KINH
ĐẠI PHẬT ĐẢNH THỦ LĂNG NGHIÊM
Đời Đường, sa môn Bát Lạt Mật Đế
(người Trung-Thiên-trúc) dịch từ Phạn văn ra Hán văn
Cư sĩ Hạnh Cơ dịch từ Hán văn ra Việt văn và chú thích
2012
Hạ tải về máy nhà: Phiên bản PDF:
[Kinh Đại Phật Đảnh Thủ Lăng Nghiêm 1 PDF]
[Kinh Đại Phật Đảnh Thủ Lăng Nghiêm 2 PDF]
Đại Phật Đảnh Thủ
Lăng Nghiêm
Kinh Đại Phật Đảnh Thủ Lăng Nghiêm là tên gọi tắt của Kinh Đại Phật Đảnh Như Lai Mật Nhân Tu Chứng Liễu
Nghĩa Chư Bồ Tát Vạn Hạnh Thủ Lăng Nghiêm (Đại
Phật Đảnh Như Lai Mật Nhân Tu Chứng Liễu Nghĩa Chư Bồ Tát Vạn Hạnh Thủ Lăng
Nghiêm Kinh), do sa môn Bát Lạt Mật Đế
(người Trung Thiên-trúc) dịch vào năm 705 (đời Đường) tại chùa Chế-chỉ ở Quảng-châu
(tỉnh Quảng-đông), được thu vào Tạng Đại Chánh, quyển 19, kinh số 945. Tên kinh này cũng thường được gọi một cách
ngắn gọn là Kinh Thủ Lăng Nghiêm (hoặc
gọn hơn nữa là Kinh Lăng Nghiêm); nhưng
khác với bản Kinh Thủ Lăng Nghiêm Tam Muội, do pháp sư Cưu Ma La Thập (344-413) dịch vào đời Diêu-Tần (Tạng Đại
Chánh, quyển 15). Theo Khai Nguyên
Thích Giáo Lục của pháp sư Trí Thăng (đời
Đường), kinh này đã do sa môn Hoài Địch (?-? – người Trung-quốc) dịch; nhưng
trong Tạng Đại Chánh (quyển 19) thì
ghi người dịch là sa môn Bát Lạt Mật Đế, mà không có tên sa môn Hoài Địch. Theo
pháp sư Viên Anh (1878-1953) trong tác phẩm Đại Phật Đảnh Thủ Lăng Nghiêm
Kinh Giảng Nghĩa, pháp sư Bát Lạt Mật Đế
là vị “dịch chủ” (người dịch chính
thức và là vị đứng đầu của đạo tràng phiên dịch), còn sa môn Hoài Địch thì phụ
trách việc “chứng nghĩa” (thẩm định
sự chính xác của văn dịch).
Ý nghĩa đề kinh:
– Đại Phật Đảnh. Chữ “đại” ở đây có nghĩa là rộng lớn
bao trùm, rốt ráo cùng cực. “Phật đảnh” là tướng “nhục kế” trên đỉnh đầu của đức
Phật. Đó là tướng cao quí, nhiệm mầu nhất trong 32 tướng tốt của đức Phật, con
mắt phàm phu của chúng sinh không thể thấy được.
– Như Lai Mật Nhân. “Như Lai” là danh hiệu đầu tiên trong mười
danh hiệu chung của chư Phật; Như Lai tức là Phật. “Mật nhân” nghĩa là nguyên
nhân sâu kín huyền nhiệm, đó tức là chân tâm tịch tĩnh, thanh tịnh, thường hằng.
– Tu Chứng Liễu Nghĩa. “Liễu nghĩa”
có nghĩa là tiến thẳng tới chỗ rốt ráo cùng cực, đó là giải thoát trọn vẹn, niết
bàn tuyệt đối, là quả vị Vô thượng Bồ đề, là Phật. Nương vào chân tâm bất sinh
diệt để tu hành, tu mà không trước tướng, tu mà không tu, đó gọi là “tu liễu
nghĩa”; chấm dứt sinh diệt, thể nhập thật tánh vạn hữu, giải thoát rốt ráo, đạt
niết bàn tuyệt đối, gọi là “chứng liễu nghĩa”. Cả tu và chứng đều liễu nghĩa, gọi
là “tu chứng liễu nghĩa”.
