(Tiếp
theo)
Toàn Không
MỤC 5:
NHỮNG ĐIỀU NÊN BIẾT:
I) – NHẬN BIẾT CÁC NỖI KHỔ:
Mọi người đều thấy rõ các nỗi khổ sau đây:
1) – SINH RA KHỔ:
Mọi trẻ sơ sinh bình thường đều cùng như
nhau, vừa lọt lòng mẹ ra là khóc oa oa, đói khát, nóng lạnh, đau đớn, giật mình
v.v.. chỉ biết kêu khóc mà thôi. Đây là báo hiệu ra đời, bắt đầu một cuộc đời
đầy khốn khổ, sinh ra khổ còn bao gồm các nỗi khổ trong đời sống hàng ngày, vui
ít khổ nhiều, vui ngắn khổ dài v.v…
2) – GIÀ ĐI KHỔ:
Dù trai tráng phương phi khoẻ mạnh, dù đẹp đẽ mặn mà
đến đâu đi nữa, chỉ thoáng qua một số năm tưởng dài, nhưng qua rồi thấy quá
ngắn ngủi, quá mau chóng; khi về già các căn suy kém, mắt mờ tai lãng, kém ăn
kém ngủ, da nhăn tóc bạc, lưng mỏi bụng yếu, chân tay run rẩy. Lại còn luôn
luôn mệt mỏi, nói chẳng ra hơi, vừa nhớ một việc thoáng một cái liền quên mất!
Lâu ngày gặp lại bạn bè, ú ớ chẳng nhớ ra tên! Đi lại chậm chạp mà còn sợ bị té
ngã nên phải dùng gậy chống cho chắc ăn v.v… thật là khổ!
3) – BỆNH KHỔ:
Không
ai tránh khỏi bệnh, có rất nhiều loại bệnh nặng, bệnh nhẹ khác nhau, ngay trong
một gia đình, mỗi người một bệnh, lúc đau khi khỏi luôn luôn quanh quẩn trong
người; bệnh này vừa khỏi đã tưởng yên thân, ai ngờ bệnh khác tự nhiên ở đâu kéo
tới, thật khổ cái thân.
Nói về các bệnh khổ thì có trăm, nghìn bệnh
khác nhau, nếu gặp phải các thứ bệnh hiểm nghèo khó chữa như các bệnh liên quan
đến bộ máy tiêu hóa, bộ máy tuần hoàn (tim), bộ máy hô hấp, v.v… thì lại càng
lo lắng khổ sở hơn.
Nếu xảy ra những bệnh không (chưa) chữa
được như bệnh ung thư, bệnh Aid, thấy phải chết đấy mà đành phải cam chịu, thật
là khổ! Không tiền chữa bệnh đã khổ cho người bệnh, còn làm khổ lây cho ngươi
thân thuộc nữa!
4) – CHẾT KHỔ:
Kẻ sắp phải chết khổ muôn phần vì mạng
sống sẽ không còn nữa, khi sắp chết thì đau đớn nhức nhối tận xương tủy, rách
thịt, xé da, đứt ruột, không ai thay thế được sự khổ sở tận cùng ấy; hãy đến
thăm người bệnh sắp chết để thấy rõ tận mắt sự đau đớn khổ sở như thế nào: “Hai
mắt trợn ngược kinh hoàng, mặt mũi nhăn nhó, nước mắt ràn rụa, hơi thở hổn hển,
toàn thân quằn quại đau đớn tột cùng, miệng rên thảm thiết trước khi lià trần
thế!”, thật là sự tận cùng khổ đau của con người! Còn bao nhiêu người thân
thuộc yêu quý không dứt ra được mà phải bỏ, với bao nhiêu của cải đã tạo dựng
đều phải bỏ lại không mang theo được, thật là khổ!
5) – CHIA LY KHỔ:
Yêu thương mà không được ở gần nhau mãi
mãi, phải chịu sống trong cảnh chia lià người Nam kẻ Bắc, kẻ Đông người Tây,
chờ mong nhớ nhung; người sống ở lại trần gian sầu thương nhớ nhung, kẻ chết đi
vào cát bụi không hẹn được ngày tái ngộ, vĩnh viễn chia ly! Cha mẹ, chồng vợ,
con cái, anh chị em đều phải trải qua sống trong cảnh chia ly ấy, thật là sầu
khổ vô cùng, nói sao cho hết cảnh khổ của chia ly vĩnh biệt này!
6) – OAN GIA HỘI NGỘ KHỔ:
Lại có những kẻ nghịch thù oán hận, luôn
ở bên mình ta gièm pha xuyên tạc, chống đối mưu hại, bới móc lỗi này tật nọ,
nói xấu đủ điều v.v… Dù ta không muốn gần, muốn dứt ra, muốn trốn đi mà chẳng
được, cũng giống như có cái gai đâm vào dưới bàn chân, muốn khêu ra, nhổ ra mà
không sao lấy ra được, rất là khó chịu; thật là sống trong cảnh khổ khi cứ phải
gần gũi với những người tối ngày nhòm ngó người khác để vạch lá tìm sâu! v.v…
7) – MONG CẦU KHÔNG ĐƯỢC
KHỔ:
Con người có vô số điều mong ước như: muốn có đủ cơm no áo ấm, muốn có
nhiều tiền, muốn đẹp, muốn khoẻ, muốn có quyền uy địa vị, muốn có nhà cao cửa
rộng, muốn có cái nọ cái kia v.v… mà không được toại nguyện nên khổ. Hoặc vì
muốn có cho được những thứ mong cầu ấy, nên phải làm việc cực khổ, vào luồn ra
cúi chịu nhục; hoặc dùng mọi thủ đoạn bất chính xấu xa để hòng thỏa mãn mong
cầu, do đó tạo tội nên bị bắt phải ở tù, đã không được gì mà còn càng khổ sở
hơn.
8) – NĂM ẤM KHỔ:
Năm ấm là sắc, thụ, tưởng, hành thức, sắc
thuộc về thân, thụ, tưởng, hành, thức thuộc về tâm, đây là khổ về thân tâm,
điều khổ này bao gồm bảy điều khổ ở trên; thân thì sinh, già, nóng, lạnh, đói,
khát, mệt, bệnh, chết khổ, tâm thì buồn giận, lo thương, phiền lụy khổ.
Nếu biết nghĩ đến các điều khổ trên đây,
biết nghĩ đến cái khổ của luân hồi, thì phải nghĩ đến sự giải thoát khỏi cái
khổ triền miên ấy; vì quanh quẩn luân hồi trong sáu cõi từ cõi Trời tuy hơn cõi
Người, nhưng vẫn còn tướng ngũ suy, còn những điều bất như ý, và hết phúc báo
lại bị đọa đến cõi dưới. Cõi Thần (A-Tu-La) còn kém cõi trời, cõi Súc vật, ai
cũng thấy cảnh khổ của chúng, cảnh cắn xé ăn nuốt lẫn nhau, cảnh bị cõi Người
hành hạ, giết hại, ăn thịt. Đến cõi Ma-Qủy thân hình hôi hám xấu xa, bụng thật
to lớn, nhưng cổ họng quá nhỏ bé không ăn nuốt được đủ thức ăn cho cái bụng quá
to, vì vậy lúc nào cũng đói khát khổ sở; còn cõi Địa-Ngục có bao nhiêu thứ cực
hình tra khảo nên đời sống khổ sở vô cùng.
Nếu ý thức được những sự khổ ấy, ý thức
được mình đã gặp may mắn được làm người, may mắn được gặp Phật pháp, và lo lắng
cho sự mất đi cơ hội tốt này; người niệm Phật còn phải lo lắng về sự vô thường
(chết) đến với mình bất cứ lúc nào, thì việc niệm Phật mới có cơ nguyên thúc
đẩy và làm bàn đạp cho sự dẹp bỏ tất cả để dũng mãnh niệm Phật.
II) – NHẬN BIẾT VỀ NGHIỆP
QUẢ:
Tất cả những hành động từ thân, khẩu, ý đều
tạo nghiệp; tuy nhiên, những hành động không thiện không ác không tạo nghiệp,
và những hành động không có ý muốn cũng không tạo nghiệp, nghiệp báo nhân quả
thuộc về tâm thức, nó vô hình không thấy được, nhưng nó điều khiển cả vật chất
lẫn tinh thần.
