NHỮNG ĐỨC TÍNH
CỦA NHÂN CÁCH TRẦN NHÂN TÔNG
Nguyễn Thế Đăng
Vua Trần Nhân Tông (1258-1308) là một
nhà kinh bang tế thế vừa là một vị Tổ đã sáng lập dòng Thiền Trúc Lâm của Việt
Nam. Mãi đến ngày nay sự ca ngợi ngài trong toàn dân Việt Nam càng lan rộng. Có
thể nói, ngài là người Việt Nam lý tưởng nhất, cổ xưa nhất (vì gần giống với
Đức Phật và các đệ tử Phật cách thời ngài gần 2000 năm) đồng thời cũng hiện đại
nhất (vì hiện giờ những nghiên cứu về ngài càng lúc càng nhiều).
Chúng ta cần học tập nhà vua-thiền sư
Trần Nhân Tông. Để có thể làm một người Việt Nam chân chánh, đúng nghĩa, đúng
truyền thống, và để có thể là một người Việt Nam đóng góp cho đất nước và cho
thế giới trong thời đại toàn cầu hóa. Học tập những đức tính làm nên nhân cách
của ngài, những đức tính của một người Việt Nam lý tưởng.
Trong một bài viết, chúng ta không
thể liệt kê hết những đức tính đó và những dẫn chứng để chứng minh nơi ngài có
những tính cách đó. Chúng ta chỉ xếp những đức tính đó thành hai hạng mục: tự
hoàn thiện và hoàn thiện cho người. Để dẫn chứng, chúng ta không thể lấy hết
những gì ngài đã nói, đã viết, đã làm, mà chỉ trích dẫn từ tác phẩm Cư trần lạc đạo phú của ngài.
1/ Tự hoàn thiện
Từ rất nhỏ cho đến cuối đời, không
lúc nào ngài không đi dưới ngọn cờ tự hoàn thiện, ngọn cờ của sự điều ngự thân
tâm để trở thành bậc Chiến Thắng. Một trong những danh hiệu của ngài là Điều
ngự Giác hoàng. Điều ngự là điều phục, chế ngự, chiến thắng những cái xấu ác
trong lòng mình. Đạo đức Phật giáo không chỉ có ý nghĩa thế gian để làm một
người tốt, một quân tử, mà còn để giải thoát, để xuất thế gian. Chẳng hạn, nó
không chỉ nhắm đến hiền từ, khiêm nhường, khoan dung… mà còn đi sâu đến cái căn
bản của những đức tính trên, là vô ngã. Nói cách khác, đạo đức học không đứng
một mình mà liên quan trực tiếp đến nhận thức luận, bản thể luận… đến sự thấy biết
rõ ràng thực tại.
Chẳng hạn ai cũng thấy tham, sân, si,
kiêu mạn, đố kỵ, nghi ngờ… là những tật xấu. Những tật xấu ấy quá mức sẽ phạm
đến luật pháp của xã hội. Luật pháp là nền tảng công bằng và trật tự của xã hội
con người. Nhưng với Phật giáo, những tật xấu ấy không chỉ phạm đến luật pháp,
mà còn phạm đến con người sâu xa đích thực của chính người có những tật xấu ấy.
Con người sâu xa đích thực của mỗi người chính là ánh sáng trí huệ và sự vô
ngại của từ bi. Những tật xấu đó không chỉ làm hại xã hội, mà trực tiếp làm hại
chính mình; chúng che đậy, phủ tối con người đích thực của mình là trí huệ và
đại bi.
Ham học tập, yêu thích con đường
hướng thượng, ước muốn tự hoàn thiện là đặc tính đầu tiên của nhân cách Trần
Nhân Tông: “đọc kinh sách” (Hội 1), “xem tạng giáo” (Hội 4), “hỏi Đại thừa, hỏi
Tiểu thừa” (6) “học đạo thờ thầy” (6), “xem kinh đọc lục” (8), “say đạo đức”
(10)…
Thực hành tự hoàn thiện là “tự xét
thân tâm, cầm giới hạnh” (2) “sửa mình” (3), “tu thân” (8), “ chuyển hóa ba độc
tham sân si” (4)…. Một thân tâm mà chứa quá nhiều cái độc tham sân si… thì thân
tâm ấy mất an vui, khổ đau. Mà người nhiều khổ thì sẽ làm cho người khác khổ.
