Mấy anh là những chàng trai với những thứa thịt cơ bắp cuồn cuộn đầy mạnh mẽ với làn da ngăm rám nắng đầy gió sương của những chàng thanh niên vùng biển quanh năm với nghề chài lưới hòa cùng với sóng biển đã toát lên một mùi vị đặc trưng của cơ thể đầy mặn mà và ngây ngất.
Viết đến đây, tôi vội đặt nhẹ cây bút xuống và thở dài ngao ngán cho những gì mà mình vừa miêu tả trong bài tập làm văn về nhà, mà cô giáo cho sáng nay khi nói về “hình ảnh những chàng trai vùng biển quê em”. Vì tôi thấy mình hơi dối lòng khi nhìn lại hình ảnh thật sự của ba ông anh của tui, tuy cũng là những chàng trai vùng biển đích thực – nhưng ôi thôi! ta nói, nước da thì đen thùi lùi, cơ bắp thì hổng thấy mà mỡ thì quá thừa, còn mùi mặn mà gì đâu ngoài cái mùi tanh rình của cá mắm sau những lần ra khơi, nhất là cái tội “ở dơ” đi đâu mà về đến nhà là nằm lăn đùng ra ngủ, mùi hương, mùi lách…thì phưởng phất cả một góc trời. Sợ quá, sợ quá…Làm xong bài tập làm văn cô cho, tôi phải mấy lần thầm chấp tay sám hối với Phật để lòng mình phần nào thanh thản, chứ không là ăn năn cả đời đó hỉ.
Thế là, từ ngày tôi quyết tâm hướng Phật thì tình cảm anh em vốn không mấy mặn mà, nay lại càng thêm chua chát xót xa cho hai cảnh giới giữa người phàm mắt thịt và cốt cách của một tiên nhơn giáng phàm. Tôi thấy mình như thoát khỏi mọi sự ràng buột của thế nhân để sống với cảnh giới của riêng mình tạo ra theo lời của một vị Sư trên chùa thường nói: – “Con không thuộc về thế giới của loài người” nghe xong tôi mừng thầm, cười thút thít, đầy ngượng ngạo mặc dù chẳng hiểu gì, nhưng chắc mình là thứ gì đó đặc biệt lắm nên Sư mới nói vậy.
Tôi hào hứng ra khoe với mấy cô Phật tử đi tụng kinh chung, mấy cổ túm nhau cười hú hí, tôi vội giật mình hỏi, thì mấy cổ vội nói trong vẻ dứt hơi: – À! Thì đâu có gì đâu, chắc ý của Sư nói là chú có căn duyên với Phật nhiều đời nhiều kiếp á mà. Nói xong, mấy cổ túm nhau lại cười tiếp.
Nghe xong cũng tạm an lòng, rồi chia tay mọi người tôi vẫn khoác trên mình chiếc áo dài trắng (chiếc áo tràng truyền thống dành cho Phật tử của Hệ phái Khất sĩ) bước đi từng bước chân chánh niệm tôi thấy lòng mình thanh thản đến lạ kỳ trên con đường làng nối dài từ chùa về đến nhà, tôi chợt thấy mình như được hóa thân thành một vị tiên nhơn đầy cốt cách và thoát tục trong bộ đồ màu trắng tinh với gương mặt xuất phàm đầy thanh thoát làm sao, tôi lặng người đưa mắt nhìn xuống chân như tưởng tượng mình đang đứng trên một đám mây đang nâng gót hài của một vị tiên nhơn xuất thế. Ôi! Phật pháp thật nhiệm mầu, nghĩ tới đó tôi chợt cười thầm trong lòng.
Bước về gần đến nhà, tôi thấy anh Tư đang bắn bi cùng đám bạn thân, tôi lặng lẻ bước ngang qua như né tránh, thì bất chợt thằng Ba Lùi con bà Năm già, nó la lên:
– Trời, thằng Trúc em thằng Trắng nó bị cương thi nhập rồi. Tụi bây.
