TÂM TỪ BI
HAY ĐEM LẠI HẠNH PHÚC CHO MỌI NGƯỜI
Thích Đạt Ma Phổ Giác
“Từ” là ban vui, “bi” là cứu khổ, “hỷ” là vui vẻ, “xả” là buông bỏ không dính mắc từ vật chất cho đến tinh thần. Ban vui, cứu khổ, vui vẻ, tha thứ, bỏ qua sự oán giận thù hằn, cảm thông nỗi khổ niềm đau của người khác và thương yêu bình đẳng đối với tất cả chúng sinh gọi là từ-bi-hỷ-xả. Sự vui khổ của người xem như vui khổ của chính mình, chia vui sớt khổ trên tinh thần vô ngã vị tha là lòng từ bi bao la rộng lớn.
Khi chúng ta giúp đỡ mọi người, ta không thấy mình là kẻ ban ơn và người là kẻ thọ ơn. Chúng ta không chấp giữ vào phương tiện vật chất đã cho thì mới là tình thương chân thật. Nếu còn có một điểm nhỏ xíu vì mình thì đó không phải là tình thương chân thật. Tình mẹ thương con cũng chưa hẳn hoàn toàn là từ bi vì trong đó còn mang sắc thái riêng tư. Vì đó là con mình và là con của ta nên ta sẽ giận hờn mỗi khi con không nghe lời hay ngỗ nghịch.
Chúng ta biết cảm thông sự khổ vui của mọi người nên khởi tâm thương xót, giúp đỡ sẻ chia. Nếu chúng ta cứu giúp người để mong cầu được đền đáp là sự đổi chác chứ không phải là lòng từ bi thật sự. Chúng ta thương yêu để thỏa mãn nhu cầu riêng tư là lợi dụng tình thương, không phải là lòng từ bi chân chính.
Tâm từ bi chỉ có thể xuất phát từ trái tim chân thật bằng sự thương yêu có hiểu biết. Tâm từ sẽ trở nên trống rỗng, vô nghĩa nếu nó chỉ nằm trong lời nói lý thuyết suông. Chỉ khi nào chúng ta cảm nhận được nó bằng trái tim yêu thương và hiểu biết thì ta sẽ dấn thân đóng góp, phục vụ không biết mệt mỏi, nhàm chán vì lợi ích tha nhân.
Cuộc đời sẽ trở nên vô cảm khi chúng ta sống không có tấm lòng từ-bi-hỷ-xả. Nếu chúng ta chỉ sống bằng trái tim thông thường thì con người dễ dính mắc vào tình cảm riêng tư, đó là tình trạng mà ai cũng có thế vấp phải, nhất là người nữ.
Chúng ta kính trọng, yêu thương ông bà, cha mẹ, gia đình, người thân, con cái của mình không khó khăn gì nên phần đông ai cũng có thể làm được, chỉ trừ một số ít người sống trong vô cảm. Khi đức Phật nói về tâm từ bi rộng lớn, Ngài muốn nói đến một thứ tình cảm không có sự phân biệt trong trái tim. Tình cảm cao thượng đó đòi hỏi chúng ta phải biết yêu thương tất cả mọi người như là người mẹ yêu thương đứa con duy nhất của mình.
Tất cả những ai có con sẽ biết được sự khác biệt khi họ yêu thương con mình và con của người khác ra sao. Còn phân biệt con mình và con người khác là ta đã dính mắc vào tình cảm riêng tư. Tâm từ bộc phát cũng như khi ta thấy một em bé đang ngồi khóc, ta sẽ ân cần hỏi han, giúp đỡ. Hoặc khi chúng ta thấy một cụ già đi đứng khó khăn không người dìu đỡ thì ta liền đến giúp cụ qua đường.
Tình thương này không phải tình thương vị kỷ mà là tình thương không phân biệt màu da, dòng máu, chủng tộc. Nếu ai đã từng có con chung và con riêng với nhau thì sẽ biết rõ tình thương yêu đó có ích kỷ hay không. Vì lúc nào ta cũng thấy con mình là hơn nên đôi khi ta phân biệt, đối xử hẹp hòi mà làm tổn thương cho nhau vì tình cảm riêng tư. Quán tình thương sẽ giúp chúng ta mở rộng tấm lòng từ bi thương xót bình đẳng mà biết san sẽ và giúp đỡ nhau bằng trái tim hiểu biết.
