GÓC KHUẤT
Chân Hiền Tâm
Tôi đọc được một câu khá dễ thương trên facebook : “Ai cũng có một góc khuất, bản thân không bước ra, người khác cũng không thể bước vào. Tôi có những bí mật sâu thẳm trong đó. Bạn không hiểu tôi, tôi không trách bạn”.
Có hai điều khiến tôi chú ý đến câu nói. Góc khuất và tôi không trách bạn. Góc khuất, là nơi chứa mọi bí ẩn của con người mà có khi chính đương sự cũng chưa cảm nhận và ý thức hết về nó. Không trách người là một ý tưởng rất hay, nó mang đến hạnh phúc cho mình ngay cả khi người ta không hiểu mình.
Tôi sẽ kể bạn nghe về những gì tôi đã trải qua, dính líu đến cái góc khuất kia.
Năm đầu đại học, tôi được quý thầy cô thương rất nhiều. Trong đó có hai vị. Một vị lớn tuổi và một vị trẻ tuổi. Tôi quý kính cả hai vị. Phần tình cảm thì có vẻ nghiêng nhiều về vị lớn tuổi nhưng lại không thấy gần gũi được nhiều như vị trẻ tuổi. Tôi dễ dàng tiếp cận vị trẻ tuổi để hỏi cái này, trao đổi cái kia nhưng với vị lớn tuổi thì không, dù thầy đã tạo mọi điều kiện cho tôi tiếp xúc. Tôi đều từ chối.
Đến một ngày…
Như thường lệ tôi vẫn tìm gặp vị giáo sư trẻ để trao đổi về vấn đề đang học. Chúng tôi luôn có những giờ phút gần gũi và vui vẻ với nhau. Bất chợt vị giáo sư lớn tuổi xuất hiện. Ngay cái lúc tôi nhìn thấy vị ấy đang nhìn chúng tôi, một cảm giác thỏa mãn xuất hiện, báo hiệu việc trả thù đã thành công.
Tôi giật mình về những gì tôi vừa thấy xuất hiện trong tâm mình. Vì sao lại có sự thỏa mãn đó xuất hiện? Như vậy bấy lâu nay, mọi việc làm của tôi đều tập trung cho mục đích trả thù sao? Nhưng vì sao lại trả thù? Thầy rất tốt với tôi. Luôn tìm cơ hội để tôi được học hỏi với thầy. Từ chối mọi thuận lợi là do tôi không phải thầy. Tình cảm của tôi đối với thầy cũng không đi quá giới hạn cần đến một sự trả thù. Mọi thứ trong hiện đời vẫn đang tốt đẹp, không có một chi tiết nào làm tôi bất mãn để cần đến một sự trả thù.
Tôi đã ghi nhận việc đó mà không có câu trả lời cho đến khi đến với Phật pháp, nhưng cũng mãi sau này mới có thể giải thích vì sao như vậy.
Khi tôi kể câu chuyện đó ra gởi đăng ở một tạp chí, một người trong Ban Biên tập đã phản bác và yêu cầu tôi sửa lại thí dụ đó. Nó không phải là luận lý toán học hay Phật học mà chỉ là một trải nghiệm, vì thế chỉ có thể ghi nhận, không thể nói đúng hay sai. Bạn có thể không tin vào đó (vì nó không phải là những gì bạn đã trải qua, như con cá ở dưới nước không thể hiểu những gì mà con ba ba đã trải nghiệm khi nó lang thang trên những bãi cát nóng) nhưng không thể bàn đến đúng sai để nói sửa hay không sửa. Có rất nhiều thứ trên cuộc đời này chúng ta chưa biết, dù nó đang thuộc phạm vi của chính mình. Cái góc khuất đó, mấy ai đã thực hiểu về nó? Rất ít.
Vì không thông được góc khuất đó mà chúng ta không thể lý giải được khá nhiều việc trong cuộc sống này. Cũng khó chấp nhận được những gì đang xảy ra với mình, với người, cũng như giữa mình và người.
