Ngày 22/02/2009, hội thảo “Văn hóa doanh nghiệp trong thời kỳ hội nhập – tính thiện trong kinh doanh” do Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam và Thời báo Kinh tế phối hợp với Ngân hàng Liên Việt tổ chức tại Học viện Phật giáo Trung ương Việt Nam tại Sóc Sơn, Hà Nội.
Bản sắc văn hóa kinh doanh của người Việt
Trong bài diễn văn khai mạc Hội thảo, Giáo sư Đào Nguyên Cát – Tổng biên tập Thời báo kinh tế Việt Nam – khẳng định văn hoá kinh doanh sẽ là một cơ sở quan trọng giúp doanh nghiệp vượt qua những sóng gió hiện nay. Nhận định này được nhiều học giả, nhà nghiên cứu về văn hoá, kinh tế… ủng hộ và chia sẻ. Theo nhìn nhận của GS. Đào Nguyên Cát: bên cạnh các yếu tố vật chất như tài nguyên thiên nhiên, người lao động…, văn hoá kinh doanh là yếu tố cơ bản, lâu bền góp vào sự thành công của doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Chia sẻ với ý kiến trên, nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu cho biết: không ít doanh nghiệp của Việt Nam hiện vẫn kém hiểu biết về tâm lý, thói quen tiêu dùng… của khách hàng mà mình hướng tới. Ông cho rằng đây chính là sự thua kém về văn hoá kinh doanh. Thiếu yếu tố này, doanh nghiệp sẽ không thể thắng lợi trong cuộc cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài thời kỳ hội nhập. “Kinh doanh có văn hóa là lối kinh doanh có mục đích và theo phương thức đạt tới cái lợi, cái thiện và cái đẹp. Kinh doanh vô văn hóa là lối kinh doanh sẵn sàng chà đạp lên mọi giá trị, không từ bất cứ thủ đoạn bỉ ổi nào, miễn là kiếm được càng nhiều lợi nhuận càng tốt. Để đạt được lợi nhuận ngày càng cao, họ sẵn sàng cho ra đời những hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái, những hàng có chất độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng, thậm chí sức khỏe của trẻ em. Họ chà đạp lên chuẩn mực văn hóa trong kinh doanh, họ thiếu hẳn chữ “ tâm” trong kinh doanh” – nguyên Tổng bí thư nhấn mạnh.
Cho rằng để phát triển bền vững, mỗi doanh nghiệp cần xây dựng cho mình một bản sắc văn hóa riêng, PGS.TS Đào Duy Quát nhìn nhận chủ doanh nghiệp sẽ có vai trò quyết định trong xây dựng văn hoá doanh nghiệp, bởi theo ông, họ là người trực tiếp điều hành, đồng thời là tấm gương văn hoá để mọi thành viên trong doanh nghiệp noi theo.
Trong bài tham luận tại hội thảo Nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ những nghiên cứu về doanh nhân của ông dưới cái nhìn lịch sử. Ông cho rằng khái niệm đạo kinh doanh của người Việt là một khái niệm mới do thế hệ chúng ta đặt ra. Khái niệm này có liên hệ với khái niệm “Đạo làm giàu” của cụ cử Lương Văn Can nhờ vào những trước tác của cụ. Cụ cử cho rằng “người mình không có thương phẩm- không kiên tâm- không nghị lực – không biết trọng nghề – không có thương học – Kém đường giao thiệp – Không biết tiết kiệm – Không hàng nội hóa” bởi vì từ xa xưa “cổ nhân thường khinh sự buôn bán là mạt nghệ, bởi vì người xưa trọng đạo đức khinh công lợi, thấy người buôn tham lợi mà ít nói thực, sợ mất cái lòng đạo đức đi.” Và vì lý do đó từ xa xưa trí lực của người Việt nam chỉ hướng vào thi phú và quan trường.
