ÔN ĐÃ RA ĐI (1)
Chúc Phú
Con nhận được hung tin khi đang dự lễ Vu lan ở một ngôi chùa miền quê
nghèo nắng, gió. Khi đóa hồng vàng vừa được gắn lên ngực thì dòng cảm xúc đã
chực chờ trong đôi mắt của con. Cố nén cảm xúc chảy ngược vào trong, con ráng
bình tâm để chủ trì lễ hội rằm tháng Bảy, ai đó đâu biết rằng lần đầu con chủ
lễ mà trong lòng pha chút tán loạn, phóng tâm.
Con chưa từng được kề cận Ôn trong nghĩa hiện
thực cụ thể, và cũng không may mắn được ngồi dưới giảng đường do Ôn trực tiếp
giảng dạy và bảo ban. Con chỉ là kẻ học đạo sơ cơ, đứng ở xa và cố hình dung ra
dáng vẻ oai nghiêm của Ôn qua những tác phẩm mà con có duyên may gặp gỡ. Với
con, Ôn là Thái sơn, là Bắc đẩu, là học giả, là tác gia của nhiều tác phẩm mà
con luôn ngưỡng vọng, nương nhờ. Con viết về Ôn trong nhịp thổn thức của một
viễn đồ, được gián tiếp thọ ơn Ôn qua kinh văn, sách vở.
“Mỗi khi con đọc lại những trang kinh Nikaya, thì khi ấy con
chợt nhận ra Ôn vẫn còn đây,
mênh mang trong cuộc sống này”
Ấn tượng đầu tiên về Ôn khi con lần đầu được
đọc tác phẩm Trước sự nô lệ của con người. Dù chưa thể lĩnh hội nội dung
trong lần đầu tiếp cận, nhưng cảm giác khoáng đạt về tầm mức tư duy, chí nguyện
dấn thân phụng sự, cũng như nhân cách phiêu nhiên của một bậc xuất sĩ, được thể
hiện qua ngòi bút, đã thôi thúc con tìm đọc những tác phẩm tiếp theo.
Với con, ấn tượng về Ôn in dấu mạnh mẽ nhất
là những bộ kinh Nikaya đồ sộ mà Ôn đã cần mẫn phiên dịch trong nhiều năm. Thuở
đầu nhập đạo, con đã từng xem các bộ kinh ấy như những ngọn núi ở quê nhà mà
mỗi chuyến đi về, con đã cố tìm đường tránh để vượt qua. Mãi cho đến một hôm,
bỗng dưng con chợt nhận ra, tại sao mình không thử rong chơi một chuyến, biết
đâu non cao cách trở còn ẩn khuất nhiều lương vị bên trong.
Kính lạy giác linh Ôn!
Ôn đừng chê con phước mỏng, nghiệp dày vì đã
hơn một lần con nản lòng, thối chí, khi không thể đọc tiếp những trang kinh cứ
lâu lâu lặp lại một lần; văn cảnh thì rời rạc, khô khốc và chẳng thu hút những
kẻ xem việc đọc sách như một thú vui tao nhã dành cho những người nặng nghiệp
như con. Cho đến một hôm, con chợt nghĩ về Ôn qua một tác phẩm của Ôn viết về
ngài Huyền Tráng, và cảm xúc hôm nọ về Kinh tạng Nikaya một lần nữa trở lại
trong con.
Quán niệm về sự nhẫn nại, bền bỉ, khổ công mà
Ôn đã bỏ ra khi phiên dịch kinh điển, đã giúp con tăng thêm sức mạnh để vượt
qua những cảm giác ngán ngại, ủ ê, nhàm chán khi đọc Kinh tạng Nikaya. Từ đây,
con đã đọc kinh Nikaya một cách chậm rãi, con đã thong thả gặm nhấm như một
loài bò sát, con đã nghiền ngẫm từng đoạn kinh mà Ôn đã cân nhắc khi phiên
dịch, từng câu chữ ít dùng mà Ôn đã trân trọng và mạnh dạn sử dụng lần đầu trong
khi phiên dịch kinh văn. Một thoáng liên hệ mở ra, khi con nghĩ về kho tàng
dụng ngữ Phật học nước nhà, cũng như vốn từ vựng tiếng Việt đã được bổ sung một
dung lượng không nhỏ, do những nỗ lực của Ôn trong khi phiên dịch và trước tác
kinh văn.
Đọc sâu,
con đã phần nào nhận ra tâm và tầm của Ôn qua những trang kinh Nikaya sống động
và nhờ vậy rung động khi đọc kinh điển Nguyên thủy là cảm xúc được trải nghiệm,
khi con đọc kỹ Kinh tạng Nikaya. Thẩm quyền cũng như ảnh hưởng về Kinh tạng của
Ôn ở Việt Nam quá lớn, lớn đến nỗi khi nói đến kinh điển Nikaya, đúng ra phải
xem đó là kinh văn do Phật thuyết; nhưng một nếp nghĩ không chính thức đã định
hình, khi gắn kèm và liên hệ với tên tuổi của Ôn!
Ôn giờ đã
thong dong và an nhiên miền phương ngoại, nhưng với con, Ôn vẫn còn và như mãi
quanh đây. Vì lẽ, mỗi khi con đọc lại những trang kinh Nikaya, thì khi ấy con
chợt nhận ra Ôn vẫn còn đây, mênh mang trong cuộc sống này.
Chúc Phú
(1) Ôn ở đây là HT.Thích Minh Châu, bậc cao tăng trong thời hiện đại.
Discussion about this post