Phân tâm học đã nói đến góc khuất đó bằng những từ như vô thức và tiềm thức. Đương nhiên ý nghĩa của nó phải sâu rộng hơn cái từ góc khuất mà đa phần người đời đang sử dụng hiện nay. Góc khuất của người đời chỉ là những gì người đời biết mà không nói ra, chưa hẳn đó là những gì thuộc về tiềm thức hay vô thức mà Phân tâm học đã nói. Những thứ người đời cho là góc khuất của mình, chưa hẳn là những gì ẩn sâu trong vô thức. Chính vì thế, có những thứ đương sự nghĩ là không ai biết, vì tự mình muốn che giấu, không chấp nhận nó đang hiện diện trong mình, nhưng lại đang hiển lộ rất rõ dưới mắt một số người, nhất là người có chuyên môn về tâm lý.
Góc khuất mà tôi nói đây, với cái nhìn của Duy thức học, chính là phần mà ý thức của chúng ta không thể nhận ra nếu chúng ta không từng có sự tu tập để liễu đạt về nó. Đó là những gì được lưu giữ trong thức thứ tám mà Duy thức học đã nói. Nếu chúng ta có thể thông được góc khuất đó, chúng ta có thể nhìn thấy mọi nguyên nhân của tất cả những gì đang xảy ra quanh mình v.v…
Vô thức và tiềm thức của Phân tâm học
Tâm lý học của Freud1 cho chúng ta thấy đời sống tâm linh không phải chỉ hạn chế trong những gì chúng ta ý thức được. Dưới những động lực của ý thức và những quyết định hợp lý, có một bộ máy tâm linh mà ở đó những nguyên động lực được giấu giếm, vô thức hay bị dồn nén vẫn tác động. Và ông gọi các lực lượng tâm lý đó là vô thức và tiềm thức. Vô thức và tiềm thức can thiệp vào đời sống ý thức dưới hình thức phản ứng có kỳ hạn.
Theo Freud, vô thức và tiềm thức là nơi chứa những năng lực đã bị cưỡng chế và dồn ép của con người. Do hoàn cảnh, do giáo dục, do tập quán xã hội v.v… mà trẻ con cũng như người lớn thường chịu nhiều ảnh hưởng và nhiều ám thị cản trở những thèm muốn và những khuynh hướng họ đã có. Những khuynh hướng bị dồn ép đó không biến mất hẳn mà vẫn tồn tại dưới lớp vỏ tập quán xã hội và lợi dụng những cơ hội bất ngờ để thể hiện. Có khi thể hiện một cách tự do và dữ dội dưới hình thức trò chơi, chiến tranh, ngược đãi v.v… Có khi được thể hiện dưới hình thức biểu tượng, như giấc mơ, lầm lẫn, thiếu sót và những hành vi bệnh hoạn. Có khi thăng hoa thành những hành vi hỗ trợ cho những hoạt động tinh thần, như nghệ thuật, khoa học v.v…
Một thanh thiếu niên thường hay bài bác chống lại trật tự xã hội mà nó thấy quá trưởng giả ngột ngạt, tại vì trật tự xã hội này chèn ép tuổi trẻ. Nhưng đằng sau những lời phản kháng đó, người ta có thể khám phá ra nhiều nguyên động lực khác. Đó là sự nổi loạn cá nhân chống lại một đời sống cộng đồng, đòi hỏi người ta phải hy sinh tính ích kỷ của mình. Đó là ước muốn giải phóng sự tò mò và những động năng tình dục. Và thông thường hơn hết, là ước muốn biện minh cho một thái độ hỗn loạn có tính cách lãng mạn. Song những lý do đó đều được che khuất, nằm trong bình diện của tiềm thức. Điều đó cho thấy tâm linh ý thức của ta có thể tạo ra nhiều lý lẽ đẹp đẽ hợp lý nhưng đó chưa hẳn là nguyên động lực thật sự của mọi hành động. Những gì thuộc về tiềm thức, chúng ta có thể phân tích nếu chúng ta đủ sáng suốt.
