THERAVADA – PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY
PHÂN TÍCH GIỚI TỲ KHƯU (TẬP 2)
Người dịch: Tỳ-Khưu Indacanda
Nhà xuất bản Tôn Giáo Hà Nội 2005
LỜI GIỚI THIỆU
(Được hiệu đính lại từ bài viết năm 2009)
Tạng Luật (Vinayapitaka) được chia làm 3 phần chính là Suttavibhanga (Phân Tích Giới Bổn), Khandhaka (Hợp Phần), và Parivãra (Tập Yếu). Trong đó Suttavibhanga (Phân Tích Giới Bổn) gồm có hai bộ là Pãrãjikapãli và Pãcittiyapãli. Suttavibhaúga sẽ được in làm ba tập:
– Pãrãjikapãli được in thành một tập tức là Phân Tích Giới Tỷ Khưu tập 1, ký hiệu là TTPV tập 01 (TTPV là từ viết tắt của Tam Tạng Song Ngữ Pãli – Việt).
– Pãcittiyapãli được in thành hai tập là Phân Tích Giời Tỳ Khưu tập 2 (TTPV tập 02), và Phân Tích Giới Tỳ Khưu Ni (TTPV tập 03).
Hai tập Phân Tích Giới Tỳ Khưu tập 1 và Phân Tích Giới Tỳ Khưu tập 2 trình bày chi tiết đầy đủ 227 điều học của tỳ khưu được xác định nhờ vào dòng chữ kết thúc “bhikkhuvibhango nitthito,” với nghĩa Việt là “Phần phân tích giới bổn của tỳ khưu được chấm dứt.” Vì thế hai tập này còn có tên gọi chung là Bhikkhuvibhanga..
Đây là Phân Tích Giới Tỳ Khưu tập 2 (TTPV tập 02) với nội dung như sau:
- 92 điều học Pãcittiya
- 4 điều học Pãtidesanĩya
- 75 điều học về Sekhiya
- 7 pháp dàn xếp tranh tụng (adhikaranasamathã dhammã).
Cũng cần nhắc lại là Chú Giải Tạng Luật có tên là Samantapãsãdikã được thực hiện do công của Chú Giải Sư Buddhaghosa. Phụ thêm vào đó còn có Sớ Giải (Tikã) tên là Sãratthadĩpanĩ nhằm phân tích về những điểm cần phải giải thích thêm hoặc chưa được đề cập ở trong Chú Giải (Afthdkatha). Tác giả của Sớ Giải này được ghi nhận là vị tỳ khưu trí tuệ tên Sãriputta, thuộc nhóm Mahãvihãra (Đại Tự) ở Sri Lanka. Việc làm này được thực hiện theo lời yêu cầu của đức vua Parakkamabãhu I (1153-1186).
Cũng cần nói thêm là văn bản Pali – Roman trình bày ở đây đã được phiên âm từ Tam Tạng ghi chép bằng mẫu tự Pãli – Sinhala thuộc ấn bản Buddha Jayanti Tripitaka Series của nước Sri Lanka. Nhân đây, chúng tôi cũng xin thành tâm tán dương công đức của Ven. Mettãvihãri đã hoan hỷ cho phép chúng tôi sử dụng văn bản đã được phiên âm sẵn đang phổ biến trên mạng internet. Điều này đã tiết kiệm cho chúng tôi nhiều thời gian và công sức trong việc nhận diện mặt chữ và đánh máy; tuy nhiên việc kiểm tra đối chiếu lại với văn bản chánh cũng đã chiếm khá nhiều thời gian.
Về phương diện dịch thuật và trình bày văn bản tiếng Việt, như đã trình bày ở tập Luật trước, chúng tôi giữ nguyên từ Pãli của một số thuật ngữ không dịch sang tiếng Việt ví dụ như tên các điều học pãrãjika, sanghãdisesa, hoặc tên của các nghi thức như là lễ Uposatha, lễ Pavãranã, v.v… Ngoài ra cũng có một số từ không tìm ra được nghĩa Việt như trường hợp tên các loại thảo mộc. Thêm vào đó, chúng tôi cũng đã sử dụng dạng chữ nghiêng cho một số câu hoặc đoạn văn nhằm gợi sự chú ý của người đọc về tầm quan trọng của ý nghĩa hoặc về tính chất thực dụng của chúng. Riêng về các câu kệ ngôn, chúng tôi đã ghi nghĩa Việt bằng văn xuôi nhằm diễn tả trọn vẹn ý nghĩa của văn bản gốc.
