Vậy thân mình đây có bền chắc mãi không? Theo lời Phật dạy, thân này do bốn đại hòa hợp, gồm: đất, nước, gió và lửa. Trong thân mình, chất cứng thuộc về đất như: xương, thịt v.v…. Còn chất ướt thuộc về nước như: máu, mủ v.v…, chất nóng thuộc về lửa như hơi ấm, nhiệt độ trong thân, còn hơi thở hay không khí thì thuộc về gió, nó làm các cơ quan bên trong như tim, phổi hoạt động. Như vậy, thân do bốn chất đó hợp lại thành, mà thân đã do kết hợp thì tất nhiên nó phải có lúc tan rã. Thí dụ như chất nóng mà đi ra không hợp lại, thân này không có chất nóng, thì nằm cứng đơ. Cũng như chất gió, như là hơi thở mà đi ra không vào nữa thì thân này cũng phải ra nghĩa địa. Như vậy, thân này chỉ tạm hợp lại một thời gian, nếu các chất tách ra thì nó liền tan rã chứ gì!
Nói theo tướng tế, với khoa học bây giờ thì thân mình đây có phải nguyên vẹn một khối không? Nó là do từng tế bào hợp lại thôi. Thí dụ như ngón tay này, mình thì nói nó là một ngón tay nhưng nếu đem máy quang tuyến soi thì hết còn thấy là ngón tay! Tuy mình thấy những ngón tay nguyên vẹn như vậy nhưng thật sự là nó có những khoảng hở bên trong, cho nên máy quang tuyến mới soi thấu được. Như vậy, ngón tay chỉ là sự kết hợp lại của những tế bào, mà đã có kết hợp tất nhiên phải có tan rã, thì điểm đến của nó ắt là hoại diệt!
Đó là về thân, còn về tâm thì sao? Cũng vậy, tâm này do các niệm tham, niệm sân, niệm si, buồn vui, giận ghét v.v… kết hợp rồi nương theo các duyên mà có. Mình thì thấy hình như là có một tâm nhưng sự thật nó là do nhân duyên kết hợp (tức các niệm buồn vui, giận ghét v.v… kết hợp theo duyên). Nếu bây giờ tách rời hết những cái duyên đó ra thì cái gì là tâm? Thành ra, tâm này cũng là cái tâm sanh diệt vô thường, vì lìa các duyên thì nó liền mất. Mình nói tâm mình suy nghĩ thế này, hiểu biết thế kia v.v… nhưng sự thật đó là do kết hợp theo các duyên. Suy nghĩ tức là suy nghĩ về cái gì đó, còn hiểu biết tức là cũng hiểu biết về cái gì đó. Bây giờ mỗi người hãy suy nghĩ cái gì không có đối tượng; thử suy nghĩ xem! Thì không suy nghĩ được. Như vậy, nếu không còn đối tượng nữa thì suy nghĩ của mình liền mất! Rõ ràng đó là cái tâm theo duyên, cho nên nó có sanh, có trụ, rồi có dị, có diệt. Khi tâm khởi lên thì nó gọi là sanh, rồi tồn tại một thoáng là trụ, kế nó biến đổi là dị và cuối cùng là diệt, tức cũng đều đi đến chỗ tan rã! Như vậy, thân tâm mình đang sống hiện tại đây đều là các pháp tan rã hết.
Cho đến các cảnh vật bên ngoài lẫn quả đất này v.v… thì cũng là các pháp tan rã. Trong kinh Phật có nói về thế giới, nó có bốn tướng: thành, trụ, hoại và không. Thế giới sau khi hình thành thì trụ một khoảng thời gian, rồi dần dần biến hoại cho đến khi diệt thành không. Nó luôn đi theo cái chiều đó, tức là cũng đi đến chỗ tan rã. Trên tướng thô, mình thấy các cảnh vật thế giới hình như bền chắc nhưng nhìn kỹ sẽ thấy rằng nó rồi cũng đi theo chiều đến chỗ tan rã. Như vậy, thân này sẽ đi đến chỗ tan rã, cái nhà này cũng đi đến chỗ tan rã. Trước đây thì chưa có nhà này, nhưng sau khi xây dựng lên thì nó thành, rồi nó trụ một thời gian khoảng một trăm năm, hai trăm năm chẳng hạn thì sẽ đi đến hư hoại, và tan rã rồi trở về không. Hoặc như cái xe quý vị đi đến đây, nó cũng thuộc thành trụ hoại không, cũng đi đến cái chỗ tan rã. Ngay cả đoàn thể này thì có chắc chắn tồn tại mãi không? Qua năm chục năm, một trăm năm, hai trăm năm v.v… cho đến cả vài nghìn năm, nó cũng đến lúc tan rã, bởi vì ngay chính trong bản thân mỗi người ở trong đoàn thể đó cũng tan rã. Trái đất mình đang ở đây cũng vậy, mình tưởng đâu trái đất bền chắc lắm, từ trước tới giờ nó còn nguyên mà! Nhưng sự thật thì nó cũng đi đến chỗ tan rã, đến lúc nào đó thì nó cũng phải nổ tung! Quý vị thấy, mỗi khi trời chuyển mưa, sấm nổ nghe đất rung rinh v.v… thì nó báo hiệu cho mình cái gì? Thường thì ít ai để ý, xem đó là chuyện tự nhiên, là bình thường nhưng thật sự là mỗi khi sấm nổ, đất rung rinh chuyển động thì đó là nó báo cho mình biết rằng: “Trái đất này không có bền chắc đâu!”. Và thỉnh thoảng nghe có động đất nơi này, nơi nọ là nó báo hiệu cho mình biết rõ điều đó, nó báo hiệu trước: “Nó không có kiên cố, nó có thể sụp đổ, có thể tan rã!”. Mà sấm nổ nghe đất rung rinh thì đó là còn nhẹ, khi động đất thì nó còn rung rinh mạnh hơn nữa. Rõ ràng, đó là dấu hiệu để biết rằng nó không có bền chắc, nó sẽ đi đến chỗ tan rã. Trong kinh Bát Đại Nhân Giác, điều giác ngộ thứ nhất có nói:
Thế gian vô thường
Quốc độ nguy thúy,
Tứ đại khổ không
Ngũ ấm vô ngã.