Nói rồi, cả đám bạn của anh tôi, úa lên cười hí ha hí hửng.
Ối trời! Nghe xong, tôi vẫn giữ bình tỉnh như không có chuyện gì xảy ra, coi như đây là thử thách trên đường tu vậy. Ai ngờ, anh Tư song thẳng vào người tôi “liên hoàn cước” tới tấp, lên gối – chấn chỏ đủ kiểu. Tôi vẫn giữ bình tỉnh, hít thở thật sâu để lấy lại chánh niệm, rồi vội cởi chiếc áo tràng ra trong sự cung kính, tôi vắt nó trên một cành cây gần bên rồi lặng lẻ lui ra xa lấy đà, khi đà vừa đủ tôi vội bay vào “sấp lá cà” lên gối – chấn chỏ với anh Tư luôn, cả hai anh em ôm nhau đánh tới tấp nhìn xúc động vô cùng, sau trận chiến sanh tử đầy quyết liệt, anh Tư bị chảy máu mũi, còn tôi thì hỡi ôi! Đầy vết chân chim trên khuôn mặt thanh tú.
Vậy là tình anh em sứt mẻ từ đây, tôi chẳng lấy gì vui cho việc giải hòa với cái người không hiểu Phật pháp là gì? Mà còn lắm Sân-si,…ai mà thèm.
Rồi cho đến một buổi chiều định mệnh ấy, khi hay tin mẹ sắp đi hành hương ở Sài Gòn, nhưng nghe đâu cái bà “bầu show” tổ chức chỉ cho phép mẹ dắt theo một người thôi – duy nhất một người thôi nha, bả nói đi nói lại với mẹ như thế, mẹ thì cứ: Ừ ừ chị cứ an tâm, em nhớ mà, em dắt theo một đứa thôi mà. – Ừ, vậy khuya nay hai giờ sáng tập trung trước nhà tôi. Bà bầu Show nói nhỏ vào tai mẹ.
Nghe mà đau cả lòng. Rồi ai đây, ai sẽ là người cùng mẹ rảo bước trên con đường thênh thang phía trước, mẹ ơi! Con muốn được cùng mẹ đi cho đến hết cuộc đời này, đợi đến tối, tôi chẳng nghe mẹ quyết định chọn ai sẽ cùng mẹ lên đường hành hương. Đến khuya, mẹ cũng chẳng nói gì, tôi vội nảy lên một ý tưởng vì sợ mẹ lặng lẽ xách gói ra đi khi mình vẫn còn đang say ngủ, thế là! Ý tưởng được thực hiện, tôi nằm im thin thít đợi mẹ ngủ say, tôi vội lấy sợi dây cột vào chân của mẹ và nối liền với chân tôi, để khi mẹ giật mình tỉnh dậy bước đi là cũng vô tình đánh thức tôi dậy. Ôi! Sao mình thông minh đến thế là cùng, người gì mà vừa thanh nhã rồi mà còn hào hoa. Thế là, tôi vội an tâm để ngủ thiếp đi.
Mặt trời vừa lên, tiếng gà bắt đầu gáy, tôi chợt giật mình tỉnh giấc, rồi chợt hỏi, đây là đâu, nhìn quanh. Ối trời! trên giường chứ đâu, mẹ đâu rồi, anh Hai đâu rồi, mọi người đâu hết cả rồi, vội chạy qua phòng bên thấy mấy bà chị vẫn còn đang ngái ngủ tóc tai bù xù. Thấy ghê.
Thế là xong cho một kiếp người quá bạc bẽo, tôi giận mẹ, giận anh, giận luôn cuộc đời này. Tôi chợt hỏi: – Tại sao, một con người biết tu tập hướng Phật thế này, đáng lẽ phải được chọn cho chuyến hành hương viếng chùa mới xứng đáng chứ, tại sao mẹ lại chọn anh Hai – một người cứ suốt ngày đam mê tửu sắc như thế. Rồi tôi chợt khóc, với những giọt nước mắt ghen tị đầy hối tiếc.
