MÊ TÍN DỊ ĐOAN
Toàn Không
I). Thế nào là mê tín?
Mê
tín là u mê không hiểu biết chân chính, tin những điều không đúng sự thật, tin
mù quáng; phần nhiều là những việc về tinh thần, nhưng cũng ảnh hưởng về vật
chất, mê lầm tưởng đó là sự thực; từ sự tin sai lầm đưa tới nói năng hành động
sai lầm. Như tin bà đồng bà cốt, tin bói quẻ, tin thầy bùa thầy chú, v.v…,
những loại tin này không có một chút căn bản, không thể chứng minh được, nên
được liệt vào hạng mê tín dị đoan.
II). Nguồn gốc mê tín:
Mê
tín là cái bệnh có từ khi có loài người đến bây giờ, có khi mê tín cách này, có
khi mê tín thế khác, như thời xưa tin có thần cây đa, thần giếng nước, thần
sông, thần đầu làng, v.v…Ngày nay sự mê tín này đã giảm nhiều, nhưng lại có
những loại mê tín mới khác rất thịnh hành trong đời sống hàng ngày.
Sự
mê tín, không phải tự nhiên mà có, nó có nguồn gốc do sự mong cầu mà ra, do sự
sợ hãi mà ra. Chúng ta thử phân tích hai loại nguồn gốc này:
1). Mê tín do sự sợ hãi:
Khi
xưa thờ đủ thứ vì sự sợ hãi của con người trước thiên nhiên như thiên tai bão
tố, lũ lụt ngập tràn, sấm chớp chát chúa kinh hoàng, lốc xoáy tàn phá cuốn lôi,
đêm tối mịt mù. Tất cả đã làm cho con người chết chóc, tai ương, nhà tan cửa
nát v.v…, thành ra sợ hãi. Con người đã nghĩ ra có thần nọ, qủy kia tức giận
gây nên sự tệ hại ấy, và họ phải cúng vái để xin được yên ổn.
Ngày
nay, sự sợ hãi trên bớt nhiều, nhưng sự sợ hãi khác kín đáo hơn và sâu xa hơn
vẫn hoành hành ở mọi nơi, không cứ ở Á Châu có mê tín , mà ở Âu , Mỹ, Úc, Phi
Châu đều có mê tín, nhưng với hình thức khác nhau thôi. Như đối với dân Việt
Nam, khi một gia đình liên tiếp trong một số năm có hai ba người bị tại nạn,
bệnh hoạn chết, là có người đưa ra câu hỏi tại sao gia đình ấy lại có tai họa
như vậy, có thể gia đình này có chuyện gì nên mới xảy ra như thế, chắc là động mồ động mả? Có lẽ có ma
quỷ ám, chắc là có người dùng bùa ếm hại, hay là có thần linh nào dáng họa cho
gia đình ấy? v.v… Người ta nghĩ ra đủ thứ nghi vấn, kể cả những người trong gia
đình ấy cũng có suy nghĩ giống như thế; rồi họ bàn ra tán vào từ cửa miệng
người này qua cửa miệng người khác, họ đề nghị chỗ nọ linh thiêng nên đến đó lễ
bái cho tai qua nạn khỏi; chỗ kia có thầy bói thầy tướng, ông đồng bà cốt, thầy
bùa thầy ngải hay nên đến hỏi han để trị cho dứt tai họa.
Trong một gia đình có một người mắc bệnh nan y, khám phá ra quá trễ, Bác
sĩ hết cách cứu chữa, như bệnh Ung thư, bệnh AIDS. Người bệnh, gia đình người
bệnh, bạn bè bà con hoang mang, sợ hãi, buồn khổ. Có người mách chỗ linh thiêng
đến lễ bái, chỗ đến xin bùa chú hộ mạng, họ đều làm theo, nhưng bệnh nào tật
ấy, tới ngày chết vẫn chết.
