THỰC HÀNH NHẪN NHỤC
Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa đời thứ XII khai thị
Ngày
23 tháng 7 năm 2011 tại Nyoma, Đức Pháp Vương Gyalwang Drukpa đã khai thị
hoàn toàn bằng tiếng Ladakh về chủ đề Sodpa tức “Nhẫn nhục ba la mật”. Sau đây
là phần trình bày tóm tắt nội dung bài giảng pháp của Ngài:
Sodpa hay Nhẫn nhục ba la mật là một trong
những pháp thực hành Bồ tát đạo quan trọng nhất. Có những hoàn cảnh đặc biệt
bạn cần phải thực hành hạnh Sodpa. Trước
hết, khi bạn đang đau khổ tột cùng, đừng bao giờ buông xuôi và nản chí. Bạn cần
lạc quan và tiếp tục thực hành thiện hạnh. Bạn cần phải kiên trì thực hành
Phật Pháp. Chúng ta đã thực hành và nghe thuyết pháp rất nhiều, vậy mà dường
như chúng ta chẳng hề tinh tấn và tiến bộ. Đó chính là vì chúng ta thiếu mất
Sodpa.
Bất cứ khi nào cảm thấy vui sướng hạnh
phúc, bạn đều dễ bị trôi lăn lạc bước. Bạn không biết tự thỏa mãn, bằng
lòng, và tâm bạn luôn tràn đầy kiêu mạn tự hào. Chẳng hạn nếu bạn là người
giàu có nhất trong làng, bạn cảm thấy rất tự hào về mình và coi thường người
khác. Có được sự giàu có và sức khỏe là điều rất tốt, bởi lẽ ai cũng cần có tài
bảo và sức khỏe, nhưng đừng nên ngã mạn. Nếu bạn giàu có, hãy biết cảm ơn
những nghiệp thiện mình đã tích lũy. Đừng coi thường người khác.
Là người mạnh mẽ, đẹp đẽ, khỏe mạnh hay
giàu có không nên là lý do khiến bạn trở nên ngã mạn, vì ngã mạn sẽ mang lại kết
quả không tốt đẹp. Thí dụ, nếu bạn xinh đẹp và hãnh diện về vẻ đẹp của mình, bạn
sẽ phải chịu nhiều đau khổ khi nhìn thấy chỉ một vết nhăn hay một cái mụn nhỏ nổi
trên mặt. Lúc này đây, trước mặt tôi, tất cả chúng ta đều có làn da cháy nắng,
đen đủi và nhăn nheo. Thật đáng tri ân vì chúng ta xấu xí, như vậy chúng ta sẽ
không có cơ hội để ngã mạn và vì thế chúng ta sẽ không phải gánh chịu khổ
đau. Ha! Ha! Ha!
Nếu bạn đang hạnh phúc, bạn không nên để
mình lạc bước hay vui mừng quá độ. Bạn cần biết vì sao mình có được hạnh phúc
và không nên kiêu mạn vì những gì mình đang có. Mỗi khi có được quyền lực và sự
giàu sang, bạn phải hiểu rằng những điều đó rất vô thường và sẽ không trường tồn
bền lâu.
Sodpa có nghĩa là bạn không nên kiêu mạn về
bản thân khi mọi điều suôn sẻ thuận lợi đến với mình, và bạn không nên
buồn rầu khi những người khác làm tốt hơn bạn, thay vì thế bạn cần phải hoan
hỷ giống như chính mình đang thành công như họ vậy.
Thời xa xưa, vua chúa là những người có quyền
lực. Họ dùng quyền lực để xây dựng nên rất nhiều thành lũy, cung điện, người
dân chẳng có lựa chọn nào khác và buộc phải tuân theo. Giờ đây, tất cả những gì
còn lại từ những công trình vĩ đại ấy chỉ còn là đất đá và đổ nát. Những vị
vua đó đều đã qua đời từ lâu và bạn chỉ có thể biết tới những thành tựu lớn lao
của họ qua những trang sử sách còn lưu lại. Điều này cho chúng ta thấy mọi
thứ đều vô thường. Vì vậy, chúng ta cần thực hành Sodpa mỗi khi cảm thấy hạnh
phúc hay bất hạnh.
Chúng ta luôn nghĩ và tin tưởng rằng tiền bạc
là tất cả. Nếu có được tiền bạc, chúng ta sẽ có thể xoay chuyển được cả thế giới.
