5- Ngày thứ 5 (Bài thứ 4)
– Chiều ngày 20/6 ÂL
Chư sư và chư ni đang ngồi thiền trong khoá an cư kiết hạ 2015 tại
Huyền Không Sơn Thượng (ảnh: Huyền Không Sơn Thương)
Hôm nay mọi người vẫn còn đau nhức tê ngứa, buồn ngủ, phóng tâm… Thầy biết các con đã rất cố gắng để “chiến thắng” bản thân. Điều ấy là tốt. Tuy nhiên, các con có để ý là khi làm vậy là ta đã khởi lên một ước muốn, một sức ép nào đó – gốc của tham dục – lại tạo nên một xung đột với cái bình thường, cái như thường?
Thật khó để diễn đạt điều này nếu không sử dụng kiến thức Abhidhamma. Tại sao vậy! Có 2 năng lực các con ạ! Năng lực của tham, sân, si và năng lực của vô tham, vô sân, vô si. Khi muốn làm việc lành tốt là ta khởi vô tham, vô sân, vô si. Khi làm việc xấu ác là ta khởi tham sân si. Vô tham, vô sân, vô si là nhân của cõi người và cõi trời đầy đủ phước báu sang cả. Tham, sân, si là nhân của 4 đường đau khổ địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, a-tu-la. Cái cách mà thầy nói để tâm rỗng không, không dính mắc hôm qua là ta đang không có 6 nhân ấy; nghĩa là chúng ta đang tập lìa bỏ toàn bộ cõi Dục giới (Sắc giới, Vô sắc giới cũng có 3 nhân vô tham, vô sân, vô si). Lìa toàn bộ cõi Dục giới để tập thiền, tương tự như câu kinh văn Phật thuyết ở trong Tương Ưng bộ: “Rời dục, rời các pháp bất thiện, chứng đạt và an trú thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ”.
Thấy chưa? Chỉ để tâm rỗng rang không mà nó kỳ diệu như vậy đấy! Tuy nhiên, vô lượng chủng tử phiền não ở trong vô thức sâu kín, trong dòng chảy hữu phần (bhavaṅga – dòng sống) nó có để yên cho ta rỗng không chăng? Không dễ đâu. Chúng trào vọt ra, chúng đòi hiện hữu khi duyên cảnh. Và chắc chắn chúng sẽ phá hoại, không để ta yên đâu. Và cụ thể, chúng ta sẽ dễ thấy nhất là 5 triền cái, 5 triền cái là thuộc hạ, là bộ tướng của vô minh đấy!
Vậy muốn đi vào sơ thiền (sơ thiền chánh pháp – ly dục – chứ không phải sơ thiền ngàn xưa của bà-la-môn giáo) thì phải đối trị 5 triền cái. Đối trị 5 triền cái chỉ phát huy tác dụng triệt để khi 5 thiền chi xuất hiện. Nó tuần tự có sự đối trị như sau:
– Tầm đối trị với hôn trầm, thuỵ miên
– Tứ đối trị với nghi
– Phỉ đối trị với sân
– Lạc đối trị với phóng tâm
– Nhất tâm đối trị với dục.
Tầm là tìm kiếm. Trong Abhidhamma có đưa hình ảnh con ong bay đi tìm kiếm đoá hoa – hàm chỉ cho tầm. Nó sẽ nhất hướng bay do khứu giác nhạy bén biết hướng ấy có hoa, có nhuỵ, có mật. Cũng vậy, con ong là cái tâm, đoá hoa là số đếm hay hơi thở, đối tượng thiền. Tìm số đếm, tìm hơi thở cũng nhất tâm, nhất hướng như vậy. Chính năng lực của tầm nó dựng đứng, nó làm cho tỉnh thức hôn trầm, thuỵ miên. Giả dụ như khi ta đang tìm kiếm cái gì, tìm kiếm cái chìa khoá để quên đâu đó, tìm kiếm cái đinh ghim vừa rơi xuống sàn chẳng hạn. Khi đang tìm kiếm ấy, chúng ta không thể nào dã dượi, lừ đừ, buồn ngủ được; nghĩa là, tầm có khả năng chấm dứt hôn trầm, thuỵ miên, có phải không? Có ai làm thử không? Và thầy muốn mỗi người phải tự chứng nghiệm, thực nghiệm điều ấy.
Đến thiền chi thứ 2 là tứ. Khi thiền chi thứ nhất đã thuần thục, tìm kiếm số đếm hay hơi thở đã thuần thục rồi thì sẽ phát sanh thiền chi thứ 2. Tứ là để ý, là theo dõi, là quan sát. Abhidhamma nói rằng, khi con ong thấy đoá hoa rồi, nó bay quanh để quan sát đoá hoa ấy. Khi các con đếm số hoặc theo dõi hơi thở, đã theo sát được số đếm, đã theo dõi được hơi thở; bây giờ sang giai đoạn quan sát nó, bám sát nó không rời. Đừng cho buông lơi dầu chỉ một chút xíu thì thiền chi thứ 3 nó tự động phát sanh; ấy là định luật tự nhiên.