Tức thế gian là vô thường, còn cõi nước này thì giòn bở không bền chắc. Bốn đại thì khổ không, tức trống rỗng mà thôi. Năm ấm thì vô ngã, tức không có gì là chủ thể. Vậy không có gì chắc thật cả. Cho thấy rằng, quả đất này mới nhìn qua thì tưởng đâu là nó cứng chắc mãi mãi nhưng sự thật thì nó giống như một quả trứng, chỉ một lớp vỏ cứng mỏng bao bên ngoài còn phía trong thì lỏng, trống. Cho nên, mình mới thấy lâu lâu nó xì ra chỗ này, nứt ra chỗ kia. Núi lửa phun nham thạch là nó xì ra ngoài đó! Như vậy, tức là có chỗ hở chứ đâu phải đặc cứng gì! Lẽ thật là như vậy. Trong bài kinh Lửa ở trên núi Tượng Đầu, Đức Phật giảng cho nhóm ba anh em Ca-diếp thờ thần lửa:
“Này các Tỳ-kheo! Tất cả đều bị thiêu đốt, cả thế gian đều bốc cháy. Này các Tỳ-kheo! Tất cả đều bị thiêu đốt là như thế nào?
Mắt nằm ở trong lửa, hình sắc nằm ở trong lửa. Cảm giác dù cho vui sướng hay đau khổ, hay là không vui sướng không đau khổ phát sanh do nhãn xúc cũng đều nằm trong lửa”.
Tức là con mắt của mình đây đang nằm trong lửa, hình sắc cũng đang nằm trong lửa, mà nhãn thức cũng đang nằm trong lửa. Vậy là cả ba thứ: căn, trần và thức đều nằm trong lửa tức là đều đang bốc cháy! Kế đến là các cảm thọ: hoặc khổ, hoặc vui hoặc là bình thường, chúng phát sanh do căn tiếp xúc với trần bên ngoài, thì cũng đang nằm trong lửa tức là cũng đang bốc cháy!
“Lửa ấy bắt nguồn từ đâu? Là từ những ngọn lửa tham ái, sân hận, si mê, sanh, già, bệnh, chết, than khóc, đau khổ, âu sầu và tuyệt vọng. Như Lai tuyên bố như vậy”.
Như vậy, trong là căn, ngoài là trần mà giữa là thức, trong đó có phát sinh những cảm thọ, cảm xúc v.v… gì đi nữa thì đều là nằm trong lửa, đều đang bị bốc cháy! Tức là Đức Như Lai tuyên bố chúng đều là các pháp tan rã vô thường, không có pháp nào bền chắc! Đó là điều chắc chắn, tất cả thế gian đều như thế, kinh Pháp Hoa thì nói:
Tam giới vô an,
Du như hỏa trạch.
Ba cõi không an
Giống như nhà lửa.
Tức là khắp trong ba cõi mà chúng sanh sống đó, tất cả đều đang nằm ở trong nhà lửa, không có an ổn gì cho đến cái ngã mà mọi người đang chấp đây, thì nó cũng không thật bền chắc, không thật kiên cố như mọi người lầm tưởng! Bởi vì chúng ta còn sống trong mê nên mới thấy nó kiên cố, cố gắng phá hủy nó hoài mà không hết. Nhưng sự thật thì nó cũng không bền chắc gì, có trí Bát-nhã quán chiếu thì nó tan rã liền! Trong Tâm Kinh Bát Nhã:
“Khi Bồ-tát Quán Tự Tại hành sâu Bát-nhã Ba-la-mật-đa, Ngài soi thấy năm uẩn đều không …”.
Tức là với con mắt của Bồ-tát, con mắt Bát-nhã mà quán chiếu năm uẩn này, thấy rõ nó là tánh không thì nó liền tan rã. Quán chiếu được như vậy thì thấy rõ rằng tất cả thế gian này còn có cái gì để cho mình nương tựa? Thân này không nương tựa được, tâm này cũng không nương tựa được, cái ngã này cũng không nương tựa được, mà cả thế giới bên ngoài cũng không nương tựa được, vậy mình phải nương tựa vào đâu đây!? Quán sâu như vậy thì mới thấy được ý nghĩa sâu Phật đã dạy. Như vậy, tại sao mình không lo tu học theo chánh đạo, không lo tu học theo Phật pháp để tìm phao chuẩn bị cho giờ cuối? Cả thế gian này không có gì cho mình nương tựa, bây giờ lại không lo tìm phao để chuẩn bị, khi giờ phút cuối điểm đến thì mình sẽ ra sao?! Đó là lời cảnh tỉnh của các bậc Thánh Hiền cho thế gian, mình phải nhớ điều đó. Trong kinh Kim Cang có bài kệ:
Nhất thiết hữu vi pháp
Như mộng, huyễn, bào, ảnh.
Như lộ diệc như điện,
Ưng tác như thị quán.