Và để có được tiền, người ta sẵn sàng làm mọi điều xấu xa. Rất nhiều người
trong chúng ta tin rằng nếu giàu có, chúng ta sẽ hạnh phúc. Nhưng sự thực lại
không phải như vậy.
Sodpa thực chất chính là sự thực hành Bồ
tát đạo. Nếu không có Sodpa thì sự thực hành Bồ tát đạo sẽ không thể nào
viên mãn. Cho dù chúng ta có thực hành bất cứ pháp nào, như Lục độ Ba La mật
hay bất cứ một công hạnh nào khác, chúng ta đều cần thực hành Bồ tát đạo với
tình yêu thương và lòng bi mẫn. Nếu không có tình yêu thương và lòng bi
mẫn, chúng ta sẽ không thể thực hành Lục Độ Ba La Mật cũng như mọi thiện hạnh
khác.
Vạn Pháp đều không nằm ngoài từ bi và tính
không. Từ bi là phạm trù vô cùng rộng lớn và tính không vô cùng sâu xa. Từ và
bi giống như những đội quân đóng ở biên phòng để canh giữ biên giới cho tổ quốc,
chống lại mọi thế lực thù địch. Chẳng hạn như đội quân biên phòng có nhiệm vụ bảo
vệ tổ quốc ở biên cương, nếu chỉ đi người không thì quả thật là điều vô cùng
ngu ngốc và vô nghĩa. Họ cần phải được trang bị vũ khí. Tương tự như vậy, bạn cần
phải được trang bị tâm từ và tâm bi để có thể chống lại những xúc tình tiêu cực
hiện tướng của ngũ độc, tức là sân giận, tật đố, chấp thủ, vô minh và ngã mạn.
Vì vậy, nếu bạn tìm kiếm giác ngộ, bạn cần phải thực hành vì lợi ích của hữu
tình chúng sinh. Nếu không có sức mạnh của tình yêu thương và lòng bi mẫn, bạn
sẽ không thể đạt tới giác ngộ. Khi bạn thực hành tâm từ và tâm bi với động cơ
chân chính, sự thực hành sẽ thực sự che chở và giúp đỡ cho bạn có thể chinh phục
mọi xúc tình tiêu cực và vượt qua mọi chướng ngại. Thí dụ, có một lần Đức Phật,
với tâm đại từ đại bi đã thành thục viên mãn, bị người em họ Ngài là
Devadatta (Đề Bà Đạt Đa) đem tâm đố kỵ âm mưu ám hại. Devadatta định hãm hại
Đức Phật bằng một hòn đá tảng, nhưng hòn đá lại lăn xa khỏi người Đức Phật rồi
quay vòng trở lại. Một thí dụ khác, Đức Phật đã gặp một đàn voi say điên cuồng
giết hại mọi người và phá hoại nhà cửa. Khi tới gần Đức Phật, chúng bỗng trở
nên hiền lành, bình tâm trở lại, và quỳ lạy dưới chân Đức Phật. Không ai có
thể kiểm soát được đàn voi ấy, nhưng với lòng từ bi, Đức Phật đã có thể chế ngự
được chúng.
Nhờ thực hành trưởng dưỡng tâm từ bi, Đức
Phật đã hoàn toàn chuyển hóa sân giận, vô minh, bám chấp cũng như mọi xúc
tình tiêu cực khác trong tâm mình. Nếu bạn không thể phá bỏ được những xúc
tình tiêu cực ấy, không thể kiểm soát được tâm sân giận của mình, có thể rốt cuộc
bạn sẽ giết hại kẻ thù của mình. Gia đình họ hàng quyến thuộc của kẻ thù sẽ
truy đuổi bạn và kết quả là bạn có thêm nhiều kẻ thù hơn. Nếu giết hại 100 kẻ
thù, bạn sẽ có thêm 5,000 kẻ thù khác. Bạn sẽ chỉ làm tăng thêm chứ không làm
giảm đi những quả báo bất thiện. Vì vậy nên bạn đừng nghĩ tới chuyện loại bỏ kẻ
thù bên ngoài của bạn, thay vì thế, bạn cần phá hủy tâm sân giận bởi đó chính
là kẻ thù bên trong của bạn.
