NHỊ NGUYÊN
Mãn Tự
Nhị Nguyên là Pháp rất sâu xa và tế nhị đối với những người tu học, vì nhận được ra nó thật là quá khó rồi thì nói gì siêu việt nó. Mà không vượt lên khỏi Nhị Nguyên thì muôn kiếp vẫn loanh quanh trong Tam giới không làm sao bước ra được.
Nhị Nguyên với người tu học hầu hết đều hiểu nghĩa của nó là hai mặt –là đối đãi. Tuy nhiên khi Tâm thức vươn lên đến một trình độ thanh tịnh nào đó thì khó mà nhận ra Nhị Nguyên; vì vậy hầu hết các vị tu hành lầm lẫn vì thức an trú mà tưởng rằng mình đã chứng đắc; nhưng thật ra vẫn còn lẩn quẩn trong vòng đối đãi mà không hay.
Nói chung tất cả thế gian pháp đều là Nhị Nguyên; tuy nhiên Nhị Nguyên cũng có nhiều tầng lớp: có thô, có tế, có động, có tịnh, có trong, có ngoài…v.v. Những người nhân gian không tu học thì sống trong Nhị Nguyên thô-động, còn những vị có tu học –có thiền định tùy theo thời gian, tùy theo định lực mà vào được Nhị Nguyên tế hay tịnh, cho đến cực vi tế hay cực tịnh. Cực vi tế Nhị Nguyên như những vị ngoại đạo thời Đức Thế Tôn thị hiện, những vị đó nhờ vào được cực vi tế Nhị Nguyên nên thấy biết được tám vạn bốn ngàn kiếp của hàm linh, hay biết được nguồn gốc phát sinh ra vạn vật. Còn cực Nhị Nguyên thì biết được sự lưu chuyển của Hành, hay có các vị tu học thời bây giờ do công phu thiền định có được cảnh giới cực tịnh mà nhận ra “tịnh chỉ lưu thủy” của Hành uẩn- ‘Tâm hành vì lưu chuyển quá nhanh không nhận ra nên tưởng nó đứng yên, hay như dòng nước vì chảy quá nhanh mà thấy nó đứng lặng’. Đó là một vài cảnh giới nhị nguyên điển hình mà người tu học rất khó nhận ra khi Tâm thức vươn lên đến cảnh giới đó.
Người tu học rất khó vượt lên cảnh giới Nhị Nguyên đối đãi như thế nào? Trong Kinh Lăng Nghiêm, Đức Thế Tôn chỉ cho ngài A-Nan về câu hỏi thân tâm điên đảo bằng cách đưa cánh tay lên và hỏi ngài A-Nan là “Chánh hay đảo”; đó là phương tiện của Thế Tôn dùng hai để giúp ngài A-Nan thất cái một. Tuy nhiên, dù đã chứng Tu-đà-hoàn quả, nhưng cái năng kiến –sở kiến chưa trừ nên ngài A-Nan dùng sở kiến để trả lời câu hỏi của Thế Tôn. Cũng câu hỏi này hơn một ngàn năm sau Lục Tổ Huệ Năng đã trả lời về phướng động hay gió động.
Còn cái năng kiến như thế nào? Đó là câu hỏi của ngài Phú-Lâu-Na “Cái thanh tịnh bản nhiên vì sao sinh ra sơn hà đại địa”. Ngài Phú-Lâu-Na nghi ngờ câu thanh tịnh bản nhiên của Đức Thế Tôn dạy, vì Ngài cũng thanh tịnh vậy mà tại sao sơn hà đại địa vẫn còn.
Thật ra, ngài Phú-Lâu-Na đánh đồng sự thanh tịnh của Ngài cũng như cái thanh tịnh bản nhiên của Thế Tôn dạy. Cái thanh tịnh bản nhiên Thế Tôn dạy là nó bản nhiên thường hằng không qua năng tác –sở tác hay tu học mà được. Còn cái thanh tịnh của ngài Phú-Lâu-Na là do tu học, do thiền định mà có và còn trong nhị nguyên vòng đối đãi. Cái không năng kiến của Ngài là do cái có của sở kiến, cái thanh tịnh của Ngài là do động loạn mà ra, cái minh của Ngài là do vô minh mà được. Tuy Ngài là A-La-Hán, nhưng cũng không thể nào diệt được sinh diệt để thấy tịch diệt hiện tiền; vì vậy Ngài nghi ngờ “Cái thanh tịnh bản nhiên vì sao sinh ra sơn hà đại địa”. Thanh tịnh và thanh tịnh bản nhiên tuy chỉ khác nhau có hai từ “bản nhiên” thôi mà thiên sai vạn biệt –nghĩa sai biệt bất khả tư nghị không thể luận bàn được.
