PHƯƠNG PHÁP HỌC PHẬT
TUỆ THIỆN
Phật Pháp thật là mênh mông như biển cả, như rừng già. Ngoài kinh điển chánh truyền rút ra từ Tam Tạng (Tạng Kinh, Tạng Luật, Tạng Luận) đúc kết những lời dạy của Đức Phật, lưu truyền từ hơn 2.500 năm nay, còn có những lời giảng, những diễn dịch của các nhà học Phật thuộc nhiều tông phái khác nhau từ xưa tới nay làm cho phật tử bối rối không biết làm sao phân biệt được cái nào đúng với lời Phật dạy, cái nào ngụy tạo?Chúng ta thử tìm một vài nguyên tắc xét đoán thật giả, đúng sai…
Đầu tiên hết chúng ta phải giới hạn phạm vi học Phật vào «cái nắm lá trong bàn tay của Đức Phật»; có nghĩa là chúng ta nên tìm hiểu những giáo lý căn bản của Đạo Phật, những giáo lý mà đức Phật đưa ra về con người, về thân phận con người, về tâm lý con người, những nguyên lý giúp con người vượt thoát khỏi sự đau khổ, giải thoát khỏi sanh tử luân hồi. Những giáo lý nầy gồm có:
1/- Tứ Diệu Đế và Bát Chánh Đạo: bốn chân lý về sự Khổ dành cho mọi chúng sanh và chỉ có con đường Bát Chánh mới đưa đến sự chấm dứt khổ.
2/- Thuyết nhân quả tương quan: hay Thập Nhị Nhân Duyên: không có cái gì hiện hữu mà không có Nhân Duyên hợp trợ và sinh thành. Nhân khi hội đủ Duyên sẽ sinh ra Quả.
3/- Thuyết Vô Ngã: không có cái Ngã nào chen vào làm chủ vật chất và tinh thần, Vô ngã là một chân lý phổ quát.
4/- Thuyết Vạn vật vô thường: vô thường là một chân lý phổ quát.
5/- Những Định luật của Tâm: Vật chất tuân theo những định luật của nó. Tâm thức cũng tuân theo những định luật của nó nhưng vật chất và tâm thức ảnh hưởng lên nhau.
6/- Thuyết Tái sinh và Luân hồi
7/- Thuyết Nghiệp báo: Mỗi cá nhân đều tùy thuộc nghiệp quả, hoàn cảnh và ý chí.
8/- Những Tà kiến: 20 tà kiến về ngũ uẩn và 62 luận cử tà kiến của ngoại đạo [1]
9/- Những câu hỏi mà Phật không muốn trả lời.
10/-Tứ Niệm Xứ: là phương pháp thanh lọc tâm một cách hiệu quả [2]
11/-Đạo Phật là con đường giải thoát: Niết Bàn là sự giải thoát khỏi khổ đau, luân hồi và nghiệp quả.
Với chừng ấy giáo lý chúng ta cũng đủ để hiểu Phật giáo một cách sâu xa và tu tập giải thoát một cách chắc chắn. Nếu muốn mỡ rộng thêm kiến thức Phật học thì ta tìm hiểu thêm những khía cạnh dưới đây.
Khía cạnh thứ hai là tìm hiểu tự thân Phật giáo hay lịch sử PG trong đó bao gồm :
– cuộc đời của Đức Phật và các vị Đại đệ tử của Phật
– lịch sử Phật giáo ở tại các nước như Việt Nam, Ấn Độ, Trung Hoa, Miến Diện…
– sự suy tàn của PG tại các quốc gia như Ấn Độ thuở xưa, Đại Hàn hiện nay ; tại sao nó suy tàn ở quốc gia này mà không suy tàn ở quốc gia khác ?
– sự xuất hiện và hình thành của PG Đại Thừa và sự khác biệt với PG Nguyên Thủy v.v…
Ngày nay các sử gia phật giáo có những nghiên cứu đúng phương pháp sử học về cuộc đời đức Phật. Chúng ta có thể dựa vào đó như một kim chỉ nam, một bản đồ. Những kinh sách nào nêu ra những sự kiện không phù hợp với thời đại của đức Phật, những nhân vật không có mặt trong thời đức Phật mà nói là đã tiếp xúc với đức Phật, chúng ta có thể coi là ngụy tạo. Tại sao phải cẩn thận như vậy: bởi vì như chúng ta đã biết Phật giáo đã bị bứng góc khỏi Ấn Độ, điều đó cho ta nghĩ rằng sau khi Phật nhập diệt, Bà La Môn giáo đã tìm cách tiêu diệt Phật giáo một cách thâm độc và có phương pháp. Và sau nầy khi truyền sang Trung hoa, kinh sách đã thất truyền. Người Tàu đã mang một mớ kinh sách ngụy tạo do các thầy Bà La Môn viết ra, dịch lại, rồi với bản tính giàu tưởng tượng người Tàu lại thêm thắt vào cho có vẻ đúng sự thật. Như câu chuyện « niêm hoa vi tiếu »[3] về ngài Ca Diếp và lịch sử Thiền tông từ ngài Ca Diếp cho tới ngài Bồ Đề Đạt Ma [4,5]
Khía cạnh thứ ba của việc học Phật là nghiên cứu để áp dụng PG vào cuộc sống hiện đại làm sao để giúp con người tìm thấy hạnh phúc trong cuộc sống đầy sự cám giỗ, đầy những mâu thuẫn, bức xúc, xung ứng (stress); làm sao để giúp con người tìm được sự hài hoà thân tâm của chính mình, sự hài hoà giữa mình và người khác trong gia đình, trong cộng đồng xã hội, hài hoà với thiên nhiên. Đây là sự thách đố của người trí thức phật tử khi chúng ta nhìn thấy Phật giáo suy tàn tại các quốc gia mà trong đó cuộc sống con người không hơn con thú; Người trí thức PG đã để cho những chủ nghĩa bạo tàn sắt máu phát triển trên vùng đất hiện diện của PG, đã để cho hàng triệu người bị tàn sát trên quê hương mình. Đây là sự thất bại của giới trí thức phật tử trong quá khứ tại các nước như Ấn Độ, Miến Điện, Campuchia, Viêt Nam, Trung Quốc… đã không biết áp dụng những nguyên lý PG vào việc tổ chức xã hội. Trái lại người trí thức Tây Phương đã áp dụng thành công các nguyên tắc Công Bình, Bác ái của Thiên Chúa Giáo vào đời sống xã hội khiến xã hội của họ phát triển và những giá trị nhân bản được quí trọng.
