Đây là tập sách thứ 3 về trà của nghệ nhân Nguyễn Ngọc Tuấn, sau Trà Thương Ty – 54 Giai thoại trà và Phác thảo danh trà Việt Nam, được chính thức phát hành toàn quốc.
Nghệ nhân trà truyền thống Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, cuốn sách này là tâm huyết ông đã tập trung trong nhiều năm, đi thực địa đến nhiều vùng trà Việt Nam, Trung Quốc, tìm hiểu về văn hóa cũng như kinh doanh trong ngành trà.
Nghệ Nguyễn Ngọc Tuấn khẳng định, trà Việt đã có từ lâu đời và là nét văn hóa riêng biệt đã được bao đời gìn giữ. Đồng nhất với quan điểm này, nhà nghiên cứu văn hóa Trần Đình Sơn trong lời giới thiệu Thưởng trà thật đẹp, thật vui chia sẻ: “Đất Việt vốn là một trong những cái nôi sinh trưởng cây chè trên thế giới. Nhờ đó người Việt đã biết sử dụng lá chè nấu với nước làm thức uống, làm dược liệu từ xa xưa. Dần dần qua việc giao lưu văn hóa với các nước trong khu vực châu Á chúng ta học được cách chế biến lá chè, búp chè tươi thành các loại trà khô, trà bánh, trà bột để giao thương sản phẩm ẩm thực này”.
Thiền trà trong bối cảnh toàn cầu hóa
Theo nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn, thời Đinh (968-980), người Việt đã dùng trà thơm làm cống phẩm cho nhà Tống (Trung Quốc). Triều Lý (1010-1225), chùa chiền biết canh tác trồng chè để thu hoạch phục vụ đời sống
Nói về nghệ thuật thưởng trà, nghệ nhân Nguyễn Ngọc Tuấn cho rằng, cần đầy đủ 6 yếu tố: trà, nước, pha trà, chọn ấm chén, âm nhạc, không gian. Khi tất cả nâng lên tầm nghệ thuật thì uống trà trở thành thời gian con người được đắm mình trong sự tĩnh tại, an lành.
Theo ông Tuấn, việc nâng cao văn hóa trà trong đời sống con người sẽ góp phần thay thế cho thói quen bia rượu bù khú gây hại sức khỏe mà người hiện đại ưa chuộng.
Tại buổi ra mắt, Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Thái, nguyên giảng viên Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn Hà Nội; Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội đều bày tỏ sự tâm đắc với tác phẩm Thưởng trà thật đẹp, thật vui của nghệ nhân Nguyễn Ngọc Tuấn.
Cả hai vị tiến sĩ yêu trà này khẳng định, có thể xem tác phẩm của nghệ nhân Nguyễn Ngọc Tuấn chứa đựng đầy đủ, sinh động nội dung, hình ảnh về văn hóa trà Việt một cách hệ thống, dễ đọc, dễ hiểu, phù hợp cho tất cả những ai muốn tìm hiểu về trà, về nghệ thuật thưởng trà.
Trong khi đó, nghệ sĩ đàn tranh Hải Phượng nói về khía cạnh âm nhạc trong thưởng trà. Theo nghệ sĩ Hải Phượng, âm nhạc là một phần không thể thiếu trong thưởng trà. Chọn một bản nhạc hay lời thơ ca phù hợp với không gian và thời gian thưởng trà sẽ đem đến cho mọi người cảm xúc thăng hoa và tận hưởng thú vui tao nhã này. Một buổi thưởng trà như vậy sẽ ý nghĩa hơn và còn đọng mãi trong lòng người thưởng trà.
Cùng góc nhìn về việc này, nghệ nhân Nguyễn Ngọc Tuấn bày tỏ, “Trà cũng gắn liền với Thiền nên nhiều không gian thưởng trà được thiết kế mang đậm phong cách Phật giáo và dòng nhạc Thiền được sử dụng đã tạo phong cách đặc trưng riêng”.
Tập sách thứ 3 của nghệ nhân trà Nguyễn Ngọc Tuấn còn được sự tán dương của nhà nghiên cứu văn hóa Trần Đình Sơn với nhận định: “Cái lòng đam mê khảo cứu đã đẩy bước chân Nguyễn Ngọc Tuấn sang tận Nghi Hưng, Giang Tây (Trung Quốc) kết giao với nghệ nhân, chuyên gia trà cụ. Tất cả những điều kỳ thú, mới lạ đó độc giả Thưởng trà thật đẹp, thật vui sẽ cảm nhận trọn vẹn qua tám mục: trà – nước – pha trà – ấm trà – không gian – âm nhạc – bình phẩm – món ngon để thưởng trà”.
Thưởng trà thật đẹp thật vui là câu chuyện xoay quanh 6 yếu tố: trà, nước, pha trà, chọn ấm chén, âm nhạc, không gian là điều kiện cần và đủ để có chén trà thơm thưởng thức.
Đặc biệt, tác giả đã dành 50 trang viết về ấm đất Tử Sa, một loại ấm pha trà tốt nhất được mô tả từ chất đất – kỹ thuật làm ấm – giới thiệu dáng ấm thông dụng – bảo quản và chăm sóc ấm.
Discussion about this post