MỘT SỰ UY NGHI GÂY NGẠC NHIÊN
Ngôi chùa Phật Giáo ở Evry-Courcouronnes (Essonne) là ngôi Chùa lôi cuốn được nhiều tín đồ nhất Âu Châu.
Đó là một cảnh giới thanh bình sống theo nhịp điệu kinh kệ của chư Tăng Ni Việt Nam
Cao 5 mét, nặng 5 tấn. Tượng Đức Phật giát bằng những tấm vàng lá nở một nụ cười từ bi nhìn xuống các Phật tử đang tụng kinh cầu nguyện. Ngài khêu lên lòng tôn kính, bắt mọi người phải nhỏ giọng (trước mặt Ngài). Ngự trị giữa Nationale 7 & Cité des Epinettes, ngôi chùa Khánh Anh ở Evry-Courcouronnes (Essonne) khoác màu nâu vàng ẩn hiện như một ảo giác Phật Giáo.
Ngôi điện ở giữa với tấm mái uốn cong hướng lên trời nằm giữa hai ngôi tháp. Đâu đâu cũng có hình ảnh hoa sen và bánh xe Pháp, những biểu tượng của Phật giáo.
Ngôi chùa được khánh thành năm 2015 sau… 25 năm công trường xây dựng. Phải cần thật nhiều thời gian để có đủ tài chánh (tiền cúng dường của tín chúng Việt Nam) và xây dựng ngôi già lam từng chặng một. Tổng cộng chi phí là 24 triệu Euros.
Vùng Ile de France gồm có chừng 20 ngôi Chùa, do nhiều cộng đồng khác nhau (Pháp, Thái Lan, Trung Hoa, Srilanka) xây dựng. Ngôi Chùa Việt Nam ở Evry được xem là ngôi chùa quan trọng nhất trên phương diện tín chúng (40.000 người).
Năm 2008, Ngài Dalai Lama đã đến Evry để khánh thành tôn tượng Phật Di Lặc (nay đã mất màu hoàng kim) trong sân chùa đang xây. Trên bụng tròn của Phật có tượng 5 em bé tinh nghịch và 1 em đọc sách. “5 em bé ấy tượng trưng cho 5 giác quan, và em bé thứ sáu cho sự suy tư.
Đức Phật kềm chế tất cả, giảng giải ông Kim Ong, một Phật tử của chùa và cũng là vị hướng dẫn của chúng tôi.
Những bàn ăn miễn phí
Trong suốt buổi tham quan người ta thấy rất nhiều phẩm vật cúng dường không thể thiếu dưới chân chư Phật : Nước, hoa quả, nến để cho ánh sáng và hương biểu tượng cho tro than.
Thượng tọa bắt tay chúng tôi trước lễ cầu nguyện cho gia đình hôm ấy. Thầy tặng cho mỗi người một xâu chuỗi gỗ, một món quà giúp cho sự“an bình và sự thanh thản của tâm hồn”.
Ở đây tất cả tỏa ra sự an tĩnh : Những bước chân nhẹ nhàng, những nụ cười, hay vài giây suy nghĩ trước khi trả lời, lòng nhân từ bao dung. Trong buổi lễ các Phật tử đứng dậy để viết nguệch ngoạc trên một danh sách của những người khuất mặt mà họ muốn Thượng Toạ đọc tên.
Buổi lễ được bắt đầu bằng tiếng trống và tiếng của một quả chuông vĩ đại. Dọc theo một bức tường, các Phật tử có thể dùng dùi gõ lên mõ gỗ đặt trên những chiếc bàn thấp.
“Mõ có dạng con Cá vì con Cá không bao giờ nhắm mắt, gõ lên Cá khuyến khích chúng tôi luôn tỉnh thức và chánh niệm”. Vị hướng dẫnKim Ong giải thích.
