GIỚI THIỆU
NIỆM PHẬT VIÊN ĐỐN TAM KINH
Tỳ kheo Thọ Dã
Bản dịch Việt: Minh Lễ
TỰA
VănThù Sư Lợi Ma Ha
Bát Nhã ba la mật kinh vốn là mẹ của mười phương chư Phật , pháp môn huyền
diệu của tất cả Bồ tát thuở tu nhơn, pháp tánh sẵn có của hết thảy chúng sanh.
Mười phương chư Phật thân chứng được Bát nhã diệu tánh nên gọi là Phật. Tất cả
bậc đại sĩ tu hành nơi Bát nhã diệu pháp nên gọi ngài là Bồ tát. Nhưng tất cả
chúng sanh mê mờ Bát nhã diệu hạnh vì thế mới gọi chúng sanh mê muội nẻo về.
Tuy nhiên dù chúng sanh mê mờ quên mất Bát nhã diệu hạnh
nhưng chơn không pháp tánh thường tồn , nên nói rằng: không giảm; Chư Phật thân
chứng Bát nhã diệu tánh rốt ráo vẫn không một vật, nên gọi: không tăng. Không
tăng không giảm tức là pháp tánh bình đẳng; pháp tánh bình đẳng chính là Bát nhã diệu hạnh.
Kinh Kim Cang có câu: “ Nên không chỗ trụ mà sanh tâm kia” chính chỉ cho Bát nhã diệu hạnh. Tại sao? Là vì do không an trụ nơi pháp cũng không trụ
nơi tướng tức gọi là an trụ Bát nhã ba la mật.
Phật bảo Văn Thù Sư Lợi: An trụ Bát nhã ba la mật như vậy
các thiện căn tăng trưởng ra làm sao ? tổn giảm như thế nào ? Văn Thù Sư Lợi
thưa rằng: Nếu như đủ năng lực an trụ Bát nhã ba la mật như vậy, ở nơi các thiện
căn không tăng không giảm, nơi tất cả pháp cũng không tăng không giảm, ngay
tánh tướng Bát nhã ba la mật cũng không tăng không giảm. Bạch Thế Tôn ! tu Bát
nhã ba la mật như vậy thì không buông bỏ pháp phàm phu, cũng không ôm giữ pháp
thánh hiền. Tại sao ? Là vì Bát nhã diệu hạnh chơn không vô tướng không thấy có
pháp nào có thể đáng ôm giữ hay đáng buông bỏ, cũng không thấy sự vui sướng của
Niết Bàn hay sự đau khổ của sanh tử. Bát nhã diệu hạnh như ai có khả năng tin
chắc không nghi, tu hành chơn thật không hư dối sẽ thừa sức thành tựu quả Phật,
còn nói gì là địa vị Bồ tát!
Kế đến kinh “Như lai bất tư nghị cảnh giới” theo lời
giải thích của Tổ Thanh Lương nơi phẩm Phổ Hiền hạnh nguyện thuộc kinh Hoa
Nghiêm: Tâm trí khế hợp là nhập, tâm
tư không thể suy lường, ngôn thuyết không thể diễn đạt được là bất tư nghị, có tác dụng thoát ly
chướng ngại là giải thoát, trí chia
chẻ là cảnh. Bất tư nghị cảnh giới
tức là sở nhập (đối tượng để thể nhập), khả năng thấu suốt cảnh giới bất tư
nghị là năng nhập (chủ thể thể nhập), năng sở đều mất, chỉ tồn tại lại diệu
tánh tức chơn như diệu trí gọi đó là Bất
tư nghị cảnh giới.
Sau hết, Kinh Đại tập
Hiền Hộ (Bát chu tam muội) chỗ trọng yếu nhứt dùng thân miệng ý tu tập ba
nghiệp thanh tịnh: Thân nghiệp thanh tịnh tinh tấn hiểu biết giáo lý Phật pháp
đại thừa, y theo giới tu hành. Khẩu nghiệp thanh tịnh tuyên dương giáo pháp chư
Phật để cho chúng sanh hiểu biết sâu về
pháp tánh bình đẳng. Ý nghiệp thanh tịnh tinh chuyên suy gẫm bình đẳng pháp
tánh giữa thánh cùng phàm, ngày đêm sáu thời gẫm nghĩ không quên. Tu tập ba
nghiệp thanh tịnh Phạm hạnh như vậy được thể nhập Tam muội Nhứt Hạnh, do tam muội Nhứt Hạnh bình đẳng pháp tánh xứng
tánh ra công tu tập đó là lục độ vạn
hạnh, nhờ nơi lục độ vạn hạnh trang nghiêm cho trí giác vô thượng, gọi đó là Phật. Phật nghĩa là giác ngộ, cũng là diệu trí, tức lý tánh của
chơn như, thu gọn lại trọn không một vật, buông phóng ra vạn tượng hiện bày.
