I. DẪN NHẬP
Tâm là một trong hai yếu tố thành lập nên con người. Tâm không phải là vật chất. Tâm trừu tượng, nên chúng ta không thể trông thấy hay sờ mó tâm được. Tuy tâm không có hình dáng như thân vật chất, nhưng không có nó thì con người không thể sống được. Tâm là những cảm xúc vui vẻ hạnh phúc, là những ưu tư phiền muộn, khổ đau, là những nhớ nhung suy nghĩ, là sự hiểu biết, là trí tuệ của con người. Những thứ này gom lại thành nguồn năng lượng sống tạo nên nhân cách của con người tốt hay xấu. Tùy theo năng lượng thiện hay bất thiện, từ đó tâm sẽ đưa ta đến cảnh giới tương ưng. Đó là cảnh giới an vui hay đau khổ, Niết-bàn hay địa ngục, Phật hay ma, tất cả đều do tâm tạo.
Muốn được an vui hạnh phúc việc đầu tiên phải tu tập điều phục chính bản tâm của mình. Trong nhà Phật có pháp môn tu “Tứ vô lượng tâm”. Đây là pháp môn tu tập giúp cho tâm người phàm phu vốn ích kỷ nhỏ hẹp, trở thành tâm quảng đại là tâm từ bi của bậc Thánh.
Đối với chúng ta, những hành giả bắt đầu bước vào đường tu đạo giải thoát, hành trì pháp môn “Tứ vô lượng tâm” chẳng những giúp thân tâm chúng ta dần dần trở nên hoàn thiện, có được lối sống của bậc Thánh ngay trong đời hiện tại, còn trưởng dưỡng được nhiều phước đức hỗ trợ con đường tu tập của mình nhiều đời nhiều kiếp trong tương lai cho đến khi trọn thành Phật đạo.
II. “TỨ VÔ LƯỢNG TÂM” LÀ GÌ?
Tâm vô lượng là tâm rộng lớn, mênh mông vô bờ bến, trùm khắp pháp giới. Đó là tâm vượt thoát mọi sự ràng buộc chấp trước hẹp hòi của tâm lý thường tình thương ghét, giận hờn, kiêu căng, ngã mạn…
Tâm vô lượng là tâm luôn sẵn sàng mang lợi ích cho tất cả mọi người, mọi loài, không phân biệt thân sơ, tôn giáo, chủng tộc, nam nữ, già trẻ, lớn bé, đẹp xấu… là tâm tự nhiên không so đo hơn thấp, không thấy có người hơn mình hay mình hơn người, ngay cả với con vật nhỏ bé… nên tâm vô lượng còn có nghĩa là “đẳng tâm” tức “tâm bình đẳng” xem tất cả chúng sanh và mình như nhau không khác.
Tâm vô lượng gồm bốn đức tánh: Từ, Bi, Hỷ, Xả nên có tên là “Tứ Vô Lượng Tâm”. Từ, Bi, Hỷ, Xả là bốn đức tính cao thượng ẩn chứa vô lượng vô biên công đức. Là con người, mỗi mỗi đều có sẵn bốn đức tính này, nhưng vì bị các phiền não, lo âu, ích kỷ, ghen ghét trong cuộc sống hằng ngày lấn áp, nên bốn đức tính tốt đẹp này bị chìm khuất. Muốn khơi nó dậy, chúng ta cần phải tẩy trần, làm trôi đi những thứ ô nhiễm bám chặt trong tâm phàm phu bằng cách tu tập một hay các phương thức Phật dạy, đó là: Quán, Chỉ, Định, Huệ … giúp tâm trong sạch, bình đẳng, không phân biệt hai bên, thì bốn đức tính Từ, Bi, Hỷ, Xả sẽ từ từ hiển lộ. Khi bốn đức tính này bắt đầu hiển lộ, chúng ta nên tiếp tục hành trì pháp môn “Tứ Vô Lượng Tâm” để năng lượng của nó phát huy ngày một vững chắc, hầu hoàn thiện bản thân mình trên con đường tâm linh, thuận duyên mang lợi ích đến cho mọi người xung quanh.