Dưới lớp vỏ tiềm thức đó, Freud lại khám phá ra sự hiện hữu của một vô thức cá nhân sâu xa. Vô thức này bao gồm tất cả những thúc đẩy của bản năng mà những cưỡng chế xã hội và văn hóa đã chôn vùi và bịt miệng, nhưng không hủy diệt được. Những cản trở đó đã làm phát sinh những xung khắc và những chấn động tâm lý mà đứa trẻ và người lớn đều không nhớ, nhưng nó lại can thiệp thường xuyên vào hành động của họ mà họ không biết. Với Freud, vô thức sâu xa này bao gồm toàn thể những thúc đẩy nguyên thủy tạo thành tình cảm tính cổ xưa của con người, nhưng cái khiến cho vô thức được cá nhân hóa chính là những dấu vết của đời sống riêng tư ở mỗi người.
Tóm lại, guồng máy tâm linh, trong giai đoạn đầu, đã được Freud phân thành ba cấp:
– Vô thức, một vùng mà ở đó tất cả những yếu tố đều ở trong tình trạng bị dồn ép.
– Tiềm thức, có thể ý thức được, một vùng mà ở đó những giấc mơ được phác họa trở lại.
– Ý thức, bề ngoài của guồng máy tâm linh.
Đến năm 1923, Freud lại đưa ra lý thuyết ba cấp:
– Vô thức, chứa đựng những thúc đẩy mà những cơ chế tự vệ duy trì dồn nén làm cho thành vô thức, từ đó ảnh hưởng tới sinh hoạt của toàn thể tâm linh.
– Bản ngã, được thành lập từ vô thức, dưới ảnh hưởng của nguyên tắc thực tế. Bản ngã là nguồn gốc của những động thái ăn nói, những động thái xã hội và duy lý.
– Siêu ngã, được thành hình từ bản ngã v.v…
Việc khám phá ra tiềm thức và vô thức của ông đã góp phần không nhỏ trong việc điều trị các bệnh có liên quan đến tâm lý mà ông gọi là tâm bệnh nhẹ (névrose). Nguyên nhân của bệnh chính là sự xung đột giữa các thúc đẩy. Giải quyết được sự xung đột này thì giải quyết được bệnh tật.
Một bệnh nhân nữ hai mươi tuổi, mắc bệnh hystérie. Hystérie là một loại tâm bệnh nhẹ, diễn tả trên phương diện thể xác một cách ngoạn mục những xung đột vô thức của người bệnh. Như người bệnh từ chối đứng dậy, bước đi dù bệnh nhân không hề bị một vấn đề nào liên quan đến bại xuội. Cô bệnh nhân hai mươi tuổi này cũng vậy. Không chịu uống nước. Cô có thể chụp lấy ly nước nhưng khi ly nước vừa đụng tới môi, cô đẩy nó ra. Thay vào đó cô ăn ngấu nghiến các thứ trái cây để giải quyết cơn khát. Sáu tuần sau, trong một cơn ngủ thôi miên, cô đã than phiền về một chị giúp việc người Anh mà cô rất ghét. Sau đó cô kể lại toàn bộ câu chuyện khiến cô không muốn uống nước: Ngày còn nhỏ, một lần cô tới phòng chị giúp việc và đã thấy con chó, giống vật mà cô ghê tởm, đang uống nước trong ly. Do lịch sự cô không nói, nhưng sự bất mãn đó đã được lưu giữ và dẫn đến căn bệnh tâm lý cô đang có. Sau khi kể ra câu chuyện, cô giận dữ một hồi, rồi đòi uống nước. Uống một hơi và thức dậy. Lúc đó ly nước vẫn còn trên môi và cô lành bệnh.
Mọi quan điểm của Freud được trình bày trong các sách của ông hoặc qua những bài viết đăng trên các tạp chí. Những quan điệm đó thường thay đổi ít nhiều, tùy vào từng giai đoạn khám phá. Ngay khi ông còn sống, cuốnTrois essais sur la théorie de la sexualité (1905) đã tái bản bốn lần, lần nào trong đó cũng có sự thay đổi các lý thuyết. Song thay đổi thế nào thì các lý thuyết ấy đều tập trung quanh vấn đề khám phá tâm lý bí ẩn của con người và đưa ra những phương pháp trị bệnh có hiệu quả nhất.
