LỘT DA HÒN ĐÁ
Tấn Nghĩa
Sống trong xã hội, không ai có thể tự chu cấp đầy đủ cho chính mình; mọi người đều cần đến hàng hóa, dịch vụ và kể cả sự giúp đỡ từ những người khác. Con người có thể có được hàng hóa hay dịch vụ của người khác nhờ việc mua bán trao đổi. Đã mua bán hay trao đổi thì chỉ cần thuận mua vừa bán, có thể phải trả giá kiểu “cò kè bớt một thêm hai” nhưng khi đã thỏa thuận thì phải giữ đúng và vậy là xong. Tuy nhiên, không phải mọi điều đều có thể trao đổi hay mua bán được.
Có rất nhiều việc ở trên đời người ta phải cần đến sự giúp đỡ của người khác. Mà muốn được giúp đỡ thì hầu như đều phải…“xin”. Đó là vì nhu cầu của con người thường vượt quá khả năng của mình. Nếu có thu nhập thấp mà muốn cho con đi học trường tốt thì ta phải “xin” học bổng từ họ hàng, từ các quỹ khuyến học, từ học bổng của trường, từ ngân sách nhà nước… Với thu nhập thấp mà bị bệnh nặng thì bảo hiểm y tế cũng không đủ, vì thế mới có hội bảo trợ bệnh nhân nghèo.
Ngay cả trường hợp có tiền, có nhiều thứ người ta không mua được. Bạn có thể thuê một người xây nhà cho mình nhưng lại không thể thuê “sự tận tâm” của họ trong việc xây nhà. Bạn có thể có đủ tiền để nằm ở bệnh viện sang nhất, nhưng bạn lại không thể thuê bác sĩ chữa nếu bạn đang bị nan y. Trong trường hợp này bạn chỉ có thể cầu xin Trời, Phật, Chúa gia hộ cho bạn. Trong đời mỗi người đều phải “xin” nhiều lần. Vậy cần phải cầu xin như thế nào? Chuyện tiền thân về Rắn thần Mani-Kantha (chuyện số 253 trong tập Jataka) có nói về điều này.
Chuyện kể lại lúc bấy giờ Bậc Đạo Sư trú ngụ trong thành phố Alavi và Ngài thường đến tham thiền tại ngôi điện Aggalava là nơi dân Ấn Độ thờ quỷ dạ-xoa Alavaka. Tại Alavaka lúc ấy có nhiều Tỳ-kheo đang lo xây dựng am thất. Câu chuyện cho biết, “Các Tỷ-kheo ở Àlavakà có tánh thích cầu xin, đang làm các chòi lá cho mình. Họ cầu xin nhiều, gợi ý nhiều và khi mở miệng luôn luôn nói: “hãy cho một người làm công quả, hãy cho một người phụ giúp làm chòi…”. Mọi người quá bực mình bởi sự cầu xin và gợi ý; đến nỗi khi thấy các Tỳ-kheo, họ liền sợ hãi hoảng hốt bỏ chạy.
Khi các Tỳ-kheo cầu xin và gợi ý khiến cho mọi người sợ hãi thì các ngài phạm lỗi có ý định lấy của không cho. Còn khi cầu xin làm người ta vì sợ hãi mà phải cho thì đúng là đã phạm lỗi lấy của không cho. Cái mà mọi người thường hay cầu xin là của cải và các nguồn lực gọi chung là tài sản có thể trao đổi hoặc mua bán, bao gồm:
– Dạng vật thể như phương tiện máy móc, các loại động thực vật, các bộ phận sinh học, thực phẩm… và kể cả tiền bạc.
– Dạng thông tin như các ý tưởng, tin tức, các dạng tài sản ảo.
– Dạng thời gian sống hay sức lao động được thuê mướn.
– Và dạng dịch vụ.
Lấy của không cho là lấy các loại tài sản không được sự cho phép của chủ sở hữu. Có nhiều dạng lấy của không cho.