Buổi lễ kéo dài 2 giờ, nhưng mỗi người đều có thể kín đáo đi lại tùy tiện. Khi cởi giày ra người ta có thể yên lặng bước trên những nền gạch trắng. Ở tầng hầm, trong một gian phòng chung, hương khách dùng cơm dọc theo những chiếc bàn dài. Hôm ấy hơn 300 phần ăn đã được dọn lên, miễn phí. Thật là một kỷ lục : Cơm, Rau cải, Đậu phụ, Chả giò. Nhiều người đã mang cơm trưa của họ đến chia với mọi người. Tất cả đều là những món chay. “Vì chúng tôi không giết hại, ngay cả thú vật”, ông Phạm Gia Thái nói. Ông đã trở nên một tín đồ “qua triết học” vì “Phật giáo không ép buộc gì cả, chỉ đưa ra những lời khuyên, sự tha thứ, bởi vì kẻ phạm tội sẽ giữ mãi trong họ vết ô uế của tội lỗi”.
_________________________________
Hãy đến cầu nguyện cho các Hương linh
Cả trăm bức ảnh nhỏ (khổ hình căn cước), trên những hàng chữ là những con số. (Đây là) khuôn mặt không tên của những người đã mất. Phía sau chánh điện của Chùa là phòng Linh, mở cửa cho tất cả mọi người. Các Phật tử cầu nguyện rất nhiều cho những người đã mất trong suốt 49 ngày. Họ cúng – như trên bàn thờ Phật – Hoa quả, Nến và Hương.
Ai cũng có thể đến đây với gia đình và bạn bè, đặt hình người thân đã mất của mình và cầu nguyện cho họ. Đây là một cách chấp nhận tang chế và chia sẻ niềm đau buồn của mình, ông Kim Ong, người hướng dẫn và cũng là một Phật tử người Việt đã nói.
Sẽ không ai hỏi bạn có phải là Phật tử hay không. Trên bàn thờ trong một khung ảnh giữa cả chục khung ảnh khác, là hình của Đại tá Cảnh sát Arnaud Beltrame, nguời đã hy sinh để cứu sống một con tin của những kẻ khủng bố vào tháng 3, 2018, ở Trèbes, L’Aude. Một người bạn của vị Đại tá này, Tư lệnh của đội Hiến binh, thường đến đây để cầu nguyện cho ông.
_____________________________________
Thượng Toạ Thích Quảng Đạo
Thầy là đệ tử của Hoà Thượng Thích Minh Tâm, vị khai sơn chùa Evry. Thượng toạ Thích Quảng Đạo, 58 tuổi, là Chủ tịch của hội Phật giáo Khánh Anh và là Thầy trụ trì của chùa Khánh Anh.
“Địa điểm này là nơi kết nối của tất cả người Việt đang bị phân tán trên toàn thế giới”, Thượng Toạ nói bằng tiếng Việt. “Ở đây chúng tôi tiếp đãi các Phật tử nhưng chúng tôi cũng mở cửa mỗi chiều Chủ Nhật để đón tiếp tất cả mọi người”.
Thượng Toạ thường thăm viếng những người bịnh và người lâm chung ở nhà họ hoặc trong bệnh viện để gieo rắc “tình thương phổ cập” của đức Phật. “Màu đỏ, rất quan trọng trong tôn giáo chúng tôi nhắc nhở rằng máu của tất cả chúng ta đều màu đỏ, chúng ta đều đến từ cùng một gia đình”.
Chư tăng Phật giáo khuyên rằng chúng ta nên tránh ba loại độc dược tức là Tham, Sân và Si. “Tôi đã tiếp càng ngày càng nhiều nhà Khoa học, nhà Nghiên cứu, đang hướng về đời sống tâm linh”. Mục đích không phải là thành công trong đời sống vật chất mà là tìm được sự yên tĩnh cho tâm hồn. Phật giáo không hề thiên về chủ nghĩa đảng phái, và thường khuyên những người thuộc các tôn giáo khác đừng cải đạo (để theo Phật giáo).
Par Velentine Rousseau – Photos par Fréderic Dugit
Discussion about this post