Quan niệm bình đẳng
trong kinh Trung A-hàm
SC. Thích Nữ Huệ Phú
Chúng ta không thể đánh giá một con người qua hình dáng bên ngoài mà phải nhìn nhận qua nhân cách, đạo đức bên trong được thể hiện qua cách sống của anh ta đối với mọi người trong mọi hoàn cảnh.
1. DẪN NHẬP
Đạo Phật xuất hiện ở Ấn Độ, một nước có sự phân biệt giai cấp, kỳ thị
chủng tộc khắc nghiệt. Đức Phật đã mang chân lý, một đạo lộ mới giúp con người nhận thức vấn đề ấy một cách sáng tỏ. Đức Phật là bậc giác ngộ, thông hiểu mọi ngọn ngành của cuộc sống với tinh thần xả ly trọn vẹn, như vấn đề đạo đức, chính trị xã hội…
Triết học chính trị xã hội bao gồm những vấn đề liên quan đến hạnh phúc của con người như bình đẳng, tự do dân chủ, nhân đạo, chính trị quân sự… khi nói về Phật giáo, là những con người xuất ly thế tục, không
màng nhân sự, nhưng không phải vì thế mà họ bỏ mặc những nỗi đau. Các vị thiền sư từng là những quốc sư, cố vấn cho biết bao chính trị gia chiến thắng được kẻ thù. Phật giáo có phải là tôn giáo, khoa học? Đức Phật có phải là một xã hội – chính trị gia? Phật giáo chỉ là Phật giáo không là gì cả, đức Phật cũng không phải một nhà xã hội, một chính trị gia, Ngài vượt lên trên cả những vấn đề ấy! Đứng về mặt chính trị, đức Phật không tham gia, nhưng Ngài đã chuyển hóa biết bao nhà vua trở thành
anh minh, thương dân như thương con, lấy từ bi, trí tuệ để cai trị dân.
Khi đề cập đến bình đẳng, nhân đạo…thì Phật giáo mang tinh thần nhân đạo, cũng như bình đẳng tuyệt đối.
Tất cả chúng sanh, dù ở địa vị, giai cấp nào thì mỗi người đều phải chịu trách nhiệm về tất cả những gì mình đã tạo tác qua thân, khẩu, ý. Định luật vô thường hay nghiệp chi phối toàn bộ chúng hữu tình. Dầu anh ở
địa vị nào đi nữa thì cũng không thể tránh được lưỡi hái của tử thần khi anh chưa thật sự chiến thắng bản thân mình với những dục vọng của thế gian. Khi còn hiện hữu ở thế gian, có thể anh là tổng thống, giám đốc… nhưng khi trút hơi thở rồi anh sẽ là ai? Chúng ta có thể lấy quyền lực hiện tại ở cõi ta bà này để chi phối hay ra lệnh số phận ở tương lai? Chỉ có tiếng nói đạo đức bên trong dưới sự điều khiển của luật nhân
quả mới có năng lực ấy mà thôi! Con người sống trên cuộc đời với muôn hình muôn vẻ, người giàu sang kẻ nghèo hèn, đẹp xấu, thông minh, khờ khạo… khi chết đi chỉ hai bàn tay trắng cùng nghiệp thức duy nhất theo mình để kiến tạo một đời sống kế tiếp.
Như vậy, con người bình đẳng nhau từ nguyên nhân xuất hiện, đó là vấn
đề sâu xa nhất có thể họ sẽ không bao giờ nghĩ đến. Con người thường đòi quyền tự do, bình đẳng, đồng thời có nhiều hiến chương, hiến pháp ra
đời nhằm mang lại quyền ấy cho con người. Nhưng hình như tất cả đều đang nằm trong một khía cạnh thật mong manh và đặc thù nào đó khó phân biệt ranh giới giữa những vấn đề được đặt ra và thực hiện. Vấn đề bình đẳng xưa và nay hoàn toàn khác biệt, xã hội phát triển với những đòi hỏi
nhu cầu quá cao của con người, công việc được làm theo nguyên tắc khoa học không còn đặt nặng về mặt tình cảm, nên quyền bình đẳng được thể hiện ở sự phân biệt rạch ròi, công bằng… nhiều lúc dẫn đến sự hiểu sai của người nhận thức, chúng ta cần phân tích, chia chẻ vấn đề này ở nhiều
khía cạnh khác nhau theo sự logic của triết học, mới thấy được giá trị bình đẳng nằm ở sự phân biệt. Anh A không thể là anh B, và tại sao anh C
lại như thế này mà anh D lại như thế kia, tại sao đồng thời sinh ra trên cuộc đời nhưng mỗi người mỗi giai cấp, số phận giàu nghèo khác nhau? Tại sao cùng làm trong một công ty nhưng lương anh cao còn lương tôi lại thấp? đó có phải là sự bất bình đẳng? Sự bình đẳng có thể xóa tan được những kỳ thị giai cấp, chủng tộc trong xã hội không? Nó có thể được đo lường bằng trọng lượng, bằng hình thức bên ngoài?
Chúng ta không thể đánh giá một con người qua hình dáng bên ngoài mà phải nhìn nhận qua nhân cách, đạo đức bên trong được thể hiện qua cách sống của anh ta đối với mọi người trong mọi hoàn cảnh. Chính vì vậy, vấn
đề bình đẳng không thể dựa vào giai cấp, địa vị, chủng tộc… để đánh giá
mà cần dựa vào phẩm chất bên trong. Đặc biệt đạo Phật lấy sự tu đạo làm
thước đo chuẩn mực cao nhất của sự bình đẳng: “Sự sang, hèn của con
người là do nhân cách chứ không phải do giòng họ mà có; đối với việc tu
đạo, giòng dõi tuyệt đối không có một ý nghĩa nào cả, mà chỉ khác nhau ở
chỗ có hăng hái hay không trong việc tiến tu mà thôi: đó là chủ trương cốt tủy của Phật và các đệ tử”.[1]Đức Phật cũng dạy: mọi dòng sông khi đổ về biển cả có chung vị mặn cũng như giáo pháp của Ngài chỉ có một vị giải thoát mà thôi. Tất cả mọi chúng sanh đều có Phật tánh và có thể thành Phật, đó là sự bình đẳng tuyệt đối.
Chúng tôi trình bày vấn đề Quan niệm bình đẳng của Phật giáo trong kinh Trung A Hàm.