Có
người làm việc nguy hiểm, lo sợ không biết sẽ ra sao, nên đến lăng miếu xin xăm
xin quẻ, nếu được tốt mới làm, nếu gặp quẻ xấu thì thôi; hoặc có người coi bói
coi tướng, thầy nói vận hạn xấu phải cúng sao giải hạn, đi lễ chỗ này chỗ nọ;
hoặc có gia đình bị chết hai ba người liên tiếp thì hoảng hốt đi đón thầy bùa
thầy ngải về ếm. Lại có người thương cha thương mẹ chết khổ, coi bói toán, hỏi
đồng cốt chỉ cho nơi âm ti cha mẹ thiếu thốn khổ cực nên phải đốt nhà lầu, xe
cộ, quần áo, tiền bạc giấy để cha mẹ nơi cõi âm ti được hưởng, không còn nghèo
thiếu nữa. v.v…
Tất
cả những trường hợp trên đây đều do sự lo sợ mà sinh ra mê tín dị đoan.
2). Mê tín do mong cầu:
Con
người có đủ thứ mong cầu, có mong cầu có thể đạt được, nhưng có những mong cầu
không thể đạt, quá tầm tay. Những mong cầu quá tầm tay của mình, thường hay tìm
cách này, nghĩ cách khác để cố làm sao đạt được. Dù đạt được hay không, cũng cố
tìm cách, do đó dễ đi vào mê tín.
Như
người có con đi thi hay làm ăn buôn bán, bèn mua hương hoa quả và chút tiền đến
lễ Phật tại một ngôi chùa nọ cúng lễ cầu Phật phù hộ cho con thi được đậu hay
buôn may bán đắt, như vậy thấy rõ lòng tham, bỏ ra một ít lại muốn được nhiều;
khi cầu được việc thì mừng vui khen ngợi. Lần khác có việc cầu lại làm giống
như thế, nhưng nếu không được như mong đợi, sinh tâm mất tin tưởng, đi tìm chùa
khác hay đền, lăng, miếu có người nói linh thiêng, từ đó đưa người Phật tử dần
dần đến mê tín.
Một
người khi đang làm ăn buôn bán bình thường, nhưng lại muốn biết tương lai có
khá hơn không, lại nghe người ta nói có ông đồng bà cốt nào đó nói rất trúng.
Họ liền đến hỏi han, chỉ bỏ ra một chút tiền mà biết được việc làm ăn của mình
thì hay biết mấy, nên chỗ ông đồng bà cốt người ra kẻ vào tấp nập.
Có
người đồn ông nọ, bà kia coi bói coi bài, coi tướng tử vi hay lắm, nói đúng mọi
chuyện; chỉ phải bỏ ra ít tiền mà biết được tương lai, thật hay biết bao; những
người đang làm việc cho chính quyền, những người dân cử v.v…muốn biết tương lai
công danh sự nghiệp đến coi cho biết hậu vận, nên thầy bói thầy tướng sống
khoẻ.
Lại
có người buôn bán lặt vặt muốn mau giàu, có học sinh hoặc sinh viên muốn đậu,
muốn được vào ngành mong muốn, không tin vào sự làm ăn, không tin vào khả năng
học hành của mình. Nghe nói lăng nọ, miếu kia thiêng lắm liền đến lễ bái cầu
xin, xin xăm xin quẻ hỏi thăm thần thánh, làm cho kẻ buôn thần bán thánh hưởng
lợi tiền cúng thoải mái. Tất cả những việc làm trên thiếu căn bản giải thích,
đều là mê tín dị đoan cả.