Muốn thoát khỏi luân hồi, phải thoát khỏi
nghiệp báo nhân quả, muốn thoát khỏi nghiệp quả, phải trừ bỏ nghiệp xấu, muốn
trừ bỏ nghiệp xấu phải trừ hết ái dục, ái dục là vi tế ngủ ngầm của tham sân
si, tức là phải sạch hết “Vô minh” mới được giải thoát.
Nếu không tu, hết kiếp làm người hiện tại,
nếu không giữ đủ 5 giới: không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không
nói dối nói hai chiều nói thêu dệt nói ác, và không uống rượu, sẽ không được
trở lại làm người nữa. Bởi vậy một người bình thường không tu hành, chắc chắn phần
nhiều đọa vào ba cõi dữ:
1) – ĐỌA
NGẠ QUỶ:
Những người bề ngoài bình thường phần lớn
khi chết đọa Ngạ quỷ, vì phần lớn những người này có tính bỏn sẻn, ganh tị, đố kị, tham lam, mưu mô đạt của người, giành giật,
v.v… có vô số loại Ma Quỷ hiền ác khác nhau trong thế giới Ma Quỷ.
2)
– ĐỌA SÚC SINH:
Những người dâm dục ngang trái, người quỵt
nợ, giật hụi, lừa đảo, biển thủ tiền của, người kiêu ngạo ngã mạn, người đánh
đập hành hạ giết hại súc vật, người sớm tối say sưa rượu hoặc ma túy, v.v…
Khi chết sinh vào loài Súc sinh bị khổ sở trăm bề mà ai cũng thấy.
3) – ĐỌA
ĐỊA NGỤC:
Người giết cha giết mẹ, người làm nhiều
điều ác v.v… chắc chắn đọa địa ngục nhanh như liệng mũi kiếm thẳng xuống nước
ngay sau khi chết; ở địa ngục thời gian lâu dài chịu cực hình khốn khổ trăm bề,
khi ra khỏi địa ngục, lại phải vào Ngạ qủy hoặc Súc sinh, khi trở lại làm người
có đời sống nghèo khổ.
Cứ xem các nhà Ngoại cảm thấy bao nhiêu
hồn người chết trong thời chiến tranh và chết từ rất lâu đời rồi đều là Ngạ quỷ
cả, chẳng phải hồn người chết còn vưởng vất chưa đi tái sinh đâu; họ đã tái
sinh sau khi chết trong vòng 49 ngày vào cõi Ngạ quỷ, đừng tưởng rằng đó là
những hồn còn vất vưởng mà lầm.
Khi đã bị đọa vào ba cõi dữ rồi, khó có
ngày ra khỏi, trong tập Vãng Sanh Tịnh
Độ của Bác Sĩ Nguyễn Thanh Giản, trang 44 có giải thích như sau: “Nếu ta là một Ngạ quỷ thì vì ta đói khát nên
ta lại phạm giới chiếm đoạt thức ăn của kẻ khác. Nếu ta là một Súc sinh, thí dụ
một con cọp chẳng hạn lại vồ giết chết con vật khác và lại đi sâu vào con đường
đọa lạc, con cọp đó có biết rằng kiếp trước nó chính là ta (người) đây không?”
Mong thoát ba cõi dữ được thân người lại
là một điều rất khó trong các điều khó, trong quyển Đường về Cực Lạc của Hòa Thượng Thích Trí Tịnh, trang 560 có giải
thích bằng thí dụ:
Khi Tôn giả Xá Lợi Phất vâng lời Phật, đi
giúp Trưởng giả Cấp Cô Độc xây dựng Tịnh xá Kỳ Hoàn tại nước Xá Vệ. Một hôm,
Tôn giả bỗng than thở bùi ngùi, Ông Cấp Cô Độc thấy thế hỏi, Tôn giả chỉ vào
một con kiến đang bò mà nói: “Tôi nhờ huệ
nhãn biết rằng con kiến đen đã trải
qua bảy Phật ra đời rồi mà con kiến này vẫn còn luân hồi mãi vô lượng đời là
kiến, chính là con kiến đen đang bò trên đất đây; nghĩ mà xót thương cho chúng
sanh mê muội muôn kiếp trầm luân, nên tôi than thở”; xem như vậy, không dễ
gì ra khỏi cõi xấu, trải qua bao nhiêu kiếp rồi, con kiến ấy vẫn tái sinh vô
lượng kiếp là kiến, vì nó chấp vào thân xác kiến, nó cho rằng làm kiến là sướng
nhất rồi, nó chỉ muốn được làm kiến, nên cứ thế luân hồi mãi trong thân kiến
như thế.
Đối với chúng ta, nhiều người không ý thức
được rõ ràng cảnh khổ trần gian, không nhận chân được sự già mau chóng, không
thấy rõ như thật bệnh tật chết chóc; cho rằng cuộc sống ở đời không gì hơn nên
họ bám viú dính mắc đam mê trong cõi người này. Nói đến tu hành: nhiều người dửng
dưng hờ hững vì sợ khó, vì lười biếng; họ lại ít chú ý đến việc làm lành tránh
làm ác để giảm bớt nghiệp dữ và vun bồi phúc đức, khi chết không những không
được tái sinh làm người mà còn bị đọa vào ba cõi dữ nữa.
Mặc dù vậy, người tu Tịnh Độ không cần
phải trừ sạch hết nghiệp vẫn được vãng sinh nếu thực hành đầy đủ ba điều căn
bản là “Tín sâu, nguyện thiết, niệm siêng”, tại sao lại được vãng sinh? Vì nhờ
có tự lực “Tín sâu nguyện thiết niệm siêng” cộng với tha lực của Phật A Di Đà,
nên có thể mang theo nghiệp mà vãng sinh (Đới (mang) nghiệp vãng sanh). Bởi vì
bậc Hạ phẩm Trung sinh đều là người còn nghiệp vãng sinh, và Hạ phẩm Hạ sanh
đều là người có nghiệp nặng vãng sinh, do sự thiết tha tu trì kiên cố mà được
vậy.
III) – ĐỐI TRỊ PHIỀN NÃO:
1) – SÂN HẬN:
Sân hận rất thô bạo, nên người xưa bảo:
“Nhất niệm sân tâm khởi,
Bá vạn chướng môn khai.”
Nghĩa là khi sinh ra một lần tức giận, sẽ
đẻ ra trăm vạn điều khó khăn nguy nan. Tỉ dụ người đang niệm Phật sực nhớ tới
một người phản phúc mình về một việc gì, làm mình tức giận, nên thôi niệm, suy
nghĩ mãi về việc ấy, đến ăn ngủ cũng không được, Rồi nghĩ cách báo thù, trả
miếng v.v…, tâm sân nó phá hại người tu đến như thế.
Đối trị bằng “Từ Bi Hỉ Xả”, nghĩ kẻ đó vì
mê muội không biết nên đã tạo quả xấu, người đó đáng thương hơn là đáng giận; nếu
người đó biết, sẽ không hành động như thế, nên ta xả bỏ để tu hành.
2) – ÁI DỤC:
a)- QUAN NIỆM ÁI DỤC:
Người niệm Phật phải biết ái dục là cội gốc
của sanh tử luân hồi, ngày nay dốc lòng niệm Phật, thì niệm niệm phải đoạn ái
căn, từ mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, đến ý đều phải chấm dứt các dính mắc, ràng
buộc, ô nhiễm.
Trong cuộc sống
hằng ngày, ở nhà niệm Phật, mắt thấy vợ chồng con cháu, gia quyến tài sản, đều
không nên đắm trước ái nhiễm; nếu để tâm thức mình còn yêu ghét ham mê thì dù
làm việc gì, niệm Phật nào cũng đều vì sanh tử, giống như toàn thân đang đứng
trong hầm lửa vậy.
