định bệnh ở đầu ngọn. Nguồn gốc thật sự của căn bệnh vẫn chưa được nhận diện. Theo A. Toynbee, sử gia người Mỹ, đặc tính của một nền văn minh là sự biểu lộ về tôn giáo của nó, và văn minh được quyết định bởi phẩm chất của tôn giáo mà nó dựa vào.[8] Trong khi ấy, Aurelo Peccei lại khẳng định rằng mọi khủng hoảng của thế ngày nay đều bắt nguồn từ nền tảng triết lý tôn giáo, ban đầu từ truyền thống Do Thái giáo thuộc tây Nam Châu Á và Thiên Chúa giáo, sau đó lan tràn khắp nơi.[9].
Nhìn nhận khuynh hướng văn hóa của xưa và nay, Erich Fromn, nhà phân tâm học người Đức, phát biểu: “.Trong khi căn nguyên của nền văn hóa Tây phương, bao gồm cả Hy Lạp lẫn Do Thái, xem mục tiêu của cuộc đời là hoàn thiện con người, con người thời đại ngày nay chỉ quan tâm đến hoàn thiện đồ vật, và học cách để tạo ra chúng”[10]. Với định hướng văn hóa như thế, tư duy sống được chấp nhận một cách rộng rãi nhất ở thời điểm hiện tại: hạnh phúc lý tưởng của con người là vật chất và nguồn lợi tức từ vật chất mà họ kiếm được. Rõ ràng, mọi phương tiện để đạt đến mục tiêu này, bao gồm cả triết lý giáo dục, liên tục được phát minh và cải tiến. Sự ra đời những hệ thống kinh tế, công nghiệp hiện đại nhằm thỏa mãn tham vọng hoàn thiện đồ vật của con người đã tạo vô số của cải vật chất, đã làm cho thế giới này trở nên phong phú, văn minh, hiện đại hơn.
Tuy nhiên, mặt trái của vẻ hòa nhoáng này lại sản sinh vô số thảm họa đã và đang diễn ra khắp nơi trên thế giới. Hệ quả của mẫu thức giáo dục và phát triển nhân cách thiếu cân đối, hài hòa này tạo nên bức tranh khủng hoảng toàn cảnh, từ thế giới con người đến thế giới tự nhiên, đe dọa đời sống của mọi loài trên hành tinh này, bao gồm cả sự sống còn của nhân loại. Trong cái nhìn của Bertrand Russell, “thế giới ngày nay cần có một triết học hoặc tôn giáo để cải tạo cuộc sống. Nhưng để kiến tạo một cuộc sống mới, nền tảng cần thiết để đánh giá là một thứ gì khác hơn là một đời sống đơn thuần. Cuộc sống được cải tạo chỉ để sống thì giống như động vật mà không có bất cứ giá trị nhân văn nào, cuộc sống ấy không bảo toàn được nhân loại một cách lâu dài khỏi sự mệt mỏi, và cảm giác trống rỗng”[11].
Như thế, chúng ta có thể giả định rằng khủng hoảng của thế giới hiện nay là khủng hoảng lý tưởng sống, tức định hướng văn hóa mà không chỉ là khủng hoảng giáo dục. Trọng tâm của vấn đề cần phải nhìn nhận một cách thấu đáo ở đây là: “con người là gì và mục tiêu của cuộc sống con người là gì?”. Đây cũng là câu hỏi mà con người ở các nước văn minh đang đặt ra cho giới lãnh đạo các quốc gia trên thế giới qua làn sóng biểu tình chiếm cứ ‘Wall Street”, bắt nguồn từ Mỹ sau đó lan tràn khắp nơi trên thế giới, cụ thể là ở Paris-Pháp với khau hiệu: “MAN NOT ECONOMY” (con người chứ không phải kinh tế). Bởi lẽ, con người là chủ nhân của thế giới này chứ không phải bất cứ thứ gì khác.