Vấn đề bình đẳng đã được nhiều học giả quan tâm, nghiên cứu. Tuy nhiên,
vấn đề bình đẳng trong kinh Trung A Hàm, một bộ kinh Nguyên Thủy, nguồn
tài liệu đáng tin cậy thì hầu như còn rất ít. Chúng tôi muốn trở về nguồn cội xưa, để nhận thức đúng bình đẳng trong Phật giáo, đồng thời mở
ra cho mọi người một cái nhìn mới hơn về vấn đề này, thấy được giá trị của những lời Phật dạy cách đây trên hai mươi lăm thế kỷ…
1. Khái niệm bình đẳng và sự phân chia giai cấp ở Ấn Độ
Bình đẳng là một vấn đề được thế giới ngày nay bàn cãi rất nhiều, ai ai cũng mong muốn có được cuộc sống bình đẳng, đó là quyền được sống, được tự do và mong muốn hạnh phúc. Vậy thì thế nào là bình đẳng? Phải chăng hai chiếc xe giống nhau, hai ngôi nhà y hệt nhau là bình đẳng? Đó là sự đồng nhất chứ không phải là bình đẳng. Khi đề cập đến Bình Đẳng là chúng ta nói đền sự tương quan công bình hay công lý giữa người và người. Cuốn Từ Điển Triết Học cho rằng: “Bình đẳng là khái niệm nói lên vị trí như nhau của con người trong xã hội, nhưng lại có một nội dung khác nhau trong những thời đại lịch sử khác nhau và ở những
giai cấp khác nhau…Sự bình đẳng hoàn toàn chỉ được tạo ra dưới chủ nghĩa cộng sản. Nhưng sự bình đẳng của cộng sản chủ nghĩa không có nghĩa
là một sự san bằng nào đó đối với tất cả mọi người, mà ngược lại, nó mở
ra những khả năng vô hạn cho mỗi người tự do phát triển những năng lực và nhu cầu của mình, tương xứng với những phẩm chất và năng khiếu cá nhân”.[2]
Aristotes đã diễn tả một cách chí lý quan niệm Bình Đẳng là Công Bình như sau: “Bất công là bất bình đẳng và công bình là bình đẳng”. “Những người không bằng nhau được đãi ngộ tùy theo sự khác biệt của họ”.
Như vậy, bình đẳng là một sự công bằng chứ không phải sự giống nhau. Thế nào là công bằng? chúng ta thử xét qua công ty may mặc ăn lương theo
sản phẩm chẳng hạn. Cùng trong một tháng, anh may được số lượng nhiều thì lương anh cao, tôi may được ít thì lương tôi thấp; hay lương của một
kỹ sư thì tất nhiên phải cao hơn lương của một anh công nhân, điều đó rất công bằng, đó là sự bình đẳng. Trong một xã hội có người giỏi, kẻ dở; người ngu, kẻ thông minh; người giàu, kẻ nghèo… đó không phải là sự bất bình đẳng. Họ xứng đáng hưởng những gì mình tạo ra, và chúng ta chỉ có thể tìm phương thể để tạo môi trường bình đẳng giữa người với người trong xã hội theo tiêu chuẩn công bằng, nhưng chúng ta không thể san bằng mọi khác biệt để tạo sự đồng nhất rập khuôn. Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền và Quyền Công Dân Cách mạng Pháp năm 1789, điều 6 nêu lên như sau:
“Nhận thức rằng tất cả mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, nên tất cả đều có quyền được trả lương như nhau và ngang hàng nhau trong
việc đảm nhận những chức vụ công, tùy theo khả năng của họ và chỉ dựa trên một tiêu chuẩn duy nhứt là đức độ và trí thức của họ”. Đây là một Tuyên ngôn hoàn toàn công bằng và hợp lý, tùy vào khả năng xứng đáng cùng với đức độ, tri thức của con người.
Đứng về mặt sinh học, mỗi con người sinh ra đều có đủ lục căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Con người không khác nhau về thân tứ đại, ngũ
uẩn này. Có khác nhau chăng là chỉ khác về hình thức bên ngoài, màu da,
tóc… và sự khác biệt lớn nhất đã đưa con người cách xa nhau nhất đó là ngôn ngữ. Nhưng điều này không đủ cơ sở và điều kiện để tạo nên sự bất bình đẳng trong cuộc sống của con người. Do vô minh, chấp thủ, con người
đấu tranh để giành quyền lợi cá nhân dẫn đến sự bất bình đẳng, như vậy sự bất bình đẳng do chính con người tạo ra và gây đau khổ cho nhau. Tuy nhiên, tất cả con người đều chung một loài sinh vật. Mỗi người đều có cùng, ít nhất là về mặt tiềm năng, những đặc điểm đặc biệt của chủng loài đó, có tính cách, óc suy luận, ý chí tự do và tinh thần trách nhiệm, những điều này tạo nên phẩm chất hoặc giá trị riêng của từng cá nhân, tất cả con người đều có cùng những quyền nào đó mà không một chính
quyền nào có thể cướp đi được: đó là quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Đây là điều hiển nhiên chúng ta không thể chối cãi được. Như vậy con người có quyền bình đẳng, sống, học tập và lao động, cống hiến cho xã hội những gì có thể. Nhà trường mở ra là để cho con người, những người có khả năng tiếp thu kiến thức, thành những người hữu
ích cho cộng đồng và xã hội.
Sở dĩ có những sự bất đồng giữa người với người về mọi mặt như thế đó
là do biệt nghiệp. Luận điểm nhân chủng học đưa ra vấn đề này nhằm bổ túc cho thuyết sinh học rằng con người không khác nhau khi mới sinh ra, và họ có khả năng chuyển nghiệp quả đau khổ của mình để kiến tạo một đời
sống hạnh phúc giàu có không phải ở đời sau mà ngay hiện tại. Như vậy, đứng về mọi phương diện, con người bình đẳng nhau, chỉ có sự khác biệt giữa họ mà thôi. Vậy thì tại sao lại có sự bất bình đẳng xảy ra trong cuộc sống? chúng ta hãy cùng đưa ra ý kiến của mình về vấn đề bình đẳng đối với sự phân chia giai cấp ở Ấn Độ đứng trên lập trường cá nhân theo cái nhìn Phật giáo. Có thể nói, Ấn Độ là một nước có sự phân chia giai cấp và kì thị chủng tộc khá nặng nề. Cho đến ngày nay, trình trạng này vẫn còn tiếp diễn.
