THẾ NÀO LÀ QUÁN CHIẾU VỀ PHÁP
How to contemplate on the Dhamma
Ajahn Brahmali– 29/11/2019
Lược dịch: Một nhóm Phật tử Bắc Mỹ
Tối nay tôi sẽ nói về đề tài “quán hay suy ngẫm, chiêm nghiệm”(contemplation) trong Phật giáo. Làm thế nào để quán chiếu, để chiêm nghiệm, để suy ngẫm về Pháp và làm thế nào để áp dụng những điều này trong sự thực hành. Một trong những lý do tôi muốn nói về điều này là vì mọi người hay hỏi tôi làm sao quán và quán như thế nào để mang lại lợi ích. Có quá nhiều hướng dẫn khác nhau nên mọi người có vẻ hơi bối rối. Những ai đã học thiền Vipassana thường hay hỏi: quán về Pháp có giống như Vipassana không? Vipassana có nghĩa là “cái thấy rõ ràng”, thường được dịch là minh sát hoặc thiền minh sát, nhưng tôi nghĩ Vipassana nên dịch là “cái thấy rõ ràng” thì thích hợp hơn. Vậy quán chiếu hay chiêm nghiệm có giống với Vipassana không hay có gì khác biệt? Đây là một trong những điều tôi muốn nói tối nay và nói chung là làm thế nào để chúng ta có thể thực sự quán chiếu về pháp.
Một bài kinh trong Tăng Chi Bộ đã thực sự gây ấn tượng cho tôi, Đức Phật nói rằng có hai năng lực (sức mạnh), năng lực là một phẩm chất tinh thần có thể chế ngự một thứ khác, có sức mạnh hơn một số phẩm chất khác. Trong Phật giáo, sức mạnh là thứ có khả năng ngăn chặn những phẩm chất bất thiện và làm phát sinh những phẩm chất thiện lành trong tâm. Vậy hai sức mạnh này là gì? Theo lời Đức Phật, sức mạnh thứ nhất là sức mạnh của sự quán chiếu, sức mạnh thứ hai là sức mạnh của sự phát triển tâm linh, gọi là Bhavana Bala. Bhavana là tiếng Pali để chỉ thiền, sự tu luyện tâm, sự phát triển tâm linh. Như vậy quán chiếu và thiền là hai năng lực để khắc phục những phẩm chất bất thiện trong ta.
Vậy sự khác biệt giữa hai sức mạnh này là gì? Trên con đường tâm linh quán là nền tảng của thiền định. Tại sao? Bởi vì sức mạnh của quán giúp ta khắc phục những phẩm chất bất thiện và phát triển những phẩm chất thiện lành của thân, khẩu, ý. Tôi thấy điều này rất thú vị vì tôi vẫn thường cho rằng, trong Phật giáo thiền là tất cả, nó có thể giúp ta phát triển những tánh tốt hoặc loại trừ những tánh xấu. Nhưng Đức Phật nói thực sự không phải như vậy. Thiền là để phát triển tâm một khi phần lớn các phiền não đã được loại trừ bằng quán chiếu và chiêm nghiệm, một trong những sức mạnh lớn nhất và cũng vì vậy mà nó được gọi là sức mạnh hay năng lực. Do đó, nếu muốn thành công trong thiền tập, trước hết chúng ta phải phát triển sức mạnh của quán chiếu; suy nghĩ đúng cách có thể khắc phục những phẩm chất xấu và vun bồi những phẩm chất tốt đẹp, trở thành những người đạo đức hơn, tốt bụng hơn. Tôi đã được mở rộng tầm mắt và bắt đầu hiểu đạo lộ theo một góc nhìn mới. Nếu đọc lời dạy của Đức Phật chúng ta sẽ nhận ra tất cả tiến bộ trong thiền tập đều dựa trên đức hạnh, lòng tốt và đạo đức. Thiếu những điều này thì không thể nào tiến bộ trong thiền và bây giờ quý vị đã hiểu tại sao có hai sức mạnh này và tại sao chúng lại khác nhau.