Như vậy, số lượng kẻ thù sẽ tăng lên hay giảm
đi chỉ hoàn toàn phụ thuộc vào mình bạn. Tam độc hay ngũ độc được coi là kẻ thù
bên trong của bạn, còn mọi người, chúng sinh hay hoàn cảnh đều được coi là kẻ
thù bên ngoài. Chúng ta vẫn thường cố gắng hết sức để phá hủy những kẻ thù bên
ngoài mà không hề biết rằng chỉ cần phá hủy được kẻ thù bên trong, mọi kẻ thù
bên ngoài sẽ hoàn toàn biến mất.
Khi sân hận, bạn chiến đấu và giết hại kẻ
thù, rồi sau đó bạn cảm thấy rất tự hào về mình. Nhưng đối với một con người,
đây là điều tệ hại và xấu xa nhất không được phạm phải. Xét từ góc độ từ bi
nhân ái, từ góc độ tâm linh hay thậm chí từ góc độ xã hội, sân giận là một điều
vô cùng xấu xa. Mọi người có thể sẽ không chê bai trước mặt bạn, nhưng khi vắng
mặt họ sẽ nói với nhau “Không nên gần gũi người đó”. Vì vậy chúng ta cần phải
kiểm soát được tâm mình.
Nếu nói về tài bảo thế gian thì có bao
nhiêu cũng không bao giờ đủ. Hôm nay bạn có thể có 10 đô la nhưng bạn vẫn ước
ngày mai có 20 đô la, và mỗi ngày ước muốn đó càng tăng lên. Bạn không bao giờ
mãn nguyện. Điều này giống như uống nước muối khi bạn đang khát. Càng uống bạn
càng thấy khát. Đó chính là hậu quả của lòng tham muốn hay dục vọng. Cách đối
trị là mỗi ngày bạn cần kiểm soát sự tham muốn trong nội tâm. Chẳng hạn khi thấy
một thứ gì đẹp đẽ, tâm tham muốn bên trong của bạn lập tức muốn có được thứ đó.
Nhưng bạn cần kiểm soát tâm mình bằng cách từ bỏ ham muốn đó. Mỗi ngày, từng
ngày một, từng chút một, bạn làm như vậy, rồi sẽ tới một ngày bạn kiểm soát được
tâm mình.
Chẳng hạn nếu bạn nghiện thuốc hay nghiện
rượu, bạn sẽ không thể bỏ được ngay một lúc. Cho dù bạn có phát nguyện, rồi cuối
cùng bạn cũng sẽ không làm được. Vì thế, hãy cố đừng giữ bất cứ điếu thuốc nào
trong túi, đừng đi chơi với những người bạn thích uống rượu. Hãy đề nghị bạn bè
đừng uống rượu hay hút thuốc trước mặt bạn. Nếu bạn có thể thực hiện điều này từng
chút một, có khi bạn chưa kịp nhận thấy thì bạn đã từ bỏ được thói quen xấu đó
rồi. Nếu không, khi gặp gỡ bạn bè, có thể vì lịch sự, bạn sẽ uống một chút rượu
hay hút một điếu thuốc. Và bạn tự nhủ rằng chỉ một lần này thôi thì cũng chẳng
hại gì. Cứ như vậy cuối cùng mỗi lần bạn sẽ dùng thêm một chút, cho tới khi bạn
sẽ chẳng thể ngừng thói quen xấu đó lại được nữa.
Tất cả những thói quen xấu như hút thuốc
hay uống rượu đều rất tổn hại đối với con đường dẫn tới giác ngộ xét từ khía cạnh
thực hành tâm linh và cả từ góc độ thế tục. Những thói quen này đều rất có hại
tới sức khỏe. Hút thuốc rồi sẽ dẫn tới căn bệnh ung thư, thế nhưng mọi người vẫn
cứ tiếp tục hút cho tới khi bị mắc bệnh thật sự. Khi họ mắc bệnh thì đã quá muộn
rồi. Vì thế nếu bạn có thể đấu tranh để loại bỏ chúng, từng chút một, từng ngày
một bạn sẽ có thể đạt được tiến bộ. Đó cũng chính là thực hành Bồ tát đạo.