Ngược lại phải chăng sự tiến bộ của Nhật Bản và Đài Loan là sự thành công của các thiền sư Nhật Bản, của các người trí thức phật tử tại các nước ấy? Nên nhớ là Nhật Bản là một quốc gia có một đảng phái chính trị phật giáo khá mạnh. Đây là chỗ áp dụng của PG vào cuộc đời, đây là diệu dụng của thiền tông, của vai trò người cư sĩ, không nên áp đặt cuộc sống tự viện, kỹ luật nhà chùa lên người cư sĩ; họ đã đau khổ, bận rộn quá nhiều vì cuộc sống hiện đại. Phải suy tư tìm ra sự quân bình giữa 2 khuynh hướng tu tập là xuất thế và nhập thế. Giáo hội nước nào thành công trong việc thực hiện 2 cách tu này, giáo hội đó sẽ giúp ích rất nhiều cho quốc gia, xã hội để đẩy mạnh sự tiến bộ.
Phật giáo là đạo của Trí Tuệ và Từ Bi. Nếu chỉ có Từ Bi mà không có Trí Tuệ thì hành động của người con Phật như đem muối bỏ biển hay chở củi lên rừng.Nếu chỉ có Trí Tuệ mà không có Từ Bi thì con người sẽ trở nên cống cao, ngã mạn. Muốn rèn luyện Trí Tuệ, Phật giáo đưa ra 4 phương tiện sau đây: quan sát/ học hỏi, ghi nhớ/ suy luận/ nội quán.
Con người sống trong hai thế giới: thế giới bên ngoài và thế giới bên trong. Để nhận biết và giao tiếp với thế giới bên ngoài, con người nhờ có 5 giác quan; với thế giới bên trong con người cần phải nhờ đến giác quan thứ 6 là ý thức (conscience). Tất cả mọi sự hiểu biết đều bắt đầu bằng sự quan sát, không những chỉ bằng mắt mà bằng cả 6 giác quan: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý.
Nhờ quan sát các sự vật, hiện tượng ở trong hai thế giới con người ghi nhận, hay biết và có được một mức độ hiểu biết đầu tiên gọi là Thức Tri gồm có: nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức.
Sau sự quan sát, phương tiện thứ nhì là sự học hỏi và ghi nhớ. Nếu không ghi nhớ, chép giữ để truyền đạt, mọi kiến thức đều tan biến trả lại cho tiền nhân và mỗi thế hệ lại phải tự mình khám phá, trải nghiệm từ đầu để sinh tồn cũng như loài thú vật vì không có chữ viết nên lại phải bắt đầu trở lại theo bản năng. Sự hiểu biết ở mức độ nầy gọi là Tưởng Tri.
Với phương tiện thứ 3, con người dùng sự suy tư, lý luận để giải đáp những vấn nạn còn tồn đọng của các thế hệ trước, để phát minh sáng tạo làm phong phú cho kiến thức nhân loại và cải thiện đời sống con người. Sự hiểu biết ở mức độ nầy gọi là Tuệ Tri.
Ở mức độ thứ 4, Phật giáo cống hiến cho nhân loại một phương tiện nữa để rèn luyện trí tuệ là sự nội quán: quay cái nhìn vào bên trong chính mình để quan sát thân và tâm. Đến một mức độ chín muồi trí tuệ trực giác sẽ bừng sáng phát hiện ra sự thật và thiêu hủy mọi vô minh, ái dục và phiền não. Khi ánh sáng phát sinh, bóng tối sẽ bị đẩy lui. Sự hiểu biết ở mức độ nầy gọi là Thắng tri.
Ở mỗi mức độ chúng ta có một kết quả khác nhau. Với Thức Tri chúng ta cảm nhận được 6 cảm giác một cách rõ ràng, chính xác. Với Tưởng Tri chúng ta có những tri giác đúng, nghĩa là hiểu đúng các sự vật, hiện tượng, ý niệm theo qui ước của ngôn ngữ mà một cộng đồng nhân loại đã công nhận. Tri giác là sự diễn dịch các cảm giác thành ý nghĩa, tên gọi. Nhờ tri giác ta có thể định danh các sự vật, sự kiện. Thí dụ khi ta nghe tiếng chó sủa, ta sẽ không lầm lẫn là tiếng chim hót. Ở mức độ Tuệ Tri ta sẽ có những suy nghĩ đúng, những tư duy phản biện (esprit critique), biết đúng sai, phải trái. Ở tầng Thắng Tri, chúng ta trực giác được các sự thật, các định luật chi phối sự vật và thân tâm con người. Như cái biết của nhà bác học Newton khi nhìn quả táo rơi đã khám phá được định luật «hấp dẫn vũ trụ» hay cái biết «ưng vô sở trụ, nhi sinh kỳ tâm» của tổ Huệ Năng.
Vào thời Đức Phật phương tiện duy nhất để học Pháp là được nghe trực tiếp lời giảng của Đức Phật vì vậy được gọi là trí văn, vì văn có nghĩa là nghe. Ngày nay chúng ta có tất cả kinh điển, sách báo, băng audio, vidéo, phim ảnh, truyền thanh, truyền hình, internet, thậm chí có cả youtube… Chỉ cần một vài bấm tay là có cả một thư viện phật học trước mắt.
Trong tất cả những nguồn tài liệu trên, có cái đúng có cái sai; đừng vội tin, cũng đừng vội bỏ khi có điều trái ngược với quan kiến của mình. Như vậy phải biết chọn lựa căn cứ vào những nguồn tài liệu đứng đắn nhất. Phải căn cứ vào Chánh Tạng, phải biết suy nghĩ, đối chiếu với những nghiên cứu có tính cách khoa học. Nếu còn nghi vấn phải tìm gặp các nhà thiện trí khác để hội thoại với nhau.
Trong sự học hỏi, PG đưa ra bốn mức độ thâm nhập gọi là Tứ Vô Ngại Giải hay còn gọi Tứ Vô Ngại Trí (Patisambhidà*, trí tuệ phân tích)
A– TỪ VÔ NGẠI GIẢI (Nirutti –*-) là sự hiểu biết thông suốt không ngăn ngại về ngôn ngữ và có thể diễn đạt, giảng giải nó một cách dễ dàng. Mỗi sự vật, mỗi ý niệm được chỉ định bằng một danh từ. Mỗi danh từ mang một ý nghĩa, lắm khi một danh từ mang nhiều ý nghĩa khác nhau tùy theo ngữ cảnh. Do đó ngộ nhận thường xãy ra khi hai người sử dụng một danh từ nhưng không cùng hiểu một ý nghĩa. Cùng một chữ Bồ tát, người thì nói chưa thành đạo, kẻ thì hiểu Phật đã thành. Cho nên mỗi danh từ cần phải được định nghĩa một cách rõ ràng và được qui định bằng những đặc tính, tướng trạng. Phật giáo đưa ra 4 yếu tố để định nghĩa một danh từ :
–Thể: bản thể, bản chất của sự vật
–Tướng: hình tướng, biểu hiện, đặc tính về hình thể
–Dụng: phận sự, công dụng, dùng để làm gì?