Trên con đường tâm linh, quán có thể thực hành ở nhiều giai đoạn, giai đoạn đầu để xây dựng nền tảng, giai đoạn giữa để tiến bộ trong thiền, giai đoạn cuối để phát sinh tuệ giác. Nhưng đối với đại đa số thì giai đoạn đầu tiên, đơn giản nhưng quan trọng, là cơ sở cho thiền tập. Bởi vậy giai đoạn đầu quan trọng nhất, những giai đoạn kế tiếp sẽ tự động tiến triển như một hệ quả của sự quán chiếu căn bản này.
Chúng ta cần thực tập quán chiếu ở khắp mọi nơi, trong những hoạt động hàng ngày, cho dù đang ở nơi làm việc, đang ở nhà, hay dù đang làm gì đi nữa. Quán về Pháp thường rất đơn giản, nhưng chúng ta lại hay có xu hướng nghĩ rằng quán chiếu hay chiêm nghiệm phải là một cái gì đó rất sâu sắc, rằng ta cần phải suy nghẫm về lý duyên khởi, về ngũ uẩn, về sáu xứ, cần phải hiểu Tứ Diệu Đế..v..v… nhưng thật ra nó đơn giản hơn rất nhiều. Những suy ngẫm căn bản và đơn giản trong cuộc sống hàng ngày để hướng tâm mình theo đúng cách có những tác động rất lớn, chúng khiến cho tâm được chuyển hóa, hướng thượng và theo thời gian chúng ta thực sự trở nên trong sáng hơn, ít phiền não hơn, và ta thấy con đường này thực sự có hiệu quả.
Một ví dụ về cách quán chiếu đơn giản là thái độ của mình đối với cha mẹ, đôi khi vì quan hệ gia đình gần gũi, mọi thứ chỉ còn là thói quen, mình quên đi rằng cha mẹ đã nuôi nấng, đã dạy dỗ, đã kiên nhẫn và yêu thương mình biết bao. Nếu biết quán tưởng đúng đắn ta sẽ nhớ lại tất cả những điều này, sẽ bắt đầu thay đổi thái độ và khởi lên lòng biết ơn cha mẹ. Quan hệ giữa mình với cha mẹ là một yếu tố rất quan trọng, vì vậy sự quán tưởng này là một trong những điều nền tảng khiến con đường tâm linh được phát triển, đơn giản nhưng rất sâu sắc.
Một quán chiếu khác cũng rất quan trọng là làm thế nào để vượt qua ác ý, giận dữ, tiêu cực. Trong cuộc sống hàng ngày thường xuyên có những việc xẩy ra, ví dụ khi đang làm việc với ai đó ta có thể hơi khó chịu, bực mình, ngay lúc đó ta có cơ hội sử dụng sự quán chiếu một cách khôn khéo để hướng tâm sang một hướng khác. Vậy chúng ta sẽ làm gì? chỉ cần dừng lại và quan sát chuyện đang xẩy ra, ta sẽ thấy có những nguyên nhân nhất định khiến cho ta khó chịu, bực mình; thông thường thì nguyên nhân đó nảy sinh chỉ vì mình nhìn vào những điều tiêu cực nơi người kia, thế thì chúng ta chỉ cần thay đổi cái nhìn một chút xíu, hãy chú ý đến những tính tốt của người đó, khi làm được như thế thì giận dữ, khó chịu sẽ trôi qua; hơn nữa nếu ai đó hành xử tệ hại thì chính họ là người rất đau khổ. Bằng cách suy nghĩ đúng đắn hoặc bằng lòng từ bi, ta có thể làm giảm đi những sân hận, khó chịu trong tâm. Tuy nhiên, lúc đầu chúng ta cần có một chút khoảng cách, một chút tỉnh thức để có thể làm được điều này, vì vậy hãy để cho nguôi cơn giận một chút rồi hãy tự nhắc nhở mình về những điều quán chiếu này. Với tâm từ cũng thế, thấy những điều tốt đẹp nơi người khác cũng khiến tâm từ nảy sinh.