Chúng ta phải biết sống yêu thương và đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau bởi tất cả chúng sinh đều là những người có ân, có nghĩa với mình theo quy luật tương thân, tương trợ nhau mới bảo tồn mạng sống. Chúng ta thường xuyên quán sát tất cả chúng sinh là cha mẹ nhiều đời nên dễ dàng thông cảm và tha thứ cho nhau bằng tình người trong cuộc sống.
Chúng ta không nên từ sáng sớm cho đến chiều tối hễ gặp việc không thích ý vừa lòng là lại nổi nóng lên, nhiều khi chuyện không đâu lại trút đổ lên đầu gia đình, người thân. Nếu chúng ta không biết tu tập từ-bi-hỷ-xả thì gia đình sẽ dễ dàng tan nát, đổ vỡ do ta không biết kiềm chế cơn giận.
Nóng giận là một thứ tập khí thâm căn cố đế thuộc căn bản phiền não lâu đời có gốc rễ sâu xa trải qua từ vô lượng kiếp. Chúng ta có mặt trên cuộc đời và mãi trôi lăn trong luân hồi sinh tử cũng bởi do ta chất chứa ba thứ độc hại phiền não tham-sân-si.
Tập khí nóng giận hầu như ai cũng có, chỉ ít hay nhiều mà thôi, kể cả các bậc hiền Thánh vẫn còn và người có tu sẽ biết cách kiềm chế. Vì thế, khi gặp những điều không được hài lòng như ý ta thường nổi nóng, giận dữ như ngọn lửa cháy phừng bốc lên cao ngọn. Dù ta có cố gắng điều phục cơn giận bằng nhiều hình thức khác nhau thì cũng không thể trong một chốc lát dừng hẳn được cơn giận.
Đạo Phật dạy ta cần phải nhận diện và chuyển hóa cơn sân giận. Khi ta giận ai ta có thể nói cho đối phương biết mình đang bực tức, không hài lòng về họ. Ta có nỗi khổ, niềm đau riêng của mình nên ta cần phải trình bày một cách chân tình với người đang giận. Chúng ta giận họ vì họ không làm cho mình vừa ý, hài lòng một vấn đề nào đó. Ta không nên nuôi dưỡng, chất chứa thù hận trong lòng mà sanh tâm oán ghét lâu dài. Đó không phải là thái độ khôn ngoan trong cách hành xử của người Phật tử chân chính.
Khi chúng ta đối diện với những lỗi lầm hay sai sót của người khác, ta có khuynh hướng hay chỉ trích, giận dữ, hoặc đem ra bêu xấu họ trước mặt mọi người rồi làm lớn chuyện ra. Khi bình tĩnh lại ta mới thấy ăn năn, hối tiếc nhưng đã quá muộn màng.
Chúng ta phải biết rằng, khi người nào có thái độ và hành động làm cho mình đau khổ bằng sự giận dữ thì ta hãy nên thương xót cho người đó. Ta cần phải cảm thông với nỗi đau của họ vì họ đang bị vô minh chi phối nên mới hành động nông nỗi như thế. Có thể họ có quá nhiều nỗi khổ, niềm đau bởi sự đè nén, chất chứa lâu ngày nên lời lẽ không được hay cho lắm. Hạt giống giận hờn của họ luôn ẩn tàng sâu kín tận tâm thức nên ta phải thương yêu họ nhiều hơn là ghét bỏ.
Chúng ta muốn nhận diện được bản chất của sân hận thật không phải dễ dàng chút nào. Nó vốn dĩ không hình tướng, không có chỗ nơi, chỉ khi đối duyên xúc cảnh mới phát sinh. Chúng ta muốn chuyển hóa cơn giận trước khi nó bộc phát thì phải thường xuyên quán chiếu, xem xét sâu vào nội tâm để luôn tỉnh giác trong từng tâm niệm.
Ta phải biết suy nghĩ sáng suốt trước khi nói và làm bất cứ điều gì để tránh gây thiệt hại cho cả mình và người. Chỉ cần ta khéo nhận diện mặt mũi cơn giận trước khi nó nổi lên thì khả năng nóng nảy sẽ dần hồi không có còn cơ hội để bộc phát nữa.