III). Cách trị mê tín:
Là
con người, không ai không có sợ hãi, không ai không có mong cầu, càng sợ hãi,
mong cầu nhiều chừng nào, càng dễ rơi vào mê tín nhiều chừng ấy; ngay cả những
người chống đối mê tín cũng chưa chắc họ là người không mê tín hoàn toàn, vì
sao? Vì khi chưa gặp việc thì họ nói hay, nhưng khi gặp việc kinh hoàng sợ hãi,
cầu mong tai qua nạn khỏi không được đến nỗi tuyệt vọng rồi, dù người có kiến
thức rộng, người có bằng cấp này nọ, cũng vẫn rơi vào mê tín. Thí dụ: trong một
gia đình hai vợ chồng đã lớn tuổi, có một người con duy nhất ở tuổi tráng niên
khoảng trên ba chục tuổi, bỗng nhiên người con này mắc bệnh nan y vô phương cứu
chữa; sự việc xẩy ra như thế, làm cho mọi người trong gia đình lo sợ khủng
khiếp, bối rối khổ sở vô cùng. Khi đó có người mách bảo, người vợ đi coi thầy
bói thầy tướng, đi hỏi ông đồng bà cốt, đi lễ lăng nọ miếu kia, người chồng vẫn
im lặng thuận theo không mở miệng nói năng chi hết. Bởi vì sự sợ hãi, sự mong
cầu muốn cho người con được tai qua nạn khỏi, nên mê tín dễ hoành hành. Tưởng
rằng đó là cái phao cho người sắp chết đuối bám vào; do đó, sự mê tín là một
bệnh, nó đã nằm sẵn trong mỗi con người, khi gặp sự việc sợ hãi mong cầu xẩy
ra, nó mới xuất hiện.
Muốn
trị bệnh mê tín, phải có thần dược của Phật pháp mới trị được, nếu thực hành
lời dạy của Phật sẽ trừ được bệnh mê tín như sau:
1). Cách diệt trừ mê tín thứ nhất:
Học
hỏi tìm tòi thuyết nghiệp báo nhân quả cho rõ ràng suốt thong, người đời thường
nghi ngờ nhân quả vì họ không nhìn thấy trước mắt, họ lại mong cầu quả không
tương xứng với nhân. Họ mơ ước có quả ngoài tầm tay của họ, nên đã đưa đẩy họ
đi đến mê tín. Nếu mọi người biết rõ ràng như thật rằng nhân nào quả ấy, mọi sự
thành công hay thất bại đều do nguyên nhân tốt hay xấu tạo nên, và cứ tạo nhân
lành sẽ được hưởng quả tốt mai hậu. Nếu mọi người hiểu được rằng cái quả tốt
hay xấu mà họ có ngày nay là do đã gây tạo ra từ trước, tin như vậy, sẵn sàng
nhận lãnh, không mong cầu, không lo sợ, và bình tĩnh nhận quả. Quả tốt không
kiêu hãnh, quả xấu không sầu khổ, sống tự tại an nhiên làm các điều tốt lành.
Mọi
sự trên đời không phải ngẫu nhiên mà có, không phải do một thần linh nào ban
phát hay thưởng phạt mà do nhân chúng ta đã tạo ra từ trước; khi nhân duyên đầy
đủ quả thành hình, không phải cầu xin lạy van mà có quả tốt đến, không phải xua
đuổi nài xin mà quả xấu chạy đi.
Bởi
vậy, bậc tri thức sợ gây nhân ác chứ không sợ quả xấu, còn phàm phu sợ quả xấu
mà quên sợ gây nhân ác; cầu xin được ban phúc lành, nhưng chúng ta lại quên thi
ân bố đức cho người khác. Cầu mong quả tốt, nhưng chúng ta lại không muốn gây
nhân lành; sợ quả xấu, nhưng chúng ta lại hay suy nghĩ, nói năng, và làm những
việc không đẹp không hay, thì cầu vô ích, lo sợ lại càng buồn khổ thêm.
Nếu
hiểu rõ nghiệp báo nhân quả rõ ràng rồi, chúng ta can đảm nhận quả khổ không sợ
hãi buồn phiền, mình làm mình chịu, còn cầu xin cái gì, đâu cần hỏi han ai nữa;
được như vậy, mê tín dị đoan sẽ tiêu tan.