Đợi đến khi mẹ về, mấy chị mừng rỡ chạy ra đón chào. A! mẹ về, A! mẹ về. Tôi hổng thèm, im lặng với khuôn mặt đầy hình sự để coi mẹ và anh Hai sẽ giải thích ra sao. Anh Hai vội đến, vo đầu tôi vừa cười, vừa nói: Em có biết, để được đi với mẹ chuyến này, anh phải thức khuya canh cả đêm không.
Tôi vội hỏi tại sao? Tôi thầm nghĩ lúc đó mình đã đợi mẹ và các anh ngủ hết rồi mà. Anh Hai nói tiếp: – Anh phải đợi em ngủ say, rồi anh mới lén tháo sợi dây trong chân của em để cột vào chân của anh. Khuya đó, mẹ thức dậy thấy anh như vậy, thương quá nên quyết định chọn anh. Mà hả, chùa đẹp lắm nha, mấy Thầy ai cũng giảng pháp hay cực kỳ nha, còn được ăn chay ngon tuyệt cú mèo. Nói rồi anh cười hí ha hí hửng làm cho tôi thêm phần hờn tủi. Thấy bắt ghét,…
Mẹ vội đến, xoa đầu rồi nói với giọng nói đầy ngọt ngào như dòng suối, như bài hát thanh thao. – Thôi! Mẹ xin lỗi cậu Út của mẹ nha, để dịp khác rồi mẹ sẽ dắt Út đi. Mẹ có mua quà cho Út nè.
Nghe mẹ nói mà lòng chợt mừng, nói rồi mẹ lấy trong chiếc giỏ xách ra mấy ổ Bánh mì Sài Gòn to đùng, ăn ba ngày không hết, mẹ nói: – Ráng ăn nha con, chấm với sì dầu mà ăn để bổ sung tinh bột. Ôi! Mẹ ơi có hiểu chăng nỗi lòng con trẻ. Khóc dòng….
Rồi mẹ, lấy ra một xấp hình đã chụp cho tôi xem, liếc nhìn, tôi thấy anh Hai mặt trên mình chiếc áo tràng đứng chấp tay trang nghiêm cúi đầu cùng với con bé Lan Lộ hàng xóm, phía trước tượng Bồ-tát Quán Âm, Trời ơi! trước mắt tôi bầu trời như sập đổ, anh Hai ơi! Sao anh biến hóa hay thế, từ một người luôn chống đối tôi chuyện tu hành mà nay vì con bé Lan Lộ (đúng cái đứa xinh nhất trong xóm mà tôi thầm thương trộm nhớ) và chỉ để lấy lòng mẹ mà anh đã trở thành Hồ Lô Biến. Phật ơi! Sao con sầu đến thế.
Sau cái chuyện chuyến hành hương của anh Hai, đến cái chuyện “sấp lá cà” với anh Tư, thì tôi như chia tay từ đây với cả hai, giờ chỉ còn lại anh Ba. Người đàn ông thật thà chất phác và hiền lành nhất nhà, anh ít nói nhưng khi nói thì bất chấp người ta có nghe hay không, đến khi anh cười là thâu rầu (thôi rồi) ta ơi! Hổng thấy cái răng mi ở mô tê! Vậy mà cứ thích cười làm cho bao cô nàng trong xóm phải lạy dài vì ám ảnh.
Thế mà, sau cái buổi tụng kinh Địa Tạng mỗi đêm, tôi quyết tâm trở thành chàng La Bốc như trong kinh đã miêu tả, nên tôi phát nguyện xuống địa ngục để tìm Cha, đêm nào tôi cũng phát nguyện như thế, cho đến một ngày xét thấy nhân duyên đã hội đủ, phước lành đã lớn, đúng lúc trong nhà không một bóng người, nên tôi vội mắc cái võng lên hai bên đầu giường để ngồi tịnh tâm mà xuất hồn xuống địa ngục để tìm Cha.