Khi những cái xấu là những che chướng
đã được dứt trừ, thì thực tại hiện bày. Tâm thanh tịnh thì thấy thực tại thanh
tịnh:
“Dứt trừ nhân ngã thì ra
tướng thật Kim Cương. Dừng hết tham sân mới làu lòng mầu Viên Giác” (2).
Một tai họa lớn nhất của thân phận
con người là chấp ta (ngã), chấp người (nhân). Càng phân biệt ta-người, càng
chỉ thấy có ‘ta và cái của ta’ là quan trọng, còn ‘người khác và cái của người
khác’ là thứ chẳng ra gì, thì cuộc đời thành ra giành giật, chiến tranh, làm
hại. Muốn dứt trừ nhân ngã, phải huy động toàn bộ Phật giáo, tức là không chỉ
có giới hạnh, mà còn định và huệ. (Trí huệ soi thấy tánh Không của ta và của
người). Tu tâm là tịnh hóa tâm thức, loại bỏ những cái xấu ác, ươm trồng những
cái thiện lành: “Rèn lòng làm Bụt, chỉ cần chuyên nhất dồi mài. Đãi cát kén
vàng, còn lại phải nhiều phen lựa lọc” (8).
Càng dứt trừ nhân ngã thì càng thấy
thật tướng Kim Cương. Càng thấy thật tướng Kim Cương thì ngã nhân càng tiêu.
“Dừng ba
nghiệp mới lặng thân tâm. Đạt Một Lòng
thì thông Tổ giáo” (6).
Khi những thứ chấp ngã, ích kỷ với
những thói quen tham sân si, kiêu mạn, đố kỵ đã lặng nơi thân tâm, thì chính
nơi thân tâm này mặt trăng Một Lòng xuất hiện, những lời dạy của chư Tổ về thực
tại được thông hiểu. Khi ấy, thay vì cứ loay hoay suốt đời trong một cái tôi
nhỏ hẹp, tâm hồn người ta trở thành rộng lớn để có thể bao trùm toàn bộ đời
sống với những đức tính vị tha, từ bi hỷ xả….
Tâm thanh tịnh đến đâu thì thế giới
hiện ra thanh tịnh đến đó:
“Tột cùng căn bản, rửa
trần duyên, chớ để mảy mún nào che trước mặt.
Xô ngả ngọn cờ kiêu mạn,
tri kiến tròn đầy, chớ cho còn tai họa núp trong cánh tay.
Buông lửa giác ngộ, đốt
tiêu hết rừng tà ngày trước.
Cầm kiếm trí huệ, quét
thành không tính thức xưa nay” (7).
Khi những tính khí xấu, những thành
kiến sai lầm, những cố chấp hư giả đã tan thì “tri kiến tròn đầy”, “tính sáng”
(2), “trí huệ” hiện ra. Khi ấy chính lòng này là Phật: “Chỉn Bụt là lòng” (3).
Khi ấy, người ta chứng biết thực tại tối hậu:
“Biết
Chân Như, tin Bát nhã, chớ còn tìm Phật, Tổ tây đông. Chứng thật tướng, ngỏ vô
vi, nào nhọc hỏi kinh thiền nam bắc” (4).
Chúng ta hãy nói một chút về trí huệ,
tính sáng, hay cái thấy biết tròn đầy này. Trí huệ hay tính sáng là cái thấy
biết bản tánh (thật tướng) của mọi hiện tượng, đồng thời thấy sự biến chuyển
theo duyên sanh của những hiện tượng. Nó cùng một lúc thấy biết bản tánh của
mọi hiện tượng là tánh Không (chân đế) và thấy biết thế giới hiện tượng (tục
đế). Thế nên vua Trần Nhân Tông đã rất sáng suốt (thông minh; minh là sáng,
thông là suốt) trong đạo cũng như trong đời.
Lúc ấy thì “thân Bồ đề, lòng gương
sáng” (9). Khi đã chứng biết “Tịnh độ là lòng trong sạch, chớ còn ngờ hỏi đến
Tây phương. Di Đà là tính sáng soi, nào phải nhọc tìm về Cực Lạc” (2), khi các
độc đã được chuyển hóa thì cuộc sống thường ngày hiện ra là cõi thanh tịnh của
Phật. Thanh tịnh vì nằm trong ánh sáng bình an và bình đẳng của tính sáng:
“Tham ái nguồn dừng,
chẳng còn màng châu yêu ngọc quý. Thị phi tiếng lặng, tha hồ nghe tiếng hót
oanh ngâm.