Một cách quán tưởng đơn giản thường được nhắc đến trong kinh mà quý vị nên thực tập hàng ngày là quán tưởng về cái chết. Hãy tự nhủ rằng mình sẽ chết, tất cả chúng ta ai rồi cũng sẽ chết. Khi tôi ở Brisbane, có một người nói với tôi rằng mỗi ngày khi rời nhà, anh ta tự nhắc nhở “hôm nay mình có thể chết” và khi suy nghĩ như vậy anh nói “Tôi sẽ không thể rời khỏi nhà với tâm trạng giận dữ hay gây gổ với vợ con. Tôi luôn luôn rời nhà vui vẻ và tử tế với tất cả những người thân”. Đó là một cách thực hành quán tưởng đơn giản về cái chết để nhắc nhở mình điều gì thực sự quan trọng trong cuộc sống. Nó giúp ta trở thành một người tốt vì hiểu được sự mong manh của cuộc sống, mọi chuyện có thể nhanh chóng thay đổi và khi nhắm mắt buông tay ai cũng muốn ra đi với một tâm trạng tốt đẹp.
Trên đây chỉ là một vài thí dụ, còn nhiều, rất nhiều cách khác nữa. Tôi thích quán tưởng về Đức phật như vị thầy tâm linh của mình, và điều này có hiệu quả vô cùng. Đức Phật là một thiên tài vĩ đại nhất trong lịch sử loài người, và ngài là thầy của mình, đây chẳng phải là một điều hết sức tuyệt vời hay sao? Ngài có cái nhìn sâu sắc về thực tế, về tình trạng con người, ngài hoàn toàn thấu hiểu hạnh phúc và khổ đau. Ngài biết chính xác những gì chúng ta muốn, dưới mọi góc độ khác nhau và ngài có thể dạy chúng ta làm thế nào để đạt được điều này. Tất cả giáo pháp Đức Phật để lại cho chúng ta vẫn còn cho đến ngày nay. Điều tôi muốn nhắc nhở mọi người là khi Đức Phật giảng dạy, ngài biết nó sẽ được truyền lại đến nhiều đời sau nên ngài đã giảng dạy về tình trạng con người một cách phổ quát cho mọi thời đại chứ không chỉ dành cụ thể cho những người ở thời đại đó. Vì vậy, khi đọc kinh, lời kinh trở nên sống động, và ta nhận ra rằng Đức Phật đang nghĩ về tương lai, về những người như tất cả chúng ta ngồi ở đây hôm nay và nó cho ta rất nhiều cảm hứng
Nếu quý vị thấy khó làm được điều này thì hãy quán tưởng về vị thầy nào đó, như Ajahn Brahm chẳng hạn. Tôi không có ý so sánh Ajahn với Đức Phật nhưng Ajahn Brahm rất tuyệt vời, không phải lúc nào ngài cũng chỉ nói đùa, đây là điều mà nhiều người thường hay hiểu lầm. Tôi đến tu viên Bodhinyana từ 25 năm trước vì tôi được nghe một bài pháp của Ajahn Brahm, lúc đó tôi đã đi nhiều tu viện và đang ở trong một tu viện bên Anh, nhưng khi nghe bài pháp này, tôi biết ngay đây là thầy của mình vì tôi cảm nhận được lời giảng này rất chân chính và ấn tượng. Thế là tôi quyết định đi Úc, sau khi tới tu viện tôi để ý và quan sát Ajahn, mình có bổn phận phải quan sát, xem xét thầy của mình. Nhưng một trong những điều đáng kinh ngạc về Ajahn Brahm là tôi đã ở bên Ajahn 25 năm và sự tôn trọng của tôi dành cho Ajahn Brahm ngày càng tăng trưởng, ngày càng mạnh mẽ hơn trong suốt 25 năm qua. Một phần có lẽ vì tôi đã có đôi chút tiến bộ và khi tiến bộ chúng ta sẽ thấy rõ những phẩm chất ở một người như Ajahn Brahm. Chúng ta thấy sự kiên định, trước sau như nhất của Ajahn với lòng nhân ái và tâm không