Vào thời cổ đại Ấn Độ, tri thức con người chưa phát triển, bốn giai cấp được lý luận sinh ra từ những bộ phận khác nhau của Phạm thiên, trong đó Bà la môn là giai cấp tối thượng nhất nắm mọi quyền hành cho đến giai cấp cuối cùng là nô lệ không có một quyền hành nào trong cuộc sống của mình, như họ sinh ra để phục vụ và nhận lấy những sự bất công trong cuộc đời. Giai cấp trở thành một nguyên tắc căn bản và được xem là
điều hiển nhiên trong đời sống của người dân Ấn, được phân định từ giòng dõi và sự xuất thân của họ, cho đến bây giờ dù có muốn xóa bỏ cũng
thật khó để tẩy đi tất cả những dấu vết xa xưa đó, vì giai cấp nô lệ dường như họ cũng đã chấp nhận cuộc sống của mình không một lời oán trách, than vãn: “. . . mọi bất công về đẳng cấp đều do hậu quả tất yếu của nghiệp trong quá khứ tạo thành. Do vậy con người trong hiện tại phải mặc nhiên gánh chịu và nỗ lực để tôn trọng kỷ luật của giai cấp mình”.[3] Tất nhiên là do nghiệp, nhưng không
vì thế mà con người suốt đời phải chịu nguyên vẹn đời sống bất công, không thể hoán cải được của mình. Tuy nhiên, Ấn Độ đưa ra điều này, khiến mọi người chấp nhận sự phân định giai cấp đã được đặt sẵn đem đến một điều lợi là không hề có sự xung đột hay chiến tranh xảy ra đối với người dân Ấn, khiến họ được sống trong thái bình, hạnh phúc; và cũng chính điều này khiến cho đất nước Ấn Độ không thể giàu có lên được, vì họ chấp nhận số phận định sẵn như vậy!
Con người sinh ra vốn không có giai cấp, nhưng do sự hiếp đáp giữa người giàu đối với người nghèo, đè bẹp khiến họ không có cơ hội để ngẩng
đầu lên xây dựng cuộc sống tương lai của mình: “Chỉ có ba giai cấp đầu được phép tụng đọc các Veda, còn giai cấp Shadra bị cấm đoán hoàn toàn”.[4]Đặc biệt là người phụ nữ lúc bấy giờ, họ bị khinh rẻ và bị xem như là những món đồ tiêu khiển của đàn ông thuộc giới quyền quý. Sự bắt cóc, cưỡng ép, cũng như sự buôn bán phụ nữ, thiếu nữ thường xuyên xảy ra. Trong đời sống thường nhựt, người phụ nữ phải chịu khá nhiều thiệt thòi:
họ không được ra khỏi nhà mà không che mặt, không có quyền trong các hoạt động xã hội, không có mặt trong lãnh vực tôn giáo… Những ngày vô tận của họ chỉ là để chờ đợi trong thầm lặng sự viếng thăm của người đàn
ông, cho đến khi người này chết thì phải chịu sự thiêu sống để đi theo người đã chết (tục lệ Sati). Sự đau khổ, sự bất công đang tràn ngập khắp
các nẻo đường, khắp các phố phường thành thị. Vậy, chúng ta có thể đem quyền bình đẳng để xoá bỏ sự phân biệt giai cấp này được không?
Bốn giai cấp ở Ấn Độ là do nghiệp lực chiêu cảm ra từng kiếp sống, từng hoàn cảnh như thế, chúng ta không thể nào lấy sự bình đẳng để xóa bỏ giai cấp ấy được. Giai cấp chỉ có thể được xóa bỏ khi chính người ấy chuyển đổi nghiệp của mình. Đó cũng là quan điểm bình đẳng của Phật giáo
3. Vấn đề bình đẳng trong Phật giáo
Như chúng con đã đề cập trong phần dẫn nhập, vấn đề bình đẳng hôm nay sẽ chỉ được nghiên cứu dựa trên kinh Trung A Hàm,
vì vậy những mục chính liên quan đến chủ đề bình đẳng nằm trong kinh sẽ
được tìm hiểu như bình đẳng giai cấp, địa vị; bình đẳng khi gia nhập Tăng đoàn: bình đẳng tuyệt đối, bình đẳng đối với phụ nữ; hay nguyên nhân dẫn đến sự khác nhau trong xã hội… Người viết căn cứ hoàn toàn vào những lời được ghi lại trong kinh để phân tích, chứng minh và nêu ra một
vài nhận định của mình đan xen trong mỗi mục.
2.1. Bình đẳng giai cấp, địa vị
Xã hội được tạo nên bởi những con người khác nhau về rất nhiều mặt, từ giai cấp, địa vị, giàu nghèo… tuy nhiên, đối với giáo lý đạo Phật, con người cao thượng hay nhỏ bé không dựa trên giai cấp hay địa vị, bởi lẽ mọi con người đều có quyền sống, tự do, và tìm cầu hạnh phúc cho riêng mình. Các bài kinh trong Trung A Hàm như Kinh Phạm Chí A Nhiếp Hòa
151, Kinh Uất Sấu Ca La 150, Kinh Đầu Na 158… đề cập đến vấn đề giai cấp, địa vị.
Sự phân biệt giai cấp là do xã hội tạo nên, mỗi con người đều có quyền bình đẳng như nhau về mọi quyền lợi trên tinh thần nhân quả, nghiệp báo. Không phải do anh thuộc dòng Phạm chí thì anh mới sống, ăn, làm việc… và đặc biệt là ai cũng có thể giải thoát nếu tu tập: “… Tất cả mọi người trong trăm chủng tộc khác nhau ấy đều có thể mang bột tắm đến nước và tắm rửa, trừ khử các cấu bẩn cho thật sạch. . . tất cả những người trong trăm chủng tộc khác nhau kia đều có thể dùng bất cứ loại gỗ nào làm mồi lửa, rồi lấy dùi mà dùi cho phát ra lửa và cháy lớn lên”.[5]Con người sống không tắm rửa thì sẽ nhơ bẩn, tắm rửa thì sạch sẽ, kể cả thân và tâm, không ngoại lệ một chủng tộc nào. Quy luật của cuộc sống, thiên nhiên và tạo hóa tự đến không phân biệt.