(1) – Lấy bằng cách trộm, cướp, tước đoạt các tài sản sở hữu toàn phần của người khác với các lý do khác nhau như do đói, do thiếu thốn, do quy hoạch v.v. Thuộc loại hành vi này còn gồm những việc như: ăn cắp văn, thơ, nhạc…, sử dụng tiền giả, sử dụng điện, nước, điện thoại công sở vào việc riêng, v.v. Một tờ báo trên sạp bán báo bao gồm các thông tin do các phóng viên, biên tập làm ra rồi đem in lên giấy để bán, nếu ta làm một việc cực kỳ nhỏ là liếc xem tin tức rồi trả lại, thì đó cũng thật sự là một hành vi ăn cắp. Một dạng khác của việc lấy của không cho là dạng trốn thuế, chuyển ngân lậu…
(2) – Lấy bằng cách sử dụng sai nghĩa vụ các tài sản sở hữu một phần hay dạng chỉ có quyền sử dụng. Có nhiều ví dụ hành vi lấy của không cho thuộc loại này như hứa cho mà lại không cho; lấy tài sản chung (cho dù mình có tham gia tạo ra) để dùng vào mục đích riêng mà không được sự chấp thuận của cộng đồng sở hữu; mượn đồ dùng cho việc A nhưng lại dùng thêm cho việc B (ví dụ dùng xe công vụ đi công tác nhưng kết hợp ghé qua đón con hoặc lễ chùa, lễ đền, thăm viếng họ hàng…); sử dụng điện thoại chung để nói chuyện riêng; đi xe buýt, métro lậu vé; cá nhân đi dự hội thảo nước ngoài phải nhờ phía mời tài trợ, nhưng khi đến hội nghị, lãnh tiền tài trợ rồi đi chơi, đi shopping hay đi về nước luôn, không làm việc; các nhân viên trong giờ làm việc đi đọc báo, đi uống cà-phê, tán gẫu, làm việc không có trách nhiệm; các nhà sản xuất, dịch vụ, đưa ra các sản phẩm không đúng với chất lượng hứa hẹn nhưng vẫn bán với giá cao; lấy tiền của người khác để dùng vào một mục đích không thỏa thuận; bác sĩ khám bệnh qua quýt rồi lấy tiền của bệnh nhân; thầu công trình xây dựng nhưng bớt xén vật tư, dùng vật tư giá rẻ hơn dự toán.
(3) – Lấy bằng cách tạo ra những biện pháp để bắt buộc người khác phải cho: thuộc về trường hợp này có cả việc làm giảm tuổi thọ của hàng hóa hay độc quyền hàng hóa để có thể tiêu thụ nhanh hơn, gợi sự thương cảm khiến người khác mủi lòng rồi phải chu cấp cho mình, nói về nhu cầu của mình để gợi ý người khác cho mình những điều mình cần.
Việc chư Tăng ở Àlavi cầu xin quá nhiều làm cho người dân lâm vào cảnh khó xử. Họ cảm thấy bị làm phiền, nhưng nếu từ chối thì sợ mất công đức. Vì thế họ bỏ chạy khi thấy các vị Tăng. Câu chuyện được kể tiếp: Trong thời gian ấy, một hôm Tôn giả Mahakassapa (Đại Ca-diếp) đến Àlavi và đi khất thực. Khi thấy Trưởng lão, dân chúng cũng vội bỏ chạy. Sau thời thọ thực (chẳng biết trưa hôm ấy Tôn giả Mahakassapa có nhận được thứ gì để mà ăn hay không!) trên đường trở về, Trưởng lão gọi các Tỳ-kheo và hỏi: Này các Hiền giả, xưa kia Àlavi này dễ nhận đồ khất thực. Nay vì sao trở thành khó khất thực?
Việc khó khất thực là hậu quả nhãn tiền của việc cầu xin quá mức. Nhân quả của việc lấy của không cho có rất nhiều. Nếu tội nặng thì sẽ tái sinh vào cõi súc sinh hay địa ngục. Nếu tội nhẹ và nếu tái sinh làm người thì sẽ có nhiều trở ngại về tài sản.