vướng mắc. Chúng ta thấy giáo Pháp sống động trong cách Ajahn hành xử ở mọi nơi, trong mọi hoàn cảnh. Cho nên khi Ajahn Brahm giảng pháp, hãy chú ý lắng nghe, có những câu chuyện mang đầy ý nghĩa thâm sâu mặc dù nó có vẻ chỉ như là chuyện cười. Đây là Ajahn Brahm một cách ngắn gọn, không vướng mắc với bất cứ ai hoặc bất cứ điều gì. Ajahn là một nhà sư ấn tượng lạ thường, nếu quý vị hiểu tôi muốn nói gì. Tôi cảm thấy thương Ajahn đã có một môn đệ như tôi, bởi vì quý vị biết đấy, ngày xưa tôi rất hay lý luận, tranh cãi, nhưng Ajahn luôn luôn kiên nhẫn, luôn luôn dành thời gian để giải thích cho tôi hiểu. Vì vậy, hãy nhớ rằng mình đang có một viên ngọc quý. Trên thế giới này rất khó tìm được một vị thầy như vậy. Thật là một điều tuyệt vời, chúng ta có hội Phật giáo này với tất cả những người tốt xung quanh, với một vị thầy như Ajahn Brahm, điều này được gọi là Sanghanussati, niệm Tăng. Rồi chúng ta có thể mở rộng sự quán tưởng thêm ra, biết ơn toàn bộ cộng đồng Phật giáo ở đây, suy ngẫm về những điều tuyệt vời khi có những người bạn đạo, Kalyanamitta như thế này, và khi nghĩ tưởng về những điều tốt đẹp này chính là ta đang vun bồi những trạng thái tâm thiện lành và làm vắng bóng những trạng thái tâm tiêu cực. Quý vị có thể thấy nó khá đơn giản, tưởng như không có gì sâu sắc, nhưng thực sự nếu làm đúng cách nó sẽ mang lại cho ta những phẩm chất rất tốt đẹp, mà điều này thì ai cũng có thể làm được.
Quý vị cũng có thể suy ngẫm về một trong những khía cạnh của chánh kiến trong Phật giáo: ý tưởng về tái sinh. Nếu tin tái sinh là một khả năng có thể thì hãy suy nghĩ xem điều này có ý nghĩa gì? Nó tác động như thế nào đến cách sống của mình? Dĩ nhiên sau khi chết mình vẫn muốn được hạnh phúc. Vậy làm thế nào để có thể bảo đảm hạnh phúc cho tương lai, cho kiếp sống kế tiếp? Suy ngẫm như vậy cũng sẽ khiến ta thay đổi thái độ và cách nhìn về cuộc sống.
Trên đây chỉ là một vài cách quán chiếu căn bản, còn rất nhiều cách nữa. Nhưng điều quan trọng là chúng ta phải học hỏi quán chiếu như thế nào để khi giận dữ, bực mình, khó chịu khởi lên trong tâm thì ta có thể hướng tâm sang chỗ khác. Nếu chỉ làm được chừng đó thôi cũng đã là một bước tiến quan trọng trên con đường tâm linh. Dù đây không phải là những điều quý vị học được trong khóa thiền Vipassana và rất ít khi được nhắc đến nhưng nó lại rất thực tiễn, có hiệu quả và thật sự giúp chúng ta tiến bộ trong thiền.
Quán tưởng là như thế đó, hãy tự tìm những phương cách thích hợp với cá nhân bạn. Thường thường mọi người cứ muốn có bài bản, có công thức rõ ràng, phải quán như thế này, phải suy nghĩ như thế kia, nhưng tôi khuyên quý vị không nên làm theo công thức nhiều quá vì như vậy mình sẽ trở thành một người máy mà người máy thì không thể có nhiều trí tuệ được. Chỉ cần có chút ít khái niệm về cách quán tưởng, sau đó quý vị hãy tự tìm những phương cách, những suy nghĩ như thế nào cho phù hợp với cá tính, với hoàn cảnh của mình thì sẽ có nhiều hiệu quả hơn.