1) Tâm Từ vô lượng: Là tâm đồng cảm, thương mến rộng lớn, bình đẳng đối với vô lượng chúng sinh. Lúc nào cũng mong tạo niềm vui chân thật, mang sự mát mẻ đến cho tất cả mọi người không phân biệt chúng sanh đó là ai? Tâm Từ cũng không giới hạn đối với các loài động vật dù lớn hay nhỏ, dù dữ hay hiền, dù sống trên đất liền hay sâu dưới lòng đất, kể cả các loài chim bay trong không gian, hay loài rùa cá sống dưới nước và cả những loài cây cỏ sống trên mặt đất này. Đức Phật đã từng khuyên dạy chúng đệ tử hãy thương yêu mọi người mọi loài như tình thương của người mẹ dành cho đứa con ruột thịt của mình. Khi cần, người mẹ đó sẵn sàng hy sinh kể cả tính mạng để bảo vệ đứa con thân yêu độc nhất không một chút ngần ngại. Trong “Kinh Từ Bi” có đoạn khuyến khích mọi người nên: “…… Đem an vui đến cho muôn loài. Cầu chúng sinh thảy đều an lạc. Không bỏ sót một hữu tình nào. Kẻ ốm yếu hoặc người khỏe mạnh. Giống lớn to hoặc loài dài cao. Thân trung bình hoặc, ngắn, nhỏ, thô. Có hình tướng hay không hình tướng. Ở gần ta hoặc ở nơi xa. Đã sanh rồi hoặc sắp sanh ra. Cầu cho tất cả đều an lạc…. Như mẹ hiền thương yêu con một. Dám hy sinh bảo vệ cho con. Với muôn loài ân cần không khác. Lòng từ ái như bể như non. Tung rải từ tâm khắp vũ trụ. Mở rộng lòng thương không giới hạn….. ” (Kinh Từ Bi/Metta Sutta thuộc Tiểu Bộ Kinh, do Hòa Thượng Thích Thiện Châu dịch sang tiếng Việt).
Tâm Từ không phải là tâm yêu thương thiên về dục vọng, không phải lòng luyến ái riêng đối với một cá nhân nào. Người có tâm Từ là người thương mến và mang niềm vui chân thật đến cho tất cả mọi người. Niềm vui này vượt qua niềm vui thế gian tạm bợ!
– Thế nào là niềm vui thế gian tạm bợ? Đó là niềm vui có điều kiện, là niềm vui do thỏa mãn nhu cầu của tham, sân, si, hay niềm vui do thỏa mãn lòng kiêu mạn nhất thời của người đời. Những niềm vui này không bền vững vì nó đến rồi đi nhanh chóng, để lại bao tiếc nuối khiến con người cảm thấy hụt hẫng và phiền muộn. Mất niềm vui này, con người lại trổi lòng tham muốn tìm kiếm niềm vui khác. Nếu không được đáp ứng, con người sẽ rơi vào trạng thái ưu sầu khổ đau. Khi được thì vui, khi mất lại buồn. Cứ mãi như thế, rồi ngã bệnh. Bệnh về tâm lý và bệnh về sinh lý tức tâm bệnh và thân bệnh. Cho nên sự vui vẻ hạnh phúc được xây dựng trên thỏa mãn tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến … trong nhà Phật gọi đó là niềm vui huyễn hoặc, giả dối, tạm bợ, là niềm vui thế gian, nó chính là nguồn gốc của đau khổ, mà con người sống ở thế gian này, lắm người u mê, lấy đau khổ làm niềm vui vì cho nó là có thật!
– Niềm vui xuất thế gian: Khác với niềm vui của thế gian là niềm vui xuất thế gian. Niềm vui xuất thế gian là niềm vui nhẹ nhàng thanh thoát, là cái vui của cảnh giới giải thoát siêu phàm. Muốn đạt được niềm vui này hành giả phải tu tập đoạn trừ tham sân si tức ly dục, ly bất thiện pháp… để chuyển hóa tâm phàm phu ích kỷ nhỏ hẹp sang tâm từ bi rộng lớn của bậc Thánh, mà trong nhà Thiền gọi là Chân Tâm hay Tâm Phật.
