ĐỨC
VUA PHẬT HOÀNG TRẦN NHÂN TÔNG
VỊ
TỔ NGƯỜI VIỆT NAM CỦA PHẬT GIÁO VIỆT NAM
HT.
Thích Trí Quảng
Trong
lịch sử dựng nước, giữ nước và xây dựng, bảo vệ Tổ
quốc của dân tộc Việt Nam, vương triều Trần (1226-1400)
được tôn vinh là triều đại sáng chói nhất thể hiện qua
những chiến công hiển hách thắng giặc ngoại xâm cũng như
chính sách hộ quốc an dân đã tổng hợp được sức mạnh
của toàn dân ta cùng với vua quan trong việc bảo vệ và phát
triển đất nước vô cùng tốt đẹp.
Qua
hơn 90 bài nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp của Đức
vua Phật hoàng Trần Nhân Tông trong cuộc hội thảo kỷ niệm
700 năm ngày Đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông Niết bàn,
tất cả đều nhận định rằng Ngài là một nhân vật tiêu
biểu sáng chói nhất của triều Trần. Không những Đức vua
anh minh Trần Nhân Tông ghi đậm dấu ấn sáng ngời qua cuộc
chiến thắng thần kỳ chống quân xâm lược Nguyên Mông, thế
kỷ XIII, mà đặc biệt hơn cả, Ngài được tôn danh là đấng
Điều ngự Giác hoàng Trần Nhân Tông vì nơi Ngài tỏa sáng
tư chất của vị Thiền sư đắc đạo và là vị Tổ đã
sáng lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, một dòng Thiền thuần
túy của Phật giáo Việt Nam .
Thật
vậy, lịch sử còn lưu dấu ấn son sắt về tài thao lược
lỗi lạc của Đức vua Trần Nhân Tông. Năm 21 tuổi, khi Ngài
lên ngôi là thời kỳ đế quốc Nguyên Mông hùng mạnh nhất
thế giới đã đem quân xâm chiếm, gây kinh hoàng khắp các
lục địa Á – Âu. Vậy mà đoàn quân tự hào bách chiến bách
thắng ấy đã phải hai lần thảm bại trước tài điều binh
khiển tướng của Đức vua Trần Nhân Tông, trong khi lúc bấy
giờ Đại Việt của chúng ta chỉ là một nước nhỏ, binh
sĩ không đông, vũ khí thô sơ và lương thực không nhiều.
Sau
khi đánh thắng quân Nguyên Mông lần thứ hai và thứ ba, cuối
thế kỷ XIII, Đức vua Trần Nhân Tông đã dốc toàn tâm
toàn lực cho việc xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc
cho nhân dân Đại Việt, tạo dựng xã hội Đại Việt được
ổn định và hướng đến phát triển. Điển hình là Ngài
cho mở các nông trang, làm các công trình thủy lợi, chia ruộng
đất cho dân chúng, tuyển chọn nhân tài, miễn thuế cho những
vùng bị thiên tai hạn hán, bão lụt v.v… Về văn hóa, Đức
vua Trần Nhân Tông là người đi đầu trong việc sử dụng
tiếng Việt để sáng tác văn học. Hai tác phẩm được vua
Trần Nhân Tông viết bằng chữ Nôm là Cư trần lạc đạo
và Đắc thủ lâm tuyền thành đạo ca còn lưu truyền đến
ngày nay .
Một
nét đặc sắc nổi bật của Đức vua Trần Nhân Tông, đó
là thái độ khoan dung của Ngài đối với một số quan lại
đã viết biểu dâng cho nhà Nguyên xin đầu hàng. Đức vua
đã không truy cứu xử tội họ mà ra lệnh đốt bỏ các tờ
biểu đó. Tấm lòng rộng mở tha thứ của Đức vua quả là
hiếm có, đã cảm hóa được những quan lại phạm tội, khiến
họ sanh tâm kính trọng và hết lòng với Đức vua sau này.
Ngoài
ra, một điểm đặc biệt nữa là sự cải cách thể chế
chính trị đáng kể dưới thời vua Trần Nhân Tông. Chế độ
vương hầu hùng cứ một vùng trước đó đã bị bãi bỏ
và tất cả quyền hành được thống nhất tập trung về triều
đình. Ngài thực hiện việc này một cách khéo léo, mang lại
sự an cư lạc nghiệp cho nhân dân, phát triển được đời
sống vật chất và tinh thần của người dân, làm lớn mạnh
sức đoàn kết của toàn dân với triều đình.