Tuy nhiên, với khuynh hướng sống “hoàn thiện vật chất” hiện nay, con người vô hình dung đã trở thành vật nô lệ cho cái tư tưởng sở hữu (to have) mà không phải là hiện hữu (to be) của chính mình. Nói khác đi, hệ văn hóa hiện hành đang nghiêng nặng về chủ nghĩa vật chất và thực dụng và xem nhẹ yếu tố tinh thần. Các hệ thống giáo dục đương thời chú trọng đến giáo dục hướng nghiệp hay chuyên môn hóa con người được xem như là phương cách để thỏa mãn khát vọng của họ. Những thành tựu về khoa học kỹ thuật, điện toán, nguyên tử hạt nhân phản ánh hiệu quả của khuynh hướng văn hóa này. Tuy nhiên, theo Krishnamurti, người biết cách để tách rời một hạt nguyên tử, nhưng không có tình yêu thương trong trái tim sẽ trở thành ác quỷ[12]. Vì vậy, Elbert Einstein nói rằng dạy cho người một chuyên ngành thì chưa đủ.
Bởi bằng cách đó, anh ta tuy có thể trở thành một cái máy khả dụng nhưng không thể trở thành một con người đầy đủ phẩm giá. Anh ta phải được dạy để có một ý thức sống động về cái gì là đẹp và cái gì là thiện. Nếu không, với kiến thức được chuyên môn hóa của mình, anh ta chỉ giống một con chó được huấn luyện tốt hơn là một con người được phát triển hài hòa[13]. Những báo động về sự vô cảm của con người trước những nổi đau quằn quại của đồng loại đang xảy ra khắp nơi trên thế giới có thể là hệ lụy từ khuynh hướng máy móc hóa, hay hiện đại hóa này. Vô số thảm họa thiên tai, hạn hán, bảo lụt, băng tan là hậu quả khôn lường của lối sống hưởng thụ, quá đề cao giá trị của con người.
Có thể nói rằng hệ văn hóa giáo dục đương thời đã khiến cuộc sống con người đang mất sự hài hòa cân đối. Bới lẽ, theo Neru, cố thủ tướng Ấn Độ, giáo dục có hai hướng chính: hướng văn hóa có chức năng đào luyện con người trưởng thành, hướng hiệu năng giúp con người tạo ra vật chất. Nói khác đi, nền giáo dục hiện đại đang làm tốt chức năng tạo ra vật chất, nhưng thất bại trong việc truyền đạt về giá trị và ý nghĩa của đời sống văn hóa tinh thần; vì theo Indra Gandhi “phẩm chất của giáo dục phải được phản ánh trong phẩm chất, giá trị và sự tôn nghiêm của cuộc sống”[14]. Trước thực trạng này, Elbert Einstein cho rằng nhân loại đang cần một loại “văn hóa đạo đức” mới có thể giải quyết khủng hoảng này.[15]Tuy nhiên, theo Mahatma Gandhi, đời sống đạo đức mà không liên hệ đến tôn giáo cũng giống như xây nhà trên cát. Nói theo ngôn ngữ của Kant và E.D Burton, cuộc sống không có tôn giáo thì bất toàn, và giáo dục và tôn giáo có một mối liên kết tự nhiên[16]. Trong ý nghĩa này, tôn giáo có một vai trò rất quan trọng trong hệ thống giáo dục. Nhưng, triết lý giáo dục của tôn giáo nào là khả thi trong bối cảnh văn hóa hiện nay? Làm thế để vận dụng triết lý tôn giáo vào trong giáo dục là một câu hỏi không đơn giản.
