Tản văn
CUỐI NĂM VỚI CUỐN LỊCH NĂM MỚI
Định là đến “Khóa Tu Mùa Mùa Đông” diễn ra trong 3 ngày (20,21,22/12/2019), nhân tiện theo dõi nhịp độ tiến hành xây dựng ngôi đại hùng bảo điện sau 9 tháng thi công tính từ ngày làm Lễ Đặt Đá (24/3/2019), nhưng sáng nay, thuận duyên, tôi lại lên thăm Sắc Tứ Kim Sơn, một mình một xe, một máy ảnh thong dong thư thả…
Trên đường đi, tôi miên man nhớ lại tháng ngày cũ…
Cuối năm 2014… Lúc bào huynh Phù Du Vĩnh Hiền mới “giũ áo phong trần rong chơi nẻo lạ”, trong lúc tang gia đang bối rối vì mất mát, Thầy trụ trì là bậc hiền tăng đạo hạnh đã cùng chư vị pháp tử hạ sơn đến nơi anh đang ở để lo hộ trì tang sự, chính Thầy làm sám chủ lễ tang, và các lễ cúng thất rất chu đáo, tận tình… Thầy đã xem anh như “người nhà”.
Lên đến chùa, tôi rảo một vòng quanh công trình xây dựng, lòng hân hoan khi thấy dáng dấp của ngôi chánh điện đã hiển hiện thật hoành tráng, mặc dù là đang dang dở, đang còn phơi khoe lớp xương xẩu tủy cốt với xi măng nhám sần lỗ chỗ…
Yết kiến Thầy trụ trì, tôi được Thầy tặng một món quà cuối năm, cuốn lịch treo tường, rồi được hầu chuyện với Thầy bên hành lang tầng lầu của ngôi chánh điện bụi đang bay mù mịt, thợ đang làm rầm rầm…
Công trình đã sắp xong phần thô. Dự kiến trong thời gian còn lại của năm cũ sẽ xong phần thô này, rồi thu dọn gọn gàng, tạm nghỉ ngơi để đón tân niên, cũng như đón phước duyên từ khắp nơi cúng dường, đóng góp chuyển về trợ lực trợ tài. Qua năm mới sẽ tiếp tục phần còn lại cho đến khi hoàn thành…
Kim Sơn – Núi Vàng, nguyên cả ngọn núi nhỏ có ngôi chùa cổ này là di tích lịch sử, từ xưa đã được cả làng chung quanh núi cung kính giữ gìn bảo vệ. Quý lắm, vì hằng năm đến mùa lũ lụt, lụt toàn vùng, dân làng đều phải di dời lên núi, lùa cả gia súc gia cầm lên chùa núi để lánh nạn… Vậy mà đã từng bị xâm phạm để khai thác đá, lấy đá xây cất trụ sở chính quyền địa phương. Nếu nhà chùa và dân làng không làm đơn kêu cứu, kiến nghị lên các cấp trên thì chắc ngày nay đã không còn núi đồi, hay di tích chi nữa…
Tôi bái Thầy ra về.
Trước khi xuống núi, tôi tấp xe vào dưới bóng cây mát bên đường, từng bước khoan thai lên đài Quán Thế Âm lộ thiên, bái lễ xong rồi ngồi bệt xuống bậc cấp lát gạch, lặng lẽ mở cuốn lịch ra ngắm xem nét họa chim hoa ong bướm, nghiền ngẫm, suy tư… từng câu chữ được thể hiện bằng thư pháp của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, đến hơn nửa tiếng đồng hồ sau mới đứng dậy, bái biệt, hạ sơn.
Mang lịch về nhà, tôi kính cẩn treo lên trên vách bên trái gian thờ, thắp nén hương trầm, rồi dành mười phút ngồi tĩnh lặng bên dưới tôn tượng Bổn Sư niêm hoa vi tiếu…
Cuốn lịch 12 tờ giấy roki, được gấp lại với hai bìa dầy và cứng, đã được mở ra.
Hình dáng một cây đèn dầu hiển hiện trên vách.
Cây đèn dầu bình dân bình dị thân quen. Không phải là một cây đèn măng-xông (manchon), cũng không là đèn bão, đèn sạc pin, đèn sạc điện đắt tiền thời văn minh hiện đại, mà thật khiêm tốn mộc mạc khi chỉ là một cây đèn dầu. Thật ấn tượng, thích thú!
Tôi biết, tôi hiểu đó là ngọn đèn dầu đến từ thiền môn. Nhưng tôi không thích gọi là “Thiền Đăng”, vì sẽ có sự uyển chuyển biến hóa của ngôn ngữ tiếng Việt qua nghệ thuật “nói lái” mà trở thành “Thằng Điên”, hi ha hi hô… Vả lại, gọi là “Thiền Đăng” nghe có vẻ cao siêu quá, huyền bí huyền ảo quá, lại thấy xa xăm đâu đó trên mây trên trời mờ mờ mịt mịt, trong khi trước mắt ta đang là một ngọn đèn dầu gần gũi vô cùng. Nên tôi thích gọi đó là “Pháp Đăng”, ngọn đèn được thắp sáng bằng pháp đạo soi rọi nẻo trần…
Pháp Phật nhiệm mầu. Nhiệm mầu ngay từ những câu chữ nét chân phương, những thanh âm nhẹ nhàng, những thông điệp chân chất, đọc sao thấy vậy, nghe đâu hiểu đó…
“Con đã về từng bước chân thanh thản”
“Hạnh phúc của ba má là gia tài quý nhất mà ba má để lại cho chúng con”
“Quẳng gánh lo đi”
“Buông bỏ được thì có hạnh phúc tức thì”
“Nghe bằng âm từ bi”
“Có bùn mới có sen”…
Nhưng Pháp Phật chỉ nhiệm mầu khi ta tự mình ứng dụng vào cuộc sống thực tại hằng ngày, tự ta qua trải nghiệm bằng ứng xử, bằng đương đâu đối chọi tùy duyên với tám ngọn gió đời luôn thổi đến từng tháng ngày, phút giây, sát na… Chứ không thể thấy và cảm nhận được nhiệm mầu qua con chữ, qua văn chương bóng bẩy, qua lý thuyết.
Con xin tạ ơn Thầy trụ trì Thích Nguyên Minh.
Và không quên xin cảm ơn Bùn, cảm ơn hôi tanh, cảm ơn chướng duyên, cảm ơn đau khổ…
Thơ rằng:
Có Đời mới có Đạo soi
Không Đời thì Đạo trưng chơi khỏi dùng
Có Sen nhờ có vũng Bùn
Không Bùn sao có sắc hương Sen đài?
Có Bùn mới thấy xấu sai
Bùn tanh Bùn sệch thiệt thòi tên kêu
Sen tên thánh thiện mỹ miều
Thơm xinh được biết bao nhiêu nhờ Bùn
Đời lao đao với vô thường
Giữa Bùn mà sống xin đừng bi quan
Đời là bể khổ mênh mang
Làm hoa Sen trắng hồng vàng thanh cao
Cảm ơn Bùn đã tanh tao
Cho Sen xinh đẹp, ngạt ngào hương đưa
Cho Sen thơm ngát cõi Chùa…
Một buổi sáng đầy An và Vui.
Tâm Không – Vĩnh Hữu
Discussion about this post