Nghiệp chủ đạo mọi thứ
Theo Duy thức học thì không chỉ có những dồn ép hay năng lực tính dục v.v… mới được lưu giữ trong vô thức, mọi suy nghĩ và hành động (tam nghiệp) của một người đều được lưu giữ bình đẳng trong tạng thức, dưới dạng các chủng tử. Với một chúng hữu tình thì việc lưu giữ đó không chỉ xảy ra trong một đời như Phân tâm học đã nói, mà trong tất cả đời, từ vô lượng kiếp quá khứ đến nay và sẽ còn kéo dài tới vô lương kiếp vị lai. Các nghiệp này, tuy khởi lên liền diệt, nhưng vì được huân tập vào bản thức mà thành chủng tử công năng của chính mình. Công năng này được gọi là tập khí. Tập khí như thế triển chuyển tiếp nối cho đến khi thành thục, chiêu cảm quả Dị thục. Đó là thân tâm và thế giới của một chúng hữu tình.
Tuy vậy, sanh tử tương tục được không chỉ nương vào phần tập khí nghiệp mà còn phải nương vào phần tập khí hai thủ. Luận Thành Duy thức nói: “Do tập khí các nghiệp/ Cùng tập khí hai thủ/ Thân Dị thục trước hết/ Lại sanh Dị thục khác”. Ngoài tập khí các nghiệp, còn có phần tập khí hai thủ là nhân duyên để có sinh tử tương tục. Thủ tướng và kiến, thủ danh và sắc, thủ tâm và tâm sở, thủ gốc và ngọn. Bốn thứ thủ hiện hành đó huân thành công năng trên bản thức để thân sinh ra nó, và được gọi là tập khí hai thủ. Chủng tử nghiệp và chủng tử hai thủ cùng nhau làm duyên xa và gần giúp nhau sinh khởi. Tập khí nghiệp tuy là sơ duyên nhưng sự chiêu cảm sinh ra thân Dị thục lại rõ rệt hơn. Nó là một loại tăng thượng duyên rất mạnh đối với quả báo Dị thục đương lai2. Khi một thân Dị thục xuất hiện thì có thế giới của thân đó cùng xuất hiện.
Đó là lý do vì sao Phật nói nghiệp quyết định mọi thứ, không có Thượng Đế nào quyết định được vận mệnh của con người. Con người là Thượng Đế của chính mình. Chỉ có điều, khi nghiệp (tập) đã hình thành thì nghiệp là chủ. Bởi khi thói quen đã hình thành, nó sẽ tạo ra một lực (sức mạnh) bắt chúng ta phải tuân theo. Chính do lực này mà Freud đã nói đến sự dồn ép. Mọi suy nghĩ và hành vi trong hiện đời đều chịu ảnh hưởng trực tiếp của những gì đã được huân tập mạnh ở quá khứ. Schopenhauer, một triết gia thuộc thế kỷ XIX, có một câu nói rất hay về vấn đề này: “Bề ngoài, con người hình như có cái gì ở trước mắt thúc đẩy họ đi tới, kỳ thực họ bị thúc tới từ đằng sau”. “Họ bị thúc giục bởi những gì họ cảm thấy, bởi những bản năng mà về sự vận hành của chúng, họ không hoàn toàn ý thức được”.3 Sự thúc giục hay cái gọi là bản năng đó, chính là tập nghiệp. Chúng ta đang bị dẫn dắt bởi tập nghiệp của chính mình nhưng không hề ý thức được điều đó. Thượng đế trở thành kẻ tôi đòi, đánh mất năng lực tự chủ và khả năng sáng tạo của mình.
Những gì thuộc nhân duyên hiện đời, chúng ta có thể ít nhiều ý thức về chúng dễ dàng, nhưng những gì thuộc nhân duyên đời quá khứ, bị nhân duyên đó chi phối, thì ý thức của ta thường có khuynh hướng “bỏ qua”. Nó không đủ khả năng để “hiểu biết” vì sao việc đó đã xảy ra cho đến khi cái quả thành hình. Đó là lý do giải thích vì sao có những va chạm không đáng trong hiện đời lại đưa đến án mạng. Có những hành vi có thể khiến án mạng xảy ra, lại không xảy ra án mạng. Đều do có nhân duyên đời quá khứ chi phối trong đó.