Về văn phong của lời dịch, chúng tôi chủ trương ghi lại lời tiếng Việt sát theo văn bản gốc và cố gắng không bỏ sót từ nào không dịch. Lời văn tiếng Việt của chúng tôi có chứa đựng những mấu chốt giúp cho những ai có ý thích nghiên cứu Pãli thấy ra được cấu trúc của loại ngôn ngữ này. Việc làm này của chúng tôi không hẳn đã được hoàn hảo, dẫu sao cũng là bước khởi đầu nhằm thúc đẩy phong trào nghiên cứu cổ ngữ Phật Học của người Việt Nam. Tuy nhiên, một số sai sót trong quá trình phiên dịch đương nhiên không thể tránh khỏi, chúng tôi xin chịu hoàn toàn trách nhiệm về trình độ yếu kém.
Nhân đây, chúng tôi cũng xin chân thành ghi nhận sự quan tâm chăm sóc trực tiếp hoặc gián tiếp đối với công tác phiên dịch của chúng tôi về phương diện vật thực bồi dưỡng và thuốc men chữa bệnh của các vị hữu ân sau: Phật tử Phạm Thu Hương (Hồng Kông) và Phật tử Ngô Lý Vạn Ngọc (Việt Nam). Công việc soạn thảo này được thông suốt, không bị gián đoạn, chính là nhờ có sự hỗ trợ cấp thời và quý báu của quý vị. Thành tâm cầu chúc quý vị luôn giữ vững niềm tin và thành tựu được nhiều kết quả trong công việc tu tập giải thoát và hộ trì Tam Bảo.
Một điều thiếu sót lớn nếu không đề cập đến sự nhiệt tình giúp đỡ của Phật tử Tung Thiên đã sắp xếp thời gian để đọc qua bản thảo và đã đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc giúp cho chúng tôi tránh được một số điểm vụng về trong việc sử dụng từ ngữ tiếng Việt.
Chúng tôi cũng xin thành tâm tùy hỷ và tán dương công đức của các thí chủ đã nhiệt tâm đóng góp tài chánh giúp cho Công Trình Ấn Tống Tam Tạng Song Ngữ Pãli – Việt được tồn tại và phát triển, mong sao phước báu Pháp thí này luôn dẫn dắt quý vị vào con đường tu tập đúng theo Chánh Pháp, thành tựu Chánh Trí, chứng ngộ Niết Bàn, không còn luân hồi sanh tử nữa.
Chúng tôi xin thành kính tri ân công đức của Ngài Hòa Thượng Ven. Devahandiye Pannãsekara Nãyaka Mahãthera, tu viện trưởng tu viện Sri Jayawardhana- ramaya Colombo 8 – Sri Lanka, đã cung cấp trú xứ và các vật dụng cần thiết giúp cho chúng tôi có thể tập trung toàn thời gian cho công việc thực hiện tập Luật này.
Cuối cùng, ngưỡng mong phước báu phát sanh trong công việc soạn thảo tập Kinh này được thành tựu đến thầy tổ, song thân, và tất cả chúng sanh trong tam giới. Nguyện cho hết thảy đều được an vui, sức khỏe, có trí tuệ, và tinh tấn tu tập ngõ hầu thành đạt cứu cánh giải thoát, chấm dứt khổ đau.
Kính bút,
ngày 15 tháng 02 năm 2009
Tỳ Khưu Indacãnda (Trương Đình Dũng)
Pārājikapāḷi & Phân Tích Giới Tỳ Khưu I (2004, 2008) (Pdf. 5.3 Mb)
Xem toàn bộ:
Trọn Bộ Bản Dịch Về Tạng Luật Pāli (9 Tập) Tỳ Khưu Indacanda
Discussion about this post