Chơi nước biếc, ẩn non
xanh, nhân gian có nhiều người đắc ý. Biết đào hồng rõ liễu lục, thiên hạ mấy
ai đã tri âm.
Nguyệt bạc trời xanh, soi
mọi chỗ sông thuyền lai láng. Liễu mềm hoa tốt, tột nhân gian huệ nhật khắp
trùm” (1).
Lúc ấy tất cả đời sống chỉ là Một Tâm
Chân Như thanh tịnh này:
“Nhận biết
làu làu lòng vốn, chẳng ngại bề thời tiết nhân duyên.
Chùi cho
vằng vặc tánh gương, nào có nhuốm căn trần huyên náo” (6).
Trí huệ thấu
hiểu bản tánh mọi sự là tánh Không (chứng lý) đồng thời biết sự xuất hiện của
những hiện tượng, biết sự đổi thay của những hoàn cảnh (tri cơ), do đó mà có sự
khôn khéo ở đời những vẫn an nhiên giải thoát:
“Chứng lý tri cơ,
cứng cát phải nạp tăng khôn khéo” (6).
2/ Hoàn thiện cho người
Khi hoàn thiện cho mình tới mức độ
khả quan, người ta tìm cách hoàn thiện cho người khác. Thậm chí sự tự hoàn
thiện và hoàn thiện người khác được tiến hành đồng thời. Sự hoàn thiện của cá nhân
và sự hoàn thiện của xã hội là đồng thời, vì cá nhân chẳng bao giờ tách lìa với
xã hội, và xã hội luôn luôn là môi trường để cho cá nhân tự hoàn thiện.
Hoàn thiện xã hội chính là sự hoàn thiện
cho cá nhân, và sự hoàn thiện của cá nhân kéo theo sự hoàn thiện của xã hội.
Huống gì ngài Trần Nhân Tông không
chỉ là một vị tăng mà còn đã từng làm Vua và Thái thượng hoàng.
Đức tính căn bản nhất khi hướng về
người khác để hoàn thiện cho họ, có nghĩa là để cho họ được hạnh phúc nhờ sự
hoàn thiện của họ, là từ bi hỷ xả. Con người hoàn thiện nhất là Đức Phật, và
đức tính quan trọng nhất của Đức Phật là từ bi: “Đức Bụt từ bi” (5).
Từ bi hỷ xả này không chỉ là những ý
niệm lý tưởng mà là những hoạt động thực tiễn trong cuộc đời, khiến cho xã hội
tiến bộ về cả vật chất lẫn tinh thần:
“Dựng cầu đò, dời chùa
tháp, ngoại trang nghiêm sự tướng hãy tu.
Săn hỷ xả, nhuyễn từ bi,
nội tự tại kinh lòng hằng đọc” (8)
Chúng ta cần chú ý đến hai chữ
“ngoại” và “nội” này. Ngài không chỉ là một người làm việc xã hội (ngoại), dầu
cao cấp đến bao nhiêu đi nữa, mà sự làm việc bên ngoài đó luôn luôn kết hợp với
một tâm tự tại do hằng đọc kinh lòng (Bát nhã Tâm kinh). Những hoạt động xã hội
là công việc của từ bi luôn luôn được kết nối với trí huệ quán chiếu tánh
Không. Từ bi và trí huệ là hai đức tính chính yếu của một người đi trên con
đường Bồ tát đạo. Thế nên, làm việc
phước đức rất nhiều, mà thật ra không có làm gì cả. Hiện thân làm một đức vua,
một bậc thánh mà thật ra không có ai là vua là thánh cả. Hai câu này lấy ý từ
Tổ Đạt Ma trả lời vua Lương Võ Đế, cũng nói lên “tâm tự tại” của ngài:
“Công đức toàn vô, tính
chấp si càng thêm lỗi.
Quách nhiên bất thức (vô
thánh), tai phàm ắt hãy còn vang” (9).