Tức là tất cả pháp hữu vi đều như mộng, như huyễn, như bọt như bóng hoặc là như sương, như điện chớp mà thôi, phải nên quán như vậy. “Pháp hữu vi” là những pháp do tạo tác mà thành. Mà đã do tạo tác thì cũng đều là pháp tan rã, nên mới nói nó như mộng, như huyễn, như bọt bóng v.v… mà thôi, không có gì chắc chắn! Bản chất các pháp hữu vi của thế gian là như vậy, mà thấy rõ như vậy thì bây giờ mình ngồi yên chịu chết hay sao?!
II. LUÔN TU TẬP QUÁN CHIẾU.
Đây bước tới một bước nữa, đó là phải thường tu tập quán chiếu cho sâu lý vô thường để mình không còn lầm nữa. Công phu này rất quan trọng, không ứng dụng quán chiếu thường xuyên thì dù cho mình nói gì đi nữa, đó cũng chỉ là trên chữ nghĩa, trên văn tự, mà phải chính có quán chiếu mới tạo thành sức sống nơi chính mình được. Vô thường là lý thường xưa nay như vậy, chứ không phải là Phật ra đời thì nó mới có, không phải là khi Phật ra đời mới đặt ra, mà vô thường là cái lý thường như vậy thì tại sao chúng ta lại không biết, không thấy? Mình lầm, mình mê chính là ở chỗ đó. Thời Phật còn tại thế, có một bà tên Kisa Gotami chỉ có một đứa con duy nhất mà lại mất đi. Quá đau khổ, bà buồn khóc cứ tưởng như đó là chuyện mà một mình bà phải chịu. Bà ôm cái thây của đứa con chạy đi khắp nơi để cầu cứu, một người biết chuyện bèn chỉ bà đến gặp Đức Phật. Khi bà đến nơi, Đức Phật khéo léo bảo:
– Bây giờ con hãy đi vào trong thành này tìm những nhà nào từ trước tới giờ không có ai chết thì xin họ một nhúm hạt cải đem về đây, ta sẽ cứu cho.
Nghe vậy, bà bèn y lời Phật đi tìm. Từ sáng tới chiều, khi hỏi thăm thì bà thấy nhà nào cũng có người chết. Không có cha mẹ chết, anh em chết thì cũng là ông bà tổ tiên chết. Đi cả ngày mệt mỏi như vậy, bà mới ngộ ra đây là lẽ thường chung cho tất cả, ai cũng phải chịu chung cái lý đó chứ không phải chỉ riêng một mình bà. Bà liền trở về gặp Đức Phật, Ngài hỏi:
– Con có tìm được chưa?
Bà trả lời:
– Bạch Thế Tôn, con tìm khắp hết nhưng không có nhà nào là không có người chết. Con mới tỉnh ngộ ra chết là cái ai cũng phải đến chứ không phải của riêng ai, cũng không phải là chỉ riêng một mình con của con.
Thấy tâm bà đã cởi mở, tỉnh táo trở lại, Phật bèn thuyết pháp cho bà. Bài pháp vừa dứt, bà liền chứng quả Tu-đà-hoàn. Đó để cho thấy rằng, ban đầu thì tưởng như bà là người bị vô thường áp đặt khiến bức xúc chịu không nổi, nhưng sau đó khi tỉnh ra thì mới thấy đó là chuyện chung cho tất cả chứ không phải chỉ riêng mình bà phải chịu. Hiểu kỹ rồi thì thấy rằng mình chỉ là một phần trong đó, phần tí xíu phải chịu cái lẽ vô thường trong số mấy tỉ người trên thế giới! Nhưng tại sao bấy lâu nay mình lại không biết đến lẽ vô thường như vậy? Đó bởi vì lâu nay mình cứ làm ngơ, nhiều khi còn không dám nghĩ tới nó nữa! Nhưng ở đây, học Phật là phải nhìn thẳng sự thật: Nó như thế nào thì mình phải nhìn thẳng vào nó không có trốn tránh. Chỉ khi nhìn thẳng vào, thấy rõ lẽ thật rồi thì mình mới giải quyết được nó. Có câu chuyện, một người đàn bà có chồng vừa mới chết. Quá buồn khổ, bà đi tìm một vị thầy để an ủi cho mình. Khi đến nơi, vị thầy đã đi vắng chỉ còn có bà mẹ đang ở nhà. Mà bà mẹ này lại là người tu tập có đạo lực, thấy người đàn bà, bà mẹ bèn bảo:
– Con hãy ngồi đây, ta sẽ nói cho con nghe. Này con, con vừa mất chồng, thật đúng là quá buồn khổ vì mất mát. Điều đó phải đấy nhưng con hãy nghe đây! Khóc thì con cứ khóc đi, có bức tóc gì đó thì con cũng cứ bức tóc đi. Nhưng sau đó thì con cũng phải biết nghĩ lại và con cũng biết bớt buồn bởi vì con cũng đừng có quên rằng: ngay cả cái tâm trạng buồn khổ này của con đây cũng vô thường, không có thực thể. Nó cũng như mây như gió vậy thôi và nó cũng sẽ vơi đi như mọi thứ khác ở trên đời này. Ta là một bà già và cũng đã từng buồn, từng khổ, từng thấy bao nhiều người thân đến rồi đi. Cho nên, lời khuyên của ta cho con là: “Đừng mang vào lòng bất cứ cái gì hết!”.
