NĂM CHƯỚNG NGẠI DO MƯA GÂY RA
Thích Trung Định
Mưa là một hiện tượng tự nhiên, xảy ra do sự ngưng tụ của hơi nước trên bầu trời, dưới dạng những đám mây, khi gặp điều kiện thích hợp, tạo thành giọt nước, nặng hơn không khí, và rơi xuống mặt đất, tạo thành cơn mưa. Mưa có các dạng như: mưa phùn, mưa rào, mưa đá, các dạng khác như, mưa tuyết, mưa sương. Khi có quá nhiều giọt nước hình thành ở mây, lâu ngày các đám mây càng nặng (do những giọt nước quá nhiều) sẽ rơi xuống tạo thành mưa. Mưa là một thành phần chính của chu trình nước và chịu trách nhiệm cho việc lắng đọng hầu hết nước ngọt trên Trái Đất.Nó cung cấp điều kiện phù hợp cho nhiều loại hệ sinh thái,cũng như nước cho các nhà máy thuỷ điện và thủy lợi.[1]
Mưa rất cần thiết cho con người, mưa tạo ra nước sử dụng trong đời sống hằng ngày cũng như làm dịu, trong lành không khí và còn cung cấp nước cho cây cối sinh trưởng và phát triển. Tuy nhiên, mưa lớn tạo nên thiên tai lũ lụt gây phương hại cho đời sống con người, làm cuốn trôi của cải, phá hư đất đai và nhấn chìm nhà cửa, con người. Ngoài mưa lớn gây lũ lụt, còn có mưa đá, mưa a xít cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho con người.
Trong những năm qua, mưa lụt diễn ra triền miên trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nhất là miền Trung. Càng ngày, thiên tai càng nhiều làm cho đời sống con người trở nên khốn đốn. Con người bất lực trước những nghịch cảnh do thiên tai gây ra. Mặc dù các dự báo thời tiết ngày càng chính xác, góp phần giúp con người phòng hộ bảo vệ bản thân cũng như của cải. Nhưng sau những cơn lũ lụt thì con người phải gánh chịu biết bao nổi đau thương mất mát.
Trong Tăng Chi Bộ Kinh, chương Năm pháp đức Phật dạy có năm chướng ngại do mưa gây ra:
“Có năm chướng ngại cho mưa này, các người đoán tướng không biết được, ở đây, mắt của những người đoán tướng không thể kham nhẫn. Thế nào là năm?
Trên hư không, này các Tỷ-kheo, hỏa giới phẫn nộ, do vậy các mây đã khởi lên bị tán loạn. Này các Tỷ-kheo, đây là chướng ngại thứ nhất cho mưa, các người đoán tướng không biết được, ở đây mắt của những người đoán tướng không thể kham nhẫn.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, trên hư không, phong giới phẫn nộ, do vậy các mây đã khởi lên bị tán loạn. Này các Tỷ-kheo, đây là chướng ngại thứ hai cho mưa, các người đoán tướng không biết được, mắt của những người đoán tướng không thể kham nhẫn.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Ràhu, vua các loài A-tu-la dùng tay thây lấy nước rồi đổ xuống biển lớn. Này các Tỷ-kheo, đây là chướng ngại thứ ba cho mưa, các người đoán tướng không biết được, mắt của những người đoán tướng không thể kham nhẫn.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, chư Thiên của các loại mây đem mưa trở thành biếng nhác. Đây là chướng ngại thứ tư cho mưa, các người đoán tướng không biết được, mắt của những người đoán tướng không thể kham nhẫn.
Lại nữa, này các Tỷ-kheo, khi loài Người trở thành phi pháp, này các Tỷ-kheo, đây là chướng ngại thứ năm cho mưa, các người đoán tướng không biết được, mắt của những người đoán tướng không thể kham nhẫn.
Này các Tỷ-kheo, có năm chướng ngại cho mưa này, các người đoán tướng không biết được, ở đây mắt của những người đoán tướng không thể kham nhẫn.”[2]
Trong năm chướng ngại kể trên, có một chướng ngại do mưa gây ra đó là: ‘Khi loài người trở thành phi pháp’. Người phi pháp là người đầy dẫy lòng tham muốn, họ khai thác thiên nhiên một cách vô độ, chặt phá rừng, canh tác đất đai, ngăn chặn dòng nước, thải các khí độc hại vào môi trường…đó là những nguyên nhân trực tiếp gây thiên tai, lũ lụt.
Đức Phật dạy yếu tố này cho thấy có một sự liên hệ mật thiết giữa thiên nhiên và con người. Theo giáo lý duyên sinh thì con người và thiên nhiên không thể tách rời nhau, mà cùng hòa chung trong một chỉnh thể thống nhất, bất phân. Nhà kinh tế EF Sshumacher nói rằng: “Con người là một đứa con của tự nhiên mà không phải là bậc thầy của tự nhiên”. Phải biết rằng, ta là một phần của hệ sinh thái gồm nhiều dạng sống khác nhau. Khi con người có cơ tâm hay mưu lợi khai thác thiên nhiên quá mức thì hậu quả bất lợi con người sẽ đón nhận. Môi trường thiên nhiên, biến đổi khi hậu, ô nhiễm môi trường là kết của của hành động con người. Do vậy, theo Đức Phật chúng ta sử dụng và khai thác thiên nhiên vừa phải, không nên khai thác cạn kiệt mà nên bảo vệ môi trường thiên nhiên như bảo vệ trái tim của mình.”
Do vậy, hơn bao giờ hết, chúng ta phải hành động ngay lập tức để cứu lấy môi trường thiên nhiên. Vì cứu môi trường thiên nhiên là cứu lấy chính mình. Hãy làm từ những việc làm nhỏ nhất có thể mang lại sự trong lành, bình an cho môi trường thiên nhiên, để cho mưa thuận gió hòa, trời yên biển lặng, thiết lập một cuộc sống an lành hạnh phúc cho tất cả mọi người.
Ghi chú:
[1] Mưa, https://vi.wikipedia.org/wiki/M%C6%B0a
[2]Thích Minh Châu, dịch, Tăng chi bộ kinh, chương 5 pháp, Phẩm Bà la môn, NXB. Tôn Giáo, tr.819.
Giác Ngộ, số 1081
Discussion about this post