Lúc chưa biết cách
niệm Phật chân chính, ái dục trong tâm chưa có thể xả bỏ, vì chẳng biết ái dục
là chủ tể, nên chỉ niệm Phật ngoài miệng, và như thế tuy Phật có nghe niệm,
nhưng ái dục vẫn hoành hành tăng trưởng thêm, và khi sắp chết chỉ thấy gốc ái
dục sinh tử hiện ra thôi.
Khi vợ chồng con cháu hiện diện, phải xoay
nhìn vào tâm. Nếu một danh hiệu Phật có thể đối địch với ái dục, thì sẽ cắt
đoạn được ái căn; nếu không cắt được ái dục, làm sao đoạn được sanh tử đây?
Do tập khí của duyên ái trong bao đời đã
chín mùi mà nay chỉ mới bắt đầu niệm Phật, lại không tha thiết niệm, thì không
thể đắc lực được. Nếu trước mắt không thể kìm chế được ái cảnh, khi lâm chung
quyết không thể tự làm chủ được mình.
Ái dục là do “Ngũ dục, lục trần” mà có:
– Ngũ dục là: Sắc dục, tiền của, quyền danh, ăn mặc, ngủ nghỉ,
chúng luôn theo ta như hình với bóng.
– Lục trần là: Sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp, chúng luôn quanh
quẩn bên ta không lúc nào rời khỏi.
b)- ĐỐI TRỊ ÁI DỤC:
Thân tâm cảnh duyên nhau khởi ái như cát
bụi, làm xao động bên trong, cho nên muốn trừ ái dục, chúng ta phải dùng 4
cách:
1- Bất tịnh:
Thân tâm cảnh vật chẳng có gì đáng ưa,
chẳng có gì đáng quý, chẳng có gì luyến ái được vì:
– Thân: Thân thể có 9 lỗ không sạch, luôn luôn tiết ra chất
hôi thối nên chẳng có gì là đáng ưa thích thân mình và người
– Tâm: Tâm bị tham sân si luôn luôn tham nhiễm thói hư tật xấu nên không sạch
chẳng đáng ưa quý.
– Cảnh: Cảnh vật sỏi đá đất bùn gò đống, lại chứa đầy chúng
sanh ô uế nên cảnh cũng chẳng sạch.
2- Khổ:
Đâu có gì gọi là sướng, bởi:
– Thân khổ vì sinh già bệnh chết, nóng lạnh cực nhọc khổ sở trăm bề.
– Tâm khổ vì phiền não đủ thứ chuyện.
– Cảnh khổ vì mưa nắng nóng lạnh, chúng sinh vất vả cực khổ để mưu sinh sống.
3- Vô thường:
Chẳng có gì được bền lâu vì:
– Thân sinh già bệnh chết thay đổi vô thường.
– Tâm thay đổi khi buồn khi vui, chẳng cố định.
– Cảnh thay đổi có rồi mất chẳng bền vững.
4- Vô ngã:
Chẳng thể gọi là ngã là ta
được vì:
– Thân hư huyển không thật nay trẻ mai già chết thành đất, chẳng có gì gọi là
ta được.
– Tâm hư huyển không thật nay thế này mai thế khác, vui buồn đến rồi đi,
chẳng phải vĩnh cửu, nên vô ngã.
– Cảnh cũng là mộng huyển, có đó rồi mất đó, hiện mất như giấc chiêm bao,
chẳng thể gọi là cái của ta được.
Người xưa nói: “Ái không nặng không sinh ở Ta Bà, ái chẳng đoạn chẳng sinh về Cực Lạc”,
Ở Ta Bà khi chết có một niệm ái (yêu) còn bị nó lôi kéo, huống gì nhiều ái. Hãy
để ý mà xem nào là cha mẹ vợ chồng con cháu, anh em họ hàng bạn bè, công danh
phú quý, văn chương thi phú, nhà cửa ruộng vườn, v.v…, tất cả đều là gốc sinh
tử. Nếu còn yêu nhớ là còn ái, còn một niệm ái thì niệm Phật không chuyên nhất,
niệm không chuyên nhất sẽ không sinh Tịnh độ được; muốn cho nhẹ ái không gì
bằng đoạn dứt ngoại duyên ngoại cảnh, hễ duyên cảnh đều không, tự nhiên sẽ được
nhất tâm.
Đoạn dứt ngoại cảnh chẳng phải trừ dẹp
muôn cảnh, chẳng phải nhắm mắt không nhìn, mà phải ngay cảnh biết cảnh hư vọng,
thấu suốt vạn pháp vốn tự không, nếu thấy có, đó là vọng tình; vọng tình còn
thì vật còn, vạn pháp (vật) không thì bản tánh hiển bày, bản tánh hiển bày thì
vọng niệm tình dứt, bấy giờ sẽ thành tựu được nhất niệm.
Đại sư Hành Sách nói: “Thời nay nhiều ngưòi tu niệm Phật, sám hối
phát nguyện, mà Tây phương còn xa vời, không bảo đảm vãng sanh, không có lý do
gì khác bởi cọc ái (luyến yêu) chưa nhổ, sợi dây tình còn buộc chặt. Nếu có thể
xem sự ân ái nơi Ta Bà như nhai sáp, chỉ phấn khởi niệm như Ỷ thiên trường
kiếm, khiến cho tất cả ái ân tình thức, phiền não ma quân bị chặt đứt tiêu tan.
Ngưòi này tuy đang ở cõi đời ngũ trược (năm trọc: 1. Kiếp trọc: Bệnh, đói,
chiến tranh khủng bố; 2. Kiến trọc: Tà kiến thịnh hành; 3. Phiền não trọc: Tham
dục và phiền não; 4. Chúng sinh trọc: Chúng sanh không theo luân lý, không sợ
quả báo; 5. Mệnh trọc: Thọ mạng con ngưòi ngắn), mà đã ngồi trong thế giới Liên Hoa (Hoa Sen), đâu phải đợi Phật A Di
Đà tới nắm tay, Quán Âm tiếp đón nữa”.
3) – NGÃ CHẤP:
Chấp ngã tức là cho rằng có cái ta là thật (thân này là cuả ta,
nếu ai xúc phạm nhẹ tới ta, không chấp nhận được v.v…), cho rằng có cái của ta
là thật (đồ vật, cuả cải, tiền bạc v.v.. của ta không ai xâm phạm được).
Phá ngã chấp bằng cách thấy thân này mai
sau chết đi sẽ trở thành cát bụi; hoặc thấy thân này vốn kết hợp bởi: “đất,
nước, gió, lửa”, mà tự tánh của bốn thứ đó là không, nên thân này đâu có gì là
ta, đâu phải thật là ta. Nhưng vì bị ngã ái sai khiến do sắc thọ tưởng hành
thức chi phối, nên tưởng rằng có cái ngã cái ta.
Cái thân luôn biến đổi vì bốn thành phần
cấu tạo nên thân là “đất, nước, gió, lửa” luôn luôn thay đổi; cái tâm thay đổi
vì bốn thành phần tạo nên tâm là “Thụ, tưởng, hành, thức” thay đổi; tâm thay
đổi ví như một dòng sông lớn luôn luôn tiếp nhận những thành phần mới của năm
nhánh suối sông từ thượng lưu của năm giác quan mắt tai mũi lưỡi thân ý cung
cấp những sự kiện mới của đời sống hàng ngày; nhưng những hạng phàm phu lầm
nhận sự liên tục giả tạo bên ngoài như cái gì bền vững vĩnh viễn không thay
đổi.
Nếu hiểu cái ta là không thật, nó là vô
thường, khổ, vô ngã, không, biết cái thân tâm ta chỉ là giả hợp mà có đi đứng,
ăn uống, nói năng, hành động, do nhân duyên hợp nên có, hết nhân hết duyên
chẳng còn gì. Thấy biết như thật như thế, ai nói thân ta xấu, lời dở, ý sai,
cũng chẳng tức giận buồn phiền; có ai khen ta đẹp lời hay ý đúng, cũng chẳng
hãnh diện mừng vui. Đó là người gạt bỏ được chấp ngã, sống đời an nhiên bình
thản ngoài sự được mất, vinh nhục, hơn thua, vui buồn ở đời.