Kinh A Nhiếp Hoà đưa ra sự bình đẳng của con người ở yếu tố sinh ra, giai cấp, nghiệp báo và sự tu tập: Tất cả bốn giai cấp đều sinh
ra từ bụng người mẹ; Có sự đồng đẳng giữa bốn giai cấp về quả báo của các nghiệp thiện và bất thiện; Đồng đẳng trong cơ hội tu tập ở đời này. Đức Phật đã bác bỏ thuyết bốn giai cấp “trời sinh” của Bà-la-môn, đơn cử
là một xã hội không phải có bốn, mà chỉ có hai giai cấp là “chủ” và “tớ” và giới hạn của hai giai cấp này cũng chỉ là tương đối, tạm thời, vì có những trường hợp nô lệ tiến lên làm chủ nô và trường hợp chủ nô biến thành nô lệ. Đồng thời có rất nhiều trường hợp những người nô lệ được giải phóng trở thành người tự do “Này Ma-nạp, Ông có nghe nói ở nước Dư-ni và Kiến-phù chỉ có hai chủng tánh: chủ nhân và đày tớ; sau khi làm chủ nhân lại trở thành đày tớ, đày tớ lại trở thành chủ nhân chăng?”[6]Đức Phật không chủ trương chủng tộc: “Này
Bà-tư-tra, chính Ta, với sự chứng đắc Minh Hạnh vô thượng này không chủ
trương thọ sanh ưu thắng, không chủ trương chủng tộc, không chủ trương kiêu mạn, nói rằng ‘Nó đẹp lòng Ta; nó không đẹp lòng Ta,’ không vì chỗ ngồi, không vì nước, không vì sở học kinh sách”.[7]
Phạm chí Uất-sấu-ca-la thưa với đức Phật về việc Phạm chí thiết lập bốn loại phụng sự cho bốn chủng tánh Phạm chí, Sát-lợi, cho Cư sĩ và Công sư: “Này Cù-đàm, Phạm chí thiết lập loại phụng sự cho Phạm chí,
tức là Phạm chí phải phụng sự Phạm chí; Sát-lợi, Cư sĩ và Công sư cũng phải phụng sự Phạm chí. Này Cù-đàm, bốn chủng tánh này phải phụng sự Phạm chí”.[8] Cứ như thế ngoài chủng tánh mình phụng sự cho chủng tánh mình thì các chủng tánh còn lại dưới phải phụng sự cho chủng tánh trên. Đức Phật đã bác bỏ điều này bằng cách đưa ra những câu hỏi ví dụ cho Uất Sấu Ca La: “. . . Nhưng Sa-môn Cù-đàm nói: bốn chủng tánh thảy đều thanh tịnh, với sự giảng giải, hiển thị”.[9] Chính Phạm chí này cũng đã xác định trả lời Phật: “Bạch Cù-đàm, Phạm chí có thể hành từ tâm, không kết, không oán, không nhuế, không tránh. Sát-lợi, Cư sĩ hay Công sư cũng như vậy”.[10]Bốn giai cấp đều chịu chung quy luật sanh, già, bệnh, chết, ai cũng có thể làm chủ vận mệnh và tự tạo hạnh phúc cho mình, không một năng lực nào có quyền ban phước, giáng họa, ai cũng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Kinh Trung A Hàm, đức Phật đã xác định với người Bà-la-môn rằng: “Này
Ma nạp, Phạm chí nếu hướng đến chơn chánh, thì vị ấy sẽ hiểu biết khéo léo, tự tri đúng như pháp. Sát lợi, Cư sĩ hay Công sư nếu hướng đến chơn
chánh cũng được sự hiểu biết khéo léo, tự tri đúng pháp”.[11]
Đây là sự hiển thị, giản trạch rõ ràng về bốn giai cấp đều có sự đồng nhất, bình đẳng với nhau trên tự tính, xoá bỏ đi những bất bình đẳng trên phương diện giai cấp, chủng tộc, màu da..v.v, thể hiện tinh thần bình đẳng trong giáo lý đức Phật.
Chính tinh thần bình đẳng, vô ngã vị tha này đã tạo nên tính nhân bản
trong Phật giáo. Những người đệ tử Phật không thờ ơ trước nỗi đau của tha nhân và luôn tìm cách mang lại hạnh phúc cho họ bằng sức mạnh thông điệp yêu thương, hòa bình. Đây cũng là nguồn sức mạnh để gạt đi những sự
áp bức bất công trong cuộc sống, san bằng mọi chướng ngại trên con đường tìm cầu an lạc cho mình và người.
2.2. Bình đẳng trong việc xuất gia tu học
Sự bình đẳng là định lý căn bản trong Giáo đoàn của Phật. Cơ sở để tạo dựng Giáo đoàn là sự hoà hợp thanh tịnh. Yếu tố này mang đến sự bình
đẳng tuyệt đối, cao thượng: “Lành thay! Lành thay! Này A-na-luật-đà, các ông thường cùng nhau hòa hiệp an ổn, không tranh chấp như vậy, cùng một tâm, cùng một thầy, cùng hiệp nhất như nước với sữa”.[12]
Dù mọi người thuộc tầng lớp nào trong xã hội khi vào tăng đoàn đều trở thành những vị Tỳ kheo sống thanh tịnh, hòa hợp dưới sự hướng dẫn của đức Phật trên tinh thần từ bi, vô ngã, vị tha: “Này Bà Trư Ta, nếu một Thiện nam tử, bất luận chủng tộc hay tánh danh nào từ bỏ chủng tộc, cạo bỏ râu tóc, khoác áo cà sa, chí tín, lìa bỏ gia đình, theo Ta học đạo, thì có thể nói như thế này: “phạm chí chúng tôi là con phạm thiên. .
.vì thiện nam tử ấy vào trong chánh pháp luật của Ta, thọ lãnh chánh pháp và giới luật, đến được bờ bên kia, đoạn nghi, trừ hoặc, không có do
dự, đối với pháp của đấng Thế Tôn đã được vô sở úy”.[13]
Giai cấp chỉ có thể được xóa bỏ khi người ấy gia nhập tăng đoàn, tu tập đạt Thánh quả!: “Đoàn
thể đặc biệt do Phật lập nên gọi là Thánh chúng (Àrya sangha), với chủ đích đó là cái nôi của những con người cao quý. Vì truyền thống Bà-la-môn đã được thiết lập kiên cố, nên giai cấp bấy giờ đã được phân chia thật rõ rệt. Bởi lẽ đó, đức Phật luôn xác nhận rằng trong hàng Tăng
chúng của Ngài không có phân biệt giữa Bà-la-môn (đạo sĩ) và võ tướng, hay giữa chủ và tớ. Ai đã được nhận vào hàng tăng chúng đều có cơ hội học hỏi và tu tập như nhau”.[14]Đức Phật thường nhắc nhở mọi người phải dựa vào năng lực của chính mình, nếu muốn
thoát khỏi sinh – già – bệnh – chết thì phải tự mình tu tập, không nên tin vào huyền thoại nhảm nhí nói rằng chỉ có giai cấp Bà la môn sinh ra từ miệng Phạm Thiên mới là cao quý. Bởi lẽ: “Này Bà-tư-tra, một thiện nam tử thuộc dòng tộc Sát-lợi mà thân làm thiện pháp, khẩu, ý làm thiện pháp, thì người đó khi thân hoại chung, nhất định sẽ thọ lạc”.[15]
Không bất luận là ai, người nào… nếu hướng đến đời sống cao thượng, biết tu tập thiện pháp, chuyển hóa tâm thức… thì chắc chắn được giải thoát. Cánh cửa giải thoát không mở ra giành riêng cho một giai cấp nào:
“Này Bà-tư-tra, thiện nam tử dòng tộc Sát-lợi tu bảy giác pháp, khéo tư duy và khéo quán sát, biết như vậy, thấy như vậy, tâm giải thoát
dục lậu, tâm giải thoát hữu lậu và vô minh lậu, giải thoát rồi liền biết giải thoát, biết như thật: Sự sanh đã hết, Phạm hạnh đã lập, điều cần làm đã làm xong, sẽ không còn tái sanh nữa”.