– Chư Bồ Tát Vạn Hạnh. Bồ-tát tu vô
số hạnh, gọi tổng quát là “muôn hạnh”. Bồ-tát vận dụng trí tuệ và từ bi, trên
thì cầu đạo quả giác ngộ, dưới thì cứu độ chúng sinh, tự lợi và lợi tha gồm đủ,
đó là “muôn hạnh của chư vị Bồ-tát”.
– Thủ Lăng Nghiêm. Ba chữ này là phần chủ yếu trong đề
kinh. Chữ “thủ lăng” có nghĩa là tất cả đều rốt ráo; chữ “nghiêm” nghĩa là bền
chắc. “Thủ-lăng-nghiêm” là tên một loại định,
và đó là loại định lực rốt ráo, kiên cố, bao trùm tất cả các loại định khác, chỉ
có chư vị Bồ-tát ở các bậc Thập-địa, Đẳng-giác
và Phật (Diệu-giác) mới đạt được; bởi vậy, nó được gọi là “đại định”, hay “đại
căn bản định”. Nó chính là chân tâm bản lai thanh tịnh, tịch tĩnh, thường hằng,
không lay động, không tán loạn, không dời đổi, cho nên cũng được gọi là “Phật tánh”.
Định Thủ Lăng Nghiêm rộng lớn,
sâu nhiệm, siêu việt thời gian và không gian, không thể đem tâm thức vọng tưởng
phân biệt của chúng sinh mà nhận biết được, giống như tướng “nhục kế” trên đỉnh
đầu của đức Phật (đại Phật đảnh), con mắt của chúng sinh phàm phu không thể
trông thấy được.
Định Thủ Lăng Nghiêm là cái nhân
sâu kín, từ đó mà phát khởi ra vô lượng công đức trí tuệ của chư Phật, và cũng từ
đó mà chư Phật thành tựu đạo quả Bồ Đề Niết Bàn Vô Thượng; cho nên nó được gọi
là “Như Lai mật nhân”.
Định Thủ Lăng Nghiêm là loại định
rốt ráo, vô thượng, cho nên tu định này tức là tu pháp môn viên đốn (trọn vẹn,
nhanh chóng), để chứng đạt tức thì đạo quả rốt ráo, tối thượng, gọi là “tu chứng
liễu nghĩa”.
Chư vị Bồ-tát
thực hiện muôn hạnh tự lợi, lợi tha hoàn toàn viên mãn đều do thành tựu được định Thủ Lăng Nghiêm này, cho nên định
này cũng tức là “chư Bồ-tát vạn hạnh”.
Chân tâm
thanh tịnh, tịch tĩnh, thường hằng, vốn sẵn có nơi chúng sinh. Nhưng vì chúng
sinh mê lầm, không tự nhận biết được, si cuồng chấp có thân tâm ta và sự vật ở
ngoài ta, chạy theo trần cảnh mà phát sinh phiền não, đắm trước, tạo ra vô số tội
lỗi; rồi theo nghiệp lực, quả báo mà luân chuyển trong sinh tử luân hồi. Đức Phật
thương xót, nói Kinh Thủ Lăng Nghiêm này để độ cho các chúng sinh có căn cơ cao,
nhanh chóng phá trừ mê muội, dứt tuyệt phiền não, chứng nhập đại định Thủ Lăng Nghiêm, trực nhận bản
tâm thanh tịnh thường trú, sáng suốt nhiệm mầu, đạt được địa vị Vô Thượng Chánh
Đẳng Chánh Giác.