Việc nghiệp chủ đạo mọi hành vi mà ý thức chúng ta không ý thức kịp, Phân tâm học đã có một thí nghiệm giúp chúng ta rõ ràng hơn về điều này. Cũng chính từ thí nghiệm đó mà Freud (1856 -1939), người được coi là đặt nền móng và phát triển lĩnh vực nghiên cứu về Phân tâm học, đã khám phá ra cái gọi là tiềm thức và vô thức.
Khi ông còn là một bác sĩ thực tập, ông đã chứng kiến cảnh một bác sĩ thần kinh thôi miên người bệnh của mình. Thí nghiệm có tên là “Ám thị có thời hạn”. Cuộc thí nghiệm đó như sau: Một bệnh nhân được thôi miên. Trong khi đang được thôi miên4, người bệnh được vị giáo sư ra lệnh: “Sau khi thức giấc, phải bò quanh phòng nửa giờ”. Sau đó người bệnh được đánh thức và lấy lại ý thức của mình. Đương nhiên anh không thể nhớ mệnh lệnh mà mình đã nhận được khi ngủ một cách có ý thức. Nhưng khi tới giờ mà bác sĩ đã quy định, đang ngồi trên ghế, người bệnh bắt đầu táy máy như muốn tìm kiếm vật gì. Viện cớ tìm vật đó, anh bắt đầu bò quanh phòng… Thí nghiệm cho thấy, có những ghi nhận được thực hiện mà ý thức hiện tại không đủ khả năng nhận biết về nó.
Trong quá khứ, tôi và thầy đã từng có một mối quan hệ nào đó, thuận nhiều hơn nghịch. Thuận, nên tình cảm giữa tôi và thầy hiện đời khá tốt đẹp. Nghịch, nên đã có một “ghi nhận” được lưu giữ trong tạng thức. Nó giống như những lời nguyện mà chư Bồ-tát đã phát nguyện cho con đường Phật đạo của mình, như lời nguyền phá hoại Tăng chúng mà bà Thanh Đề đã phát ra trong cơn tức giận. Lời nguyện hay lời nguyền đó – thuộc ý nghiệp – là động lực dẫn dắt mọi hành vi của đương sự mà ý thức hiện thời thường không nhận biết được, cho đến khi cái quả xuất hiện. Nghiệp chủ đạo mọi hành vi của con người. Chúng ta thấy hình như mọi thứ đã được sắp sẵn là vì đó. Cái gọi là định mệnh được hình thành. Song định mệnh này có là do nghiệp chủ đạo, nên trong cái định đã sẵn có cái bất định. Nếu chúng ta chịu thay đổi suy nghĩ và hành vi của mình thì định sẽ thành bất định. Ngay cả với loại định nghiệp, là loại nghiệp mà nhân và duyên coi như đã đầy đủ, quả nhất định phải thành hình, chúng ta vẫn có thể chuyển nó bằng cách “tâm không”. “Tâm không” thì mọi sự dù có cũng thành không.
Chúng ta cảm thấy bất lực với những gì xảy ra quanh mình, vì chúng ta không ý thức hết cái gọi là Tập (nghiệp) đã tích tụ trong tạng thức của mình, cũng không biết gì về Đạo để hiểu những gì đang xảy ra quanh mình mà thực hiện quyền năng thượng đế của mình.
Do không biết gì về tạng thức, về sự huân tập khó nghĩ bàn của tâm thức, nên mình rất dễ dãi với những suy nghĩ, hành vi và lời nói của mình. Mình dễ dàng để những thứ vô bổ huân sâu vào tạng thức của mình, giúp tương lai cái tập ấy mạnh hơn. Mình dễ dàng để những cơn nóng giận làm chủ khiến sân hận ngày càng khó trừ v.v…
Chuyển nghiệp và dừng nghiệp
Thân tướng cũng như cảnh giới hiện nay mà ta đang có đều bắt nguồn từ những gì đã được lưu giữ trong tạng thức dưới dạng các chủng tử, chúng ta không có khả năng hiểu biết về nó. Thứ chúng ta có thể biết được trong hiện tại là phần hiện hành của các chủng tử. Luận Đại thừa khởi tín nói: “Gọi là tương tục thức vì niệm niệm tương ưng chẳng dứt. Giữ gìn nghiệp thiện ác trong vô lượng đời quá khứ khiến chẳng mất. Lại hay thành thục quả báo khổ vui v.v… trong hiện tại và vị lai không hề sai lệch. Hay khiến hiện tại, bỗng nhớ những việc đã qua, bất giác lo nghĩ vọng tưởng những việc chưa tới. Cho nên tam giới hư ngụy chỉ do tâm tạo. Lìa tâm thì không có cảnh giới sáu trần”. Nếu chúng ta chịu khó xoay lại chiếu soi tâm thức của mình, sẽ không mấy khó để nhận ra các niệm tưởng đang tương tục không dứt của mình. Sự tương tục đó là nền tảng để ý thức của ta sinh khởi mau chóng khi chạm duyên.