Nếu không còn chấp ngã sẽ dễ nhẫn nại
trước mọi chướng duyên, thường chỉ thấy lỗi mình, không thấy lỗi người, không
chê bai người, khiêm cung tôn kính mọi người, xét từng tâm niệm cử chỉ hành
động của mình để tự sửa sai, vì một lỗ rỉ nhỏ làm đắm thuyền to, đây là linh
dược của người tu phải để ý kỹ; người không còn ngã chấp là người không còn dao
động trước những tiếng thị phi như ngọn núi đứng vững giữa giông tố vậy.
IV) – HÔN TRẦM, VỌNG TƯỞNG:
1) – HÔN TRẦM:
Hôn trầm là lúc mê mờ,
buồn ngủ, câu niệm vẫn có, tâm tư êm dịu, chìm lặng quên cả nóng bức ruồi muỗi,
có khi mồ hôi ướt cả áo cũng không hay, lúc chợt tỉnh mới thấy nóng; như vậy,
đừng tưởng là công phu niệm Phật tốt, mà thật ra đó là rơi vào hôn trầm. Trường
hợp này phải niệm to lên để phá u u tịch tịch của hôn trầm, nên biết, khi sắp
hôn trầm, một loại tạp tưởng nhỏ nhiệm (vi tế) nổi lên, hành giả cảm biết có
một điểm mê mờ từ sau gáy (ót) truyền lên đỉnh đầu làm cho đầu gục xuống, rồi
xuống hai mắt, làm cho mắt nhắm lại, và sau nữa là vào tâm tạng làm tâm mê mờ.
Đối trị hôn trầm vi tế bằng cách niệm to hoặc niệm sổ tức (vừa niệm vừa đếm hơi
thở vào ra), hoặc lễ bái niệm Phật.
2) – VỌNG TƯỞNG:
Cội gốc sinh tử là mọi
thứ vọng tưỏng hàng ngày của chúng ta, các thứ nghiệp phiền não, nhân ngã, yêu
ghét, tham dục, nóng giận, si mê sắc đẹp tiếng hay, ăn ngon mặc đẹp, v.v…, nếu
còn một chút chưa đoạn dứt là còn cội gốc sanh tử.
Khi hành giả vẫn niệm,
nhưng tâm lại nghĩ chuyện khác, nhớ nghĩ đủ thứ, đó là tán loạn vọng tưởng; khi
mới tu chỉ thấy vọng tưởng “thô”, còn tu lâu mới thấy vọng tưởng “tế” (nhỏ
nhiệm) Đối trị tán loạn vọng tưởng bằng cách ngồi nhiếp tâm niệm Phật, hoặc
miệng niệm tai phải nghe rõ, hoặc niệm sổ tức. Vì không đủ phước báu nên suốt
ngày vọng tưởng, suy nghĩ lung tung.
Tại sao những người bình thường thích tìm
hiểu suy nghĩ lung tung? Đa số chúng ta thuộc loại người này, loại người
nhiều rắc rối, cho nên đức Phật suốt 45 năm khó nhọc, mỗi ngày không ngừng nói
pháp cũng vì những người nhiều rắc rối như chúng ta. Nếu chúng ta đã hiểu rõ rồi thì phải biết buông xả, không còn suy nghĩ tưởng nhớ việc nọ chuyện kia nữa, chỉ còn
nhớ niệm một câu: Nam Mô A Di Đà Phật. Ngoài câu niệm Nam Mô A Di
Đà Phật ra, không cho khởi biệt niệm, tức là không được suy tính một việc gì
khác, mà chỉ luôn luôn niệm.
Nếu vọng tưởng đã khởi lên rồi, không cho
đè nén vọng tưởng, không cho kìm chế vọng tưởng (ý nghĩ, tư tưởng tự nhiên khởi
lên trong đầu óc); không cho đè nén trừ diệt vọng tưởng (cố đè nén không cho tư
tưởng khởi lên), vì đè nén kìm chế vọng niệm dễ bị căng thẳng, nhức đầu; không cho buông bỏ vọng tưởng (phải biết vọng tưởng
khởi lên), vọng tưởng khởi lên bao nhiêu cũng được, nhưng phải biết nó khởi lên
và biết nó không thật. Khi niệm Phật thì chính câu Nam Mô A Di Đà Phật làm cho
vọng tưởng không khởi lên được.
Để trừ bớt sinh khởi vọng tưởng, chúng ta
nên tu tuệ ở chỗ quán tâm, tu phúc ở nơi vạn hạnh; quán tâm lấy niệm Phật làm
bậc nhất, vạn hạnh lấy cúng dường Tam Bảo làm trước tiên, hai điều ấy bao gồm
hết thảy. Mọi sinh hoạt hàng ngày khởi tâm động niệm đều là vọng tưởng, gốc của
sinh tử, nên chuốc lấy quả báo khổ; bây giờ đem tâm vọng tưởng đổi thành niệm
Phật thì mỗi niệm đều là hạt giống của nhân Tịnh độ, đó là quả báo vui. Khi
vọng tưởng bị tiêu diệt, niệm Phật không gián đoạn, ánh sáng của tâm hiển lộ,
trí tuệ hiện tiền thì thành tựu Pháp thân Phật.
Đừng đuổi tìm hư danh, đừng chấp vào cái
thấy không, đừng ham cao siêu huyền diệu, chớ cầu hiệu nghiệm nhanh chóng, vọng
tưởng trông mong ngoài tâm có Phật đến đón, như vậy dễ đưa đến các việc ma; thường
lấy niệm Phật làm chính hạnh, dùng sự cố gắng tu các điều lành làm trợ hạnh.
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT
MỤC 6:
CHUẨN BỊ HÀNH TRANG
I) – TRÁNH BA NGHIỆP, XẢ BỎ.
Kiểm
điểm kỹ lưỡng khiến lỗi chẳng sinh về thân, khẩu và ý.
1)- TRÁNH BA NGHIỆP:
a) – VỀ THÂN :
Về thân, tránh làm tổn hại các loài, tránh
những gì không cho mà lấy, tùy khả năng bố thí cúng dường, không mong cầu danh
lợi, đền đáp, đối với vật chất (sắc) tâm không nhiễm trước đam mê điên
đảo.
b) – VỀ MIỆNG: Lời nói
và ăn chay:
– LỜI NÓI: Chúng ta muốn nhổ
sạch hư vọng, dứt trừ gốc sinh tử phải thực hành 4 thật ngữ, do Đại-Sư Vĩnh-Gia
dạy, đó là các lời: Như thật, Ngay thẳng, Hòa hợp, Dịu dàng, phân ra như sau:
1 – Lời Như thật hay trừ lời nói dối, có hai thứ:
–
Sự thật: Có nói có, không nói không, phải nói phải,
quấy nói quấy.
–
Lý thật: Tất cả chúng-sanh đều có Phật tánh, Niết-Bàn thường trụ.
2 – Lời Ngay thẳng hay trừ lời thêu dệt, có 2 thứ:
– Nói đúng pháp: khiến cho người nghe tin hiểu rõ ràng.
– Nói đúng lý: khiến cho người nghe trừ hết nghi lầm.
3 – Lời Hòa hợp hay trừ lời hai lưỡi, có 2 thứ:
– Sự hòa hợp: Thấy người đấu tranh can gián khuyên nên xả bỏ.
– Lý hòa hợp: Thấy người thoái tâm
Bồ-đề ân cần khuyên tấn vỗ về.
4 – Lời Dịu dàng hay trừ lời hung ác, có 2 thứ:
– Lời an ủi: khiến cho người nghe vui vẻ gần gũi.
–
Lời thanh nhã: khiến cho người nghe yêu thích tu tập.
– ĂN CHAY.
Ăn thịt tạo nghiệp sát sanh, rất
trái với lòng từ bi bình đẳng, khiến cho tâm trí con người mờ tối, gây bệnh hoạn,
tăng trưởng tham lam, sân hận, dâm dục. Ăn thịt gây nghiệp báo, đền trả oán thù
chồng chất không có ngày kết thúc, khiến dòng sinh tử ngày càng nặng chìm xuống
cõi thấp. Đối với người tu, việc ăn chay rất cần thiết cho lòng từ bi bình đẳng
của mình, nếu chưa thể ăn chay trường, thì cũng nên ăn chay giữ đúng theo ngày Âm
lịch:
–
Hoặc 2 ngày: Mồng một và rằm (15)
–
Hoặc 4 ngày: Ngày 1, 8, 15, 23.