Trong bộ kinh Duy-Ma-Cật, ngài Duy-Ma-Cật dùng cái bản nhiên bất nhị này giúp các vị A-La-Hán vượt qua sở đắc của các Ngài. Thí dụ như ngài Xá-Lợi-Phất là người trí tuệ bậc nhất trong hàng đệ tử của Đức Thế Tôn, nhưng trình độ công phu của Ngài vẫn còn trụ xứ chưa được tự tại, muốn được an lạc thanh tịnh phải tìm nơi thanh vắng nơi hang đá hay dưới gốc cây thiền định, muốn có trí tuệ phải quán chiếu tầm cầu. Nói chung, những gì các vị A-La-Hán sở đắc đều là hữu công dụng còn ở trong vòng đối đãi chưa thoát ra được. Cảnh giới thiền định như vậy tuy lìa sở tác mà năng tác vẫn còn; mà còn năng tác thì chưa thấy được tập khí, chưa qua được A-Lại-Da thức.
Để giúp các bậc sở đắc quả vị A-La-Hán thoát ra khỏi thế kẹt hai đầu hay Nhị Nguyên cùng cực vi tế nên Ngài Duy-Ma-Cật xuất hiện.
Này ngài Xá-Lợi-Phất! không nhất thiết phải ngồi như vậy mới nhập thiền định, mà dù hiện thân làm các việc phàm phu vẫn không xả đạo pháp đó mới thật là thiền định. Tâm không trụ trong cũng không trụ ngoài, không đoạn trừ phiền não mà vẫn đến Bồ đề, không đoạn trừ sinh tử mà vẫn nhập Niết bàn như vậy mới thật là thiền định….
Còn với các vị đại Bồ Tát thì Nhị Nguyên càng cực kỳ vi tế hơn nữa với lời kinh thâm diệu sâu xa –Thưa Ngài Di Lặc Bồ Tát; Đức Thế Tôn thọ ký cho Ngài còn một đời nữa sẽ chứng đắc Vô Thượng Bồ Đề, sự thọ ký đó là vào đời nào? Quá khứ, vị lai hay hiện tại chăng? Nếu quá khứ thì quá khứ đã qua, nếu vị lai thì vị lai chưa đến, còn nếu hiện tại thì hiện tại không dừng trụ không điểm mốc… Thật ra không có người phát Tâm Vô Thượng Bồ Đề, cũng chẳng có người thối thất… Vì Bồ Đề không thể chứng đắc được bằng thân hay bằng tâm. Tịch diệt là Bồ Đề, vì diệt các tướng. Không có quán là Bồ Đề vì lìa ngoài nhân duyên. Không hành là Bồ Đề vì dứt tuyệt nghĩ tường… Nếu những vị tu học đọc đoạn kinh này mà trình độ còn năng quán, sở quán –‘Sở quán là có chữ, có câu văn; năng quán là phân biệt nghĩa câu- văn từ’- thì chắc chắn vị đó đang tranh luận với ngài Duy-Ma-Cật chớ chẳng phải là Ngài nói với Di Lặc Bồ Tát.
Cổ đức có câu “Y kinh giảng thuyết tam thế Phật oan” là đoạn kinh thâm diệu này. Đức Thế Tôn thọ ký Di Lặc Bồ Tát một đời nữa chứng A-Na Tam Niệu Tam Bồ Đề. Thật ra Thế Tôn Như Lai thọ ký không phải thật, không phải hư. Không phải thật như thế nào? Các vị A-La-Hán, Bích Chi Phật vì có nghe bằng nhỉ căn thấy có người có âm thanh nên là thật. Còn không phải thật như thế nào? Là Di Lặc Bồ Tát không phải nghe bằng nhỉ căn mà nghe bằng tánh nghe nên không thấy có người nói, không có âm thanh, không có người thọ ký, không có người được thọ ký vì âm thanh bất khả đắc nên không thật.
Một Vị Bồ Tát được thọ ký là Vị đó đã viên mãn Bồ tát hạnh; đã thấy nhất thiết pháp vô phân biệt, đã rõ pháp giới vô sai biệt, đã biết chúng sanh bất khả đắc, đã biết các pháp vô tự tánh… phải đủ như vậy mới được Như Lai thọ ký.
Phải biết rằng thọ ký cũng có nhiều cấp độ. Thọ ký cho chúng sanh sẽ thành Chánh đẳng chánh giác vì tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, nhưng không nói thời gian. Thọ ký nhị thừa thành Bồ Đề thời gian tính bằng tinh tú kiếp. Thọ ký chư Bồ Tát tính bằng a-tăng-kỳ kiếp. Còn Di Lặc Bồ Tát, Thế Tôn thọ ký một đời nữa thành Vô Thượng Bồ Đề.