Ý thức không phải chính là thức tương tục nhưng không lìa thức tương tục mà có5. Nương vào phần tương tục đó mà ý thức phân biệt sáu trần, khởi hoặc, tạo nghiệp.
Tam giới6 chỉ do tâm tạo. Thức tương tục lại gìn giữ nghiệp thiện ác trong vô lượng đời quá khứ, cũng hay thành thục quả báo khổ vui trong hiện tại, nên hành giả muốn thay đổi hoàn cảnh hay thế giới quanh mình thì trước hết phải thay đổi đi các niệm thiện ác trong chính mình. Muốn hoàn cảnh mình tốt hơn, thân tướng mình tốt7 hơn thì phải chuyển các niệm bất thiện thành niệm thiện. Muốn hoàn cảnh mình xấu đi, thân tướng mình xấu đi thì cứ để những niệm bất thiện hiện hành. Song muốn chấm dứt dòng sinh tử tương tục thì nhất định phải dứt cho được sự tương tục của tâm thức.
Luận Đại thừa khởi tín nghĩa ký của Tổ Hiền Thủ nói: “Tướng sai biệt có là do biến kế vọng tình của ông tạo ra, xưa nay không thật. Như y nơi mắt bệnh mà vọng thấy hoa đốm trong hư không, nên nói đều nương nơi vọng niệm mà có sai biệt. Vì sao lại biết nương nơi vọng niệm mà sinh? Vì khi các thánh nhân lìa vọng niệm thì không có cảnh giới này. Đã không có cảnh giới này thì biết cảnh giới này từ vọng mà sinh. Vả lại, nếu cảnh này chẳng phải do vọng làm ra thì quyết định là thật có. Là thật có, mà thánh nhân không thấy thì nên là mê đảo, phàm phu đã thấy thì nên là giác ngộ, như chẳng thấy hoa đốm trong hư không thì nên là mắt bệnh. Nhưng không phải vậy. Nên nói nếu lìa tâm niệm thì không có cảnh giới của sáu trần”.
Từ chỗ này, chúng ta hiểu vì sao muốn về cõi Cực lạc của A Di Đà, phải trì danh hiệu Phật kèm với lời phát nguyện về cảnh giới đó. Phải chán cõi Sa-bà này thì nguyện về cõi Cực lạc mới mạnh. Nguyện dù mạnh, không thể thiếu phần niệm Phật được nhất tâm, dù chỉ trong bảy niệm. Vì một khi niệm Phật thay thế được niệm chúng sinh thì tâm mới có thể tương ưng với cảnh giới Phật.
Đại sư Huyền Giác cũng nói: “Dứt tâm tương tục”8. Song Đại sư nói dứt tâm tương tục, là để chúng ta nhận rõ thực tướng của thức tương tục cũng như của vạn pháp. Không phải như hàng Nhị thừa, chỉ dừng ở việc chấm dứt sinh tử tương tục.
Chỉ và Quán trong vấn đề dứt nghiệp
Chỉ để thay đổi hoàn cảnh cuộc sống của mình thì chúng ta chỉ cần thay đổi đi những niệm bất thiện trong mình. Những niệm nào mang tính ích kỷ, hại người… chúng ta cố gắng thay thế bằng những niệm lợi người lợi mình. Song muốn chấm dứt sinh tử hay nhận ra được thực tướng của sinh tử cũng như của vạn pháp thì chúng ta phải cần đến pháp Chỉ và Quán.