Chúng ta cần phải lấy gương soi lại mặt mình khi sự bực tức, nóng giận nổi lên để làm khổ một ai đó. Ta sẽ thấy một gương mặt nhăn nheo, già cỗi, khó ưa, chắc chắn ta sẽ trở nên xấu xí bởi những lần sân hận như thế. Nhận thức rõ điều này một phần cũng giúp ta bớt đi phần nào sân hận bởi đâu ai muốn mình thành một kẻ xấu bị mọi người khinh chê.
Khi ta có thể làm chủ được những ý nghĩ, lời nói, hành động của mình, ta sẽ trở nên tự tin và không sợ hãi điều gì. Ta tự biết mình đã được rèn luyện đến độ sẽ không thể có một phản ứng giận dữ, ghen ghét dù chỉ là một ít để làm mình mất đi sự bình yên. Chỉ khi nào ta có thể hành xử với trái tim yêu thương và hiểu biết thì ta mới thật sự được bình an, hạnh phúc ngay tại đây và bây giờ.
Chúng ta có rất nhiều điều phải học trong cõi này và có lẽ mục đích của cõi này chính là cơ hội để chúng ta rèn luyện mình thêm. Nếu ta ban phát tình thương đến cho người thì tự họ sẽ tìm đến với ta và cuộc sống không thiếu người yêu thương mình. Tuy nhiên, ta ban phát cho người khác tình thương không phải vì ta muốn cho, cũng không phải vì họ cần, không phải vì họ đáng để cho mà ta cho vì trái tim ta đã rộng mở bằng tất cả tấm lòng bao dung và độ lượng.
Một người có lòng từ sẽ không có gì để mất. Nếu họ có bị người khác lợi dụng thì đó cũng là cơ hội để kiểm chứng lại sự tu tập trong nhiều năm qua, là dịp để họ soi sáng lại chính mình có hành động đúng hay không. Tình thương vô điều kiện luôn tăng thêm sức mạnh cho con người chứ không phải làm con người thêm yếu đuối, nhưng nếu tình thương đi đôi với đam mê, dính mắc thì nó sẽ làm con người trở nên tham lam và ích kỷ.
Người không có lòng nhân khi ra đi rất lo lắng, hoảng sợ vì không biết mình sẽ đi về đâu. Người có tâm từ thì đón chờ cái chết với tâm tỉnh giác nên họ chắc chắn sẽ được tái sinh về cõi lành. Những gì ta làm với hành động tốt hay xấu đều sẽ theo ta đến tận cuối đời, tận giây phút lâm chung. Những thói quen xấu hoặc tốt cũng sẽ không thể thay đổi một cách đột ngột, ngoại trừ người đó huân tập được tâm từ bi rộng lớn.
Lòng từ bi thể hiện khi chúng ta chia sẻ lòng xót thương với mọi người, thấy khổ liền giúp và lúc nào cũng cảm thông với nỗi khổ, niềm đau của người khác. Lòng bi phát sinh khi ta cảm nhận được sự đau khổ, không như ý của người khác trong chính bản thân mình. Chỉ có như thế ta mới thực sự cảm thông được với họ, vì ta biết làm người khó ai được trọn vẹn, như ý. Người không có lòng từ bi sẽ luôn sống trong vô cảm, thấy người hoạn nạn dù là người thân họ vẫn cứ lạnh lùng, dửng dưng coi như không có chuyện gì xảy ra.
Thấy người khác khổ đau ta mở lòng thương xót là biểu hiện của tâm bi, ta mong muốn chia sẻ để giúp người vơi bớt nỗi đau. Sự thương hại không phải là tâm bi mà tâm bi là khi chúng ta nhìn thấy khổ đau của người khác như chính khổ đau của mình, đó là chúng ta đang hướng tới tâm bi.
Tâm bi có nghĩa là sự rúng động của con tim trước nỗi đau hay sự mất mát của người khác, nhưng nó không có nghĩa bạc nhược yếu đuối. Bước đầu tiên để phát triển tâm bi là chúng ta biết cởi mở và vị tha, biết được nguyên nhân dẫn đến sự khổ đau của mọi người.
Chúng ta chấp nhận được sự thật về khổ đau sẽ giúp ta cảm thấy thương xót mọi người nhiều hơn. Sự cảm thông và tha thứ là bước đầu dẫn đến tình yêu thương chân thật. Đức Phật đã giảng nghĩa rõ ràng về bản tánh của con người chúng ta. Dù hình tướng sai biệt nhưng tâm sáng suốt, tâm thương yêu ai ai cũng đều có. Chính vì chúng ta cho rằng thân này là thật ngã, là ta, là tôi, là mình nên chúng ta phải bảo vệ mình, bảo vệ gia đình mình và đất nước mình.