–Nhân gần: nguyên nhân trực tiếp sinh ra sự vật
Thí dụ:*định nghĩa cái ly: là một dụng cụ, hình ống có đáy, dùng để đựng nước uống, làm bằng chai, nhựa, hoặc giấy…
*định nghĩa Tâm: là một thành phần cấu tạo nên con người, biểu hiện qua những trạng thái vui sướng, buồn đau, hay thản nhiên, có phận sự nhận biết, sanh khởi khi có cảnh.
Ngôn ngữ phật học Việt Nam sử dụng rất nhiều chữ Hán-Việt, đây là một cơ duyên nhưng đồng thời cũng là một trở ngại không nhỏ vì Phật giáo khi truyền sang Tàu đã gặp trở ngại rất lớn về dịch thuật từ tiếng Sanscrit hay Pàli sang tiếng Tàu. Chữ Hán là một ngôn ngữ đơn âm và tượng hình, rất đơn giản, thực tiễn, trong khi Phật ngữ thì đa âm, lại rất sâu sắc trừu tượng do đó Tàu không dịch nỗi kinh Phật: nhiều chữ phải giữ nguyên chỉ phiên âm thôi như Phật-đà phiên âm từ chữ Buddha, Tăng-già → từ chữ Sangha, Niết-bàn-na → từ chữ Nirvana, Thuần-nhã-đa → từ chữ Sunyata, về sau mới được dịch thành chữ tánh Không…
Hơn nữa khi PG truyền sang Trung Hoa ở Thế kỷ thứ I, nền triết học Trung Hoa rất thô sơ so với triết học Ấn Độ, chỉ có Khổng học và Lão Giáo, cho nên phải vay mượn những danh từ của Lão Giáo để phiên dịch kinh điển Phật học do đó phải sử dụng những phật-ngữ cách nghĩa (Ko-i buddhism) [6]Thí dụ phải mượn chữ Đạo để dịch chữ dharma, Chữ Vô-vi để dịch chữ Niết Bàn, có nghĩa là không sinh, không diệt, không có nhân duyên tạo tác, đó chính là yếu tính của Niết Bàn; trong khi chữ Vô-vi của Lão giáo có ý nghĩa là không ganh đua mà phải khiêm tốn, bỏ thân mình ra sau mà thành ra thân mình ở trước, bỏ thân mình ở ngoài mà thành ra thân mình còn mãi, ngoài ra còn có nghĩa là tiết chế lòng dục, không ham muốn, phải biết đủ là đủ.
Phật giáo bắt đầu được truyền bá sang Tàu từ thời Hậu Hán (25-219) dưới triều vua Hán Minh Đế. Năm 68 vua cho xây chùa Bạch Mã ở phía đông thành Lạc Dương (tỉnh Hà Nam hiện nay), đây là ngôi chùa Phật giáo đầu tiên ở Trung Hoa để cho 2 vị cao tăng Ấn Độ là Ca Diếp Ma Đằng (Kàsyapamàtanga) và Trúc Pháp Lan (Dharmaraksa) cư ngụ để truyền bá Phật pháp. Hai ngài đã giảng dạy kinh «Tứ thập nhị chương» là kinh dạy về luân lý, đạo đức cho người tu theo đạo Phật. Năm 148 có ngài An Thế Cao [7] cao tăng nước An-Tức (Parthe,Iran) đến Lạc Dương để dịch kinh sách Phật Giáo Nguyên Thủy, ngài được xem là một trong 4 dịch giả lớn kinh sách PG ra chữ Hán và là người đầu tiên đem Pháp Thiền của đức Phật vào Trung Quốc mấy thế kỷ trước Bồ Đề Đạt Ma. Ngài sống ở đây trên 20 năm và đã dịch được từ 35 bộ, 41 quyển. Lịch sử Phật Giáo Trung Quốc xem ngài là danh nhân đầu tiên thúc đẩy công việc dịch kinh điển có hệ thống. Những bản dịch chia làm 2 thể loại : những kinh chuyên về Thiền như An-ban-thủ-ý kinh, thiền Biến xứ (Kasina), thiền Sổ-tức, thiền Quán và thể loại kinh xếp theo hệ số như Tứ Đế, Ngủ Uẩn, Lục xứ, Bát Chánh Đạo…
Đến đời nhà Tấn (265-316) thì kể như Tam Tạng kinh điển Phật giáo Nguyên Thủy đã được dịch hết và một số kinh điển Bắc Tông cũng đã được dịch như : Bát Nhã, Pháp Hoa, Niết Bàn, Hoa Nghiêm… Dưới thời Đông Tấn có ngài Thích Đạo An, người Trung Hoa là đệ tử của ngài Phật Đồ Trừng (Buddhasimha, 232-348) đã chỉnh đốn việc dịch thuật và đưa ra 5 nguyên tắc về việc dịch thuật kinh điển Phật giáo ra chữ Hán (Ngũ thất bản). Ngài chủ trương không dùng thuật ngữ cách-nghĩa của Lão giáo để tránh sự lẫn lộn giữa 2 tôn giáo, mà dùng trực tiếp những thuật ngữ phật học. Ngài đã phiên dịch, chú thích và đề tựa cho các kinh, tổng cộng có 22 bộ. Vào thời Hậu Tần, vua Diên Hưng mời ngài Cưu-ma-la-thập đến Trường An năm 401 để dịch kinh Đại thừa từ tiếng Sanskrit. Ông vốn thông minh, biết nhiều tiếng ngoại quốc nên việc phiên dịch của ông khác xa với các dịch bản trước đây, văn thể tuy giản dị nhưng súc tích, rõ ràng. Ông dịch khoảng 35 đến 74 bộ kinh, ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự phát triển Phật giáo Đại thừa tại Trung Hoa.
Đến đời nhà Đường, Huyền Trang (600-664) [8]là một trong 4 nhà đại phiên dịch kinh điển PG ra chữ Hán. Sư cũng là người sáng lập Pháp Tướng tông, một dạng Duy Thức tông của Trung Hoa. Nghiên cứu kinh điển dịch thuật chữ Hán ngài thấy có nhiều điểm mâu thuẫn nên ngài du hành Ấn Độ trong 16 năm, lưu học tại Đại học Nalanda và được thu nhận làm đệ tử của ngài Giới Hiền (Sìlàbhadra) để học về Duy Thức. Năm 645 sư trở về Trường An, mang theo 657 bộ kinh bằng tiếng Phạn và bắt đầu sự nghiệp phiên dịch kinh điển với các đệ tử. Ngài dịch được 70 bộ kinh, 1347 quyển. Sự phiên dịch của ngài dựa theo sự hiểu biết trực tiếp từ ngôn ngữ Phật học cho nên những kinh điển do ngài dịch sau nầy được gọi là Tân Dịch, còn những kinh điển được dịch trước thời của ngài gọi là Cựu Dịch. Về trước tác ngài soạn bộ luận Thành Duy Thức trong đó sư tổng kết quan niệm của mười đại luận sư của Duy thức tông. Đó là bộ luận bao gồm đầy đủ giáo lý của học phái này đồng thời sư cũng viết cuốn Đại Đưòng Tây vực ký ghi lại cuộc hành trình qua Ấn Độ và sự thăm viếng các Phật tích tại Ân Độ.
