QUÁN SÁT THÂN HÀNH
Nguyễn Thế Đăng
Tánh Không là bản tánh của tất cả mọi sự vật, mọi hiện
tượng, mọi hành động của thân khẩu ý, nên ở đâu trong không gian nào thời gian
nào chúng ta cũng có thể nhận ra nó, tương ưng với nó, an trụ trong nó, sống
với nó.
Ở đây chúng ta nói về hành động đi, một hành động ai
cũng làm hàng ngày, và nếu quan sát, nhìn sâu vào hành động đi này, dần dần
chúng ta có thể thấy ra tánh Không.
Kinh Đại
Bát-nhã hay nói đến ba luân không
tịch. Trong sự việc đi này thì ba luân không tịch là: người đi, hành động đi,
quãng đường đi, cả ba đều không tịch. Chúng ta sẽ chú ý nhiều nhất vào hành
động đi.
Kinh Đại
Bát-nhã, phẩm Vô sanh tam quán, theo luận Đại
Trí độ, tức là phẩm Vô sanh của
Đại Bát-nhã Cưu-ma-la-thập, phẩm Viễn ly
của Đại Bát-nhã Huyền Trang, nói:
“Xá-lợi tử! Sắc chẳng sanh, thọ tưởng hành thức chẳng
sanh. Tại sao thế? Vì bản tánh Không vậy. Mắt chẳng sanh cho đến ý chẳng sanh.
Tại sao thế? Vì bản tánh Không vậy. Địa giới chẳng sanh, thủy hỏa phong không
thức giới chẳng sanh. Tại sao thế? Vì bản tánh Không vậy. Thân hành chẳng sanh, khẩu hành chẳng sanh, ý hành chẳng sanh. Tại
sao thế? Vì bản tánh Không vậy”.
Ở đây chúng ta chỉ nghiên cứu tìm hiểu “Thân hành
chẳng sanh”. Thân hành là hành động của thân. Chúng ta chỉ tập trung vào một
hành động của thân là đi.
Thân hành chẳng sanh là sự đi chẳng sanh. Nói cách
khác là không có sự đi, và nói rộng hơn, không có người đi và không có khoảng
cách đi.
Khi thiền định, thân chúng ta hầu như không có. Với
thiền định, dù ngồi hay đi hay đứng, chúng ta đều cảm thấy thân mình như một
cái bóng, một cái bóng nhẹ nhàng trong gương. Một đám mây lơ lửng không trọng
lượng giữa trời. Như thế, với một tâm an định, thân chúng ta hầu như không có,
thế là sự đi đã trở nên nhẹ nhàng, tự do, không vướng mắc rồi.
Chuyện kể, vào đời Trần, một hôm Phạm Ngũ Lão ngồi đan
sọt bên vệ đường. Trần Hưng Đạo và đoàn tùy tùng đi qua. Quân lính dẹp đường
thấy Phạm Ngũ Lão vẫn ngồi, bèn lấy giáo chích vào đùi chảy máu mà ông vẫn
không hay biết. Sau đó ông được Trần Hưng Đạo mời về và trở thành tướng giỏi
của nhà Trần. Chỉ sự tập trung, cái định đã làm cho thân hầu như vắng bặt.
Tóm lại, khi ý thức đặt mạnh mẽ vào thân, cảm thọ về
thân sẽ mạnh mẽ, thân hiện hữu rõ ràng. Còn khi ý thức không chú ý vào thân,
thân hầu như biến mất.
Với thiền định như một căn bản, chúng ta tiếp tục
thiền quán, nghĩa là quan sát hành động đi bằng một tâm an định. Chúng ta xem
xét hành động đi để xem nó có thật ở một mức độ nào.
1. Trong sát-na. Như khoa học, chúng ta phân tích sự
vật và sự việc thành những yếu tố nhỏ nhất, mà khoa học gọi là nguyên tử về
không gian, và khoảnh khắc về thời gian.
Ở đây chúng ta quan sát sự đi trong một đơn vị thời
gian nhỏ nhất có thể hình dung được, theo Phật giáo gọi là sát-na.