Trong ta luôn đầy ắp những vọng động tham lam, ích kỷ do sự chấp ngã của “cái tôi” và chúng ta không ngừng bảo vệ “cái tôi” ấy. Nếu ai đó nhìn ta một cách không thân thiện hoặc tỏ vẻ không biết ơn, không thương yêu ta giống như ta mong muốn thì ta sẽ phát sinh sự thù hằn, ghét bỏ.
Chính những người có lòng thương yêu bình đẳng, người hay cảm thông với nỗi đau, sự mất mát của người khác mới thật là người có an lạc, hạnh phúc. Phần lớn chúng ta đều thiếu lòng từ bi nên rất ít người được hạnh phúc thật sự. Người có lòng từ bi luôn sống có niềm vui vì khi ấy họ bớt nghĩ đến “cái tôi” của mình, do đó ít chấp ngã. Người sống hay chấp ngã nặng nề sẽ không thể có niềm vui vì họ không bao giờ thỏa mãn được “cái tôi” của mình.
Khi chúng ta đã tu tập được lòng từ bi ta còn phải biết chia sẻ niềm vui với người khác, đó gọi là tùy hỷ. Đối nghịch với tùy hỷ là lòng ganh ghét, tật đố. Sự chia sẻ niềm vui là liều thuốc bổ nhiệm mầu để chữa bệnh ganh ghét và đố kỵ. Cuộc đời này nếu ta biết chia sẻ niềm vui với người khác thì chắc chắn mình sẽ có thêm nhiều cơ hội hạnh phúc hơn.
Chúng ta phải luôn nhớ chấp ngã là nguồn gốc của mọi đau khổ, vì vậy khi ta có được niềm vui tự nơi bản thân mình thì phải cố gắng chia sẻ với người khác để họ cùng vui theo.
Chúng ta tu tập tâm từ bi không chỉ để được bình yên, hạnh phúc mà còn mở rộng tấm lòng giúp đỡ người khác. Để có được tâm giải thoát, nhẹ nhàng ta phải có sức chịu đựng bền bỉ trong mọi khó khăn, chướng ngại. Người đã huân tập được lòng từ-bi-hỷ-xả sẽ có thể sống một đời bình yên, hạnh phúc mà không vướng bận bất cứ điều gì.
Trong gia đình, người chồng lúc nào cũng thấy mình đúng mà người vợ cũng thấy mình phải, thành ra chẳng ai chịu nhường ai cho nên gây lộn, cãi vã với nhau hoài. Nếu chúng ta đã nhường nhịn nhau thì phải bỏ qua luôn, đừng nhắc tới nhắc lui hoài. Nhịn mà không chịu quên mà cứ nhắc lại chuyện xấu hoài sẽ làm người khác bực mình, sân si lên. Đó là một sự thật.
Cuộc sống từ cá nhân cho đến gia đình và xã hội đều không bao giờ hoàn toàn hoà hợp theo ý mình nên chúng ta đừng bao giờ đòi hỏi mọi thứ đều tốt đẹp. Chúng ta phải tập nhẫn nhịn bởi thói quen nhiều đời của con người ai cũng có sẵn tính nóng giận, đàn ông hay đàn bà cũng đều biết giận hết.
Chính vì vậy, chúng ta phải khéo nhẫn nhịn nhau để bảo vệ mái ấm gia đình được tốt đẹp. Qua sự nhẫn nhịn đó ta còn phải hỷ xả, nghĩa là vui mà bỏ qua chứ đừng gượng bỏ. Chẳng qua ta còn quá khờ dại và nông nỗi nên mới cãi vã, chẳng biết nhường nhịn nhau.
Nay ta biết vậy rồi thì mình bỏ hết, đừng giận hờn làm gì nữa cho khổ xác thân này. Nếu chúng ta cứ nghĩ mình phải, người khác quấy thì ta cứ ôm ấp, ghim gút trong lòng, mai mốt gặp lại cãi nhau nữa, rốt cuộc thì khổ đau vẫn cứ tiếp diễn hoài.