Nghe vậy, người đàn bà tỉnh ngộ nên bớt buồn khổ. Ban đầu, ai cũng thấy hình như đó là cái áp đặt lên mình, nên buồn khổ mất mát cứ bám chặt vào. Nhưng sau đó khi hiểu được lẽ thật thì mới thấy rõ tất cả cũng đều vô thường, đều là pháp tan rã. Ngay cả cái tâm buồn khổ của mình thì cũng vô thường, nó không có bền chắc gì hết nhưng vì người ta cứ tưởng tượng, cứ bám chặt vào nó hoài nên thành ra khổ! Khổ là chỗ đó! Quý vị kiểm lại xem, mỗi khi mình buồn khổ hoặc phiền não gì đó thì nó có buồn suốt đời không? Thì cũng chỉ buồn một lúc nào đó rồi cũng vơi bớt dần, rồi cũng qua chứ không phải là mãi như vậy. Tâm vui vẻ của mình cũng vậy, chỉ vui một chút rồi cũng phải đi qua vì nó đều vô thường, đều là những pháp tan rã. Mà đã như vậy thì tại sao mình lại cứ ôm mãi vào lòng cho khổ?! Ở đây, bà mẹ khuyên người đàn bà: “Đừng mang vào lòng bất cứ cái gì hết!”, đó là lẽ thật. Tức nó đã là pháp tan rã, pháp không bền chắc nhưng lại cứ mang vào, cứ cố giữ; mà giữ không được thì khổ chứ có gì đâu! Đây là điều tất cả cần hiểu rằng: “Mọi thứ đều tan rã, không bền chắc, đều không còn mãi”. Luôn quán chiếu như vậy, bớt bám chấp, bớt giữ chặt thì bớt khổ. Lẽ thật rõ ràng như vậy.
Bởi vô thường là lý sẵn có, xưa nay nó như vậy rồi nhưng nếu như không nhờ công phu quán chiếu thì nó cũng chỉ là lý chết, chứ không hiệu quả gì. Thí dụ như chiếc thuyền, không có chèo bơi gì thì nó cứ đậu mãi một chỗ; mà phải có bơi có chèo thì con thuyền mới có tác dụng đưa người qua bờ bên kia. Đây cũng vậy, phải nhờ có công phu quán chiếu thì mới đưa đến hiệu quả tự mở trí tuệ cho mình. Công phu này rất là quan trọng, cho nên mình học thì phải có hiểu, có hành, phải có quán chiếu thì mới đi đến có sức sống thật. Đó là bước tiến thứ hai.
III. LÀM CHỦ TRỞ LẠI TRONG VÔ THƯỜNG.
Tiến thêm bước nữa, mình cần phải làm chủ trở lại trong vô thường, tức là bình tĩnh trước sự vô thường chuyển biến mà vượt qua để làm chủ trở lại, chứ không phải hiểu vô thường để rồi chán đời không muốn làm gì hết! Con đường đi của mình rõ ràng như vậy. Hiểu kỹ như vậy thì mình mới thấy rằng Phật pháp thật sâu xa, chứ không phải là học Phật rồi nghe rằng cái gì cũng vô thường, cũng khổ v.v… thì bi quan chán đời, đó là hiểu lầm! Thiền sư Vạn Hạnh khi sắp tịch có bài kệ:
Thân như điện ảnh hữu hoàn vô,
Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô.
Nhậm vận thịnh suy vô bố uý,
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.
Tạm dịch:
Thân như điện chớp có rồi không,
Cây cối xuân tươi thu héo rồi.
Mặc cuộc thịnh suy không sợ hãi,
Thịnh suy đầu cỏ hạt sương phơi.
“Thân như điện chớp có rồi không”, tức là thân có đó rồi không đó, nó không có bền chắc. “Cây cối xuân tươi thu héo rồi”; tức là cây cối vào mùa xuân thì tươi tốt nhưng đến mùa thu thì nó héo tàn. Khi hiểu vậy thì “Mặc cuộc thịnh suy không sợ hãi”, tức là mặc cho những thịnh suy ở thế gian này thì mình vẫn không sợ hãi. Thế gian vốn biến đổi như vậy, có lúc thịnh thì cũng đến lúc suy chứ không thịnh mãi, mà có suy thì rồi cũng thịnh trở lại chứ không suy hoài. Vì biết thế gian vô thường, không bền chắc như vậy nên mình không có gì phải bận tâm. Đó bởi vì sao? “Thịnh suy đầu cỏ hạt sương phơi”. Như hạt sương trên đầu ngọn cỏ, khi nắng lên thì hạt sương liền tan, không có gì bền chắc. Đây Sư chỉ rõ rằng: từ thân mình cho đến những cảnh vật bên ngoài, tất cả đều là vô thường. Thân thì như điện chớp, có rồi không; cảnh vật bên ngoài như cây cối, mùa xuân thì tươi mà qua mùa thu thì héo. Biết như vậy, không có gì để bám thì bây giờ mình mới làm chủ trở lại trong cuộc vô thường. Những cuộc thịnh suy tuy có vô thường biến đổi nhưng tâm mình thì không biến động theo. Đó bởi vì thấy rõ thịnh suy cũng giống như hạt sương phơi trên đầu ngọn cỏ, nó có đó rồi cũng tan đó chứ không có gì bền chắc, thì tâm mình sẽ bình tĩnh trước những biến đổi của cuộc đời. Như vậy, hiểu vô thường là để làm chủ trở lại trong vô thường chứ không phải là hiểu vô thường để rồi buồn chán! Người Phật tử hiểu sâu điều đó thì sẽ có một cuộc sống bình tĩnh trước mọi biến đổi của thế gian. Khi Phật còn tại thế ở thành Xá-vệ, một ngoại đạo du hành tìm đến Ngài để thưa hỏi. Trên đường đi đến chỗ Phật, ngang một đám ruộng, ngoại đạo kia thấy có hai cha con đang canh tác ở trong ruộng: người cha canh tác một đầu, người con thì đứng canh tác ở đầu kia. Thình lình, người con bị rắn độc cắn chết nhưng người cha cũng vẫn bình thản làm việc. Thấy như vậy, vị ngoại đạo rất ngạc nhiên bèn đi đến người cha hỏi:
– Người thanh niên trẻ đằng kia là gì của ông vậy?
