NẾU VÌ ĐẠT MỤC ĐÍCH
MÀ PHẢI PHẠM NĂM GIỚI THÌ CÓ SAO KHÔNG?
Với tình hình chiến tranh ở Ukraine và lo lắng về điều tương tự sẽ xảy ra trong tương lai nếu Trung Quốc xâm lược Việt Nam như cách Nga đang làm với Ukraine thì Phật tử Việt Nam nên làm gì là một câu hỏi chúng ta nên tìm hiểu. Chúng ta có nên tham gia vào chiến tranh (với mục đích tự vệ) không và nếu tham gia thì nên tham gia ở mức độ nào (cố gắng đạt mục đích cho dù phải phạm năm giới hay cố gắng giữ năm giới cho dù không thể đạt mục đích)?
Trước hết tôi xin rút gọn vấn đề chiến tranh và các hậu quả của nó xuống thành hành động vi phạm năm giới và trọng điểm là phạm giới sát sanh. Dù tham gia chiến tranh với mục đích gì và thể loại chiến tranh nào đi chăng nữa thì quá trình và kết quả của nó luôn luôn vi phạm các giới trong năm giới và đặc biệt nghiêm trọng nhất là phạm giới sát sanh, cụ thể là giết người. Vì lẽ đó nên tôi xin trình bày về việc giữ năm giới trong bài viết này. Nếu tất cả mọi người trên thế giới này luôn giữ giới sát sanh vào một thời điểm nào đó thì tôi xin khẳng định là vào thời đó không bao giờ có chiến tranh.
Có một quan điểm của một số Phật tử Việt Nam hiện nay là: “Nếu ta giết người (xấu ác) vì những mục đích tốt đẹp như trị an, bảo vệ kẻ yếu, chiến đấu chống cái ác,… thì hành động đó có thể là tốt dù cho đó là phạm giới sát sanh nếu trong lúc thực hiện hành động đó, tâm ta chỉ nghĩ vì lợi ích của người khác”. Theo tôi đây là quan điểm sai lầm trầm trọng mà những người con Phật nên tránh né. Có một số người dẫn rằng trong lúc Bồ tát còn đang tu hành, Ngài đã giết người vì mục đích bảo vệ người khác dù biết đây là hành động bất thiện có thể dẫn tới tái sinh vào địa ngục trong kiếp kế tiếp, một số người thì kể thêm rằng sau kiếp đó Ngài đã tái sanh vào cõi trời để thể hiện sự ủng hộ quan điểm nêu trên.
Tôi xin dẫn lại toàn bộ câu chuyện như sau: Trong kiếp quá khứ, Bồ tát vì muốn bảo vệ đoàn thương nhân nên đã giết lũ cướp dù biết rằng đây là hành vi bất thiện có thế dẫn tới tái sanh địa ngục. Quả thực sau kiếp sống đó, Ngài đã phải tái sanh vào địa ngục và nhận vô vàn thống khổ ở địa ngục. Sau một thời gian dài chịu khổ tại địa ngục, nơi tâm Ngài phát sinh sự hối hận về hành động giết người đó và ngay tại lúc đó, Ngài đã xin thề nguyện không bao giờ dám giết người dù với bất kỳ mục đích nào nữa. Khi đó Ngài đã thoát khỏi địa ngục và tái sanh vào cõi trời do nhờ phước báu của sự sám hối đó.
Qua câu truyện, ta có thể thấy rằng hậu quả của hành động sát sanh dù với bất cứ mục đích nào đi chăng nữa chỉ đưa tới khổ đau trong vòng luân hồi sinh tử. Giáo Pháp Đức Phật để lại cho chúng ta có thể quy thành thiện và bất thiện, nên làm và không nên làm đã nêu rõ trong Tứ Chánh Cần. Chúng ta là Phật tử, tu hành theo Phật để thoát khổ thì sao có thể sát sanh?
Có người hỏi nếu chúng ta vào hoàn cảnh lúc đó như Bồ tát mà không giết lũ cướp thì có thể nhiều người phải chết, nếu thế thì ta nên làm gì. Chúng ta nên nhớ mỗi người đều có cộng nghiệp và biệt nghiệp, nếu chúng ta phải vào hoàn cảnh đó thì phải ngăn cản lũ cướp đồng thời cố gắng hết sức để không phạm giới sát sanh dù cho kết quả xấu nhất là bản thân và thương nhân đồng hành đều chết mà lũ cướp còn sống. Nếu tới mức độ đó thì cũng là đang tu tập ba-la-mật. Chúng ta phải nhớ rõ mục đích tu hành là giải thoát khỏi mọi đau khổ, giải thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi và mỗi người đều có nghiệp riêng của mình. Chúng ta cố hết sức để cứu giúp người khác nhưng đồng thời cũng phải cứu giúp chính mình đó là luôn luôn giữ năm giới.
Vạn vật trong vũ trụ đều vô thường, đều phải trải qua Thành-Trụ-Hoại-Không; đất nước mà ta sống, gia đình quyến thuộc và ngay bản thân ta cũng không thể tránh khỏi điều đó. Như Đức Phật có dạy năm điều quán tưởng tất cả chúng sinh đều phải già, bệnh, chết, xa lìa cảnh ưa thích và luân hồi với nghiệp tốt xấu của bản thân. Nếu là Phật tử chân chính tin vào lý Nhân Quả, Nghiệp báo thì dù đối diện với bất cứ hoàn cảnh nào ta cũng phải giứ gìn năm giới là hành trang giúp ta sớm ngày giác ngộ giải thoát. Vậy câu trả lời cho vấn đề nêu ở đầu bài là có nhiều cách thức tham gia vào phản đối chiến tranh như biểu tình, ngoại giao,… ta phải khôn khéo sao cho đạt mục đích là chấm dứt chiến tranh mà vẫn giữ giới. Nếu phải tham gia chiến tranh thì phải khôn khéo sao cho đạt mục đích và giữ giới, nếu không thể thì cố gắng giữ giới hết sức có thể.
Discussion about this post