“Cũng vậy, thiện nam tử dòng tộc Phạm chí, dòng tộc Phệ-xá tu bảy
giác pháp, khéo tư duy, khéo quán sát; người ấy biết như vậy, thấy như vậy, tâm giải thoát dục lậu, tâm giải thoát khỏi hữu lậu, vô minh lậu, giải thoát rồi liền biết giải thoát, biết như thật: Sự sanh đã hết, Phạm
hạnh đã lập, điều cần làm đã làm xong, không còn tái sanh”.
Đức Phật là người tiên phong trong chính sách hủy bỏ giai cấp: “Chính
đức Phật lần đầu tiên đã cố hủy bỏ chế độ nô lệ và kịch liệt phản đối hệ thống giai cấp hủ lậu đã mọc rễ sâu xa trên mảnh đất Ấn Độ. Theo giáo
lý đức Phật, người trở thành kẻ hạ tiện hay cao quý không phải do giòng
dõi mà do hành vi của mình. Giai cấp hay màu da không làm cản trở một người muốn trở thành một Phật tử hay gia nhập Tăng đoàn. Người chài lưới, kẻ đổ rác, gái giang hồ, cả đến những võ tướng và những người Bà la môn, đều tự do gia nhập tăng đoàn, được hưởng sự đối xử bình đẳng, và
cũng được giao cho những địa vị tương xứng”.[16]
Tính chất bình đẳng của Tăng chúng không hề thiên vị một ai, dù sang hèn, giàu nghèo, đẹp xấu; dù sanh trong giai cấp nào, hoặc dù nam hay nữ, … sau khi xuất gia sống đời Phạm hạnh cũng đều là Sa môn đệ tử Phật bình đẳng không phân biệt như trăm sông đổ về biển: chân lý tuyệt đối, thành quả giải thoát không dành riêng cho ai: “Bạch đức Thế Tôn, Phạm chí cũng có người xa lìa sát sanh, đoạn trừ sát sanh, trộm cắp, tà dâm, nói láo, cho đến xa lìa tà kiến, được chánh kiến, và Sát lợi, Cư sĩ cũng vậy”.[17] Bằng chứng là trong
tăng đoàn có rất nhiều vị Tỳ kheo xuất thân từ giai cấp hạ tiện như Ưu ba ly thợ cạo sau trở thành tổ của Luật tạng, Ni đề người hốt phẫn, dâm nữ Liên Hoa Sắc, sát nhân Vô Não… trở thành những bậc A-la-hán.
Đặc biệt đức Phật đã cho phép thành lập giáo hội Tỳ kheo ni vào một thời điểm và địa điểm mà người nữ bị xếp vào địa vị thấp kém nhất trong xã hội. Làm điều này, đức Phật là người đầu tiên trong lịch sử nhân loại
đã nâng cao vị trí của người nữ đến mức quan trọng nhất. Đây là việc làm duy nhất và chưa từng thấy trong rất nhiều hệ thống tôn giáo và trường phái tư tưởng được biết, trước và trong thời Phật tại thế. Đây là
một sự canh tân phi thường vì nó đã tạo điều kiện cho hàng phụ nữ đặc quyền tiếp thụ giáo lý đạo Phật và từ đó nỗ lực tu tập phát huy bản chất
cao quý, khả năng thấm nhuần trí tuệ thâm sâu ngang hàng với nam giới của họ: “Này A-nan, Đại Sanh chủ Cù-đàm-di thật đã đem lại cho Ta nhiều lợi ích, đã bảo dưỡng Ta sau khi thân mẫu Ta qua đời. Nhưng này A-nan, Ta cũng đem lại cho Đại Sanh chủ Cù-đàm-di nhiều lợi ích. Vì sao vậy? Đại Sanh chủ Cù-đàm-di nhờ Ta mà được quy y Phật, Pháp và chúng Tỷ khiêu, không nghi ngờ Ba ngôi Tôn quý, và Khổ, Tập, Diệt, Đạo, thành tựu
tín, giới, đa văn, bố thí, trí tuệ, xa lìa nghiệp sát…”.[18]
Triết thuyết bình đẳng đã giúp cho con người có niềm tin trong cuộc sống, đặc biệt là những người đang sống trong đau khổ. Họ tìm đến đạo giác ngộ để tự giải phóng bản thân mình.
4. Nguyên nhân của sự khác nhau trong xã hội
Phật giáo đưa ra thuyết nghiệp báo luân hồi, là định luật chi phối toàn bộ chúng sanh. Những việc làm trong quá khứ là nhân đưa đến đời sống hôm nay, những tạo tác hôm nay sẽ là nền móng kiến tạo một cảnh giới trong tương lai mà mỗi người tự nhận lấy cho riêng mình. Đây là sự bình đẳng tuyệt đối, bình đẳng trên vấn đề nghiệp lực. Nghiệp là một quan tòa công minh, không thương ghét, thiên vị ai. Con người sinh ra khác nhau chẳng qua là do nghiệp, và người ta có thể thay đổi về điều này: “Con người tạo nên mọi thứ, tất cả những buồn đau và bất hạnh cũng như hạnh phúc và thành công của mình. Những người khác có thể sử dụng ảnh hưởng vì cuộc sống của họ, nhưng chính con người ấy nay tạo ra nghiệp của mình. Cho nên người ấy chịu trách nhiệm về những hậu quả”.[19]
Như vậy, sở dĩ hôm nay người ấy sinh vào dòng dõi thiếu phước báu là do
kiếp trước họ chưa gieo nhân thiện lành, ngược lại người sinh được vào giòng sát đế lỵ, Bà la môn… là do họ đã tạo những nghiệp tốt trong quá khứ: “Chúng sanh kia do nơi hành nghiệp của chính mình, do nghiệp mà
thọ báo, duyên vào nghiệp, y nơi nghiệp, tùy nơi nghiệp xứ có cao thấp,
mà chúng sanh có tốt đẹp hay không tốt đẹp”.[20]
Dẫu biết rằng con người sinh ra trên cuộc đời này với tấm thân giả tạm do tinh cha huyết mẹ và thức tạo thành. Ai cũng phải chịu sự chi phối của định luật vô thường, sanh, già, bệnh, chết, nhưng tại sao có người được trường thọ, có người lại quá yểu mạng, có người chưa ra khỏi bào thai đã bị chết: “Nếu có kẻ nam hay người nữ nào sát sanh, hung dữ, cực ác, uống máu, có ý sát hại, mang tâm niệm xấu ác, không có tâm từ bi đối với tất cả chúng sanh cho đến các loài côn trùng, thì người ấy