Tóm lại, tâm Từ vô lượng ở đây nên hiểu là tâm quảng đại thông cảm, thương mến chúng sanh. Tâm muốn mang niềm vui chân thật đến cho mọi người mọi loài, luôn mong mỏi chúng sanh được sống an vui hạnh phúc. Người có tâm Từ sẽ dấn thân vào đời hướng dẫn giáo hóa chúng sanh tu tập vượt thoát nỗi khổ đau trần thế.
2) Tâm Bi vô lượng: Bi là đau khổ. Tâm Bi là tâm thương xót rộng lớn trước nỗi đau khổ của chúng sanh. Người có tâm Bi, khi nhìn chúng sanh sầu bi đau khổ, họ cảm thấy như chính họ đau khổ, nên quyết tâm cứu vớt chúng sanh thoát khỏi nỗi khổ niềm đau đó. Người có tâm Bi không chỉ cứu giúp các loài hữu tinh, mà đối với các loài vô tình như cây cỏ hoa lá, họ cũng không làm ngơ. Người có tâm Bi không phải chỉ ngồi yên một chỗ thương xót, mà dấn thân hành động giúp đỡ đối tượng cần giúp. Người thực hành hạnh bố thí, là người có tâm Bi.
Giảng về “Khổ”, đức Phật mô tả nỗi khổ của chúng sanh vô cùng rộng lớn. Khổ bao trùm cả thời gian không gian. Chúng sanh ở địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, A-tu-la chịu khổ là việc đương nhiên. Còn loài người sanh ra ở trần gian này tuy sung sướng hạnh phúc hơn các chúng sanh kia, nhưng cũng không thoát khỏi cảnh khổ. Họ khổ vì tham sân si làm lu mờ lý trí, nhận cái giả làm thật và luôn đắm chìm trong nỗi khao khát hưởng thụ dục vọng. Được thì vui, mất thì khổ. Và ngay cả chúng tiên ở cõi trời dù thọ mạng được lâu dài, cuộc sống không phải lo nghĩ đến miếng ăn cái mặc như chúng sanh ở cõi người, nhưng đời sống của chúng tiên đó, không phải lúc nào cũng an vui hạnh phúc, bởi vì khi hưởng hết phước thì họ cũng mang tâm trạng lo sợ, đau khổ khi thấy triệu chứng hoại diệt xuất hiện trên cơ thể họ. Như vậy, tất cả chúng sanh bất cứ sống ở cõi nào, nơi nào cũng không thoát khỏi khổ. Khổ hoài, khổ mãi, cho đến khi nào thoát ra khỏi vòng luân hồi sinh tử, nhập Niết-bàn thì mới chấm dứt khổ. Vì thế nên nói vô lượng chúng sanh có vô lượng khổ. Muốn cứu vô lượng chúng sanh thoát khổ, Bồ-tát phải thành tựu vô lượng bốn tâm: Từ, Bi, Hỷ, Xả thì mới làm nổi.
Chư vị Bồ-tát trên con đường tu “Tứ Vô lượng tâm” luôn tìm cơ hội giúp ích cho chúng sanh với nguyện vọng đoạn trừ mọi khổ đau phiền não của chúng sanh và đưa chúng sanh đến bờ an lạc.
Trong kinh có ghi lại lời phát nguyện đại Bi của đức Bồ-tát Quán Thế Âm rằng: “Nếu thế gian còn người đau khổ thì (Ngài) quyết không thành Phật”. Đức Quán Thế Âm có uy lực trùm khắp và được người đời tán thán hạnh tu của Ngài qua câu niệm: “Nam mô đại từ đại bi tầm thinh cứu khổ cứu nạn linh cảm ứng Quán Thế Âm Bồ-tát ” vì đức Quán Thế Âm Bồ-tát tu hạnh lắng nghe và đạt đến mức tự tánh sâu sắc thượng thừa, nghe được tiếng than khổ của chúng sanh ở khắp mọi nơi. Với lòng từ bi thương xót vô lượng, Ngài sẽ tùy thuận cứu giúp chúng sanh thoát khổ qua nhiều hình thức khác nhau. Ngoài ra, chúng ta cũng thường biết đến Ngài Địa Tạng Vương Bồ-tát trong kinh qua đại nguyện: “Nếu địa ngục còn có một chúng sanh nào đang chịu khổ thì (Ngài) nguyện không thành Phật”.