Theo nguyên lý giáo dục, yêu cầu căn bản của một triết lý giáo dục hoàn thiện cần phải thỏa mãn ba vấn đề: 1. bản chất con người là gì?; 2. Nền giáo dục ấy muốn con người trở thành cái gì? 3. Phải làm gì để có con người chúng ta muốn?[17]. Với tư tưởng chủ quan, chúng tôi thiết nghĩ rằng triết lý giáo dục Phật giáo, đặc biệt là học thuyết duyên khởi và ngũ uẩn, có thể là một trong những giải pháp đáng suy gẫm đối với các nhà văn hóa giáo dục đương thời.
Về vấn đề bản chất con người, Phật giáo chủ trương rằng con người là sự cấu thành của năm nhóm (uẩn), gồm sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Nói theo ngôn ngữ hiện đại, con người là một tổng thể của năm thành tố: thể chất, tình cảm, tri giác, lý trí và nhận thức. Năm thành tố này lại được phân thành hai nhóm: sắc pháp (thể chất) và tâm pháp (tinh thần). Một con người đúng nghĩa phải là một nhân cách bao gồm cả hai năng lực trên. Xem trọng một trong hai sẽ dẫn đến sự phát triển mất cân đối, hài hòa của cá nhân cũng như xã hội. Vì nếu giáo dục chỉ chú trọng đến phạm trù thể chất (sắc pháp), nghĩa là người ta đã phủ nhận năng lực tâm linh. Ngược lại, nếu chỉ nhấn mạnh đến tâm linh (nói theo các tôn giáo hữu thần là phần hồn), người ta sẽ bỏ quên sức mạnh của vật chất, thế giới hiện thực.
Từ hệ luận trên, có thể nói rằng các học thuyết giáo dục đương thời dường như đang biểu hiện những nhược điểm vừa nêu. Theo thiển ý của người viết, đây có thể là trọng tâm của vấn đề; bởi vì một lý thuyết giáo dục chỉ được xem có giá trị khi hội đủ cả năm yếu tố trên, giáo dục chỉ có thể giúp chúng ta nếu giáo dục đào tạo con người toàn diện. Nói khác đi, có lẽ đã đến lúc người ta cần tìm kiếm một loại triết lý trung đạo để giải quyết cơn khủng hoảng này. Bởi lẽ, “dạy con người về chuyên môn chưa đủ. Qua khả năng chuyên môn, cá nhân trở thành một thứ máy móc công dụng hữu ích mà không phải là một nhân cách được phát triển hòa điệu. Điều căn bản thiết yếu là người ta cần nắm bắt được sự hiểu biết và cảm nhận được sinh động về các giá trị.
Mỗi cá nhân phải học hiểu các động cơ của con người, vô minh và nỗi khổ đau của con người để nắm bắt được sự liên hệ rõ ràng với các cá nhân và đồng loại và với cộng đồng của mình.”[18] Như thế, một nền giáo dục đúng nghĩa phải là một nền giáo dục toàn diện, chú trọng đến mối liên kết giữa thân và tâm, sự tồn tại bất ly giữa cá nhân và xã hội. Giáo dục Phật giáo có thể đáp ứng được tiêu chí trên khi nhấn mạnh đến con người toàn thể mà không chia chẻ nhân cách từng phần. Đức Phật tuyên bố: “Thức có thể tồn tại với sắc làm phương tiện, sắc làm đối tượng, sắc làm nơi nương tựa….(tương tự với thọ, tưởng, hành). Nếu ai bảo rằng họ có thể chỉ rõ sự xuất hiện, sự ra đi, sự biến mất, sự sinh, sự tăng trưởng, phát triển và biệt lập với sắc, thọ tưởng, hành, thì đấy là một điều không thực có”[19]. Nói khác đi không thể có một con người tâm linh tách rời thế giới hiện thực này; cũng không thể hình dung được cái gọi lại người mà nếu chỉ là một con người thể chất thuần túy. Đây chính là nét khác biệt của Phật giáo với các hệ tư tưởng và tôn giáo khác.