Người cha đáp:
– Đó là con trai của tôi!
Vị ngoại đạo bèn lớn tiếng bảo:
– Ồ, nó là con ông à! Con ông bị rắn độc cắn chết rồi kìa!
Người cha bình thản nói:
– Cắn chết thì cắn chết! Hẳn nhiên là cắn chết rồi thì nó cũng không thể sống lại được!
Nghe vậy, vị ngoại đạo thầm nghĩ: “Người này sống sao vô tình quá!”.
Khi đó, người cha mới hỏi:
– Vậy còn ông, ông định đi đâu?
Vị ngoại đạo đáp:
-Tôi đi đến thành Xá-vệ để gặp Đức Phật.
Ngươi kia nghe vậy bèn nói:
– Trên đường đi có ghé ngang qua nhà tôi, ông nhắn dùm vợ tôi ở nhà là chỉ đem ra ruộng một phần cơm!
Nghe vậy, vị ngoại đạo kia thầm nghĩ: “Để xem mẹ chàng trai này phản ứng ra sao?”, ông bèn tìm đến nhà kia. Khi đến nơi thì gặp người mẹ, ông bèn nhắn:
– Trưa nay, bà chỉ cần đem ra ruộng một phần cơm mà thôi.
Người đàn bà đáp:
– Vâng!
Ông nói thêm:
– Con trai của bà bị rắn cắn chết rồi.
Bà này bình thản đáp:
– Bị rắn cắn chết thì cũng đã chết. Nó cần đi thì tôi giữ lại cũng không được, mà nó cần đến thì tôi cũng không thể bảo nó đừng đến.
Tức là con trai bà đến, bà cũng không thể ngăn không cho anh đến; mà khi con trai bà muốn đi, bà cũng chẳng thể giữ cho ở lại được. Nghe vậy, ông rất đỗi ngạc nhiên: “Hai vợ chồng này sống sao vô tình quá?”. Khi đó, từ trong nhà có một cô gái trẻ đi ra, ông nghi ngờ chắc là vợ chàng trai kia nên hỏi:
– Chàng trai trẻ kia chắc là chồng của cô, có phải không?
Cô trả lời:
– Đúng vậy.
Ông nói:
– Chồng của cô đã bị rắn cắn chết rồi!
Cô vẫn đáp tự nhiên:
– Vậy à! Cắn chết rồi thì anh ấy ra đi thôi!
Tức là rắn cắn chết rồi thì anh phải đi! Nghe đến đây, vị ngoại đạo trong lòng rất thắc mắc: “Tại sao họ sống vô tình quá!?”. Ông bèn đi tiếp cho đến khi gặp Đức Phật. Khi đến nơi, ông đem câu chuyện đó kể cho Phật nghe và hỏi:
– Tại sao họ lại có thái độ như vậy?
Phật đáp:
– Những người trong gia đình đó đều hiểu rõ các pháp đều do duyên sanh, duyên tụ thì sanh mà duyên tan thì diệt. Ông chẳng muốn nó sanh cũng không thể được, ông chẳng muốn nó diệt cũng không thể được. Biết đạo lý đó nên họ bình tĩnh trong cuộc sống như vậy. Đời người như chim ở trong rừng, khi đại hạn đến thì mỗi con tự bay đi mỗi nơi. Mỗi người tự có một nghiệp riêng, khi thọ mạng đã hết thì dù muốn lưu lại cũng không thể được.
Tức là mỗi người đều phải tự đi đường riêng, dù cho cha mẹ, anh em, con cái v.v… thì mỗi người cũng phải đi con đường riêng chứ không ai đi chung đường. Có thân thiết nhau cách mấy đi nữa thì cũng phải đi riêng đường!
Khi Phật giảng tới đó, ông liền tỉnh ngộ và sau đó quy y Phật. Đó cho thấy rõ đây là gia đình từng được nghe Phật thuyết pháp, có hiểu mà cũng sống được với Phật pháp nên sống có đạo lý rồi làm chủ trở lại trong vô thường. Đó gọi là các vị sống có pháp, chẳng đồng với thường tình thế gian chứ không phải là sống vô tình như cây như đá! Như vậy, hiểu lý vô thường thì mình có cuộc sống sáng suốt bình tĩnh trước những biến đổi của thế gian, tâm an lạc. Hiểu vậy thì đó là một sức mạnh lớn ở trong cuộc đời, chứ không phải là hiểu lý vô thường thì mình sống bi quan, chán đời, thành ra yếu đuối!
Một điểm nữa, đã thấy rõ tất cả là pháp tan rã, không có gì bền chắc, không có cái gì để mình nương mình bám, là hết chỗ nương được thì phải làm sao đây? Đã là pháp tan rã, dù cho có nắm thì cũng đến lúc nó vuột khỏi tay, mà càng cố bám thì khi nó mất ắt là phải khổ. Trong bài kệ Cuộc Đời Qua Mắt Tôi, Hòa thượng Tôn Sư dạy:
“Chiếc thân tứ đại khói, sinh hoạt thế gian mây”.
“Chiếc thân tứ đại khói”, tức thân này giống như khói, nó bốc lên một chút rồi tan. “Sinh hoạt thế gian mây”, cuộc sống trên thế gian này giống như mây, nó cũng tụ rồi tan, không có bền chắc gì.
“Thành công khối nước đá, thất bại chùm bọt tan”.