Điều có thể thấy ngay trước mắt là bị từ chối các lời cầu xin tiếp theo; nghèo khổ và thiếu thốn những thứ thiết yếu như lương thực, đồ dùng; không có được thứ của cải mà mình mong muốn. Có các hậu quả khác khó thấy hơn; chẳng hạn như không tạo được của cải mới; hoạt động kinh doanh theo đúng bài bản nhưng lại ế hoặc không có khách hàng. Đó là hậu quả của hành vi lấy của không cho trong quá khứ gần. Các hành vi đó không cần phải là sự trộm cướp nghiêm trọng mà có thể chỉ là những việc lặt vặt nhưng lặp đi lặp lại nhiều lần, như khẳng định giá trị của hàng hóa hơi cao hơn giá trị thị trường của nó hoặc là sự không hoàn thành trách nhiệm theo đúng cam kết kể cả khi đối tác không biết đến điều đó.
Một hậu quả khác cũng khó thấy; đó là khi làm được của cải thì không giữ được lâu dài. Các của cải ấy có thể thành sở hữu của nhiều người, không phải của riêng mình. Việc một người không có sự độc lập về tiền bạc, không thể quyết định các vấn đề về tài sản mà người ấy đã kiếm được (ví dụ như người chồng bị người vợ tham lam keo bẩn quản lý chặt) thì đó cũng là kết quả biến dị của việc người ấy đã từng lấy của không cho. Ngoài ra, của cải ấy cũng thường bị mất mát do nước, lửa, trộm cướp, người thừa kế hủy hoại hay chính quyền tịch thu…
Cách điều chỉnh chính yếu là phải tôn trọng tài sản và môi trường sống của người khác một cách nghiêm ngặt. Các công ty cần tránh sự dối trá cho dù nhỏ nhặt với khách hàng. Người đi làm công ăn lương phải cẩn thận trong việc sử dụng các nguồn tài chính của cơ quan, công ty. Cần phải tránh những lỗi nhỏ nhặt nhất như sử dụng xe cộ, điện thoại, máy photocopy… của cơ quan hoặc công ty vào việc riêng.
Việc Tôn giả Mahakassapa gặp khó khăn trong việc khất thực tại Avali không phải là lỗi của Tôn giả; đây là cộng nghiệp mà ngài phải chia sẻ với những bạn đồng tu. Vì thế, ngài phải tìm hiểu và nghĩ biện pháp khắc phục.
Khi Tôn giả được nghe nói lý do liền đi đến Thế tôn đang ở đại điện Aggàlava và thuật lại câu chuyện. Bậc Đạo Sư nhân lý do này họp các Tỳ-kheo và hỏi các Tỳ- kheo ở Àlavaka: Có thật chăng, các thầy đang làm am thất lại có tính thích cầu xin?
Khi có một lỗi phát sinh trong cộng đồng, người điều hành cần phải họp lại và thẩm tra các lỗi, sau đó mới đưa ra các biện pháp điều chỉnh. Đây chính là cách để cho cả cộng đồng thảo luận và học tập về một biện pháp sẽ được đề ra. Nói chung, vì lòng tham, con người luôn mong muốn được thỏa mãn nhu cầu nhiều nhất với sự cố gắng ít nhất; cho nên việc cầu xin là phổ biến. Trong khoảng thời gian bao cấp, mọi người hay nghe câu: “tăng xin, giảm mua, tích cực cầm nhầm”. Câu ấy được nói công khai nửa đùa, nửa thật. Nó làm “cơ sở lý luận” cho những hành vi xin xỏ, gợi ý hối lộ, bôi trơn, tất cả đều vi phạm luật lấy của không cho. Khi đi hội nghị nước ngoài thì xin nơi tổ chức bằng được tiền vé máy bay, tiền ăn ở. Thế nhưng khi mời các giáo sư nước ngoài đến dạy học thì lại tìm cách lờ khoản tiền vé máy bay của họ. Chỉ đến vài năm gần đây, việc chi tiền ăn ở cho những người này mới được kể vào các chi phí được phép thanh toán trong các đơn vị đào tạo nhà nước.