Một đời nữa là bao lâu? Di Lặc Bồ Tát đã viên mãm Bồ tát hạnh, đã chứng vô sanh pháp nhẫn nên với Ngài không còn thời gian tính. Chư Như Lai –Chư Đại Bồ Tát không quyết định. Di Lặc Bồ Tát có thể thọ sanh ở thế giới ta bà này vào ngày mai hay mười ngày, hay một năm sau hay trăm năm… Hay Ngài cũng thị hiện bất cứ lúc nào khi căn cơ chúng sanh thành thục nói chung và căn cơ thuần thục của các vị tu học nói riêng.
Với những gì ngài Duy-Ma-Cật nói với Bồ Tát Di Lặc không phải thật –không phải hư, cả hai Ngài đều tùy thuận mục đích duy nhất vì Tâm hai Ngài không khác, nên trong đó không có người nói, cũng không có người nghe vì cả Hai đều bất khả đắc.
Đoạn kinh Duy-Ma-Cật và Di Lặc Bồ Tát vô cùng thâm diệu nói lên tính chất siêu việt pháp môn bất nhị. Đừng nói những vị A-La-Hán còn mắc lấy Nhị Nguyên, mà cho đến Bồ Tát thọ ký nhứt sanh bổ xứ vẫn hoàn toàn chưa sạch hết vi tế và cực kỳ vi tế sở tri chướng. Cùng cực vi tế sở tri chướng rất khó nhận ra, cho đến khi ngồi đạo tràng mới hoàn toàn sạch hết. Tuy nhiên, vì để lợi ích lâu dài cho chúng sinh, Chư Đại Bồ Tát không cần dẹp phục vì nhờ nó mà các Ngài du hành trong ba cõi làm lợi ích cho chúng sinh.
Những người tu hành vì sợ sinh tử nên cầu Niết bàn, vì chán động loạn nên tìm thanh tịnh, vì chán ngu si nên cầu trí tuệ, vì chán sợ trần gian nên trông lên Cõi Phật … Tuy nhiên, dù có đến được những Cảnh giới đó thì cũng không ra khỏi Nhị Nguyên, vẫn loanh quanh trong vòng đối đãi.
Nhị Nguyên không thể diệt được, vì tu học mà diệt Nhị Nguyên thì trở thành ngu ngơ, thành không trơ. Từ xưa đến bây giờ, có nhiều vị tu hành vì quá sợ Nhị Nguyên mà diệt thọ tưởng định, lúc công phu viên thành thì gần như thành gỗ đá mất luôn ý thức, khi thân hoại mạng chung thì Vô tưởng thiên là cảnh giới, vô tri vô giác trong vô số tinh tú kiếp thời gian thì ý niệm mới lần lần phục hồi lại.
Nhị Nguyên không thể diệt, không thể bỏ, không thể lìa, không thể tránh, không thể trốn chạy nơi nào để khỏi nó –vì sao? Vì Nhị Nguyên là bất khả đắc, là vô tự tánh theo duyên mà khởi, do phân biệt đối đãi mà thành, tánh nó không thật như đứa con người đá. Vì vậy, khi ta khởi lên ý tưởng là bỏ hay diệt thì giống như câu nói của nhà Thiền: “Đầu mọc thêm đầu”.
Nhị Nguyên là Tâm thức, nhưng Tâm thức do mê mờ Chân Tâm mà ra. Nhờ có Tâm thức mà chúng ta được hiện hữu trong thế giới hữu tình này, vì vậy muốn thấy được thật tướng –thấy được Chân Tâm thì chỉ cần trừ đi sự ô nhiễm chớ đâu cần diệt, giống như chén bát đựng đồ ăn bị dơ ta chỉ cần tẩy rửa thì nó trở lại sạch sẽ như củ chớ không lẽ ta đập bỏ hết hay sao.
Trong kinh Giải Thâm Mật có nói lên ba cấp độ tu học còn lẫn quẩn trong vòng Nhị Nguyên, dù rằng mỗi cấp độ có thô, có tế, có cực vi tế. Cấp độ thứ nhất là các vị ngoại đạo, cấp độ thứ hai là các vị A-La-Hán, cấp độ thứ ba là các vị Bồ Tát từ sơ địa cho đến đệ thất viễn hành địa.
Thứ nhất, các vị ngoại đạo muốn biết thắng nghĩa các pháp mà bằng cách đem các pháp ra bàn luận, cân nhắc, phân tích, suy tầm. Bằng phương pháp đó kết quả là các vị ngoại đạo chỉ có những cái biết phức tạp, hỗn độn mâu thuẫn và bất định.