Các vị Bồ-tát nhờ có lòng đại từ đại bi nên đã phát “Bồ-đề tâm” rộng lớn thệ nguyện độ khắp quần sanh. Các Ngài tự cho mình có sứ mạng ra vào trong đường sanh tử, không chấp trụ Niết-bàn, phát nguyện “đời đời thừa hành Bồ-tát đạo” để gần gủi chúng sanh hầu hóa độ họ theo lời Phật dạy “Chư ác mạc tác/ Chúng thiện phụng hành/ Tự tịnh kỳ ý… ” nghĩa là xa lìa tội lỗi không làm việc ác, năng làm việc lành, lo tu tập giữ tâm ý trong sạch không còn tham, sân, si… để sớm thoát khỏi vòng luân hồi sanh tử. Các vị Bồ-tát thực thụ vẫn luôn tu tập như thế! Chúng ta là Phật tử, muốn thực hành Bồ-tát hạnh, tất phải mở lòng Từ, lòng Bi, thương xót tất cả mọi chúng sanh với tâm bình đẳng, không phân biệt, nghĩa là phải tu luyện để sớm đạt được lòng Từ, lòng Bi vô lượng.
3) Tâm Hỷ vô lượng: Nói cho đủ là “Tâm Tùy Hỷ vô lượng” nghĩa là “vui theo” cái vui của mọi người một cách bao dung rộng lớn. Cái vui theo này không phải là cái vui dựa vào dục vọng, phóng túng phàm tục. Thấy người ta vui vẻ hạnh phúc vì thành công trong những việc làm ác đức, như kiếm được nhiều tiền nhờ vào cờ bạc, hay lường gạt chiếm đoạt tình cảm, của cải người khác v.v… Gặp những trường hợp này, chúng ta cần phải khuyên ngăn, chứ không vui theo! Nếu chúng ta mừng vui theo họ có nghĩa là chúng ta chấp nhận hành động của họ, vui vẻ khuyến khích họ tiếp tục. Như thế là chúng ta đồng lõa với kẻ hành ác nghiệp. Đây là cái vui tội lỗi không phải là cái vui độ lượng từ bi của người mang lý tưởng tu hành đến bờ giác ngộ giải thoát.
Vui theo những việc làm mang tính đạo đức, vui theo cái vui của những người tu hành đúng chánh pháp, làm việc thiện, bố thí giúp đỡ chúng sanh. Sự vui theo một cách trong sáng này, chính là hành động nuôi dưỡng tâm từ bi của mình, không hề ganh tỵ trước sự thành công của bất cứ người nào. Cái vui này gọi là “tùy hỷ”, là cái vui chân thật giống như cái vui của hàng Bồ-tát độ sanh, khi các Ngài thấy chúng sanh làm những việc lợi ích cho bản thân họ, cho mọi người xung quanh, thấy chúng sanh tu hành đúng chánh pháp, đạt được kết quả mỹ mãn, trong lòng các Ngài tràn ngập niềm vui. Đây không phải là cái vui thường tình của thế gian mà là cái vui cao thượng của chư vị Hiền Thánh.
Như vậy “Tâm Hỷ vô lượng” là lòng vui vẻ rộng lớn phát xuất từ tâm Từ, tâm Bi. Khi thấy chúng sanh được an vui hạnh phúc hơn mình thì lòng vui mừng, không ẩn chứa sự ô nhiễm mê lầm đố kỵ hẹp hòi của tâm phàm phu, nó là nền tảng thúc đẩy người tu học Phật sớm thành tựu quả Bồ-đề.