Như một nhà khảo cứu lịch sử cũng là một viên quan cai trị thực dân khái quát nhận xét: “ Trong mỗi người Việt Nam có một nhà thơ và một ông quan.” Bên cạnh những cứ liệu lịch sử này có một tư liệu lịch sử khác có nói tới một thương nhân cổ người Việt là một … phụ nữ. Bà là dâu con của khu vực vùng Chu Đậu, Nam Sách và tự đứng ra kinh doanh, trở thành chủ thương đoàn, vượt biển buôn bán với tam phiên (Nhật, Trung Hoa và phương Tây). Hiện một hiện vật nổi tiếng của dòng gốm Chu Đậu tại Bảo tàng Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) có ghi người vẽ là Bùi Thị Hý càng khẳng định những nhận định về cứ liệu này. Thêm nữa, cùng với phong trào Duy tân đổi mới đất nước hồi đầu thế kỷ 20 với những tên tuổi như Bạch Thái Bưởi, Nguyễn Sơn Hà, Nguyễn Hữu Thu… Cùng với những bằng cớ lịch sử này ông khẳng định kinh doanh nghĩa là dùng sản phẩm hay dịch vụ của mình như phương tiện để giải quyết những vấn đề xã hội và làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn.
Thấm nhuần Phật pháp trong kinh doanh
Hội thảo càng sôi nổi hơn khi được lắng nghe bài phát biểu của Đại đức Thích Nhật Từ – một người con của Phật, còn rất trẻ mà lại hiểu biết uyên thâm. Bài phát biểu không chỉ là Phật pháp mà còn là nhiều thông điệp được gửi gắm vào cuộc đời. Bài phát biểu của Đại đức có tên là “Thở, cười và hạnh phúc trong cơn lốc khủng hoảng tài chính”. Với những phân tích sắc sảo như một nhà phân tích tài chính, kinh tế về cơn khủng hoảng kinh tế toàn cầu, đại đức đã cho thấy những người tu không chỉ là những người đầu tròn áo tròn chuyên ngồi gõ mõ tụng kinh mà vô cùng nhập thế, hiểu biết về hiện tại với con mắt Phật giáo để lắng nghe niềm đau, nỗi khổ, sự bức xúc của xã hội và tìm cách gỡ rối theo tinh thần đạo Phật. Trong bài tham luận của mình, Đại đức đã đưa ra những giải pháp rất thiết thực mà mỗi doanh nhân, doanh nghiệp đều có thể áp dụng vào trong đời sống của doanh nghiệp của mình. Đại đức khẳng định tĩnh tâm để nhìn lại chính mình qua nghệ thuật chính niệm trong “thở và cười.” Chỉ mất mấy phút “thở và cười” mỗi ngày, bạn cảm thấy khoẻ hơn, sảng khoái hơn, hạnh phúc hơn. Đừng để đến lúc có quá nhiều áp lực mới thực tập hít thở và nở nụ cười tươi.
Cùng chia sẻ vấn đề văn hóa doanh nghiệp, theo Đại đức Thích Trí Chơn, chúng ta cần phải “vun bồi Phật chất trong đời sống doanh nhân”. Thầy tổng kết nếu có vị sư nào đề cập đến kinh tế thì bị coi là “sư hủ hóa”, còn doanh nhân nào mà hay đi chùa thì bị coi là “làm ăn kiểu chùa” vì người ta thường nhìn nhận đạo Phật là một tôn giáo thoát tục, không màng tới thực tại. Trên thực tế khi kinh doanh người doanh nhân cần phải trả lời được câu hỏi: Mục đích của việc kinh doanh là để làm gì? Có lợi nhuận là để làm gì? Và hoạt động bằng cách nào để tạo ra giá trị thặng dư một cách hiệu quả nhất? Hiệu quả ở đây không chỉ đong đếm bằng giá trị đồng tiền, mà còn phải tính đến những sự vun bồi, chăm sóc các yếu tố khác như văn hóa, đạo đức. Thầy giảng giải: khi một người bị ô nhiễm tâm thức, người đó có thể làm hại đến cả bản thân và gia đình mình. Nếu người đó có vị trí trong hệ thống chính trị hay trong kinh tế, kinh doanh thì có thể làm hại cả cộng đồng và làm hại xã hội. Vì vậy người Phật tử kinh doanh, hay người kinh doanh theo đúng tinh thần Phật giáo phải là:
– Thứ nhất: Người có tâm trong sáng, tránh xa những việc xấu ác, và làm việc thiện cũng như khuyến khích người làm việc thiện; phải bằng được loại bỏ kiểu kinh doanh “ăn xổi ở thì”.