Thành công giống như khối nước đá, thì cũng tồn tại một chút rồi lại tan ra; cũng vậy, thất bại thì như chùm bọt, có đó rồi cũng tan, không có gì phải bận tâm.
“Nhục vinh bong bóng nước, thương ghét hạt sương mai”.
Cái nhục cái vinh thì cũng giống như bong bóng nước, vinh đó một chút thì cũng tan, mà nhục đó một chút cũng tan, cũng không còn mãi. Cũng vậy, thương ghét giống như hạt sương mai trên đầu ngọn cỏ thì có một chút rồi nó cũng tan! Cho nên, cái mà mình gọi là thương hay là ghét thì cũng không bền. Biết như vậy, không bám chấp thì không khổ, chứ nếu mình thương mà nghĩ rằng: “Đã thương thì phải thương mãi mãi, giữ chặt không cho nó mất!” thì khi hết được thương là sẽ khổ! Cũng như vậy, nghĩ rằng: “Ghét thì phải ghét vĩnh viễn suốt đời!”; nhưng có khi ghét một thời gian rồi lại thương! Như vậy, thương ghét cũng không cố định, không thể bám chấp.
“Khổ vui trong giấc mộng, lành dữ bóng chim bay”.
Đến khổ vui cũng giống như trong giấc mộng, thấy vui một chút, hoặc khổ một chút nhưng khi tỉnh mộng thì cái khổ vui đó nằm ở chỗ nào? Cuộc đời này cũng vậy, một chút thấy khổ, một chút thấy vui thay đổi qua lại; nhưng khi tỉnh ra thì mới vỡ lẽ cái khổ vui đó không có thực chất gì, đó chỉ do mình chấp theo cái tâm tưởng tượng nên thành ra khổ vui mà thôi. Cũng cảnh khổ cảnh vui đó nhưng với người đạt đạo, hiểu đạo thì tại sao người ta lại bình thản? “Lành dữ bóng chim bay”, tức là cái bóng chim bay qua mình không nắm bắt gì được. Lành dữ cũng vậy, tùy theo tâm mình mà nó lành hay dữ nhưng đó cũng không cố định. Hiểu như vậy thì tất cả cái gì trong cuộc đời đều không phải pháp thực, đều không bền chắc.
“Tháng ngày cái chớp mắt, còn mất nước trăng lay”.
Tháng ngày trôi qua như cái chớp mắt, vụt đó là nó qua, cũng không bền gì. Rồi chuyện còn chuyện mất thì giống như bóng trăng lung lay dưới nước mà thôi. Mới còn đó rồi cũng mất đó chứ không thực gì hết. Thấy như thế không còn bận bịu gì những chuyện còn chuyện mất thì tâm mình bình thản, cho nên cuối cùng là:
“Chung cuộc cơn gió thoảng, viên mãn bầu trời trong”.
Tức là chung cuộc thì mọi chuyện cũng như cơn gió thoảng qua, chỉ còn lại một bầu trời trong trẻo, đó mới là chỗ sống của mình. Hiểu được vậy thì mình có cuộc sống an bình trong cuộc vô thường đổi thay của cuộc đời.
IV. CẦN PHÁT TÂM BỒ ĐỀ.
Rõ được cuộc sống thế gian là như vậy thì bây giờ mình phải làm sao đây? Lẽ thật, thế gian vốn là tan rã, không thể chấp lấy, đó không phải là nơi mình nương tựa, cho nên bây giờ mình chỉ còn có một cách là phải phát tâm Bồ-đề, tức là phải bước lên con đường giác ngộ chứ không còn con đường nào khác! Đó mới là điểm tựa trên cái thế gian tan rã, cái thế giới trống rỗng này. Chính nhờ tâm Bồ-đề này mới có thể soi sáng, khiến cho đời sống mình có ý nghĩa hơn chứ không phải là trống rỗng. Đó là chỗ mình cần phải học đạo. Chính do mê mờ không nhận được ánh sáng đó nên mình mới lầm, những cái không thật không bền chắc mà cứ bám níu hoài nên thành ra khổ! Bây giờ, nhờ ánh sáng của tâm Bồ-đề, con đường mình đi được soi sáng nên cuộc sống của mình mới có ý nghĩa vì nó có hướng đi. Chính đó mới là sống có điểm tựa, còn không thì tất cả đều mất điểm tựa hết. Thiền sư Đạo Nguyên có nói:
“Tâm Bồ-đề phần nhiều gọi là nhất tâm. Tổ sư Long Thọ có nói: “Chỉ quán tâm sanh diệt vô thường của thế gian cũng gọi là tâm Bồ-đề”. Vậy thì tạm nương nơi tâm này có thể cho là tâm Bồ-đề chăng? Thực tế khi quán vô thường thì tâm ta đây chẳng sinh, niệm danh lợi chẳng khởi, chỉ sợ thời gian qua đi nhanh chóng do đó mà gấp rút tu hành như cứu lửa cháy đầu, nhìn lại cái thân mạng không bền chắc do đó mà tinh tiến quên cả mỏi mệt. Dù có nghe tiếng thần Khẩn-na-la hay tiếng chim Ca-lăng-tần-già cũng như gió chiều, dẫu thấy mặt Vương Tường, Tây Thi cũng như sương sớm che mắt, đã lìa sự trói buộc của thanh sắc thì tự hợp đạo lý quá rồi vậy”.