Ngoại là việc phước đức trong xã hội,
nội là việc trí huệ trong tâm. Phước chủ yếu nhắm đến sự hoàn thiện của người
khác, huệ chủ yếu nhắm vào sự tự hoàn thiện. Một người thật rõ biết, một thiện
tri thức thì gồm đủ cả hai cái:
“Phước huệ gồm no, chỉn
mới khá nên người thật biết” (8).
Phước huệ gồm no, tức là phước huệ
phá vỡ sự ngăn cách của đời sống bên trong với đời sống bên ngoài, cả hai trộn
lẫn làm một (“hòa quang đồng trần”, Huệ Trung thượng sĩ, thầy của vua Trần Nhân
Tông). Cá nhân và xã hội là một, đó là cái thấy và cuộc sống của Bồ tát:
“Sạch giới lòng, chùi
giới tướng, nội ngoại nên Bồ tát trang nghiêm.
Ngay thờ chúa, thảo thờ
cha; đi, ở vẫn trượng phu trung hiếu” (6).
Công việc của những bậc Giác ngộ,
những bậc Điều Ngự là từ bi và cứu độ:
“Cảm đức từ bi, để nhiều
kiếp nguyền cho thân cận
Đội ơn cứu độ, nát muôn
thân thà chịu đắng cay” (7).
Khi đã ngộ nhập sự thật tối hậu hay
thực tại tối hậu, “Vậy mới hay Bụt ở trong nhà chẳng phải tìm xa. Nhân quên bản
nên ta tìm Bụt, biết được rồi chỉn Bụt là ta” (5), thì ngài trả ơn Phật, Tổ
bằng cách “từ bi, cứu độ” người khác. Từ bi, cứu độ người khác bằng cách “khai
thị” sự thật ấy, thực tại ấy cho họ, để họ “ngộ nhập”.
Toàn bộ Hội thứ 9 là sự khai thị của
ngài cho người khác thực tại của Thiền, cũng là thực tại của toàn bộ đời sống:
“Vậy cho hay: cơ quan Tổ
giáo, tuy khác nhiều đàng, chẳng cách mấy gang.
Chỉ nói đến từ sau Mã Tổ,
ắt đã quên thuở trước Tiêu Hoàng…” (9).
Sự chỉ dạy trong suốt cuộc đời ngài
là do lòng từ bi, không nỡ để cho hàng hậu học đói khát, ruộng vườn tự tâm họ
bỏ hoang:
“Trà lão Triệu, bánh
Thiều Dương, bầy thiền tử hãy còn đói khát.
Ruộng Tào Khê, vườn Thiếu
Thất, chúng nạp tăng những để hoang vu” (9).
Hoàn thiện cho người khác, đó là một
bổn phận, một nghĩa vụ, một cam kết thủy chung của con người hoàn thiện:
“Nghĩa hãy nhớ, đạo chẳng
quên” (7).
“Đi, ở vẫn trượng phu
trung hiếu” (6)
“Tích nghĩa nhân, tu đạo
đức, ai hay này chẳng Thích Ca
Cầm giới
hạnh, đoạn ghen tham, chỉn thực ấy là Di Lặc” (4)
Có lẽ vua Trần Nhân Tông là người
Việt Nam đầu tiên nói đến nhân nghĩa quan trọng như thế nào đối với con người.
Về sau, Nguyễn Trãi cũng lấy phạm trù này làm chính nghĩa trong chiến tranh
chống quân Minh: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân, quân điếu phạt trước lo trừ
bạo” (Bình Ngô đại cáo). Chúng ta
thấy nhân nghĩa của vua Trần Nhân Tông hoàn toàn được hiểu theo Phật giáo, nhân
là đại từ đại bi, nghĩa là đại hạnh. Thế nên nó sâu rộng hơn nguyên nghĩa nhân
nghĩa của Khổng giáo nhiều.
Tóm lại, nhân cách Trần Nhân Tông gồm
ba trụ cột chính: Trí huệ, Từ bi, và Hạnh nguyện.
Trí huệ là tính sáng thấy rõ bản thể
và hiện tượng của mọi sự vật, thấy rõ đạo và đời, do đó sống và xử lý đúng đắn
mọi việc. Từ đó mà có những đức tính khác như khiêm hạ, nhẫn nhục, không tham
lam tranh đoạt, an hòa, khoan dung, không thành kiến cố chấp, bình đẳng…
Từ bi sanh ra hòa bình, không giết
hại, mong muốn điều tốt đẹp cho người, lấy sự an vui của người làm điều quan
trọng nhất, thương xót những người tăm tối, xấu số… Từ bi làm cho lòng trải
rộng, ôm lấy dân tộc và thế giới.