–
Hoặc 6 ngày: Thêm ngày 14, 30.
–
Hoặc 10 ngày: Thêm ngày 18, 24, 28, 29.
Dù chưa ăn chay trường được, cũng nên mua
thịt cá làm sẵn, chớ có sát sanh trong nhà hoặc bảo người sát sinh. Cố gắng bỏ
tâm thích ăn thịt cá và thay vào bằng tâm thương xót chúng sanh.
c) – VỀ Ý:
BUÔNG
BỎ.
Do niệm tà làm nhân duyên hay sinh ra
muôn điền ác, nhờ chính kiến, chính tư duy làm nhân duyên hay khởi lên vạn điều thiện.
Người niệm
Phật cần phải buông bỏ tất cả, xa lià mọi thứ phan duyên như viết văn làm thơ,
đọc sách báo xem tiểu thuyết, coi truyền hình nghe truyền thanh, coi văn nghệ
dự đại hội, bàn chuyện chính trị chiến tranh, nói chuyện triết-lý văn-chương; xa
lià những thói quen vô ích như bàn chuyện người khác, khen chê yêu ghét, đẹp
xấu đúng sai, vinh nhục phải trái.
Cũng chẳng nên nói chuyện qúa khứ xa xưa
(qúa khứ đã qua, đã mất, mà chúng ta cứ sống với cái đã mất, chính chúng ta
đang sống mà như đã chết), hội họp bàn luận mưu kế, tụ tập ủng hộ, biểu tình
phản đối; lại cần phải từ bỏ thói hư tật xấu như đánh cờ đánh bạc, rượu chè
tranh cãi, giận thù gây lộn v.v..
Tất cả đều phải ít nhất là giảm đi, nếu
ngưng được, chấm dứt được, rời bỏ được thì tốt biết mấy, để có thời giờ và tâm
trí vào việc niệm Phật; nên nhớ tất cả những sự vui vẻ, sung sướng, khoan
khoái, thích thú chỉ là hoa đốm giữa hư không, bọt bóng nổi trên mặt nước, nó
cũng chỉ như ánh chớp trong không trung, tất cả chỉ có trong khoảnh khắc rồi
biến mất, không lâu, không nghĩa lý gì cả.
Người niệm Phật chân chính cũng lại phải
biết chịu đựng sự quấy phá rầy rà, cam được sự đạm bạc thiếu thốn, nhẫn được sự
nóng lạnh ruồi muỗi ồn ào, giữ được sự bình thản trước mọi cư xử tốt xấu, đảm
đương được việc nặng nề lao nhọc, quên được danh lợi, bỏ được ái ân.
Lại còn cần phải đối với tất cả nơi tâm
chẳng trụ vào các tướng (hình dáng), trong các tướng ấy chẳng sinh lòng yêu
ghét; chẳng tưởng đến việc lợi hại nên hư, chẳng thấy cái dở của người (kể cả
cái hay cũng vậy), chẳng bị thanh sắc mê hoặc, chẳng khởi lòng căm thù tức bực
giận hờn, phải một lòng trong trắng ngay thật.
II) – KHÔNG
YÊN VỀ SỐNG CHẾT.
Việc lớn sinh tử là từ vô lượng kiếp về
trước (vô thủy) trôi lăn trong sáu nẻo luân hồi đến ngày hôm nay, nếu không tu
để vãng sinh, sẽ còn tiếp tục trôi nổi mãi mãi cho đến muôn vàn kiếp sau (vô
chung).
Bởi vậy ngày nay phải lấy chí khí quyết
định đem hết cuộc đời còn lại này làm giới hạn, chỉ cần ở tất cả chỗ đều nắm
chắc một câu niệm Phật, ở tất cả lúc chẳng buông bỏ gián đoạn, người niệm Phật
phải có thân tâm chẳng yên, nội tâm luôn luôn lo lắng; bởi vì người dụng công
niệm Phật biết rằng việc lớn niệm Phật chưa tới nhất tâm thì không yên tâm
được.
Ta muốn lià khổ mà không dụng công niệm
Phật thì không được. Ta muốn cứu độ chúng-sanh mà không niệm Phật lại càng
không được, vì thế cho nên mỗi khi đánh mất công phu niệm Phật, lòng ta lo lắng
sợ hãi không yên.
Người xưa nói:
“Niệm Phật không bí quyết chỉ cần sinh
tử thiết”,
Lời này là cội gốc của sự học đạo, xưa
các bậc tiền bối chí bền hạnh thiết niệm siêng, chẳng để một chút gián đoạn,
chẳng phải do thầy hay bạn cảnh sách, mà bởi cội gốc của các Ngài chỉ là cái
chí nguyện thống thiết sinh tử chưa giải quyết xong.
Khi tình cảm nổi dậy thì trí-huệ bị che
lấp, tư tưởng biến đổi (tưởng nhớ, suy nghĩ việc này qua việc khác), thân thể
cũng theo đó mà biến dạng; nếu muốn cho bất cứ lúc nào tình chẳng sinh, bất cứ
chỗ nào tưởng chẳng biến, cần phải đem việc lớn sinh tử để ở trong lòng, lo
lắng việc giải quyết vấn đề sống chết, nếu chết đi sẽ không giải quyết được
nữa.
Bởi vậy tình vừa muốn sinh liền bị nó
ngăn, tưởng vừa toan muốn biến liền bị nó chặn; chỉ cần một việc lớn sinh tử
chưa giải quyết xong luôn luôn ở trong lòng để lấp bít ý căn.
Khi ta đem việc sinh tử vô thường ra để
suy nghĩ xem thì thấy trên các mộ bia ngoài nghĩa-địa rất ít người sống trên
100 tuổi, có ít người sống từ tuổi 90 tới 100, có nhiều người hơn chỉ sống từ
trên 75 tới 90. Lại có nhiều người hơn nữa chỉ sống từ 60 đến 75, nhưng cũng có
những người sống chưa tới tuổi 60, 50, 40, và ngay cả chưa tới tuổi 30, nghĩa
là những người chết có đủ các lớp tuổi, và chẳng ai biết mình sẽ sống tới tuổi
nào. Nếu cái nghiệp của mình đã tạo từ những kiếp trước khiến mình sống được
dài lâu kiếp này sẽ còn nhiều thời giờ; ngược lại, nếu có nghiệp xấu, khi cái
chết đến sớm biết phải làm sao (?); lại phải qua một kiếp nữa trôi lăn, biết
kiếp nào mới ra khỏi vòng luân hồi khốn khổ.
Cái chết không lựa già trẻ, sang hèn,
tài nghệ, thế lực… Thân này là chỗ hợp của các nhân duyên sầu khổ, nếu cho
rằng thân mình trẻ ít tuổi còn sống lâu là ngu si. Thân là do 4 đại tụ họp cũng
như bốn con rắn độc, tuy cùng nhau tụ lại mà không hẳn là hợp; từ khi sinh ra
đến khi già, cái chết lúc nào cũng rình rập, thế mà yên ổn được sao?
Như cổ nhân có nói:
“Có người chết từ trong bụng mẹ chưa sinh ra, có người chết khi đang
sinh ra, có người chết khi còn bú, có người chết khi còn trẻ, có người chết
trong tuổi thanh xuân,, có người chết ở tuổi trung niên,, có người chết mãi khi
về già, vậy tất cả mọi thời gian đều là cảnh chết cả”.
Có
một lần Đức Phật cầm một hòn đất và nói với Tôn-Giả A-Nan-Đà, thị giả của Phật
rằng: “Số người được trở lại làm người
như hòn đất này, so với số người chết nhiều như số đất của đại địa”.
Xem thế đủ hiểu không dễ gì được
trở lại làm người, một điều chúng ta cần phải biết và nhớ kỹ trong lòng, ngay
cả khi được trở lại làm người nhưng nếu gặp phải cha mẹ theo ngoại đạo, hay cha
mẹ có tà kiến không tin theo Phật đạo, sẽ không có cơ hội gần gũi Phật pháp.