Thiền chi thứ 3 phát sanh, nó là phỉ. Đây là khi con ong quan sát đoá hoa, nó thò vòi vào tim hoa để hút nhuỵ. Phỉ hay hỷ, gọi hỷ cũng được, là những hiện tượng dễ chịu xẩy ra nơi thân. Nó có 5 hiện tượng. Có người phát sanh 1 hoặc 2; có người phát sanh luôn cả 5:
– Tiểu hỷ: Mọc ốc cả người, nổi da gà, rần rần cả người rất dễ chịu…
– Khinh hỷ: Nhẹ lâng lâng, có cảm giác như rời khỏi mặt chiếu, bốc lên khỏi toạ cụ…
– Quang hỷ: Thấy ánh sáng. Có thể ánh sáng toả ra trong mắt, nơi da hay ánh sáng nhay qua nhảy lại.
– Hải triều hỷ: Như cảm giác sóng chao, lắc lư qua lại rất dễ chịu…
– Sung mãn hỷ: Tẩm mát, no đầy cả người, mát rượi cả người.
Vậy, khi tứ thuần thục, dính khít đối tượng liên tục thì thân đã an. Do thân an nên thân sẽ phát sanh những hiện tượng trên. Và khi những hiện tượng này có mặt thì những cái gọi là đau nhức tê ngứa… nhân phát sanh tâm bực bội, khó chịu (sân) sẽ chấm dứt: Hỷ có mặt thì sân sẽ không có mặt! Đây mới chính là cách đối trị hiệu quả nhất, triệt để nhất. Còn những cách niệm như đã đề cập ở trên chỉ là cách đối trị tạm thời.
Vậy những ai thấy rõ điều này, chỉ cần chuyên nhất liên tục nơi số đếm, nơi hơi thở thì thiền chi hỷ sẽ phát sanh.
Tiếp theo, thiền chi thứ 4 là lạc, an lạc, đối trị với phóng tâm (gọi chung trạo cử, hối quá). Nếu hỷ là trạng thái dễ chịu ở nơi thân thì lạc là trạng thái dễ chịu, thích thú ở nơi tâm. Đây là khi con ong hút no nê mật rồi. Khi những hiện tượng hỷ phát sanh, cứ ghi nhận như thực, không thủ cũng không xả, cứ để nó đến đi tự nhiên thì lạc cũng sẽ tự nhiên phát sanh. Đây gọi là pháp lạc, đã có sự an lạc của pháp, nó thấm sâu trong nội tâm, xem như đã hoàn toàn được an trú, lúc này thì phóng tâm sẽ không còn nữa: Lạc đối trị phóng tâm.
Từ thiền chi thứ 4 là lạc, cứ an trú lạc tự nhiên thì ta sẽ dần dần đi vào nhất tâm. Nhất tâm có 2 giai đoạn là cận hành định và an chỉ định. Đây tương tự như con ong sau khi hút mật no nê nó nằm ngủ luôn trên cánh hoa.
Cận hành định còn ở cõi Dục nhưng an chỉ định đã vào cõi Sắc. Cận hạnh định là gần gần định, có thể diễn ra trong thời gian 1,2 giờ đồng hồ ta trú trong vắng lặng, mọi tham cầu, hy cầu, tham dục sẽ yên lặng, tĩnh chỉ. Vào an chỉ định là sơ thiền, thiền thứ nhất, đúng như câu kinh văn đức Phật thuyết ở trên trong Tương Ưng bộ: “Rời dục, rời các pháp bất thiện, chứng đạt và an trú thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ”.
Thấy chưa? Hôm nay thầy nói hơi dài, cũng cốt ý cho mọi người nắm bắt toàn bộ sự đối trị. Thầy nói lại, là ai đó còn đau nhức tê ngứa, buồn ngủ, phóng tâm… hãy biết rằng, phải liên tục bám sát số đếm, bám sát hơi thở. Và khi những thiền chi xuất hiện thì nó sẽ tự đối trị với những triền cái như đã nói ở trên.
– Tối ngày 20/6 ÂL.
Có người trình pháp với thầy, thầy hẹn sẽ trả lời tất cả. Có ba người trình pháp, 2 người trình pháp bằng miệng, 1 người trình pháp trong quyển vở chép tay.
Nhưng khoan đã. Tại sao vậy? Vì trong hội chúng có người đã từng tu thiền nhiều năm, có người quán minh sát, có người đang tu định. Vậy muốn nắm bắt cho rõ ràng thì mọi người nên cùng đi chung một đường, phải theo tuần tự thứ lớp trước đã. Thầy không bỏ quên ai cả. Có thể có một vài người thầy sẽ hướng dẫn riêng.