thọ lấy nghiệp ấy, tạo tác đầy đủ rồi, đến khi thân hoại mạng chung chắc chắn đi đến chỗ ác, sanh vào trong địa ngục, mãn kiếp địa ngục rồi,
lại sinh vào nhân gian tuổi thọ rất ngắn ngủi…”[21]
Người hay não hại, khiến người khác lo lắng, bất an thân tâm cũng như sát sanh hại vật tùy theo mức độ nhận lấy quả báo đoản mạng hay bệnh tật. Ngược lại, người sống được trường thọ và ít bệnh tật, vì người ấy sống với tâm từ bi, thương yêu mọi loài chúng sinh, không sanh tâm sát hại, cho nên người ấy hiện đời có cuộc sống lâu dài, ít bệnh. Sau khi người ấy mạng chung, sinh vào cõi Người hay cõi Trời: “Này Ma-nạp, do nhơn duyên gì mà kẻ nam hay người nữ thọ mạng rất dài? Nếu có kẻ nam hay người nữ nào xa lìa nghiệp sát, … có tâm tàm, có tâm quý, có tâm từ bi, làm lợi ích cho tất cả, cho đến côn trùng…”[22]tiếp tục đức Phật giải thích nguyên nhân gì có thân hình đoan chánh, không đoan chánh, có oai đức, không có oai đức, sanh vào dòng dõi cao quý hay hạ tiện, có của cải, không có của cải, trí tuệ kém, thông minh…
Không những trong hiện tại mà tương lai cũng thế, mỗi người dù là giai cấp nào đi nữa cũng sẽ nhận được quả báo thiện lành nếu trong kiếp hiện tại tu tập, gieo nhân thiện: “Bốn hạng này, Sát-lợi, Phạm chí, Cư sĩ, và Công sư, có sự hơn kém, có sự sai biệt cả trong đời sau nữa. Bốn hạng này, Sát-lợi, Phạm chí, Công sư và Cư sĩ nếu thành tựu được năm
đoạn chi này[23], chắc chắn sẽ gặp được bậc Thiện sư, là Như Lai, Vô Sở Trước, Đẳng Chánh Giác, chắc chắn được vừa ý, không có điều gì không vừa ý, và cũng luôn luôn được thiện lợi và hữu ích, an ổn khoái lạc”.[24]
5. Vài nhận định và đánh giá
Chúng ta thường nói, đạo Phật là đạo bình đẳng, vị tha. Đức Phật phủ nhận giai cấp bất công, đem chế độ bình đẳng để đãi ngộ mọi hạng người trong xã hội. Ngài đã mở ra cho nữ giới con đường giải phóng không những
ra khỏi một thân phận đen tối thấp hèn, lệ thuộc vào nam giới, mà còn ra khỏi ngục tù bản ngã nhỏ hẹp để vươn lên Chân lý, Niết-bàn. Thế thì chúng ta quan niệm như thế nào về mối liên hệ giữa bình đẳng và giai cấp, địa vị… vì sao đức Phật ra đời mang ánh sáng Phật pháp soi rọi khắp
bốn miền nam bắc… Ấn Độ, mang thông điệp yêu thương, không phân biệt màu da, chủng tộc gieo rắc vào lòng người, và nó đã ăn sâu vào những con
người hiền lương, thánh thiện ở đây từ dân thường cho đến vua quan, biết bao lãnh tụ của các nhà ngoại đạo đã trở thành những đệ tử xuất chúng của đức Phật, vậy mà giai cấp vẫn là vấn đề muôn thuở tồn tại ở đất nước vốn là cái nôi của Phật giáo này.
Theo hiện tượng giới thì con người tồn tại bởi nghiệp lực (trừ chư Phật và Bồ tát vì nguyện lực mà sanh), đó là sự bình đẳng đứng trên phương diện khổ đau. Ngoài ra tất cả chúng sanh đều bình đẳng nhau ở thể
tánh thanh tịnh, ngoài thể tánh này ra chúng ta không thể tìm ở đâu một
sự bình đẳng tuyệt đối. Bởi lẽ, đứng ở một khía cạnh nào đó, nếu khách
quan mà nhìn chúng ta chắc chắn sẽ tìm được một sự công bằng, bình đẳng
nào đó. Nhưng thực tế, khi đã nói ‘chúng ta nhìn’ tức đã nhuốm màu ngã tính với cái nhìn đây là ta, là của ta, là tự ngã của ta. Và đó cũng chính là nguyên nhân của biết bao sự bất bình đẳng, sự kỳ thị màu da chủng tộc, đặc biệt là sự phân biệt nam nữ.
Biết bao triết thuyết ra đời cố tìm hạnh phúc cho nhân loại, nhưng chưa có một triết gia lỗi lạc nào có thể nhìn thấy và chấp nhận bản thể nơi mỗi loài, hữu tình thì có Phật tánh, vô tình thì có pháp tánh. Đức Phật đã nhìn thấy được vấn đề này nên Ngài đã chấp nhận mọi giai cấp, chủng tộc, và người nữ xuất gia. Bởi lẽ chúng sanh ai cũng có nước mắt cùng mặn, dòng máu cùng đỏ, ai cũng mong muốn có được hạnh phúc… và khi đã gia nhập tăng đoàn, tất cả mọi người đều sống chan hòa trong vị giải thoát của pháp mầu. Tôn chỉ của giáo lý Phật giáo là hướng dẫn người tu tập đạt đến mục đích tối hậu – giác ngộ giải thoát. Mọi chúng sanh nếu phát tâm tu tập, hành trì chánh pháp đều được đạt đến kết quả cứu cánh như nhau. Nô lệ ở người khác không đáng sợ bằng nô lệ chính dục vọng của
chính mình, nó sẽ dẫn dắt chúng ta mãi mãi đi vào con đường đau khổ luân hồi: “Phật giáo dạy con người đi vào giải thoát, có nghĩa là đi
ra khỏi mọi trói buộc, mọi ách nô lệ. Nô lệ lớn nhất của hiện tượng giới là nô lệ chính dục vọng của mình”.[25] Và điều này tất cả chúng ta ai cũng có thể làm được. Đức Phật dạy: “Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành”. Hay “Nhất thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh, nhất thiết chúng sanh giai cam tác Phật”. Bản thể chân như nằm sẵn nơi mỗi loài, mỗi người; chúng sanh có thể khác nhau về tất cả nhưng Phật tánh không khác nhau: “Con người có nam bắc, nhưng Phật tánh thì không phân biệt nam bắc”.