Sau Tam Tạng Pháp Sư Huyền Trang, lịch sử nước Tàu không còn những công trình dịch thuật kinh điển lớn nữa: Kinh điển Nam truyền và Bắc truyền gần như đã được dịch đầy đủ. Theo giáo sư Peter Hu tại đại học đường Jiangsu, Phật giáo đã làm phong phú hóa 35.000 tiếng mới cho vốn Hán ngữ xưa.
Về phần nước Việt Nam, chúng ta được biết từ 1965 tới nay Tam tạng Kinh điển Nam Tông đã được dịch đầy đủ ra tiếng Việt; điều nầy là nhờ công đức vô lượng của chư vị hòa thượng, thượng tọa, đại đức, tăng ni và các cư sĩ sau đây:
-Hoà thượng Thích Minh Châu, nguyên viện trưởng viện Đại Học Vạn Hạnh (trước 1975), do nhu cầu giảng dạy tăng ni và phật tử đã dịch toàn bộ Tạng Kinh (Nikaya) với sự tiếp nối sau nầy của nữ cư sĩ Phương Lan.
Xin nhắc lại tóm tắt tiểu sử ngài Thích Minh Châu (1918-2012): HT tên là Đinh văn Nam sinh tại Quảng Nam, là con cụ Đinh văn Chấp và bà Lê thị Đạt, trong một gia đình vọng tộc Nho gia, cha đỗ tiến sĩ khoa Quí Sửu 1913, nên việc giáo dục của ngài được trông nom từ bé. Ngài là một trong những người sáng lập Đoàn Thanh niên Phật học Đức dục và Gia đình Phật hóa phổ là tiền thân của Gia đình Phật Tử VN sau nầy. Năm 1946 ngài xuất gia với Đại lão HT Thích Tịnh Khiết, nguyên đệ nhứt Tăng thống GHPGVNTN, tại tổ đình Tường Vân, thành phố Huế. Trong quá trình nghiên cứu kinh điển Hán Tạng, ngài thấy cách phiên âm các từ ngữ Pàli, Sanscrit ra chữ Hán có nhiều khác biệt nên rất khó hiểu, nên ước nguyện của ngài là được du học tại Sri Lanka và Ấn Độ để học kinh phật trực tiếp từ chữ Pàli. Năm 1952 ngài du học tại Sri Lanka học Pàli và Anh văn và được trao bằng Pháp sư (Saddammcariya) năm 1955. Sau đó ngài sang Ấn Độ theo học tại Đại Học nổi tiếng Nalanda và năm 1961 ngài đỗ tiến sĩ Phật học, Văn học Pàli Ấn Độ với luận án «So sánh Trung bộ Kinh Pàli với Trung A hàm chữ Hán », ngài là người Việt Nam đầu tiên đỗ tiến sĩ Phật học tại Nalanda 13 thế kỷ sau ngài Huyền Trang và được đích thân Tổng thống Ấn Độ trao văn bằng và không ngớt khen ngợi về luận án nầy. Ngài Minh Châu rất thông thạo Hán ngữ, sau khi so sánh kinh điển Phật giáo qua tiếng Pàli và chữ Hán ngài phải thốt lên rằng kinh điển chữ Hán «gắn vào miệng Phật những điều ngài không bao giờ thốt ra» cho nên năm 1954 khi tham dự Đại hội Kết tập Tam Tạng tại Miến Điện ngài đã xuất gia trở lại theo truyền thống Nam Tông và giữ nguyên bộ y do Phật chế cho đến khi qua đời. Ngoài bộ Tạng Kinh, ngài còn viết 5 quyển sách bằng Anh ngữ và 21 quyển bằng chữ Việt.
-Hoà thượng Tịnh Sự đã dịch toàn bộ Tạng Luận (Abhidhamma)[9]
Sơ lược tiểu sử HT Tịnh Sự (1913-1984): thế danh Võ văn Đang, sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống nho học, cha ngài là cụ Võ văn Tỏ, mẹ là bà Trần thị Thông, quê tại huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp. Năm 7 tuổi đã học chữ Nho, rất thông minh được người đương thời gọi là «thần đồng Lê Quí Đôn». Năm 12 tuổi ngài xuất gia sa-di tại chùa Bửu Hưng ở Sa Đéc, pháp danh là Thích Huệ Lực. Thọ giới tỳ kheo Bắc tông năm 20 tuổi và 10 năm sau trụ trì chùa Viên Giác ở Vỉnh Long. Năm 35 tuổi ngài được du học tại Campuchia và duyên lành đối với PG Nam Tông, ngài đã xuất gia trở lại theo Nam Tông tại chùa Treyloko ở Trà Pét. Sau ngài du học Thái Lan ở chùa Paknam tại Bangkok. Ngài thực hành hạnh đầu-đà, tu thiền Minh Sát và học Vi Diệu Pháp (Abhidhamma) trong 7 năm. Trở về VN, ngài trụ trì chùa Viên Giác và bắt đầu mở mang truyền bá giáo pháp Nguyên Thủy, nhất là Vi Diệu Pháp. Ngài mở trường đào tạo Tăng Ni cư sĩ, dịch các bộ sách giáo khoa Vi Diệu Pháp và bộ Tạng Luận là bộ kinh khó nhất trong ba Tạng. Ngài đã từng làm thầy tế độ truyền giới xuất gia cho hàng trăm Sa-di và Tỳ kheo. Ngoài ra ngài còn xây dựng nhiều cơ sở tự viện: Viên Giác, Siêu Lý, Long Linh, Giác Phước, Pháp Độ, Thiền Quang 1, Thiền Quang 2. (xin xem tiểu sử Danh tăng Việt Nam thế kỷ XX, Thích Đồng Bổn, THPG Thành Phố Hồ Chí Minh)
-Tỳ Khưu Chánh thân Indacanda đã dịch toàn bộ Tạng Luật (Vinaya).
