Chúng ta lên các chùa chiền thường thấy có chùa là ghi hòm công đức, có chùa ghi là hòm phước sương. Chúng ta không để ý cứ nghĩ cả hai là giống nhau, nhưng thật ra là không phải.
Nghĩa chữ phước sương là mỗi một Phật tử, mỗi một tín đồ, hành giả, người hành đạo, thí chủ khi bỏ tiền cúng dường vào hòm đó như những giọt sương, giọt sương là nhỏ bé nhưng nhiều giọt sương tạo nguồn nước mát ngọt, giọt sương trưởng dưỡng cây “tâm” thêm xanh tươi tốt lành. Giọt sương còn có nghĩa là sự thanh khiết của giọt nước buổi sớm ban mai, ý nói tâm hồn trong sáng cúng dường không chút mong cầu hay vụ lợi, làm lợi lạc cho chùa, từ đó giúp chùa có thêm phương tiện trong tu tập cũng như hoằng hóa độ sinh. Cúng dường như vậy thì đó là sự tạo phước, nên gọi là “phước sương”.
Còn “hòm công đức” lại khác, thật ra chữ “công đức” trong trường hợp này ghi như vậy có nghĩa là một nhắc nhở hành đạo tu tập thì đúng hơn.
Vì sao lại là một điều nhắc nhở? Chữ “công đức” chúng ta cần phải hiểu nghĩa mới hiểu được lý do.
Trong kinh pháp bảo đàn của ngài Lục Tổ Huệ Năng có ghi như sau:
“Vi công hỏi Ngài Lục Tổ Huệ Năng : Đệ tử nghe chuyện Đạt-ma thuở xưa giáo hóa cho Lương Võ Đế. Vua hỏi: ‘Một đời trẫm cất chùa, cúng dường tăng, bố thí, ăn chay, có công đức gì không?’ Đạt-ma đáp: ‘Thật không công đức gì.’ Đệ tử chưa hiểu lẽ ấy, xin Hòa thượng giảng giải cho.”
Sư đáp: “Thật không có công đức. Đừng nghi ngờ lời của bậc Thánh đời trước. Võ Đế lòng mê, chẳng rõ pháp chánh. Cất chùa, cúng dường tăng, bố thí, ăn chay, gọi là cầu phước. Không thể lấy phước ấy mà xem là công đức. Công đức ở nơi Pháp thân, chẳng phải ở sự tu phước.”
Sư lại nói: “Thấy tánh là công, bình đẳng là đức. Mỗi niệm tưởng không ngăn ngại, thường thấy bản tánh, chân thật diệu dụng, gọi là công đức. Trong lòng khiêm nhượng là công, việc làm theo lễ là đức. Tự tánh sanh ra muôn pháp là công, tâm lìa vọng niệm là đức. Chẳng rời tự tánh là công, ứng dụng mà không đắm nhiễm là đức. Muốn tìm Pháp thân công đức, cứ nương theo đó mà làm, ấy là công đức chân thật. Nếu người tu công đức thì lòng chẳng khinh mạn, thường cung kính hết thảy. Lòng hay khinh người, tánh tự tôn chẳng dứt là tự mình không có công, tánh hư vọng chẳng thật là tự mình không có đức. Vì tánh tự đại tự tôn, nên thường khinh hết thảy.
“Các vị thiện tri thức! Chánh niệm không gián đoạn là công; trong tâm công bình, chánh trực là đức. Tự tu tánh mình là công, tự tu thân là đức.
“Các vị thiện tri thức! Công đức nên nhìn từ trong tự tánh, không phải do bố thí, cúng dường mà cầu được. Bởi vậy, phước đức với công đức khác nhau. Võ Đế chẳng biết chân lý, không phải lỗi nơi Tổ Sư ta.”
Như vậy qua đó chúng ta thấy “hòm công đức” thật ra là sự nhắc nhở chúng tu tập, tích chứa điều thiện, sống trung thực ngay thẳng, làm thiện hành thiện, tâm không động niệm nơi trần cảnh, vọng niệm không chi phối được thân tâm, không có phân biệt, chấp trước. Được vậy công đức hiện ở trong Tâm, xuất ra hành vi đức độ khiêm nhường, hiền hậu, thiện lương.
Bài đọc thêm:
Discussion about this post