Vị thính giả
đương cơ để Phật nói Kinh Thủ Lăng
Nghiêm này là tôn giả A Nan (hay A Nan
Đà). Ngài là em chú bác của đức Phật, sau khi theo Phật xuất gia, được làm thị
giả hầu cận Phật trong một thời gian dài, trở thành vị đệ tử được nghe Phật nói
pháp nhiều nhất, đầy đủ nhất, và nhớ kĩ nhất, được mọi người tôn kính xưng là vị
thánh tăng nghe nhiều hiểu rộng nhất (đa
văn đệ nhất) trong tăng đoàn của Phật; và được liệt vào một trong mười vị đại đệ
tử của Phật.
*
Dịch giả của
bản kinh này là sa môn Bát Lạt Mật Đế (Pramiti,
?-?). Ngài là người Trung
Thiên-trúc, trên đường viễn du hoằng pháp, đã mang nguyên bản Phạn văn của Kinh Thủ Lăng Nghiêm đến chùa Chế-chỉ ở thành phố Quảng-châu (tỉnh Quảng-đông, Trung-quốc)
năm 705 (đời Đường), và dịch bộ kinh này ra Hán văn ngay năm đó.
Theo truyền
thuyết, Kinh Thủ Lăng Nghiêm vốn được cất giữ ở Long cung. Nhân Bồ Tát Long
Thọ (thế kỉ thứ 2-3 TL) xuống Long cung thuyết pháp, thấy trong kho có bộ kinh
này, bèn lấy ra xem, cho đó là bộ kinh hi hữu. Ngài tụng thầm hết bộ kinh, và
nhớ thuộc lòng. Trở về lại trú xứ, ngài chép bộ kinh ấy ra để trình lên quốc
vương xin lưu truyền. Nhà vua cũng cho đó là Pháp bảo hiếm có, bèn ban lệnh cất
vào kho, làm vật quốc bảo của Thiên-trúc, không những bị cấm mang ra khỏi nước
mà còn bị cấm dạy cho các du tăng ngoại quốc đến Thiên-trúc tu học.
Kinh này khi
chưa truyền đến Trung-quốc, thì tên của nó đã được người Trung-quốc nghe biết
và kính ngưỡng rồi. Nguyên do là vì, một hôm nọ, một vị Phạn tăng lên núi
Thiên-thai tham kiến đại sư Trí Khải (538-597), nghe đại sư giảng pháp môn “Chỉ
Quán”, vị Phạn tăng rất bội phục, nói rằng: “Pháp môn Chỉ Quán do ngài phát
minh ra rất gần với giáo nghĩa của Kinh
Đại Phật Đảnh Thủ Lăng Nghiêm ở Thiên-trúc!”
Đại sư Trí Khải rất xúc động khi nghe vị Phạn tăng nói lên điều đó. Ngài muốn
được nhìn tận mắt bộ kinh ấy để xem pháp môn Chỉ Quán của mình giống với lời dạy
của đức Phật tới mức nào; hoặc có gì khác nhau. Ngài liền xây một cái đài ngay
trên núi Thiên-thai, gọi là Bái-kinh đài; mỗi ngày đều hướng về phương Tây lễ lạy,
cầu nguyện cho bộ kinh ấy được truyền sang Trung-quốc. Ngài đã lễ lạy như thế
cho đến ngày viên tịch, ròng rã 18
năm, không một ngày gián đoạn! – Mà kinh ấy vẫn chưa đến! Việc này đã được loan
truyền đi khắp nước. (Một thuyết
khác nói rằng: Ngài Thiên Thai Trí Giả theo học đạo thiền sư Huệ Tư ở núi
Nam-nhạc, đắc Pháp Hoa Tam Muội, thấy được pháp hội Linh-sơn nghiễm nhiên chưa
tan. Từ đó xem Kinh, Luật hoát nhiên thông suốt. Đến khi ngài giải thích ý
nghĩa sáu căn trong sạch trong kinh
Pháp Hoa thì trầm ngâm rất lâu. Có một vị tăng người Ấn nói với ngài: “Chỉ có
kinh Thủ Lăng Nghiêm là nói rõ ràng công đức của sáu căn, đủ để y chứng.” Từ đó
ngài Trí Giả khao khát ngưỡng mộ. Suốt 16
năm, mỗi sáng tối hướng về phương Tây lễ bái. Ở phía trái chùa Thiên-thai ở núi
Nam-nhạc vẫn còn đài kinh… – Kinh Lăng Nghiêm Tông Thông, Nhẫn Tế thiền
sư dịch.)