Đây Ngài nói rằng chỉ cần quán sự vô thường thì đó đã chính là tâm Bồ-đề! Nương nơi sự quán vô thường này nên tâm mình không có sinh theo những cái tạm bợ mỏng manh. Chính khi quán vô thường, mình thấy danh lợi vô thường mỏng manh, không gì bền chắc nên tâm danh lợi không sanh, thì đó chính là phát khởi tâm Bồ-đề rồi! Khi quán vô thường, mình thấy cuộc đời mỏng manh, đi qua mau chóng nên phải gấp rút tu hành như cứu lửa cháy đầu, thì đó chính là tâm Bồ-đề chứ gì nữa! Chính khi quán vô thường, mình thấy thân mạng này không bền chắc nên tinh tấn tu quên cả mỏi mệt. Còn bây giờ mình thấy tu lâu lâu coi bộ cực quá, đó là vì nghĩ nó là mình nên mới thiếu tâm Bồ-đề. Đây thì ngược lại, phải quán nó vô thường, nó mỏng manh cho nên lo tinh tấn tu hành để chuyển thì sẽ không thấy mỏi mệt, đó chính là tâm Bồ-đề rồi! Chính vì quán vô thường, nên nghe những tiếng hay, thấy những sắc đẹp thì mình cũng thấy đó là những cái mỏng manh không bền chắc. Tuy có thấy có nghe nhưng nó cũng giống như gió thoảng, không vướng mắc gì hết thì đó cũng chính là tâm Bồ-đề. Như vậy, quán rõ sự vô thường khiến cho mình không tham đắm, thoát khỏi sự trói buộc của thanh của sắc, của những danh lợi thế gian mà lo gấp rút tu hành, đó chính là phát khởi tâm Bồ-đề. Quả thật, chính pháp quán vô thường mà đánh thức tâm Bồ-đề nơi mình. Đã rõ lẽ thật như vậy thì chẳng lẽ mình cứ chìm mãi trong cái vô thường, đắm hoài trong pháp tan rã đó để chịu khổ hay sao?! Quý vị nhớ, Đức Phật khi còn là Thái tử khi đi dạo qua bốn cửa thành, thấy những cảnh người già, người bệnh, người chết v.v… Ngài liền thức tỉnh và quyết tìm đường giải thoát để giải quyết vấn đề vô thường này, Ngài không thể chấp nhận phải chết chìm trong đó! Đó là tâm vượt ra, tâm vươn lên của Ngài. Đây cũng vậy, hiểu được lẽ thật thì bây giờ mình phải phát tâm Bồ-đề để tìm cho ra lối đi, đó mới là tinh thần học đạo. Chỉ lẽ thật này mà mình học kỹ, hiểu kỹ thì nó sẽ nâng cao đời sống của mình, chỉ cho mình hướng đi rất trong sáng và có ý nghĩa.
V. TÓM KẾT.
Thế gian là vô thường, là pháp tan rã. Nhớ kỹ điều đó! Phải nhận sâu ý nghĩa này vì đó là chân lý của thế gian, là lẽ thật vượt cả thời gian và không gian chứ không phải là một chân lý tạm bợ hay cục bộ. Từ xưa tới nay và cho đến mãi về sau này, đó vẫn luôn luôn là lẽ thực, là chân lý. Thế gian là vô thường, trước khi Phật ra đời, hoặc ngay khi Phật ra đời, hoặc hiện tại mình đang sống đây hoặc cho tới mãi về sau, cho tới khi Phật Di-lặc ra đời thì nó cũng vậy. Dù cho mình ở đây hoặc là lên cõi Trời, luẩn quẩn trong lục đạo này thì nó cũng vậy thôi! Chỉ có một cách vượt khỏi nó, là vào Niết-bàn thì đó mới thoát khỏi. Lẽ thật là như vậy, là “Kinh nói, các pháp đều tự tánh ly”. Tức là nó sẽ tách rời, nó sẽ lìa bỏ vì nó luôn luôn sẵn tánh tan rã ở trong đó. Dù nó đang có mặt ở đây nhưng thật sự nó không có bản chất tồn tại, không thể tìm thấy tánh hiện hữu chân thật ở trong nó. Bản chất của nó là như vậy, mà ghì chặt nó thì đó là khổ! Thí dụ như cái thân hay cái tách này đây, tuy mình đang thấy nó hiện hữu, đang tồn tại ở đây nhưng sự thật nó vẫn đang mang “Tự tánh ly”, tức tự tánh tan rã, nó đang sẵn sàng hoại đi! Đó là điều chắc chắn, hiểu rõ như vậy, thấy đúng như vậy thì mình thấy đúng lẽ thật của các pháp. Như vậy thì không còn chỗ cho mình bám chấp, là châm ngòi nổ cho tuệ giác về sự vô thường của thế gian. Trong kinh Pháp Cú, Phật từng dạy:
Cười gì, hân hoan gì,
Khi đời mãi bị thiêu?
Bị tối tăm bao trùm,
Sao không tìm ngọn đèn?
