Hoàng Mỹ Du hay Fish Huang và người bạn đời của cô là Du Nhã Đình, cả hai đều 30 tuổi, đã được Thích Chiêu Tuệ, sư cô tại một ngôi chùa ở Đào Nguyên, miền bắc Đài Loan đã làm đám cưới hồi cuối tuần và dường như đã chẳng ai kinh ngạc về chuyện đó.
“Tôi cho rằng đó là quyền con người của họ. Họ có thể tự do kết hôn và chúng ta phải tôn trọng họ,” Thích Xuân, một sư nữ đã có mặt tại buổi lễ, nói.
“Nó chẳng có gì khác nếu hai người là khác giới hay đồng giới, chừng nào họ yêu nhau và họ hạnh phúc.”
Đám cưới đầu tiên như thế này tại Đài Loan, nơi đa số dân theo Phật giáo là một bằng chứng ngày càng rõ rệt rằng người châu Á và chính phủ của họ đang lặng lẽ xem lại quan điểm của mình về hôn nhân đồng giới trong khi vấn đề này vẫn còn gây tranh cãi trong cuộc vận động bầu cử tại Mỹ năm nay, theo các hãng thông tấn nước ngoài.
Đất nước Việt Nam cộng sản đang xem xét việc hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính và tại Nepal hàng trăm người đã diễu hành ủng hộ cho việc đưa hôn nhân đồng tính vào tân Hiến pháp.
Khu vui chơi giải trí của Disneyland tại Tokyo đã cho phép các cặp đồng tính kết hôn không chính thức trong khu giải trí của họ.
Miến Điện và Lào mới đây cũng lần đầu tiên tổ chức ngày hội của người đồng tính.
Bình đẳng trước pháp luật
Theo nhà sư Shih, người đứng ra làm đám cưới tại Đài Loan, thì đây là xu hướng đang được thực hiện trong giới Phật giáo nhờ không chịu những giáo lý và triết lý chống lại người đồng tính.
“Phật giáo không trối bỏ người đồng tính trên phương diện ý tưởng, và theo Khổng giáo thì còn không rõ ràng, vì thế các xã hội phương Đông có xu hướng cởi mở hơn đối với người đồng tính,” bà nói.
Kể cả như vậy thì xu hướng chấp nhận đồng tính hơn cũng không phải giống nhau ở châu Á, khi mà ở các nước với Hồi giáo là tôn giáo chính vẫn còn những điều luật hà khắc chống lại người đồng tính.
Ví dụ tại Malaysia, những người đồng tính có thể bị bỏ tù 20 năm, trong khi tại Indonesia họ có thể bị đánh 100 roi.
Thậm chí tại các xã hội tự do nhất về văn hóa ở châu Á thì những người đồng tính có lẽ sẽ còn lâu mới được bình đằng trước pháp luật.
Đài Loan là một ví dụ – bất chấp là nơi tổ chức những sự kiện như đám cưới đồng tính hồi cuối tuần vừa rồi hay diễu hành nhân Ngày hội đồng tính lớn nhất tại châu Á.
Trong khi nội các Đài Loan đã thảo ra dự luật nhằm hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính từ cách đây chín năm, Tổng thống Mã Anh Cửu nói rằng cần có sự đồng thuận của công chúng trước khi chính phủ có thể thực thi dự luật này.
Nhưng theo các nhà quan sát một điều quan trọng trong các xã hội phi Hồi giáo tại châu Á đó là sự phản đối không phải trên cơ sở tôn giáo mà là từ các giá trị gia đình.
“Nó không phải là về tín ngưỡng,” ông Lê Quang Bình, một nhà xã hội học Việt Nam, Giám đốc Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường tại Hà Nội, nói.
“Những người phản đối hôn nhân đồng tính thường lo ngại rằng dạng thức gia đình mới sẽ phá hủy các giá trị gia đình truyền thống.”
Khác biệt giữa các tôn giáo
Các tôn giáo, đặc biệt là Phật giáo, có những quan điểm rất khác nhau về quyền của người đồng tính và đây chính là yếu tố hoặc ủng hộ hoặc phản đối việc giải phóng cho con người.
Điều mà Phật giáo đem lại là tạo ra cuộc thảo luận ở những người theo Phật giáo về vấn đề này mà không trối bỏ nó trên cơ sở các giáo lý chính thống.
“Nhìn chung, giới lãnh đạo Phật giáo là những người bảo thủ về mặt xã hội, nhưng các nhà tu hành Phật giáo có thể lại rất khác,” Andre Laliberte, một nhà xã hội học thuộc Đại học Ottawa, tác giả của một cuốn sách về Phật giáo ở Đài Loan, nói.
Thích Chiêu Tuệ, sư cô đã làm đám cưới cho hai phụ nữ Đài Loan, “không đại diện cho toàn bộ giới lãnh đạo Phật giáo ở Đài Loan, nhưng nhiều nhà tu hành trẻ hơn, có nền giáo dục cao hơn, có thể nhận thấy hình ảnh của mình từ sư cô này“, ông Laliberte.
Trong khi Kinh Cựu ước dường như lên án đồng tính thì trong tín điều Phật giáo không có giáo lý nào tương tự.
Việc không có đòi hỏi bắt buộc mọi tín đồ Phật giáo phải hoàn toàn tuân thủ giới chức tôn giáo là yếu tố chủ chốt, theo bà Hillary Crane, một nhà nhân chủng học chuyền về Phật giáo Đài Loan thuộc trường Đ̣ại học Linfield ở Oregon, Hoa Kỳ.
“Ý tưởng rằng không chỉ có một sự thật là điều rất căn bản ở Phật giáo, trong khi ý tưởng chỉ có một sự thật lại là rất căn bản ở Thiên Chúa giáo,” bà nói.
“Với Thiên Chúa giáo quý vị phải hướng lên Vatican và làm theo những gì họ nói, trong khi không có một giới chức tập trung quyền lực như vậy ở Phật giáo.”
http://www.bbc.com/vietnamese/culture_social/2012/08/120813_taiwan_lesbians_wedding
Discussion about this post