Hiện tại, trong hội chúng có người đếm số, có người theo dõi hơi thở. Tức là có người đang Sổ Tức môn, có người đang Tuỳ Tức môn, nói theo An Ban Thủ Ý. Sổ tức nói nhiều rồi, bây giờ sang tuỳ tức.
Tuỳ tức, theo dõi hơi thở, nương theo hơi thở cũng không dễ dàng gì! Ở đây có 2 bệnh chính. Người nhiều hôn trầm, thuỵ miên thì nương theo hơi thở một hồi rồi quên, rơi vào dã dượi, buồn ngủ khi khí trệ xuống đan điền. Người nhiều trạo cử, phóng tâm thì khi hơi thở ra đầu chót mũi thì nó phóng đi mất, chẳng biết tăm dạng hành tung, do khí thượng thăng. Nên nhớ là nó luôn chạy đi khi hơi thở ra. Nó không bao giờ phóng đi khi hít vô! Vậy thì để ý, chăm chăm chú chú khi thở ra, nhất là giai đoạn chuẩn bị hít vô. Thời gian từ khi thở ra và chuẩn bị hít vô là thời gian mà tâm hay bị phóng, lưu ý như vậy.
Quên hay phóng thì tìm cách cột nó lại. Hãy chú ý tướng hơi thở chạy vô chạy ra, từ mũi xuống đan điền và từ đan điền ra chót mũi. Để tâm liên tục hai chỗ đan điền và chót mũi. Vậy là cột 2 chỗ.
Nếu cột 2 chỗ mà nó vẫn chạy mất thì cột 3 chỗ. Trong Thanh Tịnh Đạo có đề cập đến cột 3 chỗ như cột bó củi. Bó củi mà cột 2 chỗ thì lỏng lẻo, phải cột 3 chỗ nó mới chặt. Cũng vậy, không những cột nơi đan điền (để tâm khi hơi thở xuống đó), cột nơi mũi (chú tâm khi hơi thở ra đến chót mũi) mà còn cột ở giữa, là nơi chỗ ngực nữa.
Tuy nhiên, mọi người hãy tuỳ nghi tìm cách riêng cho mình. Vì trong Thanh Tịnh Đạo còn đưa thêm ví dụ: Như người cưa cây, lưỡi cưa từ bên này sang bên kia thân cây, hơi đâu mà theo dõi cả 3 nơi, chỉ cần chú tâm vào một điểm là đủ quán xuyến hết rồi! Cho nên có người chỉ cần chú ý đến chót mũi, vì dù vô, dù ra, hơi thở cũng phải đi qua đấy!
Hơi thở vào ra nó tế vi quá, có người khó thấy, khó theo dõi. Vậy là chư vị thiền sư bèn nghĩ cách khác, vận dụng nó, sáng tạo nó sao cho việc theo dõi hơi thở có hiệu quả. Vì cần theo theo dõi hơi thở có hiệu quả thì những thiền chi sẽ phát sanh ngay. Và nếu thiền chi tuần tự phát sanh thì nó sẽ tự động đối trị với những chướng ngại.
Thiền sư Mahāsi Sayadow vận dụng phồng, xẹp. Khi hít vô, bụng phồng ra, ghi nhận phồng. Khi thở ra, bụng lép lại, ghi nhận xẹp. Phồng xẹp của cái bụng thì dễ thấy hơn hơi thở. Thế mà có người vẫn quên, không ghi nhận được. Thế là thiền sư dạy rằng, khi bụng phồng lên thì lấy cái tay mà ghi nhận phồng, khi bụng xẹp xuống thì lấy cái tay mà ghi nhận xẹp. Thật không có gì rõ ràng, dễ dàng và cụ thể như vậy nữa. Thế những vẫn có người than là quên mất, không nhớ được, không ghi nhận được. Thế là ngài thiền sư Mahāsi vận dụng thêm nữa.
Ngài đưa thêm 2 chỗ, ngồi và đụng. Ngồi là ghi nhận, để tâm nơi chỗ mình ngồi. Đụng là ghi nhận, để tâm nơi chỗ mình đụng toạ cụ. Vậy là có 4 chỗ: Ngồi, đụng, phồng, xẹp! 4 chỗ là chắc ăn phải không, cái tâm nó chạy đi đâu được!
Nói tóm lại, mọi người hãy tự vận dụng đi, và tự bản thân mỗi người sẽ thực nghiệm, chứng nghiệm điều ấy.
– Nếu tuỳ tức mà tâm không cột được, không an trú được thì đừng nói chuyện thiền định hay thiền tuệ.
– Nếu tuỳ tức mà cột tâm được, an trú được thì thiền chi hỷ sẽ phát sanh; và ta sẽ dễ dàng bước qua những thiền chi khác.
Nói theo 10 bức tranh chăn trâu là con trâu hoang dã đã chịu phép rồi đó!
Chúc chư hành giả thành công.
Discussion about this post