MỘT THẾ GIỚI TỪ BI
Cư Sĩ Nguyên Giác
Đức Đạt Lai Lạt
Ma vừa tròn 76 tuổi hôm Thứ Tư 6-7-2011, một ngày cũng là khởi đầu cho một loạt
buổi thuyết giảng, truyền pháp và hướng dẫn tu học pháp môn Kalachakra cho
nhiều ngàn Phật Tử tại vùng thủ đô Hoa Thịnh Đốn.
Giữa một thế
giới đầy bạo lực, trọn cuộc đời của ngài chỉ là để biến nơi này trở thành một
thế giới từ bi hơn. Ngài bước đi từ cõi nước này qua lãnh thổ nọ, nói chuyện từ
đại học này qua thiền viện nọ… nơi nơi không phải để chiêu dụ cải đạo, không
phải để hăm dọa những ai không theo ngài sẽ rớt xuống địa ngục, mà chỉ để làm
cho cõi này trở thành từ bi hơn, để người với người thực sự tôn trọng nhau và
yêu thương nhau.
Lòng từ bi của
ngài thể hiện ngay trong cách xử thế đối với cả các chuyển biến tại quê nhà Tây
Tạng. Khi những cuộc biểu tình xảy ra hàng loạt vào tháng 3-2008 tại Lhasa cũng
như tại nhiều thành phố và thiền viện Tây Tạng, khi hàng ngàn vị sư ra phố biểu
tình, và khi công an Trung Quốc đưa côn đồ trà trộn vào người biểu tình để đốt
nhà, để đập các cửa tiệm và để làm mất chính nghĩa bất bạo động của Phật Giáo,
Đức Đạt Lai Lạt Ma đã yêu cầu tất cả tự chế, hãy ngưng ngay bạo động và nhắc
nhở chư Tăng phải sống với lòng từ bi.
Trong những cuộc
phỏng vấn, nói chuyện trước giờ, ngài cũng luôn luôn nhắc về lòng từ bi, nghĩa
là tôn chỉ của yêu thương, tử tế, giúp người.
Những câu nói
của ngài thường được báo giới nhắc tới như:
“Đây là tôn giáo
đơn giản của tôi. Không cần gì tới chùa chiền; không cần gì tới triết lý phức
tạp. Trí óc của chúng ta đây, quả tim của chúng ta đây, chính là ngôi chùa,
ngôi đền của chúng ta; triết lý chính là lòng từ bi.”
Ngài cũng không
đặt vấn đề phải tấn công tôn giáo khác, hay phải hù dọa về hình phạt đời sau
đối với người khác đạo. Cái nhìn của ngài lúc nào cũng từ bi: “Tất cả các
truyền thống tôn giáo lớn đều căn bản mang cùng một thông điệp, đó là yêu
thương, từ bi và tha thứ… điều quan trọng là, các thông điệp này phải là một
phần đời sống thường nhật của chúng ta.”
Ngôn ngữ tôn
trọng các truyền thống tôn giáo khác thật hiếm hoi trên đời này. Chỉ có những
người có tâm độ lượng như Đức Đạt Lai Lạt Ma mới gạt bỏ mọi thứ linh tinh để
nhìn vào cốt tủy của các tôn giáo và rồi mới thấy cần bao dung nhau.
Trả lời một câu
hỏi rằng có thể nào một người vừa là tín đồ Ki Tô Giáo (Christianity, còn dịch
là Cơ Đốc Giáo, hay Thiên Chúa Giáo), vừa là Phật Tử được không, Đức Đạt Lai
Lạt Ma đã trả lời:
“… Tôi đã trả
lời câu hỏi này một cách gián tiếp khi tôi nói rằng niềm tin vào một Đấng Sáng
Tạo có thể đi kèm với sự hiểu biết về Tánh Không. Tôi tin có thể bước đi trên
đường tâm linh và hòa hài Ki Tô Giáo với Phật Giáo. Nhưng khi tới một mức độ
chứng ngộ nào đó, sẽ phải cần lựa chọn giữa 2 con đường này. Tôi mới đây đã có
loạt thuyết giảng tại Mỹ và một trong những thuyết giảng này là về sự kham nhẫn
và bao dung. Vào cuối buổi thuyết giảng, có một nghi lễ để lập Nguyện Bồ Tát.
Một linh mục Ki Tô Giáo trong hội trường muốn lập nguyện này. Tôi mới hỏi vị đó
rằng, vị đó có quyền tự quyết định như thế không, và rồi vị này trả lời rằng có
quyền đó, dĩ nhiên, vị này có thể lập nguyện, và vẫn là một Cơ Đốc Nhân.”
Đạo Phật đã vào
Hoa Kỳ với lòng từ bi như thế. Và Đức Đạt Lai Lạt Ma là hiện thân của lòng từ
bi chân thật.
Lòng từ bi đó
của ngài là điều mà ngài thể hiện thực sự. Hãy nhìn xem cách ngài đối xử với
dân Tây Tạng: ngài đã từ bỏ vai trò lãnh đạo chính trị, để chỉ thuần tuý giữ
vai trò người thầy dạy đạo. Không ai có thể ép ngài phảỉ từ bỏ vai trò chính
trị. Thậm chí nhiều vị lãnh đạo cộng đồng Tây Tạng lưu vong thỉnh nguyện rằng
ngài cần phải ngồi trên ngai vàng muôn năm trường trị. Nhưng không, quyền lực
chính trị chỉ là phương tiện để cứu dân, cứu nước – khi thấy cần từ bỏ là từ bỏ
liền, và ngài đã thiết lập ngay một nền dân chủ, cho bầu cử tự do để chọn lên
một vị Thủ Tướng Tây Tạng lưu vong. Chính Đức Đạt Lai Lạt Ma đã xóa bỏ định chế
400 năm trên ngôi lãnh đạo của dân tộc Tây Tạng.