2). Cách diệt trừ mê tín thứ hai:
Nếu
học Phật pháp căn bản đầy đủ rồi, chúng ta sẽ thấy rõ từ người đến vật đều do
nhân duyên kết hợp mà thành. Vạn vật do nhân duyên hợp lại mà có, hết nhân
duyên thì tan rã; những thứ ấy đều không có chủ thể, nghĩa là một mình nó không
thể tự tồn tại được, mà sự còn của nó phải dựa nhờ vào thứ khác mới tồn tại
được. Thân tâm chúng ta do sáu đại “đất, nước, gió, lửa, không, thức” hòa hợp
với nhau mới sống còn được, thiếu một trong sáu thứ này thì thân xác tan rã;
tất cả vạn vật đều như thế cả, chúng không có tự thể của chúng, nếu mỗi thứ có
tự thể thì không cần các thứ khác vẫn sinh tồn mới đúng.
Bản
thể của mọi vật: đều không có tự thể của nó, nên nó là không, thân tâm không
phải là ta, mọi vật mọi người không phải là của ta, là vô ngã, tất cả không
thật, hư dối, nên không cần mong cầu, không lo sợ. Không mong cầu không sợ hãi
đâu còn tham sống sợ chết, đâu cần hỏi thầy bói thầy tướng, đâu cần nhờ vả ông
đồng bà cốt, đâu cần khấn lạy van xin qủy thần; dùng trí tuệ này dẹp tan mê tín
như mặt trời giọi sương mai, như vậy chúng ta không còn bị trói cột bởi tà kiến
dị đoan, và sống được yên ổn tự tại vậy.
3). Cách trừ mê tín thứ ba:
Người Phật tử đã học biết “nghiệp báo nhân quả” rồi, người Phật tử đã
học biết “vạn vật do nhân duyên hòa hợp mà có, không, vô ngã, vô thường” rồi;
người Phật tử còn phải học biết những gì để áp dụng tu hành, tu nhân gì được
sinh về đâu. Tu như thế nào được sinh lại cõi Người, sinh lên cõi Trời, hoặc
không tu lại làm ác như thế nào bị đọa Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sinh, và tu như
thế nào được giải thoát khỏi sinh tử luân hồi?
1- Làm
sao được tái sinh lại cõi Người?
Đức
Phật đã dạy người Phật tử tại gia thụ Tam quy “Phật Pháp Tăng”, giữ Năm giới
“Không sát sanh, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối, không rượu chè
say sưa”. Chỉ có vậy thôi, chúng ta nếu muốn được trở lại làm người kiếp sau,
phải ráng gìn giữ theo lời đức Phật đã dạy như thế.
2- Làm
sao đươc sinh lên cõi Trời?
Đức
Phật dạy người nào muốn được sinh lên cõi Trời, sống sung sướng lâu dài, phải
thực hành đầy đủ mười điều lành (thập thiện). Đó là ba điều về thân “Không sát
sinh, không trộm cướp, không tà dâm”, bốn điều về miệng là “Không nói dối,
không nói hai lưỡi, không nói lời thêu dệt, không nói lời độc ác”, và ba điều
về ý là “Không tham lam ích kỷ, không sân hận đố kỵ, không ngu si tà kiến”.
3- Làm
thế nào bị đọa
vào cõi dữ?
Ba
cõi dữ là Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sinh; Đức Phật dạy: “Người nào làm một trong
mười điều ác (thập ác), Mười điều ác là: “sát sanh, trôm cướp, tà dâm, nói dối,
nói hai lưỡi, nói thêu dệt, nói ác, tham lam, sân hận giân thù, ngu si tà
kiến”; nếu không có nhân lành khác làm triệt tiêu việc ác ấy, chắc chắn sẽ đọa
vào một trong ba cõi dữ.
4- Làm
sao thoát khỏi sinh tử luân hồi?
Đức
Phật dạy vô số pháp môn tu, Phật tử nào tu, chỉ cần áp dụng thực hành một pháp
môn là đủ để thoát khỏi sinh tử triền mien; nhưng trên nguyên tắc căn bản, tất
cả mọi người tu hành đều phải tôn trọng mười điều lành trong khi tu hành, mới
mong đạt được mục đích mong muốn.