Một thí dụ dễ hiểu là chiếu phim. Cuốn phim chỉ là một
chuỗi liên tục những hình ảnh riêng rẽ và bất động, được kéo chạy với tốc độ
khoảng 24 ảnh trong một giây, phù hợp với thời gian lưu ảnh trên võng mô của
mắt người. Điều này khiến chúng ta thấy có sự cử động của nhân vật, sự chuyểnđộng của quang cảnh. Từng tấm ảnh phim thì chỉ có sự bất động của nhân vật.
Một cử động, như đang chạy, nhưng khi được chụp hình
với máy có tốc độ nhanh, ở trong hình chúng ta
đang bất động.
Chúng ta có thể lấy những thí dụ khác, nhưng có thể
kết luận một điều, trong một sát-na chúng ta và thế giới chung quanh đều bất
động.
Sát-na là một lát cắt dòng thời gian, trong lát cắt
nhỏ nhất ấy, thời gian đứng lại, hay không có thời gian vì không có sự tương
tục.
Từ một sát-na bất động, chúng ta quan sát sâu hơn và
chúng ta thấy sự tương tục của các sát-na là một ảo tưởng. Thí dụ khi lần một
xâu chuỗi, chúng ta thấy toàn bộ xâu chuỗi đều xoay, chúng ta ngỡ là các hột
đều dính với nhau. Nhưng nếu nhìn vào một hột, hột đó vẫn tách riêng, không gắn
kết dính liền với hột nào. Thí dụ về cuộn phim được chiếu ở trên cũng như vậy.
Sự tương tục là một ảo tưởng, là vô minh. Kinh Lăng-già nói:
Phàm phu tự vọng tưởng Là có tướng tương tục Nếu thấy biết chân thật Lưới tương tục ắt đứt Đối các thứ không biết Theo lời nói nắm giữ Thí như con tằm kia Nhả tơ mà tự trói Mê bị vọng tưởng trói Chẳng quan sát tương tục.Kinh nói tiếp: “Trong đây không có tướng tương tục và
chẳng tương tục. Vì thấy tất cả pháp tịch tĩnh bất động nên vọng tưởng chẳng
sanh. Bồ-tát thấy tất cả pháp tịch tĩnh bất động”.
Tóm lại, khi nhìn sự đi trong sát-na, chúng ta sẽ thấy
sự đi là tịch tĩnh, nghĩa là bất động. Nói cách khác, sự đi là không có.
2. Duyên sanh. Quan sát sự đi, chúng ta tự hỏi: cái gì
đi? ngón chân? bàn chân? bắp chân? đùi? xương bàn chân? xương cẳng chân? gân? máu?
những dây thần kinh? những tế bào tạo nên các bộ phận đó?…
Nếu không có ý thức muốn và ra lệnh đi thì có sự đi
không? Bằng cớ là khi bất tỉnh hay khi ngủ, chân vẫn có đó nhưng đâu có đi?
Muốn đi phải có đất, vì không thể đi trong không khí, còn đi trong nước thì gọi
là bơi. Muốn có sự đi phải có đủ đất nước lửa gió trong thân và ngoài thân.
Nếu không có mắt thấy, tai nghe thì có sự đi chăng?
Nếu không có giày dép, áo quần, có thể có sự đi chăng?
Chỉ bấy nhiêu yếu tố ấy, điều kiện ấy cũng cho chúng
ta thấy rằng sự đi tùy thuộc vào vô số nhân duyên, điều kiện. Chỉ thiếu một
nhân duyên, điều kiện ấy thì không có sự đi. Thế nên, không có sự đi tự bản
thân nó, hoàn toàn thuộc về nó, độc lập một mình nó.
Sự đi lệ thuộc vào vô số nhân duyên, điều kiện. Do đó,
sự đi không hiện hữu độc lập. Sự đi tự đứng riêng mình nó, tự bản thân nó, thật
sự là không có.
Không có sự đi thật sự nghĩa là “thân hành chẳng sanh”
vậy.
