Cho đi chính là khoản đầu tư chắc chắn nhất mà nước, lửa,
gió và các loại giặc cướp không xâm phạm được
Đời người, lúc mới khởi nghiệp thì chăm lo làm ăn, tích lũy và tạo dựng. Đến khi có chút cơ nghiệp thì tính đến chuyện mở mang. Một số ít người đã xây dựng thương hiệu thành tập đoàn, đế chế có tính toàn cầu. Dù thành công và tích lũy được ít hay nhiều thì chúng ta cũng đều nghĩ đến việc bảo vệ thành quả lao động của mình. Điều đáng nói là tuy có nhiều cách thức để bảo vệ và giữ gìn tài sản nhưng tất cả đều tương đối, không có cách nào chắc chắn cả.
Ai đã từng kinh qua thời cuộc đều biết rất rõ rằng, tài sản của mình thật nhưng nếu thiếu phước duyên thì không ngăn được lửa cháy, nước trôi, vua quan tịch thu, vợ chồng con cháu phá tán. Ai nhiều phước hơn thì thoát được những nạn này nhưng rồi cuối cùng cũng phải từ giã tài sản mà đi. Tài sản không bỏ mình thì mình cũng phải bỏ nó. Và ta sẽ ra đi với hai bàn tay trắng là một sự thật. Vậy có cách nào để tích lũy, đầu tư, giữ gìn chút vốn liếng cho chắc chắn trước cuộc sống biến động thường trực này?
“Một thời, Đức Phật ở trong vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có một Thiên tử tướng mạo tuyệt vời, vào lúc cuối đêm, đến chỗ Phật, đảnh lễ sát chân Phật, ngồi lui qua một bên; từ thân tỏa ánh sáng chiếu khắp vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà. Thiên tử kia nói kệ hỏi Phật:
Vật gì lửa không thiêu?
Gì gió không thể thổi?
Nạn lửa thiêu đại địa
Vật gì không chảy tan?
Vua ác và giặc cướp
Cưỡng đoạt tài vật người
Người nam, người nữ nào
Không bị họ tước đoạt?
Làm sao chứa trân bảo
Cuối cùng không mất mát?
Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ đáp:
Phước, lửa không thể thiêu
Phước, gió không thể thổi
Thủy tai hại trời đất
Phước, nước không chảy tan.
Vua ác và giặc cướp
Cưỡng đoạt của báu người
Nếu người nam, người nữ
Có phước không bị cướp.
Kho báu, báo phước lạc
Cuối cùng không bị mất.
Bấy giờ, Thiên tử kia lại nói kệ:
Lâu thấy Bà-la-môn
Mau đạt Bát-niết-bàn
Qua rồi mọi sợ hãi
Vượt hẳn đời ái ân.
Thiên tử kia nghe những gì Phật nói, hoan hỷ, tùy hỷ đảnh lễ sát chân Phật, liền biến mất”.
(Kinh Tạp A-hàm, kinh số 1291)
Rõ ràng, chỉ có đầu tư vào phước đức mới an toàn, không bị mất mát, kể cả lúc bỏ thân này thọ thân khác. Phước đức là gì? Đó là kết quả của những việc làm lợi ích cho mình và người. Thế nên làm ăn được không tiêu xài hết cho riêng mình mà phải tìm cách cho đi, san sẻ một phần cho những người thiếu thốn. Đức Phật dạy, cho đi chính là khoản đầu tư chắc chắn nhất mà nước, lửa, gió và các loại giặc cướp không xâm phạm được. Đó cũng là hành trang thiện lành, công đức phước báo cho mình trong những kiếp vị lai.
Thế nên, cố gắng làm ăn và tích lũy tài sản khiến cho mình trở nên khá giả chỉ là giai đoạn đầu. Nếu chỉ dừng lại ngay đây, vui với cái đủ đầy trong hiện tại mà không làm gì thêm thì cần mà chưa đủ. Người có trí thì cần nhìn xa hơn, kiếm tìm những giải pháp chắc chắn và thấu đáo hơn, đó là đầu tư vào phước đức, tạo thêm phước mới. Theo tuệ giác của Thế Tôn, muốn làm phước đúng đắn, hiệu quả cần phải có tâm rộng và trí sáng, bố thí với tuệ thì phước báo sẽ dồi dào.
Tại sao người ta làm ăn ngày một đi lên và trở nên giàu có? Vì sao họ đã khá giả và ngày càng thêm thịnh vượng? Ngoài thông minh, tài trí hơn người, những người ấy chắc chắn kế thừa một nền tảng phước báo trong kiếp quá khứ và ngay đời hiện tại. Thế nên, làm phước bằng cách sẻ chia, cho đi một phần mình đang có là cách đầu tư, tích lũy vững chắc nhất để hiện tại và mai sau được hạnh phúc, an vui.
Discussion about this post