Mãi cho tới đầu
thế kỉ thứ 8, ngài Bát Lạt Mật Đế mới đem Kinh Thủ Lăng Nghiêm truyền đến
Trung-quốc. Nguyên vì bấy giờ bộ kinh ấy bị cấm truyền ra khỏi Ấn-độ, nên các
trạm gác biên giới kiểm soát rất gắt gao, ngài phải đem bộ kinh ấy đi ba lần mới
qua lọt biên giới. Hai lần đầu, dù ngài dấu kĩ đến thế nào, các quan viên biên
phòng vẫn khám xét ra. Vì là người xuất gia, ngài đã không bị xử phạt, nhưng vẫn
bị đuổi về, không cho đi ra khỏi nước. Tuy vậy, ngài vẫn quyết chí đi nữa. Lần
này, không còn cách nào khác, ngài bèn chép lại bản kinh ấy với chữ thật nhỏ,
trên những miếng da thật mỏng, cuộn lại, rồi xẻ bắp tay của chính mình ra, nhét
bộ “kinh da” vào trong đó, và may kín lại. Đợi cho đến khi vết thương hoàn toàn
lành lặn, ngài lại ra đi. Lần này thì bộ kinh đã không bị khám phá, cho nên
ngài đã được phép rời Ấn-độ. Ngài theo đường hàng hải, đến Quảng-châu (Trung-quốc)
vào năm 705 (đời vua Đường Trung-tông). Sau khi gặp được chư tăng ở chùa Chế-chỉ,
Quảng-châu, ngài mới cho biết là ngài đã mang được bộ Kinh Thủ Lăng Nghiêm đến đây. Ai nghe cũng đều vui mừng, vì đó là
điều mọi người từng mong đợi từ hơn trăm năm nay. Khi được hỏi bộ kinh ở đâu,
ngài mới rạch cánh tay theo vết may cũ, lấy bộ “kinh da” từ trong ấy ra. Máu chảy
dầm dề, phải rửa thật sạch sẽ, bấy giờ bộ kinh mới hiện ra tỏ rõ. Liền đó, bộ
kinh đã được dịch ra Hán văn ngay tại chùa Chế-chỉ. Sau khi bộ kinh này được dịch
xong, ngài liền xuống thuyền trở về Thiên-trúc để chịu tội với vua, vì đã trái
lệnh, tự ý đem Kinh Lăng Nghiêm truyền
sang Trung-quốc.
*
Bộ Kinh Thủ Lăng Nghiêm này, tại Trung-hoa, từ các đời Đường, Tống đến nay, đã có hàng trăm
nhà chú giải. Khi có ý định dịch bộ kinh này ra Việt ngữ, chúng tôi may mắn có
được quyển Đại Phật Đảnh Thủ Lăng Nghiêm Kinh Giảng Nghĩa của pháp sư Viên Anh (1878-1953, người
Phúc-kiến, Trung-quốc), vì vậy, chúng tôi đã y theo phần “chánh văn” trong tác
phẩm này để dịch; và phần “giảng nghĩa” của pháp sư cũng giúp ý cho chúng tôi rất
nhiều trong lúc dịch. Ngoài ra, chúng tôi cũng tham khảo hai bản Việt dịch khác
của hai bậc dịch giả tiền bối mà chúng tôi đang có trong tủ sách gia đình, đó
là bộ Kinh Thủ Lăng Nghiêm của bác sĩ
Tâm Minh LÊ ĐÌNH THÁM (1897-1969, người Điện-bàn, Quảng-nam, VN) dịch, và bộ Kinh
Lăng Nghiêm Tông Thông của thiền sư NHẪN
TẾ (1889-1951, chùa Tây-tạng, Bình-dương, VN) dịch.