Chỉ, nghĩa là dừng lại. Dừng lại những gì đang hiện khởi trong tâm.
Quán, là thấy biết. Bởi có thấy biết được những gì đang hiện khởi trong tâm, chúng ta mới có thể dừng đi dòng nghiệp lực của mình. Quán, như các pháp Quán huyễn, Quán từ bi v.v… là phương tiện giúp chúng ta dễ dàng dừng đi những sanh khởi của mình mà không khiến nó bị tồn đọng hay ức chế.
Niệm Phật, trì chú v.v… đều mang hơi hướm Chỉ – Quán trong đó. Chỉ là do ứng cơ mà pháp thấy có khác nhau, nhưng đều với mục đích giúp hành giả chuyển hóa dòng vọng tưởng của mình. Với Bồ-tát đạo, dừng được dòng vọng tưởng chưa phải rốt ráo. Dừng vọng tưởng, chỉ mới là dừng đi cái lực của tập nghiệp. Vấn đề là phải soi cho thấu được thực tướng của dòng vọng niệm.
Cái gọi là vọng, là cái thấy của chư Phật và đại Bồ-tát. Còn với chúng sinh, cái gọi là vọng đó chỉ mới dừng ở mặt niềm tin, chưa thực thấy nó là vọng. Nếu chúng ta dừng được cái lực của dòng vọng tưởng thì chúng ta sẽ thấy vọng đúng là vọng. Vọng từ thân tâm cho tới cảnh giới bên ngoài. Dừng được lực đó thì mới không bị nó dẫn chạy. Chúng ta mới có thể nhận ra được thực tướng của nó. Chúng chỉ là vọng tưởng không có chất thật. Nếu không ý thức được điều này, cứ huân hoài mọi thứ vào tạng thức, thì lực đó ngày càng mạnh. Chúng ta sẽ mải miết theo những gì mà nghiệp đã chỉ định. Tuy là vọng mà tất cả đều như thật vì chúng ta để cho tập nghiệp làm chủ lấy mình.
Thực tập chánh niệm, là một dạng của Chỉ – Quán, nó giúp chúng ta phá bỏ lực nghiệp, giúp chúng ta ý thức hơn về những gì mình đang làm và sắp làm. Nghĩa là, chúng ta có thể dừng đi ít nhiều sự tương tục của dòng nhân quả trả vay nhờ vào việc thực hành chánh niệm.
Khi gặp được HT.Trúc Lâm, tôi thực hành pháp “Biết vọng không theo” mà HT đang chỉ dạy vào lúc đó.
Thời gian này đã xảy ra một việc khiến tôi ý thức hơn về việc trả nghiệp và nghiệp có sức chủ đạo thế nào trong đời sống thường nhật của mình. Đủ để thấm thía câu nói: “Bồ-tát sợ nhân. Chúng sinh sợ quả”.
Khi đến với đạo, chúng tôi dẹp bỏ mọi công việc làm ăn, chỉ lấy việc cho thuê nhà làm sinh nhai chính cho gia đình. Người thuê nhà làm ăn thất bại, giữ của tôi hơn mười tháng tiền nhà. Việc cuối cùng là phải xiết những vật dụng họ đang có để thay bớt những gì họ đã nợ. Đó là lệ thường ở đời. Ông bạn tôi thì không tha thiết với việc xiết đồ, bởi chẳng được bao nhiêu so với số tiền đã mất, mà anh thì không muốn có thêm sự chèn ép nào nữa khi người ta đã lâm vào thế cùng. Vì thế anh sẵn sàng cho khách ra đi với khoản tiền nợ kếch xù mà không đòi hỏi gì thêm. Nhưng tôi thì không. Mọi thứ phải được tính toán sòng phẳng. Chúng tôi bắt đầu một cuộc gặp mặt. Ông bạn cũng đồng ý để tôi quyết định mọi việc như ý muốn.