Giai đoạn thứ hai là quán chiếu khi hành thiền. Sau mỗi buổi thiền hãy suy ngẫm lại những gì đã xẩy ra, nhất là những khi quý vị cảm thấy dễ chịu hơn, thoải mái hơn, bình an hơn (trước khi thiền). Nếu để ý kỹ chúng ta sẽ thấy rằng cảm giác dễ chịu mà mình có được là vì những phiền não, những chướng ngại, những vấn đề trong tâm đã giảm bớt; ít ham nuốn, ít tiêu cực, ít vướng mắc và ít những suy nghĩ về thế giới bên ngoài. Rồi hãy tự hỏi, nguyên nhân gì khiến nó như vậy? Nguyên nhân của sự bình an trong thiền là gì ? và chúng ta sẽ bắt đầu hiểu nguyên nhân nào khiến phiền não giảm bớt trong tâm. Một lý do khác, khi chú ý đến những cái hay, cái tốt của điều gì đó thì ham muốn sẽ khởi lên; tiếng Pali gọi là Subanimitta, nghĩa là chúng ta đã quán về khía cạnh đẹp của đối tượng đó, rồi ham muốn khởi lên và tâm hướng ra ngoài, ta trở nên bồn chồn và không thể thiền được nữa. Bởi vậy mình cần phải đem tâm về, bớt chú ý đến thế giới bên ngoài, tâm sẽ trở nên bình an hơn. Rất đơn giản, nhưng quý vị hãy tự khám phá, tự chiêm nghiệm xem có đúng như thế không, tự tìm ra phương cách cho chính mình, tùy theo từng trường hợp thì sẽ có hiệu quả hơn. Đối với giận dữ cũng vậy, khi thấy khó chịu khởi lên trong tâm là vì mình đã chú ý đến những khía cạnh tiêu cực của đối tượng, vậy thì hãy thay đổi sự chú ý. Đây là cách quán chiếu lúc cuối buổi thiền, ta thấy được nguyên nhân khiến cho thiền xuông xẻ, ta thấy phiền não sinh khởi và chuyển biến như thế nào, nhờ đó mà ta biết cách phải làm thế nào để loại bỏ chúng trong tương lai. Thật không dễ dàng gì, nhưng đây là những điều quý vị làm từ từ, cần có thời gian để khám phá ra những điều này. Sau giờ thiền hãy chiêm nghiệm về những gì đã xẩy ra trong khi hành thiền, suy ngẫm về quá trình, tại sao mình an lạc, tại sao mình không an lạc và bằng cách này mình có thể loại trừ dần những chướng ngại trong thiền.
Bây giờ tôi muốn nói một chút về Samatha và Vipassana bởi vì chúng liên hệ mật thiết với nhau. Đây là hai từ Pali, Samatha có nhĩa là tĩnh lặng và Vipassana là cái thấy rõ ràng. Quý vị thường nghe nói đến thiền “an chỉ – Samatha” và “thiền quán –Vipassana”. Có phải “Vipassana – cái thấy rõ ràng” đồng nghĩa với “quán chiếu” không? Nhiều người nghĩ rằng khi thực tập quán là mình đang thực hành Vipassana vì mình thấy sự việc rõ ràng hơn, thật là thú vị vì thường thường những gì chúng ta nghe nói về thiền lại không giống với những gì Đức Phật giảng dạy. Chúng ta nên kiểm xem trong kinh Đức Phật dạy như thế nào để có thể thực sự có được đầy đủ sự lợi ích từ giáo pháp của ngài. Đức Phật nói rằng Samatha và Vipassana luôn luôn đi chung với nhau, không thể tách riêng ra được. Trong Pali hai từ này luôn đi đôi với nhau như một từ kép Samatha Vipassana. Ajahn Chah, vị thiền sư nổi tiếng của thế kỷ 20 thường nói rằng Samatha và Vipassana giống như con dao có hai mặt, bên này là Samatha, bên kia là Vipassana. Tại sao hai điều này luôn luôn phải đi đôi với nhau? Lúc đầu tôi cũng không hiểu được mối liên hệ giữa Samatha và Vipassana. Nhưng sau một thời gian tôi bắt đầu nhận ra rằng: Samatha và Vipassana sinh khởi bởi cùng một nguyên nhân, vì có cùng nguyên nhân nên chúng sẽ phải cùng nhau sinh khởi và tôi thấy hai điều này như hai mặt của một đồng tiền, không thể nào tách rời ra được. Thật là đơn giản, khi chúng ta sân hay ham muốn thì ta không thể nào an tịnh được bởi vì ham muốn kéo tâm đến với tương lai, giận dữ đưa ta về quá khứ, làm sao mà an tịnh được? Điều này cũng đúng với Vipassana, ham muốn và sân hận khiến ta bị ảnh hưởng, trở nên lệch lạc không còn khách quan để có thể có được “cái thấy biết rõ ràng”. Vậy thì nguyên nhân khiến ta có an tịnh (samtha) và cái thấy rõ ràng (vipassana) chính là sự giảm thiểu phiền não và chướng ngại trong tâm, bởi có cùng nguyên nhân nên Samatha và Vipassana sẽ sinh khởi cùng lúc với nhau. Nếu có “an tịnh” thì cũng sẽ có “cái thấy rõ ràng”, nếu có “cái thấy rõ ràng” thì cũng sẽ có “an tịnh”. Thế cho nên, khi nói “thiền Samatha” và “thiền Vipassana” rất dễ gây hiểu lầm, mọi người có thể hiểu sai, tưởng rằng một loại thiền đưa đến an tịnh và loại kia đưa đến trí tuệ. Trên thực tế, cho dù quý vị thiền kiểu gì hay quán tưởng như thế nào đi nữa, miễn sao phiền não giảm bớt thì nó cũng sẽ đưa đến Samatha và Vipassana, chúng không thể tách rời nhau được. Đây là một điểu vô cùng căn bản và quan trọng mà chúng ta cần phải nắm bắt cho thật rõ ràng. Nếu thiền tiến triển tốt đẹp thì có hai điều xẩy ra, hai đặc điểm nổi bật, hai mặt đối lập của cùng một đồng tiền: có cái thấy rõ ràng và trở nên an tịnh. Không có sự phân biệt trong giáo lý đạo Phật về thiền Samatha hay thiền Vipassana.