Thứ hai, Các vị A-La-Hán vì mỗi vị chứng đắc một pháp, từ tứ diệu đế, thập nhị nhân duyên, tứ đại, ngũ uẩn… và do sự chứng đắc chi phối mà xác định sự hiểu biết của mình. Tuy nhiên, chư Vị đó đâu biết rằng, những gì chư Vị đó sở đắc chỉ là một bộ vị của con voi mà thôi. Hơn nữa, các vị A-La-Hán nương vào căn tai để nghe và thu nhận pháp âm của Như Lai đem về tu học mà được, vì vậy chư Vị đó chỉ thanh tịnh được các năng duyên mà thôi. Còn cái sở duyên thì giống như câu hỏi của ngài Phú-Lâu-Na … Vì sao sanh sơn hà.
Để siêu việt thấu hiểu đặc tính phổ biến Nhị Nguyên, Đức Thế Tôn dạy: “Thiện Hiện Như Lai đã nói, cái thanh tịnh sở duyên nơi toàn thể năm Uẩn chính là Thắng nghĩa, cái thanh tịnh sở duyên nơi toàn thể mười hai xứ, mười hai nhân duyên, bốn đế, mười tám giới …”. Nói chung sáu căn tiếp xúc sáu trần mà không bị phân biệt dẫn dắt là siêu việt Nhị Nguyên. Còn không, dù có được cực tịch tịnh bên trong tới một mức độ nào đi nữa thì vẫn còn trong vòng đối đãi mà thôi- Vì sao? Với Chân như dù trong hay ngoài là bất nhị không hai vậy.
Thứ ba, các Vị Bồ Tát tu học từ sơ địa cho đến viễn hành địa thứ bảy chưa siêu việt được Nhị Nguyên thế nào? Cũng trong kinh Giải Thâm Mật, Bồ Tát Thiện Thanh Tịnh Huệ bạch Thế Tôn! Chính tại cõi này con từng chứng kiến một nơi có các vị Bố Tát đồng đẳng tu hành chính xác về địa vị Thắng giải hành, cùng ngồi với nhau chung nghĩ bàn Thắng nghĩa đối với các hành hoàn toàn là một hay khác nhau. Trong đó, một số nói Thắng nghĩa với các hành hoàn toàn là một; một số nói không phải các hành với Thắng nghĩa là một mà tuyệt đối khác nhau- “Hành ở đây là Hành uẩn trong ngũ uẩn”.
Phải biết rằng Hành uẩn vô cùng vi tế, người tu học đến đây rồi bị phân vân không còn biết đường nào tiếp tục nữa, vì có nhiều sự thấy biết mà chưa từng kinh qua. Kinh Lăng Nghiêm trong năm mươi cảnh giới mê lầm chỉ riêng về Hành uẩn Thế Tôn dạy!! A-Nan, người tu thiền định khi dứt được tưởng ấm, những mộng tưởng bình thường tiêu sạch thức ngủ thường như một chẳng còn đuổi theo trần cảnh, cái giác minh vắng lặng như hư không –‘Chỗ này là chỗ ngài Phú-Lâu-Na thủ chứng’- thấy các núi sông đất đai như bóng hiện trong gương, tùy duyên chiếu soi, ở đi đều không dính mắc, biết rõ ràng các tập khí xưa, cái nguồn gốc sanh diệt từ đây hiển lộ; Thấy khắp mười hai loài chúng sinh trong mười phương, dù chưa thông suốt manh mối từng loại, nhưng biết đều từ một nguồn gốc phát sinh ra giống như bụi trần lăng xăng, ấy là chỗ căn cứ địa của ngũ căn. Đây gọi là phạm vi của Hành uẩn…
Tu học muốn được Giác ngộ mà bỏ rời Nhị Nguyên hay diệt Nhị Nguyên thì không bao giờ có. Với Vị Giác ngộ đối với các pháp gọi là Nhị Nguyên thì Vị đó thấy không có gì gọi là Nhị hay Nhất cả. Thật ra không có pháp Nhị Nguyên mà chỉ có Tâm Nhị Nguyên. Giác ngộ với Nhị Nguyên giống như vàng với màu vàng không thể phân ra được, nếu mà phân ra được thì liền mất đi tính chất của vàng, vì là Bất Nhị, vì bất khả phân vậy.
Trong kinh Giải Thâm Mật, Đức Thế Tôn khai thị nghĩa đó! Thiện Thanh Huệ- Nếu Thắng nghĩa với các Hành là một thì đáng lẽ hành giả tu quán, thấy nghe hay biết các hành rồi sau đó không còn tìm biết Thắng nghĩa. Nếu Thắng nghĩa với các hành khác nhau, thì đáng lẽ người thấy Thắng nghĩa không thể trừ khử các hành, mà không trừ khử các hành thì không thể giải thoát tướng phược, không giải thoát tướng phược thì không thể giải thoát trọng phược, mà hai phược không giải thoát thì không thể chứng Niết bàn yên ổn; Cũng không thể chứng Vô Thượng Bồ Đề. Cho nên nói Thắng nghĩa với các Hành là một hay khác nhau thì không đúng lý.
Mãn Tự
Discussion about this post