4) Tâm Xả vô lượng: Động từ Xả có nghĩa là xả bỏ, buông bỏ, không còn cố chấp, dính mắc với bất cứ những gì đã làm, đã có, đã đạt được kết quả tốt hay chưa tốt về vật chất lẫn tinh thần. Nói cách khác là không còn chấp có, chấp không, chấp thành, chấp hoại, chấp ngã, chấp pháp, chấp vui, chấp buồn… Phần đông người chưa tu tập không làm được như vậy, vì với tâm phàm phu luôn vị kỷ. Khi làm được một việc thiện nào thì tự hào, tự đắc, khoe khoang… hoặc mình không làm, thấy người ta làm được việc thì vui vẻ hùa theo để cho mọi người thấy mình cũng có lòng tốt, cũng có góp phần. Sự tùy hỷ giả tạo này không ích lợi gì, ngoài việc tô bồi cho cái Ngã của mình mỗi ngày một thêm lớn. Đó là sợi dây tự mình trói buộc phiền não vào cho mình mà thôi!
Chư vị Bồ-tát thì không như vậy, các Ngài làm việc với tâm Đại Xả, cho nên bước vào cuộc đời nhiểu nhương đau khổ cứu độ chúng sanh, các Ngài không hề bị nhiễm phiền não. Được như vậy là nhờ các Ngài sống với tâm Xả, tâm Không. Do đó, các Ngài đến đi, thong dong tự tại, không gì ngăn ngại.
Tâm Xả còn có một ý nghĩa khác là tâm Định vững chắc của người đạt được tầng Định thứ tư là Định bất động còn gọi là Tâm Như. Người đạt Tâm Như hay Tâm Xã vô lượng là người đạt được cảnh giới thanh tịnh, bình đẳng không còn bị vướng mắc trói buộc bất cứ hình ảnh ấn tượng cảnh vật nào trong tâm họ. Họ sống một cách thong dong, khi nào chúng sanh cần thì họ đến, khi nào xong việc thì họ đi một cách tự tại, vô ngại. Mười phương chư Phật, Bồ-tát đều tu Tâm Xả vô lượng mà đạt đến kết quả mỹ mãn. Chúng sanh ngày nay muốn đi trên đường giải thoát thì không thể không hành trì tu tập để đạt được Tâm Xả cao thượng này!
III. BƯỚC ĐẦU TU “TỨ VÔ LƯỢNG TÂM”
Là con người không ai là không có từ tâm. Nhưng muốn cho tâm này xuất hiện thường xuyên thì chúng ta cần phải tu tập. Trước hết tu tập tâm Từ tâm Bi qua mắt thấy, tai nghe, thân xúc chạm.
Khi bất chợt thấy một con chim, con bướm, con ve đậu trên cành cây rơi xuống đất bị tổn thương, người có tâm Từ yếu ớt, trong lòng cũng vấy lên một chút tội nghiệp theo bản năng, nhưng rồi bỏ đi luôn. Qua thời khắc này tâm Từ của người đó biến mất. Nay chúng ta muốn tu tập tâm Từ, gặp trường hợp này, chúng ta không nhìn những con vật cần được giúp đỡ đó bằng ánh mắt thờ ơ, mà là ánh mắt của thương cảm, đó là ánh mắt của tâm Từ, rồi tìm cách giúp nó, đó là tâm Bi.
Thấy một nhánh cây trồng trong vườn bị mưa gió xô ngã, mình nhìn nó bằng ánh mắt tội nghiệp, tìm cách chỉnh sửa cho cây được ngay thẳng và cho thêm đất quanh gốc cây cho nó đứng vững vàng trở lại. Đó là mình đang thực hiện tâm Từ, tâm Bi.
Thấy cây đu đủ hay bất cứ loại cây nào mang trên thân nhiều trái, mình không khởi tâm tham, thỏa mản, thích thú, vì cây có nhiều trái sẽ cho nhiều lợi nhuận mà nghĩ thân cây như người mẹ đang nuôi một đàn con là những trái bám vào thân cây đang hút nhựa sống từ thân mẹ, mình khởi lòng thương, phân bón và tưới nước cho thân cây mẹ có sức mà nuôi con. Đó là mình có tâm Từ tâm Bi.