Mười
bốn năm trên ngôi vua, năm năm trên ngôi Thái thượng hoàng,
Đức vua Trần Nhân Tông luôn luôn là vị minh quân có một
không hai trong lịch sử nước ta. Ngài đã tổng hợp được
tất cả sức mạnh tinh thần và vật chất của nhân dân Đại
Việt để thành tựu được những việc làm lớn lao và tốt
đẹp cho nước nhà. Mặc dù phải giải quyết công việc bộn
bề của một vị minh quân trong thời kỳ còn nhiều khó khăn
của đất nước, nhưng Ngài vẫn quyết chí tu hành. Khi còn
là hoàng thái tử, ở tuổi thanh xuân, Ngài đã trường trai
và tự khắc phục tất cả những dục vọng. Và đến khi
ở trên ngôi vị tuyệt đỉnh đầy đủ thú vui trần thế,
Ngài vẫn giữ mình thanh tịnh tu hành và thường đến chùa
Tư Phước trong đại nội để tu tập.
Sau
khi hoàn thành trách nhiệm của một vị minh quân đối với
giang sơn xã tắc, năm 1929, Ngài từ bỏ ngôi vua một cách
nhẹ nhàng, để xuất gia làm nhà tu khổ hạnh, mặc áo nâu,
đi giày cỏ, ăn rau rừng, uống nước suối, miệt mài thể
nghiệm tinh ba của Phật pháp trên núi Yên Tử. Điều này
gợi cho chúng ta cảm nhận rằng Đức vua Trần Nhân Tông là
vị Phật hiện thân làm vua ở Việt Nam để cứu giúp nhân
dân ta thoát khỏi khổ ách của giặc ngoại xâm thời đó.
Vì vậy, đối với Phật giáo Việt Nam, Đức vua Trần Nhân
Tông chẳng những là vị đệ nhất Tổ của dòng Thiền Trúc
Lâm Yên Tử, mà còn là vị Phật thể hiện trọn vẹn nét
đặc sắc của Phật giáo Việt Nam, Phật giáo nhập thế tích
cực trên tinh thần “Tùy thuận thế duyên vô quái ngại, Niết
bàn sanh tử đẳng không hoa”.
Nếu
xét về thời điểm xuất gia tu hành, Đức Phật hoàng Trần
Nhân Tông của chúng ta khác với Đức Phật Thích Ca Mâu Ni
ở Ấn Độ. Đức Phật Thích Ca từ bỏ ngôi vị Thái tử
rất sớm để dấn thân trên con đường khổ hạnh và Ngài
tìm ra chân lý để giáo hóa độ sinh. Trong khi Đức Phật
hoàng Trần Nhân Tông của Phật giáo Việt Nam đã lãnh đạo
nhân dân dẹp giặc ngoại xâm rồi Ngài mới nhường ngôi
vua, lên núi Yên Tử tu hành miên mật và trở thành vị Phật
của người Việt Nam. Nói cách khác, theo tinh thần Phật giáo
Việt Nam, Đức vua Trần Nhân Tông đã lăn xả vào lằn tên
mũi đạn, sẵn sàng hy sinh tất cả, kể cả thân mạng của
Ngài để bảo vệ đồng bào, giữ gìn quê hương. Nhưng sau
khi giữ yên bờ cõi và chăm lo cho trăm dân an vui no đủ rồi,
Ngài từ bỏ ngai vàng một cách tự tại ví như vứt bỏ chiếc
giày rách vậy. Điều này cho thấy Đức vua Phật hoàng Trần
Nhân Tông làm vua để mang lại thái bình, thịnh vượng cho
toàn dân Đại Việt, chứ không phải để hưởng thụ. Vì
vậy, tuy khác nhau ở điểm xuất phát, nhưng Đức vua Phật
hoàng Trần Nhân Tông cũng hành xử giống như Đức Phật Thích
Ca ở điểm từ bỏ cung vàng điện ngọc, dấn thân vào con
đường phát huy tâm linh đến tột đỉnh. Đức Phật Thích
Ca rời bỏ ngôi vua, đi tìm con đường cứu khổ cho tất cả
chúng sinh. Còn Đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông sau khi hoàn
thành trách nhiệm của người lãnh đạo tối cao thì sẵn
sàng cởi áo hoàng bào, giao lại ngôi vua để chuẩn bị trở về nguồn cội Phật tánh của Ngài, trở về thế giới Phật
của Ngài. Vì vậy, Đức vua Trần Nhân Tông được nhân dân
Việt Nam tôn kính là vị Phật của người Việt Nam.