Giải pháp cho tính hay cầu xin của các Tỳ-kheo ở Alavaka cuối cùng được chính Đức Phật giải quyết:
Khi được các Tỷ-kheo trả lời: Bạch Thế Tôn, điều đó có thật vậy. Bậc Đạo Sư quở trách các Tỷ-kheo rằng: Này các Tỷ-kheo, cho đến trong thế giới loài rắn, có đầy đủ bảy món báu, sự cầu xin quá đáng cũng làm phiền lòng loài rắn. Với loài người thì còn hơn vậy nữa; với họ, lấy cho được một đồng tiền vàng thật không khác lột da một hòn đá.
Tài sản đối với mọi người rất quý giá, vì thế Đức Phật bảo rằng: lấy cho được một đồng tiền vàng thật không khác lột da một hòn đá. Đây là một điều ta cần phải suy ngẫm, phải hạn chế việc cầu xin. Cần “giảm xin, tăng mua, không cầm nhầm”. Ở phương diện giao lưu quốc tế, cố gắng lo liệu mọi việc, tránh xin tài trợ. Điều đó sẽ làm tăng vị thế của người Việt Nam. Dân gian vẫn có câu, “giúp ngặt chứ không ai giúp nghèo,” vì thế, chỉ nên cầu xin vào lúc bức bách nhất; khi đã vượt qua được cơn bĩ, phải biết đứng lên bằng đôi chân của chính mình.
Để minh họa cho sự phiền hà của thói quen cầu xin nhiều, Đức Phật kể lại một chuyện tiền thân, trong đó Bồ-tát và người em thấy cuộc đời quá mỏng manh đã xuất gia làm ẩn sĩ khổ hạnh sau khi cha mẹ quá cố. Bồ-tát dựng chòi phía trên sông Hằng, người em dựng chòi phía dưới sông Hằng. Người em thân thiết với vua rắn nên con rắn thường đến quấn lấy thân của chàng. Vị khổ hạnh quá sợ hãi nên vàng vọt, nổi gân và kể cho người anh. Biết con rắn có một hòn ngọc rất quý, người anh liền bày kế.
Khi vua rắn đến thăm em, khi nó chưa ngồi liền xin: hãy cho tôi hòn ngọc! Như vậy con rắn sẽ không quấn thân em nữa đâu và nó sẽ bỏ đi. Ngày mai, em hãy đứng nơi cửa am xin hòn ngọc ấy khi nó vừa đến. Ngày thứ ba, khi nó vừa ra khỏi nước, trên bờ sông Hằng em hãy xin hòn ngọc ấy. Như vậy nó sẽ không đến nữa.
Nếu chỉ bị cầu xin một lần, vua rắn lại đến. Nhưng khi bị cầu xin liên tiếp nhiều lần, vua rắn đã không đến nữa. Vậy đó, khi xin một món đồ quý của người khác, người ta sẽ xa lìa mình. Vua rắn đã không bao giờ quay lại. Để làm rõ vấn đề, Bồ-tát đọc bài kệ:
Chớ có xin người nào
Người mà mình yêu mến
Vì nếu xin quá đáng
Mình sẽ thành bị ghét.
Kể xong câu chuyện, Bậc Đạo Sư nói: Này các Tỳ-kheo, ngay ở cung điện loài rắn có đầy đủ bảy báu, các loài rắn tại đó cũng rất ghét cầu xin, còn nói gì loài người. Sau khi thuyết pháp thoại này xong, Bậc Đạo Sư cho biết: “Lúc bấy giờ, người em là Ananda, còn người anh là Ta vậy”.
(Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo số 181)
Gửi bài: Kim Trần
Discussion about this post