Thấy một con vật nào vô ý rơi vào lu nước, mình tội nghiệp vớt ra cứu sống nó. Đó là hành động thể hiện tâm Từ tâm Bi. Đi đường thấy một bà lão lụm khụm ôm một túi xách nặng nề mình phát tâm khiêng giúp. Hay trên xe buýt, không còn chỗ ngồi, thấy người già hay khuyết tật, mình cảm thấy thương cảm nhường chỗ ngồi của mình cho họ thì đây cũng là hành động của người có tâm Từ tâm Bi.
Trên đường lái xe đi làm về, thấy một chiếc xe rồ máy qua mặt các xe khác rồi vượt đèn đỏ, chúng ta thường khởi tâm bực bội mong người lái chiếc xe đó bị cảnh sát công lộ chận phạt, hoặc trong đầu khởi lên ý nghĩ: “Lái xe bạt mạng cái kiểu ngang tàng như vậy, trước sau gì cũng xảy ra tai nạn nguy hiểm đến tính mạng, lúc đó thì chớ trách !” Những ý nghĩ này tuy là bình thường hợp lý, bởi lái xe phạm luật như vậy rất dễ gây tai nạn chết người, hoặc nếu bị cảnh sát bắt gặp thì lãnh giấy phạt là cái chắc. Nhưng trong nhà Phật thì đó là những ý nghĩ bất thiện chứa mầm móng sân giận của mình. Gặp trường hợp này, mình không cần khởi tâm sân giận là tâm ác tạo nghiệp cho mình làm chi. Ở đời nghiệp ai làm người đó chịu! Nếu tu tập thiền Huệ thì chúng ta tập nhìn thấy như thật (yathà bhùta). Sai biết sai, đúng biết đúng, tâm không phản ứng, bởi vì có phê bình chê trách thì người đó cũng đâu có nghe, đâu có biết mình suy nghĩ gì?!
Còn như hôm nay, thực tập tâm Từ chúng ta “như lý tác ý” điều lành trong tâm. Đó là, khi thấy những cảnh tượng xảy ra trên đường lái xe về nhà như vậy, mình động lòng thông cảm, chắc là gia đình người ta đang có chuyện gấp, cần giải quyết chẳng hạn như vợ đau bụng sắp sanh, hay cha mẹ già đau ốm, hoặc con cái gặp rắc rối gì đó, hay chính bản thân người lái xe có chuyện buồn bực lo lắng điều chi nên mới gấp như vậy thôi! Nếu mình ở trong hoàn cảnh như họ, tâm mình cũng sẽ rối lên, và lái xe bất cẩn như họ vậy! Chỉ cần phát tâm thông cảm như thế, trong lòng mình sẽ tự dưng mong muốn cho đối phương sớm về tới nhà bình an để giải quyết được chuyện rắc rối. Như thế là tâm Từ đã xuất hiện trong con người của mình rồi. Cứ tập hoài như vậy, tâm Từ tâm Bi có sẵn trong tâm của chúng ta sẽ xuất hiện thường xuyên và tự nhiên hơn.
IV. THIỀN QUÁN “TÂM TỪ”
Có pháp tu “Quán Tâm Từ” trong lúc ngồi thiền. Quán ở đây là tưởng tượng xung quanh mình có vô lượng chúng sanh. Chúng sanh có hình tướng và chúng sanh không có hình tướng. Trong lúc tọa thiền mình khởi lòng mong muốn hay cầu nguyện cho tất cả các chúng sanh ở mười phương bao quanh mình thành vòng tròn như Đông, Tây, Nam, Bắc, Đông-Tây, Tây-Nam, Nam-Bắc, Đông-Bắc, hướng ở trên và hướng ở dưới.
Mới ban đầu thì thiền giả quán đến các chúng sanh ở trong cơ thể mình, mong cho các sinh vi khuẩn, các tế bào trong người mình được hài hòa, mát mẻ, dễ chịu, mong cho mình được khỏe mạnh, bình yên, tâm Bồ-đề kiên cố, việc tu hành không bị trở ngại v.v… Tiếp theo hành giả cũng quán những điều thiện lành như thế đến với các chúng sanh bên ngoài xung quanh mình. Sau đó, từ từ nới rộng vòng tròn không gian mỗi lúc một lan rộng ra mười phương. Cứ tu tập như vậy lâu ngày, tâm Từ của thiền giả sẽ phát huy lan rộng theo vòng tròn quanh mình vững chắc, tạo từ trường năng lượng từ bi đến môi trường xung quanh.