Sơ lược tiểu sử tỳ khưu Chánh Thân Indacanda (23/07/1958):thế danh của sư là Trương đình Dũng, bút hiệu Nguyệt Thiên, là con ông Trương đình Cầu và bà Trương thị Tuyết Nga, xuất gia ngày 07/11/1984 và thọ giới tỳ khưu hai năm sau với Đại lão Hòa thượng Nhiêu Nheng (Brahmasuvanna), tại chùa Candaransyàràma (chăntarănsây) ở Quận Ba, Saigon. Định cư tại Mỹ và năm 2001, tốt nghiệp Cử nhân Văn chương tại Đại học Washington, Hoa Kỳ. Du học Tích Lan năm 2002 và hai năm sau đậu Cao học Pali và Phật học tại Đại học Kelaniya và năm 2008 tốt nghiệp Tiến sĩ Pali và Phật học cũng ở tại đây.
Nguyện ước của sư là phiên dịch kinh điển Chánh tạng trực tiếp từ chữ Pàli sang Việt ngữ. Ngoài Tạng Luật, sư còn dịch nhiều kinh sách: 22 dịch phẩm thuộc Tạng Kinh Pali, 3 dịch phẩm từ chữ Sanskrit và nhiều dịch phẩm khác về lịch sử và ngôn ngữ…(xin xem toàn bộ các dịch phẩm trên thuvienhoasen.org)
Nước Việt Nam may mắn có được 3 vị Đại dịch giả đáng tạc dạ ghi ơn, đã dịch trực tiếp kinh điển từ ngôn ngữ Pali của chính Đức Phật, giúp cho dân ta tránh được sự lầm lẫn do những dịch phẩm từ chữ Hán đầy những cạm bẩy đáng nghi ngờ. Đây là nổ lực vĩ đại của dân ta để thoát Trung trong Văn hóa Tư tưởng và Ngôn ngữ.
Ngoài ra chư vị cũng đã phiên dịch những kinh sách căn bản cổ điển:
-HT. Thích Minh Châu dịch sách Abhidhamma Sangaha ra thành 2 tập Thắng Pháp Tập Yếu Luận I,II
-Cư sĩ Phạm Kim khánh cũng dịch sách trên từ bản tiếng Anh của Đại lão HT
Narada Mahà Thera ra thành Vi Diệu Pháp Toát yếu.
-Ni sư Thích Nữ Trí Hải dịch quyển Thanh Tịnh Đạo (Visuddhi Magga của ngài Buddhaghosa)
-HT. Giới Nghiêm, nguyên Tăng thống Giáo hội Tăng già Nguyên Thủy VN đã dịch sách Ni Tiên Vấn Đáp, là quyển sách cổ điển ghi lại cuộc đối thoại giữa vị A-la-hán Nàgasena và vua Milinda vào khoảng 500 năm sau khi Phật nhập diệt.
-Cư sĩ Nguyễn văn Ngân dịch quyển Đạo Vô Ngại Giải (Patisambhidàmagga) thuộc Tiểu Bộ kinh
-Cư sĩ Tâm An Trần quỳnh Hương chú giải Bộ Chất Ngữ (Dhàtukathà) thuộc Tạng Luận…
Trong tương lai chư vị có khuynh hướng dịch các chú giải của Tam Tạng và các kinh sách thuộc Pháp Hành của các thiền sư Miến Điện, Tích Lan và Thái Lan…
Phật giáo truyền vào nước ta trước cả nước Tàu hàng trăm năm [10], vậy tại sao cho tới ngày nay chúng ta chưa có bộ Tam Tạng Bắc Tông chữ VN?
-Có phải chăng vì sự ngăn cách của 2 bức tường ngôn ngữ: từ chữ Sanscrit (hay Pali) sang tiếng Hán rồi từ chữ Hán sang tiếng Việt?
-Có thể vì cái khoảng trống văn hóa trong vòng 20 năm (1407-1428) dưới thời Bắc thuộc nhà Minh, với chánh sách tàn phá khốc liệt văn hóa VN như họ đang áp dụng với dân tộc Tây Tạng và Duy Ngô Nhĩ. Sắc lệnh của Minh Thành Tổ ngày 21-08-1406, gởi cho các tướng Tàu sang xâm chiếm nước ta có đoạn «…một khi binh lính vào nước Nam, thì hết thảy mọi sách vở văn tự, cho đến các loại ca lí dân gian, các sách dạy trẻ nhỏ…một mảnh một chữ phải đốt hết; khắp nước các bia do An Nam dựng thì phải phá hủy tất cả, một chữ chớ để sót» Sự hủy diệt văn hóa VN hiệu quả đến nổi chỉ còn 1/10 các tác phẩm Việt gồm nhiều chú giải Kinh Tạng, tìm lại được sau khi VN giành lại độc lập. PG VN bị suy thoái trầm trọng. Bình Định Vương Lê Lợi lên ngôi năm 1428, nhà Lê tuyên bố lấy Nho giáo làm quốc giáo, kỳ thi Tam giáo thiết lập dưới thời Lý Trần bị bãi bỏ, nước ta lại rơi vào vòng nô lệ văn hóa Tàu.
Một số kinh điển PG đã được phiên dịch dưới thời Lý Trần hoặc đã bị đốt sạch hoặc đã được tải về Tàu và đang nằm trong các thư viện Tàu. Bằng chứng gần đây có một bức tranh Trúc Lâm Đại Sĩ xuất sơn đồ(bảo tàng Liêu Ninh, Thành phố Thẩm Dương), được phục chế, vẽ vua Trần Nhân Tôn xuống núi và đem bán đấu giá được 1,8 triệu đô-la. (vi.wikipedia.org/wiki/Trúc-Lâm-đại-sĩ-xuất-sơn-đồ).
Bốn công trình kiến trúc vĩ đại của nước ta bị phá tiêu: tượng Phật chùa Quỳnh Lâm, Tháp Báo Thiên, chuông Qui Điền, vạc Phổ Minh [11,12]
-Có phải chăng vì vua quan và các nhà Phật học VN ỷ lại và quá phụ thuộc nước Tàu, đã bao nhiêu lần vua nước ta phải sai sứ sang Tàu xin thỉnh Đại tạng kinh chữ Hán và khi vua Tàu gởi biếu kinh điển thì hời hợt tiếp nhận không kiểm tra xem có đúng là kinh điển do Phật thuyết hay chỉ là những kinh ngụy tạo do các tổ sư Tàu viết ra. Mỗi người VN phải sáng suốt chọn lọc những gì đến từ phương Bắc, nếu không ta chỉ nhận được toàn đồ giả. Người trí thức VN phải có tâm niệm thoát Trung trong tư tưởng, lời nói và hành động thì nước VN mới mong thoát vòng ảnh hưởng của Tàu cũng như quốc gia Do Thái nhỏ bé, nhưng oai hùng đứng giữa khối Ả Rập to lớn mà can cường không sợ bị nuốt trửng.