Về vấn đề thứ hai (con người trở thành cái gì?), Phật giáo chủ trương rằng con người là chúng sanh tối thượng trong mọi loài. Con người có khả năng trở thành nhân cách tốt đẹp nhất ngay trong cuộc đời này qua lời tuyên bố “Ta là Phật đã thành chúng sanh là Phật sẽ thành”. Trong vị thế con người, đức Phật đã chứng minh lời nói trên với nhân loại. Sự giác ngộ của đức Phật đã mở ra một chương mới trong tư tưởng nhân loại, đặc biệt trong công cuộc giải phóng con người khỏi mọi ách nô lệ, kể cả nô lệ đối với thần linh. Lời phát biểu sau đây của Robindranath Tagore có thể soi sáng cho quan điểm trên: “…đức Phật là người đã thánh hóa cuộc đời bằng một lần thị hiện tại mảnh đất trần thế qua hình ảnh bằng xương bằng thịt của Ngài…”[20]. Bên cạnh việc nô lệ thế giới siêu hình, một yếu tố khác cũng khiến con người đánh mất vị trí và phẩm giá của mình là nô lệ chính dục vọng của mình.
Dục vọng và khát vọng thỏa mãn nó đã biến con người từ vị thế là chủ nhân ông của thế giới trở thành nô lệ cho chính mình, cho thế giới vật chất. Một cá nhân đứng trước một sắc đẹp mà tâm hồn mê dại, chứng tỏ người ấy bi chi phối và nô bởi sắc đẹp. Tương tự, một cá nhân luôn thèm khát với các dục lạc như tài, danh, sắc, thực, thùy, người ấy bị chi phối và nô lệ bởi ngoại cảnh. Một nền giáo dục tốt phải hướng dẫn con người nhận diện được phẩm chất, ý nghĩa và giá trị của cuộc sống. Giáo dục Phật giáo có thể giúp con người nhận chân được sự tầm thường, sự nguy hiểm của dục vọng để thoát khỏi sự chi phối của nó. Đích đến của đạo Phật là sự giải thoát, giác ngộ: sự tự do thật sự. Người ta chỉ có thể là chính mình, là người hạnh phúc khi giải thoát hoàn toàn mọi sự trói buộc, đặc biệt là sự trói buộc của cái tự ngã mỗi người, bởi vì “giá trị chân chính của một con người chủ yếu được xác định bằng các tiêu chuẩn và ý nghĩa, trong đó người ấy đã đạt tới sự giải thoát khỏi cái ngã.”[21]
Mệnh đề căn bản thứ ba của một nền giáo dục là làm sao để có những con người chúng ta muốn? Giải đáp của Phật giáo nằm gọn trong chân lý thứ tư của Tứ Diệu Đế, tức Đạo Đế mà đức Phật đã tuyên thuyết sau khi thành đạo. Con đường này gọi là Trung Đạo (Majjhima Patipada), vì nó vượt qua tất cả các cực đoan, định kiến, vốn là nguyên nhân đưa đến mọi rối loạn trong cuộc đời từ cá nhân cho đến xã hội. Trung Đạo thường được hiểu là Bát Chánh Đạo, gồm chánh tri kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định. Bát Chánh Đạo là tám yếu tố tạo nên cốt lõi của giáo dục Phật giáo với ba nội dung chính là giới đức, tâm đức và tuệ đức.
Giới đức (chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng) là những nguyên tắc sống đưa đến an lạc, hạnh phúc cho cá nhân, gia đình và xã hội. Ba yếu tố này có thể được xem là cơ sở để tạo nên một nếp sống đạo đức. Không thể có được một sự phát triển hài hòa và ổn cố từ cá nhân đến xã hội nếu căn bản đạo đức không được thiết lập. Vả lại, bản chất của đạo đức Phật giáo lại được đặt trên nền tảng của từ bi[22] nên có khả năng tạo ra sự hiểu biết và cảm thông giữa con người với con người, giữa con người và thế giới còn lại.