Bất cứ điều gì bạn nhìn thấy, nghe được hay
cảm giác đều là do tâm tạo tác. Tâm chính là yếu tố mang lại cảm giác mãnh liệt
về điều gì tốt, điều gì xấu. Chẳng hạn như ngọn đồi ngoài kia, tâm nói với
chúng ta rằng ngọn đồi đó cao hay thấp. Ngọn đồi không phải do tâm tạo ra,
nhưng tâm tạo ra những hoàn cảnh hay điều kiện về ngọn đồi. Chẳng hạn tâm nói với
chúng ta món ăn này ngon hay dở, nói với chúng ta thứ này ngắn hay dài. Nhưng tất
cả mọi thứ đều chỉ là vọng tưởng, ngay cả tâm cũng không phải là thật. Nếu bạn
thử tìm kiếm xem tâm ở đâu; tâm có màu gì; tâm có kích thước như thế nào; bạn sẽ
không thể nào tìm thấy câu trả lời. Đó chính là bản chất của tâm.
Có và không, xấu và tốt, cao và thấp, tất
cả đều chỉ mang tính tương đối. Tự tính của vạn pháp là chân không. Do tâm là
hư vọng nên mọi thứ do tâm tạo ra cũng đều là hư vọng, và chúng ta không nên đuổi
theo hư vọng.
Chúng ta thường có khuynh hướng tham chấp
ái luyến những con người, những hoàn cảnh, những sự vật hiện tượng tốt
đẹp. Chẳng ai muốn chịu đựng đau khổ. Ai cũng muốn được hạnh phúc. Nhưng chúng
ta cần phải hiểu được rằng hạnh phúc hay khổ đau cũng đều là hư vọng. Giống như
cầu vồng vậy. Tất cả những thứ tốt đẹp cũng giống như cầu vồng, đều không có thật.
Thực hành xả chấp cũng là thực hành Bồ tát đạo. Bám chấp sẽ dẫn tới khổ đau
vô lượng. Thế nhưng cũng đừng nên tuyệt vọng khi gặp đau khổ, vì đau khổ cũng
chỉ là hư vọng mà thôi.
Khổ đau muôn hình vạn trạng, trong đó có
bốn nhóm chính. Thứ nhất là bạn đau khổ khi không có được điều minh mong muốn.
Thứ hai là ngay cả khi đã có được thứ mình mong muốn rồi, bạn vẫn đau khổ vì lo
sợ sẽ đánh mất nó. Loại khổ thứ ba là bạn gặp gỡ những người hoặc những hoàn cảnh
mà bạn không mong muốn song lại chẳng có cách nào để trốn tránh. Loại khổ thứ
tư là bạn buộc phải xa lìa những người, những đồ vật hay những hoàn cảnh mà bạn
yêu mến.
Đây là bốn loại khổ thông thường vẫn gặp.
Có những người khổ vì ốm đau, có những người khổ vì mất người thân yêu v.v. Có
rất nhiều nguyên nhân gây ra đau khổ. Nếu như bạn gặp phải bất cứ cảnh ngộ nào
như vậy, bạn đừng nên tuyệt vọng. Bạn cần phải hiểu rằng đau khổ là bản chất của
luân hồi. Hãy nghĩ về điều đó và tự nhủ, “Mình đang đau khổ bởi những nghiệp quả
bất thiện trong quá khứ đang chín muồi”. Thay vì cảm thấy tuyệt vọng hay hoảng
loạn, bạn hãy bình tâm và cầu nguyện. Hãy thử suy nghĩ và hành động tích cực,
thiện lành, để trong tương lai và những đời sống sau nữa bạn sẽ không phải
trải qua cảnh khổ tương tự. Trong khi đau khổ, bạn cũng cần nghĩ tới những người
đang chịu đau khổ giống như bạn, hãy cầu nguyện cả cho họ và nguyện rằng họ sẽ
không phải chịu đau khổ giống như bạn đang phải chịu.
Đau khổ là vọng tưởng
và vọng tưởng giống như một giấc mơ. Thí dụ như khi bạn nằm mơ thấy con mình tử
nạn, trong mơ bạn cảm thấy đau đớn tột cùng, cho dù đó chỉ là giấc mơ. Ngay khi
thức dậy, bạn nhận ra rằng con bạn vẫn còn sống và đó chỉ là một cơn ác mộng.
Điều này cho thấy những đau khổ chúng ta đang trải qua cũng chỉ là ảo vọng. Hiểu
được rằng đau khổ là hư vọng cũng là thực hành Bồ tát đạo.
Discussion about this post