3. Giả danh. Từ “đi” như thế nương dựa vào, phụ thuộc
vào rất nhiều từ khác: ai đi? bắp chân, đùi, gân, đầu gối, dây thần kinh… Hơn
nữa, đi đâu, đi nhanh hay chậm, đi tới hay lui, đi vào hay ra, đi chơi hay đi
công việc, đi học hay đi chợ… Chỉ một từ đi thì tự nó vô nghĩa.
Nước chuyển động chúng ta có nói là nước đi chăng? Từ
đi chỉ dùng cho loài người, rất ít dùng cho loài vật. Người ngoại quốc có dùng
chữ đi như người Việt chăng? Chữ đi có thể thay thế bằng nhiều từ khác: bước,
tiến tới, chuyển động, dạo, ra (thay vì đi phố), về (thay vì đi trở lại nhà)…
Chữ đi không độc lập mà phải nương dựa phụ thuộc vào
nhiều từ khác. Đi chỉ là một danh tạm lập, tương đối, để dùng một cách quy ước
cho đời sống quy ước tương đối và tạm thời của chúng ta. Cho nên đi chỉ là một
từ giả danh, quy ước.
Kinh Đại Bát-nhã nói:
“Sắc chẳng phải là danh, danh chẳng phải là
sắc. Thọ tưởng hành thức chẳng phải là danh, danh chẳng phải là thọ tưởng hành
thức. Trong tất cả sắc không có danh, trong dang không có sắc, chẳng phải hợp
chẳng phải tan, chỉ giả thi thiết. Tại sao thế? Vì tất cả sắc cùng danh đều tự
tánh Không vậy. Trong tự tánh Không, hoặc sắc hoặc danh đều vô sở hữu bất khả
đắc vậy”. (Phẩm Vô Biên Tế, hội thứ 2)
Khi thấy tính cách giả danh của từ đi, chúng ta cởi bỏ
niềm tin tuyệt đối vào ngôn từ và ý nghĩa. Không làm gì có một từ đi tuyệt đối
để diễn tả một sự đi tuyệt đối. Đi chỉ là một từ quy ước, giả danh, dựa trên
ngôn ngữ, lời nói.
Sự đi chỉ có trong giả danh, sự đi chỉ là một quy ước.
Thân hành theo ý nghĩa tuyệt đối thì chẳng sanh, vì chỉ là giả danh.
Chúng ta có thể tham khảo Chương hai Quán sát sự chuyển động và không chuyển động
(Phẩm Phá khứ lai) trong Trung Luận của Bồ-tát Long Thọ để có
thêm những lối tiếp cận sâu sắc khác. Ở đây trích ra hai đoạn kệ cuối chương để
thấy chúng cùng đi đến một mục đích, một kết luận: đó là nhận ra tánh Không
trong sự đi:
Sự quan sát liên tục với một tâm định tĩnh về sự đi
khiến chúng ta dần dần thấy và tin rằng tánh Không là Nền tảng của mọi hình
thức đời sống. Trong giới hạn bài này tánh Không là chẳng sanh, bất động, không
có tương tục, duyên sanh và giả danh.
Nhờ đi vào tánh Không “không tạo không tác, một tánh
vô tánh” mà người ta có thể “lìa được tất cả bám nắm” và do đó được giải thoát:
“Tu-bồ-đề lại thưa rằng: Bạch Thế Tôn, tánh tất cả
pháp khó thấu rõ được?
Đức Phật nói: Như vậy, vì tất cả pháp một tánh chẳng
phải hai. Tu-bồ-đề! Phải biết các pháp là một tánh tức là vô tánh, các pháp là
vô tánh tức là một tánh. Các pháp như vậy, một tánh vô tánh, không tạo không
tác. Nếu Bồ-tát có thể biết được như thật các pháp có mặt là một tánh vô tánh,
không tạo không tác, thì có thể xa lìa được tất cả bám nắm” (Phẩm Bám tướng và chẳng bám tướng, hội thứ
1).