III) – CHÁN TA BÀ, ƯA CỰC
LẠC:
Để chuẩn bị hành trang
cho việc tu Pháp Môn Tịnh Độ, chúng ta cần để ý các điều xấu xa tệ hại bất công
v.v… đáng chán trong cuộc sống hiện tại để so sánh với sự tốt đẹp đáng ưa của
cõi Cực Lạc. Lúc nào cũng chán nản nỗi
khổ sinh tử ở Ta Bà, ưa nhớ niềm vui Tinh độ, có làm việc gì tốt thì hồi hướng
vãng sanh, xấu thì sám hối nguyện cầu vãng sinh. Việc này sẽ gây cho tâm tư chúng ta một định hướng rõ ràng
trong việc tu hành, vấn đề chia làm hai phần như sau:
1) – VỀ CẢNH (Y BÁO):
Về cảnh, khi chúng ta
thấy các nơi rác rến dơ bẩn, hoặc sông rạch ao tù nước đọng, bãi rác hôi thối bốc
lên, chúng ta nhớ ngay tới cảnh Ao tám nước công đức cõi Cực Lạc rộng lớn mênh
mông, sen mọc hàng hàng lớp lớp, mùi thơm nhẹ nhàng thanh tao phảng phất. Lúc
đó, chúng ta nghĩ: “Ở đây đáng chán, Cực Lạc đáng ưa” và thầm nghĩ hoặc nói
thành tiếng để chính mình nghe: “Con nguyện sinh sang Tây Phương Cực Lạc”.
Hoặc khi thấy mấy con
chim lạ tuy sặc sỡ đẹp đẽ, cũng chẳng phải là đẹp và hoàn hảo như chim cõi Cực Lạc,
vì chim ở đây do tội báo sinh ra có đủ thứ tính xấu, lại luôn luôn tìm bắt giết
hại côn trùng. Đó là chưa nói tới nhiều loài chim bắt loài chim khác ăn thịt.
Thấy thế rồi sinh chẳng ưa vì không thể so sánh được với chim cõi Cực Lạc không
do tội báo sinh ra, nếu muốn ngắm chim đẹp ta nguyện sinh sang cõi Cực lạc tha
hồ ngắm chim đẹp lạ thường, lại được vô số lợi ích khác nữa.
Hoặc khi chúng ta thấy
những khu nhà tồi tàn ổ chuột sập sệ, đường hẻm ngõ ngách chật hẹp tối tăm thiếu tiện nghi,
chúng ta so sánh với các lâu đài cung điện cõi Trời đã là một trời một vực rồi,
huống hồ là cung điện cõi Trời còn thua cung điện ở Cực Lạc. Vì vậy khi thấy
cảnh nhà tồi tàn ổ chuột hẻm ngõ chật hẹp sinh ra chán, chúng ta liên tưởng tới
lâu đài cung điện nguy nga đồ sộ sinh ra ưa thích thầm nói: “Con nguyện quyết
sinh sang cõi Cực Lạc.”
Ngay cả những khu biết
thự khang trang nhà cao cửa rộng, như những nước tiên tiến Âu Mỹ giàu có, biệt
thự, cung điện, lâu đài to lớn, cũng chẳng thể so sánh với các cung điện, lâu
đài cõi Trời, chứ đừng nói là so sánh với Lâu Các cõi Cực Lạc là tối thắng. Chúng
ta lại nói: “Con nguyện sinh về Cực Lạc, không ở đâu bằng, ở đó là tối thắng”
Hoặc đi qua tiệm vàng bán
hột xoàn thấy các thứ bày trong tủ, chúng ta nghĩ: “Vàng bạc kim cương trong
tiệm chỉ một dúm có đáng là bao, so với Cực Lạc chỗ nào cũng có vàng, đáy ao
bằng vàng, trên vàng là kim cương to nhỏ đầy rẫy, chỉ cần lấy tay bốc một bốc
là đầy tay kim cương”. Nghĩ vậy rồi nên lại phát nguyện: “Con nguyện nhất định
sinh sang cõi Cực Lạc”.
Hoặc khi nghe thấy mấy người chen lấn mua
vé, bán vé chợ đen ca kịch, chiếu bóng, ta nghĩ ngay tới những màn trình diễn đều là dính mắc
tham sân ái dục, chẳng phải cởi mở ràng buộc, đáng chán, không có lợi ích cho
sự thoát khỏi sống chết. Chẳng thể so sánh với cõi Cực Lạc, có gió nhẹ thổi
động các hàng cây báu và mành lưới báu, làm vang lên tiếng vi diệu, ví như trăm
thứ nhạc đồng hòa chung, người nào nghe tiếng đó tự nhiên đều sinh tâm vui vẻ, nghĩ
như vậy, chúng ta lại phát nguyện được sinh về Cực Lạc.
2) – VỀ NGƯỜI (CHÍNH BÁO):
Ở cõi Ta Bà này, đức
Phật Thích Ca đã nhập Niết Bàn từ lâu rồi, đức Phật Di Lặc chưa hạ sinh, mặc dù
còn giáo Pháp của Phật để lại, nhưng có thắc mắc điều gì cũng khó biết hỏi ai
cho chắc chắn, dù có Tăng Ni đó, nhưng cũng khó tìm được người trí thực sự. Do
đó ở cõi này hiện tại không thể bằng cõi Cực Lạc có Phật A Di Đà, có hai vị Đại
Bồ Tát Quan Âm, Thế Chí, rồi còn biết bao nhiêu Bồ Tát, A La Hán, Thanh Văn,
Thượng thiện nhân không thể tính đếm hết, đó là nỗi ưu tư của chúng ta như thế,
nên phải phát nguyện sinh về cõi Cực Lạc để được dẫn dắt tu hành cho chắc chắn.
Khi chúng ta đến chợ
hoặc gặp đám đông cãi nhau hoặc gây sự đánh lộn, hoặc đi xe thấy sự tranh đường
đi chèn ép nhau, giành chỗ đậu xe, ta nghĩ: “Chán cõi người
này quá, không biết nhường nhịn lẫn nhau, hơi một tí là gây sự với nhau như thế”,
chúng ta nghĩ ngay đến cõi Cực Lạc vui vẻ biết thương nhau như anh em cùng nhà,
rồi phát nguyện muốn được sinh sang Cực Lạc có đời sống không ô hợp như ở đây
nữa.
Hoặc khi bị bạn bè
người thân phản trắc, chúng ta khởi nghĩ: “Cõi
này phần nhiều là như vậy, xảy ra nhan nhản việc như thế ở mọi nơi, nên đầy đau
khổ, cõi Cực Lạc đâu có như thế, toàn là bậc Thượng nhân đáng kính đáng quý đối
với nhau như khách quý, chứ đâu có việc phản trắc. Ta nhất định nguyện sinh
sang Cực Lạc để thoát cảnh xấu xa này.”
Hoặc vì sinh kế làm ăn
vất vả cũng không đủ đâu vào đâu, chúng ta khởi nghĩ: “Cõi này làm việc cực khổ suốt đời lo lắng cũng không đủ, dù cho tới
chết cũng vậy thôi, ta quyết định vãng sanh Cực Lạc, ở đó muốn ăn có ăn, muốn
uống có uống, đầy đủ không thiếu chi cả. Chỉ nghĩ muốn ăn gì, muốn uống gì,
muốn mặc như thế nào đều tự nhiên có sẵn như có người bưng đến hầu mình vậy;
ngay cả dọn dẹp rửa bát đũa nấu cơm cũng không phải làm, vì các thứ ấy tự hiện
ra và biến đi khi ta dùng xong, thật khỏe làm sao, sướng quá trời”. Có ai
dại gì mà không muốn sống sung sướng như thế chứ, nên ta phải nhất định qua đó
mới thỏa lòng mong muốn.