Đó là một sự hy
sinh hiếm hoi: xóa sổ một định chế lãnh đạo tôn giáo đã có truyền thống nhiều
trăm năm. Và Đức Đạt Lai Lạt Ma đã làm một điều tuyệt vời như thế.
Hôm Thứ Năm
7-7-2011, các vị dân cử Hoa Kỳ đã đón ngài tới tòa nhà quốc hội, đã ca ngợi Đức
Đạt Lai Lạt Ma như một cảm hứng toàn cầu, trong khi thúc giục Tổng Thống Barack
Obama hãy kình với Trung Quốc để gặp vị lãnh đạo tinh thần Tây Tạng lưu vong.
Chủ Tịch Hạ Viện
Hoa Kỳ John Boehner, nhân vật quyền lực
cao hàng thứ 3 Hoa Kỳ, theo Hiến Pháp Mỹ, đứng bên cạnh Đức Đạt Lai Lạt Ma và
nói, “Cuộc đời ngài đã làm điển hình cao thượng cho các nước như chúng ta đang
hoạt động để lan trải tự do, bao dung và tôn trọng phẩm giá con người.”
Đức Đạt Lai Lạt
Ma kể lại về cách Trung Quốc trong năm 1954 đưa ngàì tới Bắc Kinh để dự Đại Hội
Đại Biểu Nhân Dân Toàn Quốc đầu tiên, và về cách sau này ngài quan sát quốc hội
Ấn Độ dưới thời Thủ Tướng Jawaharlal Nehru.
Đức Đạt Lai Lạt Ma cười, kể lại, “Tại Bắc Kinh,
Quốc Hội họp lặng lẽ. Trong khi ở Ấn Độ, quốc hội họp ồn ào, và các dân biểu cứ
ưa thích chỉ trích nhau. Tôi có rất nhiều ấn tượng tốt đẹp về hệ thống dân chủ
này, nghĩa là tự do phát biểu, tự do nói, ai cũng bình đẳng cả.”
Phải chi ai cũng
học được điều này: Tự do và dân chủ là sản phẩm của từ bi và bao dung. Bởi vì
có từ bi mới biết thực sự tôn trọng người khác, mới mong muốn làm người khác
hạnh phúc.
Từ bi là chìa
khóa vậy. Một lần, Đức Đạt Lai Lạt Ma kể về một vị sư già, sau khi bị nhà nước
CSTQ giam tù 20 năm, đã vượt biên trốn sang Ấn Độ. Đức Đạt Lai Lạt Ma hỏi vị sư
già này, rằng trong 20 năm tù kia, nhà sư lo sợ điều gì nhất. Vị sư già trả
lời, rằng trong 20 năm trong tù lúc nào cũng chỉ lo sợ có mỗi một điều: chỉ sợ
rằng mình mất đi Bồ Đề Tâm, chỉ sợ có khi nào khởi lên lòng oán giận các cai
tù, chỉ sợ có khi nào lòng mình khởi lên căm thù… Chỉ sợ lòng mình không giữ
được từ bi, nhẫn nhục…
Trong một buổi
họp báo tại Vancouver, Canada vào tháng 9-2006, ngài nói, “Đã tới lúc phải giáo
dục mọi người, hãy ngừng mọi tranh cãi nhân danh tôn giáo, văn hóa, quốc gia,
hệ thống kinh tế hay chính trị dị biệt. Chiến tranh kình nhau chỉ vô ích. Chỉ
là tự sát thôi.”
Địa cầu này quả
nhiên đã trở nên quá hẹp, mà không bao dung nhau là tất sẽ đẩy nhân loại
dần tới chỗ hủy diệt.
Tấm lòng bao
dung của ngài còn thể hiện qua câu nói trong bài phỏng vấn của báo The Daily
Telegraph năm 2006, “Tôi không muốn chiêu dụ người khác cải đạo sang Phật Giáo
— tất cả các tôn giáo lớn, khi được hiểu đúng đắn, có cùng một khả thể cho sự
tốt đẹp.”
Nhưng, tuy từ bi
và bao dung như thế, Đức Đạt Lai Lạt Ma vẫn nói rõ các dị biệt tôn giáo. Ngài
nói trong bài Diễn Văn Buổi Tối Lễ Nhận Giải Nobel, nơi trang 115:
“Đạọ Phật không
chấp nhận lý thuyết về Thượng Đế, hay một đấng sáng tạo. Đạọ Phật giảỉ thích
rằng, trong tận cùng, hành động của chúng ta mới là đấng sáng tạo… Từ một
điểm nhìn, Đạo Phật là một tôn giáo, từ điểm nhìn khác thì Đạo Phật là khoa học
về tâm thức và không phải là tôn giáo. Đúng ra, Đạo Phật có thể là một chiếc
cầu giữa 2 điểm nhìn này.”
Từ bi và bao dung, nhưng vẫn trí tuệ tuyệt vời. Đó là
hiện thân của Đức Đạt Lai Lạt Ma vậy.
Đồng bào Hoa Kỳ đang nghe Đức Đạt Lai Lạt Ma thuyết pháp trước trụ sở Quốc Hội ngày 9 tháng 7 năm 2011 (Ảnh: Tenzin Choejor/OHHDL)
Một thanh niên Phật tử đang chăm chú nghe Đức Đạt Lai Lạt Ma thuyết pháp (Ảnh AP)
Discussion about this post