Để kết thúc buổi nói chuyện hôm nay tôi sẽ nói sơ qua giai đoạn cuối của quán chiếu để hoàn tất con đường tâm linh. Khi ra khỏi những tầng định sâu, nhìn lại những gì xẩy ra ta sẽ có một hiểu biết rõ ràng về mối liên hệ giữa tâm định và cái thấy rõ ràng. Định càng sâu thì càng có nhiều thứ chấm dứt, biến mất (đi đến chỗ đoạn tận/ tận diệt) Tối nay, sau khi thiền, dù chỉ một chút thôi, quý vị cũng đã có thể thấy rằng mọi việc ổn định hơn, ít suy nghĩ hơn và một số suy nghĩ đã chấm dứt, càng nhiều thứ chấm dứt thì càng tuyệt vời hơn. Và khi vào được chánh định thì vạn pháp gần như chấm dứt/tận diệt, vì vậy đó là khoảnh khắc có tác động mãnh liệt khiến cho tuệ giác phát sinh.
Sau khi ra khỏi định, quán chiếu lại những trải nghiệm vừa qua, ta thấy cả thế giới biến mất/tận diệt, điều duy nhất còn lại là hỷ lạc và bình an. Ta hiểu ra cái vô thường, hay thay đổi, không vững bền của đời sống. Càng buông bỏ thế giới bên ngoài thì càng thấy tuyệt vời hơn, lúc ấy ta mới thực sự thấu hiểu khổ đau của thế giới này, hiểu một cách tường tận vì chân phúc lạc chỉ có được khi ta hoàn toàn buông bỏ hết tất cả. Và ta cũng sẽ thoáng thấy được vô ngã. Vì sao? Vì khi buông bỏ cả thế giới bên ngoài, khi thoát ra khỏi nó ta không có khả năng điều khiển, có nghĩa là cả thế giới đó không còn liên quan gì đến mình nữa, ta hoàn toàn xả bỏ, vượt ra ngoài cái thế giới đó lần đầu tiên và đó là khởi điểm cho tuệ giác về vô ngã. Tuệ giác chỉ thật sự phát sinh khi định thâm sâu, chúng ta sẽ hiểu được chân hạnh phúc ở đâu và ý nghĩa thật sự của cuộc sống là gì.
Tôi muốn tóm tắt ngắn gọn những gì tôi đã nói. Một trong những điều quan trọng nhất về thực hành quán về pháp, tôi khuyên quý vị nên tập trung vào điều cơ bản, suy ngẫm đơn giản giúp quý vị biết trân quý mọi việc trong đời sống hàng ngày, thường xuyên nhận biết những phước lành mình có, làm thế nào để vượt qua sân hận, những điều đơn giản trong cuộc sống, nếu quý vị có thể làm chừng đó thôi thì sự thực hành cũng đã tiến triển tốt đẹp; và rồi, hãy áp dụng cùng những cách quán chiếu đó vào trong thiền tập, nó sẽ giúp chúng ta biết cách vượt qua những phiền não và những khó khăn trong thiền.
Tối nay chỉ có như vậy thôi, tôi chúc quý vị may mắn trong thực hành.
Discussion about this post