Hoặc ta thấy người được
đi đây đí đó ra cái vẻ “Đi du lịch” chỗ này chỗ kia, chúng ta coi đó là “đồ
bỏ”, không nghĩa lý gì, không bằng một phần nhỏ nào khi ta sang cõi Cực Lạc
rồi, mỗi ngày từ sáng sớm tới giờ ăn sáng khoảng vài giờ là ta đi hết 10 phương
đến các cõi Phật có vô lượng cảnh, gặp vô lượng Phật, cúng dàng các Ngài được
vô lượng công đức, xong trở về vẫn kịp bữa ăn.
Hoặc khi ta thấy cảnh
người ốm đau bệnh hoạn, người không đủ giác quan, kẻ tàn tật khổ sở, người chết
yểu, chết vì rủi ro tai nạn, v.v… Lại thấy vô số kẻ tà kiến không tin luân
hồi nghiệp báo, nên làm ác khắp thế giới, như thế làm sao có thể ham nổi thế
giới ngũ trược này được? Chúng ta nguyện sinh về cõi Cực Lạc không có các cảnh
khổ như thế, tất cả đều hóa sinh từ hoa sen ra đầy đủ giác quan khỏe mạnh và
nhất là sống sung sướng lâu vô lượng kiếp.
Hoặc khi thấy tu các
pháp môn khác không thích hợp với mình mà muốn cho chắc ăn, chúng ta phát
nguyện tu Pháp Môn Tịnh Độ, được Chư Phật hộ niệm, khi sinh sang đó rồi không
bị thoái chuyển, không bị đọa lạc, dù mau hay lâu cũng chỉ một đời là thành
Phật. Như thế thì ai mà chẳng nguyện cầu mong muốn sinh sang cõi Cực Lạc?
Muốn nguyện thiết niệm
siêng, chúng ta luôn luôn nhớ các điều nêu ra ở trên, mỗi lần gặp nghịch cảnh
nên nhớ ngay cõi Cực Lạc và trong ý nghĩ thầm nguyện hay nói thành tiếng: “Con
nguyện sinh sang Tây Phương Cực Lạc”. Mỗi khi nguyện như thế là khơi động lòng
chán ngấy cõi khổ, kích đông tâm tha thiết muốn sinh sang Cực Lạc, chứ không
phải khơi động lòng tức giận đâu, mà chỉ là chán cõi uế ưa cõi Tịnh, để tâm ta
luôn luôn hướng đến cõi Cực Lạc, như vậy việc niệm Phật của chúng ta mới dễ đưa
đến niệm thiết được vậy.
Điểm quan trọng là trong mọi hoàn cảnh, dù
công việc cấp bách, nói năng, đi lại, chúng ta vẫn âm thầm nhớ đến Phật A Di
Đà, nghĩ đến cảnh Cực Lạc rõ ràng; nếu lãng quên phải nhiếp tâm trở lại, lâu
dần thành thói quen tự nhiên thường nhớ nghĩ như thế, như vậy sự cách Phật và
cõi Cực Lạc sẽ không còn xa nữa, và sự vãng sinh sẽ được chắc chắn vậy.
Có người cho rằng: Phân chia Tịnh độ, uế
độ; bỏ uế lấy Tịnh đều thuộc vọng tưởng, đâu đáng gọi là chân tu.
Đó chẳng phải sự lấy bỏ trong vọng tưởng
của thế gian, mà chính là phương pháp của Chư Phật trong mười phương để chuyển
phàm thành Thánh; nếu chẳng chán nản rời bỏ, làm sao chuyển phàm, nếu chẳng ưa
thích chọn lấy, làm sao thành Thánh? Từ phàm phu trở lên, mỗi địa vị đều có sự
lấy bỏ, mãi đến bậc Diệu Giác mới hết lấy bỏ, vì thế cho nên, bậc cao đức thuở
xưa nói: “Chỗ tột cùng của lấy bỏ và
không lấy bỏ chẳng khác nhau”, như thế, sao có thể gọi là chẳng phải chân
tu?
Vả
lại, nên biết chân tục không hai, lặng lẽ, tác dụng vô ngại, thì trọn ngày lấy
bỏ mà chẳng thấy có tướng lấy bỏ, tin sự lấy
bỏ cùng không lấy bỏ vốn chẳng khác nhau; Ngài Duy Ma Cật nói: “Tuy biết pháp của chư Phật cùng chúng sinh
rỗng không mà thường tu Tịnh độ giáo hóa chúng sinh”, đó là nói về ý này.
Đại Sư Triệt Ngộ nói: “Truyện vãng sanh ghi chép tướng lành lúc lâm
chung rất nhiều, hàng hàng lớp lớp, lẽ nào lại lừa gạt người hay sao? Tin như
thế rồi nguyện ưa thích Tịnh độ thiết tha; lấy niềm vui ở cõi Cực Lạc, xem rõ
nỗi khổ nơi Ta bà, tâm chán lià như muốn ra khỏi lao ngục trông về niềm vui Cực
Lạc. Tóm lại, ví như ngưòi khát nghĩ đến uống, đói nghĩ đến ăn, bệnh nghĩ đến
thuốc hay, trẻ thơ nghĩ đến mẹ; như tránh kẻ thù đang bức bách giết hại,
v.v…Nếu có thể khẩn thiết như thế, tất cả cảnh duyên chẳng thể dẫn dắt được.”
Đại Sư Hành Sách cũng nói: “Người tu Tịnh độ xem ba cõi như nhà lửa ngục
tù siềng xích, xem thanh sắc như rắn độc, thuốc độc, xem địa vị danh vọng như
gông cùm, xem sự thông thoát và sự cùng đường trong cuộc đời như giấc mộng hôm
qua, xem cuộc sống trong cõi Ta Bà như ở nơi quán trọ; vừa lòng hay không cũng
được, chỉ dành thời gian nhất tâm niệm Phật mà thôi; nếu đưọc như thế mà không
vãng sinh Tịnh độ, thì Chư Phật đều thành ngưòi nói dối sao?”
3)- SỰ KHÁC BIỆT GIỮA HAI
CÕI:
Bồ-tát Long Thọ nói: “Tu hành trong cõi Ngũ trược gọi là khó, như người què đi trên đường hiểm
trở, một ngày chẳng đi quá mười dặm; tu hành ở Tịnh độ gọi là dễ, như kẻ phàm
phu nương vào sức mạnh của Bồ Tát, trong một ngày đi khắp bốn thiên hạ”.
Nay đem mười điều khó ở cõi Ta-bà để so sánh
với mười điều dễ ở Tịnh độ:
1. Ta-bà khó gặp Phật. Phật Thích-ca đã diệt
độ, tà pháp mạnh mẽ; Cực Lạc thì Phật A Di Đà hiện đang làm giáo chủ.
2. Ta-bà mạt pháp nhiễu nhương, có nhiều
ngoại đạo, dù bàn Phật pháp nhưng đa số nghiêng lệch sai lầm; Cực Lạc có Phật
và Bồ-tát, nước, chim, cây rừng thường tuyên thuyết Diệu pháp.
3. Ta-bà bạn bè tà ác, mong cầu lợi dưỡng,
làm mê lầm người tu hành đọa vào ba đường ác; Cực Lạc có Quán Âm, Thế Chí làm
bạn thù thắng và các bậc Thượng thiện nhân ở chung một nơi.
4. Ta-bà có các loài ma não loạn, phá hoại
chính pháp; Cực Lạc tuy có Thiên ma nhưng đều hộ trì chánh pháp, giúp người tu
hành mau được thành tựu.
5. Ta-bà luân hồi trong sáu nẻo, như bánh xe
xoay vòng không có ngày dừng nghỉ; Cực Lạc thì hoa sen hóa sinh, không còn luân
chuyển trong đường sinh tử khổ đau.
6. Ta-bà qua lại theo nghiệp chịu quả báo,
dù sinh lên cõi Trời nhưng khó tu; Cực Lạc thì danh từ của ba đường ác còn
không nghe, huống chi là có thật.
7. Ta-bà trần duyên ác hại, thường làm
chướng ngại đối với việc xuất thế; Cực Lạc thì lầu vàng điện ngọc, áo đẹp cơm
ngon đều làm phương tiện trợ giúp tu hành.
