Ly tướng là rời xa, lìa bỏ, thoát khỏi mọi sự ràng buộc vướng mắc của tất cả các Tướng bên ngoài cũng như bên trong tâm thức.
Ly là rời bỏ, xa lìa, buông lơi như thường nói ly biệt, ly gián, thoát ly, viễn ly. Trong Phật học có từ ghép đôi xả ly, có nghĩa đối nghịch với chấp thủ, chấp trước, Nói gọn là LY đối nghịch với Chấp. Ly tướng là rời xa, lìa bỏ, thoát khỏi mọi sự ràng buộc vướng mắc của tất cả các Tướng bên ngoài cũng như bên trong tâm thức.
Tướng bên ngoài là Lục Trần gồm có Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc và Pháp. Tướng bên trong gồm tất cả các Tâm Pháp, tức Các Tâm Sở cũng gọi là Tâm Vương. Nói cách khác, Ly Tướng là trong tâm thức không có sự phân biệt ngã tướng (tướng tự chính mình), nhân tướng (tướng người), chúng sanh tướng (tướng chúng sanh) và thọ giả tướng (tướng thọ mạng). Ly Tướng cũng gọi là Ly Pháp, Vô Tướng, Phi Tướng. Ly Tướng đối nghịch với Chấp Tướng như sau:
– Ly Tướng là chân thực, Tịch diệt Niết-bàn; Chấp Tướng là Hư Vọng, sanh tử luân hồi.
– Ly Tướng là Vô vi; Chấp Tương là Hữu Vi.
Bậc Bồ tát tu Lục độ ba-la-mật (Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định và Trí tuệ), tự mình rời khỏi tất cả các tướng một cách Vô Vi. Ly Tướng là bậc thứ nhì trong Tam Giải Thoát Môn:
– Giải Thoát Tướng là thực chứng Không Môn, nhận ra sanh tử luân hồi có tự tánh vốn Không.
– Ly Tướng là thực chứng Vô Tướng Môn, không còn chấp cảnh Tịch thú Niết-bàn.
– Diệt Tướng là thực chứng Vô Tác Môn, phi hữu phi vô, chẳng phải Có mà cũng chẳng phải Không, theo Trung đạo: Tác mà Vô Tác, Vi mà Vô Vi.
Theo từ ngữ, Chấp là cầm lấy rồi giữ luôn, nắm cho chắc không bỏ ra. Đoạn là từ chối nhất quyết không cầm. Ly là có cầm lấy rồi sau mới buông ra, không hề cầm lấy thì không gọi là Ly được.
Trở lại ví dụ dẫn giải chủ nhân căn nhà với người khách đến nhà, sự phân biệt như sau:
– Chấp Tướng là thái độ mời khách vào nhà rồi coi khách như chủ nhà một cách mê muội sai nhầm.
– Đoạn Tướng là thái độ đóng chặt cửa không để khách vào nhà một cách cực đoan quá khích.
– Ly Tướng là thái độ mời khách vào nhà thù tạc giao dịch, xong rồi khi tiễn khách ra về chủ nhân coi như không có ai tới nhà mình, căn nhà không hề có khách bước vào, ý nói tâm thức chủ nhân trở lại thanh tịnh như trước khi có khách vào trong nhà thù tạc xã giao.
Dẫn giải theo Phật học: Chủ nhân là Tâm, người khách là Cảnh, sự gặp nhau là Duyên. Pháp môn ly tướng dạy: Khi Duyên hội thì ta kết, khi Duyên tán thì ta liễu, ta không bao giờ Phan Duyên. Diễn nghĩa: Khi Duyên đến thì ta kết, khi Duyên đi thì ta thôi (chấm dứt), ta không bao giờ vướng mắc vào Cảnh Duyên.
Discussion about this post