Vào cái khoảng ấn định những vật nào được giữ lại, tôi thấy một lớp màn đi qua tâm mình. Trong lúc tôi bận tâm theo dõi những gì đang xảy ra trong tâm như bình thường vẫn “biết vọng không theo”, thì ông bạn thay tôi làm hết những việc mà đáng nhẽ tôi phải quyết định. Khi lớp màn đó qua đi, tôi đối diện với thực tế. Ông bạn chỉ giữ lại một bộ bàn ghế như tôi từng yêu cầu, còn tất cả đều cho mang đi. Lúc đó, tôi vẫn có khả năng sửa đổi những gì mà ông bạn đã quyết định. Nhưng tôi không làm điều đó. Tôi thấy an lòng với những gì ông bạn đã quyết định. Bởi tôi vừa nhận ra cái nhân tôi đã gây ra từ quá khứ. Có những thứ chúng ta thấy sòng phẳng, thật ra không hẳn là như thế. Có những thứ chúng ta thấy bất công, thực tế không phải như vậy. Mọi thứ đều có nhân duyên của nó, không hề sai lệch. Vấn đề là chúng ta chỉ nhận thấy những gì đang xảy ra trong hiện tại mà không biết gì về cái nhân ở quá khứ. Một sự sòng phẳng chưa chắc đã giúp mình trả xong cái nợ mình đã vay trước. Đó là lý do tôi không xiết tất cả đồ như đã dự định mà thấy bằng lòng với quyết định của ông bạn mình.
Biết chính xác nguyên nhân sâu xa của mọi hành động, có lẽ là vấn đề nan giải nhất của nhân loại hiện nay. Có thể, chúng ta ý thức rất rõ về những hành vi của mình, nhưng như vậy không có nghĩa là chúng ta đã biết được nguyên nhân sâu xa dẫn đến hành vi đó. Spinoza (1633 – 1677), một trong những nhà duy lý vĩ đại nhất của Triết học thế kỷ thứ XVII, đã nói: “Ảo tưởng về một sự tự do, phát xuất từ chỗ chúng ta ý thức những hành động của chúng ta nhưng không hề biết gì về những nguyên nhân làm chúng ta hành động”9. Còn rất nhiều bí ẩn trong cái góc khuất của chính mình mà chúng ta chưa thể nào thấy tới.
Xoay lại mình để khám phá ít nhiều về nó cũng là điều thú vị, phải không các bạn?
Chân Hiền Tâm
_______________________
(1) Phần tâm lý học nói đây đều được trích dẫn trong cuốn Phân tâm học, nguyên tác L’inconscient et la psychanalyse, của J.P. Charrier, Lê Thanh Hoàng Dân dịch. Không để trong ngoặc kép những phần đó, để tránh tình trạng khó đọc.
(2) Thành Duy thức học – Phần Giải thích vấn nạn. HT Thiện Siêu dịch.
(3) Câu chuyện triết học – Ni sư Trí Hải và Bửu Đính dịch.
(4) Giấc ngủ thôi miên, là một giấc ngủ giả tạo. Trong đó, ý chí người được thôi miên bị ý chí của người thôi miên ngự trị. Hiện tượng này có thể xảy ra nơi những người dễ bị ám thị. Người ta sử dụng phương pháp thôi miên trong tâm bệnh lý học để ám thị cho bệnh nhân những động thái giúp họ lành bệnh.
(5) Luận Đại thừa khởi tín phân thức thành năm, là y vào mặt công năng nổi trội của mỗi thức mà nói, còn 5 thức này không lìa nhau mà có. Vì thế trong thức tương tục này chúng ta thấy có hơi hướm của thức thứ tám và cả ý thức. TrongĐại thừa khởi tín nghĩa ký, Tổ Hiền Thủ nói: “Giữ gìn nghiệp quả chẳng mất là công năng của tam tế, thuộc Alaida. Sau, hay nhớ những việc đã qua v.v… là công năng của hai ý sau, thuộc phần vi tế của sự thức (ý thức)”.
(6) Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới.
(7) Đây nói tướng tốt, không nói sắc đẹp. Sắc có thể thay đổi bằng dao kéo… nhưng tướng thì tùy tâm mà hiện.
(8) Đại thừa khởi tín luận trực giải – Đại sư Hám Sơn.
(9) Phân tâm học, nguyên tác L’inconscient et la psychanalyse, của J.P. Charrier, Lê Thanh Hoàng Dân dịch.
Discussion about this post