Tuần tự thể nhập ba bộ kinh trên, đầu tiên – do Văn Thù Bát
Nhã Diệu trí soi sáng lý chơn không vô tướng mà phát khởi diệu hạnh.
Hai—Do Bát Nhã chơn không diệu hạnh thể nhập Bất tư nghị
cảnh giới, dù nhập cửa huyền cảnh giới bất tư nghị nhưng không trụ nơi tướng.
Ba – Do vô trụ tướng diệu hạnh bát nhã tu tập thân khẩu ý ba nghiệp thanh tịnh,
bậc Hiền ba nghiệp tinh tấn, bậc Hộ (gìn giữ) phạm hạnh thanh tịnh, nên gọi
liên hườn thâm nhập cả ba kinh, thành tựu trong chỉ một đời mệnh danh cho đó là
đại giáo viên đốn.
Kinh Văn Thù Bát Nhã: Như người học bắn tập lâu chắc giỏi,
về sau dù vô tâm nhưng tên bắn ra mũi mũi đều trúng, nếu không do tập lâu thành
thói quen lại nói khan là vô tâm không bao giờ có. Do một môn tam muội bao gồm
tất cả môn tam muội, lấy một môn tam muội tổng trì các pháp. Các Đại Bồ tát đều
nhơn tam muội này chứng Đại Bồ đề.
Pháp Sư Minh Lễ ngụ
tại Đại học Vạn Hạnh Thủ đô Saigon nước Việt Nam, người có thỉnh vấn tựa nơi
tôi, ý muốn dịch ba bộ kinh Viên Đốn từ Văn Trung Hoa ra Văn Việt để cho tín đồ
Phật giáo nơi đất Việt trực nhập được giáo lý đại thừa viên đốn chóng đến
bờ giác vô thượng, nguyện của người sâu rộng như thế kẻ
thường thật khó ngang sánh, quả là Tăng già kiệt tác trên Việt sử cận đại, tôi
mới có lời rằng: Giáo lý Đại thừa tôi nghiên cứu rất cạn còn nói chi đến đại
giáo viên đốn! càng nghĩ kỹ lại càng thêm hổ thẹn,
kính cẩn đọc qua một dạo ba kinh viên đốn, nghĩa kinh sâu xa
huyền diệu khó thể suy lường, thật chỉ có Phật cùng Phật mới thấu hiểu cùng tận,
Bồ tát đại thừa còn chưa biết suốt đến nguồn, huống hồ gì bạc địa phàm phu!
Nghiên cứu ba bận rồi lại gẫm nghĩ mấy dạo thì cũng có thể hiểu
và nói lên sơ sài được đôi ba điều. Bất tư nghị cảnh giới Bát nhã diệu trí kia
chờ đợi kẻ trí bậc thánh hiền tách bạch ý nghĩa sâu xa khiến cho người duyệt
đọc được nhiều lợi ích đối với chánh pháp .
Xưa Bành Tế Thanh đặc biệt thông suốt pháp môn đại giáo Viên
Đốn cho pháp môn Niệm Phật bao gồm hết không thừa pháp nào. Như ai có thể tin
chơn thật chắc thật già dặn niệm một câu thánh hiệu “A di đà Phật” dọc ngang siêu
xuất đại giáo viên đốn nên cổ đức có nói
pháp môn tịnh độ bao gồm tất cả pháp. Cận đại đại sư Ấn Quang có lời dạy : “
pháp pháp đều xuôi về tịnh độ”. Một câu Di Đà bao trùm đại giáo viên đốn không
chút thừa sót, xác thật không còn nghi ngờ gì nữa. Do đó càng thêm hăng hái
thành khẩn tu trì rồi còn trở lại dạy dỗ kẻ có duyên lành, chắc chắn hiện đời
thân tâm thanh tịnh, được ưu tiên vào lãnh vực thánh hiền, đến phút cảm ứng đạo
giao liền về Cực Lạc. Các sự lợi ích đó thật khó hình dung hết được, chỉ xin
viết ít điều sơ lược để cống hiến cho người đọc vậy .
Việt Nam Hoa Nghiêm
giảng tự
Tỳ kheo Trung Hoa Thọ Dã kính đề vào ngày mồng tám
tháng tư năm Mậu Thân, Trung hoa Dân Quốc năm thứ 57 (1968 ) .
Người gửi bài: Đặng Hữu Phúc
Discussion about this post