KHI CHẾT NGŨ UẨN DIỆT THEO
NHƯ VẬY
NẾU CHẾT MÀ DIỆT HẾT THÌ THOÁT KHỎI NGHIỆP CHĂNG?
Dịch giả: Hòa thượng Giới Nghiêm (Maha Thera Thita Silo) Tỳ kheo Giới Đức hiệu đính
– Khi một chúng sanh chết ở đây, tái sanh chỗ khác thì thức của chúng sanh ấy có lìa khỏi ngũ uẩn này để tái sanh chăng?
– Chúng sanh chết thì ngũ uẩn diệt và thức cũng diệt theo, tâu đại vương .
– Thế tại sao Đức Thế Tôn có thuyết rằng, chúng sanh hằng đi theo nghiệp của mình và thức sẽ đi tìm cảnh thú tái sanh theo nghiệp ấy.
– Đúng là như thế.
– Xin đại đức giảng cho nghe.
– Thức tái sanh ấy được gọi là kết sanh thức, tức là thức nối liền từ kiếp này sang kiếp kia. Khi chết, thức diệt, không đi theo, nhưng nó tác động, chuyển hướng trong nháy mắt là kết sanh thức đi sang cảnh giới khác liền. Ví như người ta mồi lửa từ cây đèn này sang cây đèn khác. Lửa từ cây đèn bên này không đi sang cây đèn bên kia như thế nào, thì thức cũng không đi theo như thế ấy, tâu đại vương .
– Xin cho nghe thêm ví dụ.
– Thuở nhỏ đại vương có học toán số, văn phạm, sử truyện với các thầy phụ đạo phải chăng?
– Đúng thế.
– Thế thì toán số, văn phạm, sử truyện… ấy nó có chạy ra từ miệng, từ óc của thầy phụ đạo sang miệng và óc của đại vương chăng?
– Không có chạy qua.
– Và khi đại vương học giỏi, thì kiến thức, hiểu biết của các thầy phụ đạo chắc là cạn hết vì đã truyền sang tất thảy cho đại vương rồi?
– Không phải như thế. Kiến thức và hiểu biết của các vị ấy còn y nguyên.
– Vậy là không có cái gì đi qua cả sao?
– Không có.
– Tái sanh cũng y cũng như thế. Khi chết ngũ uẩn diệt, thức cũng diệt, chẳng có thức đi theo, nhưng thức ấy tác động, hướng tâm, trong một niệm là duyên theo cảnh giới tái sanh liền, tâu đại vương .
– Trẫm đã rõ.
* * *
Đức vua hỏi:
– Cho trẫm trở lại câu hỏi trước. Đại đức nói là khi chết, ngũ uẩn diệt, nghĩa là cả thân tâm này diệt hết, không còn gì?
– Đúng vậy.
– Chẳng có bất cứ cái gì ở thân này đi sang cảnh giới tái sanh cả?
– Tạm thời có thể nói như vậy.
– Vậy thì tiện lắm, khỏe lắm rồi. Nếu trên đời này mà trẫm có làm ác, giết người vô số; khi chết, tất cả nghiệp cũng diệt theo; sang cảnh giới mới, trẫm sẽ không bị trả quả do ác nghiệp của mình đã tạo!
– Chẳng phải thế đâu, đại vương! Chỉ có người chấm dứt mọi nguyên nhân sanh tử, kẻ ấy mới chấm dứt được nghiệp; còn tất cả mọi chúng sanh, không ai thoát được nghiệp đã gieo!
– Thế tại sao đại đức bảo là diệt hết!
– Đại vương có nhớ chuyện xử phạt người trộm xoài không?
– Có nhớ.
– Kẻ trộm xoài ấy đã ngụy biện ra sao?
– Y nói rằng, tôi hái trái ở trên cành còn xoài của người trồng ở trong đất đã bị diệt mất tiêu.
– Rồi đại vương phán tội ra sao?
– Trái dưới đất nó diệt nhưng nó nảy mầm, lớn lên, ra hoa ra trái. Trái mà ngươi hái cũng do từ trái dưới đất mà sanh ra.
– Nghiệp cũng như thế, tâu đại vương! Thân tâm tuy diệt, nhưng nghiệp đã tạo giống như mầm cây, nó sẽ ra hoa kết trái ở thân tâm mới. Người hái trộm xoài không thoát khỏi tội như thế nào thì chúng sanh cũng chẳng thể tránh khỏi nghiệp khi nó đã trổ quả, tâu đại vương !
– Hay thay! Đại đức đúng là bậc Đại trí tuệ.
– Dạ không dám!
__________________
Chú thích của BBT:
Ngũ uẩn là sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn. Đây là những yếu tố vật chất và tinh thần được kết hợp lại mà có cái gọi là con người, là chúng sanh.
Khi không gọi là ngũ uẩn mà gọi là danh và sắc thì ta cũng phải hiểu: Sắc là sắc thân vật lý, và danh là gọi chung của phần tâm và tâm sở gồm có thọ, tưởng, hành và thức.
Nói chi tiết thì ngũ uẩn là:
- Sắc, chỉ thân và sáu giác quan (hay còn gọi là lục căn, bao gồm mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý), do Tứ đại chủng tạo thành, đó là bốn yếu tố đất, nước, gió, lửa. Sắc tạo nên các giác quan và đối tượng của chúng.
- Thọ, tức là toàn bộ các cảm giác, không phân biệt chúng là dễ chịu, khó chịu hay trung tính.
- Tưởng, là nhận biết các tri giác như âm thanh, màu sắc, mùi vị…, kể cả nhận biết ý thức đang hiện diện.
- Hành, là những hoạt động tâm lí sau khi có tưởng, ví dụ chú ý, đánh giá, vui thích, ghét bỏ, quyết tâm, tỉnh giác. Hành là đối tượng đã tạo nên nghiệp thiện ác…
- Thức, bao gồm sáu dạng ý thức liên hệ tới sáu giác quan: Ý thức của mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Thức phụ thuộc vào sáu căn tiếp xúc với sáu trần để hình thành nên sáu thức. Nếu không có thức người ta sẽ không phân biệt được màu sắc hay âm thanh v.v
(Hết chú thích)
(Trích trong Mi Tiên Vấn Đáp)
MI TIÊN VẤN ĐÁP (MILINDA PANHA)
Dịch giả: Hòa thượng Giới Nghiêm (Maha Thera Thita Silo)
Tỳ kheo Giới Đức hiệu đính, ấn bản 2003
Discussion about this post