Các nhà Phật học ngày nay đã vượt qua được ngôn ngữ hán-tự nhờ kiến thức ngôn ngữ Pàli, Sanscrit và Anh, Pháp, Đức ngữ (kinh sách hầu hết đã được phiên dịch ra Anh ngữ), họ tham cứu trực tiếp từ Pàli hay anh ngữ, họ có thể chuyển đổi dễ dàng thành những từ ngữ thông dụng đương đại. Thí dụ Ngũ uẩn= 5 thành phần cấu tạo con người:
*Sắc = thân thể, vật chất
*Thọ = cảm giác
*Tưởng = tri giác
*Hành = hành động, tác ý
*Thức = tâm,ý
Muốn hiểu chúng, nhiều khi ta phải đối chiếu với những từ ngữ Pàli, Anh, Pháp.
Đôi khi ta phải đi tìm thành phần cấu tạo, những chi pháp của chúng, xem chúng có mấy thành phần.
Đôi khi phải tìm những từ đồng nghĩa hoặc tương đương. Thí dụ : nhãn=mắt=nhãn vật=nhãn xứ=nhãn giới, tùy theo ngữ cảnh mà chúng được sử dụng khác nhau.
Đôi khi phải dùng kiến thức khoa học hiện đại để hiểu rõ chúng. Chẳng hạn chữ Tưởng= Tri giác= perception, theo khoa học về nhận thức được hiểu là sự diễn dịch một cảm giác thành ý nghĩa, tên gọi.
Công việc cần phải nhờ đến các Từ điển như:
-Từ điển đối chiếu Phật ngữ Phạn-Pali-Việt-Pháp-Anh/ Phạm Hữu Dung
-Phật học từ điển/ Đoàn Trung Còn/ nxb Phật học Tòng thơ 1968
-Từ điển Phật học/ Chân Nguyên và Nguyễn Tường Bách/ nxb Thuận Hóa
-Vocabulaire Pàli-Français des Termes Bouddhiques/ Nyanatiloka/ Éditions Adyar
-Dictionnaire Pàli-Français du Bouddhisme originel/ Michel Henri DUFOUR/éd des 3 Monts
-Dictionnaire encyclopédique du Bouddhisme/ Philippe CORNU/ Seuil…
Ngoài ra còn nhiều Từ điển khác (xin xem giới thiệu trên thuvienhoasen.org)
B-NGHĨA VÔ NGẠI GIẢI (attha-*-):
Nghĩa ở đây không phải là định nghĩa các danh từ nữa mà là ý nghĩa các pháp sau khi đã phân tích chúng. Từ-vô-ngại-giải giúp ta phân biệt pháp này với pháp khác còn Nghĩa-vô-ngại-giải giúp ta hiểu rõ thành phần phức hợp của chúng; vì trong PG một danh từ, một ý niệm bao gồm nhiều yếu tố bổ túc nhau. Ví dụ: Tứ Diệu Đế bao gồm Khổ, Tập, Diệt, Đạo/ Niệm Xứ gồm có Thân, Thọ, Tâm, Pháp/ Tinh tấn gồm có ngăn ngừa, diệt trừ, thực hành, duy trì.
Phải hiểu hết các thành tố mới hiểu rõ được ý niệm tập hợp. Trong PG không có một ý niệm nào mà không được giải thích một cách rõ ràng: chẳng hạn nói về Giới Sát Sanh là một trong 5 giới, được biết dịch từ chữ Pàli Pànàtipàtà. Pànà nghĩa là chúng sanh, loài có thức tánh, có mạng căn; Atipàtà nghĩa là sát hại; Sát Sanh là giết hại, tiêu diệt sự sống của một sinh vật có thức tánh. Đó là phần định nghĩa thuộc Từ-vô-ngại-giải, Nghĩa-vô-ngại-giải phân tích giới sát sanh ra làm 5 chi:
1/- Chúng sanh có thức tánh (Pàno), ăn một con vật đã chết không bị phạm giới.
2/- Biết chúng sanh có thức tánh (Pànasannito), người giết biết rõ con vật ấy có tâm thức.
3/- Cố ý giết (vadhakacittam), có ý định, chủ tâm giết; nếu vô tình,vô ý thì không phạm giới.
4/- Ra sức giết (upakkamo), là thực hiện ý muốn giết bằng hành động
5/- Có một sinh vật đã bị chết (Toramaranam) do hành động cố ý giết hại ấy.
Nếu hội đủ 5 điều kiện kể trên thì giới sát sanh đã bị phạm.
Người tu là người cố gắng ngăn chận một tà tâm hay ác ý khi nó vừa chớm nở trong ý tưởng, không để cho nó đủ thời gian để phát tác thành hành động. Thanh lọc tâm vẫn là một công trình quan trọng hàng đầu của một phật tử.
C- PHÁP VÔ NGẠI GIẢI (Dhamma -*-):
Chữ Dhamma có nhiều ý nghĩa, trước hết là những điều giảng dạy của đức Phật, khi đó Pháp được viết bằng chữ P hoa/ Sau đó pháp là tất cả những gì là đối tượng của tâm (điều nầy được hiểu trong thiền)/ một sự vật, sự kiện, ý niệm/ một hiện tượng vật lý hay tinh thần/ một nguyên tắc, phương pháp, định luật. Pháp-vô-ngại-giải chính là sự phân loại các pháp.
Phân loại là công việc thường xuyên của các triết gia và khoa học gia, PG đã đi trước khoa học hơn 2000 năm, nhất là trong phạm vi tâm lý học.
Phật giáo phân loại các pháp làm 2: Tục đế và Chân đế.
*Tục đế (réalité conventionnelle) là những thực tại thông thường của thế gian được nhận biết qua 6 giác quan: mắt tai mũi lưỡi thân ý; chúng được gọi tên tùy theo sự mô tả hình tướng hay theo ý nghĩa của sự vật do một cộng đồng nhân loại có cùng một ngôn ngữ đặt ra.
*Chân đế (réalité ultime) là những yếu tố vật chất (sắc) hay tâm lý (danh) gọi chung là chân đế hữu vi để phân biệt với Niết Bàn là chân đế vô vi,chỉ có một thôi. Gọi là chân đế vì chúng không thể phân chia, vì khi phân tách chúng không còn là chính nó, như một nguyên tố oxy, hydro, nitro…Chân đế hữu vi gồm có: 121 tâm, 52 tâm sở và 28 sắc pháp.Đó là sự phân tích về cấu tạo của con người.
Tạng Kinh phân loại các pháp theo Tục đế và theo 11 phạm trù: quá khứ, hiện tại, vị lai/ bên trong, bên ngoài/ thô, tế/ liệt, thắng/ xa, gần.
Ví dụ: phân loại Thức:
– Thức quá khứ, hiện tại, vị lai :
* Thức quá khứ : thức của một kiếp sống trước hoặc của một thời đã qua.