Bộ Kinh Thủ Lăng Nghiêm, trong nguyên bản Hán văn, được chia làm 10 quyển, nhưng không có tiêu
đề cho mỗi quyển. Nay dịch ra Việt văn, chúng tôi xin mạo muội đặt tiêu đề cho
mỗi quyển ấy, để quí vị đồng tu nắm được ý tổng quát của nội dung từng quyển
trong khi đọc tụng.
*
Ý Kinh cao
sâu mầu nhiệm, biển học mênh mông, mà khả năng hiểu biết của chúng tôi thì quá
cạn cợt, cho nên sự diễn đạt chắc chắn có lắm sai sót. Chúng tôi rất mong nhận
được sự chỉ giáo của các bậc thiện tri thức cao minh.
Việc dịch
kinh này ra tiếng Việt, nếu có được chút ít công đức nào, xin thành tâm nguyện đem
hồi hướng cho chúng sinh, tiêu trừ vọng tưởng, tăng trưởng lòng tin thanh tịnh,
sớm thành tựu đạo quả Vô Thượng Bồ Đề.
Nam Mô Thập Phương Thường Trụ Tam Bảo
tác đại chứng minh
Cung kính giới thiệu, Miền Tây Gia-nã-đại, mùa An Cư năm 2011 Cư sĩ HẠNH CƠ CUNGBẠCH Con chí thành đảnh lễ Đức Thích Ca Thế Tôn Đấng Vô Thượng Pháp Vương Bậc Đạo Sư ba thừa Cha Lành khắp ba cõi Vì thương đàn con dại Nói kinh Thủ Lăng Nghiêm Chỉ bày thật rõ ràng Đâu là tâm chân thường Đâu là nguồn vọng tưởng Khiến cho ngàn vạn ức Các thính chúng hiện tiền Chứng ngộ tánh Bồ Đề Thoát luân hồi sáu nẻo Để báo đáp ơn Phật Nay con xin phát tâm Dịch kinh Lăng Nghiêm này Ra ngôn từ nước Việt Mong truyền bá rộng rãi Trong Phật tử Việt-nam Được cơ duyên hành trì Thắp sáng đèn trí tuệ Lời Phật cao sâu quá Tâm con còn tối tăm Chắc chắn có sai lầm Cúi lạy đức Thế Tôn Xin xót thương tha thứ Con nguyện cùng thiện hữu Siêng năng thường đọc tụng Bỏ vọng tưởng đảo điên Về bản tâm chân thường Nếu có chút phước đức Xin nguyện đem hồi hướng Cho chúng sinh và con Phiền não sạch nghiệp tiêu Chóng lên bờ giải thoát Nam Mô Hiện Tọa Đạo Tràng Thuyết Kinh
Giáo Chủ Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật Nam Mô Đại Phật Đảnh Thủ Lăng Nghiêm
Kinh Nam Mô Khải Giáo A Nan Đà Tôn Giả Miền Tây Gia-nã-đại, mùa An Cư năm 2011 Ưu-bà-tắc giới đệ tử Hạnh Cơ kính lạy KINH ĐẠI PHẬT ĐẢNH NHƯ LAI MẬT NHÂN TU CHỨNG LIỄU NGHĨA CHƯ BỒ TÁT VẠN
HẠNH THỦ LĂNG NGHIÊM (1) Đời Đường, Sa môn Bát Lạt Mật Đế (người
Trung Thiên-trúc) chủ tọa Đạo Tràng Phiên Dịch, tụng tiếng
Phạn. Sa môn Di Già Thích Ca (người nước Ô-trành)
dịch Phạn văn ra Hán văn. Sa môn Hoài Địch (người Trung-hoa) hiệu
chính, chứng nghĩa. Bồ-tát giới đệ tử Phòng Dung (người
Trung-hoa) nhuận văn, chép thành bản kinh hiện hành.(2)
Discussion about this post