Chúng ta muốn phát khởi tâm từ bi rộng lớn thì phải biết kiềm chế, từ đó ta mới có sự cảm thông với mọi người. Thấy người khổ mình giúp, làm cho người được vui ta cũng vui theo. Chúng ta cùng san sẻ nỗi khổ, niềm đau và cùng vui với mọi người mới là tình thương yêu chân thật. Bởi chúng ta cảm thông nhau trên nỗi khổ niềm đau, chúng ta mới sẵn sàng cùng nhau chia vui sớt khổ.
Chúng ta thông cảm được sự khổ vui của mọi người là chúng ta bắt đầu phát triển tâm từ bi rộng lớn. Chúng ta tập cảm thông, chia sẻ nỗi khổ niềm đau từ những người thân quen trong gia đình rồi dần dần lan rộng đến những người xa lạ bên ngoài.
Khi lòng từ bi đã tiềm ẩn trong ta thì mọi si mê, tham lam, ích kỷ, oán giận, thù hằn theo đó bị tiêu diệt. Người từ bi không thể nổi nóng và chửi mắng kẻ khác. Thấy người gặp cảnh khổ, người có lòng từ bi còn không nỡ lấy mắt ngó mà cố tìm đủ mọi cách để giải khổ cho người. Người có lòng từ bi thì mọi hành động có tánh cách tranh đua, giành giật không còn nữa. Chính của mình mà còn đem ra giúp đỡ người khác thì không thể giành giật của người đem về cho riêng mình.
Hiện tướng dữ để điều phục đưa người về chỗ an vui, hạnh phúc là nghịch hạnh từ bi. Hạnh từ bi này hình như giống kẻ ác nhưng mai kia mới thấy rõ lòng từ bao la, rộng lớn của người đó. Người thể hiện lòng từ bi này cần phải sáng suốt, hiểu xa trông rộng, biết được tâm ý của người nên mới dùng nghịch hạnh để điều phục tâm ý họ. Dù thuận hạnh hay nghịch hạnh cũng cùng một nguồn ban vui cứu khổ. Bản chất từ bi là an ổn, nhẹ nhàng, mát mẻ nên mọi chúng sanh khi gặp đều được cảm nhận niềm vui.
Lòng từ bi của chúng ta chỉ được viên mãn khi mọi vọng thức phân biệt không còn, vì vọng thức chạy theo nghiệp phân biệt có yêu, có ghét, buồn vui lẫn lộn nên khó đem tình thương yêu chân thật, bình đẳng đến với tất cả chúng sinh.
Từ bi là tình thương hoàn toàn không có toan tính hơn thua, được mất mà chỉ thấy khổ liền giúp. Bọn ma vương, ác quỉ sân hận, tham lam, tật đố gặp nước cam lộ từ bi thì đều chắp tay, quì gối qui hàng. Lòng từ bi có mặt ở đâu thì mọi khổ đau đều tan biến hết. Tấm lòng đó ngọt ngào như dòng sữa mẹ và mát dịu như ngọn gió chiều thu, trong sáng như ánh trăng rằm và phát sanh muôn ngàn công đức như lòng tốt phì nhiêu nuôi dưỡng vạn vật.
Do chúng ta biết rõ cuộc đời là mâu thuẫn nên chúng ta phải điều hòa bằng hạnh nhẫn nhục và phát triển mở rộng lòng từ-bi-hỷ-xả. Chính do tâm từ bi phát khởi nên chúng ta mới thương yêu, nhường nhịn, cảm thông và tha thứ cho nhau. Tóm lại, muốn cho sự sống được bình yên, hạnh phúc thì chúng ta phải bền chí, kiên trì thực tập hạnh nhẫn nhục, từ bi và hỷ xả.
Tu dưỡng thân tâm để phát triển lòng từ bi rộng lớn là một việc làm hết sức hợp lý cho nhân loại mà ai ai cũng có thể làm được. Chúng ta tôn trọng, kính mến những ai đã mang sẵn lòng từ bi; tán thán, ca ngợi ai mới phát tâm từ bi và ước mơ, mong mỏi mọi người đều được thấm nhuần từ bi. Tất cả chúng ta hãy khơi dậy dòng suối từ bi để một ngày kia nước từ bi tưới mát khắp cả nhân gian đang bị ngọn lửa nóng bức thiêu đốt bởi si mê và sân hận.
Discussion about this post