Đây Phật nói rằng ở thế gian này thì mình cười cái gì khi đời mình đang mãi bị vô thường thiêu đốt, đang bị vô minh tối tăm bao trùm, vậy sao mình không tìm ngọn đèn để kiếm lối ra? Tất cả quý vị ở đây có tìm thấy ngọn đèn chưa? Có thấy lối ra chưa?. Mà hiểu rõ như vậy thì mình phải sống làm sao đây? Đó tức là mình phải khéo sống tùy duyên để giữ gìn đạo lý chứ không phải là tham luyến trong đó để tạo tội lỗi, thì đó là sống trong mê, trong sinh tử, trong khổ đau! Tiến một bước nữa, phải khéo ở trong đây để sống mà phát triển tâm từ, bớt gây đau khổ thêm cho nhau. Thế gian đã như vậy, đều tan rã, tất cả thế gian đều không có chỗ nương tựa, điều đó là đau khổ rồi. Vậy tại sao bây giờ mình lại còn làm đau khổ nhau thêm chi nữa? Phải nghĩ rằng tất cả đang cùng nhau sống trong sự tan rã, cần giúp nhau để vượt ra, không nên làm đau khổ thêm cho nhau. Chính đó là phát triển lòng từ của mình thêm rộng lớn, mà đó cũng là mở ra lối đi cho mình. Tất cả phải luôn nhớ: “Thế gian này không có gì bền chắc. Dù cho phiền não đau khổ hay là hạnh phúc an vui, chúng không có gì bền chắc, không có gì tồn tại mãi”, luôn nhắc mình như vậy thì sẽ bớt vướng mắc. Thí dụ như có được cái gì đó thì mình phải tự nhắc: “Không chắc”, bất cứ cái gì cũng đều nhắc nhở như vậy thì tâm mình sẽ nhẹ nhàng. Mất cũng “Không chắc” mà được cũng “Không chắc”, phiền não cũng “Không chắc”, vui cũng “Không chắc” v.v… luôn luôn nhắc như vậy thì tâm mình sẽ bình an. Cũng vậy, khi giận ai đó mà mình nhắc: “Không chắc” thì đâu phải giận hoài, đâu có khổ lâu! Luôn luôn hiểu được ý nghĩa này thì mình chắc chắn sẽ có một cuộc sống bình an cho nên bây giờ chỉ còn một con đường đúng là phải phát tâm Bồ-đề. Có bài thơ của ngài Hàn Sơn (hóa thân của Bồ-tát Văn-thù) nhắc nhở cho người đời:
Thế sự hà du du!
Tham sanh vị khẳng hưu.
Nghiên tận đại địa thạch,
Hà thời đắc khiết đầu?
Tứ thời điêu biến dịch,
Bát tiết cấp như lưu.
Vị báo hỏa trạch chủ,
Lộ địa kỵ bạch ngưu.
Tạm dịch:
Đăng đẳng ôi việc đời!
Tham sống chưa từng thôi.
Nghiền sạch địa cầu đá,
Bao giờ được nghỉ ngơi?
Bốn mùa tàn biến đổi,
Tám tiết nước gấp trôi.
Báo cho chủ nhà lửa,
Sờ sờ trâu trắng ngồi.
Tức là cuộc đời vô thường này dài đăng đẳng từ vô thủy kiếp đến bây giờ mà người ta thì cứ tham sống trong đó hoài chưa từng thôi. Dù cho nghiền sạch đá trong địa cầu này hết đi nữa nhưng cũng không biết bao giờ được nghỉ ngơi sự đi trong vòng luân hồi này! Đây bốn mùa cứ theo đó mà có tàn, biến đổi, còn tám tiết thì giống như nước trôi qua tức luôn thay đổi nhưng người ta thì cứ lao theo hoài không dừng nghỉ. Cho nên bây giờ đây, Ngài mới báo cho tất cả, báo cho những ông chủ trong nhà lửa, là “Đang ngồi sờ sờ trên trâu trắng đó!” mà không chịu, lại cứ lo lao trong cuộc vô thường biến đổi. Thật đau đớn! Thật đáng tiếc! Cứ tham sống, lo chạy theo cuộc đời vô thường này, đi hoài không có lúc dừng nghỉ, mãi sống trong sự vô thường, trong sự bất an. Nay được như vầy cũng lo: “Mai không biết có được vậy hay không?!” Được một cái thì lo một cái, đang hạnh phúc ở đây thì cũng lo: “Không biết hạnh phúc này có còn hoài hay không?” v.v… Thấy vậy, Ngài thương nên báo cho ông chủ ở trong nhà lửa vô thường này hãy nhớ, hãy tỉnh trở lại: “Đang ngồi ở trên trâu trắng sờ sờ đây mà không chịu, lại lao vào trong nhà lửa để chịu cháy!”. Ai tỉnh được chỗ này thì mới thấy đau cho mình: “Đang ngồi chỗ an ổn mà không chịu, lại lao vào trong nhà lửa để chịu cháy, rồi than khổ, rồi lại cầu cứu!”. “Đang ngồi an ổn” tức là mình đang ở trong tánh giác ai ai cũng đều sẵn có. Vô thường không thể tới được trong tánh giác này, nó làm cho các pháp tan rã nhưng cũng không thể tan được tánh giác của mình đây! Vậy tại sao mình không chịu nhận ra để sống mà cứ lo sống với cái tan rã này để rồi bất an hoài?! Đó chính là chỗ chư Phật, chư Tổ ra đời để nhắc nhở, đánh thức cho chúng sanh tỉnh trở lại. Như vậy, ở đây tất cả nghe hiểu kỹ để mình sáng suốt có lối đi đúng theo đạo lý trong Phật pháp. Đó là bình an trong sự vô thường, trong thế gian tan rã này.
Đây nói thế gian tan rã là để cho mình tỉnh trở lại chỗ an ổn của mình, chứ không phải là nói thế gian tan rã để cho mình buồn chán tiêu cực. Nhận rõ lẽ thật, bớt bám chấp vào các pháp tan rã để rồi sống trở lại trong chỗ thật sự an ổn của mình, đó là khéo học đạo.
Vậy xin nhắc cho tất cả là: “Tất Cả Thế Gian Đều Tan Rã”, đây là một chân lý suốt cả xưa nay, chớ lầm mê ở trong đó mà đánh mất chỗ an ổn của chính mình thật đáng tiếc!
Thích Thông Phương
Trúc Lâm Thiền Viện Phượng Hoàng
Thư Viện Hoa Sen
Discussion about this post