(Lục tổ Huệ Năng), chỉ vì chúng ta vô minh vọng động, sống với cái giả,
quên cái chân, trong mọi họat động, sự sống… bao giờ chúng ta cũng gán vào đó cái bản ngã, nên mới sinh ra muôn hình vạn trạng, phân biệt, khổ đau. Đức Phật đã mở ra cho tất cả nhân loại một con đường đi đến hạnh phúc tuyệt đối là trở về bản thể thanh tịnh chúng ta vốn có xưa nay. Nó không hề thay đổi, mất đi, chỉ vì đám mây mù vô minh bất giác che ngang bầu trời tự tánh khiến cho vầng trăng không thể hiển bày, chỉ cần phản quan tự kỷ, chúng ta sẽ nhận ra bộ mặt xưa nay của mình, lúc này không còn ý niệm bình đẳng hay không! Trong Phật giáo, sự bình đẳng tối hậu là
khi mọi người cùng tu tập đạt đến quả vị giác ngộ, giải thoát: “Phật
tánh có thể bị ngăn che, nhưng chỉ cần được phát hiện, được biểu lộ khi
ta vén mở bức màn vô minh, và những tình cảm lệch lạc do vô minh gây nên. Những bức màn vô minh đó không thuộc Phật tánh, chúng chỉ ngăn che chứ không làm mất đi Phật tánh đó”.[26]
Nhìn theo mắt phàm tục thì có kẻ nam người nữ, nhưng bản tánh thanh tịnh chẳng sanh chẳng diệt, không có nam nữ. Nam nữ là giả tướng do nghiệp tạo thành, trong kinh Pháp Hoa Long nữ biến thành nam tử, đủ hạnh Bồ-tát liền thành Phật. Phẩm Đề bà đạt đa, mặc dù ông là người phạm tội ngũ nghịch làm thân Phật chảy máu, nhưng cũng được đức Phật thọ ký thành Phật ở tương lai, thế mới biết tánh Phật bình đẳng nơi
mọi chúng sanh. Khi nghe Phật sắp Niết-bàn, năm trăm vị Tỳ-kheo ni xin Phật được Niết-bàn trước vì không thể nhìn đức Phật nhập Niết-bàn, Phật cho phép, năm trăm vị về ngồi kiết-già nhập Niết-bàn. Nếu các vị không chứng A-la-hán thì làm sao sanh tử tự tại như vậy. Bên Ni cũng có các thiền sư ni đắc đạo, ở Trung Hoa có các Thiền sư ni như bà Thiết Ma, bà Liễu Nhiên và cô cư sĩ Linh Chiếu, ở Việt Nam có Ni sư Diệu Nhân.
Albert Einstein từng nói: “Giá trị thật sự của một người được xác định chủ yếu bằng sự đo lường và hiểu biết rằng anh ta có thoát được bản thân chăng”.
Vai trò và địa vị của một người dựa vào phẩm chất bên trong của họ. Đạo
Phật có tư tưởng phân chia cấp bậc dựa vào phẩm chất đạo đức.
Tóm lại, con người do nghiệp lực chi phối sinh ra với những mảnh đời những kiếp sống khác nhau, nhưng tựu trung lại tất cả chúng sanh đều có trong mình bản thể chân như, là cái chân thật vĩnh hằng bất sanh diệt, đó là sự bình đẳng tuyệt đối giúp cho con người nói riêng và tất cả chúng sanh nói chung có thể thay đổi kiếp sống của mình, hướng đến một đời sống hạnh phúc vĩnh cửu.
6. Kết luận
Mỗi một con người sinh ra trên cuộc đời đều có quyền sống, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc, nhưng chúng ta không có quyền giành lấy hạnh phúc của người khác, cũng như chúng ta không thể nào gánh lấy nỗi đau cho một người. Chính tự thân mỗi người hoàn toàn chịu trách nhiệm về các
nỗi đau, hạnh phúc của riêng mình, chúng ta thừa hưởng quá khứ và làm chủ tương lai.
Những loài hoa trong một vườn hoa nhiều chủng loại, mỗi loài có những
cái đẹp, xấu khác nhau nhưng chúng đều có quyền nở hoa, tỏa hương thơm theo khả năng của mình. Cũng vậy, con người có quyền thừa hưởng tất cả những gì mà họ đã tạo nên bằng công sức, trí tuệ của mình. Đó là khía cạnh thiết thực của sự bình đẳng trong cuộc sống hàng ngày, như Marx từng nói: “Làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu”, đó là câu khẩu hiệu đưa ra để kêu gọi một chế độ tưởng thưởng tương xứng với công lao. Đứng về mặt hiện thực trong cuộc sống thì chúng ta hãy dành cho mỗi
người điều họ đáng được hưởng, nghĩa là người đóng góp nhiều phải nhận được nhiều, người đóng góp ít sẽ nhận được ít. Cho dù ở chừng mực nào thì sự phân phối của cải cũng được xác định theo cách đó, nó có tính chất của một sự phân phối công bằng. Đứng về khía cạnh tương đối nào đó thì sự bình đẳng này chưa hẳn có thể mang đến sự giàu có của một đất nước, bởi lẽ, sự phồn vinh, thịnh đạt của một đất nước không thể được xây dựng trên sự chênh lệch quá lớn giữa người giàu và người nghèo, nhưng đó là lẽ công bằng cho tất cả mọi đối tượng trong cuộc sống. Và nếu chúng ta có áp dụng phương pháp lấy của người giàu đem chia cho người nghèo thì cũng không thể nào xóa bỏ sự bất bình đẳng nếu nó đã được tồn tại trong xã hội, bất bình đẳng thật sự được xóa tan khi con người sống với đạo đức thuần túy vốn có của một con người và vượt xa hơn
nữa…
Đứng trên góc độ công bằng thì chỉ có thể có sự phân loại giữa người giàu, người nghèo… chứ không thể xảy ra sự phân biệt giữa các đối tượng đó, vì sự giàu nghèo không phải là một điều tuyệt đối, cố định, nó có thể được thay đổi: “Tại các biên địa quốc độ khác như Yona và Kamboja, chỉ có hai giai cấp: chủ nhân và đầy tớ. Sau khi làm chủ nhân, lại trở thành đầy tớ, sau khi làm đầy tớ, lại trở thành chủ nhân”.[27]
Dù xét trên mọi phương diện sinh học, nhân chủng học, xã hội, pháp lý… thì mọi con người sinh ra đều bình đẳng nhau, tất cả mọi con người đều phải chịu hình phạt của pháp luật nếu như phạm pháp, và dẫu anh có chạy trốn được pháp luật thì một điều chắc chắn rằng anh không thể nào thoát khỏi lưới nhân quả. Dù anh ở giai cấp nào mà làm việc ác thì vẫn phải chịu quả báo: “Tất cả bốn giai cấp, Tôn giả Gotama, nếu sát sanh, lấy của không cho, có tà hạnh trong các dục, nói láo, nói hai lưỡi, nói ác khẩu, nói lời phù phiếm, có tham tâm, có sân tâm, có tà kiến, sau khi
thân hoại mạng chung đều sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục”.[28]
Nói như vậy không có nghĩa là hiện nay trên thế giới con người đã có thể hưởng được quyền bình đẳng của mình, lý thuyết đưa ra là một lẽ và thực hiện được hay không đó lại là lẽ khác. Chúng ta suy nghĩ sao về điều này và biện pháp khắc phục như thế nào? Vấn đề này sẽ được chúng ta
bàn vào một dịp khác vậy!