Với
trí tuệ và đạo lực của vị Thiền sư đắc đạo, trong
công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, Đức vua Trần
Nhân Tông đã thành công trong việc thống nhất thể chế chính
trị theo hình thức trung ương tập quyền. Ngoài ra đối với
đạo pháp, Ngài cũng hoàn thành một Phật sự vô cùng đặc
biệt, đó là sự thống nhất các hệ phái Phật giáo có trước
và khai sáng dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử. Trong lịch sử Phật
giáo Việt Nam, đây là lần đầu tiên Phật giáo thời nhà
Trần đã thống nhất được Phật giáo và thành lập một
Giáo hội duy nhất với một Thiền phái duy nhất của người
Việt Nam là Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Giáo hội Phật giáo
Trúc Lâm duy nhất đã phát triển đến đỉnh cao mang đậm
nét bản địa của Phật giáo Việt Nam, nhiều chùa tháp của
Giáo hội Trúc Lâm được xây dựng, tinh thần học Phật lên
cao, người xuất gia tăng nhiều, trong đó có nhiều người
thuộc giới quyền quý và hàng cư sĩ quy y Tam bảo cũng nhiều
hơn và nhất là ấn hành được Đại tạng kinh…
Thành
quả thống nhất đối với đất nước và đạo pháp của
Đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông gợi cho chúng ta liên tưởng
đến điểm tương đồng với Giáo hội Phật giáo Việt Nam
ngày nay. Năm 1975, khi nước nhà được độc lập và thống
nhất, thì đến năm 1981, sinh hoạt của Phật giáo Việt Nam
chúng ta cũng được chư tôn thiền đức của ba miền đồng
lòng thống nhất trong một Giáo hội Phật giáo Việt Nam duy
nhất.
Có
thể nói rằng Phật giáo Việt Nam ngày nay đã kế thừa sự
nghiệp Phật giáo của Đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông
700 năm trước, nghĩa là thể hiện nét son truyền thống của
Phật giáo bản địa, Phật giáo Việt Nam của người Việt
Nam và do người Việt Nam lãnh đạo.
Tóm
lại, Đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông là tấm gương sáng
ngời của một bậc minh quân lỗi lạc, một vị Tổ sư đắc
đạo đầy đủ tài đức, Ngài đã lưu lại những trang sử
hào hùng cho đất nước Việt Nam cũng như để lại sự nghiệp
vẻ vang cho Phật giáo Việt Nam.
Ngày
nay, Phật giáo Việt Nam chúng ta được phước duyên kế thừa
trí giác và đạo hạnh của một vị Tổ sư khai sáng và phát
triển dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử, kế thừa một Giáo
hội duy nhất hiện hữu từ thời Trần đã lưu dấu ấn vàng
son trong lịch sử Phật giáo Việt Nam. Vì vậy, thiết nghĩ
chúng ta tôn thờ Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông là vị Tổ
sư đắc đạo của Phật giáo Việt Nam là điều đúng đắn
hoàn toàn và rất cần thiết.
Chúng
tôi đề nghị Giáo hội Phật giáo Việt Nam chính thức công
bố Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông là vị Tổ sư người
Việt Nam đã thống nhất Phật giáo Việt Nam cách nay 700 năm;
đồng thời, tất cả các chùa Việt Nam cần phải thờ phụng
tôn tượng của Đức Điều ngự Giác hoàng Trần Nhân Tông
và hàng năm, trên cả nước, Giáo hội Phật giáo Việt Nam
chúng ta nên tổ chức ngày lễ giỗ Tổ tưởng nhớ đến
công đức siêu tuyệt của Đức vua Phật hoàng Trần Nhân
Tông thật long trọng như ngày lễ hội lớn của Phật giáo
Việt Nam.
HT.Thích
Trí Quảng
(Giác
Ngộ)
Discussion about this post