Tâm Từ thường xuyên xuất hiện thì tâm Sân ngày càng yếu đi. Khi tâm Từ vững chắc thì tâm Bi sẽ xuất hiện. Tâm Bi xuất hiện thì thiền giả không thể làm ngơ trước sự đau khổ của những người xung quanh. Vị ấy sẽ phát tâm bố thí, giúp đỡ. Khi có tâm bố thí thì tâm tham của người đó mỗi ngày một yếu đi. Khi thấy người ta vui vẻ hạnh phúc thì tâm Hỷ xuất hiện. Mà tâm Hỷ xuất hiện thì thiền giả dẹp được tâm ganh ghét đố kỵ. Người nào sống với tâm Từ Bi Hỷ Xả là người đó đang sống trong tâm quảng đại, là người đang trên đại lộ đi đến giác ngộ giải thoát.
V. KẾT LUẬN
“Tứ Vô Lượng Tâm” là bốn trạng thái của tâm Bồ-tát. Bốn tâm này liên kết với nhau thành tâm quảng đại trùm khắp. Khi tâm quảng đại xuất hiện, thì tâm nhỏ hẹp biến mất. Người đạt được tâm quảng đại sống thong dong tự tại, lúc nào họ cũng có tâm nguyện mang niềm vui hạnh phúc đến cho mọi người mọi loài một cách tự nhiên.
Vì sự lợi ích của vô lượng chúng sanh, nên chư Phật, chư Bồ-tát dùng pháp môn này để nhiếp hóa chúng sanh, đưa chúng sanh vượt qua biển sinh tử tới bờ giác ngộ giải thoát.
“Tứ Vô Lượng Tâm” là bốn đức tánh thanh tịnh có sẵn trong mỗi chúng sinh, nhưng vì tham, sân, si, mạn, nghi, cố chấp, phiền não… làm cho bốn đức tính đó bị lu mờ. Nay hiểu rõ lợi ích của pháp môn “Tứ Vô Lượng Tâm”, chúng ta hãy tự khởi tâm thương mến chúng sanh không phân biệt thân sơ, mang niềm vui đến cho mọi người, đồng thời giúp đỡ, an ủi những ai đang ở trong tình trạng khốn khó khổ đau, đó là chúng ta đang hành trì tâm Từ, tâm Bi. Sống vui với niềm vui của tất cả mọi người không phân biệt kẻ thù người thân đó là tâm Tùy Hỷ. Luôn sống trong tâm Xả là tâm bình thản không dính mắc với những việc mình đã làm giúp người dù thành công hay thất bại. Thất bại thì tìm phương thức khác để tiếp tục giúp đỡ. Thành công thì không dính mắc với sự thành công. Đó là chúng ta sống trong tâm Xả.
Tóm lại, là Phật tử phát Bồ-đề tâm, thực hành hạnh Bồ-tát, ban đầu chúng ta tập khơi sáng bốn ngọn đuốc Từ, Bi, Hỷ, Xả trong tự tâm. Siêng năng hành trì bốn tâm này, để ánh hào quang của bốn ngọn đuốc Từ, Bi, Hỷ, Xả ngày một sáng tỏ, lan truyền tới mọi người quanh mình, như chư vị Bồ-tát thương xót cứu giúp vô lượng chúng sanh thoát khỏi vô lượng nỗi khổ, đạt giác ngộ giải thoát. Được như thế thì ngay bản thân của mình dù không cầu mong vẫn được an vui hạnh phúc. Nếu nói đến công đức, thì công đức vô lậu của việc hành trì pháp tu “Tứ Vô Lượng Tâm” chính là nền tảng đưa vị đó tới quả vị Bồ-đề./.
THÍCH NỮ HẰNG NHƯ
( Thiền thất Chân Tâm, 15-7-2021)
Discussion about this post