Định đức (chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định) nhằm huấn luyện và trang bị cho tâm thức con người sự bình tỉnh và sáng suốt để hành xử một cách thông minh mọi tình huống của cuộc sống. Năng lực của định là sự tập trung tinh thần và ý chí trên mọi đối tượng để phát huy hết sức mạnh của cá nhân. Không có sự thành công nào có thể đạt được nếu thiếu ba yếu tố này. Sở dĩ con người thời nay dễ dàng nóng giận, sân hận, hành động cẩu thả, nóng nảy, vội vàng và thiếu cẩn trọng bởi vì thiếu định lực.
Tuệ đức (chánh kiến, chánh tư duy) là cái thấy biết và suy nghĩ đúng đắn về bản chất của mọi sự vật, về con người, về ý nghĩa của cuộc sống. Tuệ đức có khả năng giúp con người hiểu rõ được khổ, nguyên nhân của khổ, sự chấm dứt khổ và con đường chấm dứt khổ đau. Tuệ đức liên hệ đến giải thoát, tình yêu thương vô vị kỷ nên có năng lực tạo ra hạnh phúc cho mọi người. Cần lưu ý rằng tất cả điều ác, bất thiện đang xảy ra trong xã hội con người như dục vọng, sân hận, ích kỷ, bạo động. đều là hệ quả của cuộc sống thiếu trí tuệ. Vì lý do này mà châm ngôn hành động của ngành giáo dục Phật giáo Việt Nam là “duy tuệ thị nghiệp”. Tuy nhiên, với đạo Phật, một con người đúng nghĩa phải là nhân cách bao gồm cả hai đặc tính đức và trí. Đức là tiếng nói của trái tim, của tình cảm, và trí là tiếng nói của khối óc, hiểu biết. Vì vậy, thiếu một trong hai đức tính này, tư cách con người trở nên khập khiễng và lệch lạc.
Quan trọng hơn thế nữa, với định lý duyên sinh “Do cái này có mặt, cái kia có mặt. Do cái này không có mặt, cái kia không có mặt. Do cái này sanh, cái kia sanh. Do cái này diệt, cái kia diệt”, triết lý Phật còn giúp con người nhận chân được rằng cuộc sống cá nhân luôn có sự liên hệ mật thiết với đời sống tập thể. Nói theo ngôn ngữ triết học, tôi và chúng ta đều cùng tồn tại. Không thể có cái tôi độc lập khỏi chúng ta. Ngược lại, không thể có cái chúng ta tách rời cái tôi. Như thế, hạnh phúc hay khổ đau, khủng hoảng hay ổn cố của cá nhân và xã hội đều có mối liên kết với nhau. Được đào luyện và phát triển trong một định hướng như thế, tư tưởng mình sống vì mọi người và mọi người sống vì mình sẽ là nền tảng để tạo dựng nên một cuộc sống an bình, hạnh phúc và một xã hội phát triển bền vững. Ý thức bảo tồn thế giới tự nhiên như một hệ quả tất yếu vì lợi ích của chính con người và môi trường sống cho mọi loài. Những nguyên nhân chính đưa đến mọi sự rối loạn trong cuộc đời như tham vọng, sân hận, ích kỷ, vô cảm, tàn bạo sẽ lần lần được thay thế bởi những đức tính vô tham, vô sân, vô si, vô ngã, vị tha. Với một lý tưởng sống (hay định hướng văn hóa) như thế chúng tôi tin tưởng rằng người ta có thể sớm kiểm soát và chế ngự được căn bệnh khủng hoảng vốn đang lan tràn khắp mọi nơi, mọi lãnh vực của cuộc sống.