– Thứ hai: Tư lợi lợi tha, tức là làm lợi cho bản thân và làm lợi cho người khác – đó chính là phương thức kinh doanh đẹp đẽ và bền vững nhất.
– Thứ ba: Phải xác định rõ phương tiện và cứu cánh, nghĩa là phải xác định rõ mục đích vật chất chỉ là phương tiện để đem lại an vui, chứ không phải là cứu cánh. Nếu chỉ vì mục đích làm thật nhiều tiền mà quên đi hạnh phúc gia đình, hy sinh niềm vui của những người thân yêu của mình thì tiền phỏng có ích gì?
– Thứ tư: Nhìn rõ tính vô thường, nghĩa là ta hãy vui vẻ đón nhận mọi chuyện thất bại thành công trong đời sống vì chẳng có điều gì là tồn tại mãi mãi, ngay cả những gia sản kếch xù hay những sự nghiệp kinh doanh thành công nhất.
– Thứ năm: Hãy nên nhớ là nhân quả: đó là quy luật tồn tại khách quan trong cuộc sống, chứ không phải chỉ là giáo lý của nhà Phật. Đức Phật là người phát hiện ra giáo lý này. Người ý thức được quy luật tự nhiên này sẽ có tư duy chân chính, lời nói chân chính, hành động chân chính và sẽ được xã hội tôn vinh mà còn được quả báo tốt đẹp đời sau.
Với tiến sĩ vật lý Nguyễn Tường Bách – người đã nổi tiếng với rất nhiều tác phẩm, dịch phẩm đạo Phật đồng thời là nhà khoa học, doanh nhân thì dường như đất nước ta đang đứng trước một vận hội mới. Theo ông vận hội mới này chính là nguồn mạch tâm linh của dân tộc sẽ được khơi mở. Ông cho rằng những nhà kinh doanh “có tâm” sẽ biết thiết lập sự quân bình trong quan hệ chủ/thợ, hài hòa trong sự tập trung tài sản và quyền lực, quân bình trong đời sống chung/riêng. Những nhà kinh doanh “có tầm” sẽ biết rằng mọi thành công, tiền bạc, tài sản… là sự vật chất hóa của khả năng của mình, của phước báu cha ông, của nhiều tích lũy từ đời kiếp nào xa xưa, của nhiều năng lực vô hình khác mà mình không hề ý thức đến. “Tất cả đều nằm trong kho báu của pháp giới, ai xứng đáng sẽ được hưởng lợi ích lâu dài, ai không xứng đáng sẽ sớm bị mất đi. Nhà kinh doanh minh triết biết rằng tất cả của cải và địa vị đều do “trời đất” tạm ứng cho, mình chỉ là người quản lý hộ để thực hiện một sứ mạng nào đó trong đời“, ông nói. Và vì thế dù thương trường có lúc căng thẳng nhưng thực ra ta luôn luôn có thể hành động vừa mang lại lợi ích cho mình và để cho người khác cùng sống.
Hội thảo kết thúc trong sự hoan hỉ và tâm đắc của hầu hết những người tham gia – vốn đã có lòng mến mộ với đạo Phật từ trước. Cảm nhận chung đây là một buổi hội thảo vô cùng có ý nghĩa và đồng thời là một sự vực dậy tinh thần cho các doanh nhân trong hoàn cảnh tình hình kinh tế có nhiều khó khăn và thách thức như hiện nay.
Tú Oanh
(vietnamnet.vn)
03-03-2009 08:23:46
Discussion about this post