8. Ta-bà con người sống trăm năm nhưng phần
nhiều chết yểu, thời gian mau chóng, đại đạo khó thành; Cực Lạc thì tuổi thọ
của chúng sinh ngang bằng với Phật, vô lượng thọ.
9. Ta-bà tu hành phải đoạn trừ thấy sai (kiến
hoặc), nghĩ sai (tư hoặc) mới có thể được Bất thoái chuyển. Người mới tu ở Ta
Bà khó tránh khỏi sự thoái chuyển đọa lạc; Cực Lạc thì chúng sinh khi sinh về
đó đều vào Chính định nên không còn thối chuyển.
10. Ta-bà thờì xa Phật người tu hành trải
qua nhiều kiếp khó thành; Cực Lạc thì chỉ một đời thường theo Phật học, tiến
thẳng đến đạo tràng, thành tựu đạo giác ngộ Vô Thượng.
Mười điều khó và dễ nói trên đây, cách xa
nhau như trời với đất; nếu nương nhờ vào duyên thù thắng thì được sự lợi ích, người
tu hành nên chọn lựa!
IV)- DUYÊN CẢN, CHỌN CÁCH
TU:
1) – DUYÊN CẢN TRỞ:
Nếu: hành giả không niệm cho
quen từ trước, tới khi sắp qua đời (chết) bị nghiệp báo xuất hiện phá cản, lúc
đó hành giả sẽ khó có thể niệm được 10 niệm nhất tâm.
1 – NGHỊCH DUYÊN:
Tất
cả những duyên cản trở đều do nghiệp phiền não, nghiệp chướng tạo ra, nếu biết
nhẫn nại chịu đựng thì cũng sẽ qua cả. Các việc nằm mơ thấy cảnh dữ, hoặc nhức
đầu đau bụng, ngứa ngáy ho khan, ngáp dài hắt hơi v.v…, thường là do chướng
nghiệp chướng duyên; có người bị gia đình phá hoại ngăn cản, có kẻ bị bệnh tật,
bị nói xấu vu oan, không đáng chê lại bị chê v.v…
–
Trong tập Đường Về Cõi Tịnh của Diệu
Ngọc Hứa Sa Muồi viết rằng: Có 10 hạng người khi lâm chung không niệm Phật
được như sau:
01-
Nghiệp khổ bức bách, không yên để niệm.
02-
Không gặp bạn lành, không ai khuyên niệm.
03-
Trúng phong cứng họng, không niệm được.
04-
Cuồng loạn mất trí, không thể chú tâm niệm.
05-
Gặp nạn lửa, nước, mất điềm tĩnh niệm.
06-
Gặp ác thú độc trùng hại, mất bình tĩnh.
07-
Bạo bệnh hôn mê qua đời, không kịp niệm.
08-
Trúng thương chết giữa quân trận không kịp niệm.
09-
Khi sắp chết bị bạn ác phá hoại lòng tin.
10-
Tai nạn chết đột ngột, không thể niệm được.
–
Trong Niệm Phật Thập Yếu của Thầy Thích
Thiện Tâm trang 255 có ghi 10 chướng
duyên làm cho không niệm Phật được là:
01-
Thân đau bệnh.
02-
Gặp hoạn nạn.
03-
Sự tu học bị ngăn trở.
04-
Khi lập hạnh tu, ma chướng phá.
05-
Mưu sự thất bại.
06-
Bạn bè phản phúc lãnh đạm.
07-
Nhiều kẻ chống đối.
08-
Làm ơn mắc oán.
09-
Người mưu chiếm lợi danh.
10-
Chịu nỗi oan ức.
Mười điều trên dùng “không cầu” phá trừ để tu.
2 – THUẬN DUYÊN:
Thuận duyên là những sự khen ngợi, sự giúp
đỡ, v.v… Cảnh thuận duyên tuy là tốt, nhưng cũng là chướng đạo, cần phải ý thức,
vì nếu không nhận thức nó sẽ âm thầm làm người tu thoái đạo mà không biết; thuận
duyên còn đưa đến sự ham thích, kiêu ngạo, sẽ bị đời lôi cuốn vào các việc đời
phiền phức, sẽ đưa tới vướng vào chướng nghiệp.
2) – LỰA CHỌN CÁCH TU:
Người tu Pháp Môn Tịnh Độ niệm
Phật A Di Đà, cần phải đọc kỹ, chọn lựa cách tu, ghi nhớ những việc cần phải
làm trước khi bắt đầu thực hành, có 4 phương pháp tu như sau:
1 – THIỀN TỊNH: Thiền Quán, niệm Phật
Niệm Phật là chính,
thiền quán là phụ, đây là Thiền Tịnh song tu như hổ (cọp) thêm cánh, nhưng lấy
vãng sanh làm mục đích chính, ngộ đạo là tùy duyên, ngộ được thì tốt, còn không
ngộ cũng không sao; trong 16 pháp quán tưởng, người niệm Phật chọn một pháp
quán tưởng thích hợp nhất mà hành trì song song cùng niệm Phật. Như vậy được
chắc chắn hơn, và được vãng sinh ở phẩm bậc cao.
Hành giả cứ thế quán tưởng mãi mãi cho đến
khi mở mắt nhắm mắt vẫn thấy cảnh quán như trước mắt, mỗi ngày nên thiền quán
hai ba giờ hoặc hơn tùy ý; tỷ dụ Quán hình tượng Phật A Di Đà, hành giả đến bàn thờ Phật, nhìn hình Phật màu vàng, có đủ các tướng
tốt, cúi đầu lễ lạy tôn kính như Phật hiện trước mặt, nhìn cho thật kỹ từ đầu
tới chân, phải nhìn mãi cho nhớ kỹ. Lúc nhìn hình tượng phải cung kính như nhìn
Phật thật, lúc nào cũng phải tưởng nhớ như Phật ở trước mặt, dùng hương hoa
cung kính lễ bái và nghĩ rằng Ngài biết tất cả những việc mình làm. Ngoài thời
gian quán tưởng như thế, thời gian còn lại dùng vào việc niệm Phật A Di Đà.
2 – GIÁO TỊNH: Tụng
Kinh, niệm Phật:
Tụng Kinh là phụ, niệm Phật
A Di Đà là chính. Tùy chọn tụng các Kinh như: A Di Đà, Kim Cang, Bát Nhã Tâm
Kinh, Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, Phổ Môn, Phổ Hiền Hạnh Nguyện.
Người niệm Phật chọn
Kinh nào thích hợp nhất mà tụng mỗi ngày song song với niệm Phật, công đức tụng
Kinh không phải là nhỏ; người chọn Phương pháp tụng Kinh niệm Phật, mỗi ngày một
hai giờ tụng Kinh, thời gian còn lại dùng vào việc niệm Phật A Di Đà.
3 – MẬT TỊNH: Trì Chú,
niệm Phật
Niệm Phật A Di Đà là chính,
trì Chú là phụ, các Chú: Bảy Phật diệt tội, Vãng Sanh Thần Chú, Đại Bi Chú, Quán
Âm Linh Cảm Chân Ngôn. Người chọn trì chú niệm Phật phải học thuộc lòng các bài
Chú trước khi bắt đầu thực hành, người
chọn phương pháp Trì Chú niệm Phật, hàng ngày dành thời giờ trì chú một hay hai
giờ tùy ý, công đức trì chú rất lớn. Thời giờ còn lại dùng vào việc niệm Phật A
Di Đà.
4 – THUẦN TỊNH: Trì danh niệm Phật:
Người tu phương pháp Trì Danh niệm Phật
này chỉ chuyên môn niệm một câu “Nam Mô A Di Đà Phật”, không cần quán tưởng khó
khăn. Chỉ có niệm Phật A Di Đà mà thôi, không xen một thứ nào
khác, đây là hạnh thuần tịnh.
Bốn cách trên, cách nào
cũng được cả, tùy theo hành giả thích hợp cách nào thì chọn làm theo cách ấy
một cách chuyên bền tới cùng, và đọc cho kỹ trước khi chọn cho mình một cách tu
thích hợp nhất.
MỤC 7:
THỰC HÀNH
HÀNG NGÀY
(Còn tiếp)
Discussion about this post