– Ôi! Tấm lòng hiếu thảo của con như muốn làm lay động cả trời đất. Tôi tự nói với mình như vậy coi như để tự thưởng thôi. Chứ được vậy cũng mừng.
Thế rồi, tôi để tâm mình điều hòa theo hơi thở và lắt lư chiếc võng thật mạnh với tư thế ngồi kiết già thật trang nghiêm và thanh thoát đến lạ kỳ như đang có một năng lực nào đó đang bủa quay, tôi thấy toàn thân thật nhẹ nhõm như đang lơ lửng trên không trung và tâm mình như đang dần thoát ra khỏi thế xát một cách kỳ diệu, tôi vội lắng tâm mừng thầm vì nghĩ chắc mình đã thành công và có thể đến được địa ngục để cứu Cha.
Thế là tôi lại hít một hơi thở thật sâu, lấy đà làm cho cái võng đung đưa trong tư thế ngồi thiền, tôi thấy mình như đang bay vào giữa không trung, một cảm giác mà không thể dùng ngôn ngữ trần gian để diễn tả được, cho đến khi tôi thấy mình đang bay lên giữa những tầng mây thì đùng một cái, tôi rớt xuống một cái đùng đau cả toàn thân, ê ẩm cả mông, mở mắt ra tôi thấy anh Ba cầm cây kéo cắt đứt đi sợi dây treo võng rồi đứng cười khà khà với hàm răng đầy nướu.
– Ôi thôi rầu! Anh Ba ơi, sao anh nỡ! – nói rồi tôi nằm thiếp đi trong sự chán nản và bất mãn vô cùng cho mấy ông anh “quỷ khóc – thần sầu” của tôi.
Nhưng cho đến một ngày, giữa buổi chiều thanh bình của vùng đất đầy nắng gió Phan Thiết. Tôi đang mơ màng rảo bước thong dong trên bờ sông cùng với những cơn gió nhẹ thổi qua tai rì rào nghe thích thú làm sao, tôi chợt để mắt thấy đám thằng Ba Lùi trong xóm đang hí hửng đứng câu cá, la hét mừng vui khi câu được những con cá to béo bở, nhìn mấy con cá đang thoi thóp đau đớn trong lưỡi câu, nhìn thấy cái tụi thằng Ba Lùi không ưa vô được, ác gì mà ác dã man đến thế.
Tôi vội ra tay nghĩa hiệp, lén lút tôi đến gần ngay thùng cá đã câu được, đợi một phút lơ là của tụi nó, tôi vội hắc nguyên thùng cá xuống sông, rồi nói với theo: – Các con hãy bơi đi, bơi về thế giới tự do của các con đi. Nói rồi, tôi chấp tay trang nghiêm đứng nhìn trong niềm hoan hỷ vô biên. Ôi! Cuộc đời thật tươi đẹp làm sao.
Thôi rồi! Thế là tôi ăn nguyên một trận đòn tới tấp của đám thằng Ba Lùi hung hăng đầy man rợ, được một lúc thì anh Tư của tôi kịp chạy đến nhảy vào đỡ tôi dậy và nhào vô đánh với tụi bạn thân của anh để cứu tôi, thế là anh bị cả đám xô xuống sông và nhặn nước đến ngộp thở. Tôi đứng trên bờ, đưa tay với theo với giọng nói thanh thao, đầy truyền cảm: – Cứu với, cứu anh tôi với, cả nhà ơi!. Rồi khóc thầm trong sự vô vọng.
Sau đó cả đám bỏ đi, còn quay lại chửi tới tấp, anh Tư cố gượng bơi vào bờ nằm thở hỗn hển, tôi vừa khóc vừa nói:
– Anh Tư, anh có sao không anh Tư. Em sợ quá.
– Anh nhìn tôi rồi cười nhẹ: – không sao đâu Út, chỉ bị ngộp nước chút thôi.
Tôi nói tiếp: – Sao anh gan quá vậy, cả đám tụi nó mà có một mình anh mà cũng dám,…mà tụi nó là bạn thân của anh mà.