* Thức hiện tại : thức của kiếp sống nầy hoặc của thời hiện tại.
* Thức vị lai : thức của kiếp sống sau hoặc của một thời sắp tới.
– Thức Nội và Ngoại :
* Thức Nội khi không có cảnh bên ngoài (tâm chủ quan như tâm Hộ Kiếp, Alaida thức).
* Thức Ngoại : thức khi có cảnh bên ngoài (tâm khách quan : như nhãn thức, nhĩ thức, tỉ thức, thiệt thức, thân thức)
– Thức Thô và Tế :
* Thức Thô là tâm không có thiền hoặc tâm Dục giới.
* Thức Tế : là tâm có thiền,hoặc tâm Sắc giới và tâm Vô Sắc giới.
– Thức Liệt và Thắng :
* Thức Liệt : là tâm bất thiện
*Thức Thắng : là tâm thiện Dục giới và các tâm Siêu thế
-Thức Xa và Gần : là tùy theo đối với thời gian hiện tại hoặc không gian ở đây
Tạng Luận phân loại Tâm sâu sắc hơn và cũng có 11 phạm trù:
1.Theo cảnh giới có 4: Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới, Siêu thế
2.Theo nhân có 6: tham, sân, si, vô tham, vô sân, vô si
3. Theo tánh có 3: thiện, bất thiện, vô ký
4. Theo giống có 4: thiện, bất thiện, quả, duy tác
5. Theo nhiệm vụ có 14: Tái sanh, Hộ kiếp (Hữu phần), Tử, Hướng tâm, Thấy, Nghe, Ngửi, Nếm, Đụng, Tiếp thâu, Quan sát, Phân Đoán, Đổng tốc, Thập di.
6. Theo chủ quan như tâm hộ kiếp, khách quan như nhãn thức, nhĩ thức, tỉ thức…ý thức.
7. Theo thiền có 2: có thiền, không thiền
8. Theo môn có 6 môn: nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý môn/ tùy theo nhiệm vụ tâm có thể nương theo 1 môn, 5 môn, 6 môn, hoặc vô môn
9. Theo đối tượng có 6: sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp.
10.Theo căn có 6 căn: nhãn căn, nhĩ căn, tỷ căn, thiệt căn, thân căn, ý căn.
11.Theo thọ có 5: thọ khổ, thọ lạc, thọ ưu, thọ hỷ, thọ xả.
Cùng là tâm thức nhưng được phân loại theo 2 hệ thống khác nhau.Như vậy một sự vật, một ý niệm có thể nằm trong nhiều hệ thống phân loại khác nhau.
D- BIỆN VÔ NGẠI GIẢI (Patibhàna-*-): là khả năng hiểu biết về những nguyên nhân và hậu quả của các pháp hay sự tương quan nhân quả giữa 2 pháp. Một nhà hùng biện dù có biện tài đến đâu mà không hiểu rõ nguyên nhân và hậu quả của sự kiện thì những lý luận của ông chỉ là ngụy biện. Trong thế giới khoa học hiện đại, sự thiết lập tương quan nhân quả giữa hai sự kiện vẫn là một vấn đề khó khăn: B xuất hiện sau A, nhưng chưa chắc B đã là hậu quả và A là nguyên nhân. Rất ít khi người ta khám phá được mối tương quan trực tiếp giữa A và B bởi vì xung quanh chúng còn có những yếu tố phụ trợ hay ngăn trở. Khi biết rõ những yếu tố nầy, người ta mới qui định được tương quan nhân quả giữa 2 sự kiện.
Con người sở dĩ vẫn bị trầm luân khổ ải chỉ vì không biết rõ hậu quả hành động mình đã làm. Nếu chúng ta biết được vì sao ngày hôm nay chúng ta phải bị cảnh sự nghiệp tiêu tan, gia đình ly tán, vì sao có người bị đau đớn rên siết trên giường bịnh, có trẻ em sinh ra đã bị khiếm thị hay cụt tay thì có lẽ trước kia chúng ta đã tránh được nhiều hành động không nên làm. Nếu trong một tiền kiếp đại đức Mục Kiền Liên biết được rằng trong kiếp chót, mặc dầu đã đắc quả A-La-Hán, ông phải bị chết vì đâm chém một cách thê thảm, có lẽ lúc đó ông đã không đẩy cha mẹ vào rừng để bỏ đói.
Phật giáo đã đưa ra hai nguyên lý Duyên Sinh và Duyên Hệ để giúp ta thấu hiểu tương quan nhân quả giữa 2 sự kiện
1- Duyên Sinh hay thuyết “Thập Nhị Nhân Duyên” nói về 12 yếu tố chủ yếu liên quan Nhân, Quả với nhau để hoàn thành diễn trình sinh tử, tử sinh của chúng sanh trong vòng luân hồi. Nguyên lý nầy có thể được phát biểu như sau :
“Khi cái nầy có, cái kia có
Khi cái nầy không có, cái kia không có”
Thập Nhị Nhân Duyên là 12 khoen xích trói chặt con người trong vòng sanh tử luân hồi : Vô Minh => Hành => Thức => DanhSắc => Lục Nhập => Xúc => Thọ =>Ái => Thủ => Hữu => Sanh => Lão Tử ( => Vô Minh…).
2- Duyên Hệ [12] là nguyên lý đề cập một cách rốt ráo chi tiết giữa hai yếu tố có thể là vật chất hay tinh thần, khái niệm hay chân đế (réalité); đồng thời còn cho biết đặc tính của sự liên hệ giữa hai yếu tố : không gian, thời gian, tương sinh, tương khắc, hổ tương, sức mạnh, tương đồng, tương phản, có mặt, vắng mặt, lập lại, nhân quả…
Có tất cả 24 điều kiện, có thể được phát biểu một cách tổng quát như sau :
“Khi cái nầy có, cái kia không có
Khi cái nầy không có, cái kia có
Cái sinh sau trợ duyên cho cái sinh trước (hoặc ngược lại)
Cái yếu trợ duyên cho cái mạnh (hoặc ngược lại)
Nguyên lý Duyên Sinh và Duyên Hệ đưa ra những điều kiện chánh yếu và phụ thuộc để đưa tới một kết quả (những điều kiện cần và đủ). Cũng như khi nấu cơm, chúng ta phải kể hết những yếu tố : gạo, nước, nồi, lửa… Nếu người nông dân không sản xuất gạo thì tất cả những yếu tố khác đều vô ích. Nguyên lý Duyên Sinh cốt cho thấy cái yếu tố căn bản ở đây là gạo. Con nguyên lý Duyên Hệ bổ túc các yếu tố phụ còn lại.
Nói tóm lại Tứ vô ngại giải là sự hiểu biết bách khoa (encyclopédique) về các pháp.