Quan sát thân hành đưa đến tánh Không vô ngã vô pháp:
“Thân giới chẳng thể có (bất khả đắc) nên người làm
chẳng thể có. Xúc giới, thân thức giới và thân xúc, thân xúc làm duyên sanh ra
các thọ chẳng thể có nên người làm chẳng thể có” (Phẩm Bám tướng và chẳng bám tướng, hội thứ 1).
Khi thấy được tánh Không, mọi hành vi cho đến công
việc đều tương ưng với tánh Không:
“Đức Phật nói với Tu-bồ-đề: Bồ-tát này đạt tất cả pháp
đồng với hư không, tự tánh tự tướng đều rốt ráo Không, đều vô sở hữu, chẳng
thấy có pháp sanh nào đáng bám giữ. Năng sanh, sở sanh, khi sanh, chỗ sanh đều
bất khả đắc. Vì sao thế? Tu-bồ-đề! Bồ-tát này trọn thành tác ý Giác ngộ vô
thượng, thường chẳng xa lìa tâm Đại Bồ-đề. Bốn oai nghi của thân, đi, tới, vào,
ra, dở chân hạ chân, tâm không tán loạn, đi đứng ngồi nằm, làm các sự nghiệp
đều trụ chánh niệm” (Phẩm Bất thối chuyển,
hội thứ 1).
Liên tục quan sát những tính chất của tánh Không qua
sự đi, cho tới lúc chúng ta trực tiếp thấy được tánh Không (mà kinh Đại Bát -nhã gọi là “hiện quán”) mà
không còn qua những dò xét, phân tích, lý luận của ý thức. Thấy trực tiếp tánh
Không, đó gọi là trí huệ Bát-nhã. Thấy trực tiếp tánh Không chúng ta hiểu ngay
câu nói bất hủ của Lục Tổ Huệ Năng: “Chẳng phải gió động, chẳng phải phướn
động, chỉ tại tâm các nhân giả động”.
Rồi chúng ta tiếp tục tương ưng với tánh Không, sống
tánh Không trong mọi mặt của đời sống. Sự thực hành này sẽ đưa chúng ta giải
thoát ngay giữa đời sống sắc thanh hương vị xúc pháp, mắt tai mũi lưỡi thân ý
này.
Tóm lại, quan sát sự đi là một cách tiếp cận để nhận
ra tánh Không chính là Nền tảng của đời sống thế gian. Rồi sống với cái thấy
ấy, trong mọi giác quan, trong mọi đối tượng của giác quan để dần dần chứng
nghiệm hoàn toàn tánh Không.
Người ấy vẫn ở trong sanh tử mà không bị sanh tử làm
nhiễm ô, vì sống trong tánh Không thì không còn tạo nghiệp nhưng vẫn tiếp tục
hành Bồ-tát hạnh:
“Bồ-tát này vì giáo hóa chúng sanh, tuy hiện trong các
nẻo sanh tử lưu chuyển mà chẳng bị các chướng nghiệp phiền não kia nhiễm ô. Ví
như người do biến hóa, tuy hiện các việc đi đứng ngồi nằm mà thật ra không có
các nghiệp qua lại. Tuy hiện trong các nẻo sanh tử để làm lợi ích cho chúng
sanh mà đối với chúng sanh và những công việc kia đều vô sở đắc” (Phẩm Nghĩa pháp không tạp, hội thứ 1).
Để tạm kết, chúng ta trích từ kinh Đại Bát-nhã:
“Tất cả pháp cũng như thế, đều chẳng phải cảnh chỗ
hành của nhãn căn. Pháp chẳng hành pháp, pháp chẳng thấy pháp, pháp chẳng biết
pháp. A-nan phải biết, tất cả pháp không kẻ hành, không kẻ thấy, không kẻ biết,
không động không tác. Vì sao thế? Vì tất cả pháp đều vô tác dụng, kẻ nắm và cái
được nắm tánh vốn xa lìa vậy.
Nếu Bồ-tát biết như thế, thấy như thế, hành như thế,
tức là hành Bát-nhã ba-la-mật-đa, cũng chẳng bám lấy các pháp tướng ấy” (Phẩm Chúc lụy, hội thứ 1).
Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo số 181
{
Discussion about this post