Điều cuối cùng chúng tôi muốn đề cập đến ngõ hầu mở ra một hướng mới để đạt được giai cấp cao. Giai cấp cao không phải là Bà-la-môn, Sát-đế-lị hay gì gì đó, mà chính là ở phẩm hạnh đạo đức bên trong của mỗi con người, vậy chúng ta muốn mình trở thành những đẳng cấp cao trong
nhân lọai, chúng ta hãy tự thăng hoa nhân cách của mình, sống một đời sống thánh hạnh, thanh cao, điều này chỉ có tự thân ta mang đến cho ta mà thôi: “Không cha mẹ, trời đất hay ai làm cho ta cao thượng hay thấp hèn, chỉ có hành động của ta làm cho ta cao thượng hay thấp hèn thôi; không phải ai khác làm cho ta ô nhiễm hay trong sạch, mà chỉ do ta
làm cho ta ô nhiễm hay trong sạch mà thôi”.[29]Chúng ta hãy tin tưởng rằng vì những lý do khách quan nào đó, xã hội không thể xóa đi một vài khía cạnh của sự bất bình đẳng, thì chúng ta cũng có khả năng tạo hạnh phúc cho mình và người: “Ý thức rằng con người có thể chế ngự và vượt qua được những đau khổ. Xác định rằng con người có thể chấm dứt được đau khổ bằng cách rèn luyện phẩm hạnh, thiền định tập trung, và sự sáng suốt. . .”[30]chúng ta hãy có cái nhìn mới về vũ trụ bao la này với tâm chân như vốn sẵn trong mình và trở về sự bình yên muôn thuở trong nội tâm sâu thẳm bằng cuộc sống tỉnh thức trong mỗi phút giây hiện tại: “Phương thức để cuộc sống chúng ta phong phú và hạnh phúc hơn là: xác định cách nhìn một cách toàn diện về thế giới, vũ trụ, nhất là khẳng định cuộc sống chúng ta trong vũ trụ bao la ấy, giống như những con sóng, bọt nước, sinh ra tồn tại và cuối cùng cũng mất đi trong đại dương mênh mông của vũ trụ. Do đó mỗi một giây phút còn hiện hữu trên cõi đời là vô cùng quí
giá và vô cùng hạnh phúc”.[31]
***
[1]. Kimura Taiken, HT. Thích Quảng Độ dịch, Nguyên Thủy Phật Giáo Tư Tưởng Luận. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2007, tr 231.
[2]. Từ điển Triết học, Nxb Tiến bộ Mát-xcơ-va (bản dịch ra tiếng Việt của Nxb Tiến bộ và Nxb Sự thật),1986.
[3]. Viên Trí, Ấn Độ Phật Giáo Sử Luận. Nxb Phương Đông, tr 28.
[4]. Sđd, tr 27.
[5]. Kinh Trung A Hàm, Kinh Phạm Chí A Nhiếp Hòa, HT. Thích Minh Châu dịch. VNCPHVN ấn hành, 1992, tr 447.
[6]. Kinh Trung A Hàm, Kinh Phạm Chí A Nhiếp Hòa, HT. Thích Minh Châu dịch. VNCPHVN ấn hành 151, tr 443.
[7]. Kinh Trung A Hàm III, kinh Bà La Bà Đường 154, tr 516.
[8]. Kinh Trung A Hàm, kinh Uất Sấu Ca La, HT. Thích Minh Châu dịch. VNCPHVN ấn hành, 1992, tr 420.
[9]. Kinh Trung A Hàm, Kinh Phạm Chí A Nhiếp Hòa, HT. Thích Minh Châu dịch. VNCPHVN ấn hành 151,tr 439.
[10]. Sđd, tr 445.
[11]. Sđd, tr 450.
[12]. Kinh Trung A Hàm, kinh Kinh Ngưu Giác Sa La Lâm (B) 185, tr.
[13]. Kinh Trung A Hàm III, kinh Bà La Bà Đường 154, tr 519.
[14]. Junjiro Takakusu, Tuệ Sỹ dịch, Tinh Hoa Triết Học Phật Giáo. Nxb Phương Đông, 2007, tr 34.
[15]. Kinh Trung A Hàm III, kinh Bà La Bà Đường 154, tr 515.
[16]. Ban hoằng pháp trung ương, Phật Học Cơ Bản, tập 4. NXB Tp. Hồ Chí Minh, 2001, tr 264-265.
[17]. Kinh Trung A Hàm III, kinh Bà La Bà Đường 154, tr 518.
[18]. Kinh Trung A Hàm, kinh Cù Đàm Di 116, tr 111.
[19]. Nhiều tác giả, Thích Tâm Quang dịch, Những Viên Ngọc Trí Tuệ Phật Giáo. Hà Nội: Nxb Tôn Giáo, 2002, tr 209.
[20]. Trung A hàm, tậpIII, kinh Oanh vũ, HT. Thích Minh Châu. VNCPHVN ấn hành, 1992, tr 747.
[21]. Sđd.
[22]. Sđd, tr. 748.
[23]. Tìm hiểu thêm trong bài kinh này: tín căn; ít bệnh, không bệnh, thành tựu sự điều hòa thực đạo…; không siểm mị, dối gạt…; thành tựu hạnh tinh tấn, đoạn trừ ác và bất thiện pháp, siêng tu các thiện pháp…; tu hành trí tuệ, quán pháp hưng suy và chứng
đắc trí tuệ…;
[24]. Kinh Trung A Hàm IV, kinh Nhất Thiết Trí, tr 654.
[25]. Thích Chơn Thiện, Phật Học Khái Luận. Nxb Tp. Hồ Chí Minh, 1999, tr 90.
[26]. Jean Francois Revel & Matthieu Ricard, Hồ Hữu Hưng dịch, Đối Thoại Giữa Triết Học và Phật Giáo. NXB Thành phố Hồ chí Minh, 2002, tr 216.
[27]. Kinh Trung Bộ, Hòa thượng Thích Minh Châu dịch. NXB Tôn Giáo, 2000, tr 685.
[28]. Kinh Trung Bộ, Hòa thượng Thích Minh Châu dịch. NXB Tôn Giáo, 2000, tr 687.
[29]. Thích Quang Nhuận, Phật Học Khái Luận, tập 2. Hà Nội: NXB Tôn Giáo, 2005, tr 148.
[30]. Dalai Lama, Thực Hành Như Thế Nào Để có Được Cuộc Đời Ý Nghĩa. NXB Tp. Hồ Chí Minh, 2007, tr 69.
[31]. Huy Thông- Nguyên Hạ, Gặp Gỡ Tư Tưởng Đức Phật và Eíntein. Tp. HCM: Nxb Văn Nghệ, 2005, tr 124-125.
(Tham luận hội thảo Phật Giáo Nguyên Thủy)
Discussion about this post