Thí dụ, người niệm Phật A Di Đà tu pháp môn
Tịnh độ, để được sinh về cõi cực lạc của đức Phật A Di Đà khi qua đời. Trong
khi tu niệm phải thực hành đầy đủ tất cả những gì quy định cho pháp môn Tịnh
độ, còn phải giữ gìn mười điều lành nữa, chứ không phải chỉ cần niệm Phật mà
không cần để ý đến mười điều lành; những người tu các pháp môn khác cũng tương
tự như vậy, mới có kết quả chắc chắn được.
Như
vậy, chúng ta đã biết rõ ràng và yên tâm tu tập pháp lành, và bóng dáng của
người Phật tử lúc đó có một cuộc sống tươi mát tự tại. Việc gì đến chúng ta sẵn
sàng nhận cho dù tốt hay xấu, cũng không làm tâm ta rộn lên, và như vậy sự mê
tín chắc chắn không còn một tí ảnh hưởng nào trong tâm người Phật tử nữa.
IV). Đối phó nguy nan trong đời sống:
Người Phật tử gặp hoạn nạn phải làm gì? Thí dụ trong gia đình mọi người
đang sống yên vui, bỗng nhiên có một người bị bệnh nguy hiểm, phải làm sao?
Trước hết mọi người trong gia đình phải bình tĩnh, nhận định phân tích, tìm nhà
thương, Bác sĩ chuyên môn giỏi về bệnh ấy, để khám xét định bệnh cho rõ ràng.
Mọi người nên an ủi người bệnh cho vững tinh thần, không lo sợ sẽ ảnh hưởng tốt
cho việc chữa trị. Phải nghe lời Bác sĩ trong việc thuốc thang, ăn uống, kiêng
cữ. Phải nhận ra việc bị bệnh là do nguyên nhân gì? Nguyên nhân gần như hút
thuốc, uống rượu, ăn uống v.v…Nguyên nhân xa như đã có người trong huyết thống
bị bệnh ấy v.v…Điểm căn bản của Phật giáo cần phải hiểu biết nghiệp báo nhân
quả từ nhiều đời nhiều kiếp tích chứa đến ngày nay mới phát ra. Nhận biết như
thế, sẽ yên tâm, bớt đi sự lo lắng, vì có lo lắng cũng không lợi ích gì hơn là
một mặt chữa trị, một mặt làm việc lành, như phóng sinh, bố thí, ăn chay, niệm
Phật Dược Sư Lưu Ly Quang, để có thể đưa tới việc gặp thầy gặp thuốc. Nếu bệnh
khám phá ra quá trễ, không thể qua khỏi nguy nan, người bệnh phải hiểu lẽ vô
thường, có nhân duyên hòa hợp mới có đời sống, hết nhân duyên sẽ tan rã thành
không, vô ngã, thân chẳng phải là ta, chẳng có cái gì là của ta; người bênh suy
nghĩ như vậy, quán chiếu như vậy sẽ đi vào định tâm, được giải thoát. Nếu không
làm được như thế, bệnh nhân nên chuyển qua niệm Phật A Di Đà, để khi chết được
nhẹ nhàng sinh về cõi cực lạc.
Trong khi bệnh như thế, tuyệt đối không nghe người nói lời tà mị, đi coi
thầy coi bói, hỏi đồng hỏi cốt, đeo bùa mang phép, giết hại sinh vật cúng ma
vái qủy; lại càng không nên nghe lời dụ dỗ của người khác bỏ đạo Phật theo họ
sẽ được vị thần linh nào đó có phép cứu khỏi bị chết; đó chỉ là những lời lừa
bịp không khác gì thầy bói, thầy tướng, đồng cốt, cùng là một thứ mê tín như
nhau, nhưng dưới một hình thức khác mà thôi. Những người đang trong hoạn nạn lo
sợ cái chết gần kề dễ bị lừa dối đã từng xảy ra; thương thay những kẻ làm việc
dối gạt người sẽ bị quả báo đọa địa ngục khi chết, không sao tránh khỏi!
Nên
nhớ, trong Bát Chính Đạo, về phần Chính Mệnh, đức Phật khuyên người Phật tử
không nên hành nghề tà thuật, bùa chú v.v…để sinh sống là bởi lý do đó.,.
Toàn
Không
Discussion about this post