Hạnh nguyện sinh ra nghĩa lớn, sự cam
kết, trách nhiệm, trung thành, ý chí kiên định, làm lợi cho đời không mệt mỏi,
Hạnh nguyện càng lớn thì sự hoạt động, sự tranh đấu cho Chân Thiện Mỹ của mình
và của người khác càng lớn.
Chính sự tương tác hòa nhập của ba
đức tính lớn này cùng với những đức tính phát sinh từ ba đức tính ấy đã tạo
thành rất nhiều đức tính của một con người hoàn thiện, mà vua Trần Nhân Tông
gọi là một Bồ tát, hay hơn nữa, là Bụt, là Phật. Chính những đức tính này làm
cho đời và đạo hợp nhất, khiến cho cuộc sống diễn ra trong một hạnh phúc bất
tận: “Ở đời vui đạo hãy tùy duyên…”
Cuối cùng chúng ta có thể hỏi rằng:
Nếu tất cả những đức tính của vua Trần Nhân Tông đều lấy từ kho tàng mọi đức
tính của Phật giáo, thì ngài có gì khác với những Thiền sư khác, chẳng hạn như
Đạo Nguyên của Nhật Bản, hay Lâm Tế của Trung Hoa? Chúng ta có thể trả lời
rằng: Tất cả những đức tính của vua Trần Nhân Tông đều là những đức tính của
Phật giáo, nhưng vẫn có sự khác biệt vì ngài là người Việt Nam. Vì là người
Việt Nam, có những đức tính của người Việt Nam, trong những hoàn cảnh Việt Nam
nên có sự khác biệt giữa Trần Nhân Tông, một Bồ tát Việt Nam với những Bồ tát
của các nước khác. Cũng từ kho tàng mọi đức tính Phật giáo, nhưng vì là người
Việt Nam, vì hoàn cảnh Việt Nam, nên có được những đức tính thấm nhuần, được
vận dụng nhiều hơn để thành những đức tính của một người Phật tử Việt Nam.
Chẳng hạn, trước cuộc xâm lược của
quân Nguyên Mông, ngài nhẫn nhục cầu hòa dù sự cầu hòa là một hy sinh của bản
thân và hoàng gia họ Trần. Nhưng khi bắt buộc phải chiến tranh vì lòng dân muốn
thế (Hội nghị Diên Hồng), ngài lại rất anh hùng mà vô ngã, trực tiếp cầm quân
và đề ra chiến lược. Sau chiến thắng, ngài cho thả tù binh, cho đốt bỏ những
danh sách những người tránh đương đầu với giặc hay theo giặc… Chính vì là
người Việt Nam trong hoàn cảnh Việt Nam, ngài đã rút những đức tính trong kho
tàng Phật pháp để sống bằng một nhân cách Việt Nam nên ngài có cơ hội thể hiện
những đức tính của Phật tử Việt Nam và Phật giáo Việt Nam mà đời sau gọi là
Phật giáo nhập thế. Như vậy, ngài đã xiển dương những đức tính Phật giáo một
cách hiển hách trong cuộc sống đời đạo hợp nhất của mình.
Nhìn rộng ra với tất cả người Việt,
Phật giáo làm mạnh thêm những ưu điểm của người Việt và làm yếu đi những khuyết
điểm của họ. Điều đó đã xảy ra từ gần 2000 năm nay.
Một con người đã thành tựu dù trong
hoàn cảnh giới hạn của một đất nước nào đó, người ấy đã trở thành phổ quát để
trở thành con người cao cả của nhân loại. Người đó không chỉ là một con người
đã thành tựu của Việt Nam, mà còn là một con người đã thành tựu của thế giới.
Nơi người ấy tích hợp được hai con người, con người lý tưởng của Việt Nam và
con người lý tưởng của thế giới. Như vậy vua Trần Nhân Tông là một con người
Việt Nam lý tưởng đến tầm mức thế giới và đã đóng góp phần bản sắc Việt Nam vào
kho tàng trí huệ và từ bi chung của nhân loại.
Discussion about this post