Cần lưu ý rằng giáo dục Phật giáo không dính dáng gì đến đức tin, cầu nguyện hay nghi lễ mang ý nghĩa tôn giáo. Nó cũng không phải là một hệ thống triết thuyết mang tính giáo điều, răn đe, mà là một con đường dẫn đến nếp sống an lạc, hạnh phúc, hoàn toàn giải thoát nhờ vào sự hoàn thiện đạo đức, tri thức và tâm linh. Vì lý do này nên thế giới phương Tây không xem Phật giáo là một tôn giáo mà là “một nghệ thuật sống”. Nguyên nhân là vì, khác với tất cả các hệ thống triết lý cũng như giáo lý của các tôn giáo với đặc thù nặng phần lý thuyết, suy tưởng, giáo lý Phật giáo được xây dựng từ chính kinh nghiệm sống của đức Phật, mà không phải là tư duy thuần lý. Với lời tuyên bố “Như Lai là nói sao làm vậy và làm sao nói vậy nên được gọi là Như lai” cũng đã phản ánh được ý nghĩa của tư tưởng này.
Chính yếu tố thực nghiệm này là chất liệu quan trọng lôi cuốn và thu hút những con người ở thế giới văn minh như Âu Mỹ đến với đạo Phật. Lời phát biểu sau đâu của văn hào Herman Hess sẽ soi sáng cho sự thật trên: “. Nhưng nội dung tri thức của lời Phật dạy chỉ là một nửa của sự đóng góp của Ngài. Nửa còn lại là đời sống của Ngài, đời sống thực mà Ngài đã sống. Thực vậy, đức Phật đã hoàn tất việc rèn luyện chính mình và đem ra áp dụng cho các đệ tử. Ngài đã xác định mục tiêu và đạt được những kết quả mà các nhà hành động chân chính nổi danh phương Tây phải ngả mũ kính phục” và “ đức Phật là hiện thân của tất cả những đức hạnh mà Ngài giảng dạy. Trong suốt 45 thuyết pháp thành công và sinh động, đức Phật đã thể hiện lời nói của mình bằng hành động.”
Thiền Thất Từ Mãn
Củ Chi – TP.HCM
11/2011
THÍCH VIÊN TRÍ
Học Viện Phật Giáo VN tại TPHCM
[1] Bertrand Russell, Education and Social Order, Routledge, London.
[2] The University is a forum for creating and dissinating knowledge.
[3] Thích Chơn Thiện, Lý Thuyết Nhân Tính qua Kinh Tạng Nikaya, NXB. Phương Đông
[4] Kris namurti, On Education, All Indian Press, 1995
[5] The University trains students to serve their country.
[6] The University is the place where skill, spirit and life perpectives are formed and where personal development is respected.
[7] Albert Einstein, Thế Giới Như Tôi Thấy.
[8] A. Toynbee-D- Ikeda, Man Himself Must Choose.
[9] Peccei .A- Daisaku Ikedha, Before It Is Too Late.
[10] Erich Fromn, Psychoanalysis and Zen Buddhism
[11] Bertrand Russell, Principles of Social Reconstruction.
[12] J. Krishnamurti, Education and The Significance of Life “The man who kwows how to split the atom but has no love in his heart becomes a monster”.
[13] Elbert Einstein, Thế Giới Như Tôi Thấy.
[14] J C Aggarwal. Theory & Principles of Education.
[15] Albert Einstein, Thế Giới Như Tôi Thấy.
[16] J C Aggarwal. Theory & Principles of Education.
[17] Thích Chơn Thiện, Lý Thuyết Nhân Tính qua Kinh Tạng Pali.
[18] Thích Chơn Thiện, Lý Thuyết Nhân Tính qua Kinh Tạng Pali.
[19] Thích Minh Châu (dịch), Tương Ưng Bộ Kinh. III.
[20] Hương Vân (dịch) Chuỗi Ngọc Trai.
[21] Albert Einstein, Ideas and Opinion.
[22] Trong Tăng Chi Bộ Kinh, đức Phật dạy: “Ta ra đời vì hạnh phúc và an lạc cho số đông, vì lợi ích của chư thiên và loài người, vì thương tưởng cuộc đời”.
Discussion about this post