Với tất cả những hiểu biết trên, chúng ta có được trí tư, tức là trí tuệ phân tích, biện chứng giúp ta phân biệt được thật giả, thiện ác, đẹp xấu, chánh tà, bản chất, hiện tượng…
Nhưng học phật không phải chỉ nhằm đạt đến mục đích hiểu biết suông. Cho đến một mức độ nào đó ngôn ngữ không diễn tả được hết thực tại. Đôi khi nó còn là một trở ngại ngăn che sự thật. Cũng như chúng ta không thể thấu hiểu được thế nào là trạng thái AN LẠC mà người phật tử thường hay chúc nhau «thân tâm an lạc», nếu chúng ta chưa đắc được sơ thiền, An Lạc đối với chúng ta chỉ là một danh từ tục đế. Lúc nầy là lúc phải xử dụng đến trí tu, là trí tuệ trực giác có được do sự luyện tập THIỀN. Đức Phật giải thoát khỏi sinh lão bệnh tử nhờ thiền định, các chư tổ diệt tận được phiền não cũng nhờ thiền định.
Thiền là dùng ba khả năng của tâm là TINH TẤN, CHÁNH NIỆM, GIÁC TỈNH để quan sát thân và tâm (hay danh và sắc). Sự quan sát phải thật bén nhạy, tinh khiết,
khách quan đến độ biên giới giữa người quan sát và vật quan sát không còn, cũng giống như sự quan sát của nhà khoa học, trước kính hiển vi hay kính viễn vọng. Từ từ sự quan sát làm hiển lộ những định luật vô thường, khổ não và vô ngã, những định luật đã trói buộc con người vào vòng sanh tử luân hồi. Kết quả của Thiền là sự mỡ mang trí tuệ để khám phá những định luật chi phối thân và tâm để nhìn thấy bản chất thật sự của vạn hữu. Điều mà người ta gọi là chứng ngộ, giải thoát. Phật giáo là khoa học thực nghiệm về tâm linh.
Ba tiến trình Trí văn, Trí tư và Trí tu đều được xử dụng bởi các nhà khoa học hiện đại vì mọi khoa học đều phải bắt đầu bằng sự quan sát, sau đó các nhà khoa học đi đến sự suy nghĩ, nhận xét để mô tả và phân loại các hiện tượng. Họ phải xem lại tất cả những công trình nghiên cứu của các nhà khoa học khác về vấn đề đang nghiên cứu(trí văn) để đưa ra một giả thuyết của riêng họ và sau cùng là đưa giả thuyết đó vào phòng thí nghiệm để kiểm chứng. Sau nhiều lần kiểm chứng mà kết quả đạt được vẫn không thay đổi thì kể như giả thuyết trên được chứng nghiệm. Cũng như một hành giả chứng nghiệm được nhiều lần một trạng thái tâm mà mình đã biết qua, trong kinh sách.
Tuy nhiên sự khác biệt với PG là đối tượng nghiên cứu của khoa học là vật chất như những tinh tú thiên hà vĩ đại hay những tế bào, nguyên tử và những thành phần vi tiểu của nguyên tử. Chỉ có ngành Tâm lý Học hoặc Khoa học Tâm Não (neuroscience) là có ít nhiều điểm chung với đối tượng của PG. Vả lại mục đích của khoa học là kiến thức, hiểu biết, là phát minh phát kiến để ứng dụng vào đời sống hầu kiếm lợi nhuận; trong khi mục đích sự tu học của phật giáo là sự giải thoát khỏi khổ đau và sanh tử luân hồi.
Như vậy kết quả của sự tu học phải nhằm đi đến TRÍ TUỆ và trí tuệ trong PG phải là trí tuệ có khả năng đoạn trừ đau khổ, khả năng đâm thủng được vô minh để cuối cùng đưa đến giải thoát.
Để kết luận trong Phật giáo muốn tu cho đúng phải dùng Pháp học để hổ trợ cho Pháp Hành. Dùng Pháp Hành để kiểm chứng pháp học. Dùng Pháp Thành để chứng nghiệm cả Pháp Học và Pháp Hành. Trí tuệ trong pháp học là sự hiểu biết đúng phương cách để đạt tới mục đích : trong đời sống bình thường mục đích phải chăng là hạnh phúc, là tâm an, thân lạc là điều mà tất cả mọi người đều mong muốn; trong Đạo Phật mục đích là giải thoát Tâm khỏi những ràng buộc chấp thủ, những phiền nảo khổ đau, những quan kiến sai lầm.Trí tuệ trong pháp hành là sự ứng xử của tâm trước thực tại hiện tiền để không bị rơi vào tham ái, sân hận hay vô minh; và sau cùng trong pháp thành: Trí Tuệ là sự bừng sáng của Tuệ giác trước sự thật của vạn hữu.Như vậy Phương pháp học Phật bao gồm cả Trí Văn, Trí Tư và Trí Tu cũng như một cách hoàn hảo rốt ráo phải trải qua 3 giai đoạn học hỏi, thực hành và thành tựu vậy.
TUỆ THIỆN
Hè 2020
CHÚ THÍCH và THƯ TỊCH
[1] – Xem Kinh Phạm Võng, Kinh Trường bộ 1
[2] – Xem Kinh Niệm xứ, Kinh Trung bộ 10
[3] – Thực hư về câu chuyện Niêm Hoa Vi Tiếu, thuvienhoesen.org
[4] – Tiểu luận về Bồ-Đề Đạt-Ma/ Phạm Công Thiện/ nxb Tân-Ý-Thức
[5] – Initiations Lamaïques/ A.David Néel/ Edition Pygmalion
[6] – Việc phiên dịch Kinh điển PG ra chữ Hán/ Nguyễn Vĩnh Thượng/ nguồn@
[7] – Tiểu sử chư vị Cao Tăng/ Tàn Mộng Tử biên soạn/ nguồn@
[8] – Từ điển Phật học/ Chân Nguyên&Nguyễn tường Bách/ nxb Thuận Hóa
[9] – Tiểu sử Danh Tăng VN thế kỷ XX/ Thích Đồng Bổn/nxb THPG TP Hồ chí Minh
[10] –Lịch sử Phật Giáo Việt Nam/ Lê Mạnh Thát, Tập 1/ nxb Thuận Hóa/trang 20,21
[11] –Niên biểu lịch sử Phật Giáo Việt Nam/ Tuệ Thiện/ thuvienhoasen.org
[12] –Lịch sử Phật Giáo Việt Nam/ Nguyễn Tài Thư/ nxb Khoa học xã hội/ trang 286
[13] –Tạng Luận, bộ Vị Trí (Patthana) là bộ thứ 7 của Tạng Luận
Bài đọc thêm:
Sơ đồ khái quát nội dung tu tập
Muốn tự học Phật nên bắt đầu từ đâu?
.
Discussion about this post