Anh nhìn tôi, xoa đầu rồi nói: – Nhưng em là em của anh.
Nghe anh Tư nói câu đó xong, tôi chợt khóc nức nở, thương cho anh quá.
– Đúng rồi, tình nghĩa anh em là máu mủ ruột rà đúng không anh.
– Ừ đúng rồi! Nhưng mà em nói nghe ghê quá. Bớt bớt lại giùm cái.
Thế là xong, một thời gian sau…
Tôi lên đường xuất gia tu học, thế là tôi mất liên lạc với mấy anh luôn, vì ở chùa chỉ được phép nói chuyện điện thoại một tuần một lần vào ngày chủ nhật (hồi còn làm tiểu) nên thời gian đó tôi chỉ dành để gọi cho mẹ và chỉ thăm hỏi mấy anh chị em qua lời nhắn từ mẹ.
Mẹ bảo: – Mấy anh của con, giờ ai nấy cũng an bề gia thất, lấy vợ có con hết rồi, nói chung ai cũng thành công rực rỡ trên con đường sự nghiệp. Trời! Nghe mẹ nói xong, lòng mừng khôn xiết, thương các anh vô hạn. Nhưng cũng thầm hiểu, đôi lúc mẹ nói vậy cũng chỉ để con mình an tâm mà tu học.
Vài bữa sau, nghe có người gọi điện đòi cho gặp Huệ Hiếu (pháp danh hồi xưa) bắt máy lên mới biết là anh Tư, vừa mừng, vừa xúc động như muốn khóc.
– Anh Tư hả, anh khỏe không, em nhớ các anh và các chị nhiều lắm. Tôi nói trong nghẹn ngào.
– Nghe mẹ nói là các anh ai cũng đã có vợ, có con và thành công trong sự nghiệp lắm hả.
Bên kia đầu dây, dường như anh Tư im lặng một lúc, rồi anh nói:
– Ừ, thì anh Hai và anh Ba của em thì ai cũng tốt đẹp cả.
– Riêng anh – nói rồi anh lại im lặng một hồi, anh nói tiếp:
– Út ơi! Anh chơi số đề bị đổ nợ rồi, giờ giang hồ truy lùng anh khắp nơi. Anh sợ quá Út ơi! Chắc anh chết mất.
Tôi chợt giật mình, rồi nói tiếp:
– Rồi giờ anh ở đâu, anh tính sao?
Anh trả lời: – Giờ anh đang ở dưới chân cầu Sài Gòn nè Út, chắc anh vào chùa của Út xin đi tu quá.
Xỉu,…nghe xong muốn xỉu liền ngay lập tức.
Tôi lấy lại sự can đảm rồi nói tiếp:
– Trời, ai mà đổ nợ rồi xin trốn vô chùa đi tu hả anh. Đi tu thì phải xuất phát từ sự giác ngộ và căn duyên anh à, nếu không có hai thứ đó thì vô đây chỉ thêm cực khổ và buồn chán mà thôi anh Tư à.
Nói rồi, tôi vội an ủi anh:
– Anh nhớ phải nói cho mẹ biết, dù gì cũng còn có mẹ, có em, có vợ con và gia đình nữa. Còn sống là còn hy vọng anh ạ. Mạnh mẽ lên như cái hồi mà anh vì em bất chấp hiểm nguy đánh nhau với tụi thằng Ba Lùi vậy. Thà đau một lần rồi thôi anh ạ.
Anh im lặng nghe tôi nói, rồi anh vội lên tiếng:
– Ừ, đúng rồi đó Út, anh biết rồi. Út nhớ ráng tu hành nha, sau này về độ anh và gia đình nữa. Anh sẽ làm trai cho đáng thân trai, dám làm dám chịu – Út hen.
Nói rồi, anh cúp máy. Tôi đứng hình luôn với chiếc điện thoại vẫn còn cầm trên tay mà thầm nói:
– Ôi! Mấy người con trai